Nhà nghiên cứu Mịch Quang: Cây đại thụ của kịch hát dân tộc

23/09/2020

Nhà nghiên cứu Mịch Quang.

Lần đầu tôi được diện kiến nhà nghiên cứu Mịch Quang là năm 2012, dịp Hội thảo khoa học về nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu, cuộc hội thảo tầm quốc gia ở Quy Nhơn, Bình Định. Diện kiến lần ấy cho tôi ấn tượng đặc biệt: sức khỏe ông đã rất yếu, nhờ con trai (anh Nguyễn Thế Khoa – TBT Tạp chí Văn Hiến Việt Nam) đưa lên bục trình bày mấy ý kiến nhỏ khá cô đọng về Cụ Tú Diêu. Tuy không khỏe nhưng mấy ý của ông rất mạch lạc, thấu đáo. Tôi cũng đọc nhiều người viết về ông trên báo. Và nghe các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và hoạt động nghệ thuật: Vũ Ngọc Liễn, Văn Trọng Hùng, NSND Hòa Bình, NSƯT Gia Thiện… nêu nhận xét trân trọng về ông.

Ông người Tuy Phước, Bình Định, nhưng đi tập kết rồi về Nam sống ở Nha Trang, giờ định cư ở Hà Nội, vì thế tôi không có dịp được gần ông như các văn nghệ sĩ Bình Định khác. Và khi có điều kiện tìm hiểu kỹ về ông, tôi thật sự choáng ngợp trước những đóng góp của ông về mảng sân khấu truyền thống, về âm nhạc dân tộc, về mỹ học dân tộc. Ông còn là nhà soạn tuồng với những vở đình đám:  “Quang Trung” (Khi dựng năm 1980, Nhà hát tuồng Đào Tấn gọi tên vở là “Quang Trung đại phá quân Thanh”), hay: “Thanh gươm hát bội”, (một trong bộ ba: “Giấc mộng hồ hoa”, “Thanh gươm hát bội”, “Còn đó Lam Hồng”- viết về danh nhân Đào Tấn, đến nay ông mới hoàn thành được hai vở đầu)…

Có điều đáng ngạc nhiên là sự học của ông kiểu trường lớp, khoa bảng không  mấy. Ông tự học là chính, chính thức đỗ đíp – lôm ở Huế, 1936 (Cao đẳng tiểu học), không có tiền đi học tiếp tú tài, nên đi làm kiếm tiền, từ làm gia sư, rồi dạy học…, lại có dịp ra Huế vừa làm vừa học. Học để hiểu biết theo lời dạy của người cha, chứ không vì bằng cấp. Ông yếu các môn tự nhiên nên không hy vọng nhiều ở tấm bằng tú tài, và hiểu lời cha nên hai năm học ở Huế đã chuyển từ trường Phú Xuân sang trường Hồ Đắc Hàn, “vì ở đấy có thầy Cao Xuân Huy dạy văn nổi tiếng”. Ngay từ lúc ấy, ông đã xác định cho mình sự học, và thẳng băng đường học đó tới bây giờ, chủ yếu là học từ sách vở. Thời đầu, may mắn ông được ở khu văn công Cầu Giấy tập trung những nhà nghiên cứu bậc thầy về sân khấu truyền thống, những nghệ sĩ tài danh: Phạm Phú Tiết, Hoàng Châu Ký, Tống Phước Phổ, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Mười Chương, Ngô Thị Liễu, Minh Đức… nên những kiến thức về kịch hát dân tộc của ông được kiểm chứng và bồi đắp khá căn bản. Gần đây, dù tuổi cao sức yếu, nhưng ông vẫn đọc – học không ngưng nghỉ qua sách vở, để nối tiếp nhau những công trình tạo tiếng vang lớn.

Ông, trước khi nhắc đến như một nhà nghiên cứu hàng đầu về nghệ thuật truyền thống dân tộc, cái sự học của ông cần xem như một tấm gương sáng. Không tự mãn khi đã có những thành tựu được thừa nhận, giản dị và khiêm tốn trong mọi giao tiếp, con người thật ông vậy chứ không làm ra vẻ, ông biết những gì mình hiểu mình đóng góp chưa là gì cả. Và cứ miệt mài học và viết.

Nhưng đó là ứng xử với tự mình thôi, với mọi người tiếp xúc thôi. Mịch Quang lại rất sòng phẳng, quyết liệt về vấn đề khoa học. Khi đã thấu đáo điều gì, ông không khoan nhượng và rất cả quyết, không có thái độ lập lờ trong trang viết. Như, ông dứt khoát bác bỏ thuyết Lý Nguyên Cát, người Tàu qua dạy dân ta chuyện hát bội. Như, ông mạnh mẽ khởi đầu chuyện nghiên cứu nghệ thuật đông phương (Việt Nam), từ sân khấu đến âm nhạc truyền thống qua ánh nhìn Kinh Dịch. Như, những thể nghiệm từ hệ thống lý thuyết đến trực tiếp sáng tác kịch bản để kiểm nghiệm hiệu quả của chuyện “hai trong một” này. Ông luôn chọn cho mình một lộ trình gian nan, dám nghĩ dám làm, với một tâm huyết kỳ lạ. Đằng sau một vẻ ngoài ôn nhu, lắng nghe, chịu học mọi nơi mọi chỗ, sách vở, người tài, hay cả các ý kiến ở những hội thảo, Mịch Quang là con người đầy bản lĩnh. Cái khoa học và bản lĩnh ấy, đã có hồi đáp cũng sòng phẳng, từ người trong giới đến công chúng.

Điểm lại những bài viết đánh giá cao hay ngợi ca ông từ các bậc trí giả đến nghệ sĩ thấy xuất hiện nhiều cái tên danh tiếng như: Các GS, PGS: Trường Lưu, Hoàng Chương, Hoàng Trinh, Hồ Sĩ Vịnh, Tất Thắng, AHLĐ Vũ Khiêu, Trần Văn Khê, Nguyễn Thuyết Phong, Terry Miller… và các nghệ sĩ: Tiến Thọ, Sĩ Chức, Lê Chức, Đàm Liên… Thật nhiều những bài viết, phát biểu tôn vinh ông. Không thể trích dẫn hết những đánh giá xứng đáng của các bậc trí giả, nghệ sĩ hàng đầu đất nước viết về ông.

Có thể nói, những phát hiện và tổng kết của ông về nghệ thuật truyền thống dân tộc: “hiện thực tả ý”, “sân khẩu tổng thể tích hợp”, “tự sự kịch tính trữ tình”, “cấu trúc động mở”… là những thành tựu giới sân khấu nước nhà vận dụng suốt mấy chục năm qua. Cá nhân Mịch Quang là người sáng tác theo các đúc kết ấy để kiểm chứng: ông không hề là nhà lý luận suông.

Trong bài viết Vốn nhà ta giữ lắm người thương (in ở báo Văn hóa dịp mừng sinh nhật Mịch Quang 90 tuổi năm 2006), GSTS. Trần Văn Khê chia sẻ: “Trong thời gian ở nước ngoài, được đọc những bài anh Mịch Quang viết đã đăng nhiều nơi nhất là đọc đi đọc lại  hai cuốn sách “Âm nhạc với sân khấu dân tộc” và “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống” của anh, tôi thấy cảm phục anh trong tình trạng hiếm sách báo nước ngoài, lại “đơn thương độc mã” giữa rất đông “Lương Đăng” hiện đại mà Mịch Quang làm được nhiều việc, viết được nhiều câu khiến tôi không cầm được nước mắt. Tôi gặp rất nhiều tâm đắc trong hai cuốn sách của Mịch Quang”… Và trong một bài viết khác, GSTS. Trần Văn Khê bày tỏ sự tâm đắc với ông: “Rất tâm đắc với anh là cụm từ “Dân tộc hiện đại” hiểu theo các ông Lương Đăng Tây rất sai. Dân ca nông dân khác hẳn loại “dân ca đài”, “dân ca đoàn”. Tôi đã chống việc ai đó xem nhạc dân tộc Việt Nam cần phải được “nâng cao”. Nâng cao là tự bản thân nó thấp quá. Mà ai là người dám cả gan dám khinh nhạc Việt Nam là thấp? Mấy ông Lương Đăng Tây có hiểu gì về nhạc truyền thống mà dám cho nó thấp? Rồi “nâng cao”, ai là người có khả năng nâng cao nhạc truyền thống? Nâng cao cách nào? Lấy gì để nâng cao? Ai dám bảo hát một bè là thấp nhiều bè làm cho không ai hiểu lời ca là nâng cao? Ký âm hò xự xang là thấp đọc ra đô rê mi là nâng cao? Dùng đàn nhị, kèn, đàn tranh, là thấp, có piano, violon là nâng cao? Tôi đã chống lại động từ nâng cao từ lâu”…(Trích: “Thư từ Đại Tây Dương”  trong cuốn sách “Mịch Quang và Nghệ thuật dân tộc – Nhà xuất bản Sân khấu 2015).

Có một sự đồng thuận chung đánh giá cao của giới nghiên cứu, các vị trí giả trong nước, ngoài nước về các công trình của ông: “Đặc trưng nghệ thuật Tuồng”,  “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”, “Kinh Dịch và nghệ thuật truyền thống”, “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”… Ngay từ năm 1963, Mịch Quang đã in cuốn “Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật Tuồng” như một công trình đầu tiên ở miền Bắc nghiên cứu tương đối hoàn chỉnh mảng nghệ thuật đặc sắc này. Sau đó, ngay trên vùng ý thức hệ bài phong kiến quyết liệt, ông viết “Đào Tấn nhà soạn tuồng kiệt xuất”, nhiều người ngại bảo không nên công bố vì cụ Đào là ông quan Thượng thư triều Nguyễn. Nhưng nhà thơ Chế Lan Viên ủng hộ và bài viết được in trên Tạp chí Văn Nghệ. Khởi đầu của Mịch Quang không mấy thuận lợi vì môi trường, vì sách vở tài liệu hạn chế, nhưng ông vẫn kiên trì con đường đã chọn, từng chút bồi đắp cho tri thức, và nghiền ngẫm cả chục năm để bùng vỡ một sự “khai phóng” thành tầm vóc nhà nghiên cứu hàng đầu mảng kịch hát dân tộc.

Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001. Cũng nhiêu khê việc xét các giải thưởng danh giá quốc gia, nhưng theo các vị chức sắc hàng đầu ngành sân khấu, đợt xét năm 2016 tới đây, ông xứng đáng được tôn vinh ở Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó sẽ là một tôn vinh rất xứng đáng với đời ông dành trọn cho mảng văn hóa truyền thống này của dân tộc.

Cầu chúc ông sức khỏe để đón nhận “song hỷ lâm môn”: tuổi trăm (theo âm lịch) và sự tôn vinh đúng tầm. Niềm vui ấy là cho chúng tôi, những người thừa kế những tâm huyết một đời của ông chứ ông vốn không màng mọi lợi danh và những cạnh tranh cho lợi danh ấy.

Ông đã và sẽ là cây đại thụ trong niềm kính ngưỡng của những bậc thức giả cùng thời, thế hệ hôm nay, mai sau.

 

Lê Hoài Lương