Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang: ‘Học, hiểu và khám phá nghệ thuật dân tộc’

23/09/2020

Nhà nghiên cứu Mịch Quang.

“Học, hiểu và khám phá nghệ thuật dân tộc” là tên bản thảo cuốn sách nhà nghiên cứu Mịch Quang vừa hoàn thành gửi cho Nhà xuất bản Sân khấu chúng tôi năm ngoái. Cuốn sách gần như một tổng kết học thuật con đường hơn nửa thế kỷ nghiên cứu nghệ thuật dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh của ông ở ngưỡng cửa của tuổi bách niên.

Trong bản thảo hơn 100 trang viết tay khá nắn nót trên 4 cuốn vở học trò, Mịch Quang đã hơn một lần nhắc tới kỷ niệm lần được gặp Bác Hồ mùa xuân năm 1962 ở khu Văn công Cầu Giấy. Khi ấy, ông đang công tác ở Ban Nghiên cứu Tuồng của Bộ Văn hóa. Nhân chuyến đến thăm chúc tết các nghệ sĩ ở khu văn công, Bác có gặp gỡ một số người nghiên cứu nghệ thuật dân tộc ở đây. Mịch Quang nhớ mãi những lời căn dặn của Bác: “Nghệ thuật Việt Nam hay lắm, các cháu phải cố gắng nghiên cứu. Đừng để những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây trói buộc khiến ta không thể thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta…”.

Mịch Quang nói rằng những lời dặn của Bác đã giúp ông tỉnh ngộ một chân lý: chỉ có thể đánh giá đúng nghệ thuật Việt Nam theo những tiêu chuẩn Việt Nam. Cần nói là, lúc ấy những người nghiên cứu nghệ thuật truyền thống như Mịch Quang rất bế tắc, lúng túng khi đang nghiên cứu nghệ thuật truyền thống dân tộc dựa trên lý luận nghệ thuật của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Họ nhận thấy có một sự bất cập lớn giữa lý luận Tây và thực tiễn Ta. Các chuyên gia nước ngoài đến giúp Việt Nam thì càng thấy rõ điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng đạo diễn Liên Xô Mônakhôp, một người theo thể hệ Stanilapxki, từng phát biểu khi được xem nghệ thuật Tuồng: “Không thể vận dụng thể hệ Stanilapxki vào sân khấu truyền thống Việt Nam nếu không muốn làm hỏng sân khấu của các bạn…”.

Nghiên cứu các trước tác của Hồ Chi Minh, Mịch Quang rất chú ý đến một nhận định về học thuyết của Mác: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một hiện thực nhất định của lịch sử. Nhưng lịch sử nào? Lịch sử Châu Âu. Mà Châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại… Mác cho ta biết rằng sự tiến triển của các xã hội phải trải qua ba giai đoạn: chế độ nô lệ, chế độ nông nô và chế độ tư  bản…Chúng ta hãy coi chừng!. Các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không?..”. Bác Hồ cũng thường nói: Lý luận không phải từ trên trời rơi xuống. Nếu lý luận cách mạng Việt Nam được tổng kết từ thực tiễn cách mạng Việt Nam thì lý luận nghệ thuật Việt Nam phải được tổng kết từ thực tiễn nghệ thuật Việt Nam

Càng suy ngẫm, Mịch Quang càng thấy rõ lời căn dặn của Bác là kim chỉ nam  cho ông và các đồng nghiệp phấn đấu cho một sự nghiệp giải phóng khác trên địa hạt văn hóa nghệ thuật sau khi sự nghiệp giải phóng dân tộc đã hoàn thành dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng Cộng sản VN. Đó là sự nghiệp giải phóng khỏi những xích xiềng nô lệ của lý luận nghệ thuật phương Tây, từ thực tiễn nghệ thuật Việt Nam phấn đấu xây dựng một hệ thống lý luận của nghệ thuật Việt Nam để việc nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn, cách tân nghệ thuật truyền thống dân tộc tiếp cận được chân lý, tránh được chuyện “gieo vừng ra ngô” như Bác từng cảnh báo.

Từ động lực đó, Mịch Quang đã phấn đấu hoàn thành những công trình được coi nghiên cứu khoa học đươc coi là đặt nền móng cho nghệ thuật học truyền thống dân tộc như :“Đặc trưng nghệ thuật tuồng”, “Âm nhạc và kịch hát dân tộc”, “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”.

Trên cơ sở những thành tự khoa học của chính mình đó, Mịch Quang luôn tự tin đi đầu trong cuộc đấu tranh mạnh mẽ triệt để, không khoan nhượng, để bênh vực nghệ thuật truyền thống, chỉ trích gay gắt sự vọng ngoại, những hiện tượng xu thời, lai căng, mất gốc. GSTS Trần Văn Khê là một trong những người thấu hiểu và tâm đắc với cuộc đấu tranh của Mịch Quang. Mùa hè 1999, sau khi đọc công trình “Âm nhạc và kịch hát truyền thống” của Mịch Quang gửi tặng, từ duyên hải Đại Tây Dương, Trần Văn Khê đã gửi về Mịch Quang ở Nha Trang những dòng thư xúc động: ” Đọc những bài anh viết đã đăng nhiều nơi và nhất là đọc đi đọc lại quyển “Âm nhạc và sân khấu truyền thống ” của anh, tôi vô cùng tâm đắc với nhiều điểm anh nêu ra, với thái độ quý trọng cổ mà không “nệ cổ”, mở rộng tầm hiểu biết để tiếp thu cái hay bên ngoài mà không “vọng ngoại”, thương anh đơn thương, độc mã giữa rất đông Lương Đăng hiện đại. Trong tình trạng hiếm sách báo bên ngoài mà anh làm nhiều việc, viết nhiều câu đến nỗi tôi không cầm được nước mắt khi đọc…”. Và Trần Văn Khê gửi tặng Mịch Quang những câu thơ tràn đầy yêu mến tin tưởng: “Tạ tình tri kỷ bạn văn chương /Nghiên cứu hai ta chọn đúng đường/ Vọng ngoại mình chê nhiều kẻ ghét/ Vốn nhà ta giữ lắm người thương”.

Nhà xuất bản Sân khấu vinh dự là nơi được lão tướng Mịch Quang gửi gắm nhiều tác phẩm tâm đắc của đời mình. Các công trình nghiên cứu quan trọng nhất của ông đã được Nhà xuất bản Sân khấu xuất bản, tái bản nhiều lần. Và đó cũng là các tác phẩm đem lại cho nhà nghiên cứu Mịch Quang Giải thưởng Nhà nước năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016. Tác phẩm “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống” do Nhà xuất bản Sân khấu tái bản cũng giúp Nhà xuất bản Sân khấu nhận được Giải Bạc sách hay năm 2007. Năm 2015, chuẩn bị mừng thọ bách niên nhà nghiên cứu Mịch Quang, theo chỉ đạo của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nhà xuất bản Sân khấu đã tổ chức biên soạn xuất bản cuốn sách “Mịch Quang và nghệ thuật dân tộc” do NSND Lê Tiến Thọ chủ biên. Cuốn sách gần 600 trang này được dư luận đánh giá cao và vinh dự được Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương trao tặng Giải A – Giải thưởng chính thức của Hội đồng năm 2016.

Cầm tập bản thảo “Học, hiểu và khám phá nghệ thuật dân tộc” với 4 quyển vở học sinh dày đặc chữ viết, mà mỗi chữ, mỗi câu chứa đựng biết bao tâm huyết của nhà nghệ thuật học lão thành ở tuổi bách niên, chúng tôi rưng rưng cảm động. Sau hơn nửa thế kỷ bền bỉ thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, kiên trì học, hiểu, khám phá nghệ thuật truyền thống dân tộc, tập bản thảo thể hiện tâm nguyện cháy bóng của Mịch Quang muốn truyền lại cho lớp người kế tiếp khát vọng học, hiểu, khám phá để “hiểu ta đến nơi đến chốn”, “từ ta mà mới”, không “cũ người mới ta”, tránh “gieo vừng ra ngô”…

Năm 2018 Nhà xuất bản Sân khấu sẽ xuất bản tập bản thảo quý báu này cùng Tuyển tập tác phẩm nghiên cứu của học giả Mịch Quang. Tin rằng, tâm huyết của một con người trọn đời tận tuỵ với nghệ thuật truyền thống dân tộc sẽ được các thế hệ hôm nay và mai sau trân trọng tiếp nhận.

 

Phạm Thị Ngọc Anh

Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu