Mịch Quang như tôi biết – Nhà thơ Giang Nam

21/09/2020

Tôi biết đến tên Mịch Quang từ những ngày ở căn cứ Trung ương cục miền Nam cuối những năm 1960. Đó là nhờ cuốn sách “Tim hiểu nghệ thuật tuồng” của anh với lời tựa của nhà thơ Bảo Định Giang và lời đề tặng xúc động của tác giả mà tôi vẫn nhớ: “Kính tặng đồng bào miền Nam, những Mạnh Thường Quân vĩ đại và bất diệt của nghệ thuật tuồng”, xuất bản ở thủ đô Hà Nội năm 1963, đã được gửi vào tiến tuyến miền Nam. Chúng tôi rất ấn tượng với cuốn sách bởi nó đã giúp những người hoạt động văn nghệ giải phóng miền Nam hiểu rằng tuồng hay hát bội không hề có nguồn gốc Trung Quốc như nhiều người lầm tưởng mà hoàn toàn là sản phẩm do dân tộc Việt Nam sáng tạo nên trong quá trinh lịch sử dựng nước và giữ nước, mang đậm bản sắc dân tộc, thực sự là một thứ  “quốc bảo” của văn hóa dân tộc. Cuốn sách cũng đem lại cho chúng tôi nhiều hiểu biết mới mẻ về các đặc trưng nội dung và nghệ thuật của tuồng, một loại hình sân khấu rất được hâm mộ ở miền Trung và Nam bộ.


Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi từ Trung ương Cục miền Nam về lại Nha Trang, anh Mịch Quang cũng từ thủ đô Hà Nội vào đây và chúng tôi được công tác cùng nhau ở tỉnh Phú Khánh rồi Khánh Hòa sau này. Từ đấy, tôi biết Mịch Quang không chỉ là một nhà nghiên cứu tuồng mà còn là một tác giả văn học có những đóng góp đáng quý. Bài thơ “Cụ Hồ ở miền Nam” của anh đã từng được đưa vào sách giảo khoa, thanh xướng kịch “Chọn ảnh” và vở kịch thơ “Vua Hùng kén rể” của anh cũng đã được dựng trên sóng Đài Phát thanh Giải phóng, được đồng bào chiến sĩ miền Nam yêu thích trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Trong thời gian những năm 1980-2000, tôi liên tục được xem những vở diễn mới được dựng theo kịch bản của Mịch Quang trên sân khấu của Đoàn tuồng, Nhà hát tuồng Phú Khánh rồi Khánh Hòa như “Phất cờ nương tử”, “Thanh gươm hát bội”, “Nỗi lòng bà mẹ”, “Giấc mộng hồ hoa”, “Vua Hùng kén rể”… Có thể nói đây là những vở diễn làm nên thương hiệu nổi tiếng của sân khấu tuồng Phú Khánh, Khánh Hòa thời gian ấy.

Đó là thời gian nghệ thuật tuồng ở Phú Khánh, Khánh Hòa phát triển rất mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn bởi được sự quan tâm sâu sắc, thực chất của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là của Chủ tịch tỉnh Võ Hòa. Đối với riêng anh Mịch Quang, Chủ tịch Võ Hòa coi anh như anh ruột, rất thấu hiểu và quan tâm ủng hộ, khích lệ những dự định sáng tạo của anh Mịch Quang, cả sáng tác lần nghiên cứu. Chính vì vậy, đây là thời gian thăng hoa của tài năng Mịch Quang không chỉ với những vở diễn nói trên mà còn cả những công trình nghiên cứu quan trọng khi công bố đã được giới học thuật trong và ngoài nước đánh giá rất cao như “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”, “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”, “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”. “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”…Có thể nói, Phú Khánh, Khánh Hòa đã góp phần rất quan trọng làm nên tên tuổi sự nghiệp của Mịch Quang.

Riêng tôi, những tháng năm công tác cùng anh Mịch Quang, tôi đã học được nhiều bài học đáng quý. Trước hết, đó là tình yêu và sự tôn trọng tuyệt đối thủy chung mà anh dành cho văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc. Tiếp đó là tinh thần khiêm tốn học hỏi không ngừng, ở mọi nơi mọi lúc, với mọi đối tượng, khả năng tự phê phán cao, luôn lấy thực tiễn kiểm tra lý luận để có thể ngày càng tiếp cận tới chân lý. Và sau hết là sự chân thành, thẳng thắn, vô tư, trong sáng, không màng lợi danh của một kẻ sĩ chân chính. Mà không chỉ riêng tôi, văn nghệ sĩ Phú Khánh, Khánh Hòa các thế hệ đều nhận được những bài học này từ anh và rất yêu quý anh.

Đã mười năm nay, do hoàn cảnh gia đình, anh Mịch Quang đã chuyển ra Hà Nội để sống với con cháu, không còn ở Nha Trang cùng chúng tôi. Chúng tôi rất vui khi biết anh vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, vẫn không ngừng học hỏi nghiên cứu, sáng tác như anh từng viết trong bài thơ khai bút năm 85 tuổi: “Học mãi học hoài còn thấy dốt/Viết rồi viết nữa vẫn chưa xong”.

Mừng anh 95 tuổi, tôi tin rằng, với khát khao mạnh mẽ đó, nhất định anh sẽ đi đến tuổi bách niên và sẽ còn đóng góp nhiều điều hữu ích cho nghệ thuật tuồng và cho văn hóa nghệ thuật dân tộc.

Nha Trang, tháng 4/2011

 

Nhà thơ Giang Nam

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa