Nhà nghiên cứu Mịch Quang – Người lính giữ chủ quyền kịch hát truyền thống

23/09/2020

Khi cả nước đang hướng về những người lính Hải quân ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo của cha ông để lại, tôi lại nghĩ về cụ Mịch Quang đang ở tuổi bách niên.

Những cuộc xâm lăng của ngoại bang đâu chỉ là chuyện chiếm giữ đất đai, biển đảo mà còn có cả những cuộc xâm lược mềm, tấn công vào văn hóa bằng nhiều hình thức hòng xóa đi bản sắc riêng, độc đáo của một dân tộc. Bản sắc ấy cũng là một chủ quyền cần được gìn giữ và phát triển. Và nhà Nghiên cứu-Soạn giả Mịch Quang mãi vẫn là mọt trong những người lính xuất sắc trên mặt trận gìn giữ chủ quyền Kịch hát truyền thống vốn là di sản cha ông để lại này.

Tuồng nói riêng và Kịch hát dân tộc nói chung đã hình thành và phát triển trên đất nước ta từ lâu bắt nguồn từ nhu cầu , thỏa mãn tâm lý Việt, lối sống Việt, ý chí Việt… Tuy nhiên hệ thống nghiên cứu lý luận hầu như còn mỏng ngoài Cuốn Hý phường phả lục của Lương Thế Vinh xuất bản năm 1501  được coi là tác phẩm lý luận đầu tiên về nghệ thuật kịch hát cổ truyền tổng kết kinh nghiệm và nêu lên những nguyên tắc có tính chất lý luận về nghệ thuật biểu diễn, diễn viên, múa …

Riêng về Tuồng, trước Cách mạng tháng 8 xuất hiện khái niệm “nguồn gốc” là từ phương bắc du nhập do tù binh Lý nguyên Cát truyền dạy. Thật ra Sân khấu Tuồng Việt Nam phát triển từ rất sớm và đến dầu thế kỷ thứ XVIII đã xuất hiện nhiều vở diễn nổi tiếng còn truyền lại cho hậu thế sau này. Nhưng môn nghệ thuật tuồng vẫn còn hạn chế do cách tổ chức chưa được chuyên nghiệp. Đến thời Đào Tấn (1845-1907), bằng lao động sáng tạo, lòng say mê, tâm huyết và tài năng của mình ông đã đóng góp cho môn nghệ thuật Tuồng Việt Nam đạt được những bước tiến rực rỡ.

Rất mừng là sau Cách mạng tháng Támm ngay trong  thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1951, Trung ương Đảng đã chủ trương phục hưng và phát triển những giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc, đem văn nghệ phục vụ kháng chiến và rồi Ban Nghiên cứu Tuồng với nhiều nhà nghiên cứu có tài năng như Hoàng Châu Ký , Phạm Phú Tiết, Mịch Quang, Nguyễn Lai, Hồ Lãng, Lê Ngọc Cầu, … đã chứng minh được một cách hết sức thuyết phục rằng về bản chất tạp kịch của Trung Hoa dưới thời nhà Nguyên (960 – 1279) và nhà Tống (1280 – 1368) “chẳng có điểm cơ bản nào giống với nghệ thuật Tuồng của chúng ta và nghệ thuật Tuồng hoàn toàn là diễn xuất của người Việt Nam”.

Những ngày ấy, người lính Mịch Quang cùng đồng đội của mình đã giữ được chủ quyền. Và từ đó ông luôn là người lính chiến đấu cho chủ quyền thiêng liêng về Tuồng cũng như kịch hát dân tộc do cha ông để lại.

Chủ quyền đất đai biển đảo hay chủ quyền văn hóa không chỉ là diện tích, khuôn mẫu đã có mà giữ gìn nó còn là sự phát triển để giàu có hơn trên móng nền ấy như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tuồng tốt đấy , cần phát triển nhưng chớ gieo vừng ra ngô”.

Khác với một số nhà nghiên cứu , lý luận, phê bình, nhà nghiên cứu Mịch Quang không nghiên cứu chay như đứng trên bờ tìm hiểu nghệ thuật bơi mà Cụ đắm mình bơi trong dòng sông sáng tạo để vừa nghiên cứu, vừa chiêm nghiệm từ chính thực tế sáng tác của mình. Chính vì thế, tất cả những công trình của Cụ từ “Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật tuồng” là cuốn đầu tay do Nhà xuất bản Văn hóa in năm 1963 cho đến  “Đào Tấn nhà soạn tuồng kiệt xuất” rồi “Đặc trưng nghệ thuật tuồng” năm 1995 và “Khơi nguồn mỹ học dân tộc” năm 2004 thật dễ hiểu bằng những minh chứng lập luận đầy khúc chiết và giàu tính thuyết phục. Có thể nói “Đặc trưng nghệ thuật tuồng” của cụ  là một tác phẩm nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về nghệ thuật tuồng, góp phần rất quan trọng vào việc xây dựng khoa sân khấu học truyền thống Việt Nam . Phải chăng khi trình bày một vấn đề dù trong một bài báo hay trong cả một công trình, bản thân tác giả rõ như máu thịt trong mình bao giờ cũng ngắn gọn, giản dị thay bằng lý thuyết vòng vo dài dòng với cả mớ thuật ngữ khiến người nghe phát ù tai. Tôi học được ở cụ rất nhiều về cách nghiên cứu lý luận này.

Có cảm giác nhiều nhà sáng tác ham nghiên cứu để sáng tác nhưng Cụ Mịch Quang dường như sáng tác để nghiên cứu và sự nghiên cứu nhập vào tác phẩm đến nhuần nhụy đã làm nên những “Má Tám”, “Hộp truyền đơn”…và nhiều tác phẩm khác. Đặc biệt, “Má Tám” không chỉ đạt giải A Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1965 mà còn để lại dấu ấn trong lịch sử sân khấu nước nhà với cách tiếp cận hiện đại mà vẫn không mất đi đặc trưng của nghệ thuật Tuồng truyền thống.

Là người lính trên mặt trận nghệ thuật truyền thống, Cụ Mịch Quang khao khát phát triển mảnh đất mình đang đứng nhưng cũng kiên quyết chống lại sự mất chủ quyền khi gieo vừng ra ngô. Đó là cuộc chiến quyết liệt chống lại sự dễ dãi, lười biếng nhân danh sự cách tân để làm mất đi truyền thống kiểu như kịch nói pha ca. Không ít bài báo, trả lời phỏng vấn , tiểu luận của Cụ mang tất cả nỗi lo đau đáu với những trăn trở đến quặn lòng khi NT Truyền thống đứng trước sự thử thách của đời sống hiện đại và lớp khán giả trẻ. Và sức sống nội tại trong nghệ thuật truyền thống cùng đường lối văn nghệ cách mạng đúng đắn của Đảng , Nhà nước cũng như nhu cầu của cộng đồng kết hợp với ý chí , bản lĩnh cuả một người lính luôn ý thức việc gìn giữ chủ quyền đã giúp Cụ đứng vững hơn trên chính đôi chân mình với tất cả niềm tin và tình yêu nghệ thuật.

Trước nhà nghiên cứu lão thành đang ở ngưỡng Bách niên, tôi cứ nghĩ điều gì làm nên một Mịch Quang suốt mấy chục năm qua. Phải chăng Cụ được ướp cái không khí truyền thống từ lúc mới sinh ra tại cái nôi truyền thống ở Phước Sơn, Tuy Phước, Bình Định? Và quê hương sinh ra nhà nghiên cứu Mịch Quang và chính ông làm rạng rỡ quê hương như một sự trả nghĩa bằng tất cả tình yêu, sự cần cù. Cuộc đời Cụ không ham chức quyền, danh lợi vẫn mãi như một người lính canh giữ chủ quyền nghệ thuật truyền thống với tất cả sự trung thành và tình yêu mãnh liệt.

Cụ là thế và như vô tình, cuộc hội thảo này kết thúc khi chốc nữa thôi, các cháu U23 VN đang tiến đến đích cuối cùng với tất cả niềm tin chiến thắng. Vâng, lão tướng thọ trăm năm trên lĩnh vực nghệ thuật hay các cháu tuổi 20 trên lĩnh vực thể thao và bất kỳ ai, bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều đang sống hết mình, cống hiến hết mình với tất cả niềm tự hào và kiêu hãnh trong hai tiếng Việt Nam!

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền