Thanh gươm hát bội – Đài tưởng niệm một danh nhân

21/09/2020

GSVS HỒ SĨ VỊNH

Sự ngưỡng mộ của con người hôm nay đối với những danh nhân văn hóa tiền bối thật nhiều vẻ. Chúng ta đã có bao nhiêu bài thơ cảm hoài về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương v.v… Chúng ta đã có không ít những vở diễn về những bậc đại trí, đại nhân yêu nước thương dân ở các thế kỷ trước. Nhưng những vở diễn sân khấu để dành cho các danh nhân văn hóa thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay! Ngay cả hình tượng một đại văn hào như Nguyễn Du, số phận éo le chìm  nổi là vậy, cá tính sáng tạo tài ba là vậy cũng chưa nằm trong dự đồ sáng tạo của một nhà viết kịch nào cả. Thế cho nên, sự khâm phục và vui mừng của chúng ta tăng lên gấp bội khi được biết và xem vở tuồng “Thanh gươm hát bội”, một vở tuồng viết về Đào Tấn những ngày ở Huế của nhà viết kịch Mịch Quang (Hoàng Chương đạo diễn), do tập thể nhà hát tuồng Phú Khánh trình diễn vào dịp 80 năm ngày giỗ của cụ và tham gia Hội nghị  khoa học lần thứ ba về thân thế và sự nghiệp của Đào Tấn (do Bộ Văn Hóa và UBND tỉnh Nghĩa Bình tổ chức vào cuối năm 1987).

Vở diễn đã được chuẩn bị khá công phu nếu không nói đây là một công trình cấp Nhà nước có sự tham gia cố vấn của các giáo sư tiến sĩ Đình Quang, giáo sư viện sĩ  Hoàng Trinh và một tập thể nghệ sĩ giàu kinh nghiệm. Câu chuyện “Thanh gươm hát bội” dựa vào những sự kiện lịch sử có thật trong một đoạn đời của Đào Tấn từ khi ông rời Bình Định ra Huế làm quan Phủ Doãn Thừa Thiên dưới triều Đồng Khánh. Giữa bao nhiêu điều ngang trái, cảnh điêu linh do quân cướp nước và bán nước gây nên tại một cố đô đã trải qua bao triều đại hưng phế, Đào Tấn muốn tìm đường cứu nước nhưng vẫn bế tắc, chỉ còn biết dùng ngòi bút để phản ảnh và phê phán cái xã hội đang khủng hoảng trầm trọng. Ông rất đau lòng khi biết được hành động tàn bạo và bỉ ổi của tên Bồi Ba, một tên tay sai nguy hiểm của tên Khâm Sứ, ngày đêm gây tai họa cho dân lành. Không dừng lại ở lòng căm thù cao độ đối với quân cướp nước và bán nước, người sĩ phu họ Đào đã quyết xử chém tên Bồi Ba, mặc cho sự can ngăn của tên Khâm sứ. Đào Tấn đã lường trước những gì xảy đến với mình và những người có tâm huyết với dân, với nước, nhưng cụ đã hành động theo lương tâm của một ông quan lấy dân làm gốc. Câu chuyện làm nền đó xem ra cũng mang ít nhiều tính kịch, song thật khó khăn cho tác giả, khi muốn đưa vào kịch bản văn học hình tượng một danh nhân văn hóa tài hoa, độc đáo của dân tộc, một nhân vật yêu nước nhưng lại có một thế giới quan cực kỳ phức tạp. Và cũng không kém phần gay cấn cho đạo diễn khi phải đưa lên sàn diễn một vở kịch lịch sử vốn không nhiều xung đột, nhất là xung đột bên ngoài.

Cảnh trong vở Thanh gươm hát bội.

Viết kịch lịch sử nói chung và chân dung lịch sử nói riêng, người sáng tác thường dễ rơi vào một trong hai thái cực sau: Hoặc là quá trung thành với sự kiện lịch sử, không kìm được “lòng tham” đối với những chi tiết “đắt” trong cuộc đời nhân vật lịch sử, nên đã rơi vào khuynh hướng minh họa dễ dãi, không xây dựng được nhân vật có tính khái quát cao, hoặc là không kìm chế được sức tưởng tượng sáng tạo dùng ý muốn chủ quan áp đặt cho nhân vật lịch sử những tình tiết, ngôn ngữ, đối thoại của con người hôm nay, kết quả là bóp méo lịch sử.

Mịch Quang trong “Thanh gươm hát bội” đã tránh được hai cực đoan nói trên. Vốn là một nhà nghiên cứu sân khấu dân tộc, am hiểu văn thơ cổ điển, đặc biệt là thơ, từ, kịch bản của Đào Tấn, ngay từ những năm đầu tiên của thập kỷ 60, Mịch Quang đã có công trình và nhiều bài viết có giá trị về nghệ thuật tuồng, mà trong đó tác giả đã để dành không ít trang phân tích cái hay cái đẹp trong tuồng Đào Tấn. Trước “Thanh gươm hát bội”, Mịch Quang đã viết một số kịch bản tuồng, nhưng thường rơi vào khuynh hướng minh họa lịch sử. Ông ý thức được điều này và coi đó là kinh nghiệm nghề nghiệp. Tất cả những điều vừa nói là tiền đề hỗ trợ tài năng nhà viết kịch. Viết “Thanh gươm hát bội” lần này, Mịch Quang đã nghiên cứu rất kỹ đại bộ phận tác phẩm của Đào Tấn. Tôi đã chứng kiến nhiều buổi ông say sưa nói chuyện với chúng tôi về nghệ thuật thơ, từ độc đáo và tài hoa của người nghệ sĩ họ Đào. Tôi chưa thấy ai thuộc lòng đến nhập tâm nhiều bài thơ, đoạn thơ của Đào Tấn như Mịch Quang. Ấy thế mà khi viết xong “Thanh gươm hát bội” ông đã phải chữa đi chữa lại không biết bao nhiêu lần, kể cả khi vở đã được công diễn những đêm đầu tiên. Có người nói, với tình yêu nồng nàn quê hương, lịch sử và nền văn hóa dân tộc cộng với nỗi đau trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội hôm nay đã thúc đẩy Mịch Quang viết với tất cả ruột gan và tâm huyết của mình nhằm gửi gắm nỗi niềm tâm sự qua nhân vật Đào Tấn trong vở diễn. Là một nhà nghiên cứu thâm trầm, một nhà văn có trách nhiệm cao với công chúng và đau đáu với nghề, trong quá trình diễn tập ở Nhà hát không đêm nào mà tôi không thấy ông ngồi cạnh đạo diễn để bàn bạc, phát hiện và bổ sung những chỗ còn sơ hở. Ông thực sự cầu thị khi thấy những ý kiến hay của đồng nghiệp đóng góp cho vở diễn, nhưng cũng không phải dễ dàng chấp nhận khi có ý kiến chưa hiểu hết ý đồ của người viết, những cuộc tranh luận gay gắt giữa ông và đạo diễn thường xảy ra để sau đó đi tới thống nhất. Ở đây, rõ ràng bộc lộ bản lĩnh và cá tính sáng tạo đáng quý của Mịch Quang.

Tri thức về sân khấu kịch hát dân tộc về Đào Tấn và sự nghiên cứu nghiêm túc trong quá trình sáng tạo đã làm cho “Thanh gươm hát bội” của ông ngay từ kịch bản văn học đã mang đậm đà chất tuồng. Chất tuồng đó đã thấm đượm trong việc khai thác kịch tính của đề tài, trong ngôn ngữ nhân vật, làm lây lan đến công tác đạo diễn, cách xử lý những mảng, miếng sân khấu, đến những làn điệu âm nhạc và những thủ pháp về vũ đạo. Có thể nói, “Thanh gươm hát bội” là hình ảnh ẩn dụ sâu xa mà tác giả muốn nói lên cốt cách cương trực ngay thẳng của một vị quan thanh liêm, đồng thời là tài năng và tính độc đáo của một nhà hoạt động vì nước vì dân, vốn là hai phẩm chất cao đẹp của Đào Tấn. Đó cũng là chủ đề tư tưởng của vở tuồng. Bố cục của vở diễn là rõ ràng và hợp lý. Mà hợp lý hơn cả là hành động nhân vật Đào Tấn như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt vở diễn. Từ màn đầu cho đến màn cuối (nhân dân Huế lưu luyến tiễn Đào Tấn đi Nghệ An), từ quan hệ gần (với vợ con và bạn bè) đến quan hệ xã hội phức tạp (việc đi lại giữa cụ với vua Thành Thái, thái độ của cụ đối với viên Khâm sứ Pháp, với Nguyễn Thân và bọn tay sai khác), từ quan niệm của cụ đối với nghệ thuật, đối với đào, kép tuồng đến thái độ ứng xử đối với nhân dân mà mình đang cai trị v.v… đã nói lên ý đồ của tác giả muốn xây dựng cao trào và kịch tính xung quanh ba nhân vật: Đào Tấn – Thành Thái – viên Khâm sứ Pháp. Tác giả của “Thanh gươm hát bội” còn thông qua một số cảnh bà mẹ bị mất con, cảnh vi hành của Đào Tấn và Thành Thái gặp dân, cảnh họp dân chúng để hỏi ý kiến trước khi xử chém Bồi Ba v.v… để liên hệ đến tư tưởng: “lấy dân làm gốc” của những người cầm quyền chân chính. Tuy vậy, người xem muốn rằng, nhân vật Đào Tấn sẽ sinh động hơn, nếu như tác giả tạo thêm được một số tình huống đắt, khai thác sâu hơn thế giới nội tâm của nhân vật này.

Kịch bản văn học tốt rất cần và là dịp may cho đạo diễn, ngược lại công tác đạo diễn tốt sẽ nâng kịch bản lên, làm cho vở diễn trở nên hoàn chỉnh hơn, chúng giống như một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối, báo hiệu một cuộc sống hạnh phúc và hai bên đều sống mà không thể không có nhau được. “Thanh gươm hát bội” do Hoàng Chương đạo diễn nằm trong trường hợp mà chúng ta đang bàn. Là một đạo diễn trưởng thành từ sân khấu tuồng, lại được đào tạo ở trường Đại học sân khấu Liên Xô và ở Rumani. Hàng chục năm qua, Hoàng Chương đã gắn bó với nghệ thuật kịch hát dân tộc. Gần đây con đường học thuật của anh được định hướng rõ hơn: Vừa làm công tác nghiên cứu, lý luận, vừa coi trọng công tác đạo diễn. Cái trước làm nên cho cái sau và cái sau bổ sung cho cái trước. Hướng tiếp cận của anh đối với Đào Tấn cũng tương ứng như vậy. Anh đến với Đào Tấn trước hết với tư cách là nhà nghiên cứu và khi đã cảm nhận sâu sắc đến chừng nào đó khối lượng tác phẩm đồ sộ của “bậc trạng nguyên” trong văn học tuồng (lời Nguyễn Hiển Dĩnh), thì tình yêu và cảm hứng đã đưa anh đến với kịch bản viết về nghệ sĩ họ Đào. Dàn dựng và xử lý một vở tuồng nhiều chất trí tuệ với những câu văn và lời thơ trau chuốt như “Thanh gươm hát bội”, Hoàng Chương có hai điều tâm niệm: Một là, phải xây dựng hình tượng Đào Tấn, nhân vật trung tâm của vở diễn thành một hình tượng đa diện và đa nghĩa như ý đồ của kịch bản. Hai là, làm cho vở diễn sôi động, gần với đời sống thực, dung dị mà giàu chất thơ, hiện đại mà không mang tiếng “phá tuồng”. Đối với yêu cầu một, anh nghiên cứu kỹ từng hồi, từng lớp, từng cảnh để tìm ra những “miếng diễn” cho ra tuồng, nhấn mạnh được những phẩm chất của nhân vật trung tâm. Chất tuồng được bộc lộ ngay từ khúc nhạc mở đầu và lớp giáo tuồng của vai Ngô Quý Đồng. Những lớp “tuồng trong tuồng” là những tìm tòi lý thú nhưng là những lớp khó (ví dụ như cảnh các thành viên gia đình Đào Tấn diễn “Khuê các anh hùng” nhân ngày giỗ cha, cảnh cụ dạy học trò diễn lớp Trụ Vương Đát Kỷ, cảnh cụ cầm chầu cho lớp Giáng thập điều trước khi xử chém Bồi Ba) đòi hỏi đạo diễn không chỉ am hiểu tuồng về mặt lý thuyết mà còn phải thành thạo về nghệ thuật biểu diễn tuồng truyền thống mới có thể xử lý và làm mẫu cho diễn viên. Với yêu cầu thứ hai, đạo diễn đã biết vượt qua những giới hạn có thể vượt được của tuồng cổ điển để làm cho vở diễn đến thẳng với công chúng hôm nay: lớp Cô gái Huế đi bán hoa ở chợ Đông Ba, lớp thầy trò Đào Tấn đi vào đời sống của nhân dân, lớp đêm trăng của đôi vợ chồng mới cưới tại một khu phố nghèo ở Huế …

Đạo diễn Hoàng Chương cho biết, để tăng cường chất tuồng cho vở diễn hiện đại này, anh đã nghĩ ra những tình huồng thích hợp cho các diễn viên sử dụng các đạo cụ chủ yếu trong tuồng. Ví dụ Đào Tấn với Đội Hiệp đi thuyền trên sông Hương thì có thể sử dụng chiếc mái chèo với những động tác chèo đò, lớp Đào Tấn và Đội Hiệp giục ngựa đi bắt tên Việt gian Bồi Ba thì sử dụng chiếc roi ngựa với những động tác quen thuộc, lớp vợ và con gái Đào Tấn đi chặn đường chồng và cha thì phải sử dụng cỗ xe song mã (cũng là đạo cụ đẹp của sân khấu truyền thống), lớp vua Thành Thái trao kiếm cho Đào Tấn, lại sử dụng được chính thức trao kiếm trong tuồng v.v… Trên cơ sở đó, âm nhạc và ca hát lại có thêm điều kiện để phát huy chất tuồng như hát nam, hát khách, tầu mã và các điệu lý, hò khác, do đó âm nhạc trong vở này càng thêm đậm hơn.

Đạo diễn còn xử lý không gian ước lệ một cách thông minh, bằng cách sử dụng ánh sáng kết hợp với âm nhạc dẫn dắt người xem đi theo câu chuyện kể liên hoán. Trên sân khấu cảnh này với cảnh kia không một phút nào ngưng đọng và ở mỗi cảnh tiếp theo đều có những trò diễn mới lạ làm cho người xem không thấy chán. Có thể nói, Hoàng Chương là một đạo diễn giàu kinh nghiệm trong việc tạo ra những trò diễn hay. Anh thường nói: “Sân khấu truyền thống là sân khấu của tích và trò”. Tích là chuyện kể lôi cuốn người nghe, còn trò là cái để gây hấp dẫn người xem. Có “tích mới dịch ra trò” là nguyên tắc sáng tạo của nghệ thuật dân tộc. Không nắm vững và phát huy nguyên tắc đó thì không thể có vở diễn hay” …

Ngoài ra, hiệu quả nghệ thuật của vở “Thanh gươm hát bội” còn được thể hiện ở khả năng diễn xuất đồng bộ của tập thể diễn viên Nhà hát tuồng Phú Khánh. Kim Hùng trong vai Đào Tấn với ngoại hình tầm thước với dáng đi ung dung không chỉ thể hiện tư thế đàng hoàng của một người có học vấn mà còn thể hiện được nội tâm phức tạp của một bậc sĩ phu sống giữa thời ly loạn luôn luôn đấu tranh tư tưởng để thể hiện tư tưởng yêu nước thương dân bằng những hành động cao đẹp của mình. Những kép tuồng trẻ như Hữu Hiệp, Hữu Hùng trong các vai Ngô Quý Đông, Đội Hiệp đã được người xem tấm tắc khen ngợi về lối hát và những động tác múa rất chuẩn mực. Hữu Thành trong vai Khâm sứ Pháp, Minh Mẫn trong vai Bồi Ba, Quang Hạnh trong vai Nguyễn Thân đều là những kép hát nhà nghề, các anh đã tận dụng các lối diễn kinh điển của tuồng hát vào vai mình sắm. Chị Xuân Thời trong vai mẹ tìm con, Như Lập, Kiêu Hạnh, Thanh Hoa, Thanh Tâm, Kim Dung… ở những mức độ thành công khác nhau, nhưng đều là những diễn viên hát hay, có sức truyền cảm mạnh qua những điệu hò và điệu lý Huế. Đặc biệt gây ấn tượng mạnh đối với khán giả là vai Thành Thái do Kim Khiêm thủ vai khá nhuần nhuyễn. Với khuôn mặt sáng sủa, dễ thương, với dáng người nhanh nhẹn, cô diễn viên trẻ nhất Nhà hát này đã gây cho người xem khái niệm ban đầu về một ông vua trẻ có nhiều tư tưởng tiến bộ, nhiều cải cách táo bạo, một ông vua “gần dân biết thương dân và hay vi hành”.

Âm nhạc, vũ đạo và trang trí mỹ thuật là ba thành phần quan trọng cấu thành vở diễn. Thông thường ở nhiều vở kịch hát có sự lạm dụng của dàn nhạc làm át giọng hát, lời ngâm, hay những đoạn đối thoại giữa các nhân vật làm cho người xem khó khăn khi theo dõi diễn biến câu chuyện. Để khắc phục tình trạng đó, trong “Thanh gươm hát bội”, nhạc sĩ Thao Giang đã chú ý giới hạn chức năng và vai trò của dàn nhạc là trợ giúp diễn viên, “làm đầy tớ trung thành” cho vở diễn. Ví dụ: lớp giáo tuồng của Ngô Quý Đồng mở đầu vở diễn với tiếng trống tuồng nổi lên rộn rã, nhưng khi diễn viên cất tiếng hát thì chỉ một cây nhị với trống chiến sử dụng 6 âm sắc pha trộn, 3 bè được tạo nên hài hòa làm cho người nghe thưởng thức được cả lời văn của tác giả. Là một nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc, sáng tác khí nhạc vừa là nhà nghiên cứu âm nhạc kịch hát, Thao Giang, trong khi khám phá âm nhạc tuồng hát Đào Tấn đã biết đưa thêm những làn điệu bài bản, ca khúc mới vào vở “Thanh gươm hát bội”. Đoạn cô gái Huế đi bán hoa gặp hai thầy trò Đào Tấn là một cuộc hội ngộ đẹp. Để diễn đạt, nhạc sĩ cho cô gái này hát bài “lý tình tang” và ngắt ra nhiều đoạn nhỏ để tiện đối đáp và nói lối, còn giai điệu được giữ trọn ở mấy câu: ố tang, ố tang tình tang… còn những câu khác được hát phá phách âm điệu giữa hơi nam tuồng và hơi nam Huế. Người nghe vô cùng lý thú thấy ba người đối ca với nhau bằng tiếng hát tuồng và ca Huế, hai giai điệu khác nhau đều là dân ca Việt Nam được tái tạo. Nhạc sĩ còn dùng nhiều làn điệu ca Huế, hò mái nhì, mái đẩy, lý tình tang ở một vài đoạn như Đào Tấn đi thuyền trên sông Hương, bà mẹ mặc áo nối vai bị mất con v.v… Âm nhạc của Thao Giang còn giúp người xem tưởng tượng cảnh đền chùa, miếu mạo dưới chân núi Ngự qua vận dụng một bài từ của ĐàoTấn:

Ngày dài tơ liễu bay không ngớt

Áo quần thê lương một mình ta day dứt…

Hay phong cảnh nên thơ, man mác buồn trên bờ sông Hương qua một giọng hò mái đẩy, mặc dù trên sân khấu là không gian ước lệ. Đoạn kết của vở diễn với giai điệu được láy đi láy lại của dàn nhạc khi nhân dân Huế lưu luyến tiễn người con mình đến Nghệ An một nơi đầy sóng gió với các câu thơ tuồng nổi tiếng của Đào Tấn, vừa hào hùng vừa mang tính chất trữ tình, tha thiết:

Lao xao sóng vỗ ngọn tùng

Gian nan là nợ anh hùng phải vay

Hoặc:

Non tùng sóng vỗ lao xao

Trần ai gửi dấu anh hào còn xa.

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng, người đã có những thành công trong nhiều trích đoạn múa nổi tiếng do được cải biên từ chất liệu tuồng cổ như: “Mạnh Lương bắt ngựa”, “Tuần đuốc”… đến “Thanh gươm hát bội”, anh không những không ngỡ ngàng mà còn nắm bắt được âm hưởng chủ đạo bi hùng của vở diễn đã sáng tạo được nhiều khuôn múa hấp dẫn. Có những lớp, anh đã kết hợp múa với âm nhạc, cho nhân vật biểu hiện bằng ngôn ngữ độc lập như lớp “Cô gái bán hoa, Bồi Ba, Khâm sứ Pháp, vua Đồng Khánh nhảy những điệu múa hiện đại v.v…Đoàn Thị Tình và Văn Na là hai họa sĩ trang trí có nhiều sáng tạo. Từ những tư liệu ít ỏi hai họa sĩ đã làm người xem tấm tắc về màu cờ, sắc áo, đôi hia, mũ niệm của các nhân vật như Đào Tấn, Đội Hiệp, vua Thành Thái, tên Việt gian Nguyễn Thân, cũng như trang phục của những tên lính hoàng cung, và nhân dân cố đô Huế vào cuối thế kỷ trước. Tháng 5 năm 1987 toàn bộ phục trang, trang trí của vở “Thanh gươm hát bội” đã được tham dự triển lãm mỹ thuật sân khấu quốc tế tổ chức tại Praha và được đánh giá cao. Tính ước lệ mãi mãi vẫn là nền tảng của bài trí sân khấu, nhất là sân khấu kịch hát. Ở “Thanh gươm hát bội” phòng chính phía sau sàn diễn là một nhánh tùng sum xuê, vững chãi trước gió bão, màu xanh như sự sống, cây mai vàng thanh thanh, tươi rói trước cổng nhà Đào Tấn, phải chăng là những thể hiện về phẩm chất tốt đẹp, cao thượng của con người Đào Tấn, Thành Thái và những người dân yêu nước khác. Tùng, mai, còn là hai mô típ thường láy đi láy lại trong thơ và kịch của nghệ sĩ họ Đào.

Giá trị của “Thanh gươm hát bội” đã vượt ra ngoài khuôn khổ những ngày kỷ niệm. Nó không những đáp ứng được lòng mong đợi của giới nghiên cứu cả nước tại hội nghị Đào Tấn lần thứ 3 mà còn được đông đảo dân chúng các tỉnh Nghĩa Bình, Phú Khánh hoan nghênh nồng nhiệt…

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 1987

 

GS.VS Hồ Sĩ Vịnh