Họ nội họ ngoại

01/10/2020

Sau khi hướng dẫn cho tôi đầy đủ về làng, cha tôi bắt đầu dẫn giải cho tôi về truyền thống bên nội bên ngoại.


Bên nội, gia phả bị mối ăn chỉ còn mấy dòng cho biết vị tổ đầu tiên từ Nghệ An vào đây khai phá là ông Lý Nghi, từng đỗ thám hoa. Về sau đổi sang họ Nguyễn. (GS Bùi Văn Nguyên, nhà sử học và văn học dân gian cho tôi biết: trong các họ của Việt tộc ta họ Lý, họ Nguyễn là một họ, họ gốc của các vua Hùng). Do đó, cha tôi chỉ kể được cho tôi nghe đầy đủ về các vị sau này, ông cố và ông nội tôi.

Ông cố tôi tên là Nguyễn Thế Hiển biệt hiệu là Trúc Khê, đỗ tú tài. Ông đi thi năm lần, lần nào cũng đỗ tú tài không đỗ được cử nhân, cho nên người ta gọi ông là “ngũ khoa tú tài”. Ông lập chí ở ẩn ở nhà giúp lợi ích cho dân không xin ra làm quan. Ông nói “Tuỳ thế tức kinh luân”, nghĩa là: giúp ích cho đời cũng là kinh luân chứ không nhất thiết phải làm quan. Ông có công đầu trong việc thành lập và phát triển quỹ Nghĩa Thương. Triều đình nghe tiếng, triệu ông ra làm quan. Ông đề nghị dân làng đầu đơn xin cho ông được ở nhà lo việc làng, dân ký đến ba trăm người, nhưng quan tỉnh bảo không dám gửi lên vua (Tự Đức). Ông đành xin ra làm tri phủ phủ Thăng Bình tỉnh Quảng Nam. Xin lưu ý: tú tài theo lệ thường thì chỉ được sơ bổ hậu bổ, ông được sơ bổ tri phủ là trường hợp rất đặc biệt. Làm được mấy tháng xảy việc bắt lính mộ đi Tây. Ông lập danh sách toàn con trai nhà giàu. Các nhà giàu kiện lên tỉnh, tỉnh mời ông lên hỏi tại sao lại làm như vậy. Ông nói: con trai nhà giàu đi nhà nó không đói, con trai nhà nghèo là trụ cột kinh tế của gia đình, nó đi thì nhà đói, đói tất phải làm loạn. Tỉnh chỉ thị phải về bắt con trai nhà nghèo thay vào. Ông nói: như thế sẽ sinh loạn, mà loạn tôi không đủ sức trị, và cáo quan về. Ông về làng tiếp tục lo công việc Nghĩa Thương. Cha tôi còn nhớ một số bài thơ của ông:

Giúp dân

Muốn giúp dân làng thoát khổ nghèo

Ta đem ruộng nghĩa cắt chia đều

Nhà ta khắp chốn trồng công đức

Yêu chữ Nhân, vàng ngọc chẳng yêu

Dạy con

Thương yêu giúp đỡ mọi người

Mấy lời cha dặn con thời chớ quên

Gìn vàng giữ ngọc không nên

Gìn nhân giữ đức ấy nền nhà ta

 

Hạ chí

Hạ chí tiết trời như rực lửa

Đồng khô đất nẻ xót lòng ta

Trời cao nếu biết thương dân khổ

Một trận mưa rào giáng xuống cho.

 

Thơ chê quan

Đông chí trời xui rét cắt da

Dân nghèo áo mỏng xót lòng ta

Quan can chẳng biết dân dường ấy

Năm hết ngồi ngâm “Tuyết trắng sa”.

Ông nội tôi tên là Nguyễn Thế Triết biệt hiệu Cổ Khê, đỗ tú tài, được bổ nhậm làm hậu bổ ở Quảng Nam. Đang làm quan, ông nhận được hịch phong trào Cần Vương do hai ông Đào Doãn Địch và Mai Xuân Thưởng khởi xướng ra, ông bèn bỏ việc quan về theo nghĩa quân Mai Xuân Thưởng. Ông được Nguyên soái Bình Tây Mai Xuân thưởng trao chức tán tương quân vụ, đóng giữ vùng Bình Khê Vĩnh Thạnh, lo việc liên lạc giữa ta và đồng bào Tây Nguyên. (Có tư liệu ghi là “tham tán quân vụ” trách nhiệm tương tự tham mưu trưởng bây giờ). Đến khi Mai Xuân Thưởng bị giết, nghĩa quân tan rã, ông đưa bộ phận ông lên vùng Kong Rang Komplong đồn trú, ý định dựa vào đồng bào Tây Nguyên xây dựng lại lực lượng. Nhưng ông bị sốt rét rừng chết. Tàn quân quay hết về quê vùng xuôi. Cha tôi đọc cho tôi nghe bài thơ của ông Đặng Xuân Thiều nguyên là phó của ông nội tôi, đọc khi dẫn đường người nhà lên cải táng mộ ông, đưa hài cốt về chôn tại núi Phụng Sơn:

Non nước xa xôi mấy dặm ngàn

Rằng đây là xứ Thượng Kông Rang

Bởi vòng tạo hoá xe lăng líu

Nên bước anh hùng phải dởû dang

Kẻ thác đã đành tay tuấn kiệt

Người còn thêm thẹn mặt giang san

Chẳng qua cái nợ trong trời đất

Sống thác cùng nhau một chữ toàn.

Ông có làm nhiều bài thơ. Xin giới thiệu sau đây chùm thơ của ông:

 

Ký Nguyễn Hoá

tướng công

Tạc pháo oanh thiên chốn thạch thành

Bất năng đàn áp ngã quân thanh

Nghĩa quân chư hội huy binh khí

Sát tặc Lang sa ngũ thập danh

 

Tạm dịch:

 

Gửi tướng công

Nguyễn Hoá

 

Pháo giặc vang trời rung thạch thành

Vẫn không át được trống quân mình

Nghĩa quân các đạo vung binh khí

Giết lũ Lang sa năm chục tên

 

Tùng vịnh nhị thư

I

Lĩnh thượng nguy nguy thiên trượng tùng

Thanh thanh chi diệp hướng không trung

Anh hào khả tỉ thanh tùng ngạnh

Vị quốc an năng cự hãn nhung

 

II

Động thiên tùng bách ngạo hàn phong

Nguy khổ vô ưu tiện thi hùng

Bạt kiếm tận tru di địch loại

Thiên thu thanh sử hiển tinh trung

Tạm dịch:

 

Hai bài thơ vịnh tùng

I

Đỉnh núi hiên ngang muôn cội trùng

Xanh xanh cành lá hướng không trung

Anh hào khả ví như  tùng vững

Đuổi giặc hung tàn giữ núi sông

II

Tùng bách kiên cường ngạo gió đông

Chẳng lo nguy khổ thật anh hùng

Tuốt gươm chém sạch loài man rợ

Sách sử muôn đời để tiếng trung

 

Tặng Mai Nguyên soái

Nghĩa binh vũ kiếm trảm Lang sa

Vệ quốc thanh thanh chấn lưỡng hà

Mã cảnh tận huyền dư địch thủ

Hoàn lương cao xướng khải hoàn ca

 

Tạm dịch:

Nghĩa binh múa kiếm chém quân Tây

Tiếng hét vang rền khắp đó đây

Cổ ngựa treo đầu loài giặc dữ

Khải hoàn rung động tận trời mây

 

Ký Đào Công Mộng Mai

Trung thần vị quốc tắc vong gia

Thủ nghĩa thành nhân tự cổ đa

Kim nhật cố hương phong hoả cấp

Khuyến quân cộng lực vãn sơn hà

 

Tạm dịch:

Gởi ông Đào Mộng Mai

Tôi trung vì nước ắt quên nhà

Giữ nghĩa nên người ấy đạo xưa

Tổ quốc đang cơn binh lửa gấp

Mời ông chung sức cứu sơn hà

 

Tặng Nguyễn Công Trọng Trì

Thư sinh bất đản thiện đề thi

Tháo tặc an dân cử nghĩa kỳ

Tái hạ điều binh thoái cường địch

Đan tâm nhất phiến quỷ thần tri

 

Tạm dịch:

 

Thư sinh chẳng thiết đề thơ

Căm thù giặc nước phất cờ cứu dân

Hiên ngang trước ải điều quân

Lòng son một tấc quỷ thần biết cho

 

Ngôn chí

Vạn cổ anh hùng cứu quốc cương

Tảo trừ cường khấu vĩnh lưu phương

Ngô tuy thế lực do hư nhược

Sát tặc hùng tâm bất khả vương

 

Tạm dịch:

Nói lên chí mình

Bổn phận anh hào giữ núi sông

Tảo trừ giặc giữ lập nên công

Ta tuy thể lực đang gầy yếu

Nhưng chí làm trai vẫn rực hồng

 

Nhật mộ sao

vọng Phụng Sơn hữu cảnh

Phụng Sơn văn xã thập dư nhân

Ứng nghĩa bình Tây báo quốc ân

Thạch thượng ma đao tâm tự thiết

Tảo trừ bạch quỷ cứu lương dân

 

Chiều tà hướng

Phụng Sơn cảm xúc

 

Phụng Sơn hơn chục người dân

Bình Tây ứng nghĩa quốc ân đáp đền

Mài đao trên đá thề nguyền

Diệt trừ quỷ trắng, giữ yên xóm làng

 

Tư thân

Xuân vũ như cao thấp cố hương

Tư hương tâm lý bội bi thương

Tư gia báo quốc tru di địch

Trung hiếu song toàn vạn cổ phương

 

Tạm dịch:

Nhớ mẹ

Mưa xuân đổ xuống cố hương

Nhớ nhà nhớ mẹ bị thương bội phần

Giã nhà ra chốn chiến trường

Ước mong vẹn cả đôi đường hiếu trung

Rồi cha tôi kể chuyện bên ngoại.

Bên ngoại tôi gia phả còn đầy đủ. Họ ngoại tôi là họ Lê gốc Nghệ An.

Thuỷ tổ là ông Lê Công Triều làm quan thời Lê, cũng dòng nho giáo. Ông Lê Công Triều từ Nghệ An dời vào Bồng Sơn – Bình Định. Sau ông Lê Công Nghĩa vào ở rể thôn Luật Chánh, lập ra chi phái ở đấy. Tuy là nho gia nhưng không phải tất cả đều làm quan, nhiều người làm nông, và đặc biệt trải qua các thế hệ trong họ có đến mười ông đi tu lên đến chức Hoà thượng. Cha tôi kể tỉ mỉ sự nghiệp của hai ông Lê Công Miễn và Lê Đại Cang vì hai ông có công lớn với nước.

Về ông Lê Công Miễn (1739-800), xin dẫn bài viết của Lộc – Xuyên Đặng Quý Địch trong sách “Nhân vật Bình Định” (1971) cho khách quan:

“Là thầy học của vua Thái Đức trước, vua Cảnh Thịnh (Tây Sơn) sau, Lê Công Miễn, (sau đổi là Lê Khôn Ngũi) sinh năm Canh Thân (1739) nhằm năm đầu niên hiệu Cảnh Hưng thời Hậu Lê. Quán Làng Phú Nhơn huyện Tuy Viễn phủ Quy Nhơn nay là ấp Luật Chánh xã Phước Hiệp quận Tuy Phước.

Ấu thời, ông học tại nhà với người anh. Năm 16 tuổi ông ra Phú Xuân thụ giáo Trịnh Quang, một sĩ tử có tài đức được thời nhân kính trọng. Sau ông ngụ tại nhà Liêu thái hầu, một viên quan thái giám yêu văn chương, trong nhà chứa nhiều cổ thư kỳ thư quý giá. Sẵn trí thông minh hiếm có, lại nhờ sách hay thầy giỏi, ông học mỗi ngày một tiến bộ. Chẳng bao lâu ông nổi tiếng là người học rộng biết nhiều, các danh sĩ đương thời đều phải nể mặt ông. Tuy vây, ông chẳng có duyên trường, ba lần mang lều chõng đi thi đều hỏng cả ba.

Năm Giáp Ngọ (1774), quân Trịnh đánh chiếm Phú Xuân. Chúa Định Vương bỏ chạy vào Nam, kinh kỳ loạn lạc, ông lánh về ấp Tiên Tĩnh thiết trường dạy học. Bấy giờ Chúa Tĩnh đô vương Trịnh Sâm đóng quân ở Hà Trung nghe tiếng ông là bậc hiền tài cho mời đến hành tại bái yết. Ông không chịu đi vì không muốc giúp họ Trịnh, ông bỏ vào Quảng Nam mai danh ẩn tích.

Năm Đinh Dậu (1777), Quảng Nam thực sự nằm trong phạm vi kiểm soát của phủ Tây Sơn. Năm Mậu Tuất (1778), vua Thái Đức nghe tiếng ông lại cho sứ giả đem lễ vật đến mời ông ra giúp nước. Năm Giáp Thìn (1784) ông mới tới Hoàng đế thành phục mệnh. Vua phong cho ông Hàn lâm thị giảng làm nhiệm vụ “mật trực thọ thơ” nghĩa là hằng ngày vào mật thất dạy vua học. Năm ấy ông đã 45 tuổi. Ngoài Giáo Hiến, người đã dạy vua trong buổi tiềm long, ông là người duy nhất được vua tôn lên làm sư phó khi vua đã đắc thời. Từ đấy ông luôn chầu chực bên vua, ngoài việc giảng giải nghĩa lý vi diệu của thánh hiền bàn bạc trong Kinh Sử Tử Tập nhằm giúp vua trong đạo trị bình, ông còn giúp vua xếp đặt triều cương, sửa sang chính sự.

Đến năm Ất Mão (1795) vua Cảnh Thịnh triệu ông về Phú Xuân, bái ông làm chức Đô ngự sử. Tuy làm việc ở giám đài nhưng ông phải đến Kinh Diên dạy vua học.

Năm sau, ông thăng thượng thư bộ hình.

Năm Canh Thân (1800) ông mất, hưởng thọ 61 tuổi, được vua ban tên thuỵ là Cung Giản.

Sinh thời ông có soạn bộ Hình luật, chưa kịp thi hành thì tạ thế. Di thảo bị thất lạc vì ông không con nên không ai gìn giữ.

Trải thờ hai vua Thái Đức và Cảnh Thịnh, tuy ở vào địa vị thầy vua, được nhà vua tin cẩn, nhưng lúc nào ông cũng giữ vẹn một lòng khiêm, ái thanh, cần. Tương truyền sau khi ông mệnh chung, gia sản không còn gì ngoài ba gian nhà trống do cha ông để lại”.

(Trích “Nhân vật Bình Định”- 1971)

Ông Bùi Văn Lăng, trong “Danh nhân Bình Định” 1941 cũng có viết về hai ông Lê Công Miễn và Lê Đại Cang.

Cuộc đời ông Lê Đại Cang phức tạp hơn. Sau lời cha tôi kể, tôi có đọc bài viết của ông Bùi Văn Lăng trong “Danh nhân Bình Định” và của Lộc Xuyên Đặng  Quý Địch trong “Nhân vật Bình Định”. Tôi xin tóm lược:

Ông Lê Đại Cang là cháu ruột ông Lê Công Miễn. Ông sinh năm 1771 tại làng Phú Nhơn huyện Tuy Viễn, nay là làng Luật Chánh xã Phước Hiệp huyện Tuy Phước. Thuở nhỏ ông tự học. Đến năm 16 tuổi, ông được học với Nguyễn Tư Nghiễm, thị giảng triều Tây Sơn. Sau ông học thêm văn với Đặng Đức Siêu, quan thời Nguyễn. Ông được tiếng thông minh học giỏi, nhưng nhà nghèo, cha mẹ chết sớm, không đỗ đạc gì. Mặc dù vậy năm 1802, dưới triều Gia Long, ông được tiến cử làm tri huyện Tuy Viễn. Lúc đó, ông đã ba mươi tuổi.

Cuộc đời làm quan của ông thời kỳ đầu suôn sẻ. Ông lần lượt trải qua các chức vụ: Kiểm sư bộ Binh (1810), Hiệp trấn Sơn Tây (1822), Cai bạ Quảng Nam, Cai bạ Vĩnh Long, Tham tri bộ Hình (1829), Quản lý bờ đê Bắc Thành (1831), Thượng thư bộ Binh kiêm hữu đô – ngự sử (1832), Tổng đốc ba tỉnh Sơn, Hưng, Tuyên kiêm lãnh Hà Nội, Ninh Bình Tổng đốùc sự vụ.

Khi phân chia các hạt ở Nam Kỳ, ông được điều vào làm Tổng đốc An Giang Hà Tiên kiêm bảo hộ Cao Miên quốc ấn. Cuộc đời sóng gió của ông bắt đầu từ đây.

Mùa xuân năm Minh Mạng 14 (1833), Lê Văn Khôi nổi dậy đánh chiếm thành Thiên An (Gia Định) rồi đánh tới An Giang. Thế quân nổi dậy rất mạnh, quân ông địch không lại đành phải rút lui. Sau một đêm quân sĩ bỏ đi hết. Ông bèn vào đất Miên, chiêu tập những người Miên lưu vong thành lập đội quân phụ tử chi binh chờ quân triều vào phối hợp. Cuộc rút lui đã làm ông bị cách chức Lãnh tiền quân hiệu lực (ra trận đi đầu). Sau ông phối hợp với quân triều lấy lại được tỉnh thành, được phục chức Viên ngoại lang kiêm lãnh binh, lãnh Án sát sứ rồi Bố chính sứ An Giang.

Theo lời ông kể trong Gia phả:

“Mùa Đông năm ấy (1833), giặc Xiêm La tiến đánh Cao Miên, vua Miên xuất bôn, các đạo quân ta vâng mệnh đánh trả đường thuỷ. Riêng tôi vâng mệnh chặn giặc bằng đường bộ ở Quang Hoá, rừng sâu đoạt hiểm, chiến đấu ngoan cường, quét giặc lui về tận biên giới. Cao Miên hoàn toàn khôi phục”.

Như thế là trong trận này, ông có công vừa đánh quân Xiêm xâm nhập biên giới ta, vừa giúp giải phóng Cao Miên. Trong “Nhân vật Bình Định” Đặng Quý Địch viết: “Ông là một vị nho tướng, từng cầm binh dẹp loạn Chân Lạp, đuổi quân xâm lược Xiêm – La bảo vệ nền đôïc lập cho tổ quốc ta”…

Sau chiến công ấy ông được Minh Mạng phong chức Trấn Tây tham tán Đại thần (nghĩa là: thay mặt vua ở thành Trấn Tây) và lúc ấy ông đã 65 tuổi. Ông đệ đơn xin về hưu nhưng vua không cho. Đặng Quý Địch viết:

“Có người cho rằng ông xin từ quan là vì ông bất đồng quan điểm với vua Minh Mạng về chính sách đô hộ và cách tuyển chọn quan lại cho quan cai trị người Miên. Vua Minh – Mạng đã thủ tiêu nền đọc lập của Chân Lạp, sáp nhập nước này vào lãnh thổ  của ta, khiến người nước này buồn tủi vì nỗi vong quốc. Quan lại ta qua cai trị họ phần lớn là bọn tham lam, thường nhũng nhiễu họ khiến họ sinh uất ức. Ông đã thấy trước sự thất bại bởi chính sách thất nhân tâm này nên tìm cách rút lui để khỏi lụy đến thân mình nhưng không được. Việc gì đáng tới đã tới: dân bản xứ nổi lên chống lại quan binh, giết hại nhiều người. Tội quy vu trưởng khiến ông bị cách chức, phải đến phục vụ ở quân thứ ở đạo Trà – Gi với tư cách lính trơn.

Khi tới Trà Gi, ông thấy quân phủ này tổ chức còn luộm thuộm nên đã đích thân chấn chỉnh hàng ngũ, xếp đặt biễn binh cho có quy củ. Việc tới tai Trương Minh Giảng bấy giờ thay ông làm Tham tán đại thần. Giảng bèn dâng sớ hạch ông về tội lạm quyền. Vua Minh – Mạng kết án ông như sau:

“Đại Cang hệ cách chức hiệu Khước dĩ đại tướng, tự cư bất uý quốc pháp bất cố công luận, nghi vấn toạ trảm giam hậu”.

Nghĩa là :

“Đại Cang là kẻ bị cách chức phải sang tiền quân hiệu lực mà hành động như một viên đại tướng, không sợ phép nước, chẳng kiêng công luận, đáng làm án trảm giam hậu”.

Ông bị giải về kinh rồi bị hạ ngục.

Đến tháng Giêng năm Tân Sửu, Thiệu Trị năm đầu (1841), nhân lễ bang giao với Thanh Triều, ông là vị đại thần duy nhất thông hiểu thể lệ nên được phục hàm Điển bộ, lo đặt việc ngoại giao. Qua tháng bảy năm này, ông thăng Bố chính Hà Nội. Bấy giờ ông đã 70 tuổi, tự coi là đã trả xong món nợ làm trai nên nhất định xin về hưu. Tân quân không nỡ ép uổng một vị lão thần đã lắm phen chìm nổi trong bể hoạn mênh mang nên buộc lòng phải cho ông toại nguyện”.

Về hưu, ông lập chùa tu, đặt tên chùa là Giác Am, ông xưng hiệu là Giác Am cư sĩ. Ông viết di chúc dặn con cháu không được ra làm quan.

Bàn về ý xin về hưu của Lê Đại Cang sau khi nhận chức Trấn Tây tham tán đại thần của Đặng Quý Địch là hoàn toàn đúng, phù hợp với điều lưu lại trong họ, theo bản di chúc của ông mà cha tôi có được đọc trước khi bị thất lạc. Lưu truyền còn cho biết: trong sớ hạch tội ông, Trương Minh Giảng có tâu luôn việc ông Lê Đại Cang có ông chú ruột làm thượng thư Bộ Hình đời Tây Sơn nên Minh Mạng mới ra án nặng thế.

Sau khi được vua Thiệu Trị giao cho việc tiếp sứ Tàu, tiếp xong, sứ Tàu đã tặng ông hai câu liễng bằng sứ.

Một câu đề:

Đông sơn khí khái

Bắc hải phong lưu

Một câu đề:

Tọa đối hiền nhân tửu

Sơn tàng thái sử thơ

Tại từ đường họ Lê hiện nay, còn đôi liễng khảm trai “Nhứt hoạ nhứt thi” nghĩa là vừa có tranh vừa có thơ, đề:

Miến lan vị cảm tư quân tử

Kiến trúc hà tu vấn chủ nhân

(Nghĩa là: Nghe lan đã nhớ người quân tử

Thấy trúc sao còn hỏi chủ nhân)

Tương truyền đó là câu liễng ông cho treo tại phòng tiếp sứ Tàu.

Lê Đại Cang có ba tập thơ: Tĩnh Ngu thi tập, Bắc Sơn hành, Nam Sơn hành, đều bị thất lạc trong tản cư hồi kháng chiến chống Pháp. Bộ Hình luật của ông Lê Công Miễn cũng chịu số phận ấy.

Cha tôi còn kể thêm cho tôi nghe về cây đại đao của ông Lê Đại Cang:

Tại từ đường họ Lê, bên cạnh bàn thờ ông có dựng một cây đại đao tương truyền là cây đại đao ông ra trận ngày xưa. Bỗng một hôm bà ngoại tôi đau nặng mời thầy thuốc thang không khỏi, phải mời một vị danh y. Xem mạch xong, vị danh y nói: “Bệnh của bà không phải là thực bệnh, mà là bệnh tâm lý cho nên thuốc thang không ích gì. Hỏi bà xem bà có bị một cơn sợ hãi nào không rồi tìm cách giải quyết cho bà hết sợ”. Hỏi bà, bà cho biết: khoảng hơn mươi ngày trước, đêm bà nằm ngủ trên võng, bỗng nghe có một tiếng động trên nhà trên (nhà thờ). Bà nghi là kẻ trộm, bèn dậy, rón rén bước nhìn qua khe cửa nhà trên. Chợt trong ánh đèn lờ mờ bà thấy cây đại đao đi, bà hoảng quá sinh bệnh. Nhà bèn cho mời thầy cúng tới. Biết chuyện thầy cúng nói: “Cây đại đao của ông lớn ra trận ngày xưa, do dính máu người nên hiện yêu. Bây giờ chỉ có cách mang ném nó đi là xong”. Nhà nghe lời, làm lễ cúng rồi bỏ cây đại đao trong bẹ chuối, thuê hai người khiêng ném xuống vực ông Đô, cách nhà độ 5 km. Việc ấy chính cha tôi có chứng kiến. Tôi hỏi: cây đại đao bằng gì mà nặng đến phải hai người khiêng? Cha tôi bảo: lưỡi bằng thép, cán bằng đá. Sau này gặp anh Quách Tạo (đã quá cố), anh ấy là rể một nhà Lê Công, họ hàng họ Lê bên ngoại, công tác ở Toà án nhân dân tối cao nhưng là một võ sư phái võ Tây Sơn, tôi kể lại câu chuyện về cây đại đao. Anh ấy tỏ ý hoài nghi: sức ông Lê Đại Cang như thế nào mà sử dụng cây đại đao nặng như thế? Tôi cũng lấy làm lạ về điều ấy. Nhưng cha tôi tận mắt chứng kiến ông nói không ngoa đâu. Anh ấy đoán: có lẽ đấy là cây đại đao của Nguyễn Huệ thời ông Lê Công Miễn làm thượng thư bộ hình để làm lêänh, khi ông Lê Công Miễn mất trở thành đồ thờ luôn chăng? Anh nói: lưu truyền trong nghề võ Tây Sơn cho biết Nguyễn Huệ sử dụng cây đại đao nặng 60 cân. Đúng, sai thế nào, chỉ xin ghi lại làm nghi vấn.

Thời xưa, không hiểu do nguyên nhân gì, ngày giỗ ông Lê Đại Cang thường có Tổng đốc tỉnh Bình Định đứng chánh tế (chủ trì).

Tôi có được đọc các bằng sắc các vua trung phong danh hiệu cho ông, chỉ có vua Thành Thái trung phong danh hiệu cao quý “Trung nghị đại phu”.

Thuở còn là học sinh, tôi được nhiều lần cùng cha mẹ về dự đám giỗ ông Lê Đại Cang, tôi thấy rất nhiều công văn giấy tờ in hình rồng đề chữ Miên (Campuchia). Tất cả, trong thời chống Pháp đều bị lấy làm giấy quấn thuốc lá vì giấy ấy khan hiếm. Các tập thơ, bộ Luật, cũng theo số phận ấy. Thật đáng tiếc!