Những kỷ niệm về nhà nghiên cứu Mịch Quang

23/09/2020

Trong những năm đầu chập chững bước vào công việc nghiên cứu sân khấu tuồng, tôi là người may mắn được ở trong Ban nghiên cứu của Đoàn tuồng Liên khu V. Anh Mịch Quang lúc đó đã là thành viên của Ban nghiên cứu, và đang tìm tòi về đặc trưng tuồng. Đây là một hướng nghiên cứu cơ bản nhằm xác định tuồng là gì, giải quyết vấn đề nghiên cứu ở tầm khái quát. Đặc trưng tuồng là một vấn đề đã theo anh Mịch Quang trong suốt mấy chục năm nghiên cứu, anh đã làm sáng tỏ được rất nhiều điều cơ bản về sân khấu tuồng truyền thống.

Nhà nghiên cứu – Soạn giả Mịch Quang.

Tuy tuổi tác cách xa gần hai chục tuổi, nhưng trước sau anh Mịch Quang đối với tôi vừa như một người thầy, vừa như một người bạn đồng nghiệp chân tình và tốt bụng, vô tư và hào hiệp, hướng dẫn, khuyên bảo tôi trong những ngày đầu tôi làm quen với sân khấu tuồng. Lúc đó, tôi thật sự thấy công việc này quá khó khăn. Những lời động viên, khuyến khích của anh đối với tôi đã làm tôi yên tâm theo đuổi công việc, mặc dù tôi không thật sự đi theo hướng giải thích của anh, mà đã tìm ra một hướng riêng cho mình. Tuy nhiên, để có một thành quả nào đó như hiện nay tôi vẫn nhớ và biết ơn Ban nghiên cứu tuồng, đặc biệt biết ơn anh.

Anh Mịch Quang bao giờ cũng là một người thẳng thắn, bộc trực đối với bạn bè, vốn là một người say sưa công việc một cách kỳ lạ. Lần tôi gặp anh gần đây nhất, khi đã ngoài 80 tuổi, anh vẫn nói về những điều anh suy nghĩ, tìm tòi và phát hiện. Càng nhiều năm tháng, anh càng đọc nhiều, hiểu biết nhiều, và ý kiến càng sâu sắc. Ở điểm này tôi không thấy anh già về tuổi tác mà càng già dặn về hiểu biết. Anh tìm hiểu về đặc trưng phương Đông, về Kinh Dịch để thấy rõ hơn về tuồng. Anh còn để tâm về nhiều vấn đề xã hội, có những đề xuất, góp ý mong cho mọi sự được phát triển tốt đẹp hơn.

Những năm tháng kháng chiến cứu nước đã qua lâu, nhưng con người anh vẫn còn nguyên vẹn một tinh thần kiên cường mà giản dị của một cán bộ cách mạng, không gì làm thay đổi. Khi tôi viết những dòng kỷ niệm này, tôi bỗng thấy thời gian như trở về với những ngày tháng đẹp đẽ của thời cách đây không xa, nhưng lại xa lắc vì không bao giờ trở về nữa. Đó là thời mà con người còn nhiều yêu thương và vô tư, thời mà con người chưa bị đồng tiền dày vò làm méo mó mất nhân cách, mất hết đạo đức con người. Tôi rất quý anh ở điểm đó và tôi thường tự nhủ phải sống có bản lĩnh như trước đây, như anh như tôi đã từng sống và không gì có thể làm thay đổi được. Được trò chuyện với anh tôi càng khẳng định được điều đó và thấy mình vẫn còn người đồng hành, con đường xưa vẫn có nhiều người tiếp bước.

Tôi viết những dòng này để ôn lại những kỷ niệm về những năm sơ tán, về những bữa cơm thân tình đạm bạc mà vui vẻ, về những buổi hội thảo có những ý kiến thống nhất cũng như trái ngược nhau, nhưng trước sau, tôi  và anh vẫn cùng chung một chiến hào, chung một công việc, đó là làm sao giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn được sân khấu tuồng truyền thống của cha ông bao năm xây đắp được đến ngày nay. Tôi vẫn muốn được làm việc đó cùng anh, được bàn bạc để làm sáng tỏ nhiều điều hơn nữa.

 

PTS NGUYỄN THỊ NHUNG