Ở Phân Hội Văn nghệ tỉnh Bình Định

01/10/2020

Chợ Bình Định xưa.

Về nhà tiếp tục nghỉ ngơi dưỡng sức. Thời kỳ ở nhà, tôi có viết vở kịch thơ “Nguyễn Trãi Phi Khanh” dựng cho đội văn nghệ thôn phần nhiều là học sinh. Tôi dàn dựng và hướng dẫn ngâm thơ luôn. Vở diễn được khán giả thích. Sau đó, huyện mời tôi lên tham gia Đội tuyên truyền trong Ban Tuyên huấn huyện. Ở đấy có xảy ra một việc: Tôi có người anh em bạn rể, đồng chí L.V là bí thư tỉnh Phú Yên, gửi thư ra cho tôi khuyên tôi nên tham gia Đảng. Tôi đưa nguyên cả bức thư cho đồng chí Trưởng ban tuyên huấn, nhưng chờ mãi không thấy đả động gì cả. Tôi bèn tìm hỏi riêng một đảng viên. Anh ấy cho biết tất cả chi bộ đều đồng tình trừ anh Chu, anh ấy nói rằng tôi còn nhiều chất tiểu tư sản vì tôi hay hát nhạc vàng (!)

(Bài hát mà anh Chu ám chỉ, không phải là Thiên Thai, Trương Chi… mà là bài “Đi dân công” được một nhạc sĩ viết theo thể hát ru).

Sau một thời gian ở ban tuyên huấn tôi được bầu vào ban chấp hành phân hội văn nghệ tỉnh mới thành lập, trúng luôn vào thường vụ cùng với các anh Vương Linh, Tô Hải. Vương Linh phân hội trưởng, Tô Hải phó, tôi uỷ viên. Vương Linh và tôi đều là người Bình Định, Tô Hải là cán bộ miền Bắc Nam tiến.

Ban đầu chúng tôi phân công nhau đi các huyện thành lập các tổ văn nghệ huyện, làm cơ sở cho tỉnh hội. Các tổ văn nghệ huyện tổ chức các tổ xa. Phương thức chủ yếu của chúng tôi nhằm đưa văn nghệ đến sát quần chúng là tổ chức những “đêm văn nghệ” ngoài trời gồm có đọc truyện, đọc thơ, ngâm thơ, ca hát, phổ biến đường lối chính sách kịp thời.

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, từ khi thoát khỏi bệnh lao phổi, tôi hoạt động chính là trong khuôn khổ Phân hội văn nghệ tỉnh Bình Định. Tôi đề nghị thường vụ Phân hội phân công cho tôi và nhạc sĩ Đào Khảng (trong BCH) đi các địa phương tổ chức những “đêm văn nghệ”. Lực lượng nòng cốt là tôi và Đào Khảng chuyên đệm ghita cho tôi đơn ca. Chúng tôi xuống các huyện, đề nghị tổ chức “Đêm văn nghệ” tại huyện trước đã. Chúng tôi mời thêm anh em văn nghệ trong huyện tham gia với tiết mục đã quen thuộc, mời tuyên huấn huyện nói chuyện thời sự…

Xong ở huyện, chúng tôi đề nghị Tổ văn nghệ cử một người cùng đi với chúng tôi xuống các xã. Chúng tôi cũng tìm hiểu lực lượng văn nghệ để mời họ tham gia biểu diễn với chúng tôi. Nòng cốt cho đêm diễn ở huyện cũng như xã là tôi hát, nhạc sĩ Đào Khảng đệm ghita. Tôi hát đủ các thể loại: hát mới, ngâm thơ, hát dân ca, ca cải lương, ca Huế, hô bài chòi; trừ hát bội (tuồng) lúc ấy đang bị cấm vì cho là phong kiến. Cải lương và ca Huế thì lối ca không đệm đàn, vì ghita không đệm được. Tất cả các đêm biểu diễn đều được bà con hoan nghênh nhiệt liệt. Tất cả đều biểu diễn ngoài trời, không có sân khấu, không bán vé.

Tôi còn nhớ một vài kỷ niệm.

Thời kỳ còn ở tuyên truyền huyện, có lần bọn tôi về công tác ở một làng công giáo toàn tòng. Tôi thâm nhập với giáo dân giáo xứ. Một thầy dòng dạy tôi một bài hát công giáo bằng tiếng Pháp:

Tout passe

Sous le firmamerts

Tout n’ st que changements

Tout passe

Et quoi que I’ homme fasse

Ses jou s’en vont courant

Pus vite qu’un torrent

Tout passe.

 

Dịch nghĩa:

Tất cả đều qua

Dười vòm trời xanh nầy

Tất cả đều thay đổi

Tất cả đều đi qua

Và mặc dù con người có làm gì

Những ngày của nó trôi chảy

Nhanh hơn cả dòng suối

Tất cả đều đi qua.

Sau khi hát ít lâu, một bạn trong nhóm đặt câu hỏi:

– Tại sao bài hát mang âm điệu rất thiên chúa giáo lại chứa đựng một triết lý Phật giáo?

Nhân một hôm gặp vị linh mục, tôi đưa ý ấy ra hỏi. Vị linh mục đáp: “Đó là triết lý trong Cựu ước”.

Đêm ấy chúng tôi biểu diễn ở An Lương. Trong chương trình tôi có hô bài chòi. Tan đêm diễn, có một chị trạc 40 tuổi đến gặp tôi, chị nói:

– Nghe anh hô bài chòi, em nhớ bài chòi quá. Có thể nào tối mai anh cho em tham gia một câu được không?

Tôi bảo chị đọc qua nội dung cho tôi nghe, rồi đồng ý mời chị tham gia biểu diễn. Tôi không ngờ đó là chị Nhảy, nghệ nhân bài chòi số một ở Bình Định. Câu bài chòi chị hô được soạn đúng theo phong cách dân gian, toàn là lục bát biến cách (câu lục có 8, 10 từ, câu bát có thể 10, 12 từ). Nhờ thế mà cách hô rất biến thế sinh động, khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Tôi bắt tay hoan hô chị và nói:

– Nếu tôi biết ở đây có chị, thì đêm qua tôi không dám hô.

Chúng tôi được truyền tay bản phổ ca khúc “Tiếng chuông tội ác” không có tên tác giả. Lời ca như sau:

I. Xưa kia chuông rền reo vui cho giáo dân

Chuông reo tin yêu reo thiết tha thờ Chúa

Chuông xưa trang nghiêm những đêm Nô-en

Hôm nao chuông thành chuông báo hiệu quân đớn hèn

Kìa ai… cầu xin… nhìn lên tượng Chúa đăm đăm

Gloria in essen Déo, et enterrapa

Hommibus, bonna voluntatis

II. Những lũ đớn hèn lừa dối giáo dân

Như tên Juda xưa kia phản Chúa

Miệng luôn “a-men” ngực đeo thánh giá

Lòng theo quân cướp hại dân phản nòi?

Nhưng, nhân dân ta uất căm tranh đấu vùng lên

Đưa ra ánh sáng mưu thâm độc quân giặc thù

Dùng người Việt Nam ta đánh người Việt Nam ta

Cùng những loài Việt gian đội lốt thầy tu đi giết người.

Ai đã là người rung tiếng chuông tội ác?

Ai đi chia rẽ ai kừa gạt giáo dân?

Chúng là đế quốc Pháp tham tàn

Tên giựt dây trùm can thiệp Mỹ

Lũ chó săn liếm gót thực dân

Bọn sa-tăng làm ô danh Chúa…

Nay toàn dân ta quyết diệt trừ.

 

III. Để chuông xưa rung lại tin yêu

Đời nhân dân đen tối sáng bừng tự do

Dân càng được xoá nợ được giảm tô

Phá rào làng làm đuốc đi học thơ Bác Hồ

Để chuông xưa rung lại thiết tha

Đồng hoang nay xanh lúa trâu bò thừa rơm

Dân cày đã có ruộng lại có cơm

Nghe chuông đi xem lễ áo khăn trắng đồng.

Bài hát có thể chia thành 3 đoạn mang hai nội dung khác nhau rõ rệt: Đoạn I, đoạn III, nội dung trữ tình; đoạn II nội dung lên án. Lúc đầu tôi cũng tập như các ca khúc khác, nghĩa là phát huy thanh điệu trong lời bài hát, nhưng tôi cảm thấy không đạt nhất là đoạn II.

Suy nghĩ mãi, tôi thử vận dụng lối hát ngữ khí của hát bội (tuồng) vào thử. Tôi thấy thành công bất ngờ. Đi hát các nơi đồng bào hoan nghênh không có gì đặc biệt .

Cho đến hôm chúng tôi biểu diễn tại Chương Hoà một vùng Thiên chúa giáo toàn dòng. Tôi hát bài ấy, khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Sáng hôm sau, tôi và nhạc sĩ Đào Khảng đang ngồi uống trà trong nhà trọ. Bỗng thấy hai người đến mỗi người cầm trong tay một quả dừa đi thẳng vào chúng tôi. Chúng tôi mời ngồi mời nước. Uống nước xong, một người nói:

– Xin tự giới thiệu với hai anh chúng tôi là thầy dòng ở đây, chuyên dạy nhạc. Tối hôm qua chúng tôi có dự đêm văn nghệ có nghe anh hát. Anh hát rất lạ và hiệu quả rất lớn. Chúng tôi chưa nghe ai hát như thế bao giờ. Cho nên sáng đến thăm chơi và tặng hai trái dừa lấy thảo.

Chúng tôi hoan nghênh tấm lòng của hai vị, tôi nói với hai vị là tôi tiếp thu cách hát của hát bội, cách hát ngữ khí vận dụng chủ yếu vào đoạn giữa, nhằm biểu đạt lòng căm hờn.

Từ ngày thoát ly lên Phân hội và đi tổ chức các đêm văn nghệ ở các huyện là chính, lâu lâu mới về nhà vài ba ngày lên. Năm 1952 được tin cha tôi ốm nặng, tôi phải về. Được vài tháng cha tôi mất. Lo công việc cho cha vừa xong thì được tin em ruột tôi, tiểu đoàn phó trong Ban chỉ huy mặt trận miền Tây hy sinh ở Quảng Ngãi. Tin em tôi hy sinh làm mẹ tôi quá đau đớn, ốm nặng sinh ung thư, mấy tháng sau thì qua đời. Một năm ba cái tang, tôi phải ở nhà liên tiếp. Lo mồ mả cho mẹ xong, tôi lại từ biệt vợ con lên lại cơ quan.