Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang: Cây đại thụ, niềm tự hào của nghệ thuật tuồng Việt Nam
22/09/2020
Sinh ra trên quê hương Bình Định, mảnh đất “địa linh nhân kiệt” nơi phát tích của vị anh hùng áo vải Quang Trung và danh nhân văn hóa Đào Tấn, đã sớm tiếp thu được những tinh hoa văn hoá truyền thống của quê hương. Với lao động sáng tạo không mệt mỏi dưới ánh sáng của đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng và Bác Hồ, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã có nhiều đóng góp có giá trị trên hai lĩnh vực nghiên cứu và soạn giả sân khấu góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóc dân tộc. Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1999, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2015.
Trên lĩnh vực sáng tác
Ông là một tác giả xuất sắc có những đóng góp quý báu trong suốt hơn nửa thế kỷ qua cho nghệ thuật sân khấu Tuồng cách mạng Việt Nam. Từ vở tuồng đầu tiên “Đường về Lam Sơn” năm 1951. Soạn giả Mịch Quang đã sáng tác đa dạng ở các đề tài từ lịch sử, dã sử đến hiện đại… được các đơn vị nghệ thuật Tuồng cả nước dàn dựng và biểu diễn. Trong đó phải kể đến các vở “Má Tám”, “Hộp truyền đơn”, “Vua Hùng kén rể”, “Quang Trung”, “Phất cờ nương tử”, “Giấc mộng hồ hoa”, “Thanh gươm hát bội”, “Nỗi lòng người mẹ”, “Bà mẹ làng Sen”… được đánh giá cao tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, trên sóng phát thanh truyền hình và được khán giả hâm mộ nghệ thuật Tuồng cả nước yêu thích.
Ông sáng tác không nhiều, nhưng những sáng tác của Ông là để minh chứng cho những vấn đề mà Ông dành thời gian nghiên cứu về Đặc trưng, về cấu trúc, về mỹ học của nghệ thuật sân khấu truyền thống. Vì vậy, những kịch bản của Ông sáng tác từ ngôn ngữ đến cấu trúc, hình tượng nhân vật được Ông đầu tư rất công phu, đặc biệt là nhân vật người phụ nữ. Qua các nhân vật Má Tám, cô Mười “Má Tám”, bà mẹ Làng Sen trong vở tuồng cùng tên, bà Nguyễn Thị Tồn trong “Giấc mộng hồ hoa”, bà Hội trong “Nỗi lòng người mẹ”, Trưng Trắc Trưng Nhị trong “Phất cờ nương tử”… được tác giả dầy công xây dựng. Điểm mạnh của tác giả Mịch Quang đó là Ông đã biết kết hợp nhuận nhuyễn giữa những mảng miếng, trò diễn của Tuồng truyền thống “Thượng thành, Qua ải, Ngũ biến…” để nâng lên làm bà đỡ cho những lớp trò trong kịch bản của Ông. Với nguyên tắc: “kế thừa truyền thống không phải là hướng tới một số hình thức sẵn có nào đó, mà phải tìm ra nguyên nhân đẻ ra các hình thức ấy”. Trong sáng tác của mình Ông luôn theo nguyên tắc trong đặc trưng tuồng – từ sáng tác kịch bản, hát múa, biểu diễn (sân khấu hiện thực tả ý) một cách nhuần nhuyễn. Ông tâm sự: Những người làm tuồng từ tác giả là những người chịu khó sáng tạo, theo nguyên tắc của chữ THỤC trong nghệ nghĩa là phải luôn luôn biết “Tân chế điệu” chứ không quá mê miếng võ bình cũ rượu mới, cũng như miếng võ đang rất lưu hành hiện nay là “Kịch tâm lý pha tuồng”. Muốn khắc phục tận gốc những lệch lạc ấy không có cách nào khác hơn là toàn bộ giới tuồng, kể cả khán giả phải hiểu tính chân thực của nó theo tính chân thực của sân khấu tả ý. Mặt khác phải có những tác giả và đạo diễn không những thông thạo hát múa tuồng mà còn thông thạo cách xử lý không gian, thời gian biện chứng của nó, tự hào về cách xử lý ấy cũng như thông thạo quan hệ tích hợp “tuy một mà ba, tuy ba là một” (nhân vật, tác giả, diễn viên) trong hình tượng nhân vật và xác định tính khoa học của mối quan hệ ấy, có như vậy mới tránh khỏi tình trạng chắp vá vào tuồng. Từ nhận thức đó của Mịch Quang nhà nghiên cứu đến Mịch Quang tác giả qua các tiết mục sáng tác cho chúng ta thấy đậm chất tuồng. Hình tượng nhân vật của Ông sáng tác như có một gạch nối giữa truyền thống và sáng tác mới, có sự đan xen vào nhau một cách nhuần nhuyễn. Ngoài hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong sáng tác của Ông. Mịch Quang còn dành tình cảm để ca ngợi Đào Tấn trong “Thanh gươm hát bội”; “Giấc mộng hồ hoa” và những công trình nghiên cứu có giá trị, để khẳng định vị hậu tổ của nghệ thuật Tuồng (Đào Tấn) nhà yêu nước vĩ đại, nhà hoạt động kiệt xuất về sân khấu, một nhà thơ lỗi lạc của dân tộc. Không chỉ như vậy, Ông còn dành thời gian cải biên vở “Trầm Hương các” của Đào Tấn để các đơn vị nghệ thuật tuồng dàn dựng biểu diễn phục vụ tốt hơn thời đại mới.
Khi còn ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, Ông đã gửi cho tôi 3 kịch bản có bản còn viết tay “Giấc mộng hồ hoa” và 2 bản in “Nỗi lòng người mẹ” và “Trầm hương các” để Nhà hát và tôi dàn dựng, nhưng đến năm 1996 tôi chuyển lên Cục NTBD công tác vì vậy sự phối hợp này vẫn còn dở dang.
Với nghiên cứu…..
Với các công trình nghiên cứu “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng” (1963), “Đặc trưng nghệ thuật tuồng” (1988), “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc” (1995), “Kinh dịch và Nghệ thuật truyền thống”, (1999), “Khơi nguồn mỹ học dân tộc” (2003), Mịch Quang là một trong những người mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng lý luận sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống. Nhà nghiên cứu, soan giả Mịch Quang là nhà nghiên cứu Việt Nam đã nêu ra một số lý thuyết có tính phổ quát được giới nghệ thuật học quốc tế quan tâm.
Trong bài tham luận này, tôi chỉ đề cập đến cuốn “Đặc trưng nghệ thuật Tuồng” của Mịch Quang, một vấn đề mà giới sân khấu tuồng hết sức quan tâm vàđánh giá cao.
Bàn về đặc trưng của nghệ thuật Tuồng, vấn đề này đã đặt ra từ lâu. Ban Tuyên giáo, Bộ Văn hoá – Thông tin (Bộ VHTTDL) phối hợp với tỉnh Khánh Hoà tổ chức từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20 để hội thaaor bàn và tìm ra đặc trưng cho loại hình nghệ thuật tuồng truyền thống. Vì lúc bấy giờ không ít nhà nghiên cứu cho rằng loại hình nghệ thuật tuồng là con đẻ của Kinh kịch Trung Quốc, chỉ cần tìm hiểu đặc trưng nghệ thuật Kinh kịch thì sẽ ra đặc trưng nghệ thuật tuồng, (trong khi đó nghệ thuật Kinh kịch mới hình thành và phát triển 200 năm, còn nghệ thuật Tuồng Việt Nam đã ra đời từ thế kỷ XIII, XIV). Cuốn “Sơ khảo nghệ thuật tuồng” của giáo sư Hoàng Châu Ký và cuốn “Đặc trưng nghệ thuật tuồng” của Mịch Quang ra đời đã phần nào làm sáng tỏ hơn nguồn gốc xuất xứ của nghệ thuật tuồng truyền thống Việt Nam.
Trong mấy lời tâm sự của Mịch Quang, ở phần cuốn Đặc trưng Nghệ thuật Tuồng, Ông viết: “Hiện nay trong công tác nghiên cứu, cải cách nghệ thuật dân tộc, chúng ta cần phải tham khảo một số lý luận học của châu Âu. nhưng chúng ta đều biết rằng, không hề có một thứ lý luận do một “siêu nhân” nghĩ ra trong một giây phút cảm thông với “thượng đế”. Mà chính là thực tiễn đã đẻ ra lý luận” và Ông khẳng định: Chúng ta phải lấy thực tiễn nghệ thuật dân tộc chứ không phải lý luận châu Âu làm điểm xuất phát. Chúng ta phải hiểu sâu nghệ thuật dân tộc như nó đã hình thành và tìm nguyên nhân hình thành ra nó ngay trong đời sống dân tộc (Triết, mỹ, ngôn ngữ, phong tục, tập quán tâm lý, thiên nhiên, xã hội… ) chứ không phải trong lý luận châu Âu và Ông đi đến khẳng định: Đặc trưng không thể nào là cái riêng thuần tuý mà là sự tổng hợp của nhiều cái chung và một cái riêng theo một kết cấu đặc thù, tạo nên sự khác biệt trên cái dạng cảm tính… Tuy nhiên sau khi phân tích xong chúng ta lại biết nhập trở lại những cái đã phân tích, biết tổng hợp lại những cái chung và cái riêng, đã tạo ra nó theo một kết cấu của riêng nó thì chúng ta sẽ thấy đặc trưng của nó một cách khoa học hơn”.
Từ những suy nghĩ như vậy, trong cuốn Đặc trưng nghệ thuật tuồng Ông đã đưa ra năm chương bao gồm: 1. Kịch bản Tuồng; 2. Hát Tuồng; 3. Múa Tuồng; 4. Nghệ thuật diễn viên tuồng và 5. Phương pháp sân khấu tuồng.
Ở chương 1 trong Kịch bản tuồng Ông đưa ra 10 vấn đề để Ông khẳng định đặc trưng kịch bản tuồng trong sáng tác kịch bản đó là: 1/. Nội dung thường khẳng định ca ngợi; 2/. Kịch bản tuồng thông qua hành động để tái hiện cuộc sống; là văn học của sân khấu hành động; 3/./Kịch bản Tuồng trú trọng đến cái hậu, hay đến sự tất thắng của lý tưởng chính trị,đạo đức của tác giả; 4/. Kịch bản tuồng được viết theo lối kể chuyện, đồng thời phát triển cao tính kịch và tính trữ tình. Tạm gọiđó là thể loại tự sự kịch tính trữ tình hay kể, tả, biểu hiện; 5/. Kịch bản tuồng lấy anh hùng làm đối tượng và phản ánh trực tiếp cái bên trong của con người; 6/. Bỏ thô lấy tinh, thấu tình đạt lý là nguyên tắc truyền thống của nhà viết tuồng; 7/. Văn học Tuồng xây dựng tính cách thiện, ác, rõ rệt trung nịnh phân minh, sáng tạo những nhân vật lý tưởng; 8/. kịch bản Tuồng đã được chủ tâm trình bầy cuộc sống đã được nhận thức vàđánh giá; 9/. Ngôn ngữ của văn học Tuồng là ngôn ngữ của kịch thơ có văn xuôi kết hợp, ất xúc tích, giàu tiết tấu, nhạc điệu (nhưng là lời thơ chứ không phải là lời ca) giàu tính động tác, tính hình tượng và tính trữ tình, mà không mất mức tính tự nhiên cần thiết của đài từ; 10/. Văn học tuồng gồm nhiều thể tài và không bị cứng nhắc về thể tài.
Trong 10 yếu tố làm nên đặc trưng kịch bản tuồng tôi quan tâm đến yếu tố thứ 4 Kịch bản tuồng được viết theo lối kể chuyện đồng thời phát triển cao tính kịch và tính trữ tình. Tạm gọiđó là thể loại tự sự kịch tính trữ tình hay kể, tả, biểu hiện vì yếu tố này là cơ sở quan trọng để tạo ra một cấu trúc kịch bản của loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc. Nếu không dựa vào cấu trúc (tự sự tính trữ tình) chúng ta sẽ lẫn lộn về loại hình nghệ thuật. Nói như thuật ngữ hiện nay đó là kịch cắm ca vì lẫn lộn cấu trúc kịch bản sân khấu. Vì vậy tránh sao khỏi việc “gieo vừng ra ngô” như Bác Hồ đã chỉ dạy.
Ở chương 5 “Phương pháp sân khấu tuồng” Ông đặt vấn đề: Tuồng sân khấu hiện thực tả ý và Ông rút ra từ thực tiễn tuồng để đưa ra 9 đặc điểm bao gồm:
1. Kết hợp linh hoạt giữa miêu tả và biểu hiện, tái hiện hiện thực bằng thủ pháp đa dạng.
2. Kết hợp biện chứng giữa phản ánh và đánh giá bằng kết hợp linh hoạt các phương tiện (ngôn ngữ và diễn xuất của diên viên).
Mỗi hình tượng nhân vật của nó là sự tích hợp của 3 thành phần nhân vật, tác giả, diễn viên.
3. Kết hợp hiện thực và lý tưởng.
4. Phơi bầy cho được cái hiện thực bản chất bên trong của nhân vật và cách điệu hóa diện mạo bên ngoài
5. Nghệ thuật biểu diên không xây dựng theo kiểu thực nghiệm.
6. Khẳng định sân khấu là giả và cái chân thực là gợi cảm không đúc hợp
7. Khán giả tham gia vào quá trình sáng tạo.
8. Phương pháp nghệ thuật biện chứng cổ đại của sân khấu tổng thể Á đông, nghệ thuật tuồng có nét độc đáo riệng.
9. Chức năng của nghệ thuật tuồng bao gồm: nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ.
Nhưng vấn đề Ông nêu lên trong “Đặc trưng nghệ thuật tuồng” đã góp ích cho những người làm nghề tuồng, những người yêu tuồng. Nhưng Ông cũng đưa ra vấn đề: Nó chưa thể thỏa mãn những người đang nhìn tuồng bằng con mắt hiện đại và Ông cũng đưa ra về việc tìm hiểu nghệ thuật tuồng sâu hơn đến nơi, đến chốn thì phải tiếp cận một kiến thức cao hơn tuồng. Đó là: Triết học duy vật biện chứng và vũ trụ quan sinh học tự phát cổ truyền của dân tộc ta có từ thời kỳ dựng nước mà trong “Đặc trưng nghệ thuật tuồng” Ông chưa bàn đến.
Thực tiễn nghiên cứu sáng tác và biểu diễn nghệ thuật dân tộc hiện nay đang đặt ra những vấn đề bức xúc trong việc bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật của cha ông để lại. Trong tình hình đó, những công trình khoa học của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang càng thêm có ý nghĩa và giữ nguyên giá trị thời sự, bổ ích cho những người hoạt động nghệ thuật dân tộc.
Với một tâm hồn nghệ sĩ bậc thầy và một tư duy bác học về nghệ thuật dân tộc, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã dành cả cuộc đời tâm huyết với nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đặc biệt là với nghệ thuật Tuồng truyền thống.
Khiêm nhường, tận tụy, nhiệt huyết, trí tuệ, một ngọn lửa đam mê rực sáng, một cá tính sáng tạo độc đáo, một chiến sĩ kiên định, triệt để bảo vệ nghệ thuật dân tộc… Đó là những gì đồng nghiệp, bạn bè, học trò các thế hệ thường nói về Mịch Quang.
Nhân dịp Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang ở tuổi “bách niên”, chúng Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc tổ chức Mừng thọ và Hội thảo 100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang để tôn vinh tài năng và tâm huyết của Ông, Ông là tấm gương sáng về lao động sáng tạo nghệ thuật, đã khẳng định được những giá trịvề nghệ thuật tuồng truyền thống góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển.
Hà Nội, tháng 1 năm 2018.
NSND Lê Tiến Thọ
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam