Mịch Quang và phép biện chứng trong nghệ thuật học dân tộc

23/09/2020

Nhà nghiên cứu Mịch Quang (Bên phải).

Chúng ta đang sống trong một thời đại với năm nghịch lý tự nhiên: Hợp tác và cạnh tranh; Ổn định và biến động; Năng suất và dư thừa lao động; Chất lượng cao và giá rẻ; Tài năng và trình độ quản lý thấp, cơ chế bất ổn. Nhận định này, đã ảnh hưởng đến triết học và văn hóa học thời đại. Một nhà triết học phương Tây gần đây có một luận điểm được khái quát hóa: Trên cuộc đời này, tất cả đều sẽ mất đi, chỉ còn lại PHÉP BIỆN CHỨNG. Đọc các tác phẩm của học giả Mịch Quang, cái đặc điểm khoa học xuyên suốt là phương pháp luận mác xít, phép biện chứng dân tộc, khi cái duy lý và cái thực tiễn đã được đan kết. Nhưng ông không kỳ thị với những thành tựu của J. P. Satre, Sigmund Freud, cũng không vồ vập với mọi thông thái của phương Đông mà công trình Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống, Về phương thức diễn đạt cổ truyền của người Việt, Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc, v.v… là những chứng giải. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình tư duy biện chứng là sự vận dụng âm dương – ngũ hành vào những quan điểm cụ thể của phương pháp sáng tác: vừa miêu tả, vừa gợi tả; vừa hiện thực – vừa siêu thực; cái tả thực và cái cách điệu, các phạm trù vật và tâm, tuyến tính và phi tuyến tính, duy lý và thực tiễn, bề nổi và bề chìm, v.v… Cái trước thường là hiện thực trần trụi, còn cái sau là trực giác, tầm bay của trí tưởng tượng. Đó là sự phản ánh đa chiều, trọn vẹn của đối tượng miêu tả. Phép biện chứng là công cụ kỳ diệu, đầy thuyết phục giúp nhà nghiên cứu, nhà sáng tác có thẩm định chuẩn xác mọi giá trị nghệ thuật truyền thống. Đối với ông, tư duy triết học biện chứng, phông văn hóa rộng, tạo nên văn cốt, chân tài của một nhà khoa học. Trong sân khấu là tính đa chiều, tính tương phản, tính biến hóa uyển chuyển, v.v… được thể hiện ở bộ múa tuồng là một ví dụ: nội ngoại tương quan, thượng hạ tương phù, tả hữu tương ứng, phì sấu tương chế. Trong nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, và nghiên cứu sân khấu nói riêng, Mịch Quang đã nêu phương châm khi sử dụng đối tượng phản ánh và miêu tả: điểm và diện (chủ biệt và chủ toàn). Trong âm nhạc, cấu trúc động được ông lưu ý là cấu trúc động – mở mà hai trong nhiều ví dụ làm người đọc sửng sờ, thú vị: Một là, hát ru thuộc về thể điệu, chứ không phải ca khúc, được vận dụng theo luyến láy, làn sóng, quảng âm nhỏ… vì chức năng của hát ru là gây ngủ. Hai là, Đường cong và cấu trúc động trong nghệ thuật tạo hình dân tộc là nét dáng kiến trúc cộng sinh đưa thiên nhiên vào bố cục, những đường cong của hoa văn, họa tiết, lưng rồng, mái đình, v.v… Cấu trúc động – mở của nhà văn hóa học Mịch Quang là một phát kiến của phép biện chứng trong nghiên cứu mỹ học dân tộc.

Đọc các công trình và bài viết của nhà khoa học lão thành Mịch Quang, chúng tôi khâm phục luận điểm khi bàn về cái duy lý và cái thực tiễn trong nghệ thuật dân tộc. Tuồng là hình thức nghệ thuật bác học. Nói bác học là nói chiều rộng tri thức, điển tích, điển cố, là “chất tuồng”, v.v… Tác giả tuồng không chỉ thuộc Bắc sử, quốc sử, am tường thơ ca, thơ – từ – phú, đòi hòi trí tuệ và cảm xúc, duy lý và thực tiễn. Đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại là sở trường, đắc dụng của kịch bản tuồng. Căn cứ vào những đặc trưng của nghệ thuật tuồng cổ điển chúng tôi cho rằng, tuồng cổ điển dân tộc vừa xa lạ với thần bí, vừa không hoàn toàn phụ thuộc vào cái duy lý. Xa lạ với thần bí vì phần lớn đề tài mang tính hướng nội: đạo lý làm người, ca ngợi những anh hùng cứu nước, ghét kẻ xiểm nịnh gian tà; nhưng không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào cái duy lý, bởi nó dừng lại ở tính dân gian, ngay cả tầng lớp hoàng tộc. Nó có tính hướng ngoại nên mới sáng tạo ra những vở tuồng đồ, tuồng hài. Tri thức về sân khấu kịch hát dân tộc thôi thúc Mịch Quang viết vở Thanh gươm hát bội – ca ngợi một vị quan thanh liêm, cương trực, vừa là nhà thơ lớn. Vở mang đậm chất tuồng và tương đối thành công.

Trong những năm 80 (thế kỷ XX) trở lại đây các nhà khoa học xác nhận sự liên kết giữa truyền thống và hiện đại, sự giao thoa giữa các ngành khoa học (interdicipline). Truyền thống có nhiều giá trị: đúng, sai và xác xuất. Hiện đại đòi hòi ba công đoạn: nhu cầu của công chúng (besoin), năng lực của nghệ sỹ (capacité) và hành động (action) của cả hai phía. Trong tuyên bố Venise của UNESCO nhấn mạnh rằng, sự nghiệp nghiên cứu, sáng tạo có liên quan đến nhiều bộ môn khoa học: Khoa học chính xác, khoa học xã hội và nhân văn và nghệ thuật học, liên ngành và xuyên ngành đã có sẵn trong óc chúng ta do tác động qua lại giữa hai bán cầu não bộ. Sự khám phá và ứng dụng phương pháp biện chứng vào nghệ thuật sân khấu dân tộc là một bước tiến bộ của khoa học thế kỷ XX. Ngày nay, các nhà triết học chân chính phương Tây thường coi chủ nghĩa Marx thuộc về nền văn hóa hiện đại. J. P. Sartre với câu nói nổi tiếng: “Chủ nghĩa Marx là một khuynh hướng triết học mà không có một triết thuyết nào có thể vượt qua được”. Jacques Derrida chưa phải là người mác xít nhưng ông vẫn tuyên cáo rằng: “Chủ nghĩa Marx đã xây dựng nên lịch sử thế kỷ XX…”. Nói chủ nghĩa Marx là nói đến hạt nhân của triết học hiện đại, mà phép biện chứng là một phát minh của mọi ngành khoa học hiện đại. Tôi nghĩ rằng, trong tiến trình hoạt động khoa học của mình, Mịch Quang – giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều giải thưởng khác là phần thưởng xứng đáng của Nhà nước và nhân dân đối với ông, bởi ông đã sớm vận dụng phép biện chứng hiểu theo nghĩa rộng đối với các ngành trong văn hóa học, nghệ thuật học nước nhà, một bước tiến bộ trong lĩnh vực mỹ học dân tộc.

Tháng 01/2018

GS. VS. Hồ Sĩ Vịnh