Thanh gươm hát bội – Mịch Quang (P1)

02/10/2020

Tôi đã viết “Thanh gươm hát bội” như thế nào?

Cảnh trong vở Thanh gươm hát bội.

Tôi đã có cả “một lịch sử” tìm hiểu Đào Tấn. “Lịch sử” ấy có thể tính từ cái ngày thời Pháp thuộc, tôi đang theo học trường Quốc học Quy Nhơn, năm 17 tuổi, nhân giáp Tết, cha tôi đưa tôi đi thăm mộ ông cố trên dãy núi Phụng Sơn. Đang ngắm phong cảnh thiên nhiên trước mộ, bỗng ông nói:

          – À, mộ cụ Đào trên núi Huỳnh Mai kia, từ đây có thể đi đường núi tới đó được, con có muốn đến đấy không?

          Thế là ông cụ đã dẫn tôi đến mộ cụ Đào.

          Từ khi tôi buớc vào Cao đẳng tiểu học, rất ham thích quốc văn, thích thơ cổ, cha tôi thường giảng thêm cho tôi về thơ cổ và cả về thơ văn cụ Đào trong tuồng. Tôi lại có ông dượng rể (em rể mẹ tôi) là cháu đích tôn nhà họ Đào Vinh Thạnh, nhiều lần tôi đã được đến ăn giỗ ở đấy. Tôi lại là bạn học với anh Đào Sơ Nhượng, chắt đích tôn họ Đào, bạn học với các bạn Đặng Hữu Kinh, Đặng Hiếu Trưng, là cháu ngoại cụ Đào. Tôi lại có ông cậu ruột là rể nhà họ Đào. Do đó, việc muốn viếng mộ cụ Đào đối với tôi là tự nhiên.

          Đứng trước mộ cụ Đào, cha tôi đọc cho tôi nghe bài thơ “Bốc thọ viên” (chọn đất đặt mộ) của Cụ:

          Nhàn hướng Mai sơn bốc thọ viên

          Thạch đâu cao cứ tiếu vô ngôn

          Mai Sơn tha nhật tàng mai cốt

          Hảo bả mai hoa tác mộng hồn.

          Cha tôi giảng nghĩa bài thơ và bảo tôi dịch thử ra nôm. Cuối cùng cha tôi chấp nhận bản dịch này:

          Lên đỉnh núi Mai tìm đất mộ

          Đứng cao trên đá lặng thinh cười

          Núi Mai rồi gửi xương Mai đấy

          Ước mộng hồn ta hóa đóa mai.

          Nghe bài thơ ấy, đồng thời liên hệ đến mấy lần về ăn giỗ, nhìn lên bàn thờ, thấy ảnh “Cụ Thượng Đào” chỉ mặc khăn đen áo dài mà không hề mặc triêu phục, tôi bỗng cảm thấy yêu mến nhà thơ, nhà soạn tuồng Đào Tấn từ ấy. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà tôi là người đầu tiên giới thiệu tên tuổi và sự nghiệp nghệ thuật của Đào Tấn trên sách báo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

          Năm 1985, tôi nhận được công văn của Ty văn hóa và thông tin Nghĩa Bình do Phó trưởng ty Hồ Đắc Bích ký, kêu gọi viết kịch bản tuồng về cụ Đào. Tôi đọc công văn rồi lắc đầu, vì nghĩ rằng không thể viết được, và không hề lưu tâm gì đến nữa.

          Trong suốt mấy năm, những lúc ngồi rảnh rỗi, tôi thường lấy thơ và từ của cụ Đào ra dịch chơi. Dần dà, qua việc dịch thơ và từ, tôi bỗng thấm sâu tâm trạng của nhà thơ, cảm thấy có thể viết được. Thế là tôi âm thầm bắt tay xây dựng đề cương 3 tập:

          Tập I: Giấc mộng hồ hoa
          (Nói về lúc Đào Tấn còn ở Ban Hiệu thư, viết lớp “Hoa trì mộng” trong bộ “Vạn bửu trình tường”, được Tự Đức phê son: Kỹ thuật thần kỳ).

          Tập II: Thanh guơm hát bội

          (Nói về thời kỳ Đào Tấn làm Phủ Doãn Thừa Thiên).

          Tập III: Lam Hồng còn đó

          (Nói về thời kỳ Đào Tấn làm Tổng đốc An Tịnh).

          Nghĩ rằng tập II có thể dễ ăn khách hơn nhờ có vụ án Bồi Ba, tôi bắt tay vào trước. Khi hoàn thành tôi có viết thư ra báo cho nghệ sĩ Võ Sỹ Thừa, Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn biết, nhưng không thấy tin tức gì. Tôi bèn nói với Nhà hát tuồng Phú Khánh. May sao, sau khi đọc với Hội đồng nghệ thuật Sở, tôi được Nhà hát Phú Khánh nhận dựng, nhằm mục đích là ra diễn phục vụ cho Hội nghị khoa học lần thứ III về Đào Tấn tại Quy Nhơn.

          Trong khi viết vở, ngoài yêu cầu khắc họa nghệ sĩ Đào Tấn trong ông quan Phủ Doãn Thừa Thiên, tôi còn nhằm yêu cầu cải tiến tuồng, làm sao cho nó đến được với khán giả trẻ – trước tình hình khán giả trẻ hiện nay hầu như mất gốc nặng nề về âm nhạc dân tộc, chỉ thích ca nhạc mới, tôi đã nghĩ cách thỏa mãn yêu cầu ấy bằng thủ đoạn đưa dân ca Huế vào với tư cách là những điệu hát của bối cảnh chứ không phải ngôn ngữ âm nhạc tuồng. Mặt khác với đề tài cận đại, tôi cho rằng không thể nói lối văn vần thuần túy như tuồng lịch sử cổ đại. Tôi đã phải sử dụng nhiều văn xuôi hơn. Song, để tránh tình trạng kịch nói pha hát tuồng, tôi đã cố ý viết kiểu văn xuôi giàu giai điệu và tiết tấu bằng cách vận dụng bằng trắc linh hoạt ở các chỗ ngắt câu, đồng thời ghi rõ cho diễn viên phải nói như “lời hường” trên hơi nhạc Nam hoặc Khách – Tuy nhiên, cái khó nhất cho tôi là những đoạn lời thơ. Trong các câu thơ, hát độc bạch của nhân vật, tôi đã lấy nguyên những bài thơ phù hợp các tình huống ấy của cụ Đào. Thế là, những câu thơ khác, tôi phải cố gắng làm sao cho thơ của tôi không bị “lộ nguyên hình”.

          Nhưng chưa hết. Lại còn một vấn đề cuối cùng về âm nhạc. Đó là “cái mốt” có những ca khúc mới sáng tác hát nền. Để chiều “cái mốt” ấy, tôi đã đề nghị nhạc sĩ phổ nhạc một bài từ của cụ Đào và chú ý phổ thế nào để hát luyến láy chứ không rung giọng.

          Tất cả những ý đồ trên của tôi đều đã được đạo diễn Hoàng Chương và nhạc sĩ Thao Giang nhất trí. Và, để bảo đảm hát nền không bị rung giọng theo kiểu hát mới, đạo diễn và nhạc sĩ đã thống nhất bố trí người hát nền là một diễn viên tuồng chứ không phải một ca sĩ tân nhạc.

          Đạo diễn Hoàng Chương đã mời nghệ sĩ Nguyễn Hữu Thành, một diễn viên kỳ cựu trong Đoàn làm trợ lý và suốt quá trình dàn dựng, đạo diễn thường xuyên trao đổi ý kiến với tôi để hoàn chỉnh kịch bản. Một hôm, sau buổi tập, đạo diễn đã gặp tôi hỏi:

          – Tại sao ở lớp Sĩ bị Bồi Ba bắn chết, mà Loan, vợ Sĩ, lại ngồi gục bên xác chồng mà khóc như cải lương vậy? Tôi đã đề nghị trợ lý tìm cách hướng dẫn cho diễn viên sử dụng bê, xiến của tuồng để biểu hiện tâm trạng, mà trợ lý không thực hiện?

          Tôi đã phải dự xem tập lớp tuồng ấy hai buổi liền – Bỗng, tôi phát hiện ra rằng, do khi bị Bồi Ba bắn ngã, diễn viên đóng vai đã vô tình nằm ngang giữa sân khấu, khiến cho diễn viên đóng vai Loan không có đất để bê, xiếng. Tôi đã nói ý ấy với đạo diễn và đề nghị đạo diễn cho tôi bàn riêng với trợ lý thử cho vai Sĩ ngã quay đầu ra phía khán giả, để cho vai Loan “có đất” vừa bê ngồi vừa chạy gối quanh xác chồng kêu khóc. Đạo diễn Hoàng Chương đã đồng tình, và cách xử lý ấy đã thành công. Có thể nói: Đây là một trong những lớp vận dụng hình thức tuồng truyền thống cho nhân vật hiện đại rất đạt.

          Buổi tổng duyệt tại Nha Trang đã thành công mỹ mãn. Đặc biệt, đồng chí Võ Hòa, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Phú Khánh, vị Chủ tịch rất ưu ái với nghệ thuật, rất thích vở diễn này và đã sắp xếp công tác để ra Quy Nhơn dự Hội thảo khoa học về Đào Tấn, đồng thời xem hiệu quả của buổi “biểu diễn tham luận” sống.

          Và, đêm “biểu diễn tham luận” tại Hội trường Quang Trung đã thành công ngoài dự kiến. Đêm diễn được sáu lần toàn thể khán giả vỗ tay vang dậy hội trường Quang Trung, đó là điều hiếm thấy đối với tuồng. ở Hội nghị Khoa học về, ủy ban nhân dân tỉnh Phú Khánh đã tổ chức họp báo và trao bằng khen của UBND Tỉnh cho tác giả. Sau đó, suốt hai năm liền, Chủ tịch Võ Hòa đã chỉ thị Nhà hát phục vụ vở ấy cho bốn cuộc Hội nghị toàn quốc họp tại Nha Trang. Cả bốn lần biểu diễn phục vụ đều thành công. Nhiều vị lãnh đạo Trung ương và các tỉnh miền Bắc đã vào tận hậu trường bắt tay khen các diễn viên. Riêng tôi, mỗi khi ra về, đã được một số anh em lái xe đón lại, tâm sự:

          – Thú thực với bác, bọn cháu lâu nay vẫn thành kiến với tuồng, nhưng lần này thì thấy tuồng hay thật.

          Riêng anh em Nhà hát tuồng Phú Khánh lúc ấy, sau một đợt đi biểu diễn ở Phú Yên đã cho tôi biết: đó là vở mở đầu rất tốt ở những nơi mà khán giả không mê tuồng. Còn đối với nơi hâm mộ tuồng như quê hương Bá Hộ Tịnh, chắt ngoại Đào Duy Từ, vở “Thanh gươm hát bội” đã được đề nghị diễn lại.

          Tuồng mà được nhiều đối tượng khán giả yêu thích là hiện tượng hiếm trong tình hình hiện nay. Điều đó làm cho bản thân tôi không chỉ thỏa mãn mà phải suy ngẫm tìm ra nguyên nhân. Điều này, các nhà phê bình đã phát hiện, đã phân tích khá kỹ. Tôi không muốn nói gì thêm.

          ở đây, tôi chỉ nhắc lại mấy ý kiến về những thử nghiệm cải tiến của tôi qua vở “Thanh gươm hát bội”, mà tôi tâm đắc:

          1) Giáo sư Nguyễn Đức Lộc cho rằng việc đưa dân ca Huế Thừa Thiên vào với tư cách âm điệu của bối cảnh là rất thành công. ông nói: Chắc là đến tập III “Lam Hồng còn đó” thì anh sẽ đưa hò sông Lam, ví dặm của quê tôi vào? Tôi hoàn toàn thống nhất với dự đoán ấy của giáo sư. Tiếc rằng tập “Lam Hồng còn đó” chưa viết được.

          2) Trong đêm diễn phục vụ lớp chính trị trung cao, đồng chí Võ Quang Thành, giảng viên trường Nguyễn ái Quốc (Đà Nẵng), ngồi cạnh tôi, đến lớp Loan, cô bán hoa xuất hiện, rao bán hoa bằng điệu Lý tình tang, đã quay sang nói với tôi:

          – Anh đưa Lý tình tang vào làm cho không khí bỗng nhiên nhẹ hẳn ra!

          3) Trong đêm diễn phục vụ Hội nghị các tướng tá của Liên khu V cũ, tôi tình cờ ngồi cạnh một Trung tướng bạn cũ trường Quy Nhơn. Khi Chủ tịch Võ Hòa bắt tay anh và giới thiệu cho anh biết tôi là tác giả, Trung tướng đã hỏi tôi vở viết về lịch sử thời nào. Tôi đáp là thời cận đại, triều Thành Thái. Nghe thế, anh liền nói:

          – Coi chừng đề tài cận đại, anh đưa văn xuôi vào nhiều theo kiểu kịch nói pha ca của cải lương thì chán chết!

          Tôi đã nói với anh rằng: “Đúng là tôi phải dùng khá nhiều văn xuôi. Nhưng, xin anh yên trí, tôi sẽ không bị lôi vào kịch nói pha ca đâu!”.

          Khi vở diễn kết thúc, trong lúc Trung tướng Lư Giang lên sân khấu bắt tay hoan nghênh các diễn viên thì Trung tướng bạn nói với tôi:

          – Xin hoan hô! Đúng là anh không bị kịch nói pha ca! Đây là vở tuồng hoàn chỉnh, tuy có cải tiến nhiều nhưng vẫn rất tuồng.

          Mấy tháng sau, Sở Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bình đã quyết định Nhà hát tuồng Đào Tấn dựng lại “Thanh gươm hát bội” để phục vụ ngày giỗ cụ Đào. Tôi đã đưa kịch bản ra cho nghệ sĩ Võ Sĩ Thừa. Tiếc rằng, do tình hình thiếu diễn viên, đạo diễn Võ Sĩ Thừa đã phải cắt bỏ một số lớp khắc họa “nhà hoạt động tuồng Đào Tấn”, khiến cho vở diễn chỉ còn lại “quan Phủ Doãn họ Đào xử vụ án Bồi Ba”. Mặc dù vậy, vở diễn cũng được nhiệt liệt hoan nghênh tại Vinh Thạnh, đúng ngày giỗ cụ Đào. Dĩ nhiên là không hoàn chỉnh như vở diễn của Nhà hát tuồng Khánh Hòa.

          Sau thành công của “Thanh gươm hát bội” Nhà hát tuồng Khánh Hòa có dựng thử “Giấc mộng hồ hoa” ở dạng phác thảo (vì chưa có âm nhạc, biên đạo, thiết kế mỹ thuật). Buổi diễn báo cáo nghiên cứu thử nghiệm đã được đông đảo hội viên Hội bảo trợ nghệ thuật tuồng tán thưởng. Lớp tuồng “Hoa trì mộng” phải nói là rất độc đáo, là một bài thơ sân khấu hơn là một vở kịch, thế mà vẫn hấp dẫn. Tiếc rằng do tình hình kinh phí, Nhà hát đã bỏ dở công trình, chuyển sang khai thác vở “Trầm hương các”.

          Mặc dù vở “Thanh gươm hát bội” thành công như thế, nhưng cũng có người đề nghị chữa vài chỗ. Phần tôi, tôi cũng chưa thỏa mãn với kịch bản. Trước Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1990 tôi đã đề nghị Nhà hát tuồng Khánh Hòa cho nâng kịch bản, nhưng Nhà hát chưa có điều kiện thực hiện. Tuy vậy, rất may là vở diễn cũng đã đạt thắng lợi lớn tại Hội diễn với huy chương vàng cho vở diễn và 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc cho các vai diễn.

Năm 2008, nhân Liên hoan tuồng truyền thóng toàn quốc tại Quy Nhơn trong Fesstival Tây Sơn – Bình Định 2008, Nhà hát Tuồng Khánh Hòa có chủ trương phục dựng vở “Thanh gươm hát bội” ra tham dự. Nhân dịp này, tôi đã sửa chữa nâng cao kịch bản và một lần nữa “Thanh gươm hát bội” lại rất được hoan nghênh trên quê hương Đào Tấn

          Sau “Giấc mộng hồ hoa” và “Thanh gươm hát bội”, tôi còn nợ với cụ Đào, và cả với tôi, với giáo sư Nguyễn Đức Lộc và nhân dân Nghệ Tĩnh, quê hương thứ ba của Đào Tấn, vở “Lam Hồng còn đó”.

          Năm 2011 vừa qua, tôi đã cơ bản hoàn thành kịch bản “Lam Hồng còn đó” nhưng vẫn chưa hài lòng nên vẫn đang cố gia công nâng cao. Kịch bản này tập trung vào mối quan hệ giữa Đào Tấn và gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh nên tôi càng phải gắng sức viết cho thật tốt. Mong rằng khi hoàn thành, tôi sẽ được một đơn vị tuồng và một đạo diễn tài năng nào đó tiếp sức để đưa được nó lên sân khấu. Viết đã khó, để dựng được trên sân khấu còn khó bội phần…

 

(Còn nữa)

 

 

>> Thanh gươm hát bội – Mịch Quang (P2)

>> Thanh gươm hát bội – Mịch Quang (P3)

>> Thanh gươm hát bội – Mịch Quang (P4)

>> Thanh gươm hát bội – Mịch Quang (P5)

>> Thanh gươm hát bội – Mịch Quang (P6)

>> Thanh gươm hát bội – Mịch Quang (P7)