Mịch Quang và cái nôi tuồng Bình Định

23/09/2020

Thật vinh dự cho tôi khi có mặt tại đây hôm nay để tham dự Hội thảo khoa học “Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang với sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc”. Lời đầu tiên, cho phép tôi được thay mặt tập thể lãnh đạo, cán bộ, nghệ sỹ Nhà hát tuồng Đào Tấn tỉnh Bình Định, kính gửi đến các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Nghệ thuật Tuồng.

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang được coi là một trong những người mở đường, một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống Việt Nam.

Ông sinh ngày 01/5/1917 tại làng Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định. Với các công trình “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng” (1963), “Đặc trưng nghệ thuật tuồng” (1988), “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc” (1995), “Kinh dịch và Nghệ thuật truyền thống” (1999), “Khơi nguồn mỹ học dân tộc” (2003), Mịch Quang xứng đáng là một trong những nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc hàng đầu hiện nay.

Không những là một nhà nghiên cứu nghệ thuật nổi tiếng trong và ngoài nước, Mịch Quang còn là một tác giả tuồng xuất sắc, có những đóng góp rất đáng quý trong suốt hơn nửa thế kỷ qua cho sân khấu tuồng cách mạng. Từ vở tuồng đầu tiên “Đường về Lam Sơn” viết dựng cho Đội tuồng thuộc Phân hội văn nghệ Bình Định hồi kháng chiến chống Pháp, đến nay, Mịch Quang đã có hơn 20 tác phẩm được các đơn vị nghệ thuật sân khấu cả nước (chủ yếu là các đơn vị tuồng) dàn dựng, biểu diễn. Ông đã vinh dự được tặng thưởng huân chương Lao động hạng Nhất và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Tại hội thảo này, với tư cách là kẻ hậu sinh đang sống và làm Tuồng tại Bình Định, tôi chỉ xin nêu lên những nhận định, những phát hiện và những đóng góp của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang liên quan đến đất tuồng Bình Định.

Với Mịch Quang, có thể nói trong đội ngũ nghiên cứu và sáng tác tuồng của nước nhà thì ông là một trong những người tiên phong và đã có nhiều thành tựu lớn nên được trong giới bạn nghề suy tôn là bậc thầy. Sở dĩ Mịch Quang thành công trong nghiên cứu và sáng tác tuồng là ông đã sớm có một nền tảng bền vững, đó là kiến thức âm nhạc và hiểu biết về tuồng ngay trên cái nôi tuồng Bình Định – đất tuồng Tuy Phước – quê hương của hậu tổ tuồng Đào Tấn.

Ở Bình Định hiện nay, ngoài Nhà hát Tuồng Đào Tấn – một đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp có tuổi đời gần 60 năm, còn hàng chục đoàn hát không chuyên vẫn thường xuyên hoạt động. Khái niệm không chuyên hoàn toàn chỉ là một ước định, vì những “nghệ sĩ chân đất” này không chỉ sống hoàn toàn bằng nghệ thuật. Nhưng nói vậy không có nghĩa là họ nghiệp dư trong nghệ thuật. Chính nhà nghiên cứu Mịch Quang đã định hóa được chất lượng của đội ngũ “nghệ sĩ chân đất” này và nâng tầm vị thế của họ bằng nhận định: “Nhiều diễn viên tuồng không chuyên Bình Định không thua kém NSƯT của các đoàn chuyên nghiệp. Hát bội không chuyên còn độc đáo ở chỗ chưa bị bàn tay đạo diễn kịch nói làm hỏng, không lai tạp… Lại thêm, nghệ sĩ không chuyên là những diễn viên vững về tay nghề, am hiểu truyền thống, thường là con nhà nòi”.

Với danh nhân văn hóa Đào Tấn – nhà hoạt động sân khấu kiệt xuất, nhà thơ lỗi lạc, Mịch Quang chính là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu và phát huy thân thế và sự nghiệp của một con người khổng lồ trong ngành tuồng nói riêng và sân khấu, văn học dân tộc nói chung. Đặc biệt, ông là người đầu tiên đã giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Đào Tấn trên văn đàn miền Bắc XHCN từ đầu những năm 1960 và trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, tiếp tục có những công trình nghiên cứu khá toàn diện và sâu sắc. Vào năm 1987, để phục vụ Hội thảo khoa học lần thứ 3 về danh nhân Đào Tấn và phục vụ Hội thảo đặc trưng nghệ thuật tuồng do Viện Sân khấu tổ chức, Mịch Quang viết vở “Thanh gươm Hát bội” nói về danh nhân Đào Tấn. Vở diễn đã gây tiếng vang lớn tại hội thảo khoa học nói trên và sau đó đã dành được Huy chương Vàng trong Hội diễn SKCN toàn quốc năm 1990 tổ chức tại T.P Nha Trang. Có thể nói “Thanh gươm Hát bội” là một thành công lớn nhất của Mịch Quang về sáng tác tuồng, được các nhà lý luận phê bình đánh giá là “một công trình thể nghiệm tuồng trong tuồng” thành công nhất từ trước tới nay. GS Hồ Sĩ Vịnh viết: “Vở tuồng “Thanh gươm Hát bội” là đài tưởng niệm danh nhân”. Nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ viết: “Vở tuồng “Thanh gươm Hát bội” là một vở rất hay, có sức hấp dẫn bất kỳ đối tượng nào, từ người bình dân, đến người trí thức, từ người già, đến người trẻ”.

Với quê hương Bình Định và Nhà hát tuồng Đào Tấn, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng – 1975, khi vừa được điều động về lại miền Nam, Mịch Quang đã viết vở “Áo vải cờ đào”, được cố đạo diễn, NSND Võ Sĩ Thừa dàn dựng lấy tên là “Quang Trung đại phá quân Thanh”, diễn phục vụ Lễ kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa và khánh thành Bảo tàng Quang Trung. Với “Áo vải cờ đào”, Mịch Quang có ý định thử nghiệm hình thức tuồng tư liệu lịch sử, bám chắc các sự kiện chính sử nhằm mục đích giáo dục lịch sử cho quảng đại quần chúng. Vì theo ông, cuộc đời và chiến tích của Quang Trung – Nguyễn Huệ quá lớn lao, quá ý nghĩa, không thể lược bỏ bất kỳ một sự kiện nào. Nhưng nếu đưa các tư liệu chính sử lên sân khấu một cách trơ trụi thì dễ khô cứng, nên Mịch Quang đã hư cấu một tuyến song hành, đó là tuyến gia đình ông Khóa Vũ – một nho sĩ Thăng Long sùng Lê, không thích Tây Sơn, về sau bị mắc mưu Tôn Sĩ Nghị mà hợp tác với giặc Mãn Thanh, nên đã tự gieo vạ cho gia đình. Về chủ đề, tác giả đã nêu giả thuyết về chiến lược quân sự của anh hùng Quang Trung mà sử sách chưa nêu: đội quân chủ lực do vua Quang Trung đích thân chỉ huy thực ra mang tính chất nghi binh làm cho Tôn Sĩ Nghị tập trung đối phó phía ấy, để hở phía Khương Thượng cho đội quân do đại đô đốc Đặng Văn Long chỉ huy và đô đốc Đặng Tiến Đông, Phó tướng, đánh thắng. Khi phân công và ra lệnh xuất quân, Quang Trung đã nói với đô đốc Đặng Văn Long: “Ta nhường công đầu cho ông đấy, chớ để lỡ dịp”. Thật thú vị, giả thuyết ấy tình cờ đúng với dã sử lưu truyền ở Bình Định.

Với nghệ thuật Tuồng, nhà nghiên cứu tuồng Mịch Quang còn là người đầu tiên nêu lên quan điểm: làn điệu tuồng vận động theo quy luật mô hình với bài viết đăng trên Tạp chí Văn hóa năm 1970. Trong bài, ông đã phân tích rõ làn điệu tuồng không phải là những ca khúc như ca khúc mới mà người ca sĩ bắt buộc tuân thủ bản phổ 100%. Làn điệu tuồng chỉ là những “mô hình”. Người diễn viên chỉ bị ràng buộc ở những “láy lệ”, còn ở những “láy thường” thì được toàn quyền sáng tạo ngẫu hứng. Những “láy lệ” ở tuồng tương ứng với những “lòng bản” trong cải lương. Hiện nay, kiểu cấu trúc làn điệu ấy được gọi là “cấu trúc động”, mỗi cấu trúc luôn bao gồm hai bộ phận: bộ phận những điểm cụ thể bất biến và bộ phận những điểm cụ thể khả biến. Lời của làn điệu tuồng là lời thơ chứ không phải lời ca nhưng là loại thơ cách luật chứ không phải loại thơ tự do, không vần, không điệu …

Ông còn là người đưa ra quan điểm phân biệt sự khác nhau lớn nhất giữa tuồng Bình Định và các vùng khác qua cách hát Khách: tuồng Bình Định hát nhịp ngoại, tuồng vùng khác hát nhịp nội. Hát nhịp nội, cũng còn gọi là “dập nhịp”, nghĩa là tiếng hát dập vào tiếng phách. Hát nhịp ngoại tức là tiếng hát rơi ngoài tiếng phách. Tuồng Bình Định có cách tập hát khách nhịp ngoại bằng cách đánh phách bằng răng (khi tập chứ không phải diễn). Hát nhịp ngoại khó hơn hát dập nhịp. Hiệu quả của nó là làm cho rõ lời.

Về kiểu vẽ mặt trong Tuồng, Mịch Quang cũng có nhận định rất tinh tế: “Có hai loại mặt nạ đáng lưu ý nhất là mặt trắng và mặt rằn. Sáng tạo ra hai loại mặt này, nghệ thuật Tuồng đã chú ý đến cái đẹp của hành động chứ không phải cái đẹp diện mạo. Bởi có mặt trắng phe trung như Địch Thanh, Hứa Hớn Văn, thì cũng có mặt trắng phe nịnh như Lữ Bố, Lý Thông; có vai mặt rằn trung như Lưu Khánh, Trương Phi, thì cũng có mặt rằn nịnh như Tạ Ôn Đình, Xích Bảo… Như vậy, chỉ riêng trong hóa trang thôi, đã thể hiện cụ thể phạm trù cái đẹp trong mỹ học dân tộc”.

Tóm lại, có thể nói Mịch Quang là người ghi nhớ bền bỉ nhất lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Đừng để những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây trói buộc khiến ta không thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta”. Từ ấy đến nay, ông vẫn kiên trì và say sưa xông vào hướng đã tự khai phá, hợp với tình cảm và khả năng mình, đồng thời hợp với yêu cầu của cách mạng, của dân tộc trong từng thời kỳ.

Trên đây là những dòng hồi tưởng đẹp về nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang, cho dù dòng suy nghĩ đó không liền mạch, còn thiếu nhiều sự kiện nhưng ít nhiều cũng thể hiện được tấm lòng kính trọng của kẻ hậu sinh như tôi đối với một nghệ sĩ lão thành kính mến, một người khai phá bền bỉ, một người dẫn đường tài ba trên con đường đầy gập ghềnh trắc trở của nghệ thuật sân khấu kịch hát truyền thống.

Bác Mịch Quang kính mến, mừng bác đã được hưởng thượng thượng thọ 95 mùa xuân. Thay mặt cho đội ngũ nghệ sĩ tuồng Bình Định, xin kính chúc bác khang ninh, trường thọ, sống vui sống khoẻ để tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và chấn hưng nền nghệ thuật kịch hát dân tộc.

 

NSUT, Đạo diễn Hoàng Ngọc Đình,

Quyền Chủ tịch hội VHNT Bình Định, Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn