Lão tướng Mịch Quang

24/09/2020

Nghe Viện Sân khấu tổ chức lễ mừng thọ 80 năm nhà nghiên cứu Mịch Quang, tôi giật mình thốt lên: “Sao, ông Mịch Quang đã 80 tuổi rồi kia à!”. Điều khiến tôi quên đi tuổi tác cao của ông bạn nhất định không phải là cái dáng vóc thư sinh gầy gò đã bao nhiêu năm quen thuộc mà là cái lòng say mê nghệ thuật sân khấu truyền thống còn nguyên vẹn trẻ trung, là cái tinh thần năng động, linh hoạt, lúc nào cũng sẵn sàng nhập cuộc mà bạn bè thấy ở ông trong những buổi tọa đàm khoa học gần đây nhất.


Với GS.NSND Trần Bảng

Trong lĩnh vực nghệ thuật tuồng, Mịch Quang là tác giả, đạo diễn đồng thời, là nhà nghiên cứu. Ngày nay lớp trẻ coi đó là một sự bao biện mà không biết rằng đối với thế hệ chúng tôi, những người theo nghề từ thuở ban đầu phục hồi nghệ thuật truyền thống (1960) thì sự bao biện ấy là tất yếu. Lúc ấy, phương pháp nghệ thuật truyền thống còn là điều bí ẩn nằm trong diễn xuất của các nghệ nhân. Chúng tôi vừa phải tìm hiểu những quy luật nội tại của nghệ thuật truyền thống vừa tự mình đem ứng dụng, thí nghiệm những hiểu biết đó vào kịch bản, vào vở diễn. Tuy làm nhiều chức năng những mỗi chúng tôi lại có một cái duyên riêng với nghệ thuật sân khấu truyền thống. Người thì thiên về lý luận cơ bản lịch sử nghệ thuật, người thì thiên về nghệ thuật biểu diễn. Sự gắn bó của Mịch Quang, với vấn đề âm nhạc truyền thống là cái duyên, cái nghiệp của cả cuộc đời ông. Âm nhạc như tôi đã phát biểu ở hội nghị lý luận sân khấu năm 1971, là trung tâm gió bão diễn ra trong suốt quá trình phát triển của lịch sử kịch hát dân tộc hiện đại. Mịch Quang là người chiến sĩ xung kích dũng cảm nhất, triệt để nhất chống lại sự tấn công của những xu hướng lai căng làm cho âm nhạc truyền thống bị tha hóa mai một đi. Hai tiếng “cực đoan” mà một số người gán cho anh nói lên tính ngoan cường, thái độ không khoan nhượng của anh trước những mưu toan phá hoại truyền thống. Mịch Quang bảo vệ truyền thống với một bản lãnh, một sự hiểu biết nghệ thuật sâu sắc.

Duyên nào cũng có bởi cái “nhân” đi trước nó, Mịch Quang gắn bó với âm nhạc truyền thống bởi từ thời trẻ đã tích lũy được cho mình một số vốn hiểu biết phong phú về dân ca các miền và âm nhạc truyền thống. Ngoài hát tuồng tôi còn được nghe anh hát thành thạo các loại lý, bài chòi, cải lương… Thiên bẩm ấy cộng với công phu nghiên cứu lâu năm đã là cơ sở tạo nên những bài viết sắc sảo, có nhiều phát hiện hay về ca nhạc truyền thống. Gần đây nhớ đến bạn, tôi tìm đọc lại bài viết “Tính uyển chuyển và tính năng động là đặc thù của âm nhạc Việt Nam” (Mobility and Dynanism as karacteristics of Vietnamese Music) của Mịch Quang đăng trong tập san Nhạc Việt của Hội Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam ở Mỹ, số mùa xuân năm 1993. Ở đây, Mịch Quang giới thiệu các xử lý linh hoạt và uyển chuyển các mô hình ca nhạc và bài bản âm nhạc truyền thống (học chết dùng sống), giá trị của các loại luyên láy, và bằng phương pháp đối sánh, vạch ra sự khác biệt cơ bản giữa hai luồng âm nhạc Việt Nam và phương Tây. Công trình nghiên cứu ngắn gọn, gồn 13 trang sách in khổ nhỏ, mà giải thích được một cách đơn giản, dễ hiểu đầy sức thuyết phục những vấn đề cơ bản nhất của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Phải rất am hiểu vấn đề, phải có bản lãnh của một nhà nghiên cứu tầm cỡ “lão tướng” (vétéran) mới có khả năng làm được như vậy.

với GS.NSND Trần Bảng, GS Hoàng Chương.

Mịch Quang có cách nhìn triệt để vấn đề, lối diễn đạt bộc trực và dứt khoát, những nét tính cách mà một số người trong giới học thuật gọi nhầm là “cực đoan”. Đấy cũng lại là tác phong của Mịch Quang trong đời sống thường ngày. Bạn bè xung quanh có tác phẩm ra đời, ai cũng mong đợi với đôi chút ngài ngại những ý kiến nhận xét đôi khi quá thẳng thắn của anh. Tôi nhớ lại năm 1974 sau khi vở “Tình rừng” của tôi ra đời, tuần báo Văn Nghệ tổ chức một diễn đàn tranh luận trên báo trong hai tháng về vở diễn. Nhiều bài báo khen chê sôi nổi. Giữa lúc ấy Mịch Quang nhập cuộc với một bài báo dài ủng hộ phương hướng phát triển chèo của vở diễn. Đến bây giờ tôi vẫn thấy cần phải cảm ơn nhiều về những cổ vũ quý giá mà bài báo của một nhà lý luận sân khấu truyền thống có uy tín đã đem lại cho tôi giữa cuộc tranh luận gay go thời ấy.

Hôm nay tôi không có tham vọng, dù chỉ là phác họa nên vài nét chân dung ông bạn của tôi, một nhà nghiên cứu tài năng, một nghệ sĩ tuồng tâm huyết như Mịch Quang. Trên đây chỉ là một số ý nghĩ chân thành, tâm đắc, những ý nghĩ đã làm nền tảng cho tình bạn, cho sự tin cậy, lòng kính trọng lẫn nhau giữa chúng tôi, hai nghệ sĩ một Tuồng, một Chèo, ngót năm chục năm trời dong duổi bên nhau vinh có nhục có, trên con đường đi tới gập ghềnh, trắc trở của nghệ thuật sân khấu kịch hát truyền thống.

Bác Mịch Quang kính mến, người bạn cao niên của tôi, mừng bác đã được hưởng thọ 80.

Chúc lão tướng trường sinh vì sự nghiệp Chấn hưng của nền nghệ thuật kịch hát dân tộc.

 

GS.NSND Trần Bảng