Tên sát nhân và nhà tu hành
26/10/2020
NHÂN VẬT
ĐỐC TƯỚNG : 70 tuổi
LỤC NƯƠNG : Vợ hầu đốc tướng 25 tuổi
MẶC NÔ : Lính, gia nô 30 tuổi
VỢ CON ĐỐC TƯỚNG VÀ CÁC NỮ HÀNG XÓM
KHÁCH VÀO QUÁN
XÃ TRƯỞNG
ĐÔI VỢ CHỒNG TRẺ
SƯ CỤ
TUỆ THÔNG : (Mặc nô khi tu hành) 40 tuổi
TRÍ THÔNG
CÁC KHÁCH BỘ HÀNH
CHỦ QUÁN BÊN ĐÈO
CHA CON THỢ RÈN
TRÁNG SĨ
VÀ MỘT SỐ NHÂN VẬT PHỤ
Kịch bản thử nghiệm cho sân khấu kịch nói, sân khấu không trang trí, hoặc chỉ một tranh chủ đề.
CẢNH 1
Nhà quan Đốc tướng
(Đêm. Bộ đèn nến đã được thắp sáng. Đốc tướng vừa ăn cơm tối xong, ngồi xỉa răng, uống trà. Thấy ấm trà hết, ông gọi vào trong)
ĐỐC TƯỚNG: Mặc nô đâu? ( có tiếng “dạ” bên trong) Ra pha thêm ấm trà đây!
(Mặc nô ra, cầm nước sôi ra pha vào ấm trà, động tác lễ phép cẩn thận)
Thôi được, để đấy cho ta. Bảo Lục Nương mang đàn ra đây.
(Mặc nô “dạ”. Lục Nương trang điểm lộng lẫy, đẹp nhưng có nét lẳng lơ, ra, cầm cây đàn cổ tương tự như đàn tranh, nhưng mặt không cong, dây to, ngồi xuống ghế, đánh đàn …)
(Bỗng lính thị vệ ra)
ĐỐC TƯỚNG: Ủa, thị vệ! Có việc gì vậy ?
THỊ VỆ: Bẩm Đốc Tướng, đức vua cho mời ngài vào cung, có việc gì bàn gấp ạ!
ĐỐC TƯỚNG: Được, ta cho lui. (Thị vệ vào)
ĐỐC TƯỚNG: Lục Nương, thôi cất đàn đi! Và lấy áo bào cho ta.
(Lục Nương vào)
ĐỐC TƯỚNG: Mặc Nô! Đưa kiếm đây.
(Mặc nô đưa kiếm ra, Đốc Tướng dắt vào lưng. Lục Nương mang áo bào ra mặc cho Đốc Tướng. Đốc Tướng véo vào má Lục Nương…)
ĐỐC TƯỚNG: Thôi, ở nhà chờ ta. Chắc có việc quan trọng.
MẶC NÔ: Bẩm, để con theo hầu?
ĐỐC TƯỚNG: Đã có vệ sĩ chờ sẵn. Vào cung không được cho lính hầu theo.
(Bước ra – vào)
(Lục Nương bước nhẹ theo, rồi dừng lại nhón gót nhìn ra xa hồi lâu, quay vào)
LỤC NƯƠNG: (gọi vào trong) Anh Mặc ơi!
MẶC NÔ: (ra) Bẩm, bà lớn gọi gì ạ?
LỤC NƯƠNG: (Chỉ tay vào trán Mặc Nô) Lại vẫn bà lớn! Ra đóng cửa lại mau!
(Mặc Nô vào rồi ra)
MẶC NÔ: Bẩm bà lớn – xong rồi ạ!
LỤC NƯƠNG: (Bước tới khép kín cửa, quay lại lơi lả, cầm tay Mặc Nô kéo đến ấn xuống ghế )
Xong rồi thì ngồi đây bà lớn bảo !
(Mặc Nô vừa ngồi xong. Lục Nương ngồi ngay vào lòng hắn )
MẶC NÔ: (Hoảng hốt) Ấy bà lớn, không được đâu! Đây là phòng khách , với lại trời mới vừa tối …
(Lục Nương đứng dậy, bước tới quay mặt lại)
LỤC NƯƠNG: (Xỉa xói) Đè nhau trên giường bao nhiêu lần rồi , mà vẫn cứ bà lớn, bà lớn! Bất đắc dĩ tôi phải làm vợ hầu cho lão Đốc Tướng, chồng 75, vợ 25 chịu cái cảnh dùi đục chấm nước mắm, tôi mới tìm đến anh. Vừa đẹp trai, vừa sung sức, chứ tôi thá gì cái chức bà lớn! Thôi nào, lại đây!
(Lấy rượu của Đốc Tướng, rót, đưa cho Mặc Nô) Uống rượu đi (ép Mặc Nô uống). Có biết rượu gì đây không? Rượu “ Nhất dạ ngũ giao”, vua thưởng cho lão đấy. (Lại rót ép Mặc Nô uống). Uống nữa đi ! Đêm nay dịp may hiếm có, hai ta đàng hoàng làm chủ nhà nầy cho đến khuya, anh Mặc ơi, ôm em đi! Ôm bà lớn đi!
( Mặc Nô, rượu vào cảm thấy hưng phấn, sáng mặt ra, gật gù, lấy bình rượu dốc hết, nhìn sang Lục Nương thấy ả đang cởi bỏ áo ngoài , liền bế xốc ả lên)
MẶC NÔ: Nào ! Mời bà lớn
LỤC NƯƠNG: Đêm nay, ta nhất dạ ngũ giao nhen!
(Mặc Nô bế Lục Nương đã cởi áo ngoài, vào. Sân khấu vắng lặng hồi lâu… Tiếng mõ canh đếm vọng ra, điểm canh 3. Bỗng, Đốc Tướng ra, bước tới gọi)
ĐỐC TƯỚNG: Mặc Nô! Mặc Nô!
(Gọi mãi không được, ông đưa chân đạp mạnh, cửa bật ra, ông bước vào phòng khách, cởi bỏ áo bào, rút kiếm ra để trên bàn, rồi vào trong…)
(Tiếng Đốc Tướng vọng ra) Ối chao ơi! Cặp gian phu, dâm phụ! Chưa tỉnh cuộc mê say! Bọn bay chết! Bọn bay chết!
(Đốc Tướng ra lấy kiếm vào, Lục Nương và Mặc Nô chạy ra. Lục Nương người khoác mảnh vải, Mặc Nô chỉ có quần đùi, Đốc Tướng tay cầm kiếm đuổi ra, bước nhanh đứng chắn trước cửa.)
ĐỐC TƯỚNG: (Vừa thở, vừa nói) Thật tao không ngờ! Cặp gian phu dâm phụ … Đố bay chạy đâu cho thoát !
LỤC NƯƠNG: (Chắp tay vái:) Trăm lạy quan lớn, ngàn lạy quan lớn, em mới một lần xin quan lớn tha cho.
MẶC NÔ: (Người run bần bật nói lắp bắp) Bẩm…. bẩm… cụ …. cụ lớn…
ĐỐC TƯỚNG: Bọn bay làm ô uế nhà ta, bọn bay phải chết!
(Đốc Tướng tuốt kiếm lên cao, chực bước tới, hai đứa vội tránh tầm kiếm, chờn vờn với nhau …bỗng Mặc Nô đá chiếc ghế đẩu con đến chân Đốc Tướng đang định bước tới, ông vấp ngã. Mặc Nô giằng ngay thanh kiếm , Lục Nương thét lớn)
LỤC NƯƠNG: Đâm chết lão đi!
(Trong cơn hốt hoảng Mặc Nô cầm kiếm cắm ngay vào lưng Đốc Tướng, ông ngã ra chết. Mặc Nô đang sửng sốt chưa nói lên lời thì Lục Nương đã kéo tay hắn lôi đi)
LỤC NƯƠNG: Lão chết rồi ! Ta thu xếp chạy trốn nhanh thôi ! (Lục Nương lôi Mặc Nô chạy gấp vào trong rồi chạy vào. Đèn sân khấu tắt hồi lâu , rồi sáng rực lên hồi lâu, rồi lại tắt, rồi lại sáng rực lên, ngụ ý đã qua hai ngày đêm. Chị hàng thịt ra, đứng góc sân khấu gọi với)
CHỊ HÀNG THỊT: Anh Mặc ơi! Ra lấy thịt! (im lặng) (gọi to hơn) Anh Mặc ơi, ra lấy thịt!
(Nói riêng) Ủa trời đã sáng rõ rồi, sao mà im ắng thế nầy? Hay là anh ta đi hầu quan Đốc Tướng từ sớm! Tôi gọi Nương Nương vậy! ( gọi to dịu dàng) Thưa Nương Nương, xin Nương Nương ra lấy thịt. Ủa lạ này, cả nhà đi vắng cả sao? Cổng không đóng mà? ….Hay là, tôi thử xem. ( bước hẳn ra) Ủa mà cửa mở toang kìa! (bước hẳn vào phòng khách, nhìn thấy Đốc Tướng chết, hoảng hốt, hoảng hốt kêu to và chạy vụt vào)
(Chuyển cảnh)
CẢNH PHỤ
(Quảng trường trống trước dinh Đốc Tướng. Chị hàng thịt gánh hàng chạy ra, chân không vững, vừa chạy vừa kêu rồi khập khạnh đặt gánh xuống, ngồi phịch, hoảng hốt)
CHỊ HÀNG THỊT: Ối giời đất ơi! ối ba hồn bảy vía tôi ơi! ( thở hổn hển)
Mấy người nữ chạy ra.
NỮ A: Cái gì thế?
NỮ B: Làm gì như bị ma đuổi?
CHỊ HÀNG THỊT: Ối ba hồn bảy vía tôi ơi? Tôi mang thịt đến cho anh Mặc như mọi ngày, gọi mãi không thấy, nhìn vào cửa mở toang, tôi thử bước vào nhìn, ối ba hồn bảy vía tôi ơi! Quan Đốc tướng nằm chết giữa phòng khách, nhà vắng tanh như chùa bà đanh!
NỮ A: Chứ anh Mặc đâu?
CHỊ HÀNG THỊT: Chẳng thấy ai cả.
NỮ B: ( Đanh đá và ra vẻ thạo đời)
Thôi biết rồi!
NỮ A: Sao hả?
NỮ B: Hàng xóm người ta đoán từ lâu: Chồng bà bảy chục, vợ trẻ hai mươi, rượu thịt tơi bời, trúng phòng có lúc.
NỮ A: Thế vợ lớn của Đốc tướng mất rồi à?
CHỊ HÀNG THỊT: Đâu! bà ấy ở quê với cậu con trai lên mười.
NỮ A: Sao mà bà ấy dại thế nhỉ! Có chồng làm quan to, dinh thự lớn, không ở với chồng để hương vinh hoa phú quý, lại ở quê, để ông ấy mua nàng hầu!
CHỊ HÀNG THỊT: Bà ấy không dại đâu. Bà ấy sợ lên ở với ông, cậu con trai sẽ giao du với các công tử con quan lớn, lây nhiễm cái thói cậy thế, cậy quyền, lại lắm tiền ăn chơi đàn đúm hư hỏng. Các cô không thấy lũ công tử con các quan to ở Đô Thành đấy sao?
NỮ A: Ờ thằng nào thằng nấy ra phố là nghênh ngang, ngửa mặt lên trời , nhìn dân bằng nửa con mắt.
NỮ B: Đêm nào về khuya một lũ tụ tập nhau phía cửa bắc, thách nhau đua xe đua ngựa, bụi nay mịt mù, ngựa hí om sòm không ai ngủ được.
(Chợt nhìn thấy hai mẹ con đốc tướng phu nhân)
À mà ai như phu nhân đốc tướng và cậu con trai đang đến kìa? Chết! Phải rồi! ba ngày nữa là ngày sinh nhật của Đốc Tướng, năm nào dịp này phu nhân cũng đưa con trai ra.
(Phu nhân và Trí Dũng 10 tuổi, ra).
CHỊ HÀNG THỊT: Xin chào phu nhân, chào công tử ạ!
NỮ A, B: Bọn cháu chào phu nhân, chào công tử ạ!
PHU NHÂN: Xin chào chị và các cô. Xin đừng gọi cháu là công tử, cứ gọi cháu là Dũng, cháu mới lên mười. à! Kìa chào thím, chào các cô đi con!
TRÍ DŨNG: Cháu chào thím, chào các cô ạ
(Quan Đô thống và lính tuần ra)
ĐÔ THỐNG: Kìa, xin chào phu nhân, sao phu nhân hay tin nhanh thế?
PHU NHÂN: ( Ngơ ngác) Tin gì ạ!
ĐÔ THỐNG: Tôi vừa nghe lính tuần tra báo quan Đốc tướng bị giết sao? ( nắm tay Trí Dũng). Vào đi con!
TRÍ DŨNG: Cha ơi! ( chạy vụt vào) ( hai lính ra)
LÍNH: Tao với mày đi in hình truy nã đề bắt kẻ gian ( vào) ( Chuyển cảnh)
CẢNH II
Ba năm sau
(Trên vùng trung du. Trên đường đi xuyên qua mặt rừng thông, một ngôi quán nhỏ. Trong quán , một khách đang ngồi nhắm rượu. Xong cốc rượu cuối cùng, khách đứng dậy)
DU KHÁCH: Chủ quán! Tính tiền
CHỦ QUÁN: (Chính là Mặc Nô ra) Thưa 5 tiền ạ
(Du khách lấy tiền đếm trả)
DU KHÁCH: Thôi, chào chủ quán – Rượu ngon lắm
CHỦ QUÁN: Có dịp xin mời quý khách ghé lại …
(Du khách vào, Lục Nương ra)
LỤC NƯƠNG: (Hỏi Mặc Nô) Khách đâu hết rồi ?
MẶC NÔ: (Lạnh lùng) Đi hết rồi !
(Lục Nương quay nhanh vào trong, cầm một gói giấy ra, đặt nhanh lên bàn)
LỤC NƯƠNG: (Đập bàn, gằn giọng) Này! tôi hỏi anh! Anh mua thuốc mê làm gì vậy?
Mà ngày nay cả hai tên khách đến đúng giờ, đều tỉnh khô ra về vậy?
MẶC NÔ: (Thản nhiên)Từ nay không đánh thuốc mê nữa, làm ăn lương thiện
LỤC NƯƠNG: Hừ! Đã nhúng chàm rồi mà định rửa tay! Tôi nói anh biết, không rửa sạch đâu! Hay tối nay định bỏ quán trốn đi để mặc tôi một mình xoay xở ?
MẶC NÔ: Không trốn đi đâu cả.
LỤC NƯƠNG: (Hằn học) Vậy thì tiền đâu cho đủ mua cái trang trại, làm chủ hơn trăm nông nô, lên ngai chúa đất như đã tính hả?
MẶC NÔ: (Thản nhiên) Không trang trại gì hết. Bà biết không, suốt mấy tháng nay đêm nào tôi cũng năm mơ thấy hồn ma đến đòi mạng. Thật không ngờ, dính với bà, giết chủ tướng, rồi lại giết người.
LỤC NƯƠNG: Thế ông tưởng chủ tướng của ông không giết người sao?
MẶC NÔ: Chủ tướng của tôi giết người bao giờ hả?
LỤC NƯƠNG: Anh có biết ông ấy nhặt tôi từ đâu ra không? Từ đống tro của một ngôi làng bị ông ấy ra lệnh cho quân lính đốt phá đấy…
(Mặc Nô ngạc nhiên)
LỤC NƯƠNG Ông ấy dìm cả làng tôi trong đống lửa, không phải là giết người sao? Ông ấy còn được vua giao cầm quân triệt hạ tất cả những nơi không tuân lệnh vua. Ông ấy đã giết hàng nghìn người ấy chứ!
MẶC NÔ: Nhưng thôi, không cãi vã với cô nữa, tôi chỉ nói bắt đầu từ ngày mai làm ăn lương thiện. Nếu cô không chịu, tôi sẽ bỏ di ngay bây giờ.
LỤC NƯƠNG: Thôi, tôi chịu vậy (đến ôm Mặc Nô). Anh Mặc ơi, đừng bỏ em.
MẶC NÔ (Chợt hất Lục Nương ra) À mà này!
LỤC NƯƠNG Cái gì?
MẶC NÔ Mấy hôm nay thằng xã trưởng cho mời cô đến nhà hắn làm giấy tờ. Tôi hỏi cô: giấy tờ gì vậy?
LỤC NƯƠNG Anh hỏi lạ chưa! không giấy tờ mà cái quán này ở yên đây được sao?
MẶC NÔ Thằng xã trưởng ấy goá vợ, mỗi lần đến đây mắt nó cứ nhìn cô đảo nghiêng đảo ngược. Vậy nó làm giấy cho cô ngoài phòng hay trong phòng riêng?
LỤC NƯƠNG: À, à, Anh ghen đấy à? Vậy mà về sau anh hẵng tự đi mà làm giấy tờ với lão! Có mà cái quán này phải đóng cửa tức khắc! Trừ phi xã trưởng là đàn bà thì anh còn lo được, chứ đằng này là đàn ông. nếu giao dịch với lão thì mỗi lần phải mất bạc nén!
MẶC NÔ: Vậy cô thay thế bạc nén bằng cái gì? Cái gì ? Hả?
LỤC NƯƠNG: Thì có hao mòn cái gì đâu nào? Anh phải cố mà chịu chứ! Không riêng gì xã trưởng, mà cả đến cửa huyện nữa, đàn ông đến cầu kiện quỳ lên quỳ xuống không xong phải tuôn vàng thoi bạc nén ra mới đựoc, đàn bà đến chỉ đưa mắt liếc qua thầy lại, liếc tới quan huyện mấy cái là xong tất! Anh có được tôi, vừa đẹp lại vừa biết hát, múa, lo giao dịch với xã trưởng, mà không biết chừng có lúc phải đến cả huyện trưởng nữa, đã không biết ơn , lại còn đổ ghen đổ oán!
MẶC NÔ: Nhưng mà tôi cấm cô từ nay không được đến lão xã trưởng nữa! Cái quán này dẹp cũng được.
LỤC NƯƠNG: (Tát tai nẩy lửa Mặc Nô)
Anh cấm tôi à? Mày cấm tao à? Mày có nhớ mày là gì không? Mày quên cái chữ nô gắn vào tên mày rồi sao? Dù hồi còn ở dinh hay bây giờ sự thật, mày chỉ là tên đầy tớ của ta thôi! Đừng có quên điều ấy mà nhầm!
(Xã trưởng ra)
XÃ TRƯỞNG: (Bước vào quán hơi ngỡ ngàng) Xin chào…
LỤC NƯƠNG: (quay ra vồn vã) A! Anh xã!
(Mặc Nô bỏ vào trong)
XÃ TRƯỞNG: (Hất hàm, hỏi kín Lục Nương) Có việc gì vậy?
LỤC NƯƠNG: (Lắc đầu tỏ ý không có gì quan trọng): Mời anh Xã ngồi. Để em pha trà.
(Xã trưởng ngồi, Lục Nương pha trà)
LỤC NƯƠNG: Mời anh xã uống trà. Dạ, có việc gì không vậy anh Xã?
XÃ TRƯỞNG: Không có gì đáng lo đâu. Số là quan huyện về xã thẩm tra tình hình tội phạm, nghe tôi nói có cô hát hay lắm, quan huyện muốn mời cô tối nay đến múa hát cho quan thưởng thức tài nghệ. Việc này rất có lợi cho công cuộc làm ăn ở quán, mong cô đừng từ chối
LỤC NƯƠNG: Tưởng gì chứ việc đó thì em sẵn sàng. Vậy anh chờ em vào thay áo
(Lục Nương vào khoác áo ra)
XÃ TRƯỞNG Vậy xin mời cô đi với tôi kẻo quan huyện chờ (cả hai vào).
MẶC NÔ: Hoá ra lâu nay con đĩ ấy sang hát, múa, ngủ với Xã trưởng. Nó lại còn dám lên mặt chủ với ta!
(Mặc Nô đá ngã bàn nghế, vừa đá vừa thét: chủ này! Tớ này! Chủ này! Chủ này! Tớ này! Hắn bị vấp ngã. Thấy một cái chai rượu lăn lông lốc, hắn chộp lấy, nốc liên tục..và ngã ra say…Sân khấu vang tiếng trống canh đếm điểm canh ba, tiếng chim cú kêu…
Mấy bóng ma trắng toát hiện ra trong ánh sáng mờ, khua bàn ghế, đồ đạc. Mặc Nô đang nằm tỉnh dậy, trong cơn nửa tỉnh, nửa mê)
MẶC NÔ: Ai đó vậy!
CÁC BÓNG MA: A! Mặc Nô đây! Mặc Nô trả mạng cho ta! Trả mạng cho ta!
MẶC NÔ: Ôi, các người là ai?
CÁC BÓNG MA: Chúng ta là những bóng ma của những xác người bị ngươi giết vùi quanh đây, người quên rồi sao? Trả mạng lại cho ta! Trả mạng lại cho ta!
(Tất cả dồn lại vây quanh Mặc Nô còn đang dở đứng, dở ngồi)
MẶC NÔ: (Lết quanh sàn để tránh ) Lạy các người! Không phải tại tôi, tại con quỷ cái nó xúi giục tôi, xin các người hãy bắt nó.
CÁC BÓNG MA: Hãy bắt người trước đã!
MẶC NÔ: Ôi! xin tha cho tôi! Xin tha cho tôi!
(Lục Nương về đẩy cửa vào nghe tiếng kêu của Mặc Nô và thấy dáng hắn hoảng hốt.)
LỤC NƯƠNG: Anh Mặc! Anh Mặc! Chuyện gì vậy?
(Lục Nương đốt nến sáng lên, các bóng ma biến mất, Mặc Nô ngã bất tỉnh)
LỤC NƯƠNG: Chắc lại chiêm bao chứ gì? Thôi kệ xác lão. Phần ta cứ lo ngủ
(Vào)
VẪN CẢNH QUÁN
(Mặc Nô vừa sửa soạn bàn ghế xong. Hai vợ chồng trai trẻ, vợ cổ đeo chuỗi hồng ngọc ra, bước vào quán).
MẶC NÔ: Xin chào quý khách. Mời qúy khách vào quán
CHÀNG TRAI: Quán ông chủ bán thức ăn gì vậy?
MẶC NÔ: Dạ, chuyên bán các món thịt dê, lại có rượu thuốc ngự nhất dạ ngũ giao.
CHÀNG TRAI Vậy, cho tôi tiết canh và rượu
MẶC NÔ Dạ, có ngay ạ.
( Mặc Nô vào, Lục Nương dưa hai đĩa tiết canh ra, liếc mắt nhìn vào cổ cô gái)
LỤC NƯƠNG: Xin mời qúy khách
( Mặc Nô mang mâm rượu ra, Lục Nương đón lấy)
Ông đưa đây cho tôi. ông vào sửa tiếp món lẩu, phòng khi quý khách ăn tiếp.
(rót rượu và lén liếc nhìn chuỗi hồng ngọc)
Mời quý khách dùng rượu quý
CÔ GÁI: ( Hơi e dè) Xin cô cứ để chúng cháu tự tiện
(cả hai uống hồi lâu.. Mặc Nô, Lục Nương đều vào bên trong)
CHÀNG TRAI: Bác quán ơi! Tính tiền!
(Cả hai bước ra ngoài quán. Lục Nương đứng tần ngần nhìn theo bỗng ả gọi lớn)
LỤC NƯƠNG: Anh Mặc!
MẶC NÔ: (ra) Đã hứa tối qua rồi , gọi gì?
LỤC NƯƠNG: Con nhỏ có chuỗi hồng ngọc đẹp quá. Không cần giết! Đuổi theo lấy chuỗi hồng ngọc cho tôi! Nếu nó không trao hẵng giết! Một lần nữa thôi mà!
(Ả lấy dao ấn vào tay Mặc Nô)
Đi ngay đi! Kẻo không kịp!
(Mặc Nô tay cầm cán dao, nắm chắc, mắt như đổ lửa. Trong thâm tâm quá tức giận muốn chém Lục Nương. Nhưng cố dằn lại, vụt chạy vào)
CẢNH 3
Cảnh đường
( Chàng trai cô gái đang đi)
CÔ GÁI: (dừng lại) Anh à!
CHÀNG TRAI: Gì vậy?
CÔ GÁI: Vừa rồi em thấy mụ chủ quán cứ nhìn sòng sọc vào cái mặt hồng ngọc của dây chuyền, em sợ quá!
CHÀNG TRAI: Đã bảo đi đường đừng đeo làm gì, thôi cởi ra cất đi!
(Cô gái cởi xong thì Mặc Nô xuất hiện, cả hai hoảng hốt quỳ xuống)
CẢ HAI: (Lạy như tế sao) Xin tha mạng
Xin tha mạng
CÔ GÁI: (Hai tay nâng chuỗi hồng ngọc lên)
Cháu xin dâng sợi dây chuyền, xin ông tha mạng
MẶC NÔ: (Nói to như ra lệnh) Đứng dậy, chạy cho nhanh, kẻo con quỷ cái nó đuổi kịp! Chạy đi!
(Cả hai đứng dậy, chắp tay vái và chạy nhanh. Mặc Nô còn lại một mình trên đường vắng. Chợt nhìn thấy con dao còn trong tay, hắn ném dao ra xa, lững thững bước vào…rồi ra)
Chiều đã tà, trời sắp tối rồi. Ta biết đi đâu bây giờ?
(Bỗng từ xa có tiếng chuông chùa vọng đến)
Ôi! Tiếng chuông chùa, tiếng chuông chùa!
(Mặc Nô lắng nghe…nhìn…)
A kia rồi! Có ngôi chùa ẩn kín trong rừng thông trên ngọn đồi đằng kia…Ta đến chùa xin quy y phật
( Đi vào nhanh)
TIẾNG GỌI TRONG MÀN: Anh Mặc ơi! Anh Mặc ơi!
(Lục Nương chạy ra nhìn xung khắp quanh)
LỤC NƯƠNG: Vậy là chắc hắn bỏ trốn
Hắn phản ta rồi! (Dậm chân) Hắn phản ta rồi!
(Chống nạnh quai nồi, thở dốc, tức tối hồi lâu…bỗng đổi sắc mặt vui vẻ)
A ha, mà ta cóc cần! Mất anh Nô ta còn anh Xã, ta còn cả một rương vàng bạc nữ trang gom góp lâu nay.
XÃ TRƯỞNG: Lục Nương!
LỤC NƯƠNG: ( quay lại) Ô, anh Xã ( ôm chầm xã trưởng)
XÃ TRƯỞNG: Em làm gì ở đây, anh đến thấy quán vắng, cửa lại không đóng…
LỤC NƯƠNG: Lão Mặc bỏ đi rồi! Càng tốt! từ nay anh Xã đến ở luôn với em, tha hồ…
XÃ TRƯỞNG: Sao được?
LỤC NƯƠNG: Sao vậy?
XÃ TRƯỞNG: (đưa đồ hoạ hình truy nã ra) Cô thấy cái gì đây không? Hoạ đồ triều đình truy nã cô và Mặc Nô đấy!
LỤC NƯƠNG: (xem qua rồi ngã vào lòng xã trưởng) Nhưng mà em đang ở trong tay anh đây mà!
XÃ TRƯỞNG: Không đùa gỡ được đâu, may mà có tôi chứ gặp xã trưởng khác thì chết.
LỤC NƯƠNG: (õng ẹo) Thì em biết mà!
XÃ TRƯỞNG: Vậy thì mau về thu vén mọi thứ, bỏ quán, tạm lánh đi một chỗ rồi ta thu xếp sau. Đi!
( Cùng vào)
CẢNH 4
Cảnh phương trượng trong chùa
(Sư cụ đang ngồi toạ thiền, tay cầm chuỗi hạt. từ trong vọng ra tiếng tụng kinh gõ mõ. Mặc Nô ra, nhìn, rồi bước vào phương trượng)
MẶC NÔ: (quỳ) Bạch quá tôn sư!
(Không nghe sư cụ nói gì, hắn ngước nhìn, sư cụ đang nhắm mặt lần chuỗi hạt. Chờ sư cụ lần xong chuỗi hạt, mở mắt, Mặc Nô nói ngay)
Bạch quá tôn sư.
(Sư cụ mở mắt ra nhìn)
SƯ CỤ: Ủa tín chủ đến bao giờ, tín chủ hãy đứng dậy
MẶC NÔ: (Vẫn quỳ) Bạch quá tôn sư, đệ tử từ kinh thành đến quỳ trước tôn sư, xin được thí phát quy y xuất gia cầu Phật.
SƯ CỤ: Nhưng tín chủ hãy đứng dậy đã (Mặc Nô đứng dậy chắp tay trước ngực. Sư cụ nói tiếp)
Con người ở cõi đời phồn hoa, vật chất này mà có lòng mộ đạo, quyết chí quy y, đó là việc rất tốt.
MẶC NÔ: Đệ tử xin kể lại lỗi của mình để tôn sư xét.
SƯ CỤ: Không cần. Đạo Phật Tổ Thích Ca Như Lai đã dạy:
“ Tất cả chúng sinh đều có phật tính. Buông con dao mổ trâu, lập tức thành phật”
MẶC NÔ: Vậy, kể từ nay xin rũ sạch bụi trần, xin sư phụ nhận làm môn đệ.
SƯ CỤ: Đệ tử đã phát nguyện quyết chí tu hành, vậy thì thầy đặt cho đệ tử pháp danh là Tuệ Thông, cùng với các đạo hữu lo học thông kinh kệ, luyện thuốc giúp đời (gọi lớn vào trong) Trí Thông!
(Sư Trí Thông ra)
TRÍ THÔNG: Thưa, sư phụ dạy gì?…
SƯ CỤ: Đây là đạo hữu mới của con, pháp dinh là Tuệ Thông. Con hãy giúp đạo hữu Tuệ Thông làm lễ thí phát quy y.
TRÍ THÔNG: Bạch thầy, vâng ạ.
SƯ CỤ: Tuệ Thông con! Hãy bắt đầu cuộc sống xuất gia, kinh kệ làu thông vị tha vô ngã.
TUỆ THÔNG: Bạch thầy vâng ạ.
(Chuyển cảnh)
CẢNH 5
Ngôi nhà mới của Lục Nương, chuyển nghề mua bán của gian, cho vay nặng lãi. Gian nhà khách bày biện sang trọng, sập gụ khảm trai…trên tủ gụ chạm gỗ cầu kỳ có tượng Phật mạ vàng.
(Lục Nương đang ngồi gõ mõ. tụng kinh…Xong, ả vái rồi quay ra lấy sổ nợ tìm…)
LỤC NƯƠNG: Tổng Khậu đâu? Ra bảo đây!
TỔNG KHẬU: (ra) Thưa bà gọi gì?
LỤC NƯƠNG: Sao thấy trong sổ còn tới ba người chưa trả lãi trong kỳ?
TỔNG KHẬU: Thưa bà , họ nghèo quá ạ.
LỤC NƯƠNG: Thế tụi nó vay để làm gì?
TỔNG KHẬU: Dạ toàn là kẹt tiền thuốc thang cho cha mẹ vợ con ốm nặng, mà chỉ có hoàn cảnh kẹt như thế họ mới phải chấp nhân mức lãi nặng như thế ạ.
LỤC NƯƠNG: Nhưng bảo chúng nó biết vay thì phải trả lãi chứ?
TỔNG KHẬU: Nhưng rủi họ lại bị mất mùa.
LỤC NƯƠNG: Thế thì ngươi đến nhà chúng, xiết đồ trả lãi!
TỔNG KHẬU: Thưa, nhà thờ Phật, tụng kinh, làm như vậy thất đức lắm ạ.
LỤC NƯƠNG: Thờ Phật là thờ Phật, làm ăn là làm ăn. Ngươi có biết ta cầu Phật làm gì không? Ta đã chết đâu mà cầu siêu sinh tịnh độ, ta cầu Phật run rủi cho có nhiều người đến vay, cho ta gặp nhiều món bở
Đi thúc nợ chúng nó ngay đi! Cùng lắm thì cho chúng nó ký vào giấy chịu tăng lãi gấp đôi, đi đi!
(Tổng Khậu vào. Một thanh nhiên ra nhìn trước nhìn sau, bước vào hai tay ôm một bọc vải)
THANH NIÊN: Thưa bà…
LỤC NƯƠNG: (Ngẩng lên) Chú hỏi gì?
THANH NIÊN: Dạ nghe nói ở đây bà mua đồ cổ?
LỤC NƯƠNG: (Sáng mắt) A, đúng rồi! Đúng rồi đấy!
THANH NIÊN: (Mở bọc lôi ra chiếc lọ cổ hình vuông) Dạ cháu có cái này.
LỤC NƯƠNG: Đưa tôi coi!
(Lục Nương cầm xem kỹ, biết được của quý, nhưng cố giấu vẻ mừng rỡ) Ồ! Đây là cái lọ sứ thường, cổ kiếc gì đâu?
THANH NIÊN: Thưa bà, bà xem kỹ lại đi. Cổ vật gia bảo ba đời nhà cháu đấy. Loại lọ sứ hình vuông nầy rất hiếm, cái lọ này có chữ triệu in đỏ dưới chân, là từ thời Tần bên Tàu. Mẹ cháu ốm nặng thầy thuốc bảo phải tìm mua cho được loại nhân sâm 200 năm mới có thể chữa lành được, nên cháu phải lén mẹ cháu mang đi bán.
LỤC NƯƠNG: Cháu trẻ không thạo, đây chỉ là hàng nhái thôi! Thế cháu định bán bao nhiêu?
THANH NIÊN: Dạ thưa bà, hai trăm lạng ạ!
LỤC NƯƠNG: Hai trăm lạng bạc cái lọ giả này à. Thôi chú mang về.
(Thanh niên gói lại, đứng dậy, quay ra)
LỤC NƯƠNG: À , mà này! Thôi cám cảnh chú, tôi trả chú một trăm lạng.
THANH NIÊN: Không được đâu thưa bà (quay bước ra)
LỤC NƯƠNG: Ôi, nam mô a di đà phật. Nhờ ơn đức Phật run rủi thằng bé thơ ngây đem đến cho con chiếc lọ cổ đáng giá nghìn lạng. Phen này, con trúng to rồi, Nam mô A di đà phật.
(Bỗng trong hậu trường có tiếng huyên náo)
TIẾNG HỎI: Chú nhỏ, nhà Lục Nương ở đâu? Chú mới ở đằng đấy ra phải không?
TIẾNG ĐÁP: Đằng kia kìa! Không biết có phải Lục Nương không, cháu chỉ biết đó là Lạc đại gia
(Lục Nương ngừng nói lắng nghe. Một tráng sĩ lưng đeo kiếm và một tuỳ tùng ra)
TRÁNG SĨ: Thưa, đây có phải là nhà của Lục Nương không?
LỤC NƯƠNG: Thưa không, tôi là Lạc Nương.
TRÁNG SĨ: (quan sát kỹ) Lục Nương! A! Đúng là người rồi! Lục Nương!
Người có biết ta là ai không? ta là con quan Đốc tướng cách đây mươi năm đã bị ngươi và Mặc Nô giết chết.
LỤC NƯƠNG: (Hoảng hốt, lúng túng) Dạ, tôi không biết việc ấy…
TRÁNG SĨ: Ta không thể nhầm người (tuốt kiếm). Tuỳ quân! Hãy tóm cổ nó!
LỤC NƯƠNG (Quỳ lạy như tế sao) Trăm lạy tiều chủ, ngàn lạy tiểu chủ, không phải con mà chính là Mặc Nô
TRÁNG SĨ: Rồi ta sẽ đi tìm Mặc Nô, sẽ giải về triều đình xử tội cả hai đứa. Trói hắn lại, dẫn đi!
( Chuyển cảnh)
CẢNH 6
Trong nhà nghỉ của chùa
(Trí Thông và Tuệ Thông đang ngồi đọc sách)
TUỆ THÔNG: Thật chán cái cảnh thầy Tam Tạng này!
TRÍ THÔNG: (ngừng đọc hỏi): Sư đệ nói gì vậy?
TUỆ THÔNG: Dạ, đệ thấy quá chán cho cái cảnh thầy Tam Tạng.
TRÍ THÔNG: Vì sao?
TUỆ THÔNG: Sư huynh nghĩ coi: bao nhiêu lần mắc nạn đều do nghe lời Trư Bát Giới, bao nhiêu tai nạn đều do Tôn Ngộ Không, thế mà thầy Tam Tạng vẫn thích nghe lời Trư Bát Giới hơn Tôn Ngộ Không, có tức không chứ?
TRÍ THÔNG: Thì con người ở đời ai lại chẳng thế! Tôi lúc chưa vào chùa, chưa học kinh kệ, cũng thích nghe lời Trư Bát Giới hơn Tôn Ngộ Không ; mà sự đệ thời còn ở ngoài đời, cũng thường thích nghe Trư Bát Giới đấy thôi!
TUỆ THÔNG: (ngạc nhiên): Huynh thích nghe Trư Bát Giới, đệ cũng thích nghe Trư Bát Giới? Sư huynh nói gì mà lạ vậy? Đệ làm gì có Trư Bát Giới mà nghe?
Trí Thông Ai chưa giác ngộ chân lý của Phật tổ đều nuôi Chư Bát Giới, Tôn Ngộ Không trong người mình hết!
và cũng đều ưu ái Trư Bát Giới hơn Tôn Ngộ Không!
TUỆ THÔNG: Đệ chẳng hiểu gì cả?
TRÍ THÔNG: Thời mới vào chùa, tôi cũng như sự đệ. May nhờ sư phụ giảng cho. Này, sư đệ biết không? Tam Tạng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới..Không phải là ba, mà chỉ là một người.
TUỆ THÔNG: (trố mắt) Sao lại chỉ là một người?
TRÍ THÔNG: Thế mới tài tình, mới kỳ diệu chứ?
Chỉ có một người. Người đó là thấy Tam Tạng đi thỉnh kinh. Tôn Ngộ Không là tượng trưng cho trí tuệ. Trư Bát Giới là tượng trưng cho dục vọng. Mỗi con người ở đời cũng thế. Trong từng con người vừa có trí tuệ, vừa có dục vọng, tức là vừa có Tôn Ngộ Không vừa có Trư Bát Giới. Và thông thường con người thích nghe lời dục vọng hơn trí tuệ và cũng chính dục vọng đưa con người tới tội lỗi, trí tuệ cứu con người thoát tội lỗi, đúng không?
TUỆ THÔNG: A, đệ hiểu rồi! Nhưng mà sao thầy Tam Tạng, bậc chân tu, mà còn mê gái?
TRÍ THÔNG: Mê gái chỗ nào?
TUỆ THÔNG: Bảy cô gái đẹp do bảy con yêu nhện biến thành đó!
TRÍ THÔNG: À, bảy cô gái đẹp đó đâu có nghĩa là con gái?
TUỆ THÔNG: Sao kỳ vậy?
TRÍ THÔNG: Đệ hãy đọc lại câu thơ đầu chương coi!
TUỆ THÔNG Đây này: “ Bàn tây động thất tình mê bản tính”
TRÍ THÔNG Đấy! Đệ thấy chưa? Bảy cô gái đẹp ấy là tượng trưng cho bảy tình cảm hỉ nộ ai lạc ái ô dục của con người, chứ có phải con gái thật đâu? Ý nói tình cảm của mình nếu không được trí tuệ kiềm chế thì nó cũng mê hoặc mình như những cô gái yêu tinh. “ Thất tình mê bản tính” “ thất tình” chứ có phải là “thất nữ” đâu. Nghĩa là tình cảm làm cho bản tính mất sáng suốt.
TUỆ THÔNG: Ra là vậy à? Nhưng mà cũng thật may cho thầy Tam Tạng.
TRÍ THÔNG: May còn có Tôn Ngộ Không chứ gì?
TUỆ THÔNG: Không phải
TRÍ THÔNG: Thế may ở chỗ nào?
TUỆ THÔNG: Ở chỗ thầy tách rời được Tôn Ngộ Không khỏi Trư Bát Giới, trí tuệ độc lập so với dục vọng, cho nên cuối cùng mọi tai nạn do dục vọng gây ra đều được trí tuệ giải cứu. Khác với con người thông thường trong đời, trí tuệ và dục vọng bị nhập cục với nhau, khiến cho ở nhiều con người, trí tuệ chẳng những không ngăn cản được dục vọng, mà lại còn a tòng với nó, bày mưu giúp kế cho nó thoả mãn, tạo nên những tội ác tày trời, mà con người đắm mê trong ấy, không biết là hoạ cứ ngỡ là phúc!
TRÍ THÔNG: Sư đệ nghĩ chí phải! Nhưng đâu phài vô tình mà các cao tăng xưa ghi những mẩu chuện Tây du, tự nghĩ tách con người Tam Tạng ra thành Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới.
TUỆ THÔNG: Thế do đâu?
TRÍ THÔNG: Do trong giáo lý nhà Phật. Rồi sư đệ sẽ học hiểu dần dần. Tách ra như thế để nhận thức, đề rèn luyện bản thân, cho Tôn Ngộ Không luôn luôn kiểm soát được Trư Bát Giới, cho trong con người chỉ còn phúc chứ không còn hoạ.
TUỆ THÔNG: Chỉ còn phúc chứ không còn hoạ?
TRÍ THÔNG: Nhưng “ phúc, hoạ” theo nhà chùa rất khác phúc hoạ ngoài đời. Sư đệ chớ vội hiểu nhầm
TUỆ THÔNG: Khác thế nào?
TRÍ THÔNG: Chỉ xin nói tắt với sư đệ vài ý. Theo nhà Phật, chỉ lo vun quén, vơ vét chạy chọt cho lợi ích của bản thân mình, dù có được chức trọng quyền cao nhà to cửa rộng, thì đó vẫn là hoạ; còn biết giúp đỡ mọi người, dù cơm muối, áo vá, đó vẫn là phúc. Con người hạnh phúc là con người không hờn, không giận, không tham, con người thương yêu mọi người và yêu cả những con vật biết chạy trốn
TUỆ THÔNG (hơi thất vọng) Ra thế à?
TRÍ THÔNG: Cho nên phải tu thân, tức là phải tự rèn luyện, rèn luyện cho Tôn Ngộ Không trong mình có sức mạnh tuyệt đối, không bị Trư Bát Giới dèm pha
TUỆ THÔNG: Có rèn luyện được không?
TRÍ THÔNG: Nếu không thì đâu còn nữa các nhà chùa? Nhưng phải kiên tâm, bền chí như con ngựa trắng của Đường Tăng…
(Có tiếng chuông)
Chết! Sư phụ gọi
( Chuyển cảnh)
CẢNH 7
Vẫn nhà chùa. Ba năm trôi qua
(Cảnh phương trượng. Sư cụ đang ngồi viết… Tuệ Thông ra, bước vào phương trượng chắp tay)
TUỆ THÔNG: Bạch sư phụ…
SƯ CỤ: (ngừng tay viết) Tuệ Thông đấy à?
TUỆ THÔNG: Bạch thầy, con vừa tụng kinh công phu sớm xong, muốn đến xin thầy một lời dạy
SƯ CỤ: Con hãy nói đi
TUỆ THÔNG: Bạch thầy, ba năm qua con theo thầy học đạo và được sư huynh dìu dắt, học thuộc ba tạng kinh, không hiểu con có lỗi lầm gì không ạ?
SƯ CỤ: Từ ngày vào cửa chùa quy y đầu Phật, ba năm qua, con quả là một Phật tử làm tròn phận sự với nhà chùa, được các đạo hữu mến, được bổn đạo tin, tuyệt nhiên không có một lỗi lầm nào cả.
TUỆ THÔNG: Bạch thầy, như vậy con đã xoá được tội ác cũ của con chưa?
SƯ CỤ: Nam mô A di đà phật! Câu hỏi ấy thầy không trả lời được
TUỆ THÔNG: Thưa thầy, vì sao ạ?
SƯ CỤ: Vì nhà chùa, cửa phật, không phải là toà án. Trong ba năm ở chùa tu hành con không phạm một lỗi lầm nào, một tội ác nào cả, con đáng mặt làm kẻ chân tu. Nhưng đạo Phật chỉ dạy cho con người hiểu sâu sắc sắc không không, vô ngã vị tha, để cứu khổ, cứu nạn cho cả loài người, chứ không có phép màu nào để xoá tội ác cũ của ai cả.
TUỆ THÔNG: Bạch thầy, con tha thiết muốn làm thế nào để xoá tội ác cũ. Phạm tội vài tháng nhưng tu hàng ba năm vẫn chưa được xoá, xin thầy chỉ co con một cách nào.
SƯ CỤ: Nếu con quyết muốn như vậy thì con chỉ còn một cách: con đã phạm tội với người đời thì phải tìm câu trả lời trong người đời chứ không phải trong nhà chùa. Phật đã dạy:” Phật pháp tại thế gian bất lý thế gian giác” nghĩa là” Phép Phật ở ngay giữa cuộc đời, không thể lánh xa cuộc đời mà giác ngộ được”. Ba năm xuất gia tu hành của con là để rèn luyện bản lĩnh cho con nhập thế.
TUỆ THÔNG: Xin sư cụ dạy tiếp ạ ( quỳ xuống)
SƯ CỤ: Với tư cách trí tuệ của một nhà sư chân tu, thầy cho con rời cửa nhà chùa xuống núi lăn lộn giữa thế gian. Con hãy gắng làm tất cả những việc có ích cho mọi người. Tội ác cũ của con là gì? Thầy không hỏi, không biết, nhưng trong cuộc hành trình võ ngã vị tha ấy. nếu như con thấy có việc gì cần cho người đời, mà con nghĩ rằng làm xong được việc ấy, có thể xoá được tội cũ, con hãy kiên tâm cố sức mà làm. Khi công việc thành, con hãy kể lại với người đời tội của con, và tìm câu trả lời ở họ
TUỆ THÔNG: Bạch thầy, con hiểu rồi ạ! ( lạy và đứng dậy)
SƯ CỤ: Thế là con sáng trí đấy.
( Đứng dậy) Vậy thầy chúc con nhập thế thành công.
TUỆ THÔNG: ( chắp tay) Xin bái biệt thầy
( Chuyển cảnh)
CẢNH 8
Một năm sau
(Cảnh đường, sân khấu trống. Tuệ Thông ra, mình khoác áo vàng, tay cầm thiền trượng, một bên vai đeo khăn gói, một bên đeo bình bát. Từ xa vọng tới tiếng tù và rúc gọi trâu về chuồng)
TUỆ THÔNG: Tiếng tù và gọi trâu về chuồng, trời sắp tối rồi! Quanh đây không thấy chùa miếu gì. Hãy tạm nghỉ chân đã.
(ngồi xuống bên bãi cỏ ven đường, lấy bình bát ra đặt xuống định ăn cơm. Bỗng, bên trong có tiếng kêu
“ Cứu tôi với, cứu tôi với!” và tiếng thét “Đố mày chạy đâu cho thoát”, rồi một phục nữ ăn mặc tử tế chạy vụt ra, vừa chạy vừa kêu và chạy vào cánh gà, rồi một thanh niên ăn mặc bình dân, tay cầm dao phay chạy ra, vừa chạy vừa thét. Không kịp hành động gì, Tuệ Thông vội lấy thiền trượng ném ra, thanh nhiên vấp ngã, dao văng ra)
THANH NIÊN: Ai phá ta vậy?
TUỆ THÔNG: (đến đỡ) Xin thí chủ bớt nóng giận
THANH NIÊN: À, thì ra nhà sư ( sừng sộ) Sao ông lại ngáng đường tôi hả? Ông có biết là ông đã cứu con mụ ác bá thoát chết không? Dao tôi đâu?
TUỆ THÔNG: Xin thí chủ hãy bình tĩnh.
THANH NIÊN: (vẫn sừng sộ) Là nhà sư như ông lại bênh vực cho kẻ ác?
TUỆ THÔNG: Trước hết bần đạo phải cứu cho thí chủ khỏi phạm tội ác, khỏi phạm tội giết người
THANH NIÊN Nhưng mà nó hành hạ con tôi, con tôi đang hấp hối sắp chết kia rồi
TUỆ THÔNG: Cháu đang hấp hối à? Cháu đâu?
THANH NIÊN: Thầy có biết làm thuốc không?
TUỆ THÔNG: Có. Hãy cho bần tăng gặp cháu
THANH NIÊN: Thầy đi với tôi (lôi Tuệ Thông)
( Chuyển cảnh)
CẢNH 9
Nhà thanh niên, nhà nghèo.
(Một thiếu niên độ chừng 12 tuổi đang nằm hôn mê. Vợ thanh niên, mẹ cháu, đang ngồi bên cạnh. Thanh niên và Tuệ Thông đang đứng cạnh giường)
THANH NIÊN: Thưa thầy, cháu còn hôn mê đấy. Trong người cháu có vết cán chổi mụ ta quật vào còn bầm tím
(Tuệ Thông mở khăn gói lấy thuốc ra, lấy mật gấu)
TUỆ THÔNG: Lấy ít đường hoà mật gấu đổ cho cháu. Thái cho tôi mấy lát gừng
(Tuệ Thông lấy bộ kim và điếu thuốc lá ngải cứu ra, vừa cứu vừa châm..người nhà đổ nước mật gấu vào miệng cháu…Giây lát, cháu ngồi dậy, thổ ra máu bầm)
VỢ: Ôi, chết rồi, con tôi mửa ra máu!
TUỆ THÔNG: Mô Phật! Tốt quá! Qua cơn nguy hiểm rồi!
THANH NIÊN: Thầy nói sao?
TUỆ THÔNG: Nhờ mật gấu, cháu thổ hết ra maú ứ trong người do bị đánh. Chính những máu ứ không thoát ra đựơc làm cho cháu sốt cao và hôn mê. Chị nhìn kỹ coi toàn là máu bầm phải không?
THANH NIÊN: Thưa thầy, vợ chồng tôi là tá điền của mụ ấy. Mụ thu tô cao lắm, nhưng không có đất phải ráng mà chịu. Năm ngoái chúng tôi vay tiền của mụ lo chữa bệnh rồi tiếp lo ma chay cho mẹ tôi, chưa có tiền trả, mụ bắt thằng nhỏ sang ở trừ nợ. Chỉ có một việc là quạt hầu cho mụ thôi, tưởng đâu cũng nhẹ nhàng không ngờ không phải là quạt giâý mà mụ bắt thằng nhỏ cầm quạt lông to nặng, đứng quạt suốt ngày. Rủi trưa hôm qua, thằng nhỏ buồn ngủ quá, ngủ gục, cây quạt lông quật ngã vỡ chiếc bình cổ của mụ, thế là mụ lôi thằng nhỏ, lấy chiếc cán chổi quật túi bụi, may mà có người quen làm công cho mụ lén sang báo cho tôi. Đến nơi thấy tình trạng thằng nhỏ dở sống dở chết, tôi uất quá, chạy xuống bếp lấy dao phay…
VỢ: Trời ơi! Sao mà anh liều quá vậy?
THANH NIÊN: Nếu thầy không cản tôi, tôi đãchém đứt vai mụ rồi!
TUỆ THÔNG: Bần đạo không hiểu đầu đuôi ra sao, chỉ biết phải ngăn chặn tội ác. Cũng may chứ không khéo thí chủ từ một nạn nhân đã trở thành tội phạm.
THANH NIÊN: Trừng trị con mụ ác bá ấy sao lại là tội phạm?
TUỆ THÔNG: Trừng trị nó là việc của pháp luật. Hãy kêu kiện nó lên cho pháp luật xử .
THANH NIÊN: Trời ơi! Pháp luật nào xử được mụ hả thầy. Xã trưởng là cháu mụ, tri huyện là con mụ, kêu kiện với ai?
(Bỗng có tiếng kêu lớn: “ Cháy! Trời ơi! Cháy! Thanh niên và Tuệ Thông vội chạy vào)
CHÁU BÉ: Mẹ ơi, con khát nước.
VỢ: Ôi, con tôi tỉnh hẳn rồi đấy à? Để mẹ lấy nước cho.
(Lấy nước cho cháu uống)
CHÁU BÉ: Con đói! Mẹ lấy cho con ăn đi!
(Mẹ lấy cháo mớn cho em ăn. Tuệ Thông và thanh niên ra)
VỢ: (hỏi thanh niên) Nhà ai cháy vậy anh?
THANH NIÊN: Nhà anh Tám. May mà thấy sớm, nhà lại có ao, cứu kịp
TUỆ THÔNG: Mô phật! Thật là may.
VỢ: Nhưng tại sao cháy hở anh? Đã biết được chưa?
THANH NIÊN: Tôi với anh Tám đã biết ngay rồi, nhưng cứ vờ không biết; có người đốt!
VỢ: Ai vậy?
THANH NIÊN: (nói nhỏ) Lại mụ ấy sai người. Em có còn nhớ chuyện năm ngoái mụ ta bị người rình đánh lén ban đêm không?
VỢ: Có
THANH NIÊN: Thằng Giáp xã trưởng thấy chị Tám xinh, giở trò vớ vẩn, bị anh ấy đánh cho, nên đến nói với mụ thuê đốt nhà anh Tám để trả thù
TUỆ THÔNG: Nam mô a di đà phật! Cuộc đời quả là một bể khổ!
THANH NIÊN: Không biết chừng, có lúc mụ thuê đốt nhà mình
(Sáu, bạn với thanh niên ra)
SÁU: (bước vào nhà) Dạ chào thầy!
TUỆ THÔNG: Mô Phật, không dám, bần đạo xin chào tín chủ
THANH NIÊN: Kìa!Anh Sáu
(Sáu ra hiệu cho thanh niên vào trong. Cả hai vào một lúc rồi cùng ra)
SÁU: (với thanh niên) Thôi, tôi về nghen!
Xin chào thầy ạ (vào)
THANH NIÊN: Thưa thầy, em ơi! Nguy to rồi! Hãy dọn dẹp gói gém quần áo đi ngay đêm nay.
VỢ: Việc gì vậy?
THANH NIÊN: Anh Sáu nghe được tin mụ ấy cho người lên huyện bảo tri huyện xuống trói bắt anh ngay ngày mai. Thôi lo gấp đi!
Thưa thầy, xin cáo lỗi thầy…
TUỆ THÔNG Mô phật. Không sao. Bần đạo đang định khuyên anh chị chuyển đến vùng rẫy hoang, bỏ công sức khai phá làm ăn. Vùng trung du, đất hoang còn nhiều lắm, lên đấy lấy sức mình khai phá, tạo ra của cải của mình, không việc gì cứ bám vùng đồng bằng để chịu khổ cực. Thôi, hãy lo chuyển đi. Cầu Phật phù hộ cho anh chị và cháu
(Vợ chồng thanh niên im lặng thu xếp rồi dắt con vào)
(Đèn tắt, ảo đăng rọi vào Tuệ Thông)
TUỆ THÔNG: (Chắp hai tay, hướng lên cao)
Nam mô A di đà Phật
Nam mô Quan thế âm bồ tát
Trải qua bao nhiêu dặm đường đi, đệ tử đã giúp chữa bệnh cho bao nhiêu người, nhưng đến nơi đây, cái hoạ do tham quan ô lại cấu kết với nhà giàu, gieo tai hoạ cho dân nghèo, cái hoạ này lớn quá, vượt xa khả năng của đệ tử. Dù có tự băm mình ra trăm mảnh cũng không thể dẹp được lũ quan tham nhũng, lũ yêu quái của trần gian. Ước gì lúc này nước ta có một Asôka hoàng đế! Những lẽ nào đệ tử lại quy trở về chùa? Không. Đệ tử sẽ tiếp tục cuộc hành trình, thế nào cũng có một nơi mà nỗi khổ của người đời không vượt khả năng cứu giúp của đệ tử
Nam mô Thích ca mâu ni Phật
(Chuyển cảnh)
CẢNH 10
Một góc lều tranh
(Trên sân khấu là cảnh con đường.
Nhiều bộ hành kẻ ngồi, người đứng, không khí căng thẳng.
Tuệ Thông từ trong ra, mình khoác áo vàng tay cầm thiền trượng)
TUỆ THÔNG: (hỏi) Có chuyện gì mà mọi người nghỉ lại hết thế này?
MỘT BỘ HÀNH: Đâu có nghỉ!
TUỆ THÔNG: Thế sao không đi nữa?
BỘ HÀNH: Đường đâu mà đi?
TUỆ THÔNG: Thế ra lối cụt sao?
BỘ HÀNH: Không cụt nhưng không thông
TUỆ THÔNG: Bị nghẽn đường sao?
(Bỗng từ trong có tiếng thét lớn “ Ôi cứu tôi”)
BỘ HÀNH: Nam Mô A di đà Phật! Lại một người rơi xuống biển! Ai mà cứu được!
BỘ HÀNH KHÁC: (với Tuệ Thông) Kìa nhà sư! Hãy tụng kinh cho người chết bài kinh siêu sinh!
TUỆ THÔNG: (Chắp hai tay tụng):
Nguyện sinh Tây phương tịnh độ trung
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu
Hoa khai kiến phật ngộ vô sinh
Bất thoái bồ tát vi bạn lữ
Nguyên dĩ thử công đức phồ cộng ư nhất thế
Ngã đẳng dữ chúng sinh giai cộng thành Phật đạo
(Trong khi Tuệ Thông đọc kinh tất cả bộ hành chắp tay im lặng trang nghiêm…Bỗng một tiếng hô vọng ra: Hoan hô! Anh ta qua được rồi!
TẤT CẢ BỘ HÀNH: Thật phúc cho một người
TUỆ THÔNG: Việc gì vậy thưa các vị?
MỘT BỘ HÀNH: Mời thầy đi với tôi lại đằng kia
(Bộ hành cầm tay Tuệ Thông dắt vào cánh gà, rồi cùng ra)
TUỆ THÔNG: Hoá ra nơi đây núi đá nhô ra sát biển, gành đá dường như dựng đứng trên mặt biển sâu thẳm
BỘ HÀNH: Đúng vậy! May sao, mà cũng không biết may hay rủi nữa, giữa gành đá có một rạch nứt vừa bàn chân người đặt vào từ bên này sàng bên kia, người may thì qua trót lọt, người rủi thì rơi xuống biển
TUỆ THÔNG: Có phải ngôi miếu nhỏ kia thờ những oan hồn?
BỘ HÀNH: Đúng vậy
(Cả hai quay lại chỗ đông người, cùng ngồi xuống im lặng)
BỘ HÀNH: (Với Tuệ Thông) Thầy có việc gì phải sang bên kia?
TUỆ THÔNG: Bần đạo chỉ đi thăm các nơi…
BỘ HÀNH: Nếu chỉ có vậy thì thầy nên lui lại. Bọn tôi vì sinh kế nên phải liều. Số người may mắn qua được xưa nay chưa quá hai phần ba
MỘT BỘ HÀNH: Cũng may là dân ta đã quen câu “ Sống gửi thác về”
(Bỗng có tiếng reo: “Hoan hô, lại có người sang được rồi!”. Tất cả vỗ tay…tiếng vỗ tay chưa dứt, đã nghe tiếng kêu: “Ôi! Cứu tôi, cứu tôi…”.
Tuệ Thông lại đọc kinh….
Vừa dứt bài kinh, Tuệ Thông đứng vụt dậy, không nói năng, đi nhanh vào cánh gà…hồi lâu trở ra)
TUỆ THÔNG: Các vị này!
TẤT CẢ: Thầy định nói gì?
TUỆ THÔNG: Tại sao không đục núi lấy đường đi?
(Tất cả cười ngặt nghẽo)
MỘT BỘ HÀNH : Nhà tu hành ơi! Có lẽ ông định nhờ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới hiện lên đục núi đá này ư?
Nếu đục thì người ta đã đục từ lâu, đâu đến nỗi phải cam chịu mỗi năm cả nghìn mạng người
MỘT BỘ HÀNH: Sư thầy đã đến đây âu cũng là duyên may, sư thầy hãy trụ trì chỗ cái miếu kia, đêm ngày tụng kinh siêu độ, cứu rỗi những oan hồn
TUỆ THÔNG: Việc đó thì bần tăng xin nhận
BỘ HÀNH: Đó là một công đức lớn cho đời rồi
CÁC BỘ HÀNH: Ta đi dần lại đằng kia xem
(Tất cả lục đục vào)
TUỆ THÔNG: (Một mình bước ra tiền đài một bước, chắp hai tay) Có lẽ đây là công việc tôi phải trả nợ với đời. Nam mô a di đà Phật
(Nói chậm nghiêm trang) Đệ tử Tuệ Thông,xin phát nguyện với Phật tổ Như Lai và Chư Phật, với thổ địa sơn thần, với bao nhiêu oan hồn nơi đây, quyết tâm đục núi lấy đường đi hầu tránh cho bộ hành những cái chết oan mai hậu. Đệ tử không chắc hoàn thành được công việc trong kiếp này, nhưng chắc rằng dù cho đệ tử có chầu Phật trong lúc dở dang, thì cũng đã làm cho người đời thấy rõ công việc không phải ảo tưởng mà tiếp tay…Phát nguyện quyết tâm nhưng không phải làm liều. Ta phải khảo sát kỹ quãng chân núi có những cây cỏ mọc hoang dại đằng kia
(Vào lâu, rồi ra, vẻ mặt vui)
Ta đã đoán đúng. Ngọn núi cao nhất hút mây xanh này không phải toàn một khối đá hoa cương. Những chỗ cỏ cây hoang dại mọc chính là những khoản đá sỏi, dễ đục hơn hoa đá cương. Đằng xa kia trên đường đi đến đây ta nhớ có thấy một thợ làm cối đó, ta phải tìm đến một lò rèn.
( Chuyển cảnh)
CẢNH 11
Cảnh một lò rèn.
(Hai cha con người thợ rèn đang đập một thanh sắt.
Tuệ Thông xuất hiện, bước vào nhà)
TUỆ THÔNG: Xin chào bác thợ
THỢ RÈN: (Ngừng tay búa, ngầng lên nhìn) Xin chào thầy. Thầy chắc là từ xa đến, chắc là khách bộ hành, mời thầy ngồi đây. (Pha trà) mời thầy uống chén nước
TUỆ THÔNG: Mô phật, cảm ơn. Xin mời bác. Bác đang rèn gì vậy?
THỢ RÈN: Tôi đang rèn cái thuổng cán ngắn cho người ta đào củ mài, củ hà thủ ô
TUỆ THÔNG: Bác có bao giờ rèn đục đá chưa?
THỢ RÈN: À, có chứ! Ông thợ làm cối đá vẫn đặt tôi đấy
TUỆ THÔNG: Vậy bần tăng có thể nhờ bác rèn cho một cái búa và một cái đục đục đá không?
THỢ RÈN: (nhanh nhẩu) Cần gì phải đặt, tôi đang có sẵn một bộ đây
(Bước sang bên cạnh, lấy đưa ra)
TUỆ THÔNG: (cầm xem) Bộ này chỉ đục đá làm cối, nhỏ lắm. Bần tăng muốn nhờ bác rèn cho một bộ to hơn
THỢ RÈN: To bằng cỡ nào?
TUỆ THÔNG: (bước đến lấy cây thuổng đang rèn dở, cầm xem)
Bề to bằng cây thuổng này, nhưng mũi phải thật sắc, còn bề dài thì bằng nửa
THỢ RÈN: (hơi ngạc nhiên) Chẳng hay thầy dùng đục cái gì vậy?
TUỆ THÔNG: Chắc bác biết rằng đằng kia, chỗ mỏm núi đá nhô ra sát biển làm nghẽn đường đi, mỗi ngày có bao nhiêu bộ hành rơi xuống biển chết oan không?
THỢ RÈN: Tôi ở đây thì lạ gì cái tai hoạ ấy. Thật là một thảm họa cho những bộ hành. Vậy…à hay là thầy định đục cái khối đá hoa cương ấy mở rộng lối trèo đèo
TUỆ THÔNG: Thưa không, làm sao mà đục được khối đá hoa cương sừng sững ven biển ấy!
THỢ RÈN: Vậy thì thầy định đục cái gì?
TUỆ THÔNG: Bần tăng định đục núi
THỢ RÈN (kinh ngạc) Thầy định đục núi sao? Không được đâu, không được đâu, tôi xin thầy đừng nằm mơ, đừng động đến thần thánh. Có hoạ là thầy thỉnh được Tề Thiên Đại Thánh về huy thiết bãng đập nát núi đá.
TUỆ THÔNG: Bần tăng đã khảo sát kỹ rồi, bần tăng sẽ đục những chỗ đá sỏi chứ không dại đục đá hoa cương
THỢ RÈN: Không được! Không nên! Không ai được làm kinh động đến sơn thần, họa lớn đấy!
TUỆ THÔNG: Bần tăng đã phát nguyện với Phật tổ, đã xin phép Thổ địa sơn thần
THỢ RÈN: Thầy đã xin phép thổ địa sơn thần rồi à? Xin thế nào? Thầy gieo quẻ âm dương chưa?
TUỆ THÔNG: Thưa bác, nhà chùa không gieo quẻ âm dương
THỢ RÈN: Thế thì không được, không được!
À hay là tôi xin quẻ âm dương ngay bây giờ, nếu thần thánh cho phép, tôi sẽ rèn giúp thầy
(Thợ rèn thắp hương, lấy tiền ra gieo quẻ.. hai đồng tiền đều ngã mặt sấp, mặt sau…)
THỢ RÈN: (đưa đĩa tiền quẻ cho Tuệ Thông xem) Quẻ thần âm thày thấy không. Thần thánh không cho phép đâu. Vậy tôi xin chịu không giúp thầy được, xin thầy cảm phiền cho
TUỆ THÔNG Vâng, vậy bần tăng xin chào bác.
THỢ RÈN Chào thầy
TUỆ THÔNG Không hiểu quanh đây có còn lò rèn nào khác không? Ta phải đi hỏi xem…
( Chuyển cảnh)
CẢNH 12
Cảnh đường ven núi
(Tuệ Thông đang đi bỗng nghe tiếng gọi)
TIẾNG GỌI: Thầy ơi! Thầy ơi!
(Con người thợ rèn chạy ra)
TUỆ THÔNG: (Quay lại) Chú em gọi tôi?
THỢ RÈN TRẺ: Dạ, thầy định đi đâu vậy?
TUỆ THÔNG: Tôi định đi hỏi xem còn lò rèn nào nữa không?
THỢ RÈN TRẺ: Thưa thầy, thầy đi đằng này với con
(Cả hai cùng vào. Sân khâú vắng một lúc, cả hai ra. Thợ rèn trẻ đang ôm bọc lớn)
THỢ RÈN TRẺ: (đặt bọc xuống)
Thầy ngồi xuống đây. Con cho thầy xem cái này
(Tuệ Thông ngồi xuống đất. Thợ rèn trẻ mở bọc ra, cầm lên một đục và một búa lớn)
TUỆ THÔNG: (ngạc nhiên) Anh tìm đâu ra thế này?
THỢ RÈN TRẺ: Thầy thấy có được không?
TUỆ THÔNG: Tôi ước nó như thế này đây, anh tìm đâu ra vậy?
THỢ RÈN TRẺ Thưa thầy, năm ngoái , con lên núi đào củ mài, sâm, hà thủ ô, gặp một bụi hà thủ ô trắng lâu năm, củ nó ở sâu quá, con phải khoét rộng hố ra tình cờ con bắt được cái búa caí đục to này. Chưa biết dùng vào việc gì, con lấy mo cau khô bọc kỹ, chôn dấu cạnh râỹ thảo quả. Hay là ta lại chỗ núi kia đục thử?
TUỆ THÔNG: Không cần đâu. Dù được dù không, tôi cứ vẫn cứ phải đục, vì đã phát nguyện với Phật tổ như Lai rồi. Gặp cái này quả thật là duyên may, có lẽ trời Phật đã xui khiến giúp cho kẻ bần tăng này lập nên công đức. Tôi tin chắc là đục được. Đến khi sự thật đã tỏ rõ thì chắc ông cụ anh sẽ sẵn sàng rèn cho những bộ thật tốt, không chỉ cho tôi mà còn cho những người hưởng ứng.
À, quên anh tính bao nhiêu tiền?
THỢ RÈN TRẺ: Của con đào được chứ có con có rèn đâu mà tính tiền
TUỆ THÔNG: Xin đa tạ. Bần tăng sẽ ghi công đức của anh vào tranh đầu nhật ký đục núi.
THỢ RÈN TRẺ: Xin chào thầy, và xin hẹn ngày cha con và con sẽ rèn những bộ đục búa thật sắc cho thầy.
( Vái vào)
TUỆ THÔNG: (còn một mình, đứng dậy, cầm búa đục ngắm)
A di đà Phật. Thật là duyên may kỳ lạ. Đối với ta, đây không còn là bộ búa đục thông thường mà là một bảo bối Trời Phật ban cho. Bảo bối ơi! Nhân đêm nay trăng trong, trời sáng mát, chúng ta hãy bắt tay vào công cuộc vì đời.
(Tuệ Thông bước tới vài bước về hướng khán giả, hai tay trân trọng, nâng cao búa, đục,nghiêm trang)
Nam mô A di đà Phật
Nam Mô Chiên đàng công đức Phật
Nam Mô Đấu chiến thắng Phật
Đệ tử Tuệ Thông xin phát nguyện
Từ khi bổ nhát búa đầu tiên đục núi, đục lấy một đường hầm xuyên sơn sang bên kia núi, chấm dứt nỗi chết oan hàng ngày, hàng tháng, hàng năm của bao nhiêu bộ hành; dù năm năm, mười năm, hai mươi năm, đệ tử nguyện sẽ chỉ gặp lại ánh sáng Thái Dương bên kia núi, không quay lại bên này khi đường hầm chưa thành
(Tuệ Thông quay lưng lại, bước thẳng vào phía phông hậu, ánh đền chuyển mờ phía này. Tuệ Thông đục núi búa, tiếng đục vỏng ra lanh lảnh…)
(Chuyển cảnh)
CẢNH 13
Một năm sau
(Lò rèn, Hai cha con đang rèn. Chủ quán ra)
CHỦ QUÁN: Chào hai cha con
THỢ RÈN: Chào anh chủ quán. Sao? Dao rựa cùn hết hay sao?
CHỦ QUÁN: Dao rựa anh rèn tốt lắm, đã cùn thế nào được. Muốn đặt anh thứ khác
THỢ RÈN: Thứ gì vậy?
CHỦ QUÁN: (đưa mẫu bằng gỗ ra) Đây, nhờ anh rèn cho tôi ba bộ búa và đục như thế này.
THỢ RÈN: (cầm xem) Sao mà hơi giống cái mẫu mà năm ngoái ông thầy chùa muốn đặt tôi rèn
CHỦ QUÁN: Vậy ra anh rèn cho ông ấy đấy à!
THỢ RÈN: Đâu có! Tôi thấy ông ấy tính chuyện đục núi ngây ngô quá, tôi không nhận
CHỦ QUÁN: Thế mà tôi cứ tưởng của anh rèn
THỢ RÈN: Mà sao cơ? Thế anh đặt rèn để làm gì?
CHỦ QUÁN: Để đục núi
THỢ RÈN: (vụt đứng dậy) Anh đục núi? Có mà anh khùng chắc? Ông thầy chùa năm ngoái đã khùng rồi, nay lại đến anh?
CHỦ QUÁN: Tôi không đục núi, mà tôi cho các bộ hành thuê để họ đục núi, anh chưa biết gì hay sao?
THỢ RÈN: Chưa
CHỦ QUÁN: Cái ông thầy chùa đấy là nhà sư Tuệ Thông. Năm ngoái đi ngang qua đây chứng kiến cảnh bộ hành qua gộp rơi xuống biển nhiều quá, ông ấy bàn việc đục núi đào đường hầm xuyên sơn, bộ hành ai nghe đều lắc đầu cười cho là ồng ấy lẩm cẩm. Thế mà ông ấy cứ quyết tâm đục một mình. Đến năm nay không ngờ ông ấy đã đục sâu được hơn một sải tay…
THỢ RÈN: Ông ấy đục được thật à?
CHỦ QUÁN: Anh không tin thì đến đấy mà xem! Khách bộ hành thấy một mình ông mà đục được vậy, thấy rõ không phải là chuyện viển vông, bàn với nhau, mỗi người qua đường nghỉ lại tham gia đục với ông một ngày, vì nghĩ công việc của ông là chỉ vì mọi người
THỢ RÈN: Thế thì lạ thật! Nhưng mà hồi dó tôi không chịu rèn, ông ấy lấy búa đục ở đâu? (nhìn sang thợ con) À, hay là mày, mày lén rèn cho ông ấy?
THỢ CON Rèn thì làm sao mà lén được hở cha? Nhưng mà, chính con đưa búa đục cho ông ấy đấy
THỢ RÈN: Mày không rèn lén thì lấy đâu đưa hả?
THỢ CON: Bộ búa đục ấy tình cờ con đào dược trong dịp đào hà thủ ô trắng, thấy lạ con chôn dấu kín nơi rẫy thảo quả (với chủ quán) À, mà bác ơi, bác bảo nhà sư đã đục vào núi được hơn sải tay phải không?
CHỦ QUÁN: Đúng vậy!
THỢ CON: Thế thì con phải chạy đến xem ngay
(vụt chạy vào)
CHỦ QUÁN: Có lẽ sư Tuệ Thông là người trời Phật đưa đến nơi này, và trời phật đã gửi trước búa đục cho ngài
À, mà anh phải rèn ngay cho tôi đi nhé! Chưa biết chừng còn phải rèn thêm nữa đấy. Tôi phải về lo che thêm mấy lều lá cọ nữa cho khách đục núi nghỉ ngơi. Thật không ngờ nhà sư Tuệ Thông lại giúp chúng cho hai đứa mình vớ bở!
(đi vào nhanh)
CẢNH 14
Bên gộp núi
(Đêm rằm trăng sáng…Trước cửa hầm núi, mọi người ngồi quây tròn quanh Tuệ Thông)
TUỆ THÔNG: Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni Phật. Đêm rằm hôm nay, bần tăng xin kể sự tích vua Asôka, một bạo chúa, nhờ nghe lời Thích ca khuyên, mà tu hành trở thành Asôka bồ tát
(bỗng tráng sĩ con đốc tướng, lưng đeo kiếm, từ trong ra, bước thẳng đến đám đông)
TRÁNG SĨ: Các ngươi có ai biết Mặc Nô ở đây không ? Có ai thấy tên sát nhân Mặc Nô ở đây không?
MỘT BỘ HÀNH :(có vẻ một võ sĩ, rìu rắt lưng, quần áo bình dân) Này, chàng trai trẻ láo xược kia! Không có Mặc Nô mặc niếc nào cả! Chàng có thấy chúng tôi đang làm gì không? Hãy xéo đi nơi khác !
TRÁNG SĨ: Mặc Nô là tên lính hầu của cha ta. Hắn giết cha ta khi ta mới lên 10 tuổi, rồi trốn biệt tích. Ta thề lớn lên sẽ tìm kiếm giết hắn trả thù cho cha
(Hai người khác đứng dậy)
CẢ HAI: Hãy đi nơi khác mà tìm, đừng quấy rối ở đây nữa! Đi đi!
(Tuệ Thông từ từ đứng dậy, bước đến gần tráng sĩ nhìn)
TUỆ THÔNG: Hoá ra tiểu chủ đã trưởng thành! Đây, Mặc Nô là tôi đây, tôi là Mặc Nô xưa lỡ tay giết Đốc Tướng gia chủ, xin sẵn sàng chịu tội
(Tất cả ngỡ ngàng giây lát)
TRÁNG SĨ: (rút kiếm) Thế thì ngươi phải chết!
(vung kiếm lên, võ sĩ rút rìu đưa ngay lên chặn lưỡi kiếm)
TẤT CẢ ĐỒNG THANH: Hãy khoan! không được vô lễ!
(Và lập tức vây quanh tráng sĩ. Hai người đến đỡ Tuệ Thông đứng dậy)
MỘT NGƯỜI ĐỨNG TUỔI: (với tráng sĩ)
Liệu sức chàng trai có địch nổi chúng tôi không? Hãy thu kiếm về đi!
(Tráng sĩ tức tối tra kiếm vào vỏ, tay còn nắm chắc đốc kiếm)
NGƯỜI ĐỨNG TUỔI: Mời tráng đi với tôi lại đằng kia! (đưa tay ra hiệu tráng sĩ theo vào. Lúc sau hai người cùng ra)
Đấy, chàng mục sở thị rồi đấy! Ở đây chúng tôi không biết có Mặc Nô nào cả, chỉ biết sư phụ Tuệ Thông, đao cao chức trọng, hiện là vị la hán của công trình đục núi, tránh cái chết oan cho hàng vạn người mai sau, nếu không có người công trình sẽ bị dang dở. Vậy xin tráng sĩ chớ động đến sư phụ..
TẤT CẢ: Không được động đến sư phụ!
TRÁNG SĨ: Nhưng ta phải trả thù cho cha
TUỆ THÔNG: Bần tăng chính là Mặc Nô ngày trước
TẤT CẢ: Chúng tôi không biết
Không được động đến sư phụ!
(Tráng sĩ tức tối bước qua bước lại…Tất cả im lặng nặng nề)
TUỆ THÔNG: Thôi thế này: Thưa vị tiểu chủ, công việc đục núi hiện nay đang được tiến hành đêm không nghỉ ở cả hai bên, chắc không còn lâu nữa đâu. Tiểu chủ hãy chịu khó nán đợi, công việc hoàn thành mỹ mãn giao lại cho đời. Lúc ấy xin được để bần tăng chịu tội với tiểu chủ, thưa có được không?
TẤT CẢ: Hãy tạm như thế đã.
TRÁNG SĨ: Thôi cũng đành vậy. Nhưng để được chóng đến ngày trả thù cha, ta xin ở đây góp công sức đục núi với mọi người.
TẤT CẢ: Hoan hô tráng sĩ.
(Chuyển cảnh)
CẢNH 15
(Trong hầm về đêm chỉ còn lại Tuệ Thông và tráng sĩ , ánh sáng ngọn đèn lờ mờ…Cả hai đang ngủ say. Trong giấc hiêm bao, tráng sĩ ngồi dậy, quờ quạnh tìm thanh kiếm, đứng dậy vung kiếm lên. Bỗng, năm sáu bóng ma trắng toát hiện lên, đứng chặn giữa tráng sĩ và Tuệ Thông)
TRÁNG SĨ: Các ngươi là ai? Có phải bon ma đem thói quỷ nhát người?
TIẾNG BÓNG MA: Chúng ta là oan hồn của những người bị trượt chân rơi xuống biển chết. Không còn có thể góp tay đục núi, nhưng chúng ta luôn ở quanh đây để bảo vệ la hán
TRÁNG SĨ: Nhưng hắn là kẻ thù của ta.
TIẾNG BÓNG MA: Sao ngươi không giữ lời hứa với mọi người?
TRÁNG SĨ: Ta đã năm im bao ngày đêm, song không dằn lòng được nữa, ta phải trả thù!
TIẾNG BÓNG MA: Hãy đi nơi khác mà trả thù! Nơi này không có đất cho thù hận, chỉ có thương yêu, chung sức
TRÁNG SĨ: Không được! Các ngươi hãy tránh ra! (vung kiếm lên)
TẤT CẢ BÓNG MA: Không được động đến la hán!
TRÁNG SĨ: Hãy tránh ra!
(Một cuộc hỗn chiến giữa tráng sĩ và đám bóng ma. Các bóng ma tung ra giải lụa quấn lấy lưỡi kiếm… hồi lâu lưỡi kiếm bị giật rơi xuống)
TRÁNG SĨ: (đang nằm vụt tỉnh dậy) Uả mà ta chiêm bao sao!
(Trước mặt tráng sĩ, không biết từ bao giờ Tuệ Thông đã ngồi tham thiền nhập định. Không cử động gì cả. Tráng sĩ lắng nghe hồi lâu, rồi cũng ngồi tọa thiền)
(Chuyển cảnh)
CẢNH 16
Công trường đục núi sau mấy năm nữa
(Tiếng đục chen nhau vọng ra chan chát cùng tiếng “dô ta hò”. Từng tốp người đục xong đổi phiên cho những người đang ngồi ngoài hàng, lần lượt thay đổi trong số đó thấy có tráng sĩ. Sau mấy lượt ra vào đổi phiên, bỗng từ bên trong một tiếng đá vỡ cả tảng rơi xuống vọng ra, và từ trong đường cùng với tiếng reo to: “Thông núi rồi” “Thông núi rồi”…Ánh sáng cũng rọi ra)
TIẾNG TUỆ THÔNG: (reo lớn)
Ôi tôi bắt được ánh mặt trời phương Nam rồi!
TIẾNG MỌI NGƯỜI REO HÒ:
Ta thắng được núi rồi! Chấm dứt chết oan rồi bà con ơi!
(Tuệ Thông cùng tráng sĩ ra)
TUỆ THÔNG: Thưa bà con, phận sự góp công đục núi lấy lối đi cho đời đã xong Như lời đã hứa, tôi xin được làm phận sự riêng của tôi
(Tuệ Thông bước đến trước mặt tráng sĩ, cở áo nhà sư, quỳ)
Thưa tiểu chủ. Mặc Nô đây, xin tiểu chủ hãy trả thù.
(Tráng sĩ rút kiếm ra đưa lên cao)
TRÁNG SĨ: Thưa tất cả các vị!
Thưa thầy Tuệ Thông
Tôi lấy cớ cùng lưu lại tham gia đục núi là để giữ chân thầy khỏi chạy trốn. Mấy năm qua, cùng ăn, cùng ở, cùng đổ mồ hôi, tôi không tìm thấy trong con người Tuệ Thông một nét nào của tên Mặc Nô giết người khi xưa cả, mà chỉ thấy ở thầy một vị cao tăng đạo cao, đức lớn, vô ngã, vị tha, chỉ nghĩ đến mọi người không nghĩ gì đến cho mình. Bây giờ thầy cởi áo nhà sư, cũng không khiến tôi nhìn nhầm thầy là Mặc Nô được! Mặc Nô, kẻ thù của tôi từ mười năm trước đã vĩnh viễn không còn nữa! Tôi còn ai đâu mà trả thù?
(Tráng sĩ buông kiếm rơi xuống đất, bước đến dìu Tuệ Thông đứng dậy)
(Tất cả vỗ tay hoan hô vang dội núi đèo)
Màn hạ