Người con trí tuệ, nhiệt huyết của quê hương hát bội Bình Định
23/09/2020
Nhân 100 năm ngày sinh của Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang (1917-2017), Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp cùng Gia đình ông, tổ chức Mừng thọ và Hội thảo: Sự nghiệp, thành tựu cống hiến cho nền sân khấu cách mạng của Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang, một người con của quê hương Hát Bội Bình Định, đã dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam. Thay mặt UBND tỉnh Bình Định, tôi xin chân thành cảm ơn Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng Gia đình Nhà nghiên cứu đã phối hợp tổ chức Mừng thọ và Hội thảo, xin cảm ơn và gửi lời chúc sức khỏe đến các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cùng quý vị đại biểu.
Mịch Quang – một dòng dõi Nho gia nghĩa cử
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh năm 1917 tại làng Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, vùng đất nổi tiếng về văn thơ và Hát Bội, nơi sản sinh, nuôi dưỡng nhiều danh nhân gắn liền với nghệ thuật sân khấu truyền thống Hát Bội như: Đào Duy Từ, Nguyễn Diêu, Đào Tấn … Mịch Quang thuộc dòng dõi nhà Nho nghèo, cháu ba đời của hai anh em ruột: Nguyễn Thế Hiển và Nguyễn Thế Lương, là những bậc danh sĩ nổi tiếng trong vùng. Năm Tự Đức thứ 13 (1860), thấy dân làng thường đói khổ vào vụ giáp hạt và nhất là những năm hạn hán, lũ lụt, hai ông Nguyễn Thế Hiển và Nguyễn Thế Lương bàn với quan Án sát hưu trí Trần Điển, người cùng làng, quyên góp ruộng đất của các nhà giàu có, lập quỹ nghĩa thương làng Phụng Sơn. Đầu tiên, quỹ giúp người nghèo và trẻ mồ côi trong làng, sau phát triển lớn, không những giúp người nghèo trong làng mà còn giúp người nghèo ở các làng khác và đóng góp nhiều việc nghĩa trong huyện, trong phủ. Việc quyên góp nghĩa điền lập nghĩa thương của làng Phụng Sơn là một hoạt động “xóa đói, giảm nghèo”, chăm lo dân nghèo “áo lành, cơm đủ”. Công đức của các ông được ghi lại trong bài thơ “Tế dân ký” của ông Nguyễn Thế Lương còn lưu truyền đến ngày nay.
Năm Tự Đức thứ 16 (1863), triều đình nghe tiếng ông Nguyễn Thế Hiển là bậc hiền tài, nên chỉ thị ông ra kinh để sát vấn được thọ hàm Hàn Lâm Viện Cung Phụng, sung chức Tri phủ Thăng Bình (Quảng Nam). Ông làm quan được ba tháng thì cáo bệnh xin về chăm lo việc nghĩa thương làng Phụng Sơn cho đến lúc mất (1871). Tưởng nhớ công đức các ông, dân làng Phụng Sơn chung công góp của lập một ngôi miếu gọi là Nghĩa tự để thờ và dựng một tấm bia đá cao 1m, rộng 0,6m ghi công đức các ông. Một mặt bia khắc bài ký của ông Tú Nhơn Ân – Nguyễn Diêu, ca ngợi hoạt động nghĩa thương của làng Phụng sơn: “…Cái làng này từ năm Bính Dần trở lại đây dân tình đói kém, binh lính khổ sở chết chóc, thật khốn đốn. May nhờ trời mở ra vận tốt nên ông Tú tài Nguyễn Thế Hiển mới sinh ra hướng dẫn nhân dân tạo được công nghiệp như thế. Tiền lúa trong kho lẫm làng Phụng Sơn có thể giúp được nhiều việc…”. Mặt bia còn lại khắc bài ký của quan Tri phủ Tuy Phước – Lê Trung Khoản: “…Các ông họ Nguyễn, họ Trần lúc đầu đặt ra lẫm lúa của làng chẳng qua có ý làm lợi ích cho thôn mình thôi, nhưng ý đó hôm nay lại phổ cập đến cả việc nước, đến cả các thôn làng khác… Nhân phẩm và công đức của các ông họ Nguyễn, họ Trần hiếm thấy trong triều Tự Đức… Tôi chỉ mong mỏi dân Phụng Sơn giữ gìn tốt cái công nghiệp đã thành tựu đó và tăng thêm lối làm của các ông để khuếch trương sự lợi ích đến vô cùng…”. Hiện nay, bia đá còn lưu giữ tại làng Phụng Sơn.
Ngày nay, nghĩa tự đã sập đổ, nghĩa điền nghĩa thương cũng không còn, nhưng nghĩa cử của các ông họ Nguyễn, họ Trần ở làng Phụng Sơn mãi mãi được người đời sau tri ân và nhắc đến.
Mịch Quang với nửa thế kỷ cống hiến cho nghệ thuật dân tộc
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang được coi là một trong những người mở đường, một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống. Với các công trình “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng” (1963), “Đặc trưng nghệ thuật Tuồng” (1988), “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc” (1995), “Kinh dịch và Nghệ thuật truyền thống” (1999), “Khơi nguồn mỹ học dân tộc” (2003), Mịch Quang xứng đáng là một trong những nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc hàng đầu hiện nay.
Không chỉ là nhà nghiên cứu nghệ thuật Tuồng nổi tiếng trong và ngoài nước, Mịch Quang còn là một tác giả Tuồng xuất sắc, đã có những đóng góp đáng quý trong suốt hơn nửa thế kỷ qua cho sân khấu Tuồng cách mạng. Từ vở tuồng đầu tiên “Đường về Lam Sơn” viết dựng cho Đội tuồng thuộc Phân hội văn nghệ Bình Định hồi kháng chiến chống Pháp, đến nay Mịch Quang đã có hơn 20 tác phẩm được các đơn vị nghệ thuật sân khấu Tuồng cả nước dàn dựng và biểu diễn.
Với danh nhân văn hóa, hậu tổ Tuồng Đào Tấn, Mịch Quang là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu và phát huy sự nghiệp sân khấu truyền thống Hát Bội của ông trên văn đàn từ những năm 1960. Và cũng chính nhà nghiên cứu Mịch Quang đã đưa ra quan điểm sự khác nhau giữa Hát Bội Bình Định và các địa phương khác thông qua hát Khách. Ông đã vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
“Khiêm nhường, tận tụy, nhiệt huyết, trí tuệ, một ngọn lửa đam mê hực sáng, một cá tính sáng tạo độc đáo, một chiến sĩ kiên định, triệt để bảo vệ nghệ thuật dân tộc … Đó là những gì đồng nghiệp, bạn bè, học trò các thế hệ thường nói về Mịch Quang” (NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam).
GS.TS Trần Văn Khê đã nhận xét: “Trong những nhà nghiên cứu về nghệ thuật Tuồng, niềm hảnh diện lớn của truyền thống nghệ thuật Việt Nam, thì anh Mịch Quang có lẽ là người nghiên cứu toàn diện và sâu sắc hơn cả, chẳng những về lịch sử Tuồng mà cả phương pháp nghệ thuật Tuồng, kỹ thuật biểu diễn Tuồng, cách viết Tuồng … Việc anh Mịch Quang là một chuyên gia hàng đầu về Tuồng thì ai cũng biết. Nhưng anh còn là một nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống dân tộc uyên thâm và sáng tạo”.
Từ Paris, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong đã có những ấn tượng tốt đẹp về ông: “Tôi hết sức ấn tượng về ông ở nhiều nhận định và nghiên cứu đáng quý, ngoài cái phong cách sống đẹp và tri thức”.
GS.VS Hồ Sĩ Vịnh đánh giá về Mịch Quang: “Là một nhà nghiên cứu uyên thâm, ông hiểu biết sâu sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là lĩnh vực mà ông chuyên sâu: sân khấu và âm nhạc cổ truyền, lại nắm được công cụ nghiên cứu, hiểu biết chữ Hán, am hiểu văn thơ cổ điển dân tộc, thơ và từ Trung Hoa; ông cũng sử dụng thành thạo tiếng Pháp … Hiểu biết rộng, cảm thụ sâu nhiều đối tượng nghiên cứu như vậy mà Mịch Quang luôn luôn tự nhắc mình “phải hết sức khiêm tốn, dè dặt, luôn cố tìm, nhận cho được những nhược điểm những mặt yếu kém của mình để tránh những khinh xuất, khi nói cũng như khi viết””.
GS.VS Hoàng Trinh đã viết: “Mịch Quang là một nhà hoạt động Tuồng toàn diện, uyên bác về văn học, biết cả nhạc ta, nhạc Tây, biết cả sáng tác và múa hát”.
Có thể nói, Hát Bội Bình Định được vinh danh là Di sản phi vật thể Quốc gia và hiện nay, tỉnh Bình Định là địa phương đang bảo tồn và phát huy tốt nhất nghệ thuật truyền thống Hát Bội, với Nhà Hát Tuồng Đào Tấn – một đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp với 65 năm tuổi đời và hàng chục gánh Hát Bội không chuyên thường xuyên hoạt động trong và ngoài tỉnh là nhờ có sự đóng góp tận tụy, nhiệt huyết, trí tuệ của người con quê hương – nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang.
Cuối cùng, nhân dịp Năm mới 2018, thay mặt UBND tỉnh Bình Định, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang cùng gia đình, chúc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cùng quý vị đại biểu năm mới an khang, thịnh vượng.
Xin trân trọng cảm ơn!
Tham luận của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định