Giải thưởng Hồ Chí Minh và bác Mịch Quang

22/09/2020

Nhà nghiên cứu, soạn giả tuồng Mịch Quang.

1

Những người quan tâm và am hiểu nghệ thuật sân khấu dân tộc rất bất ngờ khi biết hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh của nhà nghiên cứu Mịch Quang do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN đưa lên đã không được Hội đồng cấp bộ xem xét. Trước đó, đồng nghiệp, gia đình và bác Mịch Quang đã rất phấn khởi khi số báo tháng 6/2011 của Tạp chí Sân khấu, cơ quan ngôn luận của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có bài viết cho biết: nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang cùng các NSND Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức và  Sỹ Tiến được Hội đồng cơ sở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đề nghị lên Hội đồng cấp trên xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tuy vậy, khi Hội đồng cấp bộ kiểm tra hồ sơ thì hồ sơ của nhà nghiên cứu Mịch Quang chỉ được 5/7 phiếu bầu ở Hội đồng cơ sở, không đạt ¾ số phiều như quy chế yêu cầu nên không thể đưa ra xem xét. Với tinh thần trách nhiệm cao, nhằm đánh giá đúng tài năng và đóng góp của các nghệ sĩ, Thường vụ Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN đã xem xét lại những trường hợp chưa đủ ¾ số phiếu của Hội đồng cơ sở và có công văn số 182/CV-HNSSK ngày 6/7/2011 do Chủ tịch Lê Tiến Thọ ký gửi Hội đồng cấp bộ đề nghị xem xét lại trường hợp đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang và trường hợp đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước của nhà nghiên cứu, đạo diễn Trương Hoàng Chương. Công văn nhận xét: “Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận thấy đây là hai trường hợp có quá trình đóng góp lâu dài và đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc góp phần xây dựng và gìn giữ cho sự phát triển của sân khấu truyền thống và sân khấu cách mạng (đặc biệt là sân khấu tuồng) trong hơn nửa thế kỷ qua và tiếp tục có giá trị lâu dài cho công tác nghiên cứu lý luận và giảng dạy”, và đề nghị “Chính thức đưa trường hợp nhà nghiên cứu, soạn giả lão thành Nguyễn Thế Khoán (tức Mịch Quang) vào diện chính thức xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhà nghiên cứu, đạo diễn Trương Hoàng Chương vào diện chính thức xét tặng Giải thưởng Nhà nước tại Hội đồng cấp bộ”. Ngày 17/10/2011, Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN cũng dã có công văn số 301/CV-HNSSK gửi Ban Tuyên giáo Trung ương để báo cáo sự việc trên. Ngày 21/10/2011, sau khi nhận được công văn báo cáo của Hội nghệ sĩ Sân khấu VN, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có công văn số 1345 –CV/BTGTW do Phó Trưởng ban Nguyễn Thế Kỷ ký gửi Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch với nôi dung nhất trí với đánh giá của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN về việc đưa nhà nghiên cứu, soạn giả lão thành Mịch Quang vào diện chính thức xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và nhà nghiên cứu, đạo diễn Hoàng Chương vào diện chính thức xét tặng giải thưởng Nhà nước. Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị “Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tham khảo ý kiến của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, ý kiến của hai nhà nghiên cứu nêu trên, đánh giá những cống hiến của họ, từ đó có hướng giải quyết để việc xét giả thưởng không bỏ sót người thực sự có đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà”.

2

Tôi được gần gũi nhà nghiên cứu Mịch Quang từ những ngày còn công tác ở Khánh Hoà cùng ông và hết sức kính phục lòng say mê vô tận và tinh thần lao động không mệt mỏi của ông, người được đồng nghiệp cả nước tôn vinh là vị “Lão tướng của nghệ thuật dân tộc”.  Tôi thường nhớ 4 câu thơ cảm khái trong bài thơ của bác Mịch Quang tặng bạn hữu ngày về hưu như một tuyên ngôn của cuộc đời lao động sáng tạo của mình:

Trồng hoa lên giấy chi cần đất

Gieo hạt vào dân chẳng thiết vườn

Gắng học cụ Đào rèn ngọn bút

Làm gươm hát Bội chém tham quan

Khát vọng học viết lớn lao “Học mãi học hoài còn thấy dốt/Viết rồi viết nữa vần chưa xong” (Bài thơ khai bút xuân Tân Tỵ của bác Mịch Quang) đã làm nên sức sống quật cường vượt qua tuổi tác, bệnh tật, không ngừng làm việc đóng góp của người nghệ sĩ lão thành đã gắn trọn đời mình với nghệ thuật tuồng và nghệ thuật truyền thống VN. Mười năm trước, năm 2001, bác Mịch Quang đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT với hai công trình nghiên cứu “Âm nhạc và sân khấu dân tộc”, “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống” năm ấy bác 85 tuổi. Từ đó đến nay,  bác Mịch Quang tiếp tục cho ra mắt các công trình “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”, “Học, hiểu, khám phá”,  tập hồi ký “Đời tôi và nghệ thuật”, và Tuyển tập các kịch bản nổi tiếng đã làm nên những vở diễn xuất sắc từng nhận được huy chương vàng bạc tại các Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc như “Má Tám”, “Quang Trung”, “Phất cơ nương tử”, “Thanh gươm Hát Bộ”, “Vua Hùng kén rể”, “Giấc mộng hồ hoa”, “Bà mẹ làng Sen”… Cho đến nay, ở tuổi 95, bác Mịch Quang đã có một sự nghiệp nghiên cứu và sáng tác thật đồ sộ: 6 công trình nghiên cứu sân khấu, nghệ thuật dân tộc rất có giá trị và gần 20 kịch bản được các đơn vị sân khấu truyền thống cả nước dàn dựng trong hơn nửa thế kỷ qua, với nhiều kịch bản được đánh giá cao.

3

Trong các công trình khoa học của mình, bác Mịch Quang thường nhắc tới một lời căn dặn của Bác Hồ từ gần 60 năm trước. Tết năm 1962, bác Mịch Quang và một số cán bộ nghiên cứu sân khấu truyền thống được gặp bác Hồ khi Người đến thăm khu Văn công Cầu Giấy. Sau khi hỏi han mọi người về công việc đang làm, Bác Hồ ân cần căn dặn: “Nghệ thuật Việt Nam hay lắm! Các cháu rán nghiên cứu, đừng để những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật thế giới trói buột khiến ta không thấy hết cái hay cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta”. Bác Mịch Quang cho biết lời căn dặn của Bác Hồ đã đến thật đúng lúc. Đó là khi bác và các đồng nghiệp đang rất hoang mang lúng túng trước nhiều bất cập giữa lý luận nghệ thuật Liên xô, Đông Âu và phương Tây với thực tiễn nghệ thuật truyền thống dân tộc. Dương như vị lãnh tụ vĩ đại đã thấu hiểu điều đó và chỉ cho mọi người một hướng giải quyết: phải tự giải phóng khỏi những xích xiềng của nghệ thuật học nước ngoài mới có thể thấy hết cái hay cái đẹp của nghệ thuật dân tộc. Bác Mịch Quang chợt sáng ra rằng: Bác Hồ đã ra sức học tập chủ nghĩa Mác Lênin, các tư tưởng tiến bộ Đông Tây và căn cứ trên thực tiễn Việt Nam để xây dựng lý luận cách mạng Việt Nam. Những người nghiên cứu nghệ thuật truyền thống dân tộc phải noi theo tấm gương của BácHồ: ra sức học tập lý luận nghệ thuật tiên tiến của thế giới và căn cứ trên thực tiễn nghệ thuật dân tộc để xây dựng lý luận nghệ thuật Việt Nam. Chỉ có như thế, ta mới có những tiêu chuẩn Việt Nam để nghiên cứu bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc đúng hướng, không “gieo vừng ra ngô”. Tinh thần độc lập tự chủ trong lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu đã trở thành điều tâm niệm và động lực lớn lao thôi thúc bác Mịch Quang kiên trì, bền bỉ, hết mình nghiên cứu, sáng tác, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng một nền nghệ thuật dân tộc Việt Nam “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” theo đường lối của Đảng

4

Tìm đọc các tác phẩm của bác Mịch Quang như “Âm nhạc và sân khấu dân tộc”, “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, “Khơi nguồn Mỹ học dân tộc”, trong tôi dấy lên niềm tự hào về cái hay, cái đẹp cái độc đáo của nền nghệ thuật truyền thống VN. Tôi cũng hiểu được rất nhiều khái niệm quan trọng nhiều năm nay được dùng trong nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá sân khấu, nghệ thuật truyền thống Việt Nam ở trong và ngoài nước như “sân khấu tổng thể”, “hiện thực tả ý”, “tự sự kịch tính trữ tình”, “phương pháp mô hình hóa”, “hòa tấu cộng sinh”, “cấu trúc động – mở” và các phạm trù mỹ học “cái hậu”, cái nhu”…là những phát hiện tổng kết của bác Mịch Quang. Riêng lý thuyết “Cấu trúc động – mở trong âm nhạc truyền thống Việt Nam” đã được các GSTS Terry Miller, Nguyễn Thuyết Phong đưa vào giáo trình dân tộc nhạc học giảng dạy ở các viện Đại học Mỹ, được GSTS Trần Văn Khê giới thiệu tại nhiều nơi trên thế giới. GSTS Trần Văn Khê nhận xét đầy thán phục: “Dù chưa đi nước ngoài bao giờ, nhưng các công trình nghiên cứu của anh Mịch Quang có tính quốc tế rất cao”.  Các công trình của bác Mịch Quang chứa đựng khối kiến thức sâu rộng không chỉ về nghệ thuật truyền thống dân tộc mà còn về triết học, mỹ học và cả các bộ môn khoa học hiện đại như sinh học, điều khiển học… Trên cơ sở đó, đóng góp nổi bật nhất của bác Mịch Quang là đã giải thích thuyết phục cơ sở triết học, mỹ học những đặc trung và phương pháp sáng tạo của nghệ thuật truyền thống dân tộc để tổng kết các nguyên lý của nghệ thuật dân tộc. Tôi hiểu vì sao NSND Đàm Liên coi bác Mịch Quang là “Nhà thông thái của nghệ thuật tuồng”, Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh  thì gọi bác là “Cây đại bút của nghệ thuật dân tộc”. Với cái tầm của một “nhà thông thái” của một “cây đại bút” ấy, bác Mịch Quang trở thành một người bảo vệ “kiên định nhất, triệt để nhất, uy tín nhất” của nghệ thuật truyền thống Việt Nam như đánh giá của GS.NSND Trần Bảng,

3

Trong cuộc hội thảo nhân sinh nhật lần thứ 95 của bác Mịch Quang tại Hà Nội cuối tháng 5/2011 vừa qua, có đến hơn 20 tham luận công phu, sâu sắc của các GSTS, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ từ nhiều nơi trong nước gửi về đánh giá cao những đóng góp to lớn của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng và nghệ thuật truyền thống dân tộc. Tham luận của GS Vũ Khiêu, GS Trần Bảng, VS Hồ Sĩ Vịnh, GS Trường Lưu, NSUT Lê Chức, PGS Tất Thắng, GSTS Nguyễn Thuyết Phong, NSUT Thao Giang…đi sâu phân tích sâu sắc giá trị khoa học và tác dụng tích cực của những công trình nghiên cứu sáng tác của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang. GS Hoàng Chương nhận xét: “Thấm nhuần sâu sắc và bền bỉ vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo nên một hệ thống công trình đặt nền móng cho nghệ thuật học dân tộc, nhà nghiên cứu Mịch Quang xứng đáng được coi là người học trò trung thành và xuất sắc của Bác Hồ trên lĩnh vực nghệ thuật học dân tộc”. NSUT, nhạc sĩ Thao Giang cảm nhận: “Giữa lúc các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo ngày một nhiều thêm song công trình nghiên cứu có giá trị và những phát minh khoa học ngày một ít đi, lãng phí bao nhiêu công của của nhà nước và nhân dân thì rất may mắn là còn có những người như bác Mịch Quang dám hy sinh tất cả thời gian, sức lực và mọi quyền lợi cá nhân, một mình một khoảng trời riêng, miệt mài  làm ra nhiều công trình giá trị cho nền nghệ thuật dân tộc”. Gs, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu khẳng định: “Ở Mịch Quang, lý luận và thực tiễn là một sự giao thoa rất hài hòa và sâu sắc khiến anh trở thành một nhà nghiên cứu uyên bác không chỉ của riêng ngành sân khấu mà còn là một nhà triết học của nghệ thuật Việt Nam. Anh rất xứng đáng được mọi người tôn vinh và được nhận những phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước”.

4

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, phong tặng danh hiệu NSND, NSUT là một chủ trương đúng đắn được sự đồng tình ủng hộ của giới văn nghệ và nhân dân. Song trong quá trình xét chọn của các Hội đồng cơ sở không tránh khỏi những điều bất cập làm không ít văn nghệ sĩ bị thiệt thòi. Hơn 15 năm trước, năm 1996, giống như trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên, trong đợt xét Giải thưởng Hồ Chí Minh lần đầu tiên, bác Mịch Quang đã được đề cử nhưng chỉ nhận được 6/9 phiếu bầu ở Hội đồng cơ sở, cũng chưa đủ ¾ số phiếu theo quy chế. Bây giò, 15 năm sau, sau rất nhiều phấn đấu và thành tựu mới, tầm vóc và giá trị các công trình nghiên cứu sáng tác được nhận diện đầy đủ và sâu sắc hơn, dược nhiều nhà hoạt động sân khấu và văn hóa uy tín đánh giá xứng đáng  nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, hồ sơ của bác Mịch Quang vẫn chỉ được chưa đến ¾ số phiếu của Hội đồng cơ sở. Rõ ràng có gì đó chưa ổn ở đây. Bản thân cơ quan chủ quản của Hội đồng cơ sở là Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN cũng thấy kết quả bầu chọn với bác Mịch Quang như vậy là chưa thật sự chính xác, công bằng, nên đã làm công văn đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng cấp bộ xem xét lại. Không hiểu sao đề nghị của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN và Ban Tuyên giao Trung ương đã không hề được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch và Hội đồng cấp Bộ xem xét và trả lời.  Hy vọng trường hợp của nhà nghiên cứu soạn giả lão thành Mịch Quang và nhà nghiên cứu đạo diễn Hoàng Chương sẽ được các cấp có trách nhiệm xem xét một cách vô tư công bằng. Đây không chỉ là chuyện giải thưởng mà còn là sự đánh giá, ghi công xứng đáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho những nghệ sĩ lão thành đã trọn đời gắn bó và có những cống hiến xuất sắc với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

 

Nhà văn Đỗ Kim Cuông