‘Kính ngưỡng’ nhà nghiên cứu và tác giả của Nghệ thuật Tuồng – Nguyễn Thế Khoán
23/09/2020
Từ 1981 – 1987 tôi được đi học đào tạo Đạo diễn sân khấu hệ chính quy tại trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Kiep (Nước Cộng hòa Ucraina thuộc Liên Xô cũ) khi học các thầy nước ngoài – Tôi đã nhận ra một điều là: các bậc Thầy của chúng ta về Năng lực chuyên môn không thua kém các “thầy ngoại” – nhưng chúng ta thiếu những ấn phẩm có tính đúc kết khoa học về Lý luận nghệ thuật để làm các tài liệu tra cứu và đối sánh.
Tôi đã về nước được 30 năm và đã được trao một số chức danh để buộc tôi phải bổ túc kiến thức tổng hợp về Lý luận khoa học các thể loại sân khấu Việt Nam, mà sân khấu Dân tộc Việt là một kho tàng quý giá bởi tính học thuật và phương pháp nghệ thuật của Chèo, Tuồng, Dân ca, Hô bài Chòi, Ca Huế, Dù kê Khmer, Múa rối nước,…
Những thuật ngữ sân khấu đặc chủng luôn làm tôi trăn trở trên con đường tri thức hàng ngày để biết, để hiểu, để học và thực hành.
Đó là: “Tả ý”, “tả thần”, “ước lệ”, (phương Đông), “mỹ học Dân tộc”… rồi “nội ngoại tương quan”, “tả hữu tương ứng”, “thượng hạ tương phù” hay “châm ngôn”, của Đào Tấn: “Thiên bất dữ nhàn, thả hướng trung man tầm tiểu hạ”
“Sự đô như hý, hà tu giả xứ tiếu phi chân”
(Câu thứ 2 có nghĩa là: “Cuộc đời như tấn trò, không ai đến “xứ giả” để cười cái không có thật của sân khấu, hý trường cả”!)
Về nước năm 1987, Tôi đã 40 tuổi để bước vào sự trầm tĩnh hơn của Định mệnh với nghề và nghiệp sân khấu – tôi phải đọc như học từ các công trình nghiên cứu của các bậc Thầy – trong đó lần theo dấu tích của Nghệ thuật Tuồng với: Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ, Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu, Vũ Ngọc Liễn,… và Nguyễn Thế Khoán (Mịch Quang).
Học các Ông đâu có dễ – vì quãng cách tuổi đời, Tuổi lịch lãm Nghề, của kiến thức Hán Nôm, Pháp Ngữ; còn cả vì sự “lăn lộn” thực sự của các Ông trong “Hý trường sân khấu”.
Tôi từ “ngoài” đi “vào” còn các Ông là “từ trong” đi “ra”. “Choáng và sốc phản vệ” kiến thức là điều dễ nhận thức ra cho mình.
Nhà nghiên cứu – 100 tuổi đời này có một kho tàng sách phẩm nghiên cứu không nhỏ; đó là: “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng”, “Đặc trưng nghệ thuật Tuồng”, “Âm nhạc và sân khấu kịch truyền thống”, “Cấu trúc động mở của âm nhạc truyền thống Việt Nam”, và đáng trọng là “Kinh Dịch và nghệ thuật truyền thống” (Ông đặt nghệ thuật truyền thống Đại Việt trong tương quan với sự khổng lồ của Kinh Dịch!) Từ ý thức rất “lý thuyết” phương Đông đó là tinh thần của “tư tưởng chủ toàn” “tính chất tích hợp tổng thể”… làm kính phản chiếu, soi rọi với Tuồng và sân khấu truyền thống Việt. Sự bắt gặp những thuật ngữ chủ đạo như: “hiện thức cách điệu”, “vừa kể, vừa tả, vừa biểu hiện”,…
Ông đã cho tôi một cách nhìn để thẩm thấu vào, thẩm thấu lại bằng “phương pháp luận nghệ thuật” để nhận cảm Tuồng vừa theo tuổi đời và từng bước kinh nghiệm “học không ngừng” và suy tư hành động trong trực tiếp làm và một phần được điều hành theo trách nhiệm, thẩm định đánh giá.
Lý luận của Nhà nghiên cứu sân khấu Mịch Quang “soi rọi” và “tự phản chiếu xạ” từ trong các kịch bản của Ông. Đâu đó rạng danh những tên gọi, như: “Đường về Lam Sơn”, “Má Tám”, “Hộp truyền đơn”, “Quang Trung”, “Phất cờ Nương tử”, “Thanh gươm hát Bội”, “Vua Hùng kén rể”,…
Vậy là: đề tài lịch sử, đề tài cách mạng, đề tài về Danh nhân Đào Tấn (trong “Thanh gươm hát Bội”!) đều được Tuồng – Mịch Quang chạm tới, đào sâu, vừa truyền thống – vừa cách mạng; nhưng “đâu vào đó” – thuần chất, tiếp biến, phát triển, đương đại, hiện đại,… chắc chắn trên 2 chân “thuần chủng cao”.
Ngô là Ngô – Vừng là Vừng. Có biến đổi hợp lý mà không biến chất Tuồng Việt.
Mịch Quang góp sức, góp trí tuệ, chí Tâm vào sự khai phá mở đường mới cho Tuồng (vốn dĩ “Cung đình”!) để đến với Cuộc đời đương thể,
Tuồng nguyên chất và phát triển – có nhiều Công lao của Ông.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật mà Ông được trao nhận – đầy đủ “nội hàm”: nghệ thuật Dân tộc, khoa học hàn lâm, và… đại chúng!
Tôi “kính ngưỡng” 100 năm tuổi đời sinh học và hơn thế là phần “di sản” lý luận và Thực tế Tuồng cao sang mà Ông cùng tương tác, tạo lập cá nhân và trao truyền lại.
Nhà nghiên cứu Nghệ thuật Tuồng,..
Tác giả Tuồng Nguyễn Thế Khoán – Mịch Quang nhận được từ chúng ta sự kính ngưỡng và tôn vinh bởi những gì mà cả cuộc đời đam mê Tuồng – Ông đã thay cho Chúng ta vì chúng ta – mà tận hiến!
Tháng 1/2018
Tâm kính!
Học trò Lê Chức