Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P3)

15/10/2020

 

(Tiếp)

THÁI CỰC ÂM DƯƠNG, NỀN VĂN HÓA VÔ THẦN

 

Lâu nay, khá nhiều người cho rằng truyền thống văn hóa ta là mê tín dị đoan, dựa trên các hiện tượng nhân dân ta từ xưa thờ đủ các vị thần, thánh. Đó là tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Thực ra, tín ngưỡng ấy bắt nguồn từ vũ trụ quan sinh học, có thiên hướng tuyệt đối hóa sự sống trong tất cả vạn vật. “Linh”, “Linh thiêng”, hàm ý có sự sống. Tôi gọi là “thiên hướng”’ vì chúng ta đều biết không phải tất cả vạn vật đều có có sự sống; mặt khác, tục thờ cúng của truyền thống ta không phải hoàn toàn mê tín, mà bắt nguồn từ sự thờ cúng những người có công, kẻ có ích cho mình. Ở tín ngưỡng vạn vật hữu linh chưa hề có quan niệm về một “đấng” phi nhân, tạo ra trời đất muôn vật. Nếu ta có chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, nói đến “Ngọc Hoàng Thượng đế”, thì Ngọc Hoàng Thượng đế cũng không có vai trò tạo ra trời đất mà chỉ là ông vua của các thần linh (linh hồn vạn vật). Do đó, đối chiếu với ý nghĩa của khái niệm “hữu thần”, là tin tưởng về một “đấng phi nhân” sáng tạo ra trời đất vạn vật, thì tín ngưỡng vạn vật hữu linh là vô thần.

Nhìn lên truyền thống gọi là “tôn giáo” của ta. Chúng ta có “Lão giáo”, “Đạo giáo”, “Phật giáo”, “Khổng giáo”. Thực ra, tất cả các “giáo” ấy đều không mang ý nghĩa tôn giáo, vì đã là tôn giáo thì phải “hữu thần”, mà không vị giáo chủ nào của bốn “tôn giáo” ấy hoặc tự xưng hoặc gán ghép cho “tạo ra trời đất vạn vật”. Các “giáo” ấy, thực ra là thờ vị tổ tạo ra học thuyết. Còn đối với “đấng” mà các tôn giáo chính hiệu tự xưng là tạo ra trời đất vạn vật, thì truyền thống nho gia ta gọi là “tạo hóa” nhưng lại thường gọi là “thợ tạo” (hóa công) hoặc “trẻ tạo” (hóa nhi) .

 Động chủ hữu linh thần bút tại.

Hóa nhi vô ý tự nhiên công.

(Nghĩa là chủ động linh thiêng còn lưu lại nét bút. Trẻ tạo vô tình tạo nên kỳ công).

(Hương Sơn phong cảnh ca)

                                                            Vũ Phạm Hàm

            Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán

            Đắm đuối người trên cạn mà chơi

                                                (Cung oán ngâm khúc)

                                                            Nguyễn Gia Thiều

Trước đây đã có một số người nghiên cứu Kinh Dịch thấy “Thái cực” được giải thích là “Cái thun giãn ban đầu”, đã vội quy “Thái cực” đồng nhất với “Thượng đế”. Song, lý thuyết của Hải Thượng quy mệnh môn hỏa là thái cực. Nay qua bài giảng của thầy Cao Xuân Huy làm sáng tỏ “thái cực” là: Cái tổng thể có Âm Dương, khác với “vô cực” là “cái tổng thể chưa có Âm Dương”.

Quan niệm vũ trụ bắt đầu từ thái cực, đã không còn mang tính chất huyền ảo nào cả, và rõ ra là một vũ trụ vô thần, và cái mà người xưa quy là “thần”, là “linh”, chi phối sự vận động của vũ trụ có sự sống ấy, thực ra chỉ là vận động Âm Dương trong Thái cực, là nhịp điệu sinh học trong mọi cái tổng thể sống, từ vĩ mô đến vi mô.

Thái cực là cái tổng thể đã có Âm Dương : “Nhất Âm Nhất Dương chi vị Đạo”. Đến đây ta thấy rất rõ quan niệm “Đạo là một Âm một Dương” chính là quan niệm về “bàn tay bí ẩn” của nhịp điệu sinh học chi phối vũ trụ có sự sống. Quan niệm về sự hình thành vũ trụ và vạn vật theo lý thuyết Thái cực Âm Dương rõ ràng là vũ thụ quan vô thần.

Nói chung, truyền thống vũ trụ quan sinh học dân gian ta từ phồn thực đến nhịp điệu tối sáng sinh học, từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tin rằng vạn vật điều có sự sống, cũng là vô thần, đến các tư tưởng Lão giáo, Phật giáo, cũng đều là tư tưởng vô thần. Lão, Phật, thực chất không phải là tôn giáo đúng với ý nghĩa gốc của nó, vì đã là tôn giáo thì phải là độc thần như Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Lão, Phật chỉ là các “đạo” thờ vị tổ sáng tạo ra học thuyết kiểu như thờ cúng tổ tiên.

Nền văn hóa vô thần (hay đa thần) nảy sinh từ xã hội cộng đồng chưa có lãnh tụ chuyên chế (khác với nền văn hóa độc thần nảy sinh từ xã hội đã có giai cấp, có lãnh tụ chuyên chế độc đoán) cho nên nó cũng không có tư tưởng tuyệt đối như nền văn hóa độc thần. Đấy là một trong những yếu tố cốt lõi chi phối tư tưởng sáng tạo nghệ thuật của dân tộc ta, khiến cho nó khác với tư duy sáng tạo nghệ thuật phương Tây thuộc nền văn hóa Thiên chúa giáo, và lịch sử xã hội có trải qua các chế độ chuyên chế chủ nô và chúa phong kiến nông nô. Lịch sử dân tộc ta không trải qua hai chế độ ấy. Thuyết Âm Dương đã được vua Phục Hy tổng kết cũng trong thời cổ đại, xã hội chưa có giai cấp, nhờ đó, ông đã không bị tính giai cấp làm méo mó quy luật nhịp điệu sinh học Tối Sáng chi phối vũ trụ.

 

ÂM DƯƠNG TRONG BÁT QUÁI: TAM TÀI

 

Theo cách giải thích của các nhà Dịch học ngày xưa, thì Âm Dương vận hành đến vòng thứ ba, sau “lưỡng nghi tứ tượng”, mới sinh ra Bát quái. Không ít người hiểu nhầm đấy là quá trình phát triển của vũ trụ theo Dịch thuyết. Hoàn toàn không phải như thế.

Cách nói cổ xưa ấy, cũng như cách nói: “Thái cực là cái toàn thể khi chưa vạch quẻ”, không nên chỉ hiểu là quá trình hình thành, phát triển mà trong đó còn có hàm nghĩa là quá trình nhận thức ; nếu “lưỡng nghi” (âm Dương) chỉ thuần tuý là “thuyết cụ tượng” về nhịp điệu sinh học về tế bào và phân bào, thì đến Bát quái, Âm Dương đã gắn liền với những tồn tại cụ thể: Càn (trời), Khôn (đất), Khảm (nước), Ly (lửa), Cấn (núi), Chấn (sấm sét), Tốn (mưa gió), Đoài (ao, hồ đầm). Nói theo kiểu nho thì Âm Dương mới chỉ có “hình”, đến Bát quái thì mới có “tướng”.

Các nhà Dịch học Trung Quốc xưa bàn về Bát quái cũng đa dạng và phức tạp, nhiều câu trả lời rất khó hiểu với chúng ta ngày nay. Học Kinh Dịch tôi chỉ chú ý đến hai vấn đề giản dị mà quan trọng :

1) Trời đất giao cảm, Âm Dương vận hành, mặt trời, mặt trăng vận hành nước, lửa  không bắn nhau, sấm sét vang động cổ vũ, núi đầm  thông nhau, cương nhu xô đẩy nhau, bát quái sóng sánh, tạo ra vạn vật. Lý thuyết ấy về Bái quái cho ta thấy Kinh Dịch có quan niệm rất rõ về nguyên nhân vật chất, vô thần của vũ trụ.

Và càng đáng chú ý hơn nữa khi “Nhạc ký” dịch cái ý “Sấm sét vang động cổ vũ” là “vạn vật sinh ra do tiếng vang đột nhiên của sấm sét”. Bỗng nhiên tôi liên tưởng đến thuyết Big Bang về sự hình thành vũ trụ. Với ngụ ý trên thì Bát quái mặc dù đã ra “tướng”, nhưng vẫn còn được sử dụng như “hình”

2) Văn Vương đã chuyển phương vị Bát quái của Phục Hy nhận thức về tự nhiên sang phương vị Bát quái của ông đưa nhận thức Bát quái vào xã hội phụ hệ xây dựng nhân sinh quan Kinh Dịch “thiên nhân tương hợp”.

3) Với quan hệ “Tam Tài”, mới đến ý nghĩa “tướng” trong Bát quái.

Như ta đã biết, khi nhận thức đến Bát quái thì vị tố Kinh Dịch đã “vạch quẻ” ghi tượng mỗi quái bằng ba vạch, vẫn đúng vạch liền của hào Dương (-) và vạch đứt quãng của hào Âm (- -).

 

Ba vạch ba hào ấy từng quái gọi là “Tam Tài Thiên Địa Nhân”. Nếu đọc theo quy ước Kinh Dịch từ dưới lên thì là “Địa Nhân Thiên”, “con người” (nhân) được đặt vào giữa trời đất.  Người xưa đã diễn dịch ý nghĩa của “tam tài” thành hai nguyên lý :

“Thiên Nhân hợp nhất”

(con người và vũ trụ lả một chỉnh thể)

“Nhân thân tiểu thiên địa”

(con người là một vũ trụ thu nhỏ) .

Hai nguyên lý ấy đã trở thành những nguyên lý cơ bản của Đông y. Trong cách xếp “Tam tài Địa Nhân Thiên” ấy, tôi thấy có ngụ ý: Trời, Đất, tuy nói là “hai” nhưng thực chất là “tượng” của một: vũ trụ. Đặt con người vào giữa Đất Trời, là ngụ ý: “Con người sinh sống hoạt động giữa vũ trụ, là trung tâm của vũ trụ. Con người và vũ trụ luôn có mối quan hệ tương tác với nhau”. Ngụ ý thứ hai này rất quan trọng, vì nó đề cập đến một nguyên lý rất hiện đại, nguyên lý về mối quan hệ giữa sinh vật và môi trường, đấy cũng là một nguyên lý sinh học hiện đại.

Với “Tam Tài”, Kinh Dịch đã tiến thêm một bước “Nhất nguyên lưỡng cực” mới: “Nhất nguyên lưỡng cực” giữa sinh vật và môi trường sinh thái. Trong mối quan hệ “nhất nguyên mới” này, vai trò con người mà Kinh Dịch đặt trong trung tâm vũ trụ, có khi là Dương, có khi là Âm. Cách ghi tượng ấy ngụ ý gì?

Tôi không có điều kiện để đọc hết Hệ từ, Dịch truyện, Thoán từ, nên không hiểu người xưa đã giải thích chưa, nhưng tôi tạm “giải mã” như sau :

Mặc dù là đứng giữa Trời Đất, nhưng con người đối với Trời Đất (Thiên Nhiên) không phải lúc nào cũng được là Dương (tích cực chủ động), mà có khi phải là Âm (tiêu cực thụ động).

Trong trường hợp này Âm có nghĩa tiêu cực thụ động, Dương có nghĩa tích cực chủ động. Tích cực là chi phối thiên nhiên, tiêu cực là chịu sự chi phối của thiên nhiên. Nếu ta đồng ý hiểu rộng thêm nghĩa Trời Đất là khách thể, con người là chủ thể, như tôi gợi ý trong phần trước, thì ta có hiểu thêm vế mối quan hệ khi Dương, khi Âm giữa chủ thể và khách thể trong một chỉnh thể thống nhất. Với “giải mã tạm” ấy tôi thấy lý thú ở chỗ:

Khác với tư tưởng nhị nguyên luận phương Tây, đặt con người làm chủ thiên nhiên đến nỗi môi trường kêu cứu hiện nay, Kinh Dịch, dù đặt con người vào trung tâm vũ trụ, nhưng đã không nêu vấn đề con người làm chủ tự nhiên một cách tuyệt đối, mà là “tùy thời” làm chủ hay “làm tớ”. Quan điểm ấy của Kinh Dịch thống nhất với quan điểm “sống hòa hợp với tự nhiên” của Lão Tử, Trang Tử…

Tuy nhiên, suy nghĩ ấy của tôi chưa phải là chỗ chính yếu của Tam Tài. Nếu ta mở rộng nghĩa chữ “nhân” ra là sinh vật, sinh vật nói chung, thì tam tài phản ảnh mối quan hệ thường xuyên trao đổi chất giữa sinh vật và môi trường và sự trao đổi chất có khi Âm có khi Dương. Hãy giả dụ như cây ban ngày hút khí cacbonic, tức là “Âm hóa”, ban đêm hút khí oxy nghĩa là “Dương hóa”, và quy trình “Âm hóa” ban ngày, “Dương hóa” ban đêm của thực vật đã tạo cho con người một môi trường không khí “Dương hóa” ban ngày và “Âm hóa” ban đêm. Còn có thể dẫn nhiều ví dụ lý thú khác trong lĩnh vực sinh học, vì đó là quy luật tồn tại và phát triển của sinh vật. Sự vận động Âm Dương trong quan hệ với môi trường là muôn hình nghìn vẻ.

Sau đây, xin giới thiệu mấy nét về “Nhân Thân Tiểu Thiên Địa” cũng đã được Y Dịch rút ra từ Tam Tài.

Trước tiên xin giới thiệu bản so sánh cổ truyền giữa vũ trụ “Đại Thiên Địa”, “Tiểu Thiên Địa” (cơ thể con người)

            Đại Thiên Địa                       Tiểu Thiên Địa

(vũ trụ)                                   (cơ thể con người)

Trời: Tròn                              Đầu: Tròn

Đất: Vuông                            Chân: Vuông (phẳng)

Tứ tượng, tứ thời                  Tứ chi

Ngũ hành                               Ngũ tạng, ngũ quan

Ly tiết                                    Ly đối xương sống

Bát tiết                                   Bát môn

Cửu thiên                               Cửu khiếu

12 tháng                                 12 đốt khí quản, 12 Kinh lạc

Sông ngòi                              Huyết mạch

Lục khí                                   Lục phủ, lục kinh

Không khí                             Hơi thở

360 ngày                                360 đốt xương

Bản so sánh liên hệ có vẻ máy móc ấy cho ta một sự bất ngờ, càng củng cố thêm thuyết “Nhân thân tiểu thiên địa”, mà chúng ta đã thấy nhịp điệu sinh học thống nhất giữa vũ trụ và con người, lên tận tới nhịp điệu của bộ não, Thần kinh Trung ương, và đã nhắc tới “Nhân thân tiểu thiên địa”, cũng phải nhắc lại “Thiên nhân hợp nhất”. Cặp nguyên lý nói về quan hệ trao đổi chất và năng lượng cơ thể sống, được rút ra từ các quẻ “Tam tài đơn” (bát quái) và “Tam tài kép” (64 quẻ) mang ý nghĩa hiện đại về mối quan hệ nhất thể hóa, tích hợp sinh học và biện chứng, giữa chủ thể và khách thể. Truyền thống Đông y đã nêu nguyên lý: “Bất tri dịch, bất khả dĩ ngôn y” (nghĩa là : không hiểu Dịch, không thể nói đến làm thuốc). Truyền thống Đông y cũng sử dụng toàn những vị thuốc tự nhiên: thực vật và động vật; lý luận và thực tiễn ấy chứng tỏ Đông y là một nền y học sinh học. Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân tộc, sau nhiều năm nghiên cứu, tôi thấy cũng có thể nói: “Bất tri Dịch, bất khả dĩ ngôn văn (văn hóa nghệ thuật) và nguyên lý “Văn dĩ tải đạo” cổ truyền mà không ít nhà lý luận văn học hiểu nhầm “đạo” là đạo đức phong kiến, mà chính là “đạo” (quy luật) Tam Tài, mối quan hệ hữu cơ giữa sinh vật con người và môi trường, giữa chủ thể và khách thể đặt trong một tổng thể, là một bộ phận rất quan trọng của đạo Dịch vậy. Đó là nguyên lý cốt yếu về mối quan hệ hữu cơ, rất rộng, giữa con người, tự nhiên và xã hội (tam tài kép).

Nhân đây, tôi xin giới thiệu 2 bài thơ cổ nói về Tam Tài:

 

VỊNH TAM TÀI

 

Trời đất sinh Ta có ý không

Chưa sinh Trời Đất có Ta trong

Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh

Trời Đất chung Ta một ý đồng

Đất nứt Ta ra Trời chuyển động

Ta thay Trời mở Đất mênh mông

Trời che Đất chở Ta thong thả

Trời Đất Ta đầy đủ hóa công

Trần Cao Vân

 

THỌ

Nhất vật do sinh hữu nhất thân

Nhất thân ưng hữu nhất càn khôn

Sinh tri vạn vật cấu ư ngã

Khẳng bả Tam Tài biệt lập căn

SỐNG MÃI

Mỗi vật sinh ra có một thân

Mỗi thân là cả một Càn Khôn

Nhớ rằng vạn vật trong ta đó

Tách biệt làm sao Thiên Địa Nhân

Đào Tấn

                                                                        (Mịch Quang – dịch)

Có một nhà sinh học nghiên cứu Kinh Dịch, nghiên cứu Bát quái cho rằng: Kinh Dịch quan niệm quả đất hình vuông và đứng im. Tôi không thấy ý ấy trong hầu hết các giải thích về Bát quái. Tôi chỉ nhớ câu nói dân gian “Trời tròn Đất vuông”. Đây là câu nói hình tượng. “Trời tròn”nghĩa là trời động, vì “tròn” thì không nằm im được, “Đất vuông” nghĩa là “đất tĩnh” vì vuông thì nằm im. Tuy nhiên vuông tròn ở đây lại chuyển hóa lẫn nhau. Xin trích dẫn sau đây ý kiến của Lê Quý Đôn:

” Trời thuộc Dương, đất thuộc Âm; Dương chủ động, Âm chủ tĩnh. Công dụng của Trời thường động, nhưng bản thể của trời vẫn tĩnh. Bản thể của Đất vốn tĩnh, nhưng công dụng của nó vẫn động. Trời mà không tĩnh thì bốn cõi: Kiền Khôn Càn Tốn sao được yên lặng vững bền, bảy chính: mặt trời, mặt trăng và 5 hành tinh, tựa vào đâu được? Đất mà không động thì chỉ là một khối trùng trục mà sinh ý hầu như mất hết. Trời thì hình động mà khí tĩnh. Đất thì hình tĩnh mà khí động”(l).

Nếu nói: các vị tổ Kinh Dịch chưa biết việc “quả đất xoay quanh trục của nó thì đúng – song, khi khám phá quy luật Âm Dương (Tối Sáng – Ngày Đêm) họ lại đã khám phá ra hiệu quả của quả đất xoay quanh trục của nó tạo ra Tối – Ban đêm, Sáng – ban ngày. Và họ đã biết sâu hơn điều mà những người biết quả đất quay: nhịp điệu sinh học Âm Dương – nhịp điệu chi phối toàn bộ vũ trụ có sự sống, hàng nghìn năm trước sự khám phá ra quả đất xoay quanh trục của nó.

Qua hai bài thơ, tôi càng thấy người xưa đặc biệt chú ý đến thuyết Tam Tài trong Bát quái, và chú ý đặc biệt đến tính nhất nguyên, không thể tách được, của vũ trụ, khách thể, và con người chủ thể, hoặc là thuyết quái có ý nghĩa về nguyên nhân vật chất của vũ trụ; song, thuyết Tam Tài (không hiểu nó đã đẻ ra nguyên lý “Thiên nhân hợp nhất” của Đông y hay đã tiếp thu nguyên lý ấy) là cái cốt lõi của pháp biện chứng – sinh học Kinh Dịch, sớm thấy được mối quan hệ trao đổi giữa sinh vật, con người và môi trường sinh thái, môi trường xã hội. Đặc biệt, trong bài thơ của ông, Trần Cao Vân đã đặt con người là một thành phần của hóa công.

Còn trong bài thơ của ông Đào Tấn lại nhấn mạnh “Nhân

(1) Vân đài loại ngữ, tr.54

Thân tiểu Thiên Địa”, và nêu rõ việc không thể tách biệt, tính nhất nguyên, giữa con người và môi trường. Có điều đáng chú ý là tại sao Đào Tấn lại lấy nhan đề bài thơ là “Thọ”.

Không biết tôi hiểu có đúng không, tôi thấy với nhan đề “Thọ” Đào Tấn đã liên kết tư tưởng Kinh Dịch với tư tưởng Phật giáo “sống gửi thác về” (về với Tứ Đại vật chất). Trước khi chấp nhận để thích ứng, thuyết luân hồi linh hồn của Bà La Môn, Phật giáo đã xây dựng thuyết luân hồi của Tứ Đại. Khi chết, thân xác được phân hủy trở lại với Tứ Đại, những yếu tố đã tạo nên nó. Trong bài thơ “Khóc Phan Đình Phùng”, Đào Tấn có câu:

            Thủ vãn sơn hà tâm vị tử

            Thân kỳ cơ vĩ khí do sinh

Tạm dịch:

            Tay giằn sông núi lòng chưa chết

            Xác gửi trời sao khí vẫn sinh

(Chữ “khí” ở đây vừa có nghĩa khí phách vừa có nghĩa vật chất vận động).

Trong câu hát của Đổng mẫu (tuồng Sơn Hậu) ông viết:

            “Như mẹ đây là

            Khá hay ngày chết ấy năm sinh”

(Nguyên văn: “tu tri tử nhật thị sinh niên)

Tôi nghĩ rằng: Đào Tấn có lý khi ông liên hệ thuyết Tam Tài, trong con người có cả Thiên Địa, với thuyết luân hồi Tứ Đại của Phật giáo về phương diện vật chất vận động.

 

LẠC THƯ HÌNH VUÔNG KỲ ẢO KINH DỊCH

 

Hà đồ, Lạc thư, là hai tư liệu cổ nhất của Kinh Dịch. Chúng ta đã bàn về một số ý nghĩa cơ bản của “Thái cực âm Dương” Bát quái, thái cực đồ, Bát quái đồ, sử dụng tượng (hào), Hà Đồ, Lạc Thư sử dụng số thập phân dưới dạng dấu chấm tròn. Nhưng hệ thập phân ở đây lại được quy lại 5 số Dương (lẻ) và 5 số Âm (chẵn).

Theo lịch sử Kinh Dịch thì Hà Đồ, Lạc Thư có trước tiên, là nguồn gốc Bát quái. Hà Đồ theo truyền thuyết, do Vua Phục Hy tìm thấy, Lạc Thư do Vua Đại Vũ tìm thấy, Hà Đồ sử dụng đến số 10, còn Lạc Thư chỉ sử dụng đến số 9. Giải thích về ý nghĩa khác nhau của Hà Đồ Lạc Thư, các sách Kinh Dịch đều nói đến một ý cơ bản : “Hà Đồ nói về cái thể vũ trụ nên chủ về toàn”, “Lạc Thư lại nói về cái dụng của vũ trụ nên chủ về biến”. Hà Đồ ngụ ý ngũ hành tương sinh. Lạc Thư ngụ ý ngũ hành tương khắc…

Thầy Cao Xuân Huy lưu ý chúng tôi đến “hình vuông kỳ ảo” của Lạc Thư, cộng tất cả các chiều đều ra số 15. Thử ghi Lạc Thư ra con số bây giờ. Chúng ta đều biết ở phương Tây, nhà toán học Pytago cũng phát minh ra hình vuông kỳ ảo, hình vuông kỳ ảo Pytago.

So sánh, ta thấy:

PYTAGO

4113
567
918

 

LẠC THƯ

 

492
357
816

 

– Hình vuông kỳ ảo, Lạc Thư sử dụng số 1 đến số 9.

– Hình vuông kỳ ảo, Pytago sử dụng đến số 11

– Hình vuông kỳ ảo của Lạc Thư đặt số 5 vào giữa

– Hình vuông kỳ ảo của Pytago đặt số 6 vào giữa.

Ta cần hiểu ý nghĩa của con số 5 Kinh Dịch, con số đã sinh ra thuyết ngũ hành và đã quy tất cả vào 5.

Như đã nói, trong hệ thập phân, Kinh Dịch xem như thực chất chỉ có 5 số, các số 6,7,8,9,10 đều là do các số 1, 2,3,4,5 cộng với số 5. Kinh Dịch chia hệ thập phân ra số Dương (số lẻ) và số Âm (số chẵn). Cả Hà Đồ, Lạc Thư đều đặt số 5 vào trung tâm và trên hình vẽ đều ghi số lẻ thành những chấm trắng, số chẵn thành những chấm đen và quy số dương ra “số trời, động” số âm ra “số đất, tĩnh”. Kinh Dịch nói: “Số trời có 5 (năm số lẻ) số đất cũng 5 (năm số chẵn) năm ngôi tương đắc hấp dẫn nhau”.

Số trời cộng lại : l+3+5+7+9 : 25.

Số đất cộng lại : 2+4+6+8+10 : 30.

Cả hai số cộng lại là 55, bao gồm biến hóa vũ trụ, Kinh Dịch phần “Dịch vĩ” cho rằng “dịch” biến ra số 1. Pytago cho rằng số 1 sinh ra tất cả. Do đó, Pytago quan niệm con số là bản thể của vũ trụ. Dịch vĩ quan niệm con số là lịch trình phát triển của bản thể chứ không phải chính bản thể. Kinh Dịch nói đến tròn và vuông – Pytago không nói đến tròn, chỉ nói đến vuông và chữ nhật.

Nhà toán học Pháp Mercel Granet trong “Tư tưởng Trung Hoa” (La Pen sée) cho biết con số 5 là con số trung tâm hệ đồng đẳng (Nombre congrue). Nó nằm giữa hai bên đồng đẳng yếu (Congrue Faible) và đồng đẳng mạnh (Congrue fort). 1 2 3 4 (5) 6 7 8 9.

– Các số bên “đồng đẳng yếu” (1 2 3 4) cứ mỗi số cộng với 5 thì ra các số bên “đồng đẳng mạnh”, ngược lại, cứ mỗi số, trừ số 5, thì ra các số bên “đồng đẳng yếu”.

Kinh Dịch với cách chia hệ thập phân thành “số trời”, “số đất” đã bắt gặp hệ thống đồng đẳng. Ý nghĩa của việc ấy là:

– Khắc phục tính chất tuyến thẳng hư vô của hệ thập phân, cho nó vận động theo kiểu phản hồi, xoắn ốc.

– Tìm một con số trung tâm, nhằm biểu thị hai ý:

  1. Chu kỳ lặp lại và phát triển của vũ trụ.
  2. Trung tâm chỉ huy sự vận động ấy.

Trong “Hình vuông kỳ ảo” Lạc Thư, ta thấy con số 5 đặt vào trung tâm của hình vẽ lại là con số trung tâm của hệ đồng đẳng, và chu kỳ vận động đều qua số 5 lên dần 10, 15…

– Hình vuông kỳ ảo Pytago với con số 6 đặt vào giữa và con số lớn nhất là 11. Mặt khác, nó còn lộ rõ tính gián đoạn ở hiện tượng bỏ mất số 5 và số 10.

Hình vuông kỳ ảo Lạc Thư còn biểu thị được sự vận động ngược chiều nhau giữa “số dương” (số lẻ) và “số âm” (số chẵn).

Hình vẽ:  1 2 3 4         (5)              6 7 8 9

Đồng đẳng mạnh                  Đồng đẳng yếu

“Dương số” đi từ dưới lên (hồi tác dương) từ trái qua phải. Âm số về từ trên xuống, từ phải qua trái (hồi tác âm).

Nếu nhìn chu trình đầy đủ của các con số trong Lạc Thư thì ta thấy mỗi chu kỳ phải qua số 5.

Chu trình thứ 2 là 9 về 10, 10 là số 5 + 5, chu trình thứ ba lại lên 15… nghĩa là cứ chồng mãi số 5 lên. Chu trình 5 chính là chu trình phản hồi biến hóa vô cùng của vũ trụ. Như thế, các nhà Kinh Dịch xưa nói “Lạc Thư chủ biến và nói về dụng” là đúng về ý nghĩa triết học. Lạc Thư muốn vẽ ra một phương thức vận động tuần hoàn theo hình cầu mở, luôn có trung tâm chỉ huy và cứ mỗi chu trình lại gặp phải trung tâm ở một vòng lớn hơn. Tôi thấy ngụ ý ấy của Lạc Thư vừa gần giống như đường xoắn ốc của biện chứng pháp, vừa giống đường cong phản hồi(1) của điều khiển học. Và, phải chăng, trong tự nhiên cái trung tâm mà con số 5 biểu trưng ấy là cái trục mà quả đất xoay quanh nó tạo chu kỳ Ngày Đêm, Sáng Tối, nhịp điệu cơ bản của đồng hồ sinh học, “nhà điều khiển vô hình” cho mọi kích thích và điều hòa vũ trụ, mà tôn giáo và duy tâm quy ra Thượng Đế? Các nhà sáng tạo Kinh Dịch mặc dù chưa biết quả đất quay, nhưng lại đã phản ánh được hệ quả qua thuyết Âm Dương.

Nhớ lại ý của viện sĩ A. Ême trong “đồng hồ sinh học”:

“Việc nghiên cứu các nhịp điệu Ngày Đêm cũng có tầm quan trọng lớn trong triết học”… “Chắc chắn rằng việc nghiên cứu các nhịp điệu ngày đêm của hoạt động sống cho phép viết nhiều chương hấp dẫn hơn về cơ thể học so sánh, nó sẽ có tác dụng liên kết chặt chẽ hơn nữa cơ thể học với di truyền học và điều khiển học” (tr.147).

Tôi thấy có thể quy đường cong Lạc Thư vào đường xoắn ốc của triết học biện chứng đường cong phi tuyến trong khoa học tự nhiên. Cái mà J.Needhams gọi là “lý thuyết sóng” và “duy vật hữu cơ” chính là cái đường cong ấy của Lạc Thư, và ngũ hành là bước phát triển cao, hoàn chỉnh của tư tưởng biện chứng Kinh Dịch. Nó cho ta thấy rõ chỗ mà nhiều người hiểu nhầm tư tưởng Kinh Dịch là tư tưởng tuần hoàn do câu “Thiên địa tuần hoàn, chung nhi phục thủy” (nghĩa là: Vũ trụ tuần hoàn, kết thúc lại quay về bắt đầu) không phải là tuần hoàn khép kín như tròn (cercle) mà tuần hoàn mở (như phản hồi, như xoắn ốc) “thủy” ở đây không phải lặp lại như cũ mà là “Về trung tâm để tiến lên vùng mới”. Đó là ngôn ngữ “Số học tập mờ” hình vuông kỳ ảo Lạc Thư. Chu trình ngũ hành, mà “thổ” được đặt vào trung tâm (hành thổ đặt vào giữa cùng với Can, “mậu kỷ” thường gọi là “Trung ương Mậu Kỷ thổ” (vì Can là không gian), là phỏng theo Lạc Thư nhằm tạo đường cong phi tuyến, đường xoắn ốc. Như thế, càng rõ hành không thể hiểu là yếu tố, mà là hình thái tồn tại và vận động. Có lẽ do ngụ ý ấy mà người xưa đã dùng chữ hành nghĩa là đi. Và quy nạp tất cả vào ngũ: ngũ âm, ngũ sắc, ngũ vị, ngũ tạng… là nhằm biểu hiện sự biến hóa qua xâm nhập, chuyển hóa lẫn nhau, của vận động đường cong theo các chu kỳ lặp lại đi lên.

Theo lịch sử phát triển Kinh Dịch, ngũ hành là do Chu Liêm Khê đời Tống nêu ra. Nhưng, tôi đoán rằng, không phải Chu Liêm Khê đã sáng tạo hoàn toàn ra thuyết Ngũ hành mà là ông đã lần mò sưu tầm, giải mã ý nghĩa con số 5 trong Hà Đồ, Lạc Thư, xây dựng nên thuyết Ngũ hành. Một hôm, đang ngồi xem lại bản ghi vận động Lạc Thư theo bài giảng của thầy Cao Xuân Huy, tình cờ một giáo sư tiến sĩ toán điều khiển học quen đến chơi. Nhân tiện tôi đưa anh xem hình vẽ. Xem xong anh hỏi :

– Có thật như thế này không?

Tôi bảo :

– Thì thầy giảng thế nào tôi ghi thế ấy !

Giáo sư tiến sĩ bảo :

– Thế thì lạ thật! Vì trong toán học cao cấp, nếu các con số vận động đều đi qua con số 5 thì biến hóa vô cùng.

 

LẠC THƯ, NGŨ HÀNH VÀ TƯ TƯỞNG TRUNG TÂM

Lâu nay trong dân gian thường đọc ngũ hành theo thứ tự: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Song nếu đọc theo đúng thứ tự tương sinh, liên tục, thì phải: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ, như đã bàn. Nhưng có lẽ ít người để ý đến sơ đồ ngũ hành đặt trong quan hệ thời không gian theo hình cầu :

Như thế ta thấy trong trật tự ngũ hành, không có “hành đứng đầu” mà chỉ có hành trung tâm nằm ở “phương trung ương” và “mùa Nam Hạ” và quan niệm về âm thanh, màu sắc cũng được xếp theo trật tự ấy :

– Cung, thương, vũ, giốc, chủy, cung….

– Vàng, trắng, đen, xanh lục, đỏ, vàng…

Ngôn ngữ cụ tượng ấy của Kinh Dịch chứa đựng ý nghĩa về một trật tự tự nhiên không có vai trò đứng đầu, mà chỉ có vai trò trung tâm. Tôi phân biệt “đứng đầm với “trung tâm” theo hai hàm nghĩa sau :

  1. Đứng đầu, biểu thị một phương thức vận động tuyến thẳng với vai trò chỉ huy độc đoán. “Người đứng đầu” chỉ biết giáng ý mình xuống, tất cả cứ theo thế mà tuân hành tuyệt đối
  2. Trung tâm, biểu thị một phương thức vận động đường cong có vòng hồi tác, “người chỉ huy” vừa tác động đến xung quanh: vừa nhận sự tác động ngược lại từ bốn phía, có tính dân chủ tương đối. Tương truyền vua Văn Vương xưa đã đưa trật tự tự nhiên do Phục Hy khám phá vào trật tự xã hội bằng hai cách :
  3. Xây dựng cơ quan triều đình nằm giữa các xóm làng dân chúng
  4. Lấy điệu Cung và màu Vàng dành cho vua nhằm biểu thị tư tưởng “đế chế trung tâm” chứ không phải đế chế độc đoán. Dinh cơ, nhà ở của vua gọi là cung, và vua mặc áo vàng (màu vàng của đất, chứ không phải của vàng như sau này)

Theo ý nghĩa của Kinh Dịch thì “phương trung ương”, phương của hành Thổ, hoàn toàn không có nghĩa là đứng đầu mà là trung tâm, là “cái trục của vũ trụ vận động hồi tác”. Và theo ý đồ nguyên thủy của Văn Vương, chữ “cung” mượn của âm nhạc với màu vàng của đất hoàn toàn không chứa ý nghĩa “cao quý”, “tối cao”, “tối thượng” mà triều đình chủ nô nhà Tần và các triều đình phong kiến lãnh chúa Trung Quốc về sau đã thay đổi ý nghĩa của nó do đường lối chuyên chế. Hiểu được điều ấy, tôi càng thông cảm thêm với các nhà nho soạn tuồng ngày xưa, trong lời chúc, cứ nhắc mãi cái mơ ước không tưởng về một “nhà nước Nghiêu Thuấn” theo mô hình Văn Vương, đồng thời tôi cũng thấy như có một mô hình ngũ hành dân gian trong quan hệ xã hội ta ngày xưa.

Lâu nay, bàn về quan niệm dân gian giữa cá nhân và xã hội, nhiều người nhắc đến quan niệm “nước, nhà”. Riêng tôi, từ thuở nhỏ, cha tôi, một nhà nho, thường căn dặn tôi và cả nhà cách ăn ở, không phải chỉ “nước, nhà” mà là hoà hợp với họ, hàng(l), làng nước. Tôi thấy đấy là một quan niệm không gián đoạn như “nước, nhà”, mà là một quan niệm liên tục hữu cơ theo kiểu cấp bậc sinh học. Trong quan niệm “nước, nhà”, thì có ba yếu tố rất quan trọng bị quên lãng, đó là: họ, hàng, làng. Quên ba yếu tố ấy quan niệm “nước, nhà”, được dịch từ quan niệm thuần tuý nho “quốc, gia”, rất dễ bị lỏng lẻo. Nhắc lại quan niệm ấy, tôi tưởng cần nhắc thêm câu tục ngữ rất gắn bó với nó :

“Bán bà con xa, mua láng giềng gần”

Nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố “hàng” đồng thời, tôi cảm thấy hình như có một quan hệ theo kiểu ngũ hành giữa cá nhân – gia đình và họ, hàng, làng, nước theo sơ đồ:

Có lẽ, có người hỏi tôi tại sao không xếp theo sơ đồ tuyến thẳng:

Nước

Làng

Hàng

Họ

Cá nhân?

Xin thưa: vì cách nói trong dân gian về một quan hệ là quan hệ “hoà hợp”, “hòa thuận”, chứ không phải quan hệ phục tùng như kiểu “Quân sử thần tử…” của Khổng Tử. Mà quan hệ hoà hợp, hoà thuận là quan hệ đường cong hồi tác, chứ không phải tuyến thẳng độc đoán. Như thế, trong quan niệm dân gian, cá nhân không bị quên lãng, mà được thừa nhận trong sự hòa hợp tương tác với tập thể. Song, quan niệm hòa hợp dân gian rất đẹp ấy, đã bị quan điểm Khổng giáo thời phong kiến Tống Nho xâm nhập, làm méo mó, biến hòa hợp thành thống trị, phục tùng, nhất là trong phạm vi gia đình, gia tộc (họ), khiến cho cá nhân bị gia đình, gia tộc thống trị cực đoan. Theo tôi, quan niệm “họ hàng làng nước” thuộc cùng một hệ tư tưởng với các quan niệm :

“Con hơn cha là nhà có phúc

“Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”

nó tồn tại trong thế đấu tranh với các quan điểm Tống Nho. Cuộc đấu tranh ấy là nguyên nhân của bao nhiêu hiện tượng nghịch lý trong nông thôn ta ngày xưa: có những gia đình, tộc nông dân đối xử với con cái rất độc đoán Tống Nho, ngược lại có những gia đình Nho gia tiến bộ đối xử với con rất dân gian, dân chủ.

Về mặt nghệ thuật, thì có lẽ kiểu “kiến trúc quần thể” của gia đình, đền, chùa, mồ, mả luôn luôn có các bộ phận: trung, tiền, tả, hữu, hậu ; khác với kiến trúc độc thể của Châu Âu,  mà nhà thờ là tiêu biểu.

Thực ra, tư tưởng trung tâm không phải đến Ngũ hành mới có, mà đã được biểu hiện từ trong Lạc Thư; việc đặt con số 5 làm trung tâm cho hình vuông kỳ ảo chính đã xuất phát từ ý muốn biểu hiện tư tưởng ấy bằng số học ghi trên các ô của mai rùa.

Cả sơ đồ toàn cảnh Bát quái, tượng của từng đơn quái, trùng quái, cũng bám chắc đồ hình trung tâm.

Vậy, do đâu mà những người chủ vô danh của Lạc Thư cố gắng tạo ra cho được hình vuông kỳ ảo có trung tâm ấy?

Những người chủ vô danh của Lạc Thư

Chúng ta đã biết, Hà Đồ, Lạc Thư, đều không biết chủ là ai. Phục Hy, vị tổ đầu tiên của Kinh Dịch, đã tình cờ bắt được nó “trên lưng con rùa thần xuất hiện trên con sông Lạc”.

Vận dụng quy luật: con người luôn luôn xuất phát từ việc người tạo ra thần thánh, chúng ta thử tìm xem người chủ của nó là ai, họ thuộc về nền sản xuất nào, của chế độ xã hội nào?

Dựa theo tư liệu khá phổ biến về nền nguồn Hà Đồ Lạc Thư mà có người cho đó chỉ là giả thuyết, tôi thấy có lẽ chính nền sản xuất lúa nước của dân tộc Lạc Việt xưa, tạo cho họ chấp nhận cặp tương phản “đất nước” không thể tránh được, tạo nền truyền thống dân tộc ta gọi tổ quốc bằng cái tên cặp đôi nhịp điệu: Đất – nước, Non – sông, Thổ – võ, rất độc đáo. Dân ta lại có hệ thống thủy lợi sông ngòi và tập quán lấy nước sông ngòi vào ruộng vào ban đêm, lúc thủy triều lên. Nghĩ đến nền sản xuất lúa nước của dân tộc ta, lấy nước ruộng bằng sông ngòi khác với Hoa tộc, ruộng lúa mì, dựa vào nước trời và nước giếng, liên hệ đến tư liệu Kinh Dịch ghi việc Văn Vương đã dựa vào Lạc Thư để đặt phép “Tỉnh điền” mà Kinh Dịch ghi là cách xếp ruộng tư và ruộng công theo hình “chữ Tỉnh “(nghĩa là giếng) tôi bỗng suy ra một giả thuyết: có thể chăng, ý nghĩa gốc “phép tỉnh điền Văn Vương” chỉ đơn giản là ông đưa Lạc Thư của dân tộc làm ruộng lúa nước áp dụng vào dân tộc ruộng nước giếng(?) chứ không rắc rối như xếp ruộng công ruộng tư theo hình chữ “tỉnh”? Nhân đây, tôi xin kể câu chuyện lý thú về nguồn gốc chữ “lạc điền”

Một hôm trò chuyện với một vị lão thành Nghệ An, tôi nói việc người Bình Định gọi ruộng lúa nước là “ruộng rộc”, ông bảo người Nghệ An thì gọi là “ruộng rạc”. Bỗng, ông vỗ tay với một tiếng “à” lớn:

-Hay là chữ “lạc điền” của người Trung Quốc gọi ruộng lúa nước của dân tộc ta, gốc là do họ phiên âm và dịch chữ “ruộng rạc”? Vì từ vựng của họ không có âm “r” nên họ thay tất cả âm “r” phiên âm ra âm “l”, “rạc” thành ra “lạc” ? (Tôi bỗng chợt nhớ lại thuở ở Qui Nhơn, tôi thường nghe trường Hoa Kiều dạy xướng âm nhạc bình quân: “tồ lê mí tồ” thay cho “đồ rê mí đồ’’, vì họ không có cả âm “r” lẫn âm “đ”)

Ông cụ lão thành Nghệ An trên đã hứng thú nói tiếp:

– Và biết đâu “con chim lạc” cũng lại có gốc từ “con chim ruộng rạc” giống chim quen thuộc với ruộng lúa nước, “con cò trắng”?

Về chế độ xã hội hạ tầng cơ sở của tư tưởng Kinh Dịch, chế độ chứa đựng tương phản cặp đôi nhất nguyên, theo tôi chính là chế độ công xã ruộng đất, hình thái cao hơn công xã thị tộc nguyên thủy, trong đó, như Ănghen nhận định, tồn tại vững chắc cặp mâu thuẫn: ruộng đất là của chung, vườn tược nhà cửa là của riêng. Như thế, trong xã hội công xã ruộng đất, vừa tồn tại vững chắc sự liên kết thị tộc, vừa tồn tại cặp “của chung – của riêng, tương phản tương thành”.

Ănghen viết :

“Công xã ruộng đất là giai đoạn quá độ từ hình thái thứ nhất (công xã thị tộc) sang hình thái thứ hai (chiếm hữu nô lệ ở xã hội có giai cấp) .

“Hiện tượng không có các mối quan hệ huyết tộc làm cho công xã ruộng đất khác với những kiểu công xã đầu tiên- công xã ruộng đất là sự thống nhất xã hội đầu tiên những người tự do không có quan hệ máu mủ – Nhưng sự khác nhau chủ yếu là ở hai khuynh hướng nội tại của nó = dưới bộ công hữu ruộng đất việc cày cấy ruộng đất vẫn dưới hình thức phân nhỏ, nhà cửa và vườn tược lại thuộc quyền sở hữu riêng – Rõ ràng là hai khuynh hướng vốn có của công xã ruộng đất là nguồn sức mạnh của nó; công xã ruộng đất có cơ sở mạnh trong các chế độ công hữu ruộng đất … đồng thời nhà cửa vườn tược, những tài sản đặc biệt thuộc quyền sở hữu của gia đình riêng, việc kinh doanh riêng lẻ và quyền sử dụng riêng những nguồn lợi đó đều thích ứng với sự phát triển cá nhân…” (Mác-Ănghen toàn tập – tập 19 trang 419).

Trên cơ sở mô hình công xã ruộng đất hình thái cao hơn công xã thị tộc, tôi suy nghĩ: có thể chăng, Bát quái mà trong mỗi quái đều có con người lại còn là hình ảnh ngụ ngôn về các thị tộc, các nơi (tám hướng) quy tụ lại trong công xã quanh cặp đôi tương phản – tương thành, mà Thái cực là tổng thể công xã; Âm Dương của nền sản xuất là đất nước, Âm Dương của hình thái xã hội là của chung – của riêng? và phương thức vận động liên kết là : cá nhân – gia đình, họ hàng, làng nước; theo cơ chế trung tâm tương tác ? Nêu giả thuyết ấy, tôi chợt nhớ đến lời Ănghen: “Cần phải nghiên cứu lại toàn bộ lịch sử, cần phải điều tra chi tiết những điều kiện tồn tại của các hình thái xã hội khác nhau trước khi định rút ra từ đó những quan niệm chính trị, pháp luật, thẩm mỹ, triết học, tôn giáo… tương ứng với chúng – Về điểm này cho đến bây giờ người ta làm được rất ít, bởi vì ít người chịu gắn bó vào việc đó một cách nghiêm túc” (Thông tin Khoa học lịch sử số 2/1969).

Nhiều học giả nghiên cứu Lão Tử đã thống nhất khuynh hướng chính trị mà ông cố thuyết phục vua Sở không thành công là khuynh hướng quay về công xã. Tư tưởng Kinh Dịch rất thống nhất với tư tưởng Lão Tử – Như thế, đoán mò rằng những người chủ của Lạc Thư là những người của nền sản xuất lúa nước trong xã hội công xã ruộng đất, tưởng cũng có thể nghe được chứ?

Chúng ta đều biết rằng lịch sử Trung Quốc có kinh qua chế độ chiếm hữu nô lệ, nhưng lịch sử dân tộc ta thì lại bỏ qua giai đoạn chiếm hữu nô lệ, nhảy vọt từ công xã ruộng đất lên chế độ phong kiến. Song, vì sự tồn tại vững vàng đi công xã ruộng đất nên chế độ phong kiến thực chất chỉ là sự áp đặt bộ máy nhà nước phong kiến lên nền tảng công xã ruộng đất, thành một kiểu “phong kiến phép vua thua lệ làng” một hình thức “phong kiến công xã “mà một nửa giống dạng phương thức sản xuất châu Á. Ở đấy, đất đai và nươccs là sở hữu của Nhà nước, một nửa giống dạng phương thức sản xuất phong kiến, ở đấy đất đai là sở hữu của phong kiến, vì ở ta xưa tỷ lệ công điền (thuộc sở hữu Nhà nước) lớn hơn gấp nhiều lần tỷ lệ tư điền (thuộc sở hữu địa chủ). Có lẽ do tổ tiên Viêm tộc ta xưa, thời công xã ruộng đất, có góp phần trong Hà Đồ Lạc Thư và do thực tế sự tồn tại dai dẳng của công xã ruộng đất trong thời đại phong kiến pha sản xuất Châu Á, nên tư tưởng dân gian ta có rất nhiều chỗ thống nhất với tư tưởng Kinh Dịch.

Tóm lại, những người chủ vô danh của Hà Đồ Lạc Thư xưa đã cố gắng phát minh ra hình vuông kỳ ảo Lạc Thư, có trung tâm chỉ huy, biến hóa linh hoạt theo chu trình mở, chính là nhờ nền tảng công xã ruộng đất của dân tộc lúa nước. Xin lưu ý thêm là ruộng đất thuộc sở hữu Nhà nước luôn được phân nhỏ chia cho từng cá nhân nông dân theo định kỳ 5 năm hoặc 3 năm. Như thế, theo Ănghen nhận định: “Những nguồn lợi riêng vườn tược, à cửa là vĩnh viễn, ruộng đất là chung (nhưng lại thành riêng theo định kỳ) thích ứng với sự phát triển cá nhân” ; đồng thời diện tích ruộng công chia cho cá nhân lại luôn thay đổi theo định kỳ do sự thay đổi của dân số trong công xã (làng). Đó là chu trình mở.

Phải chăng, nhờ đứng trên “mảnh đất ấy” nhìn lên trời (ký hiệu Kinh Dịch ghi và đọc từ dưới lên) mà những người vô danh xưa của Hà Đồ Lạc Thư, qua hàng nghìn năm quan sát đã ghi được hình vuông kỳ ảo có trung tâm rất độc đáo.

Nhân đây, xin nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Hồ Chi Minh, thời ký tên Nguyễn Ái Quốc trong bài “Báo cáo vế Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ” viết tại Matxcơva năm 1924, mà chắc bạn đã biết :

” …Nếu người nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có vốn liếng gì lớn. Nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa…

“… Sẽ là quá đáng nếu so sánh người nhà quê Việt Nam với người nông nô thời trung cổ châu Âu. Hoàng đế trị vì nhưng chẳng lo cai trị gì. Tất nhiên là đã có các quan lại rồi. Nhưng có thể so sánh với Chúa phong kiến không? Trước hết, quan lại được tuyển lựa theo đường dân chủ ; đường thi cử mở rộng cho mọi người có thể chuẩn bị thi mà chẳng tốn kém gì. Hơn nữa, quyền lực của quan lại được cân bằng bởi tính tự trị của xã thôn”.

“Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử. Nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa là toàn thể nhân loại… Mác cho rằng sự tiến triển của các xã hội phải trải qua ba giai đoạn : chế độ nô lệ, chế độ nông nô và chế độ tư bản, và trong mỗi giai đoạn ấy đấu tranh giai cấp có khác nhau. Chúng ta hãy coi chừng! Các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không ?”

 

(Còn tiếp)

 

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P1)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P2)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P4)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P5)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P6)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P7)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P8)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P9)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P10)