Mịch Quang với mỹ thuật dân tộc

23/09/2020

Hôm nay, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp cùng gia đình tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà nghiên cứu lão thành Mịch Quang  đồng thời nhân dịp ông được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Cho phép tôi được gửi lời chúc mừng, chúc sức khỏe, chúc sự đóng góp nghiên cứu nghệ thuật của soạn giả Mịch Quang đã cống hiến cho nền sân khấu cách mạng của nước nhà.

Nhân đây, xin được phát biểu đôi điều về bậc tiền bối Mịch Quang:

Là người làm công tác mỹ thuật sân khấu, tôi rất tâm đắc về những phát hiện mang tính quy luật của tác giả về phần khảo luận “cấu trúc động trong mỹ thuật dân tộc”. Tôi đọc nhiều lần và thấy đây là công trình nghiên cứu rất có giá trị. Cũng như một số công trình của ông về âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc, ngoài phần nội dung xúc tích, lôi cuốn thuyết phục, “cấu trúc động trong mỹ thuật dân tộc” mang dấu ấn đậm nét của một quan điểm và phương pháp nghiên cứu nghệ thuật dân tộc mà những người làm nghệ thuật cần đi sâu tìm hiểu vận dụng.

Riêng tôi, trong quá trình con đường nghiên cứu về sân khấu nghệ thuật dân tộc thì tôi đã học tập được rất nhiều ở nhà nghiên cứu lão thành Mịch Quang:

1. Quan điểm nghiên cứu, phương pháp luận xuất phát từ dân tộc “hãy hư tâm với triết học phương Tây khi tìm hiểu triết học phương Đông” (như một nhà nghiên cứu triết học phương Đông đề nghị) và “hãy tạm quên nghệ thuật châu Âu khi muốn thưởng thức nghệ thuật châu Á”, (như cố thủ tướng Indiagandi đã nói với các vị khách châu Âu: khi giới thiệu nghệ thuật Ấn Độ) và “hãy tìm hiểu nguyên nhân chi phối cấu trúc nghệ thuật dân tộc ta bằng tư duy biện chứng sinh học, bằng chính “hệ quy chiếu của chính nó, chứ không phải bằng hệ quy chiếu  châu Âu cũ”.

Nhà nghiên cứu Mịch Quang xông xáo vào nghệ thuật quen thuộc là sân khấu đã đành, tác giả còn đi sâu cả vào âm nhạc, hội họa, kiến trúc… đề cập đến “những vấn đề cụ thể của cấu trúc động – mở trong âm nhạc dân tộc, âm nhạc kịch hát” “cấu trúc động – mở đường cong, đặc thù trong âm nhạc dân tộc Việt”, “cấu trúc động – phỏng sinh học đặc thù”, vấn đề “mỹ học về cái hài hòa động, vấn đề “đưa thiên nhiên vào bố cục”, vấn đề “kiến trúc cột chịu lực”, vấn đề “hội họa sai tỷ lệ kỳ diệu”, “kỹ thuật màu tương phản”, “phỏng sinh học trong phối sắc”, “những đường cong hoa văn”, v.v. và v.v…

Tác giả đều xuất phát từ quan điểm và phương pháp nghiên cứu từ nghệ thuật dân tộc trên cơ sở chỗ đứng, từ dân tộc mà nhìn, mà nghĩ, mà nói, mà làm, mà kết luận…

2. Là phải có thực tế học và đọc, không chỉ lên lớp ở bục giảng đường có quy mô chuyên nghiệp mà còn học chính ở những người bạn đồng nghiệp bằng sự trao đổi, đàm luận và ông thường nhắc: “công việc nghiên cứu là công việc đầy cam go vất vả, được một chút thành quả nào đó cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Từ sự chiêm nghiệm bản thân mà ông luôn mở lòng với lớp trẻ đi theo sự nghiệp này bằng việc động viên khích lệ, cảm thông đã đành, còn kêu gọi sự ủng hộ cho những người mới bước vào nghề. Chính vì vậy, mà những khi được trao đổi với ông, là sự cảm nhận như vừa được lên giảng đường “nạp thêm kiến thức văn hóa nghệ thuật dân tộc, như được ông chia lửa để đam mê dấn thân vào việc nghiên cứu của mình theo đuổi”. “Cái nghiệp” này tôi cũng đi gần hết cuộc đời.

3. Sự khiêm tốn ông tự nhận: “không phải là nhà nghiên cứu mỹ thuật, cũng không có khả năng nghề nghiệp gì cả” nhưng chỉ qua việc ông đã nghiên cứu tham khảo rất nhiều công trình nghiên cứu triết học, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, văn nghệ, mỹ học, sinh học, vật lý, y học, dược học v.v… trong nước và nước ngoài, để có sự hiểu biết sâu rộng nhiều mặt về kiến thức Đông Tây, kim cổ đa ngành, nhiều hướng nhằm đối chiếu, soi sáng, bảo vệ cho những lập luận của mình, đem lại cho độc giả những thông tin, những đánh giá, những nhận định sâu sắc, lý thú, bổ ích…

Xin được cảm ơn ông, một cây đại thụ của sân khấu Việt Nam, người đã đặt nền móng cho công tác nghiên cứu lý luận. Trong tôi, hình ảnh ông luôn là bậc thầy, một tấm gương hội tụ đức, tâm, tài, vì sự nghiệp văn hóa nghệ thuật dân tộc cho thế hệ trẻ soi chung.

 

PGSTS Đoàn Thị Tình