Mịch Quang Người tự phong hàm ‘Lão học sinh’

23/09/2020

Chân dung nhà nghiên cứu Mịch Quang.

1

Thế là ông đã bước vào tuổi 90.  Dù đã qua tuổi “cổ lai hy” khá lâu, mắt yếu tay run, việc đọc việc viết hàng ngày, với ông đã rất khó khăn, đã là cả một cuộc phấn đấu, nhưng ông chưa bao giờ rời nổi trang sách, ngòi bút. Khát vọng học hỏi, làm việc chưa bao giờ nguôi trong ông. Dù ở Nha Trang hay ở Hà Nội, một ngày mới của ông đều bắt đầu bên những trang sách mới, trang viết mới. Năm 85 tuổi, ông hoàn thành công trình “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, vở tuồng “Người mẹ Làng Sen” về thân mẫu chủ tịch Hồ Chí Minh và vở kịch thơ “Chẳng sợ Côn Lôn” về nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Năm 87 tuổi, nhà xuất bản Chính trị quốc gia cho công bố công trình “Khơi nguồn mỹ học dân tộc” của ông và ông hoàn thành vở kịch nói thể nghiệm “Tên sát nhân và nhà tu hành”. Năm 89 tuổi, ông cho xuất bản hồi ký “Đời tôi và nghệ thuật”. Còn nhớ năm 2003, đến giảng bài về dân tộc nhạc học tại Viện Âm nhạc Việt Nam, GSTS Trần Văn Khê hết sức ngạc nhiên cảm động khi thấy giữa những học viên trẻ có một người tóc bạc phơ rất chăm chú lắng nghe, ghi chép. Người đó chính là Mịch Quang, bạn tâm giao khoa học của ông, người mà ông rất kính trọng về kiến thức và tâm huyết với âm nhạc dân tộc. Mịch Quang vừa từ Nha Trang ra Hà Nội thăm con, nghe tin có buổi giảng của Trần Văn Khê, vội vàng tìm đến…

Tám mươi lăm tuổi tự ta phong

Hàm lão học sinh có được không?

Học mãi học hoài còn thấy dốt

Viết rồi, viết nữa vẫn chưa xong

Trong bài thơ “Khai bút xuân Tân Tỵ”, Nhà nghiên cứu Mịch Quang, người được đồng nghiệp tự hào gọi là “Lão tướng Tuồng”, “Cây đại thụ của sân khấu dân tộc”, “Học giả hàng đầu của nghệ thuật học dân tộc”, chỉ giản dị coi  mình là một “Lão học sinh”…

2

Sinh ra trong một gia đình có dòng dõi đại khoa trên quê hương Bình Định của hậu tổ tuồng Đào Tấn, trong một gia đình yêu nước có truyền thống khoa bảng, từ nhỏ Mịch Quang đã là một cậu bé hiếu học. Và cuộc đời ông là cuộc đời phấn đấu tự học, tự học không ngừng. Trong kháng chiến chống Pháp, người ta rất lạ lùng khi thấy Mịch Quang là một giọng ca tân nhạc rất được mến mộ ở vùng tự do Liên khu 5 lại vừa là một tay đàn kìm nhạc cổ thành thạo. Tập kết ra Bắc, làm biên tập viên vốn cổ văn học của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng Mịch Quang lại có thể trao đổi, hướng dẫn các nghệ sĩ Quách Thị Hồ, Trần Thị Tuyết về ngâm thơ, nhất là cách ngâm thơ đặc sắc của miền Trung. Say mê Tuồng, làm nghiên cứu Tuồng nhiều năm, có vốn hiểu biết sâu rộng về tuồng đã đành, Mịch Quang còn làm những người hoạt động ở nhiều bộ môn nghệ thuật khác mến phục vì những hiểu biết, phát hiện mới mẻ, bất ngờ của ông khi nói đến bộ môn nghệ thuật của họ.

Từ giữa những năm 60, Mịch Quang không những nhập môn Kinh dịch hết sức nghiêm túc với thầy Cao Xuân Huy mà còn tìm đọc nhiều sách về toán học, điều khiển học, sinh học hiện đại. Bạn bè đàm đạo tâm đắc của ông hồi đó, có nhiều người là những nhà khoa học tự nhiên. Đó là khi ông nhận thấy nhiêù vấn đề của nghệ thuật cần phải và có thể được soi sáng bởi những hiểu biết về triết học, về khoa học tự nhiên. Cả đời, ông chưa bao giờ được đi nước ngoài, nhưng ông vẫn tiếp cận được khá sâu sắc với âm nhạc của Dvorac, Debusy, Nguyễn Thiên Đạo, với hội hoạ điêu khắc của Phạm Tăng, Lê Bá Đảng, với sân khấu Nô, Kabuki Nhật Bản… Chìa khoá để mở cánh cửa đi vào kho tàng kiến thức vô tận của dân tộc và nhân loại của ông là điều tâm niệm đơn giản ” Học mãi, học hoài còn thấy dốt…”

3

Nhưng Mịch Quang không phải chỉ để học, để có “chữ” mà khoe với đời. Kể từ ngày rời Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển về Ban nghiên cứu tuồng (Bộ Văn hoá), hơn 40 năm qua, cuộc đời của Mịch Quang có một cái đích rất rừ: phỏt hiện khỏm phỏ ra cỏi hay, cỏi đẹp, cái đặc sắc của nghệ thuật dân tộc, bắt đầu từ Tuồng. Mịch Quang thường nhắc câu nói của Bác Hồ, khi Bác đến thăm khu văn công Cầu Giấy đầu những năm 60: “Nghệ thuật Việt Nam hay lắm. Các cháu rán nghiên cứu …Đừng để những tiêu chuản này nọ của nghệ thuật Phương Tây trói buộc khiến ta không thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta”. Từ lời dặn của lónh tụ thiờn tài, Mịch Quang hiểu rằng Người đó khớch lệ ụng và cỏc đồng nghiệp phấn đấu cho một sự nghiệp giải phóng khác trong nghệ thuật: giải phóng khỏi xích xiềng nô lệ của tư tưởng nghệ thuật phương Tây. Từ đó, Mịch Quang đó học và hành bằng tất cả sự say mờ và nỗ lực khụng mệt mỏi để làm theo lời dặn của Bác. Đã có lúc Mịch Quang nổi tiếng là “bảo thủ”, “cực đoan”, “dân tộc hẹp hòi” trong giới nghệ thuật học vì sự đấu tranh mạnh mẽ triệt để  không khoan nhượng để bênh vực nghệ thuật truyền thống, chỉ trích những hiện tượng xu thời, lai căng, mất gốc, những kiểu “gieo vừng ra ngô” mà Bác Hồ từng cảnh báo. Nhưng rồi cùng với thời gian, người ta hiểu ra hầu hết những ý kiến, thẳng thắn cương trực của ông là rất có lý, có tình và đặc biệt là rất cần thiết. GSTS Trần Văn Khê là một trong những người thấu hiểu chia sẻ và tâm đắc với  những nỗi niềm của Mịch Quang. Mùa hè 1999, sau khi đọc công trình “Âm nhạc và kịch hát truyền thống” của Mịch Quang gửi tặng, từ duyên hải Đại Tây Dương, Trần Văn Khê đã gửi về Mịch Quang ở Nha Trang những dòng thư xúc động: “Đọc những bài anh viết đã đăng nhiều nơi và nhất là đọc đi đọc lại quyển “Âm nhạc và sân khấu truyền thống ” của anh, tôi vô cùng tâm đắc với nhiều điểm anh nêu ra, với thái độ quý trọng cổ mà không “nệ cổ” mở rộng tầm hiểu biết để tiếp thu cái hay bên ngoài mà không “vọng ngoại”, thương anh đơn thương độc mã giữa rất đông Lương Đăng hiện đại. Trong tình trạng hiếm sách báo bên ngoài mà anh làm nhiều việc, viết nhiều câu đến nỗi tôi không cầm được nước mắt khi đọc…” Và Trần Văn Khê gửi thơ họa bài thơ Mịch Quang tặng ông với những câu thơ tràn đầy yêu mến tin tưởng:

Tạ tình tri kỷ bạn văn chương

Nghiên cứu hai ta chọn đúng đương

Vọng ngoại mình chê nhiều kẻ ghét

Vốn nhà ta giữ lắm người thương

4

Mịch Quang bắt đầu cuộc đời hoạt động văn nghệ bằng những bài thơ, tuỳ bút, truyện ngắn. Ông có nhiều đóng góp sẽ được lịch sử sân khấu cách mạng ghi nhận với tư cách một tác giả lớn với hơn hai chục vở diễn trong đó có những vở xuất sắc như: Má Tám, áo vải cờ đào, Phất cờ nương tử, Thanh gươm hát bội, Giấc mộng hồ hoa, Vua Hùng kén rể… trên sân khấu nhiều đơn vị sân khấu truyền thống cả nước nửa thế kỷ qua. Nhưng đóng góp lớn nhất, rực rỡ nhất của ông là với tư cách một nhà nghệ thuật học dân tộc. PGS Tất Thắng coi Mịch Quang là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên làm nền móng cho ngôi nhà nghệ thuật học dân tộc. “Lão học sinh” Mịch Quang là tác giả của hàng trăm phê bình, tiểu luận đã đăng trên báo chí cả nước suốt mấy chục năm qua, tác giả của hàng chục công trình nghiên cứu nghệ thuật dân tộc được đánh giá cao, đáng chú ý nhất là các quyển sách đã xuất bản :”Đào Tấn-nhà thơ, nhà soạn tuồng kiệt xuất”, “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng”, “Đặc trưng nghệ thuật Tuồng”, “Âm nhạc và kịch hát truyền thống”, “Kinh dịch và nghệ thuật dân tộc”, “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”…

Đọc các tác phẩm nghiên cứu lý luận của ông, nhiều người cho rằng ông là một nhà khoa học có bản lĩnh, có cá tính độc đáo. GS. NSND Trần Bảng nhận xét khi đọc  “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”: “Đọc cuốn sách, người ta lại thấy tính cách quen thuộc của nhà nghiên cứu, một đầu óc độc lập luôn phát hiện cái mới mỗi khi đề cập đến một vấn đề. Những ai từng đọc Kinh Dịch sẽ không khỏi bất ngờ trước một số lý giải riêng biệt và mới lạ của tác giả về kinh điển”.  GSVS Hồ Sĩ Vịnh thì gọi Mịch Quang là “nhà khoa học thực tài” và xếp ông thuộc nhóm các nhà khoa học: “Lấy phương pháp biện chứng làm công cụ nghiên cứu, bám chắc vào thực tiễn đời sống, thực tiễn văn hoá dân tộc, vươn tới đời sống văn hoá nghệ thuật các nước để khảo sát, so sánh, quy chiếu. Công trình của họ ở dạng bề sâu, nhiều vấn đề lý luận được đề xuất, nhiều tổng kết học thuyết có giá trị, nhiều luận điểm có thể tranh cãi, nhưng là sự tranh cãi thú vị, “đêm hôm trước” của chân lý khoa học”. GSTS Terry Miller, nhà dân tộc nhạc học người Mỹ gọi các bài viết của Mịch Quang là những bài viết “rất khai phóng trí tuệ”…Còn GSTS Nguyễn Thuyết Phong, nhà dân tộc nhạc học nổi tiếng thế giới, người được tặng danh hiệu “Di sản quốc gia” Hoa Kỳ đánh giá: “Tôi hết sức ấn tượng về ông ở nhiều nhận định và nghiên cứu đáng quí, ngoài phong cách sống đẹp và trí thức. Tôi tâm đắc với phát hiện “Cấu trúc động” mà ông nhìn thấy được trong toàn bộ âm nhạc VN. Đây là một nhận định chính xác, mỹ cảm và khoa học. Trong nhiều buổi giảng của tôi trên thế giới, tôi thường đề cập đến quan niệm “cấu trúc động” của ông, một trong những thành tựu nghiên cứu có tầm cỡ đáng quí nhát ở VN, bắt kịp với trào lưu dân tộc nhạc học trên thế giới”.

Cái làm nên sự chinh phục trong các công trình khoa học của Mịch Quang, bên cạnh nhiệt huyết thể hiện dào dạt trên từng trang viết, sự uyên bác bất ngờ về kiến thức, chính là sự giàu có những phát hiện bất ngờ, lý thú và những đề xuất, tổng kết tự tin, táo bạo. Một số tổng kết bước đầu của Mịch Quang về phương pháp nghệ thuật dân tộc, như chính ông nói, dù mới chỉ là những dự cảm khoa học, cần được sự tham gia mổ xẻ phân tích chứng minh của nhiều người, đã được giới nghệ thuật học trong và ngoài nước thừa nhận, sử dụng trong công tác giảng dạy và nghiên cứu. Đặc biệt, lý thuyết về “Cấu trúc Động – Mở trong âm nhạc truyền thống Việt Nam” đã được GSTS Nguyễn Thuyết Phong và các đồng nghiệp Mỹ đưa vào giảng dạy tại Viện Đại học Kent (Bang OHIO – Mỹ) và nhiều trường đại học trên thế giới. “Lão học sinh” Mịch Quang đã làm được những việc mà nhiều Giáo sư, Tiến sỹ có học hàm học vị chưa làm được…Ông rất xứng đáng với những phần thưởng cao quý Đảng và Nhà nước dành cho ông: huân chương Lao động hạng Nhất và giải thưởng Nhà nước đợt 1- năm 2001…

5       

Mịch Quang đã bước được đến mùa xuân thứ 90 của đời mình. Có người gọi cuộc hồi sinh của ông sau cơn đại hạn của năm Tân Tỵ là một điều kỳ diệu. Sau một cơn đột quỵ bất ngờ, ông đã phải vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, tỷ lệ hồng cầu trong máu đã hạ xuống quá giới hạn cho phép. Các bệnh viện ở Nha Trang bó tay, gia đình phải đưa ông ra chạy chữa ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. ở đây, nhờ tài năng và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ các nhà y học hàng đầu cũng như ý chí sống quật khởi trong ông, Mịch Quang đã dần hồi phục. Người ta nói tử thần chưa đem ông đi nổi có lẽ vì khát vọng sống, khát vọng làm việc của ông còn lớn lắm, mạnh mẽ lắm. Ông còn quá nhiều dự định, cam kết dang dở phải thực hiện cho xong với đời. Ngay khi vừa khỏe lại đôi chút, ông đã ngồi trên giường bệnh tiếp tục thực hiện công trình biên khảo “Hồ Chủ tịch và nghệ thuật dân tộc” theo đặt hàng của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Từ đầu năm 2002, ông đã cùng với GS Hoàng Chương và một số nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc hoàn chỉnh công trình biên khảo “Đào Tấn – Con người và Tác phẩm” dày trên 2000 trang. Và năm 2004, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã cho công bố tác phẩm đầy tâm huyết của ông: “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”. Công trình Mịch Quang hoàn thành vào năm 89 tuổi  tiếp tục làm ngạc nhiên nhiều người bởi sức sống, sức nghĩ, sức viết dường như vô tận của ông. Với công trình đầu tiên về mỹ học dân tộc, Mịch Quang nói rằng mình chỉ là người khơi nguồn, có thể còn nhiều bất cập, cần có sự bổ khuyết của nhiều người, nhiều thế hệ để hoàn chỉnh lý luận về mỹ học dân tộc. Nhưng nhiều khi khơi nguồn lại là một công việc rất quyết định.

6

Dễ hiểu vì sao buổi lễ mừng thượng thọ 90 tuổi của “Lão học sinh” Mịch Quang    

do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Phát huy Nghệ thuật Dân tộc và Nhà hát tuồng TƯ tổ chức vào mùa hè 2006 này lại động vui xúc động như thế. Các thế hệ nghệ sĩ tuồng và sân khấu Hà Nội, TP HCM, Bình Định, Khánh Hoà và nhiều nơi trong nước đã về chúc mừng ông. GSTS Trần Văn Khê, GSTS Nguyễn Thuyết Phong, GS Trần Bảng, GS Hoàng Chương, những người bạn thân thiết lại có mặt bên ông. Hoa. Nụ cười. Những giọt nước mắt. Bởi là một “Lão học sinh” nên 90 tuổi Mịch Quang như vẫn còn xuân sắc lắm. Kết thúc quyển hồi ký “Đời tôi và nghệ thuật” Mịch Quang viết: “Đã sắp bước vào tuổi 90, nhưng tôi thấy mình còn rất nhiều việc phải làm. Tôi sẽ vẫn bắt đầu các công trình nghiên cứu và sáng tác khi nào còn có thể”. GSTS Nguyễn Thuyết Phong rất có lý khi gọi cuộc đời của Mịch Quang là “Một bản giao hưởng mùa xuân dân tộc tuyệt vời”.

Nguyễn Thị Phương Anh

Kịch bản phim tài liệu

Hãng phim K5 và VTC phối hợp sản xuất