Mịch Quang với mỹ thuật dân tộc
23/09/2020
Hôm nay Viện Sân khấu và gia đình tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhà nghiên cứu lão thành Mịch Quang, cho phép tôi được gửi lời chúc mừng, chúc sức khỏe, chúc sự đóng góp nghiên cứu nghệ thuật của bác Mịch Quang tiếp tục trường thọ.
Nhân đây, xin được phát biểu đôi điều tâm đắc: nguyên là năm ngoái bác Mịch Quang có đưa tôi đọc một bài khảo luận về “Cấu trúc động trong mỹ thuật dân tộc”. Tôi đọc nhiều lần và thấy đây là một công trình nghiên cứu rất có giá trị. Cũng như một số bài viết về “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”, ngoài phần nội dung xúc tích, lôi cuốn, thuyết phục, “Cấu trúc động trong mỹ thuật dân tộc” mang dấu ấn đậm nét của một quan điểm và phương pháp nghiên cứu nghệ thuật dân tộc mà những người làm nghệ thuật cần đi sâu tìm hiểu, vận dụng. Xin chân thành cảm ơn tác giả.
Từ nhiều năm nay, đường lối văn nghệ dân tộc được Đảng và Nhà nước đề ra, nhưng trên thực tế, các ngành nghệ thuật (sân khấu, âm nhạc, múa, hội họa v.v…) với các khâu đào tạo, nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn… hình như vẫn có cái gì đó lúng túng, vướng mắc. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều buổi biểu diễn thể nghiệm… đã được tổ chức, nhưng những bước đi hình như vẫn còn chập chững, chưa chắc chắn, chưa khẳng định. Do thiếu kinh phí, hay do đội ngũ còn quá mỏng, hay do sự tác động xấu của ngoại cảnh…? Có thể nhiều ít, có những nguyên nhân ấy, nhưng theo tôi, nguyên nhân quan trọng là vấn đề quan điểm nghiên cứu, vấn đề phương pháp luận. Trong công trình của mình, nhà nghiên cứu Mịch Quang đã nhắc chúng ta “Hãy hư tâm với triết học phương Tây khi tìm hiểu triết học phương Đông” (như một nhà nghiên cứu triết học phương Đông đề nghị) và “Hãy tạm quên nghệ thuật châu Âu khi muốn thưởng thức đúng nghệ thuật châu Á” (như cố Thủ tướng Italia Găngđi đã nói với các chính sách châu Âu khi giới thiệu nghệ thuật Ấn Độ) và “Hãy tìm hiểu nguyên nhân chi phối cấu trúc nghệ thuật dân tộc ta bằng tư duy biện chứng sinh học, bằng chính “hệ qui chiếu” của chính nó, chứ không phải bằng hệ qui chiếu châu Âu cũ”.
Nói, nhắc nhở mọi người, không bằng bắt tay làm thực sự! Nhà nghiên cứu Mịch Quang xông xáo vào trận địa quen thuộc đã đành, tác giả không ngại ngần đi sâu cả vào âm nhạc, hội họa, kiến trúc… Đề cập đến “những vấn đề cụ thể của cấu trúc động – mở trong âm nhạc dân tộc, âm nhạc kịch hát”, “cấu trúc động – mở đường cong, đặc thù trong âm nhạc dân tộc Việt”, “cấu trúc động – phỏng sinh học đặc thù”, vấn đề “mỹ học về cái hài hòa động”, vấn đề “Đưa thiên nhiên vào bố cục”, vấn đề “kiến trúc cột chịu lực”, vấn đề “hội họa sai tỷ lệ kỳ diệu”, “kỹ năng màu tương phản”, “phỏng sinh học trong phối sắc”, “những đường cong hoa văn” v.v.. và v.v…
Tất cả, tất cả, tác giả đều xuất phát từ quan điểm và phương pháp nghiên cứu nghệ thuật trên cơ sở chỗ đứng từ dân tộc mà nhìn, mà nghĩ, mà nói, mà làm, mà kết luận…
Tác giả Mịch Quang khiêm tốn tự nhận “không phải là nhà nghiên cứu mỹ thuật và cũng không có khả năng nghề nghiệp gì cả”. Nhưng theo tôi, bỏ công sức nghiên cứu nhiều ngành như vậy là biểu hiện tấm lòng, một tâm huyết, một tài năng đối với nền nghệ thuật dân tộc. Điều đáng quý là trên thực tế công trình, lập luận nghiên cứu ở đây rất vững vàng, chặt chẽ, lôi cuốn, chất lượng nghiên cứu mang sức thuyết phục cao.
Tôi cũng phải nói ngay rằng, nhấn mạnh phương pháp nghiên cứu xuất phát từ dân tộc, tác giả Mịch Quang vẫn không vướng vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bác đã tham khảo rất nhiều công trình nghiên cứu triết học, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, văn nghệ, mỹ học, sinh học, vật lý, y học, dược học v.v… trong nước và nước ngoài, để có sự hiểu biết sâu rộng nhiều mặt về kiến thức Đông Tây, kim, cổ, đa ngành, nhiều hướng, nhằm đối chiếu, soi sáng, bảo vệ cho những lập luận của mình, đem lại cho độc giả những thông tin, những đánh giá, những nhận định sâu sắc, lý thú, bổ ích…
Một cảm nhận nữa của tôi là: nhìn chung các các công trình nghiên cứu, lý luận, dù là nghiên cứu, lý luận nghệ thuật, thường thường dễ có hiện tượng hành văn khô cứng, cao siêu, khó hiểu, nhưng ở tác giả Mịch Quang, qua công trình “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc” (đã in), và đặc biệt với bài viết “Cấu trúc động trong mỹ thuật dân tộc” tôi được tác giả ưu tiên cho đọc trước, tôi thấy rất dễ hiểu, văn phong rất độc đáo, nhẹ nhàng, sáng sủa, hấp dẫn… như viết theo kiểu kể chuyện, tâm sự… với nhiều ví dụ, nhiều dẫn chứng… rất đời thường, phải chăng đây cũng là kiểu nghiên cứu, lý luận mang phong cách dân tộc, dân gian của tác giả.
Tác giả rất khiêm tốn nhưng cũng rất vui, và làm ai cũng có thể vừa lòng với những dòng kết luận lường trước các loại phản ứng của người đọc: nếu người đọc cho rằng đã biết những nội dung như tác giả đề cập, thì tác giả thấy rất may, vì có nhiều người đồng thanh, đồng khí; nếu có bạn rằng đây là điều bất ngờ,thì tác giả càng rất thú, vì chính tác giả cũng đã bất ngờ khi tìm ra những tia sáng mới; còn nếu ai bảo: chỗ này nghe được, còn chỗ kia cần phải bàn, thì tác giả cũng rất mừng vì có bạn đồng hành, muốn cùng đổ mồ hôi; cuối cùng, nếu có người phản đối, thì tác giả cũng mong được trao đổi bàn bạc cho sáng tỏ vấn đề, có ích cho nền nghệ thuật dân tộc…
Là người làm công tác mỹ thuật sân khấu, tôi rất tâm đắc về những phát hiện mang tính quy luật của tác giả. Tất nhiên, công trình nghiên cứu nào cũng có thể còn những chi tiết phải bàn thêm, nhưng trong thực trạng hoạt động nghệ thuật nói chung của chúng ta hiện nay, đang rất cần những tiếng nói khám phá, xây dựng… Tác giả Mịch Quang đã “cố gắng tung vấn đề ra, mong đánh những tín hiệu mới”, chỉ với nhưng mong muốn như vậy thôi, cũng đủ để chúng ta hoan nghênh nhiệt liệt.
Ở tuổi 80, sức khỏe và sức viết của bác Mịch Quang vẫn còn rất sung mãn. Trong buổi lễ kỷ niệm hôm nay, một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn bác đã cung cấp cho bạn đọc, trong đó có tôi, những nhận thức, những kinh nghiệm về nghiên cứu, lý luận nghệ thuật rất quí báu.
Xin chúc bác và gia đình vui mạnh. Kính chúc bác dồi dào sức khỏe, sống lâu, như những “cột chịu lực” Việt Nam, cùng với những công trình nghiên cứu nghệ thuật bác đã viết và sẽ viết tiếp không ngừng nghỉ, “non interrotto”.
Hà Nội, tháng 9/1997
PTS. NSƯT ĐOÀN THỊ TÌNH