Tôi đã học được rất nhiều ở Mịch Quang
23/09/2020
Cách đây khoảng 30 năm, lần đầu tiên tôi được nghe anh Mịch Quang nói chuyện về Tuồng ở Câu lạc bộ Đoàn kết, Hà Nội.
Tôi vốn rất mê tuồng từ hồi còn bé. Được đi theo bố, tôi xem tuồng hồi 7, 8 tuổi, tuồng đã ăn sâu và “máu” của tôi từ khi nào mà tôi không biết. Tôi nhớ hồi còn đi học, ở nhà, tôi với em tôi cũng đóng tuồng, cũng hát “tẩu mã”, hát “khách”…
Khi đi vào nghiên cứu văn học, tôi phải nghiên cứu cả tuồng, dĩ nhiên dưới góc độ kí hiệu học là môn đi sâu của tôi. Thế là may mắn tôi gặp được ông thầy tuồng Mịch Quang , bên cạnh các cố lão nghệ nhân như bác Tảo, bác Lai, bên cạnh những bạn nghệ sĩ như Kim Cúc (đã mất), Đàm Liên, Minh Ngọc và sau này Tiến Thọ, Mẫn Thu…
Tôi kết nghĩa với Mịch Quang từ những năm 1960 ở thủ đô Hà Nội và sau năm 1975 vẫn giữ liên lạc khi anh chuyển về Nam công tác. Tôi đã nhiều lần dẫn các đoàn khoa học Hung-ga-ri, C.H.D.C Đức đến gặp anh đàm đạo về nghệ thuật tuồng và có lần vào tận Nha Trang thăm và trao đổi học thuật với anh
Mịch Quang là một nhà hoạt động tuồng toàn diện, uyên bác về văn học, biết cả nhạc ta, nhạc Tây, biết cả sáng tác và múa hát. Rất thú vị khi mỗi lần nói chuyện với anh và tôi hay “gạ” anh hát cho một vài câu theo các làn điệu trong tuồng vì biết anh hát rất hay.
Mịch Quang hoạt động liên tục trong lĩnh vực tuồng với những say sưa tổng kết phát hiện, dường như có tính bản năng. Tuy anh đã gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi trên con đường nghệ thuật nhưng niềm say sưa của anh đã thắng. Nhờ đó anh có những khán, thính giả độc đáo, đó là nhiều nhà nghiên cứu quốc tế quan tâm đến tuồng. Các nhà nghiên cứu này đã phải khâm phục ý niệm “cấu trúc động – mở” trong tuồng và nghệ thuật dân tộc trong so sánh với sân khấu và nghệ thuật phương Tây của Mịch Quang và thường nhắc đến nó như một phát hiện quan trọng trong nghệ thuật học.
Thân thiết với Mịch Quang nhiều năm, tôi đã học được rất nhiều ở Mịch Quang về nghề nghiệp cho nên tình bạn của chúng tôi ở đây cũng có thể gọi là tình đồng nghiệp vậy.
Chúc mừng anh 80 tuổi, tôi mong anh vẫn giữ được sức khỏe, tuổi thọ, để có thể tiếp tục “nhả mật” cho nghệ thuật, cho các nghệ sĩ con em đang được đào tạo. “Nghệ thuật thì dài mà cuộc đời thì ngắn” (Gớt). Bởi vậy thọ thêm tuổi nào thì quý tuổi ấy cho nghệ thuật.
Hà Nội, tháng 5/1997
GS.VS. HOÀNG TRINH