Nghệ thuật dân tộc may mắn có bác Mịch Quang
23/09/2020
Tôi biết bác Mịch Quang từ năm 1986 nhờ vô tình đọc được một bài viết nội dung nói về sự liên quan giữa ca trù với hát tuồng trên tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật của Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam. Khi đó tôi vừa trở về sau 5 năm học tập và nghiên cứu tại Cộng hòa Ấn Độ. Tôi đã đọc bài báo đó nhiều lần, mong tìm cho mình những điều cần học hỏi về phương pháp thanh nhạc truyền thống. Còn một điều quan trọng đặc biệt hơn mà tôi nhận thức được chính là phương pháp luận của bác Mịch Quang. Ở đó không đơn thuần là việc mô tả, phân tích từ xâu chuỗi những hiện tượng âm nhạc giữa ca trù và hát tuồng mà còn cao sâu hơn thế, đó chính là phương pháp “Âm nhạc so sánh học” để tìm ra cấu trúc cơ bản từ những âm tiết nhỏ nhất được sắp xếp lại theo những quy luật vừa mang tính ngẫu nhiên ngẫu hứng vừa như bất biến vừa như khả biến (thuật ngữ của bác Mịch Quang dùng chính xác là hai bộ phận: Cụ thể bất biến – Cụ thể khả biến), rồi đối chiếu chúng với nhau (ví dụ: về sự khác biệt giữa tuồng Bình Định và Quảng Nam, tuồng LKV và tuồng Bắc).
Từ những năm 70, đầu 80, thế kỷ XX, tôi từng biết đến phương pháp này qua những cuộc tiếp xúc với các nhà nghiên cứu âm nhạc thuộc Viện âm nhạc so sánh học CHLB Đức. Tôi thực sự bất ngờ bởi những đúc kết quan trọng này từ bác Mịch Quang. Tiếc rằng chưa từng thấy các bậc thầy về thanh nhạc ở trong nước quan tâm tới (trong đó bao gồm thầy tuồng, thầy chèo, thầy dạy các bộ môn thanh nhạc dân gian truyền thống lẫn Opera ở các trường nghệ thuật).
Để đưa ra được một định nghĩa mang tính nguyên lý, khái quát cao như một định luật cho loại hình kịch hát dân tộc như : “Tự sự – Kịch tính – Trữ tình”, bác Mịch Quang đã phải dày công nghiên cứu đến thế nào. Tôi tìm đọc những bài viết của các học giả, các nhà nghiên cứu nghệ thuật trong và ngoài nước về bác như GS Trần Bảng, GS Trần Văn Khê, Viện sỹ Hoàng Trinh, GS Hoàng Chương, GS Nguyễn Thuyết Phong, GS T. Miller, GS Hồ Sỹ Vịnh…Tôi còn phỏng vấn để lấy những ý kiến của các nghệ sỹ bậc thầy như cố NSND Võ Sỹ Thừa, các NSND Đàm Liên, Mẫn Thu, Đình Bôi, Phương Thảo, Hòa Bình…kể cả những bài viết của các danh nhân đương thời như tướng Nam Khánh, nhà báo Hà Đăng, GS Đình Quang, PGS Tất Thắng, PGS.TS Đoàn Thị Tình, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ…và rất nhiều tác giả, nghệ sỹ, nhạc sỹ nữa. Tôi còn được xem trực tiếp nhiều vở tuồng mà bác là soạn giả, bác còn đặt sẵn các làn điệu cho các câu hát, chỉ cho diễn viên các bộ diễn, cho họa sỹ những thiết kế, trang phục, đạo cụ…cho các nhạc sỹ viết những đoạn nhạc nền sao cho thật tuồng, thật ăn khớp giữa các tình huống kịch, phù hợp với phương pháp diễn tấu “vào thủ ra vĩ” truyền thống.
Đọc những bài viết của bác, tôi nhận thức được rằng trong bác Mịch Quang hội tụ đầy đủ những cơ sở lý luận đi đôi với nghệ thuật truyền thống, lĩnh vực mà những học giả đó, họ đều là những người “đứng hàng đầu và ngồi chiếu trên” cả. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng không thể không lắng nghe những ý kiến của các nghệ sỹ biểu diễn bậc thầy, niềm vui hứng khởi của của công chúng những người yêu sân khấu truyền thống qua các vở tuồng do chính bác Mịch Quang biên soạn. Với những gì mà các nhà khoa học và nghệ sĩ đương thời đánh giá về bác Mịch Quang và cảm nhận của cá nhân, nếu tôi nói rằng bác Mịch Quang là “Đào Tấn thời nay” không biết có quá hay không?.
“ Cấu trúc Động – Mở trong âm nhạc Việt Nam” và “ Cấu trúc Tĩnh – Đóng trong Âm nhạc Phương Tây”. Chỉ với một nguyên lý như vậy mà đủ tầm khái quát sự khác biệt có tính hệ thống âm nhạc nước nhà với âm nhạc phương Tây. Đủ để mở ra sự nhận thức mới mẻ, dễ hiểu cho giới âm nhạc Phương Tây và thực tế nó đã giúp cho những người còn lơ mơ về âm nhạc truyền thống Việt Nam một chiếc chìa khóa để tự khai mở cả một kho tàng để có nhiều bài học về công tác nghiên cứu. Bác là một biểu tượng của tính độc lập, không hề dựa dẫm vào những cơ sở lý thuyết và khuôn mẫu của nền âm nhạc thế giới để tìm tòi khám phá đặc trưng đặc trưng âm nhạc truyền thống VN. Ông tự tịn tìm thấy trong kho tàng lý thuyết, triết học nước nhà và cả những ngành khoa học hiện đại thế giới những cơ sở khoa học cho phương pháp nghiên cứu độc lập của mình như Kịnh Dịch, Phật học, Sinh học, điều khiển học… Ông vận dụng uyển chuyển cả những thuật ngữ dân gian vốn có như “Bài” – “Bản”, “ Ca” – “Hát”, “Luyến – Láy” …và các thuật ngữ khoa học mới như “Mô hình”, “Cấu trúc”…trong các công trình nghiên cứu của mình. Tuy vậy, ít khi thấy ông dùng tiếng Tây tiếng Tầu cho các chú thích, mặc dù ông là người thường làm thơ chơi bằng tiếng Pháp rồi dịch sang chữ Hán để giải trí.
Tôi không có may mắn được biết bác Mịch Quang và tiếp cận với các công trình nghiên cứu và những phát hiện giá trí của bác sớm, lý do ấy cũng một phần vì bác không hề muốn tự giới thiệu vinh danh mình như một số người khác. Suốt cuộc đời, bác luôn âm thầm lặng lẽ trong suy tư nghiên cứu tìm tòi và sáng tạo. Phần vì chúng tôi xưa nay vốn thường chỉ say sưa với lý luận Tây, mơ ước đi Tây du học…Nếu như được biết bác sớm chắc tôi sẽ không phải tu nghiệp tại Cộng hòa Ấn Độ năm năm trời. Chỉ cần theo bác, học bác và các bậc thầy khác về âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam là quá đủ.
Giữa lúc các viện nghiên cứu trong nước ngày một nhiều thêm, tên các Viện thay đi đổi lại nay tên này mai tên khác, nay sát nhập, mai tách ra, các cơ sở đào tạo đua nhau cho ra lò hàng chục tiến sỹ mỗi năm. Song công trình nghiên cứu có giá trị và những phát minh khoa học lại cho thấy ngày một ít đi. Thật vô cùng lãng phí kinh phí đầu tư của nhà nước và phụ lòng mong đợi của công chúng và các đơn vị Nghệ thuật. Rất may mắn là còn có những người như bác Mịch Quang dám hy sinh tất cả thời gian, sức lực, tiền của và mọi quyền lợi cá nhân, một mình một khoảng trời riêng cống hiến cho sự nghiệp và niềm tự hào với nền nghệ thuật dân tộc.
Ngoài những công trình nghiên cứu, bác Mịch Quang còn dành cho đời những tác phẩm sân khấu tuồng lừng lẫy, đó là cả một sự kiên định không đổi thay trên con sự nghiệp mặc cho dòng đời xoay chuyển. Thành công nối tiếp thành công, bác Mịch Quang đã cho chúng ta bài học về những giá trị của cuộc sống bình dị, bác làm việc theo sự mách bảo từ trong trái tim mình, từ kho tàng tri thức của riêng mình và cả niềm đam mê vô bờ bến với nền nghệ thuật dân tộc. Đạo nghệ và cuộc đời bác là sự kết tinh từ chất xám vun đắp cho cây đời mãi mãi xanh tươi.
Bác Mịch Quang là người thầy mà tôi từng thần tượng, tôi yêu quý, tôi kính trọng, tôi khâm phục bởi các “âm luật” trong nhiều công trình nghiên cứu nghệ thuật dân tộc của bác, tôi thích thú những vở tuồng do bác soạn, tôi say sưa học hỏi qua những buổi dàn dựng của bác với tư cách thầy tuồng bên cạnh đạo diễn GS Hoàng Chương. Những khám phá táo bạo đó đã mở đường cho các thế hệ những nhà nghiên cứu nghệ thuật truyền thống nước ta trong hiện tại và tương lai. Trong dân gian ta còn lưu truyền câu: “ Cầm – Ca – Cung – Lý xưng vô địch/ Truyền tụng nhân gian trứ hữu danh”, tôi ao ước khắc dòng chữ này thật trang trọng để kính tặng Bác.
Hà Nội. Hè 2011
Nhạc sỹ Thao Giang
Giám đốc Trung tâm phát triển âm nhạc truyền thống