Thơ Mịch Quang

23/09/2020

 

Đi thuyền trên sông Hương

Bạn cùng ta đi thuyền sông Hương

Không đàn không hát chỉ ngồi suông

Dòng sông mở nhẹ đôi tà áo

Đón mũi thuyền ra dưới rặng dương

 

Ta say nhìn vẻ đẹp sông hương

Dịu dàng kín đáo dưới trăng sương

Lời yêu chẳng ngỏ cho ai cả

Nhưng có ai mà chẳng nhớ thương

 

Ta bỗng nhìn vẻ đẹp sông Hương

Dễ khiến người quên chuyện trước đường

Kèn Tây vang vọng quanh thành cũ

Nỗi ấy, lòng sông có vấn vương

 

Nhìn Phú Văn Lâu dưới bóng cầu

Nỗi niềm vong quốc quặn lòng đau

Mái chèo trở nhẹ, sông cau mặt

Như cảm cùng ta một mối sầu

 

Ta yêu mình ơi hỡi sông Hương

Càng đậm tình yêu với nước non

Sông ơi chớ dắt ta vào mộng

Ta sợ trong mơ dễ lạc đường

 

Muốn hỏi sông Hương đến thuở nào

Bầu trời ta sạch bóng diều hâu

Để khi nhìn xuống dòng trong suốt

Chỉ thấy trời xanh biếc một màu

 

Huế 1935


 

 

Tâm sự

 

Mến gửi các bạn tập kết

Có những sớm mai chủ nhật

Khép cửa cơ quan nghe lòng trống rỗng

Tôi vội đi dong gió đô thành

Nhìn Tháp Rùa nhớ tháp Cầu Gành

Ngắm nước Hồ Tây mơ đầm Thị Nại

Quang gốc dừa tụm năm tụm bảy

Bới từng đốm lửa quê hương…

Chuyện dòn tan lòng vẫn trống như thường

Vào chợ Đồng Xuân

Đánh lừa đôi mắt

Tìm họa may đôi màu sắc Gò Chàm

Lắng tiếng ồn giữa phố Hàng Ngang

Thử có vọng ngày phiên Đập Đá?

Xhayj đến nhà quen hôn thằng cháu nhỏ

Tìm quanh hơi hướng gia đình

Ý không thành

          lòng lại trống nhiều hơn

Tôi quay trở về

Khép phòng riêng lại

Viết bài thơ Thống nhất Bắc – Nam

Chắp ý thơ tôi bắt con đường

Dẫn lại bờ tre bóng xoài thân thuộc

Cây vú sữa hè sau

Hương dừa xiêm ngõ trước

Còn chờ tôi mới ra trái đầu mùa

Vợ tôi dù đang giữa gió mưa

Vẫn biết chắc trên mây mù có nắng

Đây thôn xóm đồng bào

Đây họ hàng bè bạn

Dòng thơ soi trong vắt những lời nguyền

Khắc vào gan vào óc vào tim

Vào ý chí:

Máu hồng in thế mực

Đất nẻ gặp mưa rào, lòng tôi rạo rực

Uống no tràn bao hình ảnh hằng mơ…

Tôi còn muốn làm thơ

Suốt những ngày chủ nhật

Để lấp trống lòng tôi

Để góp lại ba chục ngày nhập một

Bước mau dần từng tháng trở về Nam

 

Hà Nội 1956