Mịch Quang – Chuyện cổ tích của văn nghệ Khánh Hòa

23/09/2020

Nhà nghiên cứu Mịch Quang.

Khó có thể nói được nỗi vui mừng của chúng tôi, những người từng gắn bó với nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang trong nhiều năm ở Phú Khánh, Khánh Hòa khi nghe tin ông chính thức được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2016. Bạn bè văn nghệ ở Phú Yên, Khánh Hòa điện ra chia vui cùng tôi và nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, con ông. Các cơ quan truyền thông Khánh Hòa đưa nhiều tin bài về sự kiện nhà nghiên cứu Mịch Quang được Giải thưởng cao quý nhất của giới văn học nghệ thuật đất nước. Bởi như lời nhà viết kịch Nguyễn Sĩ Chức, Chủ tịch Hội VHNT Khánh Hòa, dù đã ra sống ở Hà Nội nhiều năm, ông vẫn là hội viên của hội VHNT Khánh Hòa, anh chị em văn nghệ Khánh Hòa rất tự hào về ông.

Mịch Quang quê ở Tuy Phước, Bình Định nhưng vợ ông quê ở Sông Cầu, Phú Yên, ông lại có những năm tháng làm công chức bưu điện ở Ninh Hòa, Khánh Hòa trước năm 1945. Những năm 1944-1945, chàng thư ký bưu điện Nguyễn Thế Khoán từng là một cây đàn nguyệt và một giọng hát hay của một nhóm đàn ca tài tử rất được yêu thích tại thị xã Ninh Hòa và sau cách mạng tháng Tám, ông từng là Chủ tịch hội Văn hóa Cứu quốc ở đây trước khi về quê tham gia kháng chiến sau khi mặt trận Khánh Hòa bị vỡ. Bởi vậy, sau ngày miền Nam giải phóng, khi anh Nguyễn Thế Khoa, con ông, một cán bộ sáng tác thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy 5, được phân công về công tác ở Phú Khánh, ông cũng vui vẻ theo con về với mảnh đất từng thân thuộc với ông. Và ông đã sống, công tác tại Nha Trang gần 30 năm, từ năm 1975 đến năm 2005, khi ông ra sống cùng các con ở Hà Nội.

Có thể nói, đó là 30 năm quan trọng nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang với những đóng góp to lớn cho văn học nghệ thuật của Phú Khánh, Khánh Hòa và cả nước bằng những tác phẩm sáng tác và nghiên cứu xuất sắc, bẳng ảnh hưởng của một người thầy tận tụy uy tín và một nhân cách văn hóa ngời sáng.

Trước hết, cần phải nói đến đóng góp của Mịch Quang đối với sân khấu Phú Khánh, Khánh Hòa, nhất là đối với nghệ thuật tuồng ở đây. Là một tác giả và nhà nghiên cứu tuồng nổi tiếng, ngay khi về Nha Trang, Mịch Quang đã tìm đến với các gánh tuồng gia đình của cụ Chánh ca Chạng, cụ Bốn Hảo và cụ Mười Thông. Tại đây, Mịch Quang mừng còn hơn bắt được vàng khi gặp các nghệ sĩ tuồng xuất sắc nhiều thế hệ và ông đã thuyết phục để đưa các nghệ sĩ trẻ của các gánh tuồng gia đình vào Đoàn Tuồng Phú Khánh do ông làm Đoàn trưởng. Các nghệ sĩ đó sau này đã tạo nên dàn nghệ sĩ vào loại xuất sắc nhất của ngành tuồng cả nước và hầu hết đã trở thành NSND, NSƯT. Hiểu rõ ưu thế của việc đào tạo truyền nghề của các gia đình tuồng, Mịch Quang đã đề nghị tình cấp kinh phí trực tiếp và giao chỉ tiêu đào đạo diễn viên cho chính các gia đình này. Chủ trương trên đã được tỉnh chấp thuận và cho thực hiện thí điểm tại gia đình hai cụ Chánh ca Chạng và Võ Thị Líu. Ngoài đóng góp vào việc tập hợp và đào tạo nghệ sĩ hiệu quả, sáng tạo, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã đóng góp cho Đoàn Tuồng Phú Khánh và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Khánh Hòa hàng chục kịch bản làm nên những vở diễn đặc sắc, thành công nhất của đơn vị những năm 1980-1990 như “Phất cơ nương tử”, “Nỗi lòng bà mẹ”, “Thanh gươm hát bội”, “Trầm hương các”, “Vua Hùng kén rể”, “Bà mẹ làng Sen”, “Giấc mộng hồ hoa”…

Thành công lớn nhất, ngoạn mục nhất của Mịch Quang và tuồng Phú Khánh, Khánh Hòa phải nói đến vở “Thanh gươm hát bội”. Tôi nhớ vở tuồng ca ngợi danh nhân Đào Tấn theo kịch bản của Mịch Quang có sức hút kỳ lạ với khán giả bởi nó chứa đựng nỗi đau của một thời “vua chẳng ra vua, quan chẳng ra quan” và niềm khao khát cháy bỏng hướng tới một chính thể thực sự vì dân. Vở tuồng này từng là niềm tự hào không chỉ của riêng ngành tuồng, của giới văn học nghệ thuật Khánh Hòa mà còn của cả giới lãnh đạo chính quyền Khánh Hòa. Chủ tịch tỉnh Võ Hoà từng dành cả nửa buổi giao ban UBND tỉnh để nói về cái hay của vở tuồng, ông luôn chiêu đãi khách của tỉnh bằng “Thanh gươm hát bội” rồi đích thân dẫn Đoàn tuồng Phú Khánh ra Nghĩa Bình diễn trong Hội thảo về danh nhân Đào Tấn. Thành công của vở tuồng “Thannh gươm hát bội” đã giúp Chủ tịch Võ Hòa ý thức sâu sắc hơn sức mạnh không ngờ của nghệ thuật. Ông đề nghị được làm em nuôi của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang, rồi trực tiếp nhận phụ trách văn xã, đề ra nhiều chính sách chủ trương chiêu hiền đãi sĩ mạnh mẽ để xây dựng và phát triển Tuồng nói riêng và văn học nghệ thuật Khánh Hòa nói chung. Đó là những năm Khánh Hòa quy tụ  được rất nhiều tài năng và đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật. Riêng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Khánh Hòa hồi ấy có tới 6 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nhà nước: 1 Tuồng, 1 dân ca kịch, 2 đoàn ca múa nhạc, 1 kịch nói và 1 cải lương và đều là các đoàn nghệ thuật mạnh ở miền Trung và cả nước.

Không chỉ với nghệ thuật tuồng, đóng góp của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang với văn học nghệ thuật Khánh Hòa nói chung cũng rất to lớn. Ông từng là thành viên chủ chốt của Ban vận động thành lập và là Ủy viên Ban chấp hành nhiệm kỳ đầu của Hội VHNT Phú Khánh nên Mịch Quang cùng các nhà văn Giang Nam, Đào Xuân Quý, Nguyên Hồ được coi là những người sáng lập hội. Với sự uyên bác về văn hóa, hiểu biết nhiều chuyên ngành nghệ thuật, Mịch Quang có ảnh hưởng lớn tới các văn nghệ sĩ cũng như nhiều hoạt động của Hội VHNT Phú Khánh và Khánh Hòa. Ngoài sân khấu, Mịch Quang được lực lượng sáng tác và biểu diễn âm nhạc đặc biệt quý trọng bởi sự hiểu biết rất sâu rộng về âm nhạc. Mịch Quang chú trọng hướng lực lượng hoạt động âm nhạc Phú Khánh, Khánh Hòa tìm về với dân ca, dân nhạc. Dù không được chính thức học ông, nhưng các văn nghệ sĩ trẻ Phú Khánh, Khánh Hòa trên nhiều lĩnh vực như văn học, sân khấu, âm nhạc, hội họa, văn nghệ dân gian luôn coi Mịch Quang là một người thầy bởi họ học hỏi được rất nhiều điều từ ông. Họ là những người đầu tiên được tiếp cận với các công trình nghiên cứu nghệ thuật Mịch Quang ra đời tại thành phố biển Nha Trang như “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”, “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”, “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”, những công trình sau này được trao tặng Giải thưởng Nhà nước 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh 2016 vừa qua. Nhà viết kịch Nguyễn Sĩ Chức, các nhạc sĩ Hình Phước Long, Hình Phước Liên từng nói rằng các anh đã bị các tư tưởng mới mẻ, sâu sắc về nghệ thuật truyền thống dân tộc trong các công trình trên của Mịch Quang thuyết phục, họ đã đưa ngay vào hoạt động sáng tác của mình và trở thành người truyền bá nhiệt thành các tư tưởng này từ khi chúng chưa chính thức xuất bản, phổ biến.

Không chỉ kính phục Mịch Quang vì tài năng, trí tuệ, anh chị em văn nghệ sĩ Phú Khánh, Khánh Hòa còn hết sức kính phục nhân cách cao đẹp của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang. Đó một con người có tình yêu vô tư và cực kỳ mãnh liệt với di sản văn hóa nghệ thuật của cha ông, một nhà khoa học ngay thẳng, cương trực, dám hy sinh để bảo vệ chân lý. Anh chị em văn nghệ sĩ Khánh Hòa đều biết chuyện Mịch Quang xin từ chức Trưởng đoàn Tuồng Phú Khánh về hưu trước tuổi để được tập trung thời gian làm công tác nghiên cúu. Và với đồng lương hưu ít ỏi một chuyên viên 1, chưa bao giờ nhận được một đồng tiền hỗ trợ nào của nhà nước, Mịch Quang đã tự tin bắt đầu các công trình nghiên cứu lớn nhất của đời mình, các công trình nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành mà có người nhận xét chưa chắc một viện nghiên cứu của nhà nước với kinh phí hàng chục tỷ có thể làm được. Không chỉ thiệt thòi về lương bổng, cả đời Mịch Quang chưa bao giờ được hưởng tiêu chuẩn nhà ở của nhà nước mà một văn nghệ sĩ lão thành như ông xứng đáng được hưởng. Tại Nha Trang, ông ở nhà con trai và chưa bao giờ ngỏ ý xin chế độ nhà của nhà nước. Ngay cả khi ông Chủ tịch Võ Hòa nhận ông là anh nuôi, thấy ông quá thiệt thòi về chế độ chính sách, lãnh đạo Hội VHNT Khánh Hòa chúng tôi hồi ấy muốn đề nghị UBND tỉnh cấp cho ông một căn hộ, nhưng ông cũng nhẹ nhàng từ chối vì sợ mang tiếng là lợi dụng, ông nói ở với con vui hơn.

Mịch Quang là thế. Suốt đời ông chỉ biết cặm cụi say sưa với ngoài bút trang sách, không màng lợi lộc chức tước. Anh chị em văn nghệ Khánh Hòa chúng tôi vẫn nói may mắn Mịch Quang có các người con hết sức hiếu thảo nếu không trong 40 năm qua, kể từ khi về hưu, ông sẽ sống ra sao với đồng lương hưu quá còi cọc, chứ chưa nói đến chuyện nghiên cứu sáng tác. Mà đó là 40 năm quan trọng nhất để làm nên sự nghiệp sáng tạo đồ sộ của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang, được giới nghệ thuật trong và ngoài nước nể trọng, được Đảng và Nhà nước tôn vinh bằng những phần thưởng cao quý nhất.

Mịch Quang với anh chị em văn nghệ sĩ từng ở Phú Khánh, Khánh Hòa như chúng tôi là cả một câu chuyện cổ tích.

 

Nhà văn Đỗ Kim Cuông

Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNTVN