Mịch Quang, một nghệ sĩ – chiến sĩ
23/09/2020
Tôi được biết anh Mịch Quang từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Lúc đó anh Mịch Quang là Trưởng Ban văn hóa trong Ban chính trị Trung đoàn 94, bộ đội chủ lực liên khu 5. Ngót 2 năm, anh đã say sưa vừa là giáo viên bổ túc văn hóa, vừa phụ trách nhóm văn nghệ phục vụ bộ đội, phục vụ cả nhân dân nơi trung đoàn đóng quân. Thời kỳ này, hoạt động chủ yếu của anh là ngâm thơ và đơn ca hát mới. Giọng hát của anh đã được sự ngưỡng mộ của bộ đội và nhân dân nơi đóng quân một thời. Anh đã bị lao phổi, nên phải phục viên. Lành bệnh, bác sĩ không cho tái ngũ, nên anh tham gia Phân hội văn nghệ tỉnh Bình Định. Anh phụ trách Đội văn nghệ tuyên truyền lưu động của Phân hội. Hoạt động của anh vẫn là làm thơ, ngâm thơ, đơn ca. Nhưng trong đơn ca, bên cạnh hát mới, anh đã trình diễn thêm Bài chòi, Cải lương, Dân ca. Chỉ sau khi tập kết, bệnh lao phổi tái phát, điều trị xong anh bỏ hẳn nghề ca hát về làm biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi về Ban nghiên cứu tuồng thuộc Bộ Văn hóa và chính mảnh đất nghiên cứu tuồng đã tạo điều kiện cho anh dốc hết vốn liếng đã được tích lũy trên đất quê hương từ thuở thiếu thời.
Có một sự ngẫu nhiên, theo lời anh kể, mặc dù Bình Định là đất tuồng, nhưng bài ca mà anh thuộc sớm nhất từ thuở lên năm tuổi, lại là bài Hành Vân và Bình Bán trong vở “Kiều” của gánh cải lương Thuộc Hớn từ Nam bộ ra cư trú tại thị trấn Bình Định, đi diễn khắp các làng quê. Đến năm lên mười anh mới biết Hò giã gạo, Bài chòi, Hát bội và đến khi đi học ở trường Quốc học Quy Nhơn, anh mới biết thêm nhạc Huế, nhạc Cải lương, hát Tây, đồng thời xem hát Bội liên tục của gánh Chánh Ca Đựng, hậu thân của tuồng Vinh Thạnh của cụ Đào Tấn. Như thế, chỉ trên mảnh đất Bình Định quê hương, chàng thanh niên học sinh Nguyễn Thế Khoán (tên thật của Mịch Quang), đã tích lũy được Hát bội, Cải lương, dân ca, Bài chòi, nhạc Huế và hát mới. Và tích lũy được từ suốt quãng đời công chức phiêu bạt khắp nơi: Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Mỹ Tho, Campuchia, Khánh Hòa… Anh Mịch Quang đã tự bổ sung vốn tích lũy của mình.
Song, cách mạng tháng Tám đã tạo cho anh bước ngoặt và niềm tự hào đi chuyên nghiệp vào nghệ thuật (anh đã được bổ nhiệm Chủ tịch Chi hội văn hóa cứu quốc Ninh Hòa tháng 8 năm 1945) nếu không thì những tích lũy ấy vẫn chỉ là trà dư tửu hậu của người công chức bưu điện của chế độ cũ. Bút danh Mịch Quang đã được cách mạng tháng Tám khai sinh trên nguyên quán Bình Định, trú quán Khánh Hòa để nhập ngũ vào Trung đoàn 94. Mặc dù không còn tại ngũ sau 1948, nhưng Mịch Quang vẫn phấn đấu như một chiến sĩ nghệ sĩ từ ấy đến nay, để trở thành một trong những soạn giả và nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp nhất cho nghệ thuật tuồng nói riêng và nghệ thuật dan tộc nói chung. Chất chiến sĩ của Mịch Quang thể hiện nổi bật ở dũng khí đấu tranh không khoa nhượng để bảo vệ đường lối văn hóa văn nghệ độc lập tự chủ của Đảng và Bác Hồ, bảo vệ con đường phát triển và cách tân nghệ thuật truyền thống dân tộc khoa học, đúng hướng, tránh tình trạng “gieo vừng ra ngô” như dặn dò của Bác Hồ kính yêu.
Nhân dịp anh thượng thọ 80 tuổi, tôi xin chúc anh sống lâu hơn nữa và luôn khỏe mạnh để không ngừng phấn đấu cho hoài bão của anh, mà cũng là yêu cầu của cách mạng, là bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong nền nghệ thuật XHCN Việt Nam.
Thượng tướng NGUYỄN NAM KHÁNH
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị