Mịch Quang, nhà thi pháp học của kịch hát dân tộc
22/09/2020
Trước đây, nhân kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh của nhà nghiên cứu, soạn giả lão thành Mịch Quang, tôi đã đánh giá ông như là một trong những người đặt nền móng thực sự cho khoa sân khấu học Việt Nam. Bây giờ, đọc lại những công trình nghiên cứu của ông, tôi lại thấy ở Mịch Quang một tư cách mới, nó làm tôn vinh cho khoa sân khấu học, kịch học Việt Nam.
Đó là tư cách nhà thi pháp.
I.
Điều làm tôi ngạc nhiên đến sửng sốt, trân trọng đến bái phục là Mịch Quang luôn thoát ra khỏi thói quen nghiên cứu, phê bình một thời, cái thời kìm hãm, ngăn cản bước phát triển của khoa học về văn học nói chung và khoa học về kịch, về sân khấu của ta nói riêng, làm chúng ta thụt lùi lại đằng sau hàng thập kỷ so với một số quốc gia mà tôi được biết. Trong cái thời đó, chúng ta đã phạm phải một sai lầm có tính lịch sử thời đại là khi nghiên cứu, phê bình văn học văn học thì nặng về nghiên cứu nó không với tư cách một nghệ thuật mà là một hình thái ý thức xã hội với những tiêu chí về tính đảng, tính nhân dân, tính chiến đấu….Khi đã nghiên cứu văn học với tư cách một hình thái ý thức xã hội thì đương nhiên ta phải tập trung vào nội dung phản ánh hiện thực thời đại, tồn tại xã hội của nó, bởi vì đó là đương nhiên: ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội. Kết quả là chúng ta sa đà và lún sâu vào xã hội học văn học, đôi khi rất thô thiển. Giáo sư quá cố Hoàng Trinh thì lại nghiên cứu văn học như một hệ thống ký hiệu theo khoa ký hiệu học văn học thành ra công trình Từ ký hiệu học đến Thi pháp học của ông có lúc đã làm mất cái hồn của văn học là chủ nghĩa nhân đạo.
II.
Khi quan niệm văn học là nghệ thuật thì ta hãy trước hết nghiên cứu nó như một nghệ thuật, mà chớ có tán, có bình, có giảng về nội dung xã hội phản ánh trong đó. Mặc dù điều này cũng cần thiết đấy, nhưng nói như Lão tử: cần quá hóa không cần!.
Trong những công trình của Mịch Quang, cụ thể trước hết là một số công trình về tuồng như Tìm hiểu nghệ thuật tuồng (Nhà xuất bản Văn hóa, 1963), Đặc trưng nghệ thuật tuồng (Nhà xuất bản Sân khấu, 1996), Mịch Quang đã xem xét, khảo sát, phát hiện, tóm lại là nghiên cứu tuồng như một nghệ thuật. Kể ra, thì cũng lạ thật, ngay từ những năm thập kỷ 60 của thế kỷ 20, khi mà giới nghiên cứu văn học bị một thói quen hễ cứ tiếp xúc với và lên tiếng về một tác phẩm văn học nào thì đều tiếp xúc và lên tiếng từ nội dung phản ánh và tư tưởng chủ đề của tác phẩm đó. Thế mà Mịch Quang lại thoát ra được cái thói quen methodologie ấy. Bao giờ anh cũng để tâm đến những khía cạnh nghệ thuật của nghệ thuật tuồng, tức là để tâm đến phương diện thi pháp tuồng. Có thể nói, Mịch Quang và Hoàng Châu Ký đã là những học giả đi trước thời đại về điểm này.
Trong công trình “Tìm hiểu nghệ thuật tuồng”, Mịch Quang mặc dù ở hình thức ngắn gọn đã trình bày một cách dễ hiểu những đặc trưng mang tính thể loại của tuồng trên cả phương diện kịch bản văn học và nghệ thuật biểu diễn, mà sau này ông phát triển hoàn chỉnh trong công trình đặc biệt có giá trị là “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”. Rõ ràng, Mịch Quang đã nghiên cứu những vấn đề của thi pháp thể loại, một nhánh ngành của thi pháp miêu tả. Chỉ có điều thời gian ấy, những năm đầu 1960 ở Việt Nam, có thể nói chưa mấy ai làm quen với khái niệm Thi pháp và bộ môn Thi pháp học, cho nên cứ khái niệm đặc trưng thể loại mà dùng. Cũng như ở Pháp, những năm đầu của trào lưu lãng mạn, Stăng đan viết công trình nghiên cứu nổi tiếng thế giới ”Raxin và Sêchxpia”, tác phẩm được coi như manifet của chủ nghĩa hiện thực, nhưng Stăng đan lại dùng thuật ngữ “lãng mạn” bởi vì lúc đó làm gì đã có thuật ngữ “hiện thực” mà dùng.
Trong công trình “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”. Mịch Quang đã hệ thống hóa đặc trưng thể loại của tuồng, tức không phải gì khác mà chính là Thi pháp thể loại của tuồng. Trong công trình này, ông đã nghiên cứu dẫn giải nhiều vở tuồng cổ nổi tiếng như “Sơn hậu”, “Tam nữ đồ vương”, “Giác oan”, “Đào Phi Phụng”, “Lý Phụng Đình”, “An trào kiếm” và nhiều vở khác. Tất nhiên, ông phải phân tích nội dung diễn tả của các vở đó, nhưng phân tích như vậy không phải để bình, để giảng, để nhấm nháp về nội dung xã hội được phản ánh một cách trực tiếp hay ngụ ý trong đó mà mục đích tối cao, nói theo thuật ngữ hệ thống Stanislapski, của Mịch Quang là để tìm ra, phát hiện ra và dẫn chứng ra một cách thuyết phục các biện pháp mỹ học, tức những yếu tố thi pháp, trở thành thi pháp thể loại của tuồng. Ông nêu lên biện pháp vận động của kịch bản tuồng, cụ thể là biện pháp cấu trúc tuồng, một nhân tô cực kỳ quan trọng theo đuổi thi pháp thể loại suốt cả chục thế kỷ. Đó là biện pháp mô hình: vua băng, nịnh thoán, hoàng tử mắc nạn, ông hoàng bị vây, chém nịnh định đô, tôn vương tức vị…mà trong quá trình nghiên cứu thi pháp tuồng, ông đã đúc kết, chỉnh lý lại từ những câu nói tương tự với những dị bản khác nhau cảu các nghệ nhân tuồng lão luyện. Mịch Quang sau khi khảo sát các vở tuồng cổ nổi tiếng đã tổng kết, hệ thống hóa những đặc trưng thi pháp thể loại tuồng như sau:
- Xây dựng cấu trúc mô hình như đã nói ở trên.
- Là văn học của một sân khấu hành động (ta nhớ một đặc trưng muôn đời của kịch mà Aristốt từng nêu lên trong luận văn Thi pháp (Nghệ thuật thi ca; tính hành động).
- Kết thúc có hậu- Sự tất thắng của lý tưởng đạo đức.
- Viết theo lối kể chuyện có kết hợp tính kịch và tính trữ tình, tạm gọi là thể loại tự sự kịch tính trữ tình. Thật tuyệt vời khi mà sự đúc kết xúc tích chính xác, dễ nhớ như là một châm ngôn ấy lại rất phù hợp với tư tưởng thể loại của Aristốt: cái mà tự sự, trữ tình có thì kịch cũng có, nhưng có cái kịch có mà tự sự trữ tình không có (Nghệ thuật thi ca).
- Lấy con người anh hùng làm đối tượng. Lại một lần nữa Mịch Quang tao ngộ với Aristốt khi lý luận gia cổ đại Hy Lạp cũng xác định nhân vật bi kịch là những anh hùng, vĩ nhân trong lịch sử và thần thoại. Tôi có nói quá lên không: với Mịch Quang và Aristốt, hơn một lần những tư tưởng Đông Tây gặp nhau. Nếu có quá thì xin các bạn thông cảm cho bầu nhiệt huyết nó cứ trào lên đầu ngọn bút khi viết về Mịch Quang.
- Bỏ thô lấy tinh, kết hợp tình và lý.
- Cuộc sống khi đã được lên sân khấu tuồng là cuộc sống đã được nhận thức và đánh giá. Cái mà Mịch Quang gọi là chính nghĩa tiên nghiệm, một biện pháp mỹ học vô cùng quan trọng và đầy ắp tính thi pháp của thể loại tuồng.
- Sự hỗn hợp về thể tài: Tuồng thu nhận trong mình về lọa hình cả những yếu tố bi kịch, hài kịch, chính kịch…
III
Thực ra thì trong nghiên cứu, nơi tác phẩm công trình, nơi tham luận hội thảo, nơi giảng dạy, đăng đàn diễn thuyết, nơi mạn đàm bàn bạc, tranh luận trao đổi Mịch Quang luôn nhắc đến nhiều vở tuồng, rất nhiều, mà ông hầu như thuộc lòng từng chi tiết, tình tình, sự kiện, sự biến, tai biến…Và ông cũng rất tâm đắc với những phát hiện của mình về một số vở như Hộ Sanh đàn, Tiết Giao đoạt ngọc (hay Hồ Nguyệt Cô hóa cáo) và ông luôn có những phát hiện độc đáo khác lạ, những phát hiện “bom tấn” rất Mịch Quang về nội dung vở diễn. Nhưng rồi cuối cùng, với tư cách nhà thi pháp học, ông lại quay về với phương diện nghệ thuật của nghệ thuật tuồng. Ông viết: “Theo tôi, tính tuồng, về mặt văn học, không phải là những nội dung đề tài nào đó (-), tính tuồng chính là phương thức diễn đạt quan hệ với phương tiện diễn đạt của kịch bản tuồng. Đó cũng là cách cấu trúc, cách xây dựng nhân vật, là quan điểm sân khấu của nó và sự chọn lọc những thể thức của nó…”.
Thật không thể chối cãi, vì đó là sự thật: Mịch Quang đã nêu lên những yếu tố nghệ thuật, chứ không phải nội dung, tức những yếu tố của thi phá thể loại tuồng.
IV
Để kết thúc bản tham luận vội vã và nông cạn này, tôi xin nói là tôi vô cùng nể trọng và bái phục thầy Mịch Quang, vì ông đã dám và đã thực hiện được những đề tài nghiên cứu rất hóc búa mà chỉ nghĩ đến thôi tôi cũng đã sợ. Chẳng hạn, ông từng viết các cuốn “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc” (Nhà xuất bản Sân khấu 1995) , “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống” (NXB Sân khấu 1999), “Khơi nguồn mỹ học dân tộc” (NXB Chính trị Quốc gia, 2004). Tôi không tự cho mình cái quyền bàn đến những công trình lớn, những grand oeuvre này. Vì tôi tự thấy không đủ trình độ để nhận định đánh giá về chúng.
Song từ đây tôi lại thấy một hình dáng mới xuất hiện ở nhà nghiên cứu Mịch Quang ngoài diện mạo và thể chất nhà thi pháp. Đó là nhà mỹ học và nhà tư tưởng.
V
Cuối cùng, xin kính tặng anh Mịch Quang, xin phép cho tôi gọi anh như tôi vẫn gọi và thầm gọi như thế, đôi câu đối:
Mịch nghệ thuật tinh hoa
Quang dân tộc bản sắc
Tạm dịch là:
Đi tìm tinh hoa nghệ thuật
Làm sáng bản sắc dân tộc
Tháng 5/2011
PGS Tất Thắng