Mịch Quang và khát vọng gắn kết nghiên cứu sân khấu truyền thống với thực tiễn

23/09/2020

Nhà nghiên cứu Mịch Quang.

Nước ta vốn có một nền sân khấu kịch hát lâu đời, phong phú mà độc đáo nhưng xét về phương diện nhận thức lý luận lại chưa có một độ dày tương xứng. Dường như ông cha xưa mê mải với sáng tạo vở diễn cụ thể hơn là dành quan tâm cho việc bàn luận lui tới về nó. Vì thế cho đến tận thế kỷ XX, hoạt động nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu dân tộc gần như vẫn còn là khoảng trống.

Vì vậy đầu thế kỷ XX nảy sinh nhu cầu bức thiết xây dựng đội ngũ nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu.

Mịch Quang sinh vào năm 1917 thuộc vào lớp người đảm nhận trọng trách nặng nề với vai trò khai phá mở đường cho lĩnh vực mới mẻ đầy khó khăn mà hào hứng này. Hơn nữa, Mịch Quang không chỉ được biết đến với công sức của người đặt nền móng đầu tiên mà còn được ghi nhận như một tác gia nghiên cứu lý luận gặt hái thành tựu đặc sắc.

Vấn đề quan trọng theo suy nghĩ với chúng ta hiện nay không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh phần đóng góp to lớn của ông vào sự nghiệp tạo dựng nền sân khấu dân tộc hiện đại mà còn hướng tới việc lý giải những nguyên nhân đã làm nên sự nghiệp nghiên cứu lý luận sân khấu truyền thống của Mịch Quang.

Bài tham luận trong Lễ mừng thọ 100 năm Nhà nghiên cứu lý luận sân khấu Mịch Quang của Tôi có mong muốn góp một tiếng nói lý giải những nguyên nhân đó.

Theo nhận thức của tôi, dường như không một kết quả nào được tụ thành lại không bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp thúc đẩy nên, chỉ có điều từng cá nhân khi cắt nghĩa, lý giải về nó có điều kiện nhận biết đầy đủ hay không mà thôi. Với bản thân tôi do giới hạn của mình chỉ xin bày tỏ đôi điều tâm đắc của mình về hành trình vào nghề nghiên cứu sân khấu của bậc thầy lão thành đi trước Mịch Quang đáng tôn kính của chúng ta.

Có thể nói với một nghệ sĩ sáng tạo cũng như một nhà nghiên cứu nghệ thuật thực thụ thì phẩm chất đầu tiên đặt ra là con người đó có tiềm ẩn hay không năng lực trội bật nào đó với lĩnh vực thiên nan vạn nan đầy thử thách nghiệt ngã như lĩnh vực nghệ thuật hay không?

Nhưng khó khăn biết bao để tự nhận ra mình ngay từ rất sớm, khi còn đầu xanh tuổi trẻ để sự chọn nghề tránh được nhầm lẫn, thoát khỏi ảo tưởng về khả năng vốn có của bản thân mình.

Qua tiểu sử Mịch Quang có thể thấy, Ông được dẫn vào nghề như một viên chức bưu điện, nhưng chàng thanh niên có học và sớm có nghề nghiệp ổn định lại không dồn tâm lực vào phận sự của công việc mưu sinh mà lại hướng vào lĩnh vực nghệ thuật đàn ca; từ cái duyên đó dẫn ông với thời gian quan tâm đến sân khấu kịch hát dân tộc, ban đầu như một thú vui lành mạnh làm thanh thỏa tinh thần, không ngờ với thời gian trở thành nghiệp sống.

Một sự may mắn với Mịch Quang là quê hương ông, mảnh đất Bình Định lại gần như là cái nôi tuy không phát tích ra Tuồng nhưng lại có công lớn nuôi dưỡng Tuồng phát triển đến đỉnh cao, nơi đã sinh ra Đào Tấn được tôn vinh là hậu tổ của cả ngành Tuồng. Duyên may này mách lối Mịch Quang, muốn hành nghề Tuồng cho đến nơi đến chốn thì phải nắm chắc ngành ngọn thấu đáo về nó một cách cụ thể. Vì thế chăng mà chàng tuổi trẻ có vốn tây học ít nhiều và mê say Tuồng lại dành nhiều sự tận tụy cho công việc tìm hiểu về Tuồng, tìm hiều về Đào Tấn.

Khi tập kết ra Bắc, vào thời gian nước ta bắt đầu thành lập cơ quan nghiên cứu sân khấu, như một tự nhiên, Mịch Quang sẵn sàng dời bỏ công việc đang làm để chuyển về đó để được chuyên tâm vào lĩnh vực mà mình mê say và ít nhiều có hiểu biết. Ở cơ quan mới hướng nghiên cứu đầu tiên của ông không gì khác hơn là Tìm hiểu về Tuồng, về sự nghiệp nghệ thuật lừng lẫy của Đào Tấn. Nhưng ngay từ thời điểm vào nghề nghiên cứu sân khấu thì không phải ai cũng có được trực cảm hướng quan tâm vào vấn đề hóc hiểm nhất, nhưng hứng thú nhất và cốt lõi nhất với một bộ môn sân khấu như bộc lộ của chính Mịch Quang. Ngay từ buổi bước đầu chập chững tìm hiểu Tuồng mặc dù còn thiếu thốn nhiều điều (chủ quan cũng như khách quan) để nghiên cứu sân khấu ông đã đặc biệt chú ý tới một phương diện cơ bản là làm sao xác định được đặc trưng nghệ thuật của Tuồng với ý nghĩa là một thể loại riêng biệt đặc thù. Công trình nghiên cứu trình làng của Mịch Quang mang tên khiêm nhường là: “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng” được xuất bản năm 1963, được nhìn nhận là công trình nghiên cứu về Tuồng có hệ thống và sớm ở miền Bắc sau năm 1954. Ở công trình ra mắt dư luận này, Mịch Quang đã bàn bạc khá rộng nhiều phương diện về Tuồng: từ nguồn gốc và lịch sử phát triển, về các nhân tố cấu thành Tuồng, từ kịch bản văn học đến hát Tuồng, nhạc Tuồng đến múa Tuồng rồi hóa trang (mặt nạ), trang phục Tuồng, biểu diễn Tuồng cũng như đề cập đến cả những điều đang là mốt thời gian lúc đó, như: tính hiện thực, tính nhân dân, tính chiến đấu, tính dân tộc của Tuồng, nhưng đáng chú ý là số trang dành nhiều nhất cho đặc trưng nghệ thuật Tuồng liên quan đến tính tự sự, tính bi hùng, tính ước lệ. Hơn thế, kể từ công trình nghiên cứu đầu tiên về Tuồng đó, Mịch Quang cho mãi đến sau này vẫn không ngừng trăn trở làm sáng tỏ về những khía cạnh dính dáng đến bản chất nghệ thuật Tuồng, dưới những định danh khác nhau, chất Tuồng, tính Tuồng, cái lõi của Tuồng theo cách nghiền ngẫm riêng, cách quan niệm riêng của mình. Nhờ đó hơn 10 năm kế tiếp Mịch Quang lại công bố công trình nghiên cứu đầy đặn, công phu hơn, đàng hoàng mang tên: “Đặc trưng nghệ thuật Tuồng” xuất bản lần đầu vào cuối những năm 1980 ở Phú Khánh rồi được tái bản và xứng đáng nhận giải thưởng Nhà nước, như một công trình nghiên cứu khoa học về Tuồng có nhiều khám phá mới mẻ, độc đáo gợi mở ở công trình mà bản thân tôi xem đó như kết tụ kinh nghiệm của cả một đời người về một bộ môn sân khấu tiêu biểu của dân tộc. Trong đó tiếp mạch suy nghĩ xoay quanh đặc trưng nghệ thuật Tuồng đã được xới ra từ cuốn sách đầu tay “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng”. Mịch Quang đẩy suy nghĩ của mình đi xa hơn đến cái mà ông quan niệm là phương thức diễn đạt của một hình thức sân khấu mang tính bác học là Tuồng. Sự tinh tế của Nhà nghiên cứu là đã đặt ra sự phân biệt quan trọng giữa nhiều cách hiểu về đặc trưng Tuồng xuất phát từ phiến diện nên chưa đủ tầm để khái quát được toàn bộ quá trình vận động và phát triển của Tuồng theo thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Sâu xa hơn Mịch Quang còn mạnh dạn chỉ ra hạn chế đã giữ chân giới sân khấu ở ta trong đó có khi đã có phần quá đặt trọng việc xác định đặc trưng của một thể loại nghệ thuật ở phương tiện diễn đạt, ở các biện pháp nghệ thuật mà quên đi chưa tập trung đúng mức vào những vấn đề thuộc về nguyên lý, về phương thức, phương pháp mà ông gọi là phương thức diễn tả của một hình thức sân khấu như Tuồng, đều sẽ giúp chúng ta đưa Tuồng truyền thống vào cuộc sống mới mà vẫn giữ được phong cách của nó. Có thể nói định hướng nghiên cứu này đã đưa đến những thành tựu học thuật của Ông.

Một trong những nhân tố để Mịch Quang đạt được thành tựu chính là ông đã biết gắn kết nghiên cứu khoa học với thực tiễn, hay nói cách khác là ông tâm nguyện với khát vọng gắn kết học thuật, lý thuyết với thực tiễn nghệ thuật, với yêu cầu của cuộc sống.

Theo suy nghĩ chủ quan, sẽ sáng rõ thắc mắc mà tôi từng đặt ra cho bản thân mình, là điều: Mịch Quang có ôm đồm quá không khi không chuyên tâm với nghề nghiên cứu mà nhiều lúc lại dám liều mạng cả vào việc cầm bút sáng tác kịch bản Tuồng; rồi ngẫm nghĩ kỹ lướng, thấu đáo, soi chiếu tác phẩm Tuồng cụ thể của Mịch Quang với các công trình nghiên cứu của ông tới mức vỡ ra rằng: giữa hai phân việc tương như xa cách nhau này, với trường hợp cụ thể là Mịch Quang lại có mối liên hệ nhân quan biện chứng. Bởi xét kỹ Mịch Quang không phải nghiên cứu để đơn thuần thỏa mãn nhu cầu hiểu biết mà với mục đích giúp vào việc sáng tạo và biểu diễn Tuồng trong thực tế, xuất phát từ sự phát triển Tuồng trong cuộc sống hiện nay. Với Mịch Quang sáng tác kịch bản để như là sự vận dụng tri thức luôn biết về tính Tuồng, chất Tuồng bằng một tác phẩm nghệ thuật cụ thể, biểu diễn trước công chúng. Có phải vì thế mà Mịch Quang nhằm đáp ứng nhu cầu đưa Tuồng vào đề hiện đại đã say mê viết “Má Tám” với ý hướng mô phỏng những trích đoạn mẫu của Tuồng truyền thống vào việc thể hiện người của cuộc sống hiện tại là cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam. Không bằng lòng với thành công nhất định ở “Má Tám” Mịch Quang lại bắt tay vào viết “Hộp truyền đơn” cùng khai thác đề tài miền Nam trong đấu tranh thống nhất đất nước. Rồi chính Ông nhận ra làm đạo diễn cho kịch bản của mình nhằm hiện thực luôn những dự đồ nghệ thuật cải tiến Tuồng mạnh bạo hơn so với “Má Tám”, nhưng chưa nhuyễn nên vở diễn sau ít được sự đồng tình hơn so với “Má Tám”.

Kinh nghiệm này, giúp Mịch Quang thấu hiểu thấm thía là phải trở về sâu hơn vào bản chất thế loại của Tuồng, qua bài học của sáng tạo của Đào Tấn. Trên cơ sở đó ông hào hứng sáng tác kịch bản “Thanh gươm hát bội”, đặc tả chân dung và hùng trạng của nhà soạn giả Tuồng lỗi lạc của dân tộc. Như những am hiểu sâu sắc về nguyên mẫu nhân vật, những thấm thía về chất Tuồng từ chính tác phẩm Đào Tấn như mẫu mực của thể loại, vở diễn này đã gặt hái thành công trong biểu diễn cũng như trên sân khấu hội diễn.

Có thành tựu nhất định trong nghiên cứu lẫn sáng tác Tuồng nhờ sự tương tác giữa hai lĩnh vực này ở một con người cụ thể là Mịch Quang trong một kịch chủng. Nhưng chỗ khác người ở nhà nghiên cứu này là không thỏa mãn với những kết quả đã gặt hái được mà lại nỗ lực tìm đến với những khám phá mới. Từ chỗ đi sâu, tuy đã có nhiều năm tìm hiểu đặc trưng nghệ thuật Tuồng, để nhận ra rằng với kịch hát truyền thống thì vai trò của nhân tố âm nhạc đóng một vai trò rất quan trọng, Mịch Quang đã mở ra một hướng nghiên cứu mới mẻ khác để tập trung sâu hơn vào khảo sát về mối quan hệ máu thịt gữa nhân tố âm nhạc trong tổng thể  của nghệ thuật Tuồng mà nhiều năm qua ông có suy nghĩ để rồi hoàn thành công trình nghiên cứu “Âm nhạc và sân khấu dân tộc”, trong đó đưa ra những phân tích có tính phát hiện mới mẻ, không chỉ được giới sân khấu chú ý mà còn được giới âm nhạc tán thưởng, xem là một tài liệu tham khảo bổ ích thiết thực.

Những năm gần đây, ở vào tuổi đằm chín, vững vàng, Mịch Quang có thể nghĩ về mình để gìn giữ sức khỏe trong an nhàn. Nhưng vốn là con người có khát vọng lớn và ý chí thực hiện bằng được khát vọng nên Mịch Quang không chịu dừng lại để sống với những vinh quang đã có mà lại hành trình vào một hướng nghiên cứu mới mẻ mà khó khăn hơn. Đó là sự dấn mình vào một phạm vi nghiên cứu rộng lớn hơn, bao quát hơn mà cũng khó khăn hơn là tìm hiểu vũ trụ quan theo quan niệm, theo tinh thần của Kinh Dịch, cuộc tập đại một thành của văn hóa Trung Quốc cổ đại có ảnh hưởng sâu rộng ở cả khu vực Đông Á, trong đó có cả Việt Nam đã tác động đến “cấu trúc động” trong tác phẩm nghệ thuật truyền thống như thế nào. Những nhận định đưa ra trong công trình “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống” xuất bản năm 1999 của Mịch Quang là những giả thiết, những đề xuất mạnh bạo có thể có sức gợi mở hoặc gây ra những hoài nghi phản hiện trong dư luận; nhưng điều không thể phủ nhận là khả năng làm việc dồi dào và tinh thần độc lập suy nghĩ, say mê tìm tòi luôn thường trực ở nhà nghiên cứu lão thành này.

Tháng 1/2018

Tâm kính!

Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành