Nhà thông thái của nghệ thuật tuồng

23/09/2020

Trong Tuồng có ba cây đại thụ ở ba lĩnh vực: NSND Nguyễn Nho Túy, nghệ sĩ biểu diễn kiệt xuất, cụ Tống Phước Phổ, một tác gia tuồng xuất sắc (Hai bậc tiền nhân đã khuất núi lâu rồi), và người thứ ba mà tôi muốn nói đến là nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoán, hiệu là Mịch Quang, ông còn có biệt danh Lão Tướng.

Thời gian trôi nhanh thật. Nhìn tờ lịch mà tôi giật mình, mới hôm nào đón xuân mà nay đã lại vào hè. Vạn vật thay đổi, tiết trời mưa nắng, tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng cho sức khỏe của ông – Lão tiền bối duy nhất còn lại của thế  hệ đầu tiên Đoàn tuồng Liên khu V một thời nhung nhớ.

Mỗi lần có dịp gặp lại ông, tôi lại bồi hồi nhớ lại những năm tháng chiến tranh, cuộc sống ở nơi sơ tán thiếu thốn trăm bề, nhưng ông lúc nào cũng thư thái, ung dung tự tại, tay trái là quyển sách, tay phải là chiếc quạt. Thỉnh thoảng lại thấy ông đi dạo quanh làng dáng vẻ thư thái nhàn hạ, nhưng những ai đã quen ông thì biết rằng, ông đang gặp vấn đề học thuật nan giải. Chính những tháng năm đó tôi có dịp được nghe ông nói chuyện về nghệ thuật tuồng rất nhiều.

Ông là một trong những người đã rung chuông mở màn nhiều trang lý luận cho nền nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật tuồng để mội người đều biết được cái hay, cái đẹp của bộ môn nghệ thuật này. Một số quyển sách của ông như: Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng, Đặc trưng nghệ thuật Tuồng, Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc, Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống, Khơi nguồn Mỹ học dân tộc…không những đã trở thành sách gối đầu giường của chúng tôi mà còn là nhiều nhà nghiên cứu sân khấu và âm nhạc dân tộc. Đó là những công trình nghiên cứu lý luận nghệ thuật có hệ thống đầu tiên của Tuồng nói riêng và nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung.

Tôi tuy không được ông trực tiếp giảng dạy nhưng tôi học ông qua những trang sách của ông. Tôi biết thế nào là đặc trưng của nghệ thuật Tuồng, biết thế nào là tính bác học trong tuồng, biết thế nào là tính tự sự, kịch tính, trữ tình. Và tôi nắm bắt từng lời từng ý trong trong khi ông nói đến nghệ thuật biểu diễn qua từng nhân vật trong các vở tuồng truyền thống mẫu mực như Sơn Hậu, Hộ sanh đàn… Để ngày hôm nay tôi không hổ thẹn là một diễn viên tuồng bên cạnh việc nắm vững những thức trình thức cơ bản cũng phải trang bị cho mình những kiến thức lý luận về đặc trưng của Tuồng  khi đóng vai hay xử lớp diễn mới chính xác và nhân vật mình diễn mới có hồn. Vì lý luận phải đi đôi với thực hành, không diễn theo lối thợ. Bản thân nghệ thuật tuồng vốn đã khắt khe lại nhiều niêm luật đòi hỏi người diễn phải hiểu rộng hiểu nhiều có như vậy nghệ thuật tuồng mới phát triển không mai một.

Mịch Quang không những là một nhà nghiên cứu uyên thâm về nghệ thuật tuồng mà còn là tác giả của nhiều vở tuồng có giá trị. Trước tiên, tôi muốn nói đến vở vở “ Má Tám” của ông được Đàon Tuồng Bắc trung ương dàn dựng, đoạt huy chương vàng trong hội diễn sân khấu chuyên nghiệp tại thủ đô Hà Nội 1962. Đây là một trong những vở diễn tuồng đề tài hiện đại được đánh giá là thâng công của sân khấu tuồng cách mạng. Tôi xin nêu ra một vài cảm nhận của mình từ góc độ của một diễn viên về vở tuồng chống Mỹ rất cảm động này.

Trong vở tuồng “Má Tám”, có hai đoạn một ở cảnh ba và hai là phần kết ở cảnh bốn mà tôi rất thích.

Ở trích đoạn cảnh ba má Tám vào gặp con là Mười bị bắt giam trong tù, mỗi tiếng “ Má” của Mười trong lớp tuồng này làm tôi liên tưởng đến ba tiếng “ Dạ!” của Liễu Nguyệt Tiêm trong vở tuông truyền thống “Đào Phi Phụng”. Một đằng là tiếng thưa của Liễu Nguyệt Tiêm, một đằng là tiếng gọi của Mười. Tuy tình huống có khác nhau, nhưng giống nhau là sắc thái của chúng. Không biết là vô tình hay hữu ý, mà ông đã viết ra mấy tiếng “Má” của nhân vật Mười, vừa có tính kế thừa lại vừa có sự phát triển. Tại sao tôi lại nói vậy? Xin thưa, kế thừa là trong cả hai trường hợp sau ba tiếng đầu độ căng tâm lý được tăng lên dần. Nhưng thầy Mịch Quang lại phát triển thêm tiếng “Má” thứ tư hóa giải độ căng đó đưa trở lại về điểm khởi đầu, trong khi Liễu Nguyệt Tiêm chỉ có ba tiếng “Dạ!”. Là một diễn viên luôn tìm hiểu, nghiên cứu cho nên tôi thích lớp diễn này. Diễn biến tâm lý của nhân vật Mười trong đoạn này được thể hiện qua từng tiếng “Má”. Nhưng để thể hiện cho ra mấy tiếng “Má” đó đâu phải dễ.

Cảnh bốn là cảnh kết thúc vở. Trong cảnh này bọn địch đã dùng má Tám làm tấm bình phong vừa che chắn cho chúng vừa để uy hiếp Mười hạ vũ khí đầu hàng. Kịch tính đã được ông đẩy lên đến đỉnh điểm, sân khấu dường như nghẹt thở. Tình huống trong vở đã tạo điều kiện tốt nhất cho diễn viên thể hiện tính cách của nhân vật mình đóng. Mười trên chòi gác, má Tám dưới chòi gác,  đứng giữa hai làn đạn của con trai mình và kẻ thù tàn bạo. Nội tâm giằng xé, tâm can rối bời. Tình huống lại làm ta liên tưởng tới cảnh Đổng Mậu bị anh em họ Tạ phản nghịch treo trên thành để uy hiếp Đổng Kim Lân trong tuồng Sơn hậu. Trong vở tuồng này, Mịch Quang đã triệt để khai thác lối văn tự sự biền ngẫu, một trong những nét rất đặc trưng của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Đây là vở tuồng với cấu trúc cảnh lớp gọn gang, tạo ra được một hình tượng tuồng đẹp đẽ về người mẹ, để lại những ấn tượng khó quên trong lòng người.

Nói về các sáng tác tuồng của Mịch Quang, không thể không nhắc đến vở tuồng “Thanh gươm hát bội” của ông đã được Nhà hát tuồng Phú Khánh và Nhà hát tuồng Đào Tấn dàn dựng và đã được tặng huy chương vàng tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1990 tại Nha Trang. Vở tuồng này của Mịch Quang phục hiện rất thành công chân dung Đào Tấn, một nghệ sĩ thiên tài và một chính khách dũng cãm, hết lòng yêu nước thương dân, làm các nghệ sĩ tuồng các thế hệ và nhân dân ta hiểu rõ và thêm tự hào về vị hậu tổ vĩ đại của nghệ thuật tuồng Việt Nam.

Chúng tôi, lớp thế hệ con cháu ngưỡng mộ trí tuệ sắc sảo, sự uyên bác trong nhiều lĩnh vực, và đặc biệt là tình yêu trong sáng, bền bĩ, thủy chung của ông dành cho tuồng và nghệ thuật truyền thống dân tộc nói chung. Những gì mà ông đã làm cho nghệ thuật dân tộc, cho nghệ thuật tuồng là độc nhất vô nhị cả về lượng và chất với tầm vóc của một nhà thông thái hiếm có.

Mong ông, nhà thông thái của nghệ thuật tuồng, hãy giữ gìn sức khỏe, bách niên giai lão để con cháu còn mãi được nghe ông nói biết bao chuyện gần xa, kỳ thú về tuồng, về nghệ thuật dân tộc…

NSND Đàm Liên