Đường mây – Nguyễn Hồng Nhị

23/09/2020

Nhà nghiên cứu – Soạn giả Mịch Quang.

Tôi với anh Mịch Quang cùng quê Bình Định, đất của Hát bội, Bài chòi, của Võ thuật dân tộc, đồng thời cũng là quê hương của anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và nhiều danh nhân, hào kiệt như Đào Tấn, Lê Đại Cang, Hàn Mạc Tử… Cũng như anh, tôi đã nghe Bài chòi “Chàng Lía”, đã xem tuồng “Ngũ hổ bình Tây”, đã mê anh Lưu Khánh, chân đất, cỡi trên chiếu mây hát Nam Xuân:

Trải đường mây mấy dặm gập ghềnh

Ở vùng quê tôi, có cả Hát bội lẫn Bài chòi, nhưng Hát bội khó học hơn Bài chòi, nên tôi đã thuộc Bài chòi từ nhỏ.

Rồi cả tôi và anh cùng trở thành anh bộ đội của Cụ Hồ. Mặc dù, tuổi tác có cách xa nhau, nhưng tôi vẫn biết tiếng anh – một cây văn nghệ được mến mộ của Hội Văn nghệ Bình Định thời kháng chiến chín năm. Nếu âm thanh Hát bội phải vắng lặng suốt mấy năm đầu chống Pháp, thì ngược lại, âm thanh Bài chòi vẫn ngân cao không ngừng. Tôi cũng đã vừa vác súng, vừa say sưa hô Bài chòi cho mình và cho đồng đội và may sao, sau này tôi được Bác Hồ chắp cánh cho bay trên đường mây đất nước. Còn anh Mịch Quang theo bước với bộ binh suốt mấy năm trường bằng giọng hát của mình và anh sau đó cũng được cách mạng chắp cánh trên một đường mây đặc biệt. Đó là đường mây của tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật. Với mấy chục năm qua, anh cũng đã dập dìu bay trên đường mây ấy với đồng đội mới của mình, trở thành một tên tuổi lớn của nghệ thuật dân tộc. Đúng như câu thơ của anh họa vận cố tác giả Tống Phước Phổ, anh đã:

Trồng hoa trên giấy chi cần đất

Gieo hạt vào dân chẳng thiết vườn

Đường mây của anh Mịch Quang như sóng âm thanh của những tiếng đàn Bá Nha vọng vào tai những ai có tâm hồn Chung Tử.

Bước vào 80 xuân, với đầu óc vẫn minh mẫn, tấm lòng vẫn say sưa như lời thơ của anh:

Dẫu đói cố giữ trong khúc ruột

uy nghèo không để lạnh buồng gan!

Xin chúc anh được như ý nguyện:

Gắng học cụ Đào rèn ngọn bút

Rèn gươm hát bội chém tham quan.

 

Hà Nội, tháng 5/1997

NGUYỄN HỒNG NHỊ

Anh hùng  – Tổng cục trưởng hàng không dân dụng24