Lão tướng Mịch Quang – Cây đại thụ mãi tỏa sáng

23/09/2020

Nhà nghiên cứu Mịch Quang.

Là người yêu thích công tác nghiên cứu lí luận, nên có điều kiện tìm hiểu, đọc sách của các tác giả ngành nghề có liên quan tới nghệ thuật múa. Trong đó có những sách về nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật tạo hình, văn học, dân tộc học, nhân học, lịch sử, khảo cổ học…

Về lĩnh vực sân khấu, đã có dịp đọc sách của nhà nghiên cứu Mịch Quang với những công trình sách: Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng (1963), Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc (1994, tái bản 2006), Kinh dịch và nghệ thuật Tuồng (1999, tái bản 2007), Khơi nguồn mĩ học dân tộc (2003, tái bản 2010)…

Qua những trang viết của những công trình sách của nhà nghiên cứu Mịch Quang, cho thấy bản chất, cốt lõi là những công trình nghiên cứu khoa học công phu, hệ thống, có tính lí luận, tính thực tiễn cao, đầy đủ trí tuệ, đầy bản lĩnh, đầy tâm huyết với văn hóa nghệ thuật dân tộc. Nói cách khác là gần cả cuộc đời, gần một trăm năm hoạt động văn hóa, nghệ thuật của cây đại thụ, đời và nghiệp Lão tướng Mịch Quang. Cả cuộc đời đắm đuối, say mê học, tìm hiểu, khám phá văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Mặc dầu thế mạnh của Lão tướng Mịch Quang là nghệ thuật Tuồng, nhưng không phải là thế yếu mà cũng là thế mạnh về văn hóa dân tộc. Đúng như các nhà văn hóa, khoa học, nghệ thuật đã có những ghi nhận, đánh giá chính xác về Lão tướng Mịch Quang:

Nhà triết học của sân khấu Việt Nam             – Vũ Khiêu

Một tiểu luận khai phóng trí tuệ                        – Terry Miller

Mịch Quang nhà nghiên cứu, tác giả xuất sắc    – Hoàng Chương

Lão tướng Mịch Quang                                    – Trần Bảng

Mịch Quang nhà khoa học chân chính thực tài  – Hồ Sĩ Vịnh

Một bản giao hưởng tuyệt vời                           – Nguyễn Thuyết Phong

Mịch Quang và khoa sân khấu học Việt Nam    – Tất Thắng

Mịch Quang với nghệ thuật dân tộc                  – Đoàn Thị Tình

Nhà thông thái của nghệ thuật Tuồng                – Đoàn Liên

Nhà hoạt động sân khấu sáng tạo                      – Học Phi…

Nhiều vấn đề lớn về lí luận văn hóa, nghệ thuật nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng là những bài học quý giá cho những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật ứng dụng, tham khảo rất hữu ích. Những vấn đề lí luận của nhà nghiên cứu Mịch Quang, rất gần gũi với nghệ thuật múa. Múa Tuồng là một thành tố quan trọng của nghệ thuật Tuồng và trở thành một môn học cần thiết trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật múa ở Việt Nam. Bởi vậy, nghiên cứu lí luận nghệ thuật múa, tôi đã ứng dụng một số vấn đề nhà nghiên cứu Mịch Quang đã đề cập trong công trình của mình.

Điều tâm đắc nhất là lí thuyết “Phương pháp mô hình hóa” và lí thuyết “Cấu trúc động – mở trong âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Điều này đem lại cho tôi nhiều hứng thú trong quá trình nghiên cứu lí luận, tiến hành những công trình nghiên cứu khoa học và thực tiễn đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ chuyên ngành nghệ thuật múa. Càng đọc, càng nghiên cứu những công trình nghiên cứu của Lão tướng Mịch Quang càng thấy rõ tài năng, trí tuệ, bản chất khoa học, giá trị khoa học uyên bác của một nhà nghiên cứu cách mạng. Thấy ở ông tất cả một tấm lòng say đắm văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc, là động lực, là sức mạnh, là định hướng hoạt động nghệ thuật của ông là “học”: học mãi, say học, học mọi nơi, mọi lúc, học để sáng tạo “Học” – “Hiểu” – “Khám phá” – “Thành công”. Đối với ông trước hết là “học”, học là cơ sở, cội nguồn cho bước tiếp theo là “hiểu” phải hiểu thấu đáo. Học, hiểu để có cơ sở khám phá tìm tòi, sáng tạo, trí tuệ để thành công.

Một minh chứng đặc trưng tiêu biểu là công trình “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”, lí thuyết “phương pháp mô hình hóa”, lí thuyết “Cấu trúc động – mở trong âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Lí thuyết này đã được ứng dụng “tại Việt Nam và nhiều nước Á, Âu”. (Theo tư liệu của GS.TS Trần Văn Khê, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong). Đó chỉ là một trong nhiều đóng góp lớn của Lão tướng Mịch Quang về lĩnh vực lí luận, khoa học, văn hóa, nghệ thuật dân tộc.

Lão tướng Mịch Quang thực sự là nhà khoa học uyên bác nhiều lĩnh vực, cả cuộc đời lao động sáng tạo và cống hiến không ngưng nghỉ.

Đến nay đã là cây Đại thụ đời và nghiệp, đã quá tuổi xưa nay hiếm. Ông sinh năm 1917-2018, đã 101 tuổi. Ông rất xứng đáng được tôn vinh là Lão tướng nghệ thuật Tuồng.

Chúc mừng Lão tướng Mịch Quang được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh 2017 khi ông tròn 100 tuổi.

Chúc mừng cây Đại thụ Mịch Quang mạnh khỏe, mãi mãi tỏa sáng cho đời.

 

GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh