Lão tướng Tuồng Mịch Quang: Hai trong một

23/09/2020

Trong ngành nghệ thuật sân khấu Việt Nam đương đại có một số nhà hoạt động ở lĩnh vực sân khấu truyền thống dân tộc am tường cả  công việc nghiên cứu lý luận và sáng tác kịch bản, như  G.S Hoàng Châu Ký, G.S Trần Bảng, G.S Hà Văn Cầu, Mịch Quang . Trong số đó, Mịch Quang được coi như một lão tướng Tuồng “ Hai trong một”, với những công trình nghiên cứu  về sân khấu truyền thống có giá trị và những vở diễn thành công trên sân khấu nhiều đơn vị nghệ thuật Tuồng, Cải lương trong nước.

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang.

Nói đến sự nghiệp của Mịch Quang, một trong những nhà nghệ thuật học truyền thống hàng  đầu, trước hết ta phải nói đến những đóng góp của ông ở lĩnh vực nghiên cứu, những phát hiện, tổng kết một số đặc trưng của nghệ thuật truyền  thống trong các công trình nghiên cứu “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng”, “Đặc trưng nghệ thuật Tuồng”, “Âm nhạc và sân khấu kịch truyền thống”, “Cấu trúc động mở của âm nhạc truyền thống Việt Nam”, như: Phương pháp hiện thực tả ý, cấu trúc động mở, lý thuyết đường cong, nghệ thuật tổng thể, tư tưởng trung tâm, phương pháp tương đối… Đặc biệt ở công trình nghiên cứu “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, Mịch Quang đã lấy hệ thống triết học để lý giải trên cơ sở khoa học những đặc trưng kể trên. Ông cho rằng chỉ có thể đánh giá đúng nghệ thuật Việt Nam theo những tiêu chuẩn Việt Nam và trong nghiên cứu nghệ thuật quần chúng cũng cần phải giải phóng khỏi những xiềng xích nô lệ của tư tưởng nghệ thuật phương Tây. Ông sớm nhận ra sự bất cập giữa lý luận Tây và thực tiễn Ta. Do đó  ông cho rằng cần phải xây dựng một hệ thống lý luận của nghệ thuật truyền thống Việt Nam để việc cải tiến và phát triển nó không bị méo mó,  làm hỏng.

Trong “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, Mịch Quang không chỉ trình bày những nét  cơ bản của lý  thuyết  Kinh dịch, những khác biệt có tính chất hệ thống trong đó so với triết học phương Tây, như quan niệm âm  dương, phép biện chứng sinh học, tư tưởng chủ toàn so với tư  tưởng chủ biệt, cái nhất nguyên so với cái nhị nguyên, mà ông còn từ đó vận dụng giải thích những cơ sở triết học của đặc trưng một số bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc. Đồng thời ông cũng chỉ ra thực trạng và nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc, xa rời cội nguồn của nền nghệ thuật Việt Nam, trong đó có nghệ thuật sân khấu truyền thống hiện nay do ấu trĩ về nhận thức và thiếu hiểu biết về truyền thống,  và sự chệch hướng trong công tác đào tạo nghệ thuật truyền thống.

Say mê Tuồng,  Mịch Quang đã bỏ công nghiên cứu về  bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này nhiều năm. Nhiều công trình nghiên cứu về Tuồng của Mịch Quang đã được xuất bản, như “Đào Tần nhà  thơ, nhà soạn Tuồng kiệt xuất”, “Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật Tuồng”, “Đặc trưng nghệ thuật Tuồng”… Trong “Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật Tuồng” Mịch Quang đã đưa ra các khái niệm “hiện thực cách điệu”,  “tự sự kịch tính và trữ tình” . Ông đã thẳng thắn bác bỏ thuyết cho rằng Lý Nguyên Cát dạy Tuồng cho ta và giải thích “Hát khách” là hát đối đáp chủ – khách chứ không phải hát “Tầu” . Trong đó ông còn nêu giả thuyết Tuồng Sơn Hậu do Đào Duy Từ soạn và giới thiệu tên tuổi, sự nghiệp của nhà soạn Tuồng Đào Tấn. Mịch Quang cũng sớm nêu ra tính chất sân khấu tổng thể tích hợp của Tuồng, quy luật vận động mô hình làn điệu Tuồng, đặc điểm nghệ thuật diễn viên Tuồng là “ vừa kể, vừa tả, vừa biểu hiện”  ,

Trên cơ sở lý luận, phát hiện  về tư tưởng chủ toàn, về tính chất sân khấu tổng thể tích hợp của sân khấu   phương Đông, đem soi rọi vào nền sân khấu kịch hát truyền thống Việt Nam, trong đó tích hợp các yếu tố thể tài như bi kịch, hài kịch, chính kịch, các yếu tố thể loại như kịch nói, nhạc kịch, vũ kịch, kịch câm, các dạng thức thể hiện như tự sự, kịch tính, trữ tình, biểu hiện mà mình đã tìm ra, Mịch Quang  đã gọi các loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam là sân khấu Tổng thể. Song Mịch Quang cũng chỉ ra rằng : Sân khấu Tổng thể không chỉ là một sân khấu tập hợp trong đó các yếu tố thể tài, thể loại và dạng thức thể hiện một cách cơ học đơn  giản mà là trong một quan hệ sinh học, biện chứng, tương hỗ, biến hóa sâu sắc. Đó là sự tích hợp các yếu tố này tạo nên một cơ thể sống, hoàn chỉnh, khi các yếu tố riêng biệt gia nhập vào đều trải qua quá trình biến đổi để thống nhất trong một cái chung, cái toàn thể, cái tổng thể. Ví dụ về yếu tố thể loại, ở Tuồng, nghệ thuật múa khi gia nhập vào đây không còn múa đơn thuần mà kết hợp với các động tác hình thể, kịch câm nhằm góp phần mô tả tính cách nhân vật, tình huống, không gian, thời gian của vở diễn. Đồng thời âm nhạc, hát phải kết hợp nhuần nhuyễn với nói, với múa và các trình thức khác, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ tổng thể của loại hình.

Đọc các công trình nghiên cứu lý luận của Mịch Quang, chúng ta dễ nhận  thấy ông là một nhà khoa học có bản lĩnh, có cá tính độc đáo, uyên bác, táo bạo, song cũng rất mực thước, khiêm nhường. G.S Trần Bảng đã nhận xét:” Đọc cuốn sách, người ta thấy tính cách quen thuộc của nhà nghiên cứu, một đầu óc độc lập luôn phát hiện cái mới mỗi khi đề cập đến một vấn đề. Những ai từng đọc “Kinh dịch và nghệ thuật  truyền thống” sẽ không khỏi bất ngờ trước một số lý giải riêng biệt và mới lạ của tác giả về kinh điển”. G.S T.S Terry Miller, nhà dân tộc  nhạc học người Mỹ thì coi các bài viết nghiên cứu của Mịch Quang là những bài viết “rất khai phóng trí tuệ”. Bởi vậy một số tổng kết bước đầu của Mịch Quang về phương pháp nghệ thuật dân tộc, như ông nói là những “dự cảm khoa học”, nhưng đã được giới nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài đón nhận, sử dụng vào công việc nghiên cứu và giảng dạy.

Mịch Quang không chỉ là một nhà nghiên cứu lý luận nghệ thuật uyên bác, ông còn là một soạn giả  tâm huyết, với hàng chục vở diễn mà nổi bật là các vở Đường về Lam Sơn, Má Tám, Hộp truyền đơn, Quang Trung, Phất cờ Nương Tử, Thanh gươm hát bội, Vua Hùng kén rể.

Đường về Lam Sơn  là vở Tuồng đầu tay của Mịch Quang, giúp ông có nhiều kinh nghiệm để soạn thành công vở Tuồng Má Tám  mang đậm bản sắc Tuồng truyền  thống, diễn viên có thể vận dụng các mô hình cũ. Tiếp theo ông soạn  Nỗi lòng người mẹ  lấy cảm hứng từ tiểu thuyết  Hòn đất  của nhà văn Anh Đức, đoàn Tuồng Phú Khánh dựng thử nghiệm khá thành công.  Viết vở  Quang Trung  , Mịch Quang muốn thử nghiệm hình thích Tuồng tư liệu  lịch sử, bám chắc, trung thành với các sự kiện lịch sử nhằm mục đích qua nghệ thuật Tuồng giáo dục kiến thức lịch sử cho quần chúng nhân dân. Tác giả đã cố gắng chỉ hư cấu một tuyến nhân vật song hành, đó là tuyến gia đình dân thường Khóa Vũ để vở Tuồng đỡ khô cứng và hấp dẫn hơn. Năm  1985  khi dựng vở  Phát  cờ Nương tử   cho đoàn Tuồng Phú Khánh, Mịch Quang đã tập trung xây dựng được nhiều  trò diễn đạt hiệu quả nghệ thuật cao như “Đoạt đò”, “Trưng Trắc cử binh”  không thua kém gì các trò trong Tuồng cổ. Đặc biệt vở Tuồng Thanh gươm Hát bội   của Mịch Quang do đạo diễn Hoàng Chương dàn dựng cho đoàn Tuồng Khánh Hòa năm 1990 và phục dựng tại nhà hát truyền thống Khánh Hòa năm 2008 vừa qua đã thực sự chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng và các bạn nghề. Đây cũng là một công trình sân khấu mang tính thử nghiệm của Mịch Quang. Với ông, việc sáng tác Tuồng cốt phục vụ cho nghiên cứu và nghiên cứu cũng là để sáng tác cho đúng chất Tuồng. Vở Tuồng  Thanh gươm hát bội   quả là một  công trình  thử nghiệm thành công của ông. Nắm vững những nguyên tắc, nguyên lý, những mô hình, trình thức của Tuồng truyền thống, khi viết  Thanh gươm hát bội  tác giả Mịch Quang đã cố gắng tìm ra những tinh huống thích hợp với sân khấu Tuồng, vận dụng ngôn ngữ văn học sao cho ra Tuồng để cho diễn viên dễ dàng vận dụng các mô hình của Tuồng truyền thống, đặc biệt là theo phong cách Tuồng Đào Tấn. Ông cũng muốn bằng vở Tuồng  Thanh gươm hát bội, một vở Tuồng  có nội dung về danh nhân  Đào Tấn  sẽ là minh chứng sống động cho những gì ông đã viết trong công trình  nghiên cứu “Thân thế và sự nghiệp nghệ thuật Tuồng Đào Tấn”.  Cảm thấy với công  trình nghiên cứu về danh nhân Đào Tấn  còn chưa đủ, nên ông muốn bằng sáng tác của mình để giới thiệu và phát huy có hiệu quả hơn nữa những giá trị nghệ thuật Tuồng Đào Tấn nói riêng, nghệ thuật Tuồng truyền thống nói chung tới đông đảo công chúng khán giả. Bời vây, tác giả Mịch Quang đã khéo léo lồng vào nội dung và bố cục kịch bản  Thanh gươm Hát bội  những lớp Tuồng được rút từ các vở Tuồng truyền thống như:  Tam nữ đồ vương , Trầm Hương các  , Gián thập điều …hiệu quả của những lớp “Tuồng trong tuồng”   ấy đã làm nên cái hay, cái lạ của vở diễn. Vở Tuồng đã thực sự hấp dẫn khán giả không phải chỉ bằng những tình huống xung đột bạo liệt mà còn bằng chất trữ tình, chất thơ trong văn học Tuồng, đúng như quan điểm của tác giả Mịch Quang đã từng bày tỏ trong những bài viết, những công trình nghiên cứu lý luận của ông. G.S  Hoàng Chương vốn không chỉ là một đạo diễn mà ông cũng là một nhà nghiên cứu sân khấu, nhất là sân khấu Tuồng. Bởi vậy ông cũng hết sức tâm đắc với quan điểm và cách làm Tuồng của tác giả Mịch Quang. Và với Hoàng Chương, việc đạo diễn, dàn dựng vở Tuồng Thanh gươm hát bội   cũng là  công việc thử nghiệm, lấy nghệ thuật truyền thống thể hiện đề tài lịch sử. Ông đã sử lý khá mạch lạc và nhuần nhuyễn những lớp diễn “Tuồng trong tuồng”, đưa hình thức Tuồng truyền thống vào nội dung lịch sử một cách ngọt ngào, tạo được sự hài hòa, hợp lý, đem lại cảm giác thú vị cho người thưởng thức. Hầu như không màn nào, lớp nào, vai nào là không Tuồng, thậm chí vai khâm sứ Pháp cũng vận dụng, kế thừa có hiệu quả được những động tác, những trình thức Tuồng truyền thống. Có thể khẳng định rằng tác giả Mịch Quang, đạo diễn Hoàng Chương nhờ có được những hiểu biết và kinh nghiệm phong phú trong quá trình nghiên cứu về nghệ thuật Tuồng truyền thống nên đã làm là ra Tuồng, chứ không “gieo vừng ra ngô”. Sau gần 2 năm vở Tuồng vẫn còn nguyên giá trị về nội  dung và nghệ thuật. Bởi vở Tuồng Thanh gươm Hát bội  đã biết vận dụng truyền thống một cách khéo léo để  đạt được sự hài hòa giữa truyền thống và lịch sử.  Đó là nội dung lịch sử hình thức là truyền thống. Tất cả làm nên một bức tranh đẹp cổ kính mà không xưa cũ, nhưng cũng không quá mới theo kiểu Tuồng kịch.

Với những đóng góp của mình, Mịch Quang xứng đáng là một trong những nhà nghệ thuật học truyền thống hàng đầu của nước ta. Về mặt sáng tác, Mịch Quang cũng thể hiện là một cây bút tài hoa và  tâm huyết. Cái  “Hai trong một”  của ông chắc chắn không phải là ngẫu nhiên mà là có ý thức, có chủ định, Mịch Quang đã biết lấy sáng tác để thử nghiêm, chứng minh làm sáng tỏ những vấn đề trong nghiên cứu lý luận khoa học của ông. Và ngược lại, những kết quả của công việc nghiên cứu lý luận  đã giúp ông thành công trong công việc sáng tác, xây dựng được những tác phẩm ca kịch truyền thống, đặc biệt là  Tuồng, vừa giữ được bản sắc truyền thống dân tộc, vừa mang đậm dấu ấn thời đại. 

———————————————————————————        

Tài liệu tham khảo:

Hoàng Chương- Mịch Quang lão tướng Tuồng , NXB Sân khấu 1998
Nguyễn Thế Khoa – Kẻ tàng hình không còn biết tàng hình
Mịch Quang – kinh dịch và nghệ thuật Tuồng truyền thống, NXB Sân khấu 1999
Mịch Quang- Khơi nguồn mỹ học dân tộc, NXB Chính trị Quốc gia 2004
Mịch Quang- kịch bản, hồi ký, Sở VHTTDL Bình Định 2005
       

Văn Sử