Văn chương trong sự nghiệp tác gia Mịch Quang
23/09/2020
I.Mừng thọ cụ Mịch Quang tuổi bách niên
Nhân dịp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc và gia đình tổ chức Lễ mừng thọ và Hội thảo “100 nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang”, dẫu ngoại đạo với nghệ thuật Tuồng, nhưng tôi vẫn cố gắng viết bài tham gia hội thảo về “bậc lão tướng tuồng” mà dì tôi – NSND Mẫn Thu đã nhắc đến rất nhiều với niềm thành kính, tri ân. Mịch Quang là một nghệ sĩ đa tài, uyên bác toàn diện về văn học, nghệ thuật. Cả cuộc đời mình, ông đã dành toàn bộ tâm lực, trí tuệ, tài năng nghiên cứu, sáng tác, góp phần bảo tồn, phát huy nền văn hóa dân tộc. Nhà nghiên cứu Mịch Quang đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2001) và 15 năm sau là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (năm 2016).
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn đề cập đến nhà nghiên cứu sân khấu Mịch Quang với tư cách một nhà văn, một nhà nghiên cứu sân khấu giàu nhân cách văn hóa. Bài viết này là món quà nhỏ kính tặng bậc lão tướng ngành tuồng khiêm nhường, tận tụy, nhiệt huyết, trí tuệ, một ngọn lửa đam mê rực sáng, một cá tính sang tạo độc đáo, một chiến sĩ kiên định bảo vệ nghệ thuật dân tộc như nhận xét của NSND Lê Tiến Thọ – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhân tuổi bách niên. Chúc nhà nghiên cứu Mịch Quang thượng thọ.
II.Văn chương đồng hành làm nên sự nghiệp Mịch Quang
2.1.Nhà văn Mịch Quang tiếp nối truyền thống yêu văn chương, coi trọng rèn rũa nhân cách văn hóa từ trong gia đình
Mịch Quang là nhà viết kịch thơ, nhà nghiên cứu và soạn tuồng nổi tiếng. Ông bộc lộ thiên hướng văn chương từ nhỏ. Có lẽ, tố chất này được dung dưỡng từ truyền thống gia đình nhiều thế hệ yêu văn chương và văn hóa dân tộc.
Trước hết, nhà nghiên cứu, Mịch Quang hưởng ân phúc văn chương từ cụ Lê Đại Cang (1771-1847) – bậc Nho tướng hơn 40 năm cống hiến, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ba triều vua nhà Nguyễn từ Gia Long (1802-1820) đến Minh Mạng (1820 – 1841) và Thiệu Trị (1841-1847). Là chắt của bậc Quốc sĩ, thuở nhỏ, Thế Khoán đã nhiều lần được cha mẹ đi cùng về dự đám giỗ ông Lê Đại Cang, cậu Thế Khoán ấn tượng với thanh đại đao trong từ đường và những bộ sách nổi tiếng của cụ Lê Đại Cang như: “Nam hành”, “Tục Nam hành”, “Tĩnh ngu thi tập” thế kỷ XIX. Ông luôn tự ý thức và tự hào về những tác phẩm văn chương của cụ Lê Đại Cang để lại. Ông hiểu những tập sách đó đã góp phần làm phong phú nền văn học Việt Nam thế kỷ XIX.
Thứ hai, ông thừa hưởng gen văn chương từ cha, cách giáo dục của gia đình Nho học
Nguyễn Thế Khoán, Mịch Quang – Cái tên đã mang sinh mệnh lịch sử. Vốn là một nhà Nho đỗ tú tài, cha ông – nhà thơ Tú Diệu Liên cư sĩ rất cẩn thận trong việc chọn và đặt tên cho cậu con trai duy nhất của mình. “Cha tôi tìm được chữ “khoán” nghĩa là sáng”. Vì thế, Nguyễn Thế Khoán là tên khai sinh, tự là Tử Quang, pháp danh là Như Hòa (do Hòa thượng cúng quy y đặt). Bước vào con đường văn nghệ, Nguyễn Thế Khoán tự thấy “chữ Tử Quang cha đặt cho có vẻ “Mạnh tử, Khổng tử” quá, nên ông đã tự ý chiết tự chữ Khoán ra thành bút danh Mịch Quang “Vì chữ Hán, tên cha tôi có bộ “mịch” nên cha tôi phải tra tự điển tìm chữ có bộ “mịch”. Như vậy, tên Nguyễn Thế Khoán do cha mẹ đặt, nhưng cách mạng tháng Tám đã sinh ra cái tên Mịch Quang.
Nguyễn Thế Khoán sinh ngày 01 tháng 5 năm 1917 trong một gia đình nho học tại làng Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định – mảnh đất “địa linh nhân kiệt” nổi tiếng về văn thơ và nghệ thuật tuồng (hát bội). Dẫu là “con cưng” duy nhất trong gia đình (hai chị mất lúc 3, 4 tuổi), được thương yêu, chăm sóc, cưng nựng, chiều chuộng, nhưng Thế Khoán được cha mẹ dạy dỗ rất nghiêm khắc. Cha mẹ ông rất quan tâm hướng con cái đến con đường học vấn và rèn rũa nhân cách, đạo đức. Gia đình được xếp vào trung nông “Nhà tôi có 5 sào ruộng tư, thuê người cày, mẹ tôi đi cấy…”. Do điều kiện ở quê học hành khó khăn, sau khi học xong lớp vỡ lòng, cha đã gửi cậu con trai duy nhất đến Quy Nhơn học. Gia đình rất quan tâm khuyến khích đạo học. Khi con trai học xong lớp nhất (thi đỗ ri me), gia đình đã tổ chức ăn mừng. Từ Quy Nhơn, năm 1936, ông ra Huế thi đỗ Cao đẳng Tiểu học (gọi là đíp-lôm). Sau đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thế Khoán đành tạm gác giấc mộng ra Huế học tú tài, đành chờ tìm kiếm việc làm phụ giúp gia đình. Sau đó, ông được mời đi dạy trường tư thục ở An Thái, Huế…
Thế Khoán thừa hưởng gen từ cha – một nhà thơ cổ điển đã từng cộng tác với báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng; một người viết phê bình nghệ thuật sắc sảo và là một nghệ sĩ từng cầm chầu có tiếng.
Không chỉ quan tâm con đường học vấn cho con, cha ông còn luôn ý thức giúp con thấu hiểu lẽ “Nhân chi sơ tính bản thiện, tánh tương cận, tập tương viễn”, ông cố ý “tập” tôi từ thời thơ ấu. Trước tiên, ông kể cho tôi nghe sự tích các vị tiên tổ bên nội, bên ngoại để tôi sống xứng đáng với tiên tổ, sau ông dạy cho tôi tình yêu làng, làng Phụng Sơn… Trong những ngày nghỉ hè để chuẩn bị vào đệ nhứt niên Cao đẳng tiểu học, cha tôi bắt đầu kể cho tôi nghe về chuyện của chính ông, chuyện các ông bên nội bên ngoại. Ông nhấn mạnh nhất vào chuyện của ông nội tôi hy sinh trong khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp và bài thơ của ông Đặng Xuân Thiều khóc ông nội tôi. Bài thơ ấy tôi học thuộc lòng từ thời ấy đến bây giờ”. Không chỉ truyền cho con tình yêu văn chương, ông còn rèn rũa con trai tinh thần yêu nước. Bởi thế, xem vở tuồng “Địch Thanh qua ải”, thấy con thắc mắc, cha giảng giải cho Thế Khoán rất cặn kẽ: “Đó là ám hiệu của Cụ Tú Nhơn Ân (tác giả) nhắn những ai sau khi Tây Sơn thất bại, vì sinh kế phải đi làm quan cho triều Nguyễn bán nước. Con hãy nghe những câu hát của Địch Thanh lúc đi dạo huê viên nước Đơn (Địch Thanh là người nước Tống):
Liễu giương mày rước khách
Đào mở miệng chào người
Vườn Đông bướm lượn reo cười
Viện Bắc ong đua chớp cánh
(Đẹp cha chả là đẹp? Phong cảnh mỹ tú đó chứ nhưng mà phi ngô thổ).
Câu nầy nghĩa là: Phong cảnh đẹp thật, nhưng không phải đất nước của ta. Cụ Tú đã mượn hoàn cảnh Địch Thanh đang ở nước Đơn để nói rằng đất nước ta không còn là của ta nữa do triều Nguyễn đã bán cho Tây, nên nếu có làm với họ để kiếm cơm phải luôn nhớ chữ “tạm”. Vì thế hiện nay trong giới quan lại người ta phân biệt hai loại, loại quan thường và loại “quan bầy tôi”. “Bầy tôi” nói lái ra là “bồi Tây” con hiểu chưa? Ông Án sát Kỳ Sơn cạnh làng mình là quan bầy tôi đấy. Do đó cha hết sức tránh giao du với ổng”[1].
Phúc đức tại Mẫu. Mẹ ông là người phụ nữ tảo tần, đảm đang, giỏi nữ công gia chánh, sống rất mực nhân hậu “Mẹ tôi bảo đã được bà ngoại tôi dạy tập từ hồi con gái. Bà ngoại tôi bảo: “gạt hoa mè” cho người mua có thêm được ít lúa mà vẫn trả tiền như “gạt cột sột” là để ân đức cho con cháu”. Bà có chất giọng rất tốt. Thế Khoán đã lớn lên trong điệu hát ru ngọt ngào của mẹ. Tố chất văn chương của ông được chắp cánh từ những lời ru ấy.
Ngay từ nhỏ, Nguyễn Thế Khoán đã yêu văn chương nghệ thuật, đam mê nghe hát. Ông lớn lên trong môi trường thấm đẫm chất dân ca dân tộc với những giai điệu, ca từ luyến láy, mộc mạc như đã ăn sâu vào trong máu. Từ quê hương có truyền thống hát bội, bài chòi, hò giã gạo, dân ca, quê hương của hậu tổ tuồng Đào Tấn, Thế Khoán mở lòng tích lũy nhiều thể loại khác như cải lương, dân ca Huế, hát mới, hát Tây… Môi trường dân ca đã dung dưỡng cho năng khiếu sớm nảy nở “tôi lại có dịp bắt chước hò giã gạo nhờ những đêm tổ chức tại sân nhà tôi, bắt chước nói thơ Vân Tiên của anh Chín, bắt chước ngâm Kiều của cha tôi. Tôi không học, không hỏi mà cứ nghe nhiều lần rồi nhập tâm… tôi chỉ có thể xem bộ tịch và nghe giọng hát”. Được tiếp xúc với cải lương, đờn ca tài tử ngay từ nhỏ, nên Thế Khoán đã thuộc lòng những vở diễn, như: “Kim Vân Kiều”, “Thoại Khanh Châu Tuấn”, “Dạ cổ hoài lang”, “Xử án Bàng Quý Phi”, “Tái sinh kỳ ngộ”… Năng khiếu nghệ thuật của chàng trai Nguyễn Thế Khoán đã bộc lộ và phát triển từ đội cải lương Ninh Hòa và ở đó, anh như một diễn viên đa năng, vừa hát cải lương, vừa hát tân nhạc.
III.Văn chương đồng hành cùng sự nghiệp
Mịch Quang giỏi Việt văn, khá Pháp văn, đam mê hát bội. Ngày bé, ông đã tiếp xúc với văn học và học thuộc lòng 10 bài thơ liên hoàn của Thượng tân thị thác lời vợ của Thành Thái khóc chồng con:
Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương
Quê người đành gởi thân trăm tuổi
Cuộc thế mong gì nợ bốn phương
Vào bộ đội, Thế Khoán đảm nhận Trưởng ban Văn hóa Trung đoàn 94. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông làm thơ, viết văn, tổ chức nhiều hoạt động cho nhóm văn nghệ của Phân hộiVăn nghệ Bình Định, biểu diễn phục vụ kháng chiến… Tập kết ra Bắc, Mịch Quang làm biên tập viên văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam trong tổ “Tiếng thơ”. Theo đề nghị của ông, chuyên mục “Tiếng thơ” được tách ra thành “Tiếng thơ” (giới thiệu thơ mới) và “Vốn cổ văn học” (giới thiệu thơ cổ). Được phụ trách chuyên mục “Vốn cổ văn học”, Mịch Quang có cơ hội phát huy năng khiếu văn học của mình, nhất là văn học cổ Việt Nam. Chuyên mục được bạn nghe đài yêu mến bởi ngoài phần bình luận, giới thiệu của ông (hoặc cộng tác viên) lại được các nghệ sĩ nổi tiếng như bà Quách Thị Hồ, bà Nguyễn Thị Tuyết và cô Trần Thị Tuyết ngâm thơ minh họa “Tôi phân tích văn học các bài, đoạn thơ cổ được giới thiệu, gợi ý thêm những chỗ cần nhấn mạnh, nghệ nhân ngâm thử. Vì giai điệu bài thơ được ngâm không chỉ được tiến hành sáng tạo trên các từ mà còn trên láy, luyến, ngoài từ. Tôi rất ngạc nhiên thấy cách lẩy Kiều và ngâm thơ bát cú của ca trù có những nét giống ngâm Kiều và ngâm thơ bát cú của Bình Định mà tôi học được của cha tôi, chỉ khác có giọng nói. Việc tập dượt này do tôi bàn với các nghệ nhân, được họ đồng tình chứ không phải chủ trương của đài nên không có chế độ. Chỉ có chế độ khi thu băng thôi”.
Mịch Quang đã xê dịch từ Nam ra Bắc, làm việc ở nhiều nơi. Môi trường ông công tác, nhất là thời gian công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Viện Sân khấu Việt Nam đã tạo điều kiện cho ông thỏa sức sáng tạo văn chương nghệ thuật. Ngoài việc viết bình luận cho chuyên mục văn học cổ, ông làm thơ, viết văn, viết kịch bản. Tác phẩm đó đã đăng trên báo Thống Nhất và in chung với Trương Quang Lộc một tập thơ “Nón che nghiêng” và một tập văn xuôi “Đây miền Trung” (Nhà xuất bản Lao động).
Mịch Quang là một tấm gương về sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng nghỉ. Khắc phục cách xem văn tuồng hát bộ chỉ qua nghe giọng hát và bộ tịch; làm đầy tri thức cho mình về văn học, Hán văn, ông đã tự học, khổ luyện để trở thành một nhà văn, mặc dù chưa một lần ông thừa nhận danh hiệu ấy. Từ khi phụ trách chuyên mục thơ cổ, ông lại càng nỗ lực hơn học chữ Hán, văn chương trung đại. Ông đã khắc phục bằng cách tìm hiểu, dồn tâm sức cho việc học tập văn học nói chung và văn học cổ nói riêng.
Mịch Quang làm thơ rất sớm. Xứ Huế mộng và thơ đã dung dưỡng và sớm phát lộ năng khiếu văn chương của cậu học trò Nguyễn Thế Khoán. Chỉ có hai năm ở Huế, nhưng dường như xứ kinh đô đã để lại trong ông bao kỷ niệm sâu sắc, khó quên. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ thiên hướng yêu môn văn học. Chính vì thế mà được gia đình gửi ra Huế, ông đã từ trường Phú Xuân chuyển sang trường Hồ Đắc Hàn chỉ với một lẽ trường có thầy Cao Xuân Huy dạy Văn nổi tiếng .
Hồi ký về Huế cứ vương sợi tơ lòng “Nhà thì ở trong thành, trường thì ở bên kia sông Hương, khu vực hành chính bảo hộ, khoảng cách độ 3km, chỉ toàn đi bộ. Thời ấy học sinh sinh viên chưa biết đến xe đạp. Thời tiết Huế mùa mưa thật là khó chịu, mưa luôn cả tháng không ngớt”. Năm 18 tuổi (1935) Thế Khoán đã có bài thơ “Đi thuyền trên sông Hương” viết theo thể thơ thất ngôn truyền thống:
Bạn cùng ta đi thuyền sông Hương
Không đàn không hát chỉ ngồi suông
Dòng sông mở nhẹ đôi tà áo
Đón mũi thuyền ra dưới rặng dương
Bài thơ ông viết nhân một người bạn rủ góp tiền đi chơi đò sông Hương. Vì học trò nghèo, nên chỉ đủ tiền thuê chiếc đò chèo dọc sông Hương, không có đàn hát, phách nhịp, hò Huế. Dù ở Huế chỉ có 2 năm, Thế Khoán hiểu người Huế và cả người quê xa đến Huế đều gắn bó với dòng Hương Giang, nơi cội nguồn nảy sinh và hội tụ của bản sắc văn hóa nơi đất cố đô, như: Ðua thuyền, ngủ đò, thả thơ, ca Huế… trên sông. Chàng thư sinh lặng lẽ mơ tưởng dẫu Một đêm ca Huế trên sông Hương giữa tiếng sóng nước ru vỗ vào mạn thuyền rồi lan xa, lan xa… Trăng càng về đêm càng vằng vặc giữa thinh không tĩnh mịch… Giọng hát, tiếng đàn đã thực sự ru tâm hồn vào một miền ký ức sâu thẳm nhuộm tím lòng người mà không sao quên được. Sông Hương đã đọng lại trong tâm thức một tình cảm dịu dàng, lãng mạn. Như bất cứ một thi nhân nào, cậu học trò thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp của sông Hương thơ mộng trong đêm trăng tĩnh lặng “Ta bỗng nhìn vẻ đẹp sông Hương”, “Nhìn Phú Văn Lâu dưới bóng cầu”. Nhà thơ nặng lòng “Ta yêu mình ơi hỡi sông Hương”. Một cảnh đẹp như một biểu tượng của Huế đã tốn bao giấy mực thi nhân “dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” (Hàn Mạc Tử). Đọc bài thơ về Huế của Mịch Quang khiến ta cảm nhận ông như một nhà thơ có nghề:
Ta say nhìn vẻ đẹp sông Hương
Dịu dàng kín đáo dưới trăng sương
Lời yêu chẳng ngỏ cho ai cả
Nhưng có ai mà chẳng nhớ thương
Nhưng chạm mắt đến từng dòng thơ mới thấy tấc lòng ưu ái của một người dân yêu nước. Nhà thơ đâu chỉ vịnh cảnh đẹp, chỉ thấy sông Hương ở vẻ lãng mạn, thơ mộng, êm ái, mà còn thấy một khía cạnh khác của sông Hương như tiền nhân đã viết “Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền/ Trường giang như kiếm lập thanh thiên” (Hiểu quá Hương giang – Cao Bá Quát). Vì thế, nhân cảnh, ông gửi nỗi niềm của người dân mất nước. Bao câu hỏi tự vấn nhói lòng:
Kèn Tây vang vọng quanh thành cũ
Nỗi ấy, lòng sông có vấn vương
Nhìn Phú Văn Lâu dưới bóng cầu
Nỗi niềm vong quốc quặn lòng đau
Mái chèo trở nhẹ, sông cau mặt
… Muốn hỏi sông Hương đến thuở nào
Bầu trời ta sạch bóng diều hâu?
Nhà thơ tâm sự với dòng sông và chỉ có dòng sông hiểu hơn tâm trạng “Như cảm cùng ta một mối sầu”. Chàng trai tuổi đôi mươi thể hiện rõ chính kiến của mình với một tình yêu đất nước tha thiết:
Ta yêu mình ơi hỡi sông Hương
Càng đậm tình yêu với nước non
Sông ơi chớ dắt ta vào mộng
Ta sợ trong mơ dễ lạc đường
Và nguyện ước khát vọng đất nước giải phóng khỏi ách ngoại xâm:
Muốn hỏi sông Hương đến thuở nào
Bầu trời ta sạch bóng diều hâu
Để khi nhìn xuống dòng trong suốt
Chỉ thấy trời xanh biếc một màu
Những tâm sự của Mịch Quang có căn nguyên từ lời cha dạy “Bấy giờ tôi mới thấm cái thân phận vong quốc mà cha tôi đã mớm cho tôi, thấy cái sâu sắc của chữ “tạm” và “phi ngô thổ” của cụ Tú Nhơn Ân. Cũng trong những năm này cha tôi đọc cho tôi nghe bài thơ họa vận “Vịnh Tháp đôi” với tri phủ Hồ Sĩ Thản”. Tâm lý vong quốc trong ông rất sâu sắc đến mức khi đọc thơ Hàn Mặc Tử do học sinh chuyền tay: “Trăng nằm sóng soài bên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi”, Thế Khoán đã bộc lộ thái độ của mình:
Thơ anh nghe đẹp tuyệt vời
Đọc lên tôi thấy rụng rời tâm can
Giữa khi đất nước điêu tàn
Làm trai sao nỡ mơ màng yêu đương…
Sau Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954, trên tàu thủy Kilinski của Ba Lan tại cảng Quy Nhơn, Mịch Quang cùng vợ và 5 con (ba gái hai trai) tập kết ra Bắc. Ông làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Vợ ông công tác tại Công ty thực phẩm Hà Đông và các con vào học trường học sinh miền Nam.
Sống trên đất Bắc, nhưng không lúc nào ông nguôi thương nhớ miền Nam. Bài thơ “Tâm sự” viết năm 1956, sau 2 năm ra Bắc là nỗi riêng niềm chung của đất nước, dân tộc. Mịch Quang gửi tặng bài thơ cho các bạn tập kết và cho chính mình:
Có những sớm mai chủ nhật
Khép cửa cơ quan nghe lòng trống rỗng
Tôi vội đi dong gió đô thành
Sống trong lòng miền Bắc, không lúc nào khôn nguôi nỗi nhớ quê hương Bình Định. Mỗi cảnh sắc Hà Nội đều nhắc nhớ tình yêu quê nhà sâu nặng:
Nhìn Tháp Rùa nhớ tháp Cầu Gành
Ngắm nước Hồ Tây mơ đầm Thị Nại
Quang gốc dừa tụm năm tụm bảy
Bới từng đốm lửa quê hương…
Vào chợ Đồng Xuân
Đánh lừa đôi mắt
Tìm họa may đôi màu sắc Gò Chàm
Lắng tiếng ồn giữa phố Hàng Ngang
Thử có vọng ngày phiên Đập Đá?
Dẫu ồn ã chốn đông người thì tâm trạng thi nhân nào vui được vì “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Một nỗi trống vắng, cô đơn vây buở, xâm chiếm tân can: “Khép cửa cơ quan nghe lòng trống rỗng…Chuyện giòn tan lòng vẫn trống như thường… lòng lại trống nhiều hơn”.
Một nỗi nhớ thường trực: “Tìm quanh hơi hướng gia đình…Tôi quay trở về/ Khép phòng riêng lại”.
Đau đáu mong Bắc Nam thống nhất là niềm mong thường trực của bất cứ người con miền Nam nào tập kết ra Bắc “Viết bài thơ Thống nhất Bắc – Nam/ Chắp ý thơ tôi bắt con đường/ Dẫn lại bờ tre bóng xoài thân thuộc/ Cây vú sữa hè sau/ Hương dừa Xiêm ngõ trước/ Còn chờ tôi mới ra trái đầu mùa/ Vợ tôi dù đang giữa gió mưa/ Vẫn biết chắc trên mây mù có nắng/ Đây thôn xóm đồng bào/ Đây họ hàng bè bạn/ Dòng thơ soi trong vắt những lời nguyền/ Khắc vào gan vào óc vào tim”.
Lúc này, thơ trở thành nơi vịn bám, giải tỏa nỗi nhớ quê hương miền Nam:
Đất nẻ gặp mưa rào, lòng tôi rạo rực
Uống no tràn bao hình ảnh hằng mơ…
Tôi còn muốn làm thơ
Suốt những ngày chủ nhật
Để lấp trống lòng tôi
Khát vọng Bắc Nam thống nhất thường trực. Nên chỉ sau khi miền Nam giải phóng, ông đã cùng vợ con trở về Nam. Khát vọng đó thường trực, đau đáu tâm can ông từ khi ở miền Bắc:
Để góp lại ba chục ngày nhập một
Bước mau dần từng tháng trở về Nam
Với lão tướng tuồng Mịch Quang, sự học là suốt đời. Ông kiên trì học tập ở bất cứ đâu: sách báo, qua các cuộc tọa đàm, hội thảo; học trong những cuộc tranh luận chuyên môn; học bất cứ ai để làm rõ những vấn đề học thuật…Vì thế, ông đã tự phong cho mình danh hiệu “Lão học sinh” xuất hiện trong bài thơ “Khai bút xuân Tân Tỵ” đầy xúc động:
Tám mươi lăm tuổi tự ta phong
Hàm lão học sinh có được không
Học mãi học hoài còn thấy dốt
Viết rồi viết nữa vẫn chưa xong…
Mịch Quang có nhiều sáng tác thành công về đề tài lịch sử như: “Phất cờ nương tử”, “Vua Hùng kén rể”, “Quang Trung”, “Áo vải cờ đào”, “Trần Hưng Đạo”, “Má Tám”… đặc biệt vở tuồng “Thanh gươm hát bội” có sức sống lâu bền trong công chúng miền Trung qua nhiều thập kỷ. Vừa sáng tác nghệ thuật, ông vừa say mê nghiên cứu khoa học. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”, “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”, “Khơi nguồn mỹ học dân tộc” cùng hơn 80 tiểu luận đăng trên báo chí. Qua những công trình đó, ông đã trao truyền nhiều kinh nghiệm quý báu cho ngành sân khấu trên nhiều lĩnh vực: âm nhạc, cải lương, tuồng, bài chòi, mỹ thuật dân tộc, kịch bản sân khấu, kịch thơ…
Nhờ vốn am tường lĩnh vực văn học, trước năm 1975, Mịch Quang đã viết vở kịch thơ “Vua Hùng kén rể”. Vở kịch đã được thu thanh trên đài phát thanh Giải Phóng. Trên cơ sở kịch thơ đó, ông đã phát triển thành một kịch bản tuồng hoàn chỉnh. Ông sáng tạo vở “Quang Trung”. Đoạn đầu của vở tuồng, ông đã hư cấu từ hiện thực lịch sử: “Ngọc Hân đang ngắm trăng ở cung riêng, Nguyễn Huệ đang luyện ngoài thành… Bỗng Ngọc Hân được tin báo Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh, nàng uất, giận đến ngất, vì ngày xưa chính nàng đã đích thân xin cho Lê Chiêu Thống được nối nghiệp theo sức ép của Việm quận công. Sau khi trấn an Ngọc Hân, Nguyễn Huệ lại trở ra nơi luyện quân. Ngọc Hân lấy áo bào đưa cho Nguyễn Huệ và nói: “Xin chàng hãy khoác chiếc áo bào cho đỡ giọt sương khuya”. Nguyễn Huệ nói: “Nàng để đó mặc ta, hãy vào nghỉ đi”. Ngọc Hân vào rồi, Nguyễn Huệ cầm chiếc áo bào đưa lên nói một mình: “Nàng công chúa nhà Lê cẩn thận quá! Nàng có biết đâu rằng: “Dân áo vải đã quen rồi sương giá/ Với lại/ Kẻ làm tướng nếu giữ mình ấm quá/ Thì/ Hiểu làm sao nỗi lạnh của muôn binh”. Vở tuồng trên được biểu diễn rất thành công trong buổi khánh thành Bảo tàng Quang Trung. Ông hư cấu vở “Trưng nữ vương”: “Tôi hư cấu chỗ ấy như sau: Tô Định ra lệnh cho các hạng mục về cơ sở hiểu dụ dân chúng nộp ngà voi, sừng tê giác cho hắn để gửi về Hán Quốc mừng lễ công chúa Hán vu quy. Thi Sách định không đi. Nhưng Trưng Trắc khuyên nên đi để tìm thời cơ vận động dân chúng ngầm hưởng ứng cuộc khởi nghĩa tương lai. Đến khi nạp bảo vật cho Tô Định, các quận mục đưa sừng tê ngà voi đến. Riêng Thi Sách đem dâng một vò rượu cúc nói là đặc sản của Diễn Châu. Tô Định tỏ ra rất uất nhưng hắn lập tức nghĩ được mưu. Hắn gọi tay sai đến bảo đưa vò rượu cúc xuống khao thưởng ba quân và dặn nhỏ tên tay sai. Xong hắn mời mọi người vào tiệc. Bỗng, tên tay sai ra báo: lính uống rượu cúc bị ngộ độc chết. Tô Định kết tội ngay cho Tô Sách và truyền đem chảm…”.
Đặc biệt trong suốt cuộc đời nghiên cứu, Mịch Quang là người đầu tiên giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Đào Tấn – một nhà yêu nước, nhà hoạt động sân khấu kiệt xuất, nhà thơ lỗi lạc của dân tộc, hậu tổ tuồng, trên văn đàn miền Bắc. Sở dĩ có vốn nghiên cứu về Đào Tấn sâu sắc như vậy là do từ nhỏ, ông đã được cha truyền cho niềm đam mê về nhân vật Đào Tấn. Cha đã giảng giải cho ông từng chi tiết trong “Trầm hương các” và “Hộ sinh đàn”. Trong hồi ký, soạn giả Mịch Quang đã viết “Biết tôi có trình độ Việt văn khá, cha tôi đã giảng cho tôi hiểu về văn học hát bộ, nhất là của cụ Đào Tấn. Mượn những chi tiết vua Trụ say mê nữ sắc, uống rượu sâm banh, Đắt Kỷ ăn cháo gà uống sữa bò trong “Trầm hương các”, Đào Tấn muốn nói tới ông vua của ta. Trong tuồng “Hộ sinh đàn”, cụ Đào ám chỉ “Trương Như Cương với Nguyễn Thân, hai tên quan Việt gian khét tiếng đương thời bằng các câu tuồng: “Một thằng Cương đã nhức nhối thiên hạ…Thằng Thân hạ mã”…
Không dừng ở nghiên cứu, Mịch Quang đã sáng tác vở “Thanh gươm hát bội”. Đây là vở tuồng lịch sử mà nhân vật chính là danh nhân Ðào Tấn. Vở tuồng được xây dựng khi ông ra Hà Nội làm việc với Viện Sân khấu năm 1986. Được nghe kể việc vua Thành Thái đã trao cho Đào Tấn thượng phương kiếm để xử lý tên Bồi Ba (mật thám đắc lực của Khâm sứ Pháp) cậy thế lộng hành, về Nha Trang, ông bắt tay viết vở tuồng “Thanh gươm hát bội”. Vở tuồng do GS Hoàng Chương đạo diễn, Nhà hát tuồng Phú Khánh dàn dựng, phục vụ Hội nghị khoa học lần thứ ba về thân thế và sự nghiệp của Đào Tấn (do Bộ Văn Hóa và UBND tỉnh Nghĩa Bình tổ chức năm 1987). Năm 1990, vở tuồng đã đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Vở diễn được phục dựng tham gia Hội diễn nghệ thuật tuồng toàn quốc tại Quy Nhơn trong khuôn khổ Festival Tây Sơn- Bình Ðịnh do đạo diễn (Hoàng Chương), biên đạo múa (NSND Ðặng Hùng), âm nhạc (Thao Giang), thiết kế mỹ thuật (TS. Ðoàn Thị Tình)…Vở diễn làm mới bằng cách tuồng hóa toàn bộ các khâu của vở diễn. Cái tài của GS Hoàng Chương là xây dựng hình tượng Đào Tấn thành một hình tượng đa diện và đa nghĩa như ý đồ của kịch bản; làm cho vở diễn sôi động, gần với đời sống thực, dung dị mà giàu chất thơ, hiện đại mà không mang tiếng “phá tuồng”[2]. Tất cả các nhân vật đều phải diễn tuồng theo khuôn mẫu, từ động tác, trình thức đến ca hát, võ thuật dân tộc, loại bỏ tất cả những cách thức thể hiện không dựa trên nền tuồng truyền thống. Trong vở đã có tới bốn lớp tuồng truyền thống nguyên mẫu đặc sắc, được khai thác từ tuồng Ðào Tấn. Vở “Thanh gươm hát bội” sau khi phục dựng đã có diện mạo mới, đậm chất tuồng truyền thống, mở ra hướng đi đúng trong việc nâng cao nghệ thuật tuồng, được dư luận đánh giá cao. Theo GS Hồ Sĩ Vịnh, “Thanh gươm hát bội” là hình ảnh ẩn dụ sâu xa mà tác giả Mịch Quang muốn nói lên cốt cách cương trực ngay thẳng của một vị quan thanh liêm, đồng thời là tài năng và tính độc đáo của một nhà hoạt động vì nước vì dân, vốn là hai phẩm chất cao đẹp của Đào Tấn. Đó cũng là chủ đề tư tưởng của vở tuồng.
III.Khúc vĩ thanh
Tiếp nối truyền thống gia đình Nho học, soạn giả Mịch Quang sống chân thực, giản dị, ngay thẳng, khí khái. Cuộc đời ông là minh chứng cho ý chí tiến thủ, vươn lên với tinh thần hiếu học, khổ học thành tài. Hơn nữa, lão tướng tuồng có một tâm hồn nghệ sĩ bậc thầy và một tư duy bác học về nghệ thuật dân tộc.
Ông mang cốt cách của một nhà khoa học chân chính. Cứ lặng lẽ, khiêm nhường, hết lòng làm việc phụng sự cho nghệ thuật dân tộc. Tác phẩm và công trình của Mịch Quang được giảng dạy, nghiên cứu trong và ngoài nước. Công trình nghiên cứu âm nhạc Việt Nam “Cấu trúc động – mở” của ông được đưa vào giáo trình đại học ở Mỹ. Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang được coi là một trong những người mở đường, đặt nền móng xây dựng nền sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống Việt Nam. Đồng thời, ông là một trong những nhà nghiên cứu và tác giả tuồng hàng đầu Việt Nam. Lấy chữ tâm làm trọng, ông không màng danh lợi, không cầu danh vị, học hàm, học vị: “Tôi không có học hàm giáo sư bởi mải mê với nghiên cứu và đóng góp cho nghệ thuật mà không có điều kiện học hành lấy bằng cấp…”[3]. Ông sử dụng thành thạo tiếng Pháp, đọc nhiều tác phẩm văn học trong và ngoài nước. Đồng thời, ông giỏi chữ Hán, am hiểu văn thơ cổ điển dân tộc; thơ và từ Trung Hoa. Hầu hết kịch bản của ông mang tính văn học cao, đậm trí tuệ, có phong cách riêng. Chỉ riêng cống hiến đó, ông đã xứng đáng trở thành nhà văn lớn của dân tộc. Tôi xin mượn bài thơ “Họa thơ Tống Phước Hổ” để kết bài viết này:
Dẫu đói cố gìn trong khúc ruột
Tuy nghèo không để nguội buồng gan
Trồng hoa trên giấy chi cần đất
Gieo hạt vào dân chẳng thiết vườn
Gắng học cụ Đào rèn ngọn bút
Làm gươm hát bội chem. quan tham
Mặc dù chưa có tên trong danh sách nhà văn từ địa phương đến Trung ương, nhưng trong lòng người mến mộ, NHÀ NGHIÊN CỨU, SOẠN GIẢ MỊCH QUANG XỨNG ĐÁNG LÀ NHÀ VĂN LỚN CỦA DÂN TỘC.
[1] Mịch Quang và nghệ thuật dân tộc, Nxb Sân khấu, 2015
[2] Hồ Sĩ Vịnh “Mịch Quang – nhà nghiên cứu nghệ thuật thực tài”
[3] Hồ Sỹ Vịnh, Mịch Quang – nhà nghiên cứu nghệ thuật thực tài
TS. Lê Thị Bích Hồng
Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội