Học, hiểu, khám phá nghệ thuật dân tộc ở tuổi 98

23/09/2020

“Học, hiểu và khám phá nghệ thuật dân tộc” là tên cuốn sách nhà nghiên cứu Mịch Quang vừa hoàn thành ở tuổi 98 theo đặt hàng của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Cuốn sách gần như một tổng kết học thuật con đường hơn nửa thế kỷ nghiên cứu nghệ thuật dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh của vị lão tướng nổi tiếng này.

Nhà nghiên cứu Mịch Quang.

Mịch Quang thường nhắn tới kỷ niệm lần được gặp Bác Hồ mùa xuân năm 1962 ở khu Văn công Cầu Giấy. Khi ấy, ông đang công tác ở Ban Nghiên cứu Tuồng của Bộ Văn hóa. Nhân chuyến đến thăm chúc tết các nghệ sĩ ở khu văn công, Bác có gặp gỡ một số người nghiên cứu nghệ thuật dân tộc ở đây. Mịch Quang nhớ  mãi những lời căn dạn của Bác: “Nghệ thuật Việt Nam hay lắm, các cháu phải cố gắng nghiên cứu. Đừng để những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây trói buộc khiến ta không thể thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta…”.

Mịch Quang nói rằng những lời dặn của Bác đã giúp ông tỉnh ngộ một chân lý tưởng: chỉ có thể đánh giá đúng nghệ thuật Việt Nam theo những tiêu chuẩn Việt Nam. Cần nói là lúc ấy những người nghiên cứu nghệ thuật truyền thống như Mịch Quang rất bế tắc, lúng túng khi đang nghiên cứu nghệ thuật truyền thống dân tộc dựa trên lý luận nghệ thuật học của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Họ nhận thấy có một sự bất cập lớn giữa lý luận Tây và thực tiễn Ta. Các chuyên gia nước ngoài đến giúp Việt Nam thì càng thấy rõ điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng đạo diễn Liên Xô Mônakhôp, một người theo thể lệ Stanilapxki, từng phát biểu khi được xem nghệ thuật Tuồng: ”Không thể vận dụng thế hệ Stanilapxki vào sân khấu truyền thống Việt Nam nếu không muốn làm hỏng sân khấu của các bạn…”.

Nghiên cứu các trước tác của Hồ Chi Minh, Mịch Quang rất chú ý đến một nhận định về học thuyết của Mác: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một hiện thực nhất định của lịch sử. Nhưng lịch sử nào? Lịch sử Châu Âu. Mà Châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại…Mác cho ta biết rằng sự tiến triển của các xã hội phải trải qua ba giai đoạn: chế độ nô lệ, chế độ nông nô và chế độ tư  bản…Chúng ta hãy coi chừng!. Các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không?..”. Là một học trò trung thành của chủ nghĩa Mác, nhưng lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã sớm nhận ra rằng học thuyết Mác, dù là một học thuyết thiên tài, nhưng vẫn chưa chắc đã đúng mọi nơi mọi lúc. Bởi vậy, Bác đã tiếp nhận học thuyết Mác bằng trí tuệ Việt Nam, dựa trên cơ sở lịch sử và thực tiễn Việt Nam để xây dựng một cách sáng tạo lý luận cách mạng Việt Nam. Bác Hồ thường nói: Lý luận không phải từ trên trời rơi xuống. Nếu lý luận cách mạng Việt Nam được tổng kết từ thực tiễn cách mạng Việt Nam thì lý luận nghệ thuật Việt Nam phải được tổng kết từ thực tiễn nghệ thuật Việt Nam

Càng suy ngẫm, Mịch Quang càng thấy rõ lời căn dặn của Bác là kim chỉ nam  cho ông và các đồng nghiệp phấn đấu cho một sự nghiệp giải phóng khác trên địa hạt văn hóa nghệ thuật sau khi sự nghiệp giải phóng dân tộc đã hoàn thành dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng Cộng sản VN. Đó là sự nghiệp giải phóng khỏi những xích xiềng nô lệ của lý luận nghệ thuật phương Tây, từ thực tiễn nghệ thuật Việt Nam phấn đấu xây dựng một hệ thống lý luận của nghệ thuật Việt Nam để việc nghiên cứu, đánh giá,  bảo tồn, cách tân nghệ thuật truyền thống dân tộc tiếp cận được chân lý, tránh được chuyện “gieo vừng ra ngô” như Bác từng cảnh báo.

Theo Mịch Quang, đó chính là cái đích lớn nhất của cuộc đời ông. Và hơn nửa thế kỷ qua, ông đã làm được rất nhiều việc để tiến tới cái đích này, đặc biệt là từ lúc ông hưu trí. Năm vào tuổi “nhân sinh thất thập” Mịch Quang đã có bài thơ như sau:

Về hưu gắng sức học ông cha

Chút thú điền viên chửa nếm qua

Năm chục năm dư chưa dám nghỉ

Tám lăm tuổi trọn chẳng lo già

Lo phai gốc Việt bao dàn nhạc

Lo đậm màu Âu những giọng ca

Lo quá mai đây trong hội nhập

Mờ ta do vọng ngoại sa đà

Chính những lo lắng thao thức không nguôi trên là động lực lớn để “hưu lão” Mịch Quang phấn đấu hoàn thành nhưng công trình nghiên cứu khoa học quan trọng nhất của ông và của nghệ thuật học dân tộc nói chung như “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”, “Âm nhạc và kịch hát dân tộc”, “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”, đó là những công trình được
Mịch Quang hoàn thành từ những năm 70 đến 90 tuổi…

Đó cũng là những năm Mịch Quang được coi là bậc lão tướng số 1 của nghệ thuật truyền thống dân tộc bởi ông đã đi đầu trong cuộc đấu tranh mạnh mẽ triệt để không khoan nhượng để bênh vực nghệ thuật truyền thống, chỉ trích gay gắt sự vọng ngoại, những hiện tượng xu thời, lai căng, mất gốc. GSTS Trần Văn Khê là một trong những người thấu hiểu và tâm đắc với  cuộc đấu tranh của Mịch Quang. Mùa hè 1999, sau khi đọc công trình “Âm nhạc và kịch hát truyền thống” của Mịch Quang gửi tặng, từ duyên hải Đại Tây Dương, Trần Văn Khê đã gửi về Mịch Quang ở Nha Trang những dòng thư xúc động: ” Đọc những bài anh viết đã đăng nhiều nơi và nhất là đọc đi đọc lại quyển “Âm nhạc và sân khấu truyền thống ” của anh, tôi vô cùng tâm đắc với nhiều điểm anh nêu ra, với thái độ quý trọng cổ mà không “nệ cổ” mở rộng tầm hiểu biết để tiếp thu cái hay bên ngoài mà không “vọng ngoại”, thương anh đơn thương độc mã giữa rất đông Lương Đăng hiện đại. Trong tình trạng hiếm sách báo bên ngoài mà anh làm nhiều việc, viết nhiều câu đến nỗi tôi không cầm được nước mắt khi đọc…” Và Trần Văn Khê gửi tặng Mịch Quang những câu thơ tràn đầy yêu mến tin tưởng: “Tạ tình tri kỷ bạn văn chương/Nghiên cứu hai ta chọn đúng đương/Vọng ngoại mình chê nhiều kẻ ghét/Vốn nhà ta giữ lắm người thương”.

         Mịch Quang bắt đầu cuộc đời hoạt động văn nghệ bằng những bài thơ, tuỳ bút, truyện ngắn. Ông có nhiều đóng góp sẽ được lịch sử sân khấu cách mạng ghi nhận với tư cách một tác giả với hàng chục vở diễn trong đó có những vở nổi bật như: Má Tám, Áo vải cờ đào, Phất cờ nương tử, Thanh gươm hát bội, Vua Hùng kén rể… trên sân khấu nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu trong nước. Nhưng đóng góp lớn nhất của ông là với tư cách một nhà nghệ thuật học dân tộc với các công trình nghiên cứu khoa học tầm vóc mà chúng tôi vừa nhắc. Đó là các công trình được được các nhà khoa học nỏi tiếng trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Như GSTS Terry Miller, Viện Đại học Kent – Hoa Kỳ coi là “rất khai phóng trí tuệ” , GS.NSND Trần Bảng nhận xét: “Người ta lại thấy tính cách quen thuộc của nhà nghiên cứu, một đầu óc độc lập luôn phát hiện cái mới mỗi khi đề cập đến một vấn đề, đặc biệt là không khỏi bất ngờ trước một số lý giải riêng biệt và mới lạ của tác giả về kinh điển” . GSTS Nguyễn Thuyết Phong, nhà dân tộc nhạc học nổi tiếng thế giới người Việt , đánh giá: “Tôi hết sức ấn tượng về nhiều nhận định và nghiên cứu ở đăng cấp quốc tế”. GS. Anh hùng Vũ Khiêu tôn vinh: “Với các công trình này, anh Mịch Quang thực sự là một nhà triết học của nghệ thuật truyền thống dân tộc”. Nhiều năm nay, các tổng kết học thuật nổi tiếng của Mịch Quang về nghệ thuật truyền thống dân tộc như khái niệm mô hình hóa, phương pháp hiện thực tả ý, mỹ học hài hòa động, đặc biệt là lý thuyết về “Cấu trúc Động – Mở trong âm nhạc truyền thống Việt Nam” đã được đưa vào giảng dạy tại các trường đại học trong và ngoài nước, đã trở thành những “chìa khóa vàng” cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trong nghiên cứu, giải mã nhiều hiện tượng độc đáo của nghệ thuật truyền thống dân tộc. Tuy không chức tước, hiệu học hàm học vị cao sang, Mịch Quang vẫn mặc nhiên được coi là nhà nghệ thuật học truyền thống hàng đầu đất nước. Các học giả quốc tế đến Việt Nam hầu hết đều tìm đến ông để trao đổi, học hỏi. Nhiều thế hệ các nhà nghệ thuật học Việt Nam dù không học ông ngày nào vẫn coi ông là bậc thầy có nhiều ảnh hướng tới những thành công của mình. Ông đã được tặng nhiều huân huy chương, giải thưởng, trong đó có huân chương Lao động hạng Nhất và Giải thưởng Nhà nước cách đây 15 năm nhưng nhiều người vẫn cho rằng thật bất công khi ông chưa được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh…

Nhưng Mịch Quang, người tự gọi mình là một “lão học sinh” năm 90 tuổi và luôn thấy “Học mãi, học hoài còn thấy dốt,/Viết rồi viết nữa vẫn chưa xong” không quá bận tâm với danh hiệu, phần thưởng, ông chỉ lặng lẽ âm thầm kiền trì làm những việc mà ông thấy mình cần phải làm cho nghệ thuật truyền thống dân tộc khi còn có thể. Trên căn phòng nhỏ ngổn ngang sách vở của ông ở nhà con gái trong khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội, hàng ngày ông vẫn đọc vẫn viết, vẫn theo dõi, cập nhật thời sự văn hóa nghệ thuật đất nước qua tivi, radio. Ông vẫn còn đau đáu với vốn nghệ thuật phong phú cha ông mà mình chưa khám phá hết, lo lắng không biết rồi đây ai sẽ là những người sẽ tiếp bước ông và những Trần Bảng, Trần Văn Khê, Hoàng Châu Ký để nâng niu, gìn giữ, tôn vinh vẻ đẹp của nghệ thuật Việt làm hành trang tinh thần cho con cháu mai sau. Thế hệ ông gần như đã dứt áo ra đi cả, ngay cả một con người kiên cường như Học Phi mà ông mới đến mừng thọ trăm tuổi và trò chuyện với nhiều tâm đắc giờ cũng đã về cõi vĩnh hằng.

Mịch Quang đang bình tâm bước đến mùa xuân thứ 98 của đời mình với tập bản thảo “Học, hiểu và khám phá nghệ thuật dân tộc” với 4 quyển vở học sinh dày đặc chữ viết, mà mỗi chữ mỗi câu chứa đựng biết bao tâm huyết của nhà nghệ thuật học lão thành. Hơn nửa thế kỷ qua, Mịch Quang đã bền bĩ thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, kiên trì học, hiểu, khám phá nghệ thuật truyền thống dân tộc, trở thành một trong những người tiên phong xây dựng nền móng cho nghệ thuật học dân tộc.  Xuyên suốt tập sách là khát vọng học, hiểu, khám phá để “hiểu ta đến nơi đến chốn”, “từ ta mà mới”, không “cũ người mới ta”, tránh “gieo vừng ra ngô” mà  Mịch Quang muốn truyền lại cho lớp người kế tiếp.

Tin rằng tâm huyết cháy bỏng và bài học kinh nghiệm quý báu của con người trọn đời tận tuỵ với nghệ thuật truyền thống dân tộc, nhà nghiên cứu Mịch Quang, sẽ được các thế hệ hôm nay và mai sau trân trọng tiếp nhận.

 

 

Hoàng Anh