Mịch Quang – Nhà khoa học chân chính, thực tài
21/09/2020
Nếu căn cứ vào phương pháp nghiên cứu của đội ngũ khoa học xã hội và nhân văn nước ta trong vòng trên 50 năm nay, ít nhất ta cũng có thể chia họ ra làm hai nhóm: nhóm thứ nhất thường dựa trên những tư liệu sưu tầm được, phân loại, dùng phương thức miêu tả, cũng có thể có những thẩm định, đánh giá. Kết quả là con số cộng to tướng, mặc dầu con số đó cũng cần thiết, nhưng nếu không có phương pháp luận làm xương sống thì công trình lại ở bề nổi. Nhóm thứ hai lấy phương pháp biện chứng duy vật làm công cụ nghiên cứu, bám chắc vào thực tiễn đời sống, thực tiễn văn hóa dân tộc và vươn tới đời sống văn hóa nghệ thuật các nước để khảo sát, so sánh, quy chiếu. Công trình của họ ở dạng bề sâu, nhiều vấn đề lý luận được đề xuất, nhiều tổng kết học thuật có giá trị, nhiều luận điểm có thể còn nhiều tranh cãi, nhưng là sự tranh cãi thú vị, “đêm hôm trước” của chân lý khoa học, rất có ích cho đời sống khoa học.
Mịch Quang là nhà khoa học thuộc nhóm thứ hai. Khảo sát hành trang khoa học của ông, tôi thấy có hai phẩm chất rất quan trọng. Đó là: Sự vận dụng phép biện chứng vào khảo sát và đánh giá các hiện tượng nghệ thuật. Ông ý thức được sớm và sâu sắc rằng, phép biện chứng là khoa học nghiên cứu những quy luật phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy với những đặc trưng cơ bản là: tất cả các sự vật, các hiện tượng đều tác động lẫn nhau, đều biến hóa, đều chuyển hóa từ lượng sang chất đều có các mặt đối lập, ông tự tin nêu lên nhiều luận điểm độc đáo, tranh luận với nhiều đồng sự nhiều hiện tượng văn hóa dân tộc mà trước đó chưa có người nêu lên. Đọc công trình Về phương thức diễn đạt cổ truyền của người Việt, ta cảm nhận được nhận xét vừa nói. Thông qua những chất liệu về âm nhạc, kiến trúc, nghệ thuật dân tộc và sân khấu tuồng, chèo, Mịch Quang nêu lên bốn đặc điểm trong phương thức diễn đạt nghệ thuật cổ truyền: tính biến hóa uyển chuyển, tính biện chứng, tính đa chiều và tính tương phản. Trong nghiên cứu, việc xác định định tính của sự vật, của hiện tượng thường mang tính ước lệ.
Có thể nêu thêm một số thuộc tính khác nữa. Ở đây, điều đáng quý là nhà nghiên cứu đã sớm cho rằng, tư duy dân tộc, trong đó tư duy nghệ thuật vừa xa lạ với cái thần bí, vừa không hoàn toàn phụ thuộc vào cái duy lý, mà có rất nhiều yếu tố biện chứng và yếu tố hiện đại. Bản chất của bốn hiện tượng nêu trên tự thân đã mang yếu tố hiện đại. Lấy ví dụ tính đa chiều trong một bộ múa tuồng truyền thống với những nguyên tắc: nội ngoại tương quan, thượng hạ tương phù, tả hữu tương ứng, phì sấu tương chế là phép biện chứng ở cấp vi mô. Cũng những nguyên tắc tư tưởng và phương thức ứng xử trên có thể ứng dụng ở cấp vĩ mô là giao lưu văn hóa và hoạt động văn hóa. Ông am hiểu và viện dẫn nhiều hiện tượng văn học, sân khấu, âm nhạc các nước châu Âu, nhưng ông rất cảnh giác với những ai dùng những chuẩn mực đó để trói buộc sự đánh giá nghệ thuật dân tộc.
Nếu không có phép biện chứng làm chỗ dựa, tôi cam đoan Mịch Quang không sao có được những kiến giải đúng đắn, khi ông thẳng thắn bác bỏ những quan điểm mơ hồ về hát ru của vài nhạc sĩ. Những chức năng của hát ru con mà ông nêu trong bài Nghĩ về hát ru con thật đầy sức thuyết phục. Có thể tóm tắt: hát ru con thuộc thể điệu chứ không phải thể ca khúc… Chức năng của nó là gây ngủ. Do yêu cầu là ru ngủ nên hát ru không phong phú về giai điệu, vì càng đơn điệu càng dễ gây ngủ… Thơ của hát ru hầu hết là lục bát, âm điệu của hát ru là âm điệu tạo sự thư giãn v.v… Ông cũng không hài lòng khi được xem trên màn ảnh nhỏ trình diễn hát ru con đã làm mất mát không ít bản sắc của hát ru. Ví như đưa hát ru lên sàn nhạc nhẹ, ít nhiều bị nhạc nhẹ hóa; muốn sinh động nó bằng phối khí; v.v… Thật ra, phục hồi hát ru không chỉ góp phần bồi dưỡng cho những người mẹ mới biết hát ru con, mà mục tiêu quan trọng nhất là “cấy” vào tâm khảm các bé âm điệu dân tộc, âm điệu quê hương. Tôi tin là Mịch Quang đúng.
Mịch Quang còn là nhà viết kịch thơ và soạn tuồng xuất sắc. Đề tài lịch sử là nỗi đam mê sáng tạo của ông. Không phải kịch bản văn học nào của ông cũng có thể trở thành vở diễn. Đó là một chỗ bất cập, ví như khuynh hướng minh họa lịch sử, ví như tư liệu lịch sử và văn học ngồn ngộn như núi và người viết thì bé nhỏ, nhưng để bù lại là tính văn học trong nhiều kịch bản của ông.
Là một nhà nghiên cứu uyên thâm, ông hiểu biết sâu sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là lĩnh vực mà ông chuyên sâu: sân khấu và âm nhạc cổ truyền, lại nắm được công cụ nghiên cứu, biết nhiều chữ Hán, am hiểu văn thơ cổ điển dân tộc, thơ và từ Trung Hoa; ông cũng sử dụng thành thạo tiếng Pháp, đọc không ít những tác phẩm văn học các nước phương Tây, vì vậy văn ông trong kịch bản mang đậm tính chất văn học mượt mà và mang tố chất trí tuệ. Thành công của vở tuồng “Thanh gươm Hát bội”, một vở tuồng viết về một đoạn đời đầy bi kịch của Đào Tấn, trước hết là sự thành công của kịch bản văn học nhiều chất thơ vừa hào hùng vừa trữ tình tha thiết, nhiều kịch tính. Sẽ không thể thành công nếu như tác giả kịch bản không am hiểu thấu đáo thơ văn Đào Tấn, đồng cảm sâu sắc với những tấn bi kịch của người sĩ phu yêu nước, người nghệ sĩ tài hoa họ Đào giữa một thời kì đen tối của đất nước.
Hiểu biết rộng, cảm thụ sâu nhiều đối tượng nghiên cứu như vậy mà Mịch Quang luôn luôn tự nhắc mình “phải hết sức khiêm tốn, dè dặt, luôn cố tìm, nhận cho được những nhược điểm những mặt yếu kém của mình để tránh những khinh xuất, khi nói cũng như khi viết”. Điều quí hiếm hơn cả, ít khi gặp ở những nhà khoa học cao niên khác là ở Mịch Quang ngọn lửa đam mê sự nghiệp nghiên cứu nghệ thuật sân khấu dân tộc vẫn hừng hực cháy sáng: một vị lão tướng vào tuổi bát tuần mà hễ gặp đồng nghiệp là dễ lây truyền cảm hứng, bàn bạc học thuật, tranh luận những đề tài nóng bỏng đang đặt ra trong đời sống văn hóa – nghệ thuật dân tộc. Nghĩ đến ông, tôi nghĩ ngay đến câu chuyện nghịch lí giữa học hàm học vị và thực tài.
Thật đáng buồn cho những ai có đủ tất cả danh hiệu “mũ cao, áo dài”, nhưng chưa hề có lấy một công trình cho sự nghiệp, cho đội ngũ đã đắp nền, xây móng cho họ có cây, có bóng. Và thật đáng kính trọng, xứng đáng đeo vòng nguyệt quế cho những nhà khoa học chân chính, thực tài như Mịch Quang.
Nhiều người ngạc nhiên về ông không được phong giáo sư. Ông tự nguyện về hưu từ năm 1979, về hưu để dồn cả thì giờ công chức cho công cuộc nghiên cứu lý luận. Thời kỳ về hưu, công trình của ông nhiều gấp ba lần thời đương chức, nhưng rủi thay, ông lại lọt ra khỏi chủ trương của Nhà nước ta không phong giáo sư cho người về hưu.
GSVS HỒ SĨ VỊNH