Nghĩ về một người thầy – NSND Đàm Liên

23/09/2020

Chú Mịch Quang là thầy dạy tôi về lý luận tuồng từ ngày tôi mới học nghề những thập kỷ 60, 70. Về nghề thì ban ngày tôi học hát, múa của cô Liễu, cô Đức, tối về mẹ tôi dạy thêm. Mẹ tôi cũng là một diễn viên khá ở Đoàn tuồng LK5. Đặc biệt chú Mịch Quang vừa giảng lý luận đến đâu, hát minh họa đến đấy, nên chúng tôi dễ tiếp thu. Với giọng hát rất tốt của chú thời ấy, đã giúp tôi phân biệt được cái hay, cái đẹp của hát tuồng, khác với cái hay, cái đẹp của cải lương, ca nhạc mới, để khỏi nhầm lẫn lai căng. Quyển sách “Tìm hiểu nghệ thuật tuồng” của chú ra năm 1963 là công trình nghiên cứu tuồng đầu tiên, đã là sách gối đầu giường suốt thời học sinh rồi ra làm diễn viên của tôi. Đặc biệt tôi rất thích chương chú viết về ngữ khí, ngữ điệu, ngữ phong trong hát tuồng, bởi nó giải thích rất rõ những vấn đề kỹ thuật hát tuồng mà trước đó chưa ai nói tới.

NSND Đàm Liên.

Đến năm 1989, chú Mịch Quang từ Nha Trang ra Hà Nội đưa tặng tôi quyển “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”. Tôi đã đọc rất say sưa quyển sách mới ấy của chú. Trong sách dày đến 325 trang, chú đã phân tích rất kỹ văn tuồng, nhạc tuồng, múa tuồng, hát tuồng, kỹ thuật diễn viên tuồng, giúp cho tôi nắm được khá chắc cơ sở khoa học của nghề mình. Vì sao diễn viên tuồng cũng như chèo, cải lương… hát để phản ánh nhân vật, hoặc khi nói thường, hoặc lặng thinh không nói trong đời sống? Vì sao nàng công chúa thể hiện như cô gái bình dân? Tôi đã được chú Mịch Quang chỉ rõ trong sách. Những vấn đề kỹ thuật vừa kể, vừa tả, vừa biểu hiện, của diễn viên tuồng, phương pháp nghệ thuật lấy cái tôi thứ nhất, cái tôi diễn viên làm thường trực cũng được chú phân tích rất kỹ, đến nơi đến chốn. Từ đó quyển “Đặc trưng nghệ thuật tuồng” cũng trở thành sách gối đầu giường của tôi và là quyển sách độc nhất về lý luận nghệ thuật diễn viên tuồng, đối với tôi nó giúp tôi rất nhiều trong sáng tạo nhân vật và giảng dạy cho diễn viên trẻ. Dù đã 20 năm qua chú Mịch Quang rời khỏi Viện Sân khấu về sống ở Nha Trang, nhưng chú Mịch Quang vẫn gắn bó với Viện và với những đoàn tuồng để nghiên cứu, sáng tác, chú vẫn là người thầy tin cậy đối với chúng tôi. Mới đây tôi lại được chú Mịch Quang tặng cho quyển“Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”, công trình thứ 4 của chú đã xuất bản. Tôi cũng đọc say mê vì tác giả phân tích rất kỹ, rất sâu về âm nhạc và sân khấu dân tộc, một vấn đề quan trọng bậc nhất trong sân khấu tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca mà lâu nay chưa ai tổng kết và phân tích đầy đủ.

Có thể nói, đối với tôi, đây là một “bửu bối” là một giáo trình bổ túc rất sâu cho việc tìm hiểu nghệ thuật tuồng và âm nhạc tuồng, cái nghề mà tôi nguyện suốt đời không rời bỏ nó.

Năm nay, chú Mịch Quang đã tròn 80 tuổi. Tôi hết sức vui mừng thấy chú vẫn sáng suốt, vẫn hăng say lao động nghiên cứu và sáng tác. Và điều lạ là không hiểu sao, chú Mịch Quang 80 tuổi rồi, mà chưa thấy xuất hiện một người thừa kế chú trong việc nghiên cứu về nghệ thuật biểu diễn hát, nhạc, múa tuồng? Tôi có đem điều thắc mắc ấy trao đổi với GS Hoàng Chương, Viện trưởng Viện Sân khấu để mong được lời giải đáp. Giáo sư nói: “Muốn thừa kế được nghề lý luận tuồng như các cụ Mịch Quang, Hoàng Châu Ký thì phải có ba điều kiện: Một là am hiểu sâu sắc về thơ văn cổ. Hai là phải biết hát tất cả các thể loại hát dân tộc của miền Trung, thậm chí phải hát thạo cả hát mới nữa như cụ Mịch Quang thời trẻ. Ba là phải am hiểu sâu về bộ phận triết học phương Đông có dính dáng đến tuồng. Cả ba điều kiện ấy hiện nay chưa có tiến sĩ, phó tiến sĩ, thạc sĩ nào hội đủ. Một PTS sân khấu, nếu muốn trở thành một nhà nghiên cứu sân khấu vững vàng về tuồng thì phải mất mười, mười lăm năm hoặc hơn nữa để học tập, nghiên cứu thật kỹ, thật sâu về nghệ thuật tuồng.

Nghe Viện trưởng Hoàng Chương nói, tôi mới thấm thía về tài năng và vốn tích lũy kỳ lạ của chú Mịch Quang, những gì mà ông đã nghiên cứu, học tập, tích lũy suốt hai phần ba thế kỷ qua.

Tôi mong ước sao, những người có tài năng, có tâm huyết, có đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật dân tộc như chú Mịch Quang mãi mãi khỏe mạnh, sống lâu và luôn sáng suốt để dìu dắt những người trẻ chúng tôi tiếp tục kế thừa và phát triển sân khấu dân tộc theo định hướng “dân tộc hiện đại” như định hướng của Đảng ta.

 

Hà Nội, tháng 7 1997

NSND Đàm Liên