Mịch Quang – người khơi nguồn Mỹ học dân tộc

22/09/2020

PGS.TS.  Nguyễn Thị Minh Thái

Toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu nghệ thuật và sáng tác kịch bảnTuồng của Mịch Quang, một nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc Việt Nam, một nhà soạn Tuồng Việt Nam xuất sắc, đã hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng Hồ Chí Minh và đích đáng xứng danh, với tên của một trong hai cuốn sách, đủ chuẩn đánh giá là cần và đủ cho ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh 2016, nên tôi đã tự mình theo đó mà định danh bài khai mạc hội thảo này là:\

MỊCH QUANG – Người khơi nguồn mĩ học dân tộc.

                   *****

Trong cả cuộc đời dài, đã đến bách niên của Mịch Quang, thời gian dành cho sự nghiệp nghiên cứu nghệ thuật dân tộc và sáng tác kịch bản Tuồng, có lẽ gần như chiếm trọn số tuổi đời ông, từ tuổi thơ đến tuổi già hôm nay, năm 2018. Ngay từ thuở đầu đời, vai trò người cha trong định hướng cuộc đời và sự nghiệp về sau của Mịch Quang, đã thật là rất lớn, về sự khơi nguồn tình yêu nghệ thuật dân tộc, cụ thể là yêu sân khấu tuồng truyền thống ngay từ thuở ban đầu thơ dại của Mịch Quang. Chính điều kiện thiết thân này đã khiến Mịch Quang thấm thía và hàm ơn suốt đời người cha của mình.

Trong Hồi kí “Đời tôi trong nghệ thuật”, bằng một cảm nhận triết học, được dùng như công cụ để cắt nghĩa nguồn ảnh hưởng quan thiết nhất đời ông, được khởi đi từ người cha, Mịch Quang đã tuân thủ đúng tinh thần  một phương ngôn cổ, được ông lấy làm đề từ cho hồi kí này: Kẻ sĩ trung hiếu không bao giờ quên sự việc của cha ông mình”.

Cách dạy bảo truyền thống theo kiểu truyền nghề hướng nghiệp của cha đối với Mịch Quang, rồi ra, sẽ đủ để trở thành một vấn đề nghiên cứu ở mức độ đậm nhạt, hoặc sâu sắc khác nhau, đã không chỉ khuôn trong tham luận của hội thảo hôm nay, mang tên 100 năm Mịch Quang và sự nghiệp nghiên cứu dày dặn về nghệ thuật dân tộc của ông. Tôi chỉ muốn khẳng định, từ cuốn hồi kí của ông, người nghiên cứu có thể thấy: quan hệ giữa cha con nhà nghiên cứu Mịch Quang, tự thân đã là nền tảng căn bản, để Mịch Quang kiến thiết sự nghiệp nghiên cứu nghệ thuật dân tộc của cả đời mình. Và từ chính nền tảng này đã vững chắc hình thành một phương pháp tư duy nghiên cứu đặc thù và thích hợp nhất, đặng giúp ông biết cách “khơi nguồn mỹ học dân tộc” và từ đó, giải quyết xuất sắc một số vấn đề nghệ thuật liên quan…

Quan hệ cha con cùng làm nghệ thuật theo dòng chảy huyết thống này, trong thực tế đã là một kiểu quan hệ hiện thực trong tiến trình nghệ thuật Việt Nam, thể hiện rất sáng rõ trong dọc dài lịch sử chung và trong huyết thống của nhiều gia tộc – gia đình nghệ thuật ở Việt Nam. Từ đó, khiến chúng ta nhớ đến những quan hệ Cha – Con nghệ thuật khác, thí dụ: Cha Thế Lữ – và con trai Nguyễn Đình Nghi, Cha và Trần Hoạt, Cha Lê Đại Thanh và các con: Lê Đại Chúc, Lê Đại Chức, Lê Mai. Cha con Trần Tiến – Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi. Cha con Trần Tiêu – Trần Bảng – Trần Lực, Mẹ con Bảy Nam – Kim Cương, Cha con, anh em Trần Hiếu – Trần Tiến – Trần Thu Hà…Cha con Lưu Quang Thuận – Lưu Quang Vũ, cha con Học Phi – Hồng Phi – Chu Lai, Cha con Lưu Trọng Lư – Lưu Trọng Văn – Lưu Trọng Ninh… chẳng hạn. (Có thể đọc thêm về một số cặp Cha – Con danh tiếng khác trong sách Cha và Con của NXB Trẻ 2017).

Với bản tính khoa học của nhà nghiên cứu, Mịch Quang đã biết cách tổ chức một kết cấu rất hợp lý cho cuốn hồi kí của chính mình theo sự đan dệt giữa hai trục thời gian lịch đại và trục đồng đại của vấn đề nghiên cứu đặt theo chiều ngang, để tự mình lý giải quá trình được chính cha mình chuẩn bị hành trang nghiên cứu và sáng tạo, cho chính sự nghiệp xuyên suốt đời mình.

*****

Hệt như nguyên lý dân gian đã tổng kết: Gừng càng già càng cay. Càng trải đời, trải nghiệm, trải nghĩ suy về nghệ thuật dân tộc, Mịch Quang càng viết được những công trình nghiên cứu có giá trị lý luận và thực tiễn, không những với việc nghiên cứu nghệ thuật ở Việt Nam, mà còn đối với các nhà nghiên cứu nghệ thuật VN trên thể giới.

Theo nhận xét của GS. Trần Văn Khê, Mịch Quang là người nghiên cứu đã chọn đúng đường. Mịch Quang, một người VN nghiên cứu nghệ thuật dân tộc ở trong nước, Trần Văn Khê, một người VN ở nước ngoài hầu như cả đời, cũng say mê nghiên cứu nghệ thuật dân tộc VN. Chính niềm yêu mê chung ấy mà họ đã hợp thành đôi, cùng chí hướng nghiên cứu “cùng chê vọng ngoại, cùng giữ vốn nhà” và cùng là tình lang trọn tình chung thủy với âm nhạc dân tộc Việt Nam. Cũng theo Trần Văn Khê, đúng là tính cách Mịch Quang, khi nghiên cứu nghệ thuật dân tộc, đã có “thái độ quý trọng cổ mà không nệ cổ, mở rộng tầm hiểu biết để tiếp thu cái hay bên ngoài mà không “vọng ngoại” (theo lá thư từ Đại Tây Dương của Trần Văn Khê gửi Mịch Quang năm 1999).

Năm 1991, Tạp chí KHXH TP.HCM đăng bài “Cấu trúc động, mở đặc thù quán triệt âm nhạc dân tộc Kinh” của Mịch Quang được GS.Nguyễn Thuyết Phong, đại học Kent, bang Ohio, Mỹ, dịch sang tiếng Anh, đăng trên TC Nhạc Việt của Hội Âm nhạc Cổ truyền VN tại Mỹ. Tác giả Mịch Quang đã được GS Phong đánh giá rất cao, là đã vô tình bắt kịp trào lưu dân tộc nhạc học rất hiện đại của thế giới. GS. Terry Miller người Mỹ, cũng thuộc ĐH Kent, đưa ra một ví von bay bổng về công trình này: như một tiểu luận khai phóng trí tuệ.

Riêng ở Việt Nam, các vấn đề đặt ra từ sự nghiên cứu và ứng dụng nghiên cứu về mỹ học dân tộc của Mịch Quang, đã khai phóng nhiều vấn đề mới cho các nhà nghiên cứu VN, cùng và không cùng thế hệ với Mịch Quang, từ sự “khơi nguồn” của ông, về mĩ học dân tộc. Được khơi nguồn từ chính ông, lại được nghiên cứu về các công trình nghiên cứu của ông, chính là niềm hứng khởi và hạnh phúc của cuộc hội thảo khoa học này. Tại sao chúng ta không học ông nhỉ, về sự mải miết nghiên cứu, cả đời chỉ “chuyên nghề viết”. Ngay khi vào tuổi 80, và bây giờ là tuổi 100, Mịch Quang cũng “chẳng lo già”, chẳng bận tâm đến thú điền viên. Trong ông, đau đáu duy nhất mối lo: Lo phai gốc Việt bao dàn nhạc/ Lo đậm màu Âu những khúc ca/ Lo quá mai đây trong hội nhập/ Mất ta do vọng ngoại sa đà. ( Trích từ “ Bài thơ năm 80 tuổi” của Mịch Quang).

Chính vì lo, nên ông không ngừng học. Ông học Kinh Dịch từ thầy Cao Xuân Huy, Ông hiểu và vỡ lẽ về nhịp điệu sinh học trong vũ trụ quan của dân tộc.  khi ông “ nắm được cấu trúc vũ trụ theo quan niệm sinh học là cấu trúc động” và “cấu trúc động là cấu trúc có nhịp điệu xuyên suốt”. Và ông thú nhận một “Ơ rê ka” cho chính mình: “Từ đó, tôi hiểu được nghệ thuật dân tộc bị chi phối bởi cấu trúc động sinh học, khác với nghệ thuật phương Tây bị chi phối bởi cấu trúc tĩnh, cơ giới và siêu hình”. Từ những vỡ vạc ấy, ông đã viết được hai công trình nghiên cứu rất có giá trị phát hiện: “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc” và “Kinh Dịch và nghệ thuật truyền thống”

Có lẽ, không một công trình nghiên cứu nào của ông lại không bắt đầu từ mối lo mất mát hoặc phai màu dân tộc trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Mối lo ấy cứ canh cánh trong ông. Từ đấy đến hôm nay có lẽ đã một phần hiện hình thành sự thật nhãn tiền, và Hội thảo hôm nay có thể phải là lời giải đáp cho mối lo ấy từ các tham luận về ông.

Và tôi thấy chí lý, chí tình, khi chính Mịch Quang tự đánh giá sách “Khơi nguồn mĩ học dân tộc” của mình: “Trong sách, dựa vào quy luật: thực tiễn có trước, lý luận có sau, nhà lý luận chỉ tổng kết thực tiễn tạo ra, chứ không bịa ra lý luận, tôi tiến hành bước đầu từ thực tiễn truyền thống thưởng thức thẩm mỹ và sáng tạo nghệ thuật của dân tộc, phát hiện thêm các phạm trù: cái hùng, cái hậu, cái nhu, cái bi có hậu, cái bi hùng, đồng thời nêu lên vẻ đẹp của âm nhạc, kịch hát, kiến trúc, mỹ thuật dân tộc.

Phải chăng, những luận điểm về mỹ học dân tộc do Mịch Quang khơi nguồn, từ cuốn sách nghiên cứu có giá trị khơi nguồn của chính ông, như thế, đã tự nhiên khơi nguồn, mở rộng cửa cho tất cả những tham luận của chúng ta hôm nay, trong cuộc hội thảo về ông và xin phép được bắt đầu.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái