Thanh gươm hát bội – Mịch Quang (P2)

02/10/2020

Thanh gươm hát bội (tiếp)

…..

Nhân vật:

Đào Tấn

Vợ Đào Tấn (Diệu Tiên)

Chi Tiên (con gái Đào Tấn)

Thành Thái

Đội Hiệp

Cai Tám

Võ Đình Phuơng

Nguyễn Thân

Loan

Sỹ

Khâm sứ Pháp

Bồi Ba

Ca sĩ

Bà mẹ mất con

Thị vệ vua Thành Thái

Một số lính triều, đồ đảng của Bồi Ba, dân và một số vai phụ khác

Lớp giáo tuồng

 

Võ Đình Phương:

Xao xuyến tấc lòng dân nước

Bàng hoàng cảnh huống vua quan

Chiếu Cần Vương chưa nhạt màu son

Cờ khởi nghĩa vẫn phô sắc thắm

Võ Đình Phương danh tánh

Chức tham biện hiệu thư

Lãnh chiếu vua từ chốn kinh sư

Vào Bình Định tìm về Vinh Thạnh

Nơi ấy Đào Công ẩn tánh

(Để) Mời người lại ra chung gánh giang san

(Ta đây) Tạc lòng son vẹn chữ ân tình

Trông ải thắm nài chi bạt thiệp

Hát nam xuân

Bạt thiệp nài chi viễn lộ

Rộn tấc lòng tình cũ ân xưa

(Như Đào Công Mộng Mai đây)

Giao long luống đợi mây mưa

Tài cao, đức trọng, phò vua, giúp đời

Rừng xa đã sáng nhành mai

Trống tuồng đã giục từng hồi đâu đây (vào)

 

Cảnh đường

Đường làng Vinh Thạnh

Tiếng trong màn: Mau mau đi xem hát bà con ơi!

(Dân làng ra)

Dân 1:

Các ông, các bà chờ tôi với. Tôi ở đồng về mới biết đêm nay có hát ở nhà ông Đào, ăn bậy một miếng rồi đi ngay chỉ sợ trễ hát.

Dân 2:

Có ai biết hôm nay ông Đào cho hát tuồng gì, mà mời đào kép nào về sắm tuồng vậy?

Dân 3:

Nghe nói bữa nay là ngày giỗ cha ông Đào, ổng cho hát cúng bổn tuồng “Khuê các”. Chính ông Đào cùng vợ con sẽ sắm vai cùng với Bát Phàn, Đội Hiệp.

Dân 4:

Thế thì thật là may mắn

Tuồng hay, đào kép cũng hay

Chúng ta phải đi nhanh kẻo trễ (cùng vào)

 

Cảnh Một

Nhà Đào Tấn. Đào Tấn đang thắp hương vái trước bàn thờ. Dân làng lục tục kéo đến, im lặng ngồi xem.

 

Đào Tấn:

Con Mộng Mai Đào Tấn

Thành kính vái phụ thân

Ngày giỗ người con thắp nén hương

(Và) Xin dâng lễ lớp tuồng “Khuê các”.

(Đào Tấn vào rồi ra trong vai Lý Khắc Minh. Võ Đình Phương cũng vừa đến và ngồi xem cùng dân chúng)

Lý Khắc Minh:

Bát ngát cơ đồ xã tắc

Băn khoăn tôn miếu giang san

Như lão đây

Ăn lộc vua tóc đã điểm ban

Đeo ấn nước đầu thêm trổ bạc

Lào nghĩ lại, khi Triệu thị nó đoạt Nguyên triều cơ nghiệp  nó lại giao cho lão hạ ngục chánh cung, hẹn mười ngày phải đem hành quyết. Thời hạn sắp hết rồi mà lão nhất kế nan thi, chưa tìm được cách chi giải cứu.

Tưởng tới ngặt đà quá ngặt

Nghĩ thôi nghèo thật nên nghèo

Khôn cầu hiền trước dụng mưu

Khó mướn thánh xưa giúp kế

Phải chi một chánh cung còn dễ

Khốn vì người đang lúc mang thai

Chao ôi! Tâm trung hoảng hốt

Phúc lý đê mê

Thôi thôi

Dù Khổng Minh có mặt lúc ni

Tưởng cũng phải bó tay ngồi ngó.

(Ngồi lắng nghe cha, bước ra)

Xuân Hương:

Dạ thưa cha, con thấy cha

Lo việc nước, ăn không ngon, nằm không ngủ

Nên chi

Chạnh lòng con, ân chưa báo, nghĩa chưa đền

Xin phụ thân bớt nỗi ưu phiền

Cho tiểu nữ bày lời ngu thiển

Khắc Minh:

Chớ chuyện chi, con cứ nói

Xuân Hương (Do vợ Đào Tấn đóng):

Còn ba ngày chánh hậu lâm hình

Con xin

Được thế mạng để cứu người thoát nạn

Khắc Minh:

Chợt nghe qua lời trẻ

Xui đau xót lòng già

Con ơi

Gái thơ ngây còn lo trả ơn cha

Vậy mà

Già đầu bạc chẳng phương đền nợ nước

Nhưng mà con ơi kế này là

Kế cầm dao cắt ruột

Lòng cha nỡ sao đành

Xuân Hương:

Dạ thưa cha…

Khắc Minh:

Á thôi!

Trẻ dừng lời day dứt giữa thâu canh

Con hãy vào trong đi để cho cha

Lo vắt óc tìm phương gỡ rối

Bích Hà (Do con gái Đào Tấn, Chi Tiên đóng):

Thưa cô, nãy giờ ngồi ở ngoài, con nghe hết

Cô liều một thác lâm hình thay chánh hậu

Nhưng ông không nỡ đành phụ tử sinh ly

Vậy hãy cho con vì nước gỡ nguy

Để đền đáp ân sâu chủ bộc

Khắc Minh:

Chớ đứa nào nói chi đó?

Bích Hà:

Dạ thưa ông, con là Bích Hà đây!

Khắc Minh:

Vậy chứ con định thưa chi?

Bích Hà:

Tiểu tỳ xin thay tiểu thư thế mạng chánh cung

Để lão gia liệu lo đường cứu nước

Khắc Minh:

Chao ôi!

Chưa yên phía trước

Đã rối đằng sau

Quả nô tỳ bại lộ cơ mưu

Vung gươm báu chém quân gian tặc

Xuân Hương:

Xin cha đừng nghi hoặc

Cho con trẻ tỏ phân

Bích Hà vốn trung can

Là nữ tỳ tâm phúc

Khắc Minh:

Thôi lỡ ta tha lần này, từ nay đừng có chen vào việc lớn mà chết đó nghe!

Bích Hà:

Thưa lão gia

Phải đâu thân bếp núc

Không biết nghĩa giang sơn

Con đây, học câu “Thủ nghĩa thành nhân”

Xin được xả thân giúp nước

Thôi thôi

Chẳng được tròn nguyện ước

Há tiếc mảnh dư sinh

Lãnh gươm linh trọn tấm lòng thành

Về chín suối cho xong một kiếp

Khắc Minh:

Oanh liệt thôi oanh liệt

Hy kỳ thật hy kỳ

Một con én nhỏ băng mưa gió

Một giọt nắng mai rạng đất trời

Khương Hoành:

Dạ dạ!

Việc đã nên rất gấp

Không thể lỡ thời cơ

Tạ Kim Hùng vâng lệnh Thái sư

Đưa chánh hậu lâm hình nịch sát

Đèn đuốc sáng bừng mặt đất

Trống chiêng bước giặc đã gần

Khắc Minh:

Bớ các con, các con mau mời lệnh bà ra đây

Thưa lệnh bà

Tình thế vô cùng quẫn bách

Kim Hùng gươm giáo bủa vây

Xin lệnh bà hãy đổi xiêm y cho Bích Hà của lão đây

Bích Hà

Đổi xiêm y con kíp sửa sang

Xuân Hương

Sửa yên mã con mau chuẩn bị

Khương Hoành

Con khá theo cùng chị

Phò bà lại quê nhà

Việc kinh quyền cứ để mặc cha

Cơn hoạn nạn lưu ly khó tránh

Bích Hà:

Thưa lão gia, thưa tiểu thư

Mặt nhìn mặt nghìn lời khôn nói

Tay chia tay lệ ngọc chứa chan

Một lạy xin dâng hai chữ bình an

Trăm năm quyết đền ơn phủ dục

(hát nam)

Phủ dục ơn sâu dốc báo

Giữ một lòng ngay thảo nào sai

Xuân Hương (hát tiếp):

Hạt sầu lợt đợt cành mai

Bơ vơ chiếc nhạn lạc loài kêu sương

Chánh cung (tán):

Ân nhân ơi

Nước chảy hoa trôi thương tiếc bấy

Người còn kẻ mất ngậm ngùi thay

Nát lòng lưng ngựa câu ly biệt

Một tiếng nhạn cô lệ buốt trời

(quỳ lạy Bích Hà – hát nam)

Dư sinh còn đội ơn người

Đài mây bia tạc muôn đời rạng danh

Khắc Minh:

(hát tiếp)

Khuyên con nhẹ bước trường chinh

Vuốt an ai oán mở vành gian nguy

Tất cả (hát nam):

Nỗi biệt ly kẻ đi người ở

Dứt ân tình lên ngựa, lui chân

(Võ Đình Phương từ từ đứng dậy, vái chào)

Đào Tấn:

Kìa, Võ đại huynh, sao người lại có mặt ở đây?

Võ Đình Phương:

Chào quan huynh, cháu chị và các cháu

May mắn cho tôi khi được xem quan huynh và gia quyến diễn tuồng

Thật danh bất hư truyền

Gia đình Đào Công quả là một gánh hát độc nhất vô nhị.

Đào Tấn:

Quan huynh quá khen

Chẳng qua hôm nay là ngày giỗ phụ thân

Nên đệ cùng thân quyến

Dâng lễ mọn bằng bổn tuồng mới nhuận sắc

Thưa quan huynh

Có việc gì mà quan huynh

Vượt nghìn dặm về nơi thôn dã

Để viếng thăm bạn cũ cựu triều

Võ Đình Phương:

Thưa quan huynh

Đệ về đây là thừa mệnh tân vương

Chuyển chiếu chỉ mời người lai kinh phụng sự.

(đưa chiếu thư cho Đào Tấn)

Đào Tấn:

Xin cảm tạ hoàng ân!

Đức vua Đồng Khánh muốn gọi ta trở lại triều ca ư? (Cầm chiếu thư)

Như vậy là đức vua triệu ta “Tham tá các vụ” thăng “Quan lộc tự khanh”. Biết tính sao đây?

Võ Đình Phương:

Nhận chiếu vua quan huynh có vẻ không vui

Hình như người có điều chi khó xử?

Đào Tấn:

Đây có bài thơ di chúc đệ viết sẵn cho các con, đại huynh xem thử (đưa Võ Đình Phương một bài thơ)

Võ Đình Phương (đọc):

Các con chưa hiểu sự đời

Chức quyền đâu phải phận người văn chương

Phong trần cha đã ê xương

Chớ chen vào chốn quan trường nhục thân

Điều quan huynh khuyên cũng là điều đệ tâm đắc

Nhưng quan huynh ơi

Nếu những anh tài như quan huynh đều xuôi tay ngoảnh mặt

Thì chốn triều trung

Bọn Nguyễn Thân, Trương Như Cương sẽ thoả sức hoành hành

Ai sẽ giữ nước non, ai sẽ cứu dân lành

Ai sẽ ngăn nổi lòng tham của người Pháp

Đào Tấn:

Thôi, quan huynh nói chí phải

Ơn vua phải đáp, nợ nước phải đền

Ta sẽ cùng người phụng chiếu lai kinh.

Võ Đình Phương:

Như vậy, xin quan huynh hãy gấp gấp đăng trình

Đào Tấn (gọi vào trong):

Chú Đội!

Đội Hiệp (ra):

Thưa thầy cho gọi

Đào Tấn:

Chú cùng các anh em

Hành trang hãy mau thu xếp

Để cùng ta trở lại kinh thành

Vợ Đào Tấn:

Thưa phu quân, ông lại lai kinh tái quan

Lòng tôi lại ngổn ngang trăm mối

Đào Tấn:

Vua đã ban chiếu gọi

Tôi phải hồi kinh chứ còn biết làm sao

Bà và Trúc Tiên thong thả ra sau

Trúc Tiên sẽ cùng cha đi trước

Thôi đành

Xếp hành trang trở lại kinh kỳ

Cùng bạn hữu liệu lo việc nước

Hát nam xuân

Việc nước trăm bề nguy khó

Tay buồm đành liệu gió mà đưa

Vợ Đào Tấn (hát tiếp):

Vuông tròn nghĩa cũ tình xưa

Thăng trầm, vinh nhục, nắng mưa, chia cùng

Đào Tấn:

Lao xao sóng vỗ ngọn tùng

Gian nan là nợ anh hùng phải vay

Tất cả:

Xin chúc người hai chữ bình an

 

 

Cảnh Ba

Dinh Đào Tấn ở Huế

 

Đào Tấn:

(Thán)

Non sông nơi nơi khói lửa dậy

Trong tiệc rượu vua bữa bữa đầy

Khói lửa dường kia, rượu dường ấy

Hoài bão bao giờ tới được đây

(Nói)

Những tưởng được triệu về kinh lo quốc sự

Chẳng ngờ về đây chịu chung phận tôi đòi

Mặc nước dân trong lửa bỏng dầu sôi

Vua bảy ngày yến lớn, ba ngày tiệc nhỏ

Tôi phải làm gì bây giờ

Tay tham biện khó cản vua sa đoạ (thì)

Bút người thơ phải nhắc chúa nhục vong nô

Tôi phải viết, tôi phải viết đây

Chao ôi! Sinh hoạt vua ta nay thật giống chuyện vua Trụ ngày xưa

Bọn hồ ly tinh khác chi lũ tây dương bảo hộ

Trầm hương các chuyện xưa tôi kể

Sẽ giúp người nay tỉnh giấc mê dài

(Ngồi vào bàn viết. Tiếng đế ngâm)

Lũ bạch quỷ hồ ly lông trắng

Đây cung cấm Trụ vương xưa hay Đồng Khánh bây giờ

Trút oán hận nước non lên những trang giấy trắng

Cho tiếng hát cung đàn thành kinh lễ, kinh thi.

Võ Đình Phương (ra):

Quan huynh, quan huynh (Đào Tấn đang say mê viết, không nghe thấy. Phương phải vào trong phòng văn gọi)

Thưa quan huynh, quan huynh đang làm gì mà say mê làm vậy?

Đào Tấn (giật mình):

Võ đại huynh

Xin đại huynh thứ lỗi vì đệ đang mê mải với một lớp tuồng đắc ý

Võ Đình Phương:

Lớp tuồng gì vậy, thưa quan huynh?

Đào Tấn:

Đó là lớp tuồng Trụ vương nghe lời Đát Kỷ đốt gươm trừ yêu trong bổn tuồng mới mà đệ đang soạn, tuồng “Trầm hưong các”.

Võ Đình Phương:

“Trầm hương các”, có phải là ngôi đền thờ tượng thần Nữ Oa làm bằng gỗ trầm hương trong sách Phong thần.

Đào Tấn:

Thưa đúng vậy!

Võ Đình Phương:

Như vậy chắc quan huynh muốn

Mượn tích Trụ vương xưa nói chuyện triều chính bây giờ

Khi cung cấm bị lũ hồ ly khuynh đảo

Đào Tấn:

Đại huynh đã hiểu được ngu ý của đệ

Thưa quan huynh

Đệ thấy đã đến lúc huynh đệ ta không thể nhắm mắt làm ngơ, chúng ta phải nhập cuộc thôi đại huynh.

Võ Đình Phương:

Nhập cuộc ư? Nhưng bằng cách nào?

Đại huynh là tham tá, còn đệ cũng chỉ là tham biện, gang thép đâu mà nhập cuộc.

Đào Tấn:

Quan tham tá, tham biện có thể không nhập cuộc được

Nhưng nhà soạn tuồng, nhà thơ thì đã đến lúc nhập cuộc rồi

Võ Đình Phương:

Nhưng nhập cuộc thế nào đây, thưa quan huynh?

Đào Tấn:

Theo thiển ý đệ

Chức quan ta tuy nhỏ

Nhưng tuồng hát của chúng ta lại lớn vô cùng

Nó là tứ thư, ngũ kinh của chúng dân

Nếu ta khéo vận dụng thì

Tuồng hát có thể giúp đổi mới lễ nghi, phong tục, đạo đức và đổi mới cả chính sự của đất nước!

Võ Đình Phương:

Tuồng hát có thể giúp đổi mới cả chính sự ư?

Đào Tấn:

Đúng vậy, nhưng muốn thế tuồng hát phải tự đổi mới chính mình

Dùng tích cũ luận bàn sự mới

Nói người xưa mà gợi đến ngưòi nay

Chắc quan huynh cũng thấy

Nam triều ta mục nát

Bởi lễ, nghĩa, liêm, sỉ

Bốn rường cột kia nay mục ruỗng rồi

Vua thì như Trụ vương, còn bọn Pháp kia khác nào một lũ Hồ ly

Vô lễ, vô nghĩa, vô liêm, vô sỉ…

Sự thật ấy

Tuồng hát phải vạch cho dân chúng thấy

Đây đại huynh xem thử mấy lớp tôi vừa viết xong trong “Trầm hương các”

Võ Đình Phương:

Thật hay, thật hay

Cái cảnh Đát Kỷ dạy Trụ vương nhảy múa chắc là việc mấy mụ me Tây dạy Đồng Khánh nhảy đầm. Còn cảnh lũ Hồ Ly hội yến giả quần tiên khác chi chuyện bọn ngoại bang đắc thắng. Đệ thích nhất cảnh Trụ vương uống sâm banh còn Đát Kỷ uống sữa bò…

Thế chừng nào đại huynh cho diễn bồn tuồng “Trầm hương các”?

Đào Tấn:

Anh em đào kép trong dinh đã tập sắp xong tuồng.

Tôi định cho ra mắt vào dịp lễ vạn thọ sắp tới, càng có nhiều người xem càng hay.

Còn bây giờ, mời quan huynh xem thử một vài lớp và góp ý kiến cho đệ

Chú Đội Hiệp, chú cho diễn lớp tuồng Đát Kỷ Trụ vương

 

(Còn tiếp)

 

>> Thanh gươm hát bội – Mịch Quang (P3)

>> Thanh gươm hát bội – Mịch Quang (P4)

>> Thanh gươm hát bội – Mịch Quang (P5)

>> Thanh gươm hát bội – Mịch Quang (P6)

>> Thanh gươm hát bội – Mịch Quang (P7)

>> Thanh gươm hát bội – Mịch Quang (P1)