Mịch Quang – Một kho tàng

22/09/2020

Tôi và anh Mịch Quang đã biết nhau từ thời kháng chiến chống Pháp ở liên khu 5. Thuở ấy, “Đêm văn nghệ ngoài trời” là hình thức sinh hoạt quen thuộc nhất, phục vụ nhân dân không bán vé. Cả người sáng tác, lẫn biểu diễn đều không có thù lao, chỉ “ăn cơm nhà, mặc áo vợ, làm việc dân”. Trong “Đêm văn nghệ ngoài trời”, những người làm thơ, tự đọc thơ của mình, những nghệ sĩ ngâm thơ trình bày những bài thơ nhặt góp được khắp nơi, các nghệ sĩ đơn ca hát cả nhạc kháng chiến lẫn nhạc tiền chiến. Mịch Quang làm thơ, ngâm thơ, diễn kịch thơ, hát đơn ca phục vụ kháng chiến. Ở tỉnh có Hội văn nghệ, các huyện đều có tổ văn nghệ. Các “Đêm văn nghệ” luôn luôn là sự liên kết giữa nhóm của tỉnh với anh chị em ở cơ sở đi từ nơi này đến nơi khác, như những người di- gan. Trong đó, Mịch Quang rất nổi tiếng về tài làm thơ và hát đơn ca. Hồi đó, hầu như không Hát bội, vì Hát bội không thể hát bài lẻ như Bài chòi, Cải lương được, nên không ai biết đến cái kho Tuồng trong Mịch Quang. Đó là điều bất ngờ đối với tôi khi được đọc “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng” của anh ra đời năm 1963, và bài tiểu luận “Đào Tấn, nhà thơ, nhà soạn tuồng kiệt xuất” trên tạp chí văn học cũng vào thời gian ấy.

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang.

Trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, dưới ánh sáng của đường lối văn nghệ của Đảng và tư tưởng văn hóa văn nghệ Hồ Chí Minh, kho tàng tuồng trong Mịch Quang đã được phát lộ và anh trở thành một soạn giả và nhà nghiên cứu tuồng hàng đầu rất sớm, từ những năm 1960. 

Từ ấy đến nay, anh Mịch Quang vẫn kiên trì và say sưa xông vào hướng đã tự khai phá, hợp với tình cảm và khả năng mình, đồng thời hợp với yêu cầu của cách mạng, của dân tộc, của quê hương khu 5, cái nôi của nghệ thuật tuồng. Bình Định quê anh có danh sĩ Đào Duy Từ, từ đàng ngoài đã vào ẩn danh ở đây, đi chăn trâu và dạy hát bội trong sinh hoạt dân gian, được coi là “tiên tổ” của nghệ thuật tuồng. Bình Định lại là quê hương của hậu tổ tuồng Đào Tấn, một vị quan yêu nước lớn của triều Nguyễn. Phú Yên quê tôi, nơi có Bá Hộ Tịnh nổi tiếng cùng thời với Đào Tấn, có rất nhiều đóng góp cho nghệ thuạt tuồng. Ông thành lập gánh Hát bội rất lớn, mỗi đào kép được cấp ba sào ruộng. Cha ông Bá Hộ Tịnh là ông Nguyễn An, chồng bà Đào Thị Ân, cháu nội Đào Duy Từ. Tương truyền, Bá Hộ Tịnh cùng gánh Hát bội đã vận động Cần Vương chống giặc Pháp và có liên hệ chặt chẽ với Đào Tấn.

Anh Mịch Quang cùng quê với Đào Tấn nên chịu ảnh hưởng Tuồng, rất sớm và rất lâu, bởi vậy, anh đã tích lũy được cả một kho tàng Tuồng rất phong phú. Nhưng anh không dừng lại ở Tuồng, mà còn nghiên cứu, học hỏi, tích lủy được một vốn liếng quý giá cả Cải lương, Bài chòi, âm nhạc dân tộc và cả kiến thức về nghệ thuật học thế giới. Nhờ cái kho tàng tri thức uyên bác đó cùng với tình yêu sâu sắc, anh đã hăng hái đấu tranh không mệt mỏi và có hiệu quả để bảo vệ bản sắc dân tộc trong văn hóa nghệ thuật.

Tôi rất tự hào về tinh thần ấy của anh và hoan nghênh các công trình nghiên cứu, sáng tác của anh vì mục đích cao đẹp ấy…

Nhân dịp mừng anh thượng thọ 80, xin chúc anh sống lâu hơn trăm tuổi để tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu sáng tác, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm dà bản sắc dân tộc.

Hà Nội, tháng 5/1997.

HÀ ĐĂNG

Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương