Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P2)

15/10/2020

 

(Tiếp)

 

THÁI CỰC- CÁI TOÀN THỂ – TƯ TƯỞNG CHỦ TOÀN

Mở trang đầu của Kinh Dịch, ta gặp ngay “Thái cực”. Như chứng ta đã biết, “vô cực” được biểu hiện bằng một hình tròn trống không, “Thái cực” là hình tròn chia Âm Dương. Theo “Dịch học nhập môn”, Chu Hy nói:

“Nhân nhân các hữu thái cực, vật vật các hữu thái cực” (nghĩa là : Người người đều có thái cực, vật vật đều có thái cực) Thầy Cao Xuân Huy khi giảng đã cho biết thêm, Kinh Dịch nói: “Thái cực vừa là cái chí nhất vừa là cái chí đa“.

Chu Hy nói: “Thái cực là cái toàn thể của bầu tượng số, chưa hiện hình, mà lý lẽ đã có đủ”. Lại nói “ Trước khi vạch quẻ, Thái cực là một bầu hỗn độn, ở trong bao gồm Âm Dương, chẵn lẻ, cứng mềm, không gì không có”.

Theo tôi, “vạch quẻ” có nghĩa là nhận thức và ghi nhận thức ấy ra thành tượng và số; “hỗn độn” không có nghĩa là lộn xộn, mà là: “chưa nhận thức được cấu trúc bên trong của nó”... Khi vạch quẻ, nghĩa là sau khi nhận thức và ghi ra, thì “Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng. Tứ tượng sinh Bát quái”…theo quy trình không ngừng sinh sôi phát triển bằng phương thức chia đôi, trong mỗi cái nửa được chia đôi ấy, lại có ngay cả Âm Dương, thành “Thái cực mới”, xin nhắc lại:

Thái cực chia đôi thành lưỡng nghi : Âm – Dương.

Mỗi Nghi lại có cả Âm – Dương

(Âm thì có thái âm – thiếu Dương.

Dương thì có thái dương – thiếu Âm) . . .

nhưng nếu cứ theo trình tự phát triển phân đôi, thì: 8×2=16×2=32×2=64 cũng thành 64, chưa hết.

Xem bản vẽ về cách phân hóa Thái cực Âm Dương, ta thấy rõ tiến trình sinh chia đôi ấy. Thông thường lâu nay ai cũng hiểu rằng: Thái cực sinh ra trước, Âm Dương sinh ra sau. Thầy Cao Xuân Huy giảng rằng: “Thái cực nghĩa là “Cái toàn thể bao quát nhất” và trong nội tại cái toàn thể bao quát ấy, luôn luôn có hai mặt Âm Dương đối lập nhau và quyện vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau”.

“Nhân nhân các hữu thái cực, vật vật các hữu thái cực” nghĩa là : “Người người đều có cái toàn thể, vật vật đều có cái toàn thể”, và “Thái cực vừa là chí nhất vừa là chí đa” nghĩa là: có cái toàn thể vĩ mô và muôn vàn cái toàn thể vi mô – hay: một cái toàn thể ban đầu và muôn vàn cái toàn thể sinh sôi.

Thầy Cao Xuân Huy nhấn mạnh kiểu nhận thức vũ trụ bắt đầu từ Thái cực, cái toàn thể, còn có ý nghĩa rất quan trọng về quan điểm tư tưởng. Đó là cách của phương Đông nhận thức sự vật bắt đầu từ cái toàn thể, khác với tư tưởng phương Tây bắt đầu từ bộ phận và thầy gọi tư tưởng Kinh Dịch là tư tưởng chủ toàn (Pensée totale) khác với tư tưởng phương Tây là tư tưởng chủ biệt (Pensée partielle). Chúng tôi rất tâm đắc với cách giải thích ấy. Nó trùng hợp với cái mà anh em chúng tôi trước đó thường gọi phân biệt tư tưởng phương Tây là phân tích, tư tưởng phương Đông là tư tưởng tổng hợp. Riêng tôi, tôi thấy gọi là chủ toàn chủ biệt xác đáng hơn. Ở Phương Tây, tư tưởng chủ biệt là cái quán triệt, tư tưởng chủ toàn là cá biệt. Một số người do lấy phương Tây làm tiêu chuẩn “khoa học hiện đại”, đã gọi là các hiện tượng “chủ biệt” cá biệt ấy trong văn hóa phương Đông là những “mầm mống” khoa học hiện đại!

Trở lại với Thái cực. Trong Thái cực đồ của Chu Đôn Di (tức Chu Liêm Khê) có nói đến một cái Vô cực và nói: “Vô cực nhi thái cực” (nghĩa là: vô cực mà thái cực).

Không ít người hiểu là: trước khi có Thái cực, thì đã có Vô cực. Vấn đề này, thầy Cao Xuân Huy giảng như sau:

“Không nên hiểu lầm Vô cực là có trước, Thái cực là có sau. Nếu nói Thái cực mà không nói Vô cực thì dễ lầm Thái cực là cái đầu tiên. Các triết gia phương Tây xưa thường sai lầm đi tìm vật đầu tiên sinh ra các vật khác, ví dụ Thalès cho rằng: Nước sinh vạn vật. Anaximandre cho rằng: lửa sinh ra tất cả. Thái cực mà Vô cực, Vô cực mà Thái cực, là ngụ ý không có giới hạn. Thái cực sinh ra vạn vật mà lại ở trong vạn vật. Thái cực mà Vô cực, chính là ở trong học thuyết Lão Tử, Trang Tử. Đạo là thường, nghĩa là trường tồn, không có bắt đầu, không có kết thúc, Đạo, Thái cực, Vô cực ở trong không gian, thời gian. Không gian, thời gian ở trong Thái cực (bởi vì Thái cực là cái toàn thể). Thế là quan điểm của Kinh Dịch không có cái hư vô đầu tiên.

(1) Xin chớ nhầm với địa, thủy, hỏa, phong, “Tứ đại” của Phật giáo, ở đấy: Địa nghĩa là chất rắn, thủy: Chất lỏng, Hỏa: Yếu tố chất nóng. Phong: Yếu tố dao động; không phải 4 nguyên tốt mà là 4 hình thái tồn tại của vật chất

Đến đoạn này thầy giảng thêm cơ sở tư tưởng của phép biện chứng Kinh Dịch. Trước tiên thầy nói về tư tưởng của phép siêu hình, phép siêu hình dựa trên nguyên tắc đồng nhất tính của logic hình thức – xuất phát từ cái cá biệt đến cái toàn thể, từ các yếu tố đất, nước, gió, lửa kết hợp thành vạn vật, sinh ra vũ trụ, vũ trụ trở thành “con số cộng” của vạn vật. Cơ sở tư tưởng này là yếu tố, bộ phận có trước. Tuy cũng có phân tích và tổng hợp nhưng vì cho rằng nguồn gốc vũ trụ là đơn chất, do đó chú trọng phân tích thành phần các vật cá biệt là gì. Ví dụ: từ đặc tính một cây đến đặc tính chung của cả loài cây đi đến khái niệm “cây”. Cách quy nạp “nội hàm” và “ngoại diên”, nội hàm: các đặc tính của cây, ngoại diên: tất cả các giống cây, nội hàm càng nhỏ, ngoại diên càng rộng, nội hàm càng rộng, ngoại diên càng hẹp. Khái niệm chung đến khái niệm chủng loại, dẫn đến khái niệm “tồn tại” và “hư vô”. Đó là tư tưởng chủ biệt, lấy cái cá biệt làm chủ yếu. Tư tưởng chủ biệt sinh ra logic hình thức. Tư tưởng khoa học thực nghiệm đều dựa trên cơ sở này. Nó có vẻ khoa học nhưng dễ dẫn đến bế tắc. Nguyên nhân bế tắc của tư tưởng này là ở chỗ: đất, nước, gió, lửa. Vậy quan hệ giữa chúng ở đâu mà ra?

Đó là bế tắc đầu tiên của logic ấy. Nếu nói là nguyên nhân từ bên trong thì tại sao lại thúc đẩy theo chiều này theo chiều khác? Dẫn đến ngẫu nhiên. Nếu là nguyên nhân ngoại lai, thì ngoại lai là gì? Làm sao giải thích được tính tổ chức của vũ trụ? Dẫn đến Thượng đế, lấy quyền thế Thượng đế giải thích tính tổ chức của vũ  trụ thì lại bế tắc ở chỗ tồn tại của Thượng đế. Phải đi đến tìm ra những ngụy biện (sophismes). Vật lý học cổ điển vận dụng nguyên lý nhân quả (Principe de Causalité) như chúng ta đã biết, cũng bị mâu thuẫn. Chính do sự bế tắc của nguyên lý nhân quả nên nhiều nhà khoa học lớn của phương Tây đã mất tin tưởng vào khoa học.

Thầy Cao Xuân Huy cho rằng: “Tư tưởng chủ toàn là cơ sở của tư tưởng biện chứng”. Đó là quan niệm vũ trụ là một tổng thể phân hóa thành vạn vật. Quan hệ nội tại hữu cơ tổ chức hệ thống do liên hệ lẫn nhau, không cần bàn tay Thượng đế. Tất cả vạn vật đều là biểu hiện của Thái cực, tức là tổng thể. Tổng thể vừa chỉ có một vừa rất nhiều, vạn vật cũng là một. Vũ trụ không có cái nào trước sau, tồn tại cùng một lúc. Tư tưởng này dễ dàng cắt nghĩa sự tồn tại của vũ trụ có tổ chức không cần Thượng đế.

“Thái cực ở trong tất cả vạn vật, vạn vật đồng nhất”. Tự nhiên đồng chất(1) với xã hội, khác với logic hình thức tách biệt tinh thần với vật chất, quan niệm tinh thần là tinh thần, vật chất là vật chất. Đêcac đã phải bịa “Lý trí động vật” (Esprits animaux) để giải thích mối quan hệ giữa tinh thần và vật chất. Tư tưởng siêu hình cho rằng xã hội loài người không có quy luật vì thuộc về tinh thần – Chủ nghĩa duy vật cơ giới đồng nhất quy luật xã hội và quy luật tự nhiên “Chấp nhận một mô thức cơ giới cho thực tại”(2).Thầy Cao Xuân Huy khẳng định rằng : Tư tưởng Kinh Dịch mà nền tảng là học thuyết “Thái cực Âm Dương” là tư tưởng nhất nguyên, vì Âm Dương thực chất chỉ là hai mặt đối lập tương đối trong nội tại Thái cực.

Xin bàn kỹ thêm :

Lấy thuyết cơ bản của Kinh Dịch, ngày nay được gọi tắt là “Thuyết Âm Dương ngũ hành”. Nhưng Thầy Cao Xuân Huy cho chúng tôi biết rằng: Thuyết ngũ hành không có trong Kinh Dịch gốc, mà đã được Chu Liêm Khê đời Tống rút ra từ Hà Đồ Lạc Thư của Kinh Dịch soạn ra trong thiên “Hồng Phạm”. Cho nên, gốc ban đầu của Kinh Dịch là :

Âm Dương được ghi bằng tượng trong Thái cực đồ theo trình tự :

Vô Cực -Thái Cực –  Lưỡng Nghi –  Tứ Tượng – Bát Quái – Lục Thập Tứ Quái

Vô cực” được biểu hiện bằng hình tròn trống không:

“Thái cực” ban đầu được biểu hiện bằng hình tròn, hai nửa, bốn mảng:

Về sau được biểu hiện bằng hình tròn gồm hai mảng đen trắng quyện vào nhau tạo thành hình chữ S, trong mảng đen có chấm trắng, trong mảng trắng có chấm đen:

Đấy là hình vẽ hoàn chỉnh nhất về Thái cực và được lưu hành đến ngày nay.

Về lời giải thích Thái cực đồ thì xưa nay vẫn lưu hành như sau :

– Vô cực nhi Thái cực (Vô cực mà Thái cực)

Thái cực sinh lưỡng nghi (Thái cực sinh Âm Dương)

Lưỡng nghi sinh tứ tượng (Âm Dương sinh ra: Thái âm, Thiếu Dương, Thái Dương, Thiếu Âm) .

Tứ tượng sinh bái quái.

(Sinh tám quái : Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khảm, Đoài).

  • Bát quái sinh lục thập tứ quái (Tám quái sinh 64 quái) .

Lâu nay, nhiều nhà Dịch học giải thích ‘Vô cực” là thuở vũ trụ còn hỗn độn. “Thái cực” là “cái thun giãn ban đầu của vũ trụ”. Tôi đọc thấy khó hiểu quá. Càng thấy khó hiểu với “Vô cực mà Thái cực”, và một ý nghĩa quan trọng nữa: “Thái cực vừa chí nhất (chỉ có một) vừa chí đa (rất nhiều)”, người người đều có Thái cực, vật vật đều có Thái cực. Hiểu Thái cực là “Cái toàn thể”. “Cái tổng thể” luôn luôn chứa đựng Âm Dương bên trong (và trong Âm có Dương, trong Dương có Âm), cái toàn thể có chứa Âm Dương mới là Thái cực, cái toàn thể chưa chứa Âm Dương gọi là Vô cực và ngược lại; khi đã hội đủ một Âm một Dương thì đã là một Thái cực, một tổng thể, cho nên :

“Nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo”

(Nghĩa là: Một Âm một Dương là quy luật hình thành tổng thể).

Ta cần phân biệt ý nghĩa của hai hình vẽ:

– Hình tròn có chia trắng đen là cấu trúc bên trong của Thái cực

– Hình chữ nhật có từng cặp đen trắng là sự sinh trưởng của Thái cực.

Thái cực sinh Lưỡng nghi, mỗi “nghi” là một Thái cực mới, vì mỗi cái lại có đủ Âm Dương. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, mỗi “tượng” lại là một “Thái cực mới” nữa. Bát quái sinh lục thập tứ quái, mỗi quái lại là một “thái cực mới” nữa… Như thế theo bản vẽ, từ cái chí nhất: Thái cực, đến cái chí đa. Kinh Dịch ghi: 64 Thái cực. Tuy nhiên cái Thái cực (cái tổng thể) thứ 64 được Kinh Dịch gọi là “vị tế” (chưa xong) thế nghĩa là còn tiếp tục sinh sôi nữa…. “Sinh sinh chi vị Dịch” (Sinh sôi mãi đó là dịch lý).

(1)   Sinh sôi mãi đó là Dịch lý.

 Tôi thấy sáng tỏ vô cùng cách giải thích của thầy Cao Xuân Huy về ý nghĩa : “cái toàn thể” của “Thái cực” và về “Tư tưởng chủ toàn của phương Đông”.

Trở lại bức tranh về sự sinh trưởng của Thái cực, tôi bỗng chú ý đến một đặc điểm: Thái cực sinh trưởng theo phương thức không ngừng chia đôi, và mỗi khi chia đôi, cái nửa ấy lập tức hình thành “thái cực” mới. Tôi bỗng liên hệ ngay đến phương thức chia đôi (trực phân) của tế bào. Trong tế bào, nhân có vai trò Dương màng có vai trò âm, mỗi khi chia đôi, nửa tế bào chia ra lập tức hình thành tế bào mới, có đủ nhân, màng. Sao mà cách sinh trưởng của Thái cực lại y hệt như cách sinh trưởng của tế bào, không khác tý nào vậy?

Khi nghe thầy Cao Xuân Huy giảng tôi hiểu cái “Thái cực chí nhất” là cái tổng thể vĩ mô của vũ trụ và cái “Thái cực chí đa” là muôn vàn tổng thể vi mô của vạn vật, nhưng sau vài năm ngồi ôn lại bài giảng của thầy, tôi bỗng thấy sự trùng hợp lạ kỳ giữa phương thức sinh thành chia đôi của thái cực với phương thức trực phân của tế bảo, tôi thử tự đặt giả thuyết:

Phải chăng Kinh Dịch thiên hẳn về một vũ trụ đã có sự sống? Và tôi thấy đúng như thế. Kinh Dịch thiên hẳn về một vũ trụ đã có sự sống, cho nên khi sinh trưởng từ lưỡng nghi đến bát quái, thì trong tượng của bát quái có con người. Bát quái là 8 hiện tượng vật chất Cấn (núi), Chấn (sấm sét), Càn (trời), Tốn (mưa gió), Ly (lửa, cũng là mặt trời), Khôn (đất), Đoài (ao hồ) mà sự “va chạm”, “sóng sánh”, “cổ động”, “nhuận hòa”, giữa chúng với nhau tạo nên vạn vật. Nhưng trong tượng của mỗi quái gồm 3 hào, mà hào giữa tượng trưng nhân (con người) theo quy ước “Tam tài – Thiên – Địa – Nhân” của Kinh Dịch.

Với giả thiết trên, tôi thử nhìn Thái Cực đồ theo ý nghĩa tiến hóa luận: Tôi chợt thấy “vô cực” được biểu hiện bằng hình tròn trống không, khác với “Thái cực” được biểu hiện bằng hình tròn chia Âm Dương, mà Kinh Dịch lại nói: “Vô cực nhi Thái cực” có lẽ là ngụ ý về “một dạng tổng thể sống” chưa có Âm Dương (màng, nhân), chưa hình thành tế bào: và phải chăng “vô cực” là tổng thể sống ở dạng vi khuẩn? Tôi thấy rõ ràng hình vẽ “Thái cực sinh sinh”, chính là bức tranh khái quát không sai mảy may nào về quy trình tiến hóa của sự sống, bắt đầu từ dạng vi khuẩn. Về phương diện này “Thái cực chí nhất” lại là tế bào ban đầu được sinh “dưới nước” (tảo) theo quan niệm “Thiên nhất sinh thủy” của ngũ hành. “Thái cực chí đa” là muôn triệu tế bào, muôn triệu sinh vật về sau.

Đó chính là cái ý “người người đều có thái cực, vật vật đều có thái cực”, bổ sung cho ý “thái cực chí nhất chí đa”. Nhân đây xin kể mẩu chuyện về tư tưởng chủ toàn:

Một lương y quen thân kể với tôi một mẩu chuyện : Một bệnh nhân được Tây y kết luận là “Tim thoái hóa” không cách gì chữa được đến tìm ông. Điều trị Đông y một thời gian, bệnh nhân thấy đỡ nhiều, bèn đến Tây y kiểm tra lại: bác sĩ Tây y vẫn kết luận tim thoái hóa, đó chỉ là đỡ tạm thời thôi. Bệnh nhân lại tiếp tục kiên trì điều trị Đông y và cuối cùng được khỏi bệnh, khoẻ hẳn, rồi ông kết luận: “Vậy thì tim anh ta có thoái hóa đâu. Trong ý ông ta cho bác sĩ Tây y chẩn đoán sai.

Tôi nghĩ khác.Tôi tin là bác sĩ Tây y chẩn đoán đúng; nhưng vì tư tưởng Tây y vốn là “chủ biệt”, thấy tim thoái hóa thì chỉ nghĩ đến chữa tim mà thôi, mà chữa tim thì hết cách rồi. Ngược lại, Đông y vốn là tư tưởng chủ toàn “tim thoái hóa” nhưng toàn cơ thể không thoái hóa. Và Đông y, bằng phương pháp điều hòa Âm Dương đã vận động toàn bộ cơ thể bệnh nhân không thoái hóa, bồi bổ cho tim trở lại bình thường.

Thái cực là cái toàn thể đã có Âm Dương, Âm Dương là hai mặt của Thái cực. Muốn  hiểu Thái cực cho đến nơi đến chốn ta phải hiểu Âm Dương. Một số nhà nghiên cứu có tri thức khoa học phương Tây, cả một nhà Dịch học phương Tây khi đề cập đến Âm Dương, hoặc là nghĩ ngay đến “Âm điện”, “Dương điện” hoặc đến “trống mái” (Mâle, femelle). Theo tôi trống mái vừa là yếu tố sơ khai, lại vừa là nghĩa phát triển về sau của Âm Dương. Còn Âm điện, Dương điện, lại chỉ là từ phiên dịch sau này, ứng vào ngành điện: Âm: (-), Dương (+). Tôi xin bắt đầu từ nghĩa gốc của “Âm” “Dương”: Âm: bóng tối, bóng râm, Dương: ánh mặt trời, ánh sáng.

Thầy Cao Xuân Huy luôn nhấn mạnh đến nghĩa gốc ấy, mặc dù thầy đã nâng cao Âm Dương lên thành “một cặp phạm trù cụ tượng” về triết học và khoa học Kinh Dịch. Về hệ số thập phân, thì Kinh Dịch gọi số lẻ là “dương số” (1,3,5,7,9), số chẵn là “âm số”. Dương vạch liền (-). âm vạch đứt quãng (- -) . Như thế: liên tục là dương, gián đoạn là âm. Tượng của hào âm, hào dương còn mang ý nghĩa số nhị phân (cơ sở 2) hào dương là số 1, hào âm là số 0, và một ý rất khái quát hơi thông tục mà rất đúng. Âm là lõm, mở. Dương là lồi, đóng trong tất cả mọi lĩnh vực: sinh vật, điện học, điều khiển học. . .

Nguyên lý trong “Dương có Âm, trong Âm có Dương” đã bước đầu giúp tôi gỡ được sự tranh cãi giữa hai lưu phái tuồng về cách vận dụng các “láy trống, láy mái” trong hát. Một phái khi hát vế trống thì tuyệt đối không dám sử dụng một láy mái nào. Một phái lại sử dụng láy mái trong vế trống và láy trống trong vế mái với một tỷ lệ “thiểu số”. Cách hát của phái sau khi nghe sinh động hơn, nhưng bị phái trước cho là sai luật. Đến khi nắm được nguyên lý “Trong Dương có Âm trong Âm có Dương”, tất cả anh em nghiên cứu chúng tôi đều thấy chính cách vận dụng “trong trống có mái trong mái có trống” của phái sau mới thật là đúng luật, đồng thời lại biến hóa sinh động hơn.

THỨ TỰ TÁM QUẺ CỦA PHỤC HY


“ĐỒNG HỒ SINH HỌC” KINH DỊCH

ÂM DƯƠNG

 

Có thể nói: Âm Dương là “một cặp phạm trù cụ tượng” của Kinh Dịch mượn hình tượng Âm (bóng tối), Dương (ánh sáng mặt trời) làm biểu trưng cho hai mặt đối lập thống nhất “tương phản tương thành”. Tại sao lại mượn hình tượng Âm Dương? Các nhà nghiên cứu Kinh Dịch Đông Tây đều cho là đời sống cổ đại nguyên thủy, ánh sáng mặt trời có tầm quan trọng rất lớn. Hoạt động của con người phụ thuộc hoàn toàn vào ánh sáng mặt trời, vào ban ngày và ban đêm, vào mùa hạ nhiều nắng và mùa đông ít nắng. Người cổ đại đồng thời cũng nhận ra sự cần thiết phải có ngày để hoạt động, đêm để nghỉ ngơi. Đời sống con người và vạn vật đều phù hợp với Âm Dương (ngày đêm, hạ đông) nên họ cho trời là (vũ trụ) là thống nhất. Rồi do cách loại suy, người xưa đưa phạm trù Âm Dương vào phạm trù nam nữ trong đời sống con người, phạm trù trống mái trong đời sống súc vật. Cũng có người cho rằng từ nam nữ mà khái quát lên Âm Dương. Tóm lại, là người xưa cho rằng đời sống phải có nam có nữ thì mới sinh con đẻ cái, vạn vật thì có ngày có đêm mới tồn tại và sinh sôi, nghĩa là họ đã nhìn hẳn vũ trụ về mặt động, sinh sôi phát triển. Chính vì thế mà họ đặt Âm Dương vào quan hệ nhất nguyên chứ không tách ra. Nhiều nhà tư tưởng phương Tây, do chưa thoát khỏi tư tưởng chủ biệt nhị nguyên nên đã hiểu Âm Dương theo kiểu nhị nguyên. Nhiều nhà nho đã gọi Âm Dương là “hai khí” cũng dễ bị rơi vào nhị nguyên, quên mất điều cơ bản của Dịch Lý là “trong Âm có Dương, trong Dương có Âm”. Âm Dương hiểu theo ngày nay là hai mặt đối lập thống nhất nội tại, xưa gọi là “tương phản tương thành”.

Mặc dù Âm Dương đã trở thành một cặp “phạm trù cụ tượng” mà Kinh Dịch sử dụng để giải thích “Đạo” (quy luật vũ trụ) mang ý nghĩa rất rộng, ta phải bám chắc vào nghĩa gốc ban đầu để dễ tìm hiểu cơ sở khoa học đích thực của nó. Nghĩa gốc như đã nêu trong phần trước. Âm: bóng tối, Dương: ánh sáng, “Tối, Sáng”. Đọc nghĩa là “tối sáng” tôi nghĩ ngay đến đêm (tối) ngày (sáng). Đồng thời tôi cũng thấy ngay sự gặp gỡ của nó với nhịp điệu tối, sáng, đêm, ngày, nhịp điệu cơ bản nhất của “đồng hồ sinh học” điều khiển vận động vũ trụ :

(1) Tối sáng đây gọi tắt là bóng tối (âm) ánh sáng (dương) chứ không phải u minh.

“Các nhịp điệu sinh học, thời gian của các chu kỳ, và vị trí của các biên độ, phụ thuộc một phần lớn vào sự xen kẽ giữa ánh sáng và bóng tối và nhất là thời gian liên tục của cái này hoặc cái kia”(1)

“Vũ trụ sống là một đại dương thực sự không bến bờ, một đại dương không ngừng sóng vỗ, những đợt sóng nối tiếp thau, theo chu kỳ từ từng giây đồng hồ đến cả năm tròn, tính chất nhịp điệu của nó là một dấu hiệu của sự sống.

Những đợt sóng của “đại dương vũ trụ” bắt đầu từ gió thổi qua khắp địa cầu. Với “đại dương của thiên nhiên có sự sống” việc quả đất quay xung quanh trục của nó, trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, đóng vai trò sóng. Chính sự xoay ấy đã điều chỉnh những thay đổi về ánh sáng của hành tinh chúng ta theo từng giờ là nguồn gốc của những nhịp điệu được thiết lập rất chặt chẽ về nhiệt độ và độ ẩm của không khí, về áp suất và khí quyển, về cường độ của các tia vũ trụ. Chu kỳ của những thay đổi ấy làm chức năng đợt sóng của sự sống là hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Đó là nhịp điệu cơ bản của vũ trụ có sự sống” (1).

Theo tôi, chính đó là “Âm Dương vi mô” tế bào.

“Trước khi thâm nhập vào vũ trụ phức tạp của thực vật và động vật, chúng ta nên bắt đầu từ “Ab-ovo”(2). Vả lại, nền tảng của sự sống trong cơ cấu động vật và thực vật đa bào đó là tế bào, tất cả các mô trong tạng phủ đều được hợp thành bằng những tế bào được chứa đựng các chức năng cơ bản của cơ thể sống. Chúng ăn uống, tiêu hóa, thải chất cặn bã, lớn lên, sinh con đẻ cái, phản ứng với những tồn tại.

  • Đồng hồ sinh học – bản Pháp văn NXB Matscova tr.40.
  • Tiếng La Tinh, nghĩa là sự bắt đầu từ quả trứng

“Mỗi một tế bào như sự ánh xạ của sự sống với tất cả tính phức tạp và sự tác động qua lại với môi trường xung quanh”(1).

Với những dữ kiện ấy trong “đồng hồ sinh học” hiện đại, tôi thấy khá rõ rằng: Từ thời cổ đại, các nhà sáng lập Kinh Dịch, với Thái cực đồ thuyết, cũng bắt đầu từ “ab-ovo” đã lướt qua dạng sống chưa thành tế bào, bắt đầu từ “Thái cực có Âm Dương”, quả trứng có lòng đỏ lòng trắng, dạng sống đã thành tế bảo, và Thái cực đồ đã phản ánh rất sát quá trình “sinh con đẻ cháu” của tế bào theo phương thức trực phân như đã bàn.

Trước khi được học Kinh Dịch, tôi đã đồng nhất ý nghĩa Trống Mái với Âm Dương lưu hành trong truyền miệng dân gian. Tôi đã hiểu nhầm nghĩa ban đầu của Âm Dương theo nghĩa giống: nam + nữ, đực + cái. Nhưng khi hiểu được nghĩa gốc tối sáng của nó, tôi thấy mặc dù ý nghĩa trống mái, nam nữ… vẫn nằm trong nội hàm của phạm trù Âm Dương, phạm trù của vũ trụ quan sinh học, song không thể đồng nghĩa. Tôi thấy rằng Trống Mái, Nam Nữ (hay dương vật, âm vật) là quan niệm sinh học ở cấp bậc thấp.

Chắc chắn là các vị tổ Kinh Dịch chưa biết đến tế bào nhưng lý thuyết “sinh sinh” bằng phương thức chia đôi trùng hợp toàn toàn với tế bào.

  • Đồng hồ sinh học tr.9

Với ý nghĩa gốc : Tối Sáng, trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, Âm Dương là vũ trụ quan sinh học ở cấp bậc cao, cấp bậc nhịp điệu sinh học, đồng hồ sinh học. Ngay trong Kinh Dịch. Càn mang nghĩa “cha”, “nam”. Khôn mang nghĩa “mẹ”, “nữ”, cũng là do Văn Vương đời sau xếp lại phương vị Bát quái của Phục Hy, nhằm vận dụng quy luật vũ trụ vào nhân sinh.

Kinh Dịch đặt quan hệ Âm Dương như sau:

– “Âm Dương tương phản (mâu thuẫn nhau)- Âm Dương hỗ căn (làm gốc cho nhau)-Âm Dương bình hành (giữ cân bằng cho nhau) – Âm Dương tiêu trưởng (thay nhau lớn lên và mất đi) – Âm cực sinh Dương – Dương cực sinh Âm. Nhất âm nhất dương chi vị đạo, Dương sinh Âm thành hóa.

Thực ra đó chỉ là diễn dịch theo ngôn ngữ lý thuyết cụ tượng về quan hệ nhất nguyên, về sự không thể tách rời được, về sự xen kẽ liên tục trong vận động không bao giờ ngừng giữa Âm Dương, về nhịp điệu “một đóng một mở” tạo ra do “quả lắc đồng hồ sinh học vũ trụ”, quả đất xoay quanh trục nó không ngừng đối với mặt trời tạo ra ngày đêm, mà người xưa chưa biết.

 Và, nếu lý thuyết đồng hồ sinh học hiện đại cho biết: Các nhịp điệu Tối Sáng, Nóng Lạnh, Ẩm Khô. . . chồng chéo lên nhau của vũ trụ đã tạo ra cho động vật: Nhịp: thức, hoạt động: ngủ, nghỉ ngơi, trong đời sống. Nhịp nhở ra và hít vào của phổi. Nhịp đập, ngừng của tim. Nhịp hưng phấn ức chế của não. Nhịp đồng hóa, dị hóa của cơ thể. Cho thực vật: Nhịp thải oxy ban ngày, hít oxy ban đêm. Nhịp quang hợp theo tương phản màu sắc mặt trời, đến nhịp điệu sinh học của từng tế bào . . .

Thì lý thuyết Kinh Dịch cũng từ Âm Dương vũ trụ đi đến vận động Âm Dương trong từng tạng phủ con người và quy kết sự vận động Âm Dương trong tạng phủ quan hệ gắn bó với Âm Dương, Thủy Hỏa, Hàn Nhiệt, những nhịp điệu sinh học cơ bản của vũ trụ và của cơ thể, tương ứng với nhịp điệu cơ bản Tối, Sáng, Nóng, Lạnh, Ẩm Khô, của đồng hồ sinh học hiện đại (cái khác, cái bổ sung chứ không mâu thuẫn là Y dịch đã có phân biệt ẩm khô (là táo thấp), là hoàn toàn thuộc bên ngoài, còn Thủy Hỏa là bên trong. Còn Âm Dương thì bao quát cả bên ngoài lẫn bên trong. Trong Đông y, một vị thuốc phơi khô trong bóng râm có hiệu quả khác với cũng vị thuốc ấy phơi dưới ánh nắng. Tuy nhiên, Y Dịch cũng tuân thủ hoàn toàn thuyết Âm Dương Ngũ Hành. Do đó, trong Y dịch ngũ tạng được quy vào ngũ hành: Tâm (hỏa), Thận (thủy), Can (mộc), Tỳ (thổ), Phế (kim). Với lý thuyết Âm Dương, Thủy Hỏa, Hàn Nhiệt, Y dịch đã nhận thức được mối quan hệ chồng chất, chồng chéo lên nhau giữa các nhịp cơ bản Tối Sáng, Nóng Lạnh, ẩm Khô theo chu kỳ Ngày Đêm (mà lý thuyết đồng hồ sinh học hiện đại đã vạch rõ) của vũ trụ, vào cơ thể con người.

Như chúng ta đã biết, về phương diện phạm trù, ý nghĩa của Âm Dương rất rộng:

 

  1. Trong tự nhiên

Âm                               Dương

Tối                              Sáng

Đêm                            Ngày

Lạnh                           Nóng

Nữ, cái, mái               Nam, đực, trống

Tĩnh                            Động

Dị hóa                        Đồng hóa

Hủy hoại                    Sinh thành

Thấp, lõm                  Cao, lồi

Nhu (mềm)                Cương (cứng)

Không                        Sắc (phật giáo)

  1. Trong khoa học, toán học

Âm                               Dương

Âm điện                                 Dương điện

Độ âm                                    Độ dương

Mở                                          Đóng

Số không (hệ nhị phân)       Số 1 (hệ nhị phân)

Không (điều khiển học)      Có (điều khiển học)

Chẵn                                      Lẻ

Màng (tế bào)                        Nhân (tế bào)

  1. Trong xã hội

Âm                                           Dương

Nhu (mềm, yếu)                   Cương (cứng, rắn)

Ác                                           Thiện

Tiêu cực                                 Tích cực

Tiểu nhân (kẻ xấu)               Quân tử (người tốt)

Họa                                         Phúc

Nghịch                                   Thuận

Không (Phật giáo)                Sắc (Phật giáo)

Âm cảnh (cõi chết)              Dương gian (cõi sống)

Hư                                           Thực

Hiểu “vô cực” mà nghĩa đen là “tổng thể chưa có cực”, là hình thái sự sống chưa chứa nhịp sinh học, tôi thấy sáng tỏ hơn là hiểu “thời kỳ hỗn mang”. “Vô cực” về mặt sự sống, tôi đã đoán là giai đoạn “vi khuẩn”, về mặt vũ trụ vĩ mô, đó là giai đoạn chưa hình thành Thái dương hệ. Còn “thái cực” về mặt vũ trụ vĩ mô là Thái dương hệ, về sự sống, là cấu trúc tế bào hay đi sâu hơn, là cấu trúc ADN mà trong đó tồn tại “chuỗi xoắn kép” mà đồ hình của nó hao hao đường cong Thái Cực. Về Thái dương hệ, thì Âm là mặt trăng, Dương là mặt trời, và tuần trăng lại quan hệ mật thiết với một nhịp sinh học lớn hơn nhịp ngày đêm, đó là nhịp thủy triều lên xuống. Và chúng ta cũng đã biết rằng tuần trăng, nhịp thủy triều, tác động đến nhiều quá trình sinh học như : luồng cá, nảy mầm, kinh nguyệt, giao phối động vật.  Đặc biệt, cần lưu ý rằng vận động Âm Dương là vận động làn sóng chứ không phải vận động hạt. J.Needhams nhà Đông Phương học có tên tuổi, đã nhận định:

“Tư tưởng Trung Quốc cổ đại chủ yếu là tư tưởng làn sóng (Pensée ondulatoire), nó chưa bao giờ chấp nhận tư tưởng hạt (Pensée nucléaire)”.

Tôi cho rằng nhận định ấy chính xác, cho nên tôi nghĩ rằng liên hệ Thái cực với nguyên tử (hạt) là chưa thỏa đáng. Tôi nghĩ rằng Kinh Dịch chưa biết đến nguyên tử, đó là một nhược điểm của nó, không nên thần thánh hóa nó. Tôi đã đề xuất trong phần trước “Thái cực Âm Dương” thiên về vũ trụ đã có sự sống, mà bằng chứng cụ thể là trong bát quái, biểu tượng của hiện tượng tự nhiên do quan hệ mà tạo nên trời đất muôn vật, tượng Tam tài của từng quái đều có thành phần “nhân” (con người) được đặt vào trung tâm, kể cả tượng chấn (sấm sét). Nếu nó có đả động đến việc: “Sấm sét (chấn) cổ động, mưa gió (tốn), nhuận hòa, cương nhu (cấn), “đoài” cọ xát nhau…., bát quái sóng sánh, tạo nên trời đất muôn vật”, hoặc “vạn vật sinh ra do tiếng vang đột ngột của sấm sét…” thì nó cũng đã lướt qua, xếp tất cả vào “vô cực” để bắt đầu từ Thái cực. Xin nhắc lại: hoàn toàn không nên hiểu lầm “Thái cực sinh lưỡng nghi” theo kiểu “thái cực” là mẹ có trước, lưỡng nghi là con sinh đôi có sau. Mà: Thái cực là “Vô cực đã có lưỡng nghi”. Như thế Không có lưỡng nghi (Âm Dương) thì không tồn tại Thái cực, “vô cực nhi thái cực” là thế. Nếu nói theo lý thuyết trừu tượng thì Thái cực là “cái toàn thể, cái tổng thể nhất nguyên lưỡng cực”, “nhất nguyên có nhịp điệu”.

Trên kia, tôi có liên hệ Thái cực với dạng tế bào và vô cực với dạng vi khuẩn. Tuy nhiên, suy cho cùng thì vi khuẩn cũng có một “kiểu Âm Dương” của nó, đó là Protêin và Axit nucléic. “Axit nucléic hình sợi chỉ cuộn một cách khéo léo thành cái lõi bên trong và Prôtêin làm thành cái vỏ bao bọc bên ngoài với kiến trúc tinh xảo” và như ta đã biết virus có thể tồn tại dưới dạng tinh thể bên trong tế bào, thì thuyết “vô cực nhi thái cực” càng dễ hiểu hơn, vì chỉ có Thái cực (tế bào) mới có thể “sinh sinh” theo kiểu chia đôi “trực phân”: Lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái; còn virus, khi ký sinh được vào tế bào thì “nhân lên” nhưng khi ở ngoài tế bào thì không có sự sống, chỉ là “vô cực”. Trường hợp nguyên tử, theo tôi cũng gần như thế, phải đến khi tổng hợp thành tế bào, mới có vận động Âm Dương, tức là vận động nhịp sinh học. Trong vận động “Tam nghi”(1) của nguyên tử chưa có sự sống.

Cũng với nội hàm ấy, Kinh Dịch nói: “Không có dương thì lấy gì mà “sinh”, nếu chuyển đổi các nhân tế bào thì các enzim tương xứng với nhân mới, sẽ hình thành ngay trong tế bào tiếp nhận, nguyên lý này đã được Kinh Dịch nói: “Không có Âm (enzim) thì Dương lấy gì mà thành”.

Nhân đây xin nhắc dẫn về sự khác biệt giữa hóa chất và tế bào để lưu ý thêm:

(1) Photon

“Các nhịp điệu của quá trình sinh hóa học liên hệ chặt chẽ với nguồn gốc sự sống. Các tiến trình hóa học diễn ra trong vũ trụ khoáng chất, tức là trong đất, nước, không khí, thường là những phản ứng rời rạc, riêng biệt, không lặp lại. Mỗi tiến trình làm mất đi một số phân tử và dẫn đến những phân tử mới. Trong một vi trùng hoặc một tế bào thì khác ổn. Mặc cho sự chuyển hóa không ngừng vĩnh viễn, nó vẫn hình thành những phân tử giống hệt như những axit nucléic, những protít, lipít, những vitamin. Tính ổn định ấy của thành phần hóa học là kết quả sự lặp lại các chu kỳ hóa học, nó đảm bảo sự nhất quán của con người trong suốt đời sống.

Vậy nguồn gốc sự sống gắn liền với sự hình thành các hệ thống hóa học, đảm bảo sự đổi mới của chu kỳ hóa học. Những chất hữu cơ được biết mà các phân tử có khả năng tự nhân đôi là những ADN.

“Chính vì thế mà nhịp điệu nhân đôi của các phân tử ADN được xem là nhịp điệu ban đầu và cơ bản của vũ trụ sống. . . Với sự hình thành các tế bào, ta thấy xuất hiện những điều kiện thuận lợi cho sự liên kết hai tiến trình cơ bản của sự sống: sự tự nhân đôi của ADN và sự chia đôi của tế bào…” (1)

Đến nhận định của Páplốp: “Sự sống là một chuỗi xen kẽ vận động không bao giờ ngừng giữa hai quá trình hủy hoại và sinh thành, mà một trạng thái trung hòa là không thể hiểu được” thì càng thấy rõ thêm sự gặp gỡ giữa thuyết Âm Dương với đồng hồ sinh học. Âm Dương vận động liên tục, chuyển hóa lẫn nhau không có một trạng thái trung hòa nào cả: “Âm cực Dương sinh, Dương cực Âm sinh”. Nhìn kỹ vào tượng của trùng quái ta thấy “Âm cực” không phải tất cả đều Âm, mà năm hào Âm một hào Dương

(1) Đồng hồ sinh học

“Dương cực” thì ngược lại: năm hào Dương, một hào Âm.

Âm Dương tồn tại trong vận động, là hai quá trình luôn xen kẽ nhau, mà quá trình sau luôn luôn “nảy mầm” từ trong bước phát triển tột cùng (cực) của quá trình trước (1) . Đó là sự vận động liên tục, không gián đoạn, theo quy luật “vật cực tắc phản”. “Phản gián, đạo chí động dã”. Đó không phải là chu trình tuần hoàn khép kín như một số người hiểu nhầm, mà là một chu trình “tuần hoàn mở” tương tự như xoắn ốc, mà cố giáo sư Cao Xuân Huy gọi là “Cầu thể” (hình cầu) nhằm đề phòng gán ghép khiên cưỡng vào xoắn ốc Mác mà tôi diễn dịch hình tượng hóa ra “chu trình cuộn chỉ”. Chỗ khác giữa “xoắn ốc” và “cuộn chỉ “là: Vận động xoắn ốc lặp lại điểm cũ ở vòng xoắn cao hơn, vận động cuộn chỉ quay về trục  rồi vòng qua vòng mới hơn.

Tuy nhiên, suy cho cùng, thì tôi thấy đó cũng là hai cách hình tượng hóa khác nhau về chu trình biện chứng và phản hồi thôi. Song, điều làm tôi chú ý cặp phạm trù Âm Dương, gặp cặp phạm trù “Sắc Không” của Phật giáo, mạch “đóng mở”, “có không”, điều khiển học: và đồ hình chữ S trong Vòng tròn biểu trưng “Thái cực lưỡng nghi” dường như mang ý nghĩa Đường cong phản hồi, trên hệ ngược của điều khiển học. Thế là trong “nguyên lý cụ tượng” Âm Dương, Sắc Không, tôi thấy có cả biện chứng, sinh học, điều khiển học. Điều đó không gì lạ. Vì sinh học (âm dương sắc không) là biện chứng của tự nhiên, “đóng mở” là “biện chứng của khoa học kỹ thuật”. Chính nhờ dựa vào Kinh Dịch, xây dựng nguyên tắc “Thiên nhân hợp nhất”, “nhân thân tiểu thiên địa” mà từ mấy nghìn năm trước kỷ nguyên Ki tô giáo, Đông y đã xây dựng rất hoàn chỉnh cho mình nền sinh y học, sinh được học, khoa bệnh lý hệ thời khắc, mà Tây y hiện nay mới đi những bước đầu. Tuy nhiên, như thế không phải là Đông y đã hoàn toàn tiên tiến, vì dù sao, sinh học, sinh dược, bệnh lý học thời khắc của Đông y cũng là cổ đại, thiếu hẳn lý thuyết trừu tượng và thực nghiệm như nền khoa học hiện đại. Song, không phải phương pháp thực nghiệm có thể giải thích tất cả những bí ẩn của vũ trụ và con người, do đó như dược sĩ Đỗ Đình Tuân nhận định: “Có những vấn đề của Đông y mà Tây y không tin vì không giải thích được, nhưng khi áp dụng đúng theo truyền thống Đông y thì lại có hiệu quả”(1). Tôi còn nhớ mãi một câu chuyện bản thân:

Năm 1975, được quyết định về lại Miền Nam, tôi liền đến gặp một bác sĩ Tây y đã nghiên cứu Đông y xem mạch kê đơn lấy thuốc và chế thành thuốc hoàn để mang theo về dùng. Làm xong, tôi chợt nhớ có lẽ nên tham khảo ý kiến

(1) Đỗ Đình Tuân, Dịch học nhập môn, Y dịch NXB Long An

một cụ lang nổi tiếng có quen biết. Xem xong đơn, cụ hỏi tôi:

– Ai kê cho bác cái đơn này? Tôi thưa với cụ là một bác sĩ Tây y đã nghiên cứu Đông y, xem mạch đàng hoàng. Cụ nói:

– Thế là ông bác sĩ này nghiên cứu Đông y, chỉ lưu ý đến Âm Dương mà không quan tâm đến Hàn Nhiệt: đơn này ông ấy cắt thuốc bổ Dương đấy, nhưng lại dùng nhiều vị Hàn, mà tạng bác là tạng hàn không dùng được đâu.

Tôi bèn thưa với cụ, nhờ cụ xem mạch kê đơn lại cho để tôi về Nam lấy thuốc dùng. Cụ bảo :

– Không được đâu! Về trong ấy thời tiết khí hậu khác, mạch lạc của bác sẽ khác. Xem mạch kê đơn ở đây vào trong ấy uống sẽ kém hiệu nghiệm.

Rồi cụ nói thêm :

– Tạng bác là tạng hàn, tôi đã từng biết, nên dùng Bát gia vị gia giảm. Nếu vào trong ấy, không gặp thầy giỏi thì bác cứ mua “Bát vị hoàn” chế sẵn, hiệu quả chậm hơn nhiều nhưng không sao.

Tôi về Nam, tiếc cho chỗ thuốc đã chế thành hoàn, lấy ra uống thử. Uống vào gây buồn nôn và tiêu chảy ngay, tôi đành phải xếp lại. Một hôm gặp một lương y quen cũ trước khi tập kết, tôi kể chuyện và hỏi có cách gì khỏi bỏ phí chỗ thuốc ấy không? Ông ta nghĩ một lúc rồi bày tôi đem ngâm rượu tất cả chỗ thuốc hoàn ấy và cho thêm vào đó một ít quế tốt thì có thể dùng được, nhưng hiệu nghiệm chắc không thể bằng Bát vị gia giảm. Tôi làm theo lời khuyên và quả nhiên dùng được.

Và đây là một câu chuyện lý thú nữa:

Dạo ấy nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam, tôi xin được nói chuyện câu lạc bộ với đầu đề: “Tây y và nghệ thuật phương Tây, Y học dân tộc và nghệ thuật dân tộc”. Trong cuộc nói chuyện tôi có nhắc đến và trích dẫn một số ý kiến của cố bác sỹ Phạm Bá Cư, nguyên Viện trưởng Viện Đông y (bây giờ là Viện Y học dân tộc). Cuộc nói chuyện của tôi được hưởng ứng khá tốt. Sau cuộc nói chuyện, bác sĩ P.C gặp tôi, cho biết là bác sĩ đã từng ở Viện Đông y. Rồi bác sĩ P.C kể với tôi rằng : sau khi về lại Tây y ít lâu, anh bị “một vố đau nhớ đời”. Cháu anh bị đau bụng nặng, hội chẩn bác sĩ kết luận là viêm ruột thừa cấp tính phải mổ gấp và chính anh đã mổ. Vạch bụng ra: ruột thừa rất tốt, chả viêm loét gì cả, đánh phải khâu lại. Nhưng rồi cháu anh lại tiếp tục đau bụng, không tìm ra nguyên nhân. Cuối cùng cháu anh bị chết vì bệnh phổi. Bây giờ anh mới hối hận: Theo Đông y về quan hệ biểu lý (1) là “phế đại tràng” nhưng anh lại cho là không có cơ sở khoa học nên bỏ qua, không để ý đến “phế”, khi cháu anh bị đau ruột.

Những hiện tượng trên cũng dễ hiểu thôi. Tây y cũ vốn là một nền y học chủ biệt, phân tích, cơ học, trong khi Đông y lại vốn là một nền y học chủ toàn, tổng hợp, sinh học; nền sinh y học, sinh dược học trong Tây y chỉ mới bắt đầu.

(1) Theo Đông y thì tạng lý, phủ biểu: Nghĩa là tạng vận động bên trong, phủ biểu hiện ra ngoài, ở trường hợp này phế lý, đại tràng biểu, thấy đau ở đại tràng, nên lý bệnh bên trong phế.

Có lẽ phải qua vài thập kỷ phát triển sinh học, sinh dược học, “Tây y học” mới có thể hiểu được đầy đủ cơ sở khoa học của Đông y, một nền y học sinh học đã có lịch sử mấy nghìn năm.

Trong lịch sử ứng dụng vào thực tiễn, có lẽ không lĩnh vực nào mà lý thuyết Âm Dương, đồng hồ sinh học Kinh Dịch và lý thuyết Tam Tài, lý thuyết về mối quan hệ giữa người, sinh vật và môi trường của Kinh Dịch, phát huy tác dụng lớn hiệu quả như lĩnh vực Đông y nói chung và y học dân tộc ta nói riêng. Và chính “sinh học Kinh Dịch” đã là nền tảng cho những yếu tố biện chứng trong Kinh Dịch như đã đề cập, vì theo các nhà sinh học hiện đại: “Những vấn đề của sinh học có tầm quan trọng rất lớn trong triết học”.

Hai câu chuyện tình cờ vừa kể đã giúp tôi thấy rõ tính biện chứng của Đông y, đồng thời cũng hiểu thêm tính đa diện của nguyên lý Âm Dương. Chúng ta đã quy ra không sai tý nào, là Âm cũng ám chỉ Thủy, Hàn; Dương, cũng ám chỉ Hỏa, Nhiệt. Nhưng thực ra đó không phải là đồng nghĩa vì đúng hơn cũng là nằm trong phạm trù. Do đó, nếu hiểu rằng khi đã điều chỉnh cho “Dương thịnh”, Hỏa cũng thịnh theo thì lầm to, vì Âm Dương, Thủy Hỏa, Hàn Nhiệt, cũng như Tối Sáng, Nóng Lạnh, Ẩm Khô, tuy tương ứng với nhau về tư cách phạm trù, nhưng lại là những chu trình khác nhau, chồng chéo lên nhau trong vận động. “Đồng hồ sinh học” đã giúp tôi sáng thêm điều ấy.

Trong cơ thể sống không hề có những hiện tượng biệt lập nhau và thường là rất khó làm cho rõ chức năng của mỗi hiện tượng trong chu trình này hoặc chu trình khác. Cho nên tầm quan trọng của nhịp điệu Tối Sáng trong khi ứng dụng chỉ có thể nói rõ lên những điều kiện tự nhiên, mà cả trong trường hợp ấy phải tính đến sự ảnh hưởng của cả một mớ các điều kiện mà nhiều khi rất khó tách ra cái chi phối tiến trình đang nghiên cứu.

Nhân đây, tôi muốn nói thêm rằng nhờ lý thuyết về đồng hồ sinh học mà tôi hiểu rõ hơn câu nói có vẻ như luẩn quẩn của Phật Thích Ca về thuyết “Sắc sắc không không”: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc, Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc bất thị không. không bất thị sắc” (nghĩa là: cũng là không, không cũng là có. Có chẳng khác không, không chẳng khác có, Có chẳng phải không, không chẳng phải có) .

Hóa ra đó cũng chỉ là cách diễn dịch về nhịp điệu sinh học: nhịp điệu “hủy hoại sinh thành”, diễn ra theo tác động từng giây. Vậy “sắc sắc không không” cũng là nhịp điệu sinh học, là “Âm Dương của Phật giáo” vậy. Vả, có lẽ Phật Thích Ca với lời nói : “Sau mỗi Sácna (thời gian bằng 1/10 cái nháy mắt) con người của ta đã không còn nguyên trước nữa”, đã nâng nhịp điệu sắc không từ tế bào đến con người, vì “đồng hồ sinh học” cho biết các nhịp điệu Ngày Đêm dựa trên những hiện tượng tự động, tự điều chỉnh, các “máy móc” thực hiện các nhịp điệu nằm trong các tế bào.

Tôi có thể nói rằng: Âm Dương chính là chiếc quả lắc đồng hồ sinh học Kinh Dịch, phải chăng cũng là hệ số nhị phân được sử dụng để phản ánh nhịp điệu của quả lắc ấy?

Xin nhắc lại ý kiến của J.Needham’s :

“Tư tưởng Trung Hoa cổ đại là tư tưởng làn sóng…”.

“Đồng hồ sinh học” cũng cho biết :

“Hoạt động sống là một tiến trình làn sóng liên tục”.

 

(Còn tiếp)

 

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P1)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P3)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P4)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P5)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P6)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P7)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P8)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P9)

>> Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (P10)