Tôi vận dụng những lý luận uyên bác của thầy Mịch Quang
23/09/2020
May mắn cho tôi là năm 1963 tình cờ tôi có trong tay công trình nghiên cứu Tìm hiểu nghệ thuật tuồng của Thầy Mịch Quang.Trong công trình này thầy đã đề cập đến hiện thực tả ý, song song với công trình thầy đã viết vở tuồng Má Tám đề tài hiện đại để thể nghiệm. Vở Má Tám đã thành công bởi thầy đã vận dụng làn điệu cổ vào nhân vật Má Tám, đúng chỗ, đúng lúc. Thầy còn tân chế điệu bằng văn học. Trong nghiên cứu thầy xác định đặc tính của sự vật, của hiện tuợng thuờng mang tính uớc lệ.
Năm 1970 tôi viết vở kịch Bài ca người mẹ (vở kịch được giải nhất kịch bản văn học Đài tiếng nói Việt Nam) hình tượng bà mẹ Việt Nam trong vở đặc tả nỗi đau và tình yêu đất nước quê hương của người mẹ, cụ thể là Mẹ Duyên, cả cuộc đời mẹ ba lần tiễn chồng, tiễn con, tiễn cháu đi đánh giặc. Mỗi lần tiễn chồng con ra trận là mỗi lần mẹ lại vượt lên bản thân mình, vượt dốc cuộc đời, bởi mẹ hiểu rằng mất nước là mất hết, còn đất nước là còn tất cả. Tiễn chồng con ra trận đêm đêm mẹ khóc thầm ngóng đợi tin con… thế rồi cái tin ấy đã đến. Đồng đội của chồng, của con đã gõ cửa mang về cho mẹ cái ba lô có vết đạn của chồng, tấm áo còn vương vết máu của đứa con… Mẹ ôm tất cả vào lòng. Người chồng là cuộc đời của mẹ, đứa con là máu thịt của mẹ, là niềm vui khi tuổi già xế bóng, là niềm an ủi khi trở trời trái gió ốm đau. Trước mọi người mẹ nén nỗi đau, đêm vắng vẻ mẹ lần ra bờ sông ngồi khóc. Giọt nước mắt đau thương rơi vào dòng nước, làm xót lòng dòng sông. Con sông quê hương bỗng hiện lên thành dàn đồng ca an ủi, thì thầm chia sẻ nỗi đau của con người. Bà mẹ và dòng sông là hình tượng Tổ Quốc Việt Nam.
– Tác phẩm Thung lũng tình yêu (đoàn kịch Hà Nội diễn trong những năm 1985 – 1990), nhà phê bình Trọng Anh đã viết Thung lũng tình yêu đâu chỉ có tình yêu giữa cô kỹ sư Kim Thư và giám đốc Sơn, giám đốc xí nghiệp cơ giới, tình yêu giữa Bác Đông và chị Nhân, tình yêu của Đấu và cẩm Vân. Nhìn rộng ra còn có tình yêu của nghệ sĩ Thu Thủy, ở yêu thương giữa cha con Bác Đông, ở yêu thương tận tình giúp đỡ của các bạn chuyên gia Liên Xô với cán bộ, công nhân Việt Nam. Đặc biệt là dòng sông Đà mang tính ước lệ thì thầm nỗi lòng của những người trong cuộc, đó là mặt tự sự trữ tình của tác phẩm, là đời, là hồn, là mạch tim, mặt khác là mạch chủ yếu mang tính luận để mở ra tầm nhìn rộng và sâu có ý nghĩa nhận thức và chất trữ tình đậm đà hương sắc…
– Trong vở Tình xuyên Đại Dương (do Nhà hát kịch Trung ương diễn 1987- 1990) tôi viết rất phóng khoáng, con tàu Việt Nam cắm cờ đỏ sao vàng đã mở đường xuyên đại dương cặp các bến bờ xa lạ, các hải cảng lớn trên các châu lục. Nhân vật trung tâm của Tình xuyên Đại Dương là thuyền trưởng Nguyễn Văn Hải, thuyền trưởng tàu Chiến Thắng. Anh là một trí thức trẻ, có học vấn vững vàng, anh đã học, đã tiếp thu những kiến thức hiện đại của ngành hàng hải thế giới để trở thành một thuyền trưởng giỏi. Anh yêu nghề đi biển gian nan mà cũng đầy kỳ thú hấp dẫn, tình yêu nghề hòa quyện với tình yêu đất nước quê hương, yêu từ hàng cây góc phố nơi anh đã ra đời, nơi người mẹ chịu thương chịu khó lam lũ nuôi anh, ngày đêm đang đợi anh về, mỗi dịp anh xuống tàu đi xa. Đối với thủy thủ anh nghiêm khắc trong công việc, những lúc cập bến cảng anh lại rất thoải mái chan hòa, thông cảm với hoàn cảnh của từng người. Những lúc yếu lòng chỉ riêng mình đối diện với mình, chợt nhớ tới mỗi tình đầu đắm đuối vụng về, e ấp để rồi phải chia ly đau xót vì người yêu không hiểu mình… Nhưng âm vang vẫn còn đó, những hình ảnh hiện về giữa biển cả mênh mông đang cồn lên từng đợt sóng… Cơn bão cấp 12 ập đến, tàu Chiến thắng ở vào trung tâm bão, những đợt sóng to như phủ lấy con tàu, như nhấn chìm con tàu xuống đáy đại dương. Hải bị con sóng quật ngã anh vươn đứng dậy tay bám chặt vào bảng số điều khiển, nước biển tràn vào, con tàu nghiêng ngả, thủy thủ giao động, bỏ vị trí bò lên boong, anh bình tĩnh ra lệnh-tất cả thủy thủ phải đứng vững ở vị trí nếu bị sóng to quật ngã thì có thể lấy xích, xích chân vào vị trí làm việc. Lúc này mọi người cần cố gắng (cảnh bão tố này diễn theo loại hình sân khấu tổng thể truyền thống), nếu trình độ nghề nghiệp cao và sự bĩnh tĩnh đã giúp Hải điều khiển con tàu vượt qua bão tố, thì ý thức tự giác của một công dân yêu tổ quốc từ trong máu thịt lại là cơ sở bền chắc đế neo giữ cho người thuyền trưởng tài hoa ấy tránh được những nghiêng ngả chao đảo trước những mê hoặc cám dỗ vật chất phương tây để đưa con tàu về cập bến cảng quê hương an toàn.
Nhà phê bình Nguyễn Văn Thành viết: “Hải là một nhân vật đẹp của sân khấu, cái đẹp của anh hiện ra không phải tròn trặn mà chủ yếu là ở tính chân thật đời thường của nó”
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói:
“Cái gốc của nền văn hóa mới là dân tộc
Cái dân tộc hóa mà phát triển đến cực điểm tức là cái thế giới hóa đó”
Thầy Mịch Quang lý giải: “Vậy cái gốc ấy là gì? Đó là truyền thống tư duy , mềm dẻo, dân chủ. Tôi nghĩ rằng: Ra sức tìm tòi, khám phá, kế thừa, phát triển nền âm nhạc truyền thống với cấu trúc động mở chứa đựng đậm đà bản sắc dân tộc”. Theo tôi không chỉ riêng cho nền âm nhạc truyền thống mà cả nền nghệ thuật truyền thống, hiện đại của nền văn hóa Việt Nam.
Nếu Bài ca người mẹ – Thung lung tình yêu – Tình xuyên đại dưong thuộc loại tự sự trữ tình, ước lệ theo phương pháp hiện thực tả ý, thì tác phẩm Đời người giấc mộng thuộc loại truyền thống tư duy, động mở, mềm dẻo nó vận dụng để miêu tả tính cách nhân vật sinh động, biến ảo, bạo liệt, vừa trắng trợn vừa tinh vi khôn khéo để đạt được mục đích bằng mọi giá.
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa đã viết: Đời ngưoi giấc mộng có thể coi là một
thành tựu của nghệ thuật biên kịch với sự sinh động biến ảo của hệ thống nhân vật, sự bất ngờ khó đoán của tình tiết kịch, sự kết hợp rất nhuần nhuyễn, sáng tạo các yếu tố bi hài, hiện thực, ước lệ, tượng trưng…. Giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh đã viết: “Cấu trúc động mở của Mịch Quang là một bước tiến trong tìm tòi cái đẹp, cái tân kỳ của mỹ học dân tộc”. Về phạm trù cái hùng, cái hậu, Giáo sư Hoàng Chương Viết: Mịch Quang thường viết kịch bản tuồng , đặc biệt chú trọng cái hậu hay đến sự tất thắng của lý tưởng chính trị đạo đức của tác giả…. Cái hậu như một phạm trù mỹ học, phạm trù “cái hậu” này rõ ràng là sự biểu hiện của tư tưởng “văn dĩ tải đạo”. Kết thúc có hậu không chỉ có tuồng mà cả chung cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam, cả dân gian đến bác học.
Trong tác phẩm Niềm hạnh phúc không tên (giải thưởng văn học Hồ Gươm 1985 do Nhà hát cải lương Chuông vàng biểu diễn). Tôi viết với cảm xúc ca ngợi con người Hà Nội trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ, nhân vật chính là bác sỹ Thái Hà vốn là nữ sinh trường Đồng Khánh, Hà Nội. Giáo sư tiến sĩ Hồ Sĩ Vịnh nhận xét: “Thông qua nhân vật Thái Hà chân thật, sinh động một tính cách có hình có khối có máu thịt của đời sống vừa mang tính anh hùng ca vừa đậm đà bản sắc hữ tình”. Tôi muốn nói với người xem, trong cuộc chiến tranh ái quốc cua dân tộc, hạnh phúc lứa đôi, số phận của từng gia đình có thể có được khi gắn liền với vận mệnh tổ quốc. Vì vậy, mà cái chết do bệnh tim nặng của Thái Hà sau khi chị đã ra tay cứu vớt mạng sống của kẻ thù đã làm cho người xem thương cảm đến tê dại, sự ra đi của bác sĩ Thái Hà đột ngột vì chỉ cần ít phút nữa chị sẽ đoàn tụ với gia đình chồng chưa cưới và đứa con trai. Trong khi ngoài kia vẫn thấp thoáng đoàn quân ra trận ngả mũ chào. Giáo sư Hồ Sĩ Vịnh và nhiều nhà báo đã viết: Niềm hạnh phúc không tên là vở bi kịch lạc quan, là khúc ca bi tráng của con người Hà Nội.
Những khám phá nghiên cứu của thầy Mịch Quang đều được các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc vận dụng và phát triển. Riêng tôi, tôi đã vận dụng tự sự trữ tình, hiện thực tả ý, cấu trúc động mở, cái hùng, cái hậu, cái bi có hậu. Tính ước lệ của sự vật vào các sáng tác của tôi và đã có những thành công nho nhỏ.
Năm 1996, nhân đi khảo sát tình hình báo chí ở các tỉnh Miền trung và Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho việc sửa đổi luật báo chí năm 1990 cho phù họp với tình hình thực tế đất nước. Tôi đã đến thăm thầy Mịch Quang ở TP Nha Trang. Lúc này thầy đang trên đường hoàn chỉnh công trình nghiên cứu Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống. Và tôi đã được nghe thầy giảng nguồn gốc lịch sử Kinh dịch từ dân gian đến bác học. Thầy nóí: Kinh dịch không phải là của Khổng Tử cũng không phải của vài vị thánh nhân mà là công trình sưu tầm, chú thích, giải nghĩa, bình giải của nhiều người, trải qua nhiều thời đại ngày càng phong phú đầy đủ hơn… Trong cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc hiện nay, việc tìm hiểu ý nghĩa triết học và khoa học của Kinh dịch là hết sức cần thiết….” và thầy nói tóm tắt mấy lý thuyết cơ bản:
– Thái cực âm dương nền văn hóa vô thần
– Tư tưởng chủ toàn và khuynh hướng sân khấu tổng thể.
– Cấu truc đóng mở trong sân khấu truyền thống.
– Từ ta mà mới – theo tiêu chuẩn hiện đại khoa học với bản lĩnh văn hóa dân tộc v.v…
Tôi nghe và ghi đầy quyển sổ… Suốt trên đường công tác, tôi suy nghĩ và đối chiếu với công việc của mình đang làm ở Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa 9, trong đó chương trình xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban và tôi nghĩ đến việc tìm hiểu, học tập, kế thừa các sắc lệnh, pháp lệnh, các luật từ thời kỳ lập nước Việt Nam Dân Chủ Công Hòa (1945) mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký, (Ví dụ như Hiến pháp đầu tiên, luật báo chí năm 1946). Và trong hai nhiệm kỳ khóa 9 và khóa 10 của Quốc hội, tôi đã cùng tập thể Thường trực của Ủy ban thẩm tra thành công nhiều dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Có những luật khi thẩm tra chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn bố cục như luật di sản văn hóa, khi chính phủ trình lần đầu không có chương văn hóa phi vật thể, luật thiếu hẳn phần văn hóa phi vật thể thì làm sao thành bộ luật hoàn chỉnh được, chính vì vậy mà chúng tôi đã đưa hẳn một chương về di sản văn hóa phi vật thể và bố cục lại toàn bộ luật di sản văn hóa, chứng tỏ sự nhận thức mới về vai trò, vị trí của văn hóa phi vật thể trong di sản văn hóa Việt Nam. Luật quy định việc lập hồ sơ khoa học cho các di sản văn hóa phi vật thế tiêu biểu của quốc gia, đồng thời quy định các cấp có thẩm quyền lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể. Đây là cơ sở pháp lý tạo nên tính khả thi cho việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó đến nay chúng ta đã được tổ chức văn hóa giáo dục, khoa học của Liên hợp quốc (Unesco) công nhận và tôn vinh những di sản văn hóa phi vật thể như: Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng tây nguyên, Đờn ca tài tử, Ví dặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Bài chòi, Hát xoan Phú Thọ, Nghi lễ thờ mẫu… là di sản văn hóa của nhân loại… (Thầy Mịch Quang đã phát hiện cái gốc của tuồng từ ca trù)
Xin cảm ơn thầy Mịch Quang, thầy đã dạy em thật nhiều điều sâu sắc về văn hóa truyền thống dân tộc. Em đã học được từ Thầy những kiến thức uyên bác đặc biệt là công trình Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống. Thầy thật xứng đáng là nhà khoa hoc uyên bác, nhà văn hóa Việt Nam.
Em kính chúc thầy mãi mãi bách niên giai lão
Tháng 1/2018
Nhà văn Đặng Thanh Hương
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội