Mịch Quang di sản sống của kịch hát dân tộc
23/09/2020
Tuồng trong tôi, khởi đầu là ký ức thơ ấu ở khu văn công Cầu Giấy, khi được xem, nghe nghệ sĩ Đàm Liên tập các tích Tuồng. Lúc ấy, tôi 5 tuổi vẫn nhớ bác Đàm Liên vào vai Trưng Trắc, tập Tuồng Trưng vương và sau này lớn hơn thì thấy bác truyền dạy cho lớp hậu bối, học trò. Đến giờ, tôi vẫn là hàng xóm của bác Đàm Liên, người được khán giả cả nước nhớ đến với tiết mục Ông già đi hội (diễn trên 2.000 lần). Khi 31 tuổi, tôi mới bắt đầu thấy được độ bác học, sang trọng và cuốn hút của Tuồng qua kiến giải lý thú của Mịch Quang. Đặc thù của lĩnh vực nghiên cứu, dù tầm cỡ đến đâu cũng không thể được công chúng biết nhiều như nghệ thuật biểu diễn. Song chỉ với những tên tuổi lớn trong và ngoài nước nể trọng nhà nghiên cứu Mịch Quang và các công trình nghiên cứu nghệ thuật của ông là đủ cho tên ông vượt thời gian.
Trong hệ tác phẩm của tác giả trăm tuổi này, Kinh Dịch và nghệ thuật truyền thống là độc đáo, tầm cỡ nhất. Tính độc đáo này là một giá trị quốc tế khi soi chiếu tổng quan ra thế giới.
Điều gần gũi giữa hai học giả Sỹ Tiến (1916-1982) và Mịch Quang (1917-2018), dù có khác biệt, vẫn gặp nhau ở tâm huyết sinh nghề tử nghiệp mà cống hiến một sự nghiệp sáng giá. Theo nghề diễn viên từ khi 9 tuổi, sớm theo các gánh hát vào Nam; thành tác giả, đạo diễn, người đặt nền móng cho cải lương Bắc với vai trò tổng thể, coi Tuồng là gốc, đề cao diễn xuất – vũ đạo, trước và sau khi nghỉ hưu, NSND Sỹ Tiến là chuyên viên cao cấp của Viện Nghệ thuật sân khấu (SK). Mịch Quang (Nguyễn Thế Khoán), sinh trưởng trên đất Tuồng Bình Định, cùng huyện Tuy Phước với danh nhân Tuồng Đào Tấn (1845-1907), Tuồng gắn cuộc sống của ông từ nhỏ. Ông từng nói: “Sỹ Tiến là một tài năng đa dạng mà tôi kính trọng. Là người đi sau, tôi đã tham khảo, kế thừa những nghiên cứu giá trị cao của ông. Ông mất sớm là thiệt thòi cho giới sân khấu”. Họ cùng niềm đau đáu thiết tha với kịch hát dân tộc. Chứng kiến và trân trọng họ tại Viện Sân khấu ngày ấy, là đạo diễn Hoàng Chương, tu nghiệp ở Rumani và được nước này phong giáo sư. Cũng như Sỹ Tiến, không học hàm, học vị, tất cả do tự học, nhưng tầm vóc kiến thức, vốn Pháp văn vững vàng và độ say nghề quá ngưỡng đã khiến các ông thành bậc thầy lớn. Trong các bài viết về Mịch Quang, đáng chú ý có đánh giá của GS Vũ Khiêu về việc Mịch Quang sử dụng Triết học để biện giải, phân tích Tuồng. Mịch Quang đã đạt tầm mức nhà khoa học của nghệ thuật. Bởi nhận thức “Triết học là khoa học của khoa học”, ông tư duy theo nguyên lý triết học phương Đông để tạo thành phương pháp luận. F.Engels (1820 – 1895) – triết gia lỗi lạc người Đức quả quyết: “Các nhà bậc học muốn làm gì thì làm, họ vẫn bị Triết học thống trị”. Từ sự “thống trị” ấy, Mịch Quang xoay vần khám phá Tuồng và nhạc dân tộc theo vận động âm dương ngũ hành.
GS Vũ Khiêu nhận định: “Vận dụng đỉnh cao của triết học phương Đông là Kinh Dịch, bằng cách nắm vững Nho-Phật-Lão mang dấu ấn Việt Nam để chọn thành phương pháp luận, Mịch Quang đã nối liền những điểm sâu sắc nhất của Triết học với những điểm cụ thể của nghệ thuật”. Nhờ thế, ông làm sáng tỏ các điệu thức, nguyên lý của âm nhạc, kịch hát dân tộc trong cái mà ông gọi là “sân khấu tổng thể”, tức là tập hợp các thể tài, thể loại, dạng thức thể hiện trong quan hệ sinh học, biện chứng, tương hỗ, biến hóa.
Ở cuốn sách 600 trang Kinh Dịch và nghệ thuật truyền thống, thật thú vị khi tác giả tiết lộ lý do lựa chọn Kinh Dịch của Khổng Tử (551TCN – 479 TCN, triết gia vĩ đại của Á Đông thời cổ đại, nhà khai sáng Nho giáo), làm chìa khóa tìm ra những nguyên lý của âm nhạc truyền thống Việt. “Thầy Cao Xuân Huy (1900 – 1983, GS, nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng Triết học phương Đông) nói Kinh Dịch là bộ sách nói về cái lẽ rất giản dị mà biến hóa của con người. Đó là nghĩa của chữ Dịch”.
Mịch Quang vẽ sơ đồ bát quái (tám quẻ) và bằng xúc cảm của người đất Tuồng được kìm nén, ông phong tỏa và gợi mở những ý niệm trong nguyên tắc “một đóng một mở là biến như quẻ 64 “vật cực tắc phản”. Đóng lại là Càn (Động), mở ra là Khôn (Tĩnh). Từ đây, ông có thuyết “Cấu trúc – động – mở trong âm nhạc truyền thống”. Không chỉ riêng với lớp trẻ, đời sống công nghiệp khiến công chúng của Tuồng ngày càng ít đi. Đọc Mịch Quang, lại được xem GS Hoàng Chương thể hiện các tích Tuồng, thấy Tuồng có vẻ đẹp cổ điển đầy trí tuệ và thu hút. Bộ của hát bội, bao gồm động tác và vũ đạo, đặc biệt vũ đạo Tuồng, là mẫu mực của nghệ thuật kịch hát. Mặt đỏ là trung thần, mặt trắng là gian thần, những đặc điểm sơ lược nhằm phân biệt vai Tuồng. Như hiện ra vô cùng biến ảo của vô vàn mặt nạ Tuồng dân xen. Vang ngân ngũ cung rơi 5 điệu: Cung – Thương – Vũ – Giốc – Chủy theo ngũ hành, tương ứng với năm hơi: hơi Xuân – hành Mộc (màu xanh), hơi Dựng – hành Hỏa (màu Đỏ), hơi Ai – hành Kim (màu trắng), hơi Oán – hành Thủy (màu đen), hơi Đảo – hành Thổ (màu vàng). Sự tồn tại nhất nguyên và chuyển hóa lẫn nhau của âm nhạc theo bản chất của sự vật.
Trong “cấu trúc động – mở có nhịp điệu xuyên suốt” của nhạc dân tộc và bản nhạc đời ông, Tuồng là sự sống. Ông đã tham khảo, dịch những công trình nghiên cứu của Pháp, Nga, Trung Quốc mà soi chiếu, giải mã, các kiến thức chuyên sâu, hào hứng và chủ động. Ông nhận ra các loại giọng ruột, giọng gan tạo hiệu quả xem (cảm xúc bên trong biểu lộ trên nét mặt, tay), từ tính biểu đạt dẫn đến tính sân khấu. Sao khán giả lại thờ ơ với Tuồng? Nếu biết nhiều cái hay của nó, qua độ sâu mà Mịch Quang công bố, chắc hẳn người ta sẽ tiếc khi bỏ qua Tuồng”. Mịch Quang viết: “Kỹ thuật lấy hơi của hát Tuồng là kỹ thuật ngữ khí học của thanh nhạc, có liên quan đến ngũ tạng, trên mối tương quan từ y học cổ xưa tới hôm nay”.
Cách đây 40 năm, Mịch Quang là người đã giới thiệu Opéra Việt Nam – Tuồng cổ với ông tổ kịch câm thế giới – nghệ sĩ vĩ đại Pháp Marcel Marceau (1923 – 2007): “Sân khấu Tuồng Việt Nam là sân khấu tổng thể tích hợp – trong nói có hát, trong hát có nói, trong kịch câm có múa”.
Hơn 20 năm trước, Mịch Quang đã buồn, lo lắng vì sự mai một, thưa vắng của kịch hát dân tộc trong đời sống. Dù cấu trúc nguyên lý Đóng – Mở của theo biến hóa Kinh Dịch và nhiều nghiên cứu được giảng tại Mỹ; có bài in trên tạp chí, công trình lưu tại thư viện đại học Pháp, Mỹ, song Mịch Quang không khỏi xót xa khi Tuồng vắng người xem, ông bao giờ chấp nhận sự biến đổi và thay thế. Ông Khoán đã “khoán” cả đời mình cho Tuồng, như định mệnh.
Nguyễn Thế Khoán bảo vệ nghệ thuật truyền thống một cách quyết liệt, cực đoan như thể cả đời vô nghĩa nếu bứt khỏi Tuồng. Bút danh Mịch Quang đã là một đỉnh. Đỉnh đơn độc theo cả 2 nghĩa: có rất ít người bỏ cả cuộc đời miệt mài kiếm tìm và chắt lọc để có một sản nghiệp cống hiến cho Tuồng, và cực hiếm ai qua cửu thập vẫn còn ham viết, còn nhớ nghề, còn canh cánh với những gì đã làm, luôn thấy thiếu, luôn muốn tiếp…
Hai GS, TS Trần Văn Khê (1921 – 2015) và Nguyễn Thuyết Phong (SN 1947) sống ở Pháp, Mỹ nhiều năm, miệt mài giới thiệu, tôn vinh âm nhạc dân tộc Việt Nam khắp thế giới. GS Hoàng Chương dạy và diễn Tuồng cho SV Mỹ, đã sang Mỹ diễn vài lần cùng ê kíp; đã đưa cả Tuồng và Xẩm Hà thành một số chương trình cho kiều bào Pháp. Mịch Quang chưa từng được đi nước ngoài. Sống tại Hà Nội từ 1955 tới 1975 vào Nha Trang và 2005 trở lại, cả đời ông chỉ xê dịch trong đất nước hình chữ S. Ông khẳng định chữ S đường cong chia lưỡng nghi Âm – Dương cũng là đường cong trong thanh nhạc dân tộc. Khi GS. Nguyễn Thuyết Phong về nước, dự kiến lập Đại học Đào Tấn ở Đồng Nai, Mịch Quang vẫn hào hứng muốn làm thầy, dù không đủ sức nữa. Rồi dự án này cũng không thành. Nhưng ông vẫn được coi là người thầy của nhiều nghệ sĩ, tác giả, nhà nghiên cứu. Tôi đã chứng kiến NSND Đàm Liên gọi Thầy ơi! trong nước mắt xúc động tại Hội thảo Mịch Quang ở Hội trường Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2012.
Ông bà Mịch Quang sinh được 5 con (3 nữ, 2 nam). Vợ mất từ 1999, ông đang sống tại ngôi nhà rất đẹp ở khu đô thị Mỹ Đình I, trong ngõ thuộc đường Nguyễn Cơ Thạch cùng con gái thứ Ngọc Khuê. Trên căn phòng tầng 2, “lão tướng” Mịch Quang rất nặng tai lại hay quên đeo máy nghe, bỗng trở nên linh hoạt, khi có bạn nghề hay nói đến Tuồng. Nhà báo Nguyễn Thế Khoa (TBT tạp chí Văn hiến) – người con trai trưởng gần cha nhất, anh gìn giữ tác phẩm, lo in ấn, làm hội thảo cho ba, một người con yêu cha bằng sự tận hiếu, giàu tâm huyết với Tuồng. Bởi quảng bá tác phẩm của Mịch Quang cũng chính là cách lưu giữ, phổ biến và nhân rộng một mảng giá trị tinh hoa của Tuồng. Nhà nghiên cứu Mịch Quang có 3 cháu gái nội, 1 cháu trai ngoại và 4 chắt. Các con cháu chắt đều yêu thương nhau và cùng chăm sóc ông, với niềm kính trọng, tự hào…
Giữa cuộc sống vũ bão chứa chất không ít phũ phàng, có lúc tôi từng nghĩ nếu mai kia không còn hai lão tướng như Mịch Quang, Trần Bảng (học giả Chèo) – đều được Chủ tịch nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 5 (20/5/2017), thì lớp kế cận là ai để làm thành “cấu trúc nhịp xuyên suốt” như Mịch Quang tìm thấy, chất chứa khát vọng lớn của đời ông. Bất giác, tôi thấy hằng hà mặt nạ Tuồng với các sắc thái lượn khắp sân khấu đời. Và ở góc phía Tây thành phố, hiện lên hình ảnh mùa Đông năm 2011. Mịch Quang ngồi trên chiếc giường đôi bộn bề chăn sách sổ bút và có tới 4 cặp kính lão lẫn trong “mê hồn trận” ấy. Tìm đủ số kính lão, ông cầm cả kính lúp để soi trang viết dở dang từ cuốn sổ viết tay và dồn hơi đọc câu Nhạc ký: “Khí đất bốc lên, khí trời bay xuống. Âm Dương giao hòa. Vạn vật sinh ra do tiếng vang đột nhiên của sấm sét, thúc đẩy bởi mưa gió, vận hành theo mặt trời, mặt trăng. Âm nhạc mô phỏng sự hài hòa ấy giữa Trời và Đất”.
Cự tuyệt mọi cải biên, Mịch Quang cố công tìm lại và bảo lưu những gì thuộc về di sản dân tộc, như lõi của lẽ sống. Ở tuổi 101, ông vẫn minh mẫn chỉ với một ước mơ bền bỉ: Kịch hát dân tộc sẽ được chấn hưng và rạng rỡ trong di sản mỗi tâm hồn Việt. Ánh sáng sân khấu luôn cuốn hút những người như ông, dù cho chọn lại hay có thêm kiếp sau, vẫn như thiêu thân lao về phía ánh sáng ấy.
Con thiêu thân đơn độc không chỉ vì sự trường thọ mà còn lại một mình trong lĩnh vực này khi tuổi qua thế kỷ, mà còn vì thiếu truyền nhân. Đâu dễ gì tìm những người dám dấn thân, tận hiến cả đời vì Tuồng giữa thời buổi thực dụng, bão loạn bởi lòng tham danh lợi và dục vọng, trong tình cảnh Tuồng ít khán giả, rất ít lứa trẻ muốn theo nghề.
Bây giờ thì Mịch Quang đã đi xa được gần 2 năm, nhưng những gì ông để lại mãi là di sản sống của nghệ thuật kịch hát dân tộc Việt Nam.
Vi Thùy Linh