Đôi điều suy nghĩ về nhà nghiên cứu, tác giả Mịch Quang

23/09/2020

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang.

Tôi biết tác giả Mịch Quang trong những 1970, lúc đó ông còn là cán bộ Ban nghiên cứu tuồng thuộc Bộ Văn hóa. Tôi hiểu ông phần nào sau khi xem vở tuồng “Má Tám” của ông. Vở tuồng này ông viết về đề tài chống Mỹ do Đoàn tuồng Bắc dựng rất thành công, được huy chương vàng tại hội diễn sân khấu chuyện nghiệp 1962. Qua vở diễn tôi thấy tác giả muốn thực nghiệm đưa đề tài hiện đại vào nghệ thuật truyền thống tuồng. Tuy là thực nghiệm nhưng vở diễn rất nhuần nhuyễn, bởi tác giả đã khéo tập trung và tuyển lựa những tình huống và điệu hát tuồng (bằng lời thơ vừa là điển tích dân tộc, vừa hiện đại sống động) phù hợp với tâm lí tình cảm của nhân vật, đã truyền cảm, gây xúc động lòng người. Qua vở “Má Tám” tôi thấy ông đang tìm tòi một cái gì mới, như những ngày thời đó người ta thường nói: “bình cũ rượu mới”, nhưng kiểu bình cũ rượu mới cũ riêng ông. Ông đã tiếp thu cái hay, cái đẹp, những “miếng” kịch tính nhất của nghệ thuật truyền thống phục vụ cho nhân vật hiện đại, thể hiện thành công lòng yêu nước căm thù giặc của Má Tám – bà mẹ Việt Nam. Tiếp theo là các vở: “Áo vải cờ đào”, viết về anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, vở “Nỗi lòng bà mẹ”, phỏng theo tiểu thuyết Hòn đất; rồi vở “Phất cờ nương tử” đã gây được ấn tượng tốt tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 ở Quy Nhơn (huy chương bạc). Thành công có tiếng vang nhất trong sáng tác tuồng của Mịch Quang là vở “Thanh gươm Hát bội” do Nhà hát Tuồng Phú Khánh dàn dựng, tham gia liên hoan Tuồng toàn quốc tại Nha Trang được tặng huy chương vàng

Tôi cũng có đọc một vài công trình khoa học của ông như: “Đặc trưng nghệ thuật Tuồng”, ông đã tổng kết nhiều vấn đề quan trọng của nghệ thuật tuồng và đóng góp cho ngành kịch hát dân tộc những vấn đề lí luận chung về văn học, âm nhạc, biểu diễn và phương pháp nghệ thuật qua những thuật ngữ mới do ông sáng tạo, thích ứng với kịch hát dân tộc như hiện thực tả ý, tự sự kích thích trữ tình…

Để phục vụ cho công tác lập pháp và giám sát của Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ở Quốc hội khóa 9, nghiên cứu khảo sát vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh  hoa văn hóa thế giới trong công cuộc đổi mới đất nước, tôi đã tham khảo ý kiến của một số nhà khoa học về vấn đề này, trong đó có nhà nghiên cứu Mịch Quang và tôi đã được đọc công trình “Kinh dịch và nghệ thuật dân tộc” của ông mới hoàn thành. Qua công trình này, ông là người đầu tiên vận dụng triết học phương Đông, Kinh dịch và Phật học, kết hợp với tư duy dân gian Việt Nam để tiếp cận sân khấu truyền thống dân tộc. Ông đã vận dụng triết học Kinh dịch để cắt nghĩa sâu sắc một số đặc trưng, đặc điểm của sân khấu và âm nhạc cổ truyền, nhất là vấn đề cấu trúc mở trong âm nhạc Việt Nam.

Nghệ thuật là dài, đời người là ngắn. 80 tuổi đời sức khỏe ngày càng yếu đó là quy luật tự nhiên mà con người không tránh khỏi. Mọi người rồi sẽ trở về với đất… Nhưng những tác phẩm, những công trình nghiên cứu của Mịch Quang sẽ còn mãi với thời gian trong kho tàng sân khấu truyền thống.

 

Hà Nội 2.9.1997

Nhà viết kịch THANH HƯƠNG

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa , Giáo dục, Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội