Nhà nghiên cứu Mịch Quang với nghệ thuật dân tộc
23/09/2020
Có lẽ bởi cái “duyên”, “nghiệp” mà sự quen biết của gia đình chúng tôi với bác Mịch Quang, tuy không thường xuyên gặp gỡ, nhưng lại rất sâu đậm. Nguyên là nhạc sĩ Lê Huy, nghiên cứu về “nhạc khí truyền thống dân tộc Việt Nam”, khi gặp nhà nghiên cứu Mịch Quang thì cả hai con người ấy có sự tâm tri về những vấn đề trong âm nhạc và nghệ thuật dân tộc. Để tỏ lòng kính trọng, không chỉ là ở tuổi đời vào bậc bề trên, mà cả bề dày tri thức, chúng tôi gọi là: bác Mịch Quang. Mặc dù, bác có ý kiến đề nghị: gọi mình bằng anh thôi! Còn bác, gọi vợ chồng chúng tôi bằng danh tính hình tượng nghề nghiệp: màu sắc và âm thanh. Chúng tôi càng trân trọng những tình cảm tâm giao ấy, nên trong bài viết này, cho tôi được phép gọi nhà nghiên cứu Mịch Quang bằng bác theo sự thân quý của gia đình.
Tôi còn nhớ, cách đây 15 năm, Viện Sân khấu Việt Nam tổ chức lễ mừng thọ 80 năm ngày sinh của nhà nghiên cứu – soạn giả lão thành Mịch Quang, mọi việc được phân công đã ổn; Làm sao cho buổi lễ diễn ra vừa trang trọng, vừa có sự ấm áp tình thân của đồng nghiệp, bạn bè nhiều thế hệ ở cơ quan cũng như trong gia đình bác. Đó là lẽ thường, đặt ra của Ban tổ chức. Nhưng, có một điều đặc biệt, về nội dung khẩu hiệu là: 80 năm ngày sinh, hay 80 tuổi…? đã phải trao đổi khá lâu. Cuối cùng GS. Hoàng Chương (lúc đó là Viện trưởng Viện Sân khấu Việt Nam) đưa ra quyết định dùng chữ 80 xuân, thay vì chữ ngày sinh, hay chữ tuổi. Chúng tôi nhất trí. Bởi chữ xuân, thì mới nói hết được tinh thần say mê, tính tiên phong khám phá, phát hiện cái mới và sự lao động dường như không biết mệt mỏi ở tuổi 80 vẫn sung mãn này của bác.
Bước vào tuổi 95, với những công trình nghiên cứu để đời như: “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng”; “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”; “Đặc trưng nghệ thuật Tuồng”… Cùng các chuyên luận: “Đào Tấn, nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc”; “Âm nhạc cải lương”; Bài chòi… Những tác phẩm sân khấu về thể loại: Kịch thơ, Tuồng, Cải lương… Đã minh chứng, khẳng định vị thế một nhà nghiên cứu tài năng, một nghệ sĩ tâm huyết, kiên định vì sự nghiệp nghệ thuật dân tộc. Ghi nhận những công lao đóng góp ấy là: Tấm huân chương lao động hạng nhất và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng.
Trong bài viết: “Tâm sự của một người già”, nhân dịp kỷ niệm 25 năm Viện Sân khấu Việt Nam, với lời tự bạch: Nghiên cứu là một công việc vô cùng khó khăn, gian khổ, đòi hỏi tài năng, phải khiêm tốn, phải ham học hỏi, lao động hết mình mới mong được kết quả chút ít… Trải nghiệm gần suốt cuộc đời – bằng thực tế – thành phong cách sống: luôn luôn hăng say, tìm mọi cách để học để tích lũy. Tạo nên vốn uyên thâm học vấn, từ những công trình về nghiên cứu, về sáng tác, rồi kết tinh thành mối tổng hòa trong công trình Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống. Đọc cuốn sách này, tôi vô cùng cảm phục và thích thú. Tuy bản thân chưa đủ kiến thức rộng, sâu để hiểu hết những vấn đề trong nội dung cuốn sách, nhưng nó lại gợi mở cho tôi những khám phá mới, đồng thời làm cơ sở, bổ trợ nhiều luận điểm trong phần nghiên cứu về chuyên nghành mỹ thuật sân khấu truyền thống dân tộc.
Chúng ta đều biết, nghệ thuật sân khấu là một nghệ thuật tổng hợp, trong đó có mỹ thuật. Tác giả khiêm tốn nhận: Không phải là nhà nghiên cứu mỹ thuật và cũng không có khả năng nghề nghiệp gì cả… Nhưng thực tế, trong công trình Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống, bác đã đề cập tới “Cấu trúc động đường cong trong kiến trúc và mỹ thuật dân tộc” với các luận chứng mang sức thuyết phục cao.
Về mỹ thuật: tác giả đã nêu lên những quy luật, nguyên nhân và ý nghĩa của đường cong lưng rồng, và đầu đao đình, chùa. Rất có giá trị, hữu ích cho những người làm mỹ thuật. Không chỉ nhận biết về cấu tạo đường cong, trên bình diện hình thức, mà ở cả chiều sâu trong tư tưởng, triết lý nhân sinh, ứng với từng thể chế triều đại.
Trong kiến trúc “cộng sinh” đưa thiên nhiên vào bố cục. Đây là đặc trưng trong kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam, dựa vào thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên. Một công trình kiến trúc, dù lớn hay nhỏ cũng phải ăn nhập với toàn cảnh, làm cho chính kiến trúc ấy trở thành bộ phận “đột xuất” của thiên nhiên. Tác giả cũng luận giải về quan niệm thẩm mỹ khác nhau trong kiến trúc: “thể hoành tráng chiều cao, thẳng đứng” của phương Tây, khác với phương Đông là tạo “thể hoành tráng chiều rộng”. Bật lên trong không gian kiến trúc sự cộng sinh, biến sự cân bằng sinh thái thành cái đẹp. Kiến trúc “cột chịu lực”: là sự liên kết cấu kiện hệ thống: cột, kèo, xà… ngoàm vào nhau, với hiệu quả “động” không bị bẹp đổ, khi có thiên tai, và thích nghi với khí hậu của từng vùng miền.
Ở hội họa “sai tỷ lệ kỳ diệu”. Ngắm bức tranh dân gian Việt Nam, ta nhận thấy nó không có định luật như hội họa châu Âu, mà xây dựng hình tượng với tính khái quát cao, vừa hư, vừa thực. Người nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian bằng phương pháp bắt được cái “duyên” của nhân vật. Cái “thần” của sự vật để các hình ảnh vẽ ra là sự “truyền thần” chứ không phải là “truyền hình” và lấy hình gợi ý, không gian, ánh sáng, con người, cảnh vật đều được ước lệ hóa. Còn người thưởng thức tranh, thì tư duy bằng cái sự: nhìn thuận mắt, nghĩ thuận tình. Kỹ thuật “màu tương phản”. Thì tranh dân gian thường sử dụng màu nguyên chất, mang tính đối lập. Song, chúng lại được đặt trong mối tương quan màu sắc hợp lý, mang tính trang trí, do đó nó dung hòa được những mảng màu tưởng như đối lập ấy, lại rất hòa hợp với màu sắc thiên nhiên. Nằm trong cấu trúc “động”, “mở”, “cộng sinh”… Tác giả quy chiếu sang hệ thống mô hình và trình thức biểu hiện nhân vật chèo, tuồng của sân khấu truyền thống dân tộc thì thấy mối tương đồng về sự sai tỷ lệ “kỳ diệu” giữa sân khấu truyền thống với hội họa tranh dân gian là: Ở sân khấu truyền thống, sai tỷ lệ nằm ở hát, múa, hóa trang. Còn tranh dân gian sai “tỷ lệ” ấy nằm trong đường nét. Tác giả nghiệm thấy rằng: “những đặc trưng cố hữu của mỹ thuật dân tộc mà cả thế giới thừa nhận nhưng chưa ai tìm ra nguyên nhân”. Nhà nghiên cứu Mịch Quang, nêu và đặt câu hỏi, rồi xuất phát từ quan điểm nghiên cứu và phương pháp luận dân tộc, mà luận giải một cách sâu sắc, lý thú, cũng thật “diệu kỳ” trong sự “kỳ diệu” ấy của nghệ thuật dân tộc.
Trong mối quan hệ công tác, nhà nghiên cứu – soạn giả lão thành Mịch Quang đối với lớp trẻ, bác coi như người bạn đồng hành, có sự cảm thông, động viên khích lệ thật chân tình. Khi tôi nghiên cứu về nghệ thuật hóa trang mặt nạ tuồng, bác sẵn sàng cung cấp tư liệu và đưa ra những quan điểm về phương pháp kẻ mặt, nguyên lý phối sắc tự nhiên trong sinh học… Để chuẩn bị xuất bản, bác viết ngay lời tựa cho cuốn sách*, có đoạn viết : Hóa trang mặt nạ là lĩnh vực nghiên cứu đầy kỳ lạ và thú vị mà bản thân thấy say mê nhưng không đủ kiến thức. Do đó tôi rất khuyến khích họa sĩ Đoàn Thị Tình lao vào nó với tất cả công phu từ bao năm nay. Tôi hoan nghênh tất cả những thành công và chưa thành công của chị trong công trình này. Tôi hoan nghênh cả những “chưa thành công” ư? Tôi có ý mỉa mai không? Hoàn toàn không. Tôi rất thành thực. Bởi lẽ là nhà nghiên cứu tuồng, một nghệ thuật mà cả thế giới chưa có trường dạy, tôi biết rất rõ rằng để có những “chưa thành công”, tức là những kết luận chưa đủ sức thuyết phục mà chỉ có giá trị thăm dò, gợi ý, tôi cũng đã ướt đẫm mồ hôi trán mấy năm trời! Họa sĩ Đoàn Thị Tình chắc chắn cũng thế. Rất mong các bạn đọc cũng hoan nghênh chị như tôi, và các nhà chuyên môn tiếp tay cho chị.
Vâng, xin được cảm ơn bác! Mỗi khi trao đổi ý kiến về chuyên môn với bác, tôi cảm nhận, như vừa được lên lớp học, qua những tiết giảng bài mang nhiều ý nghĩa thực tiễn, làm sáng tỏ thêm những yếu tố bản sắc dân tộc trong nghệ thuật truyền thống. Với bản thân tôi, nhà nghiên cứu – soạn giả Mịch Quang là một tấm gương sáng trong lao động, một nhân cách khoa học đậm hồn dân tộc, giàu lòng cảm thông. Những nét đẹp trong tâm, đức ấy, xứng đáng là người thày để thế hệ chúng tôi đi theo “nghiệp” nghiên cứu, rất cần phải học tập.
Hội thảo hôm nay, cũng là 95 xuân, tuổi của bác. Xin kính chúc bác trường thọ, mạnh khỏe như những “cột chịu lực” Việt Nam.
PGS.TS Đoàn Thị Tình