Chẳng sợ Côn Lôn – Kịch bản Tuồng

26/10/2020

 

Phan Châu Trinh.

 

“Đất nước đắm chìm nòi giống lụy

Thân trai nào sợ chốn Côn Lôn”.

Phan Châu Trinh

 

 

NHÂN VẬT:

 

PHAN CHÂU TRINH

PHAN BỘI CHÂU

TRUNG – DÂN ĐẢO

PHỦ THỪA

HỒN TRẦN QUÝ CÁP

CÁC TÙ CÔN ĐẢO

NIÊN, CA NỮ

KHÂM SỨ

THỐNG ĐỐC

THƯƠNG THƯ BỘ LẠI

CÁC CAI NGỤC, LÍNH, LÝ TRƯỞNG ĐẢO

 

(Những bài thơ Đường luật trong tuồng này là của Phan Châu Trinh)

 

 

 

LỚP 1

Tại Hà Nội thời Pháp thuộc – Nhà trọ Phan Châu Trinh

 

PHAN CHÂU TRINH

Xướng

Dòng giống dân ta giống Lạc Hồng

Bản đồ Đông Á bản đồ chung

(Ấy vậy mà sao)

Nước người tự chủ, ta nô lệ?

Nông nỗi vì đâu? Ai biết không?

Nói (Ấy là vì) Dân ta chưa có kẻ anh hùng

(hay là vì) Giặc Pháp sẵn phép màu vô địch?

(Tôi nghĩ tôi giận quá, ngày xưa)

(phải chi) Tự Đức chẳng hủ nho quá sức

Hưởng ứng lời Minh Trị canh tân

(Thì có phải là bây giờ đây)

Ta sánh vai với Nhật hùng cường

Sửng sững giữa bản đồ châu Á (hay không?)

(Á mà thôi! chuyện cũ nhắc lại làm gì!

Hiện nay đây tôi cùng Phan Bội Châu)

Thấy đất nước chẳng yên tâm ngồi ngó

Quyết đứng lên góp sức nhỏ tay mình.

Cứu nước cứu dân cả hai thảy đồng tình

(nhưng mà khổ vì)

Đường cứu nước (thì) mỗi người đi một ngả

TIẾNG ĐẾ: Mỗi người một ngã như thế nào?

PHAN CHU TRINH: Ông Phan Bội Châu thì quyết

Cầu ngoại bang viện trợ

Cho khởi nghĩa vũ trang.

TIẾNG ĐẾ:  Còn ông thì sao?

PHAN CHU TRINH: (Còn tôi thì muốn)

Tìm mọi đường thức tỉnh quốc dân

Trước hết hãy xóa nền quân chủ

(tôi chủ trương)

Không bạo động, khỏi tốn hao xương máu

(mà cứ) Trong hòa bình đòi dân chủ dân quyền

Mấy năm nay tôi đã đi nói chuyện với quốc dân đồng bào bắt đầu từ quê tôi đến nhiều nơi trong nước được hưởng ứng khá rộng rãi…

Ông Phan Bội Châu thì sau khi tôi thuyết phục mãi không được, tôi đành để ông đi thử thách theo chí hướng của ông, đưa Cường Để sang Nhật cầu viện.  Ba anh em chúng tôi: Tôi, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng

Nắm tay cùng kết nghĩa đào viên

Quyết đeo đuổi con đường hòa dịu.

TIẾNG ĐẾ: Nhưng liệu có hòa dịu được không? Người Pháp đã giải tán Đông kinh nghĩa thục rồi đấy! Ông đã biết chưa và có toan liệu gì không?

PHAN CHÂU TRINH: Vâng

Tôi có biết và cũng đang toan liệu

Gió xoay chiều, buồm nên bỏ sao đây?

(Cảnh binh ra)

CẢNH BINH: Thưa ông, ông có phải là Phan Châu Trinh.

PHAN CHÂU TRINH:  Phải, tôi đây!

CẢNH BINH: Vậy thì phiền ông

Có giấy mời lập tức đi ngay

Quan Cảnh sát trưởng gặp ông có việc.

PHAN CHÂU TRINH: Được, tôi đi ngay đây

CẢNH BINH: Xin chào ông (vào)

PHAN CHÂU TRINH:

Cảnh sát trưởng gặp ta có việc?

Việc gì vậy hà? À mà thôi!

Việc chi rồi sẽ biết

Lòng không chút ngại ngần.

(Gọi vào trong) Chị ơi! Nếu đến chiều không thấy tôi về thì tức là tôi bị Cảnh sát bắt giữ đó nghe!

(Có tiếng “dạ” bên trong Phan bước ra)

Vì nước nhà đã nguyện dấn thân

Dù gian hiểm trăm lần chẳng tiếc.

Nam Xuân

Gian hiếm trăm lần chẳng tiếc

Lập chí rồi, đã quyết thì đi

Đường đời đâu có thẳng ngay

Con đường cứu nước chông gai càng nhiều

Gió hiu hiu ve kêu rộn rã

(Dẫu có chi chi đi nữa, tôi đây)

Nguyện không lùi khi đã tiến lên.

 

LỚP 2

Tại nhà lao Thừa Phủ Huế – Tiếng hò mái đẩy vọng xa xa…

 

(Phan Châu Trinh từ trong ra. Trên bàn một mâm cơm còn nguyên)

PHAN CHÂU TRINH: Vịnh

Lắng giọng hò ai bên bến sông

Sông Hương núi Ngự có đau lòng

Ủ ê non nước hoàng hôn xuống

Tiếng quạ chiều kêu phía cửa sông.

Nói – (Tôi đây) Ngâm cho khuây nhưng nghĩ ức vô cùng

Quan bảo hộ bắt người không chứng cứ.

Từ khi Cảnh sát trưởng Hà Nội mời tôi đến, rồi tống giam tôi, rồi giải vào xứ Huế này, không biết chúng định làm gì, chưa thấy chúng hỏi han gì cả, cho nên mấy ngày nay tôi đây

Quyết tuyệt thực tỏ lòng phản đối

(Lính canh ra, châm đèn cây)

LÍNH CANH: (Nhìn thấy mâm cơm còn nguyên)

Kìa, ông! ông ăn cơm đi chứ! Đã ba ngày nay ông không ăn rồi, ông định nhịn mãi sao?

PHAN CHÂU TRINH: Tôi còn nhịn mãi

LÍNH CANH : Nhưng nhịn đến bao giờ?

PHAN CHÂU TRINH:

Đến bao giờ được rõ nguyên nhân

Vì sao bị bắt giam vô cớ

(Nếu không thì tôi đây) Quyết chết khô một xó cho hả dạ quan trên

LÍNH CANH: Vậy ông không biết đói sao?

PHAN CHÂU TRINH: Đói chớ !

LÍNH CANH: Đói thì ông ăn đi

PHAN CHÂU TRINH: Nhưng tôi có đói cơm mô mà ăn!

LÍNH CANH: Không đói cơm thì ông đói cái gì? Đói rượu à? Đưa tiền tôi mua cho.

PHAN CHÂU TRINH: Chú lính canh ơi! tôi đây

Không đói cơm mà đói khát dân quyền

Không thèm rượu mà thèm bầu non nước (thôi)

LÍNH CANH: À, tưởng gì chứ bầu nước thì dễ thôi

Tôi đi lấy ngay đây! (vào)

PHAN CHÂU TRINH:

Nhìn chú lính chạy đi lấy nước

(Tôi đây) dạ xốn xang lỡ khóc lỡ cười

Khó thốt nên lời

Vỗ bàn mà hát (đây)

Giá ban thán – (Ai ta hà!)

Chính sách ngu dân thường thế ấy

Quốc hồn gọi tỉnh biết bao lâu

Nghĩ thấm thía mở miệng cười rơi lệ

Lòng tái tê nghe tiếng đổ quyên kêu.

(Lính canh ra)

LÍNH CANH: Đây. Bầu nước cho ông đây!

PHAN CHÂU TRINH: Cảm ơn chú! Thôi chú làm ơn dọn giùm mâm cơm và cho tôi mượn bàn cờ.

(Lính mang cơm vào, mang bàn cờ tướng ra)

PHAN CHÂU TRINH: Được rồi, chú cứ để đấy cho tôi, chú đi nghỉ đi.

LÍNH CANH: Nghỉ sao được hở ông, phải đi sơn suốt cả phiên mình canh chứ, thôi, ông cứ chơi cờ.

(Lính vào. Phan Châu Trinh một mình bày cờ ra

Ngâm

Một ông tướng lác đứng trong cung

Sĩ tượng khoanh tay chẳng vẫy vùng

Pháo dở hai cây nằm dưới góc

Tốt đau năm chú đứng bên sông.

(Hãy xem đây!) Lờ khờ cặp ngựa đi tam cố

Lạc xạc đôi xe chạy tứ tung.

Đương cuộc ai xuôi mê đến thế?

Họa là tiên xuống giúp cho cùng.

(Bỗng từ trong vọng ra tiếng trống kèn hát bội. Phan Châu Trinh lắng nghe…)

PHAN CHÂU TRINH: Ủa! lại trống kèn hát bội!

Trống kèn hát bội của quan lớn nào đây?

Đào Tấn bí mật cộng tác với Thành Thái bị Pháp dò biết bảo Nguyễn Thân bày chuyện vu khống ép phải hồi hưu rồi, kèn trống hát bội chê trách hôn quân nịnh thần đâu còn nữa!

À, chắc kèn trống của dinh quan Thượng thư bộ Lại Nguyễn Thân! Hảo thi hứng (Ta lấy nước làm rượu đây!).

Ngâm Đồng la trống chiến đánh vang vầy

Ủa ũa, coi ra cũng lũ này

Ba chú kép già ngồi vếch mỏ

Mấy thằng hiệu đói đứng khoanh tay

Áo quần lượt thượt tuồng ăn khách

Dùi gậy nghênh ngang tưởng chú Tây

Ráng kiếm ít đồng rồi rượu thịt

Hết còn nhờ chủ, biết chi đây!

(Chuyển cảnh)

 

 

LỚP 3

Phiên tòa tại cơ mật Viện Khâm sứ, Thượng thư, Phủ Thừa ngồi ngang hàng

 

THUỢNG THƯ:

Cơ mật viện đại thần

Tôi Thượng thư hình bộ

(Hôm nay) Họp liên tịch Nam triều, Bảo hộ,

(xử việc) Phan Châu Trinh xúi giục chống xâu

Lính!

Đưa Phan Châu Trinh ra đây!

(Lính vào và cùng Phan Châu Trinh ra)

THƯỢNG THƯ: Ông Phan Châu Trinh, mời ông ngồi

(Phan Châu Trinh không ngồi)

PHAN CHÂU TRINH: Tôi xin hỏi các ngài, cớ làm sao

Bắt cóc người vô cớ

(vậy chớ) Luật pháp để nơi đâu – hè!

KHÂM SỨ: Coi kìa Phan Châu Trinh, sao ông dám bảo là bắt cóc hả?

PHAN CHÂU TRINH: Thì Cảnh sát truởng Hà Nội cho mời tôi đến gặp rồi bắt giữ đưa vào đây

Lệnh tống giam chẳng thấy chữ nào

(Vậy không) gọi bắt cóc (thì) gọi chi cho xứng (hở ngài?)

THƯỢNG THƯ: Ông nghe cáo trạng đây! như ông là

Xúi dục dân nổi loạn

Đòi chống thuế chống xâu

(Ông lại) kết liên cùng bè đảng Đông du

Xin vũ khi mang về khởi nghĩa!

PHAN CHÂU TRINH: (cười lớn)  hả hả hả hả…

Tôi mà liên kết Đông du à? Các ngài thấy danh sách ở đây vậy? Còn việc xúi dục dân chống thuế, chống xâu ư? Tôi chẳng bao giờ làm việc ấy cả! Tôi viết báo cũng nhiều, tôi diễn thuyết cũng lắm, nhưng tôi chỉ kêu gọi dân phải đi học

Học cho biết chuyện Âu chuyện Mỹ

Học cho thông cách vật trí tri

Con trai thì phải

Đi cho biết đó biết đây

(và) Học lấy một nghề tự lập

Còn con gái thì

Chớ lẩn quẩn trong phòng khuê chật hẹp

Hãy đua nhau cắp sách đến trường

(phải) Phấn đấu cho nam nữ bình quyền

Chung gánh vác việc nhà việc nước

Các ngài nghe đấy! Có câu nào

Kêu gọi chống xâu chống thuế đâu?

Còn việc dân xin xâu xin thuế là vì…

THƯỢNG THƯ: Vì sao hở?

PHAN CHÂU TRINH : Các ngài nghe tôi nói đây!

Phú  Ngựa cưỡi xe đi.

(Ngựa các ngài cưỡi, xe hơi các ngài đi, có phải là)

No cỏ ngựa mới phi, xăng đầy xe mới chạy?

(Còn như các ngài là)

Lệnh quan, chân lính

(Các ngài có biết nhờ đâu mà các ngài ngồi được ở đó, các chú lính đứng được ngoài kia không?)

THỪA PHỦ: Nhờ đâu?

PHAN CHÂU TRINH:

Nhờ các ngài thì bổng lộc ngập đầu

Lính mới có lương ăn khỏi đói

Hát tiếp  Quan nhờ bổng lộc, lính nhờ lương.

THƯỢNG THƯ: (sốt ruột) Ông hãy nói ngay vào việc xúi dục dân chống thuế chống xâu đi!

PHAN CHÂU TRINH: Đây, tôi nói ngay đây!

Nói lối Đưa đẩy dân xin thuế xin xâu

Lỗi ấy ở các nhà cai trị.

(Khâm sứ, Thượng thư, Thừa phủ đứng vụt dậy)

PHAN CHÂU TRINH: Các ngài hãy bình tĩnh! Tôi đang ở trong tay các ngài mà! Tôi xin hỏi:

“Quan vi dân chi phụ mẫu” phải không?

THỪA PHỦ: Chuyện đó không cần ngài phải dạy!

PHAN CHÂU TRINH: Các ngài làm cha mẹ dân như thế nào, các ngài biết không?

Khách Chễm chệ ghế cao ngồi hưởng lộc

(Còn dân, con các ngài là)

Đói nghèo khổ cực chốn bùn lầy

Lương tháng các ngài mỗi ông bốn, năm trăm, có ít cũng vài ba trăm, trong khi dân đổ mồ hôi sôi nước mắt mỗi tháng chưa được mười đồng. Tục đời nói: “Đói đầu gối phải bò”, cho nên họ đói quá phải xin xâu xin thuế. Lẽ ra các ngài làm cha mẹ dân thì phải lo cho họ có công ăn việc làm, các ngài đã không lo, lại lo tăng xâu tăng thuế, bức bách dân quá đáng, con đói thì nó khóc, dân đói thì họ kêu, kêu nhỏ các ngài không nghe, họ phải họp nhau lại để cho đông, tay vỗ bộp cho thấu tai các ngài, các ngài lại đổ cho tội làm loạn, họ xin các ngài gọi là chống, các ngài đẩy dân đến chỗ không lùi được. Dân phải xông lên kêu cứu thôi!

(Thế mà các ngài) Lỗi mình có tránh – đổ tội cho người (mà xong sao?)

KHÂM SỨ :Lính! Đưa ông Phan trở lại nhà lao.

(Lính đưa Phan Châu Trinh vào)

KHÂM SỨ: Các quan!

Lão này quả một tay hùng biện

Tưởng rằng ta tố hắn

(nào ngờ đâu) Hắn sừng sững tố ta

Phải nghị án lão cho thật nặng

THỪA PHỦ: Thưa ngài, xin thuế xin xâu dù sao cũng chỉ là yêu cầu kinh tế, đâu phải chính trị?

KHÂM SỨ: Đấy là phong trào chính trị. Núp bóng kinh tế. Công sứ Sông Cầu Bờ – Lanh – Vin đã báo cáo rõ rằng:

Nếu thực dạ yêu cầu kinh tế (thì chỉ có) đám nông dân tay lấm chân bùn Đằng này thì cả nhân sĩ, điền chủ, chánh, phó tổng, có khi cả tri phủ, tri huyện cũng ký tên hoặc tham dự biểu tình, như vậy là

Quả phong trào chính trị rõ ràng (cho nên)

Phải xử nặng những tên đầu sỏ

Phủ toàn quyền đã chỉ thị

Nghị án chẳng cần chứng cớ

Thẳng tay dập tắt phong trào!

THƯỢNG THƯ:  Bẩm ngài Khâm sứ, nghị án như thế nào ạ?

KHÂM SỨ : Nghị án như thế này

Xúi dục chống xâu chống thuế

Tuyên truyền phá cũi phá lồng

Phổ biến thơ ca gọi quốc túy, quốc hồn

Thông đồng với Phan Bội Châu đông du phản quốc

PHỦ THỪA: Thưa, ông ta có đồng tình với Phan Bội Châu đâu ạ?

KHÂM SỨ : Thì họ cùng một duộc cả thôi

Cùng đáng tội xét nên trảm quyết

PHỦ THỪA :Thưa xử nặng như vậy sợ đức vua không ký đâu

KHÂM SỨ: Vua không ký thì cứ trình lên toàn quyền

Cứ ghi như thế cho ta và tất cả các ông cùng ký vào

(Tất cả ký)

THƯỢNG THƯ: Phiên cơ mật viện họp xử đã xong

(Thượng thư, Khâm sứ vào. Còn lại một mình Phủ thừa)

PHỦ THỪA :(Chao ôi)

Khâm sứ nghênh ngang quá sức

Thượng thư nhu nhược khó ngờ

Hiện nay dư luận giới quan lại đang thầm phân biệt ra hai phái: phái các quan “bầy tôi”, bầy tôi tức là bồi tây ấy mà và phái các quan không phải bầy tôi. Thái độ quan Thượng thư như thế thì đã đáng mặt bầy tôi. Còn tôi, Phủ thừa đây, tôi là ai? Tôi định là ai?

Phủ thừa nguyện chẳng thua kẻ ác

(Khổ thay cho tôi)

Lòng không ưa giặc Pháp

(nhưng mà) Miệng phải dạ quan Tây

Lại còn phải dạ với các quan bầy tôi cấp trên của ta nữa chứ, có lẽ nào mai kia, nếu rủi ro

Bản án được Vua phê

Rồi theo cái thông lệ dùi đánh dục đục đánh săng chính tay tôi phải xuống lệnh cho Đao phủ?

Không! không! nhứt thiết không! tôi không thể để mình dính líu vào tội ác ấy!… Nhưng tôi phải làm gì đây?

(Suy nghĩ, đi qua đi lại…)

(À phải rồi, tôi có cách rồi, tôi phải)

Đến ngay quan Phụ chính Cao Xuân Dục

(Báo cáo đầu đuôi rồi xin với quan)

Tâu xin vua kiên quyết không phê

(Chắc chắc đức vua không phê đâu!)

(Bước đi rồi chợt dừng lại)

À mà, cửa Vua thì chắc hy vọng được, còn cửa toàn quyền tít ngoài Hà Nội, tôi làm sao? (Ngồi phịch xuống ghế bóp trán)

Thôi! cứ đến quan Phụ chính chắc cụ sẽ có cách

Bước trước phải lo mau

Bước sau rồi liệu tiếp.

Nam chạy

Nước trước phải lo cho kịp

Không để mình lây kiếp bầy tôi

Muốn cho sạch tiếng với đời

Phải lo mưu chước giúp người thẳng ngay

Rảo bước đi, phải đi, đi gấp

Tròn phận mình cùng nước cùng dân.

(Chạy vào. Chuyển cảnh)

 

 

LỚP 4

Nhà lao Thừa phủ

Về đêm sân khấu vắng – văng vẳng lời hò chèo thuyền Quảng Nam.

Bên ni sông Hàn nước xanh như tàu lá

Bên tê sông Hàn phố xá nghênh ngang

Từ ngày Tây lại sứ sang

Đào sông Cu nhí, bòn vàng Bông Miêu

Dặn lòng ai phỉnh đừng xiêu

Gắng nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau.

(Phan Châu Trinh từ trong lững thững ra)

PHAN CHÂU TRINH : Ủa hay cho tôi chưa tê

Nhìn sông Hương (tôi) cứ ngỡ sông Hàn

Nghe hò Huế (tôi lại) nhớ câu hò xứ Quảng.

LÍNH CANH (ra ) Thưa ông, có người vô thăm ông

(Một trung niên tay cầm đàn nguyệt và một cô gái áo tím ra)

TRUNG NIÊN: Thưa thầy, con xin chào thầy!

PHAN CHÂU TRINH: Chứ ai vậy? Đêm không trăng nhìn không rõ.

TRUNG NIÊN: Thưa thầy, con là Niên, học trò cũ của thầy – Nghe tin thầy ở đây, con vội đến thăm.

PHAN CHÂU TRINH: À, chú Niên đấy à? Còn ai đây nữa?

NIÊN: Thưa thầy, đó là cô ca sĩ quen thân. Con mời đến ca cho khuây khỏa.

PHAN CHÂU TRINH:  Chú không sợ thăm tôi sẽ liên lụy sao?

NIÊN: Thưa thầy

Tỉnh quốc hồn ca của thầy con vẫn thuộc

Vì nghĩa quên mình mới đáng mặt nam nhi

Giữa chợ đời còn kiến nghĩa bất vi

(Huống chi) Đạo sư đệ con sợ gì liên lụy

PHAN CHÂU TRINH: Chú có còn làm ở Bộ Công không?

NIÊN: Thưa còn ạ – Nhưng bắt chước thầy hồi làm thư biện Bộ lễ mà chỉ đi câu, con làm thư lại Bộ Công chỉ lo đàn hát

PHAN CHÂU TRINH: Thời thế này mà chú còn say mê hát xướng sao?

NIÊN: Thưa không, mà con đem hát xướng phổ cập ý chí của thầy.

PHAN CHÂU TRINH: Sao? Đem hát xướng phổ cập ý chí của tôi?

Chú làm thế nào?

NIÊN: Thưa thầy, con soạn lời ca mới.

PHAN CHÂU TRINH: Soạn lời ca mới à? Hay đấy

NIÊN: Xin thầy nghe thử một bài

PHAN CHÂU TRINH: Bài chi?

CÔ THƠM: Thưa Lưu Thủy

(Phan Châu Trinh so dây, đánh Lưu Thủy)

Đời gặp đời cạnh tranh

Khuyên ai người tuổi tác xuân xanh

Đua nhau đi sớm học trưa hành

Chăm mà học cho đặng tấn tới

Tới con đường tới đường văn minh

Sĩ nông công cố bách công

Học thông học cho biết

Biết, biết khôn

Biết cơ xảo tinh thông mọi nghề

Học mà văn luyện võ hay

Sao nước mạnh sao cho dân giàu

Về sau vẻ vang hoàn cầu

Kìa non nước gấm vóc thêm mầu

Thân nam tử như thử mới hay

Trọn nghĩa vụ làm trai

Sánh trên đời anh tài mấy mặt.

PHAN CHÂU TRINH: Hay, thật là hay !

NIÊN: Xin thầy đờn tiếp Bình bán.

(Phan đàn tiếp)

THƠM: Ca

Con này con lắng tai

Nghe lời mẹ căn dặn một hai

Dặn cùng con chớ ham chơi bời

Nợ làm trai trung hiếu hai vai

Chăm lo đèn sách hôm mai

Ngõ mai đây giúp nhà giúp nước

Học cho biết cương thường luân lý

Học cho đặng cách vật trí tri

Rộng suy công thương trăm nghề

Người mắt tai nên rộng thấy nghe

Bốn phương là chí nam nhi

Đạo nhà ta giữ nếp ông cha

Tài ba thông minh giống nhà
Nhớ ngày Tổ tông oanh liệt

Tay hào kiệt anh hùng biết mấy

Lê Lợi Lý Bôn Hưng Đạo Trưng Vương

Việt Nam – người Việt Nam

Vốn con nhà dòi dõi Rồng Tiên

Nghiệp bút nghiên truyền thống tổ tiên

Con nay con nay kế truyền

Mẹ khuyên con cố công rèn luyện

Có công mài sắt ắt có ngày nên kim

NIÊN : Thưa thầy có gì sai không ạ?

PHAN CHÂU TRINH: Chẳng có gì sai cả, thật ta không ngờ

À, chú chép hai bài ấy cho ta đi

NIÊN: Thưa thầy, con đã chép sẵn rồi đây

LÍNH CANH:Thưa thầy đã hết giờ thăm

NIÊN: Thưa thầy con về, thầy cố giữ sức khoẻ

PHAN CHÂU TRINH: Cảm ơn chú đã cho ta một khắc lý thú trong nhà tù.

NIÊN: Con xin gửi lại thầy cây đờn để giải khuây.

PHAN CHÂU TRINH: Rất cảm ơn chú

À, quên chú có biết Tất Thành chứ?

NIÊN : Dạ con học cùng thầy Miến với chú ấy. Con lớn hơn Tất Thành 3 tuổi. Chú ấy rời Huế rồi

PHAN CHÂU TRINH: Sao vậy?

NIÊN: Dạ, do vụ dân xin xâu năm trước, chú ấy tự nguyện làm phiên dịch cho dân với người Pháp, biết họ theo dõi, anh em khuyên chú lánh đi

PHAN CHÂU TRINH: R vậy à! Còn việc này, nhờ chú liên lạc gấp với anh Huỳnh Thúc Kháng để anh ấy báo tin với Hội nhân quyền.

NIÊN : Dạ (Niên và Thơm  chào vào. Phan Châu Trinh một mình)

PHAN CHÂU TRINH: Hay thật (ta đây)

Thân trong tù mà chí ở muôn phương

(hỡi lũ giặc) Giam thân ta, giam chí ta sao được?

Tất Thành rời Huế rồi à! Đó là một thiếu niên thông minh, chí khí, trẻ tuổi như vậy mà cậu ta đã biết đồng tình con đường nâng cao dân trí, đòi dân quyền của ta, không tán thành con đường cầu viện ngoại bang của Phan Bội Châu… Tất Thành rời Huế đi đâu?

Cũng vì mang một khói quốc hồn

Nên mỗi kẻ một phương phiêu bạt

Ta thấy Tất Thành là tương lai của đất nước

(Có tiếng cuốc kêu vọng tới)

Chim đố quyên lại làm nhiệm vụ của nó rồi. Xưa nay bọn cai trị cầm tù các nhà ái quốc, nhưng giam cầm được tiếng gọi hồn nước của đỗ quyên đâu Hòa giọng quyên quốc quốc

(ta) Bấm cung đàn tình tang (đây)

(So dây, đánh mấy câu đầu bỏ Lưu Thủy, nhìn trên giấy thử ca theo… Bỗng gió thổi vào bay một tờ giấy…)

PHAN CHÂU TRINH: Ủa, tờ giấy gì thế này?

(Cầm lên nhìn không đọc được, bèn đánh diêm soi)

Hóa ra chú Niên giả cách vào đây hát để ngầm trao cho ta tin tức này

Khâm sứ ép cơ mật

Nghị án trảm quyết ta

Phủ thừa nhờ Phụ chính liệu lo

Xin Vua chẳng châu phê bản án.

Quan Phụ chính là một người tốt: tư tưởng chống Pháp của Duy Tân là do ông ấy tu dưỡng… Có thể Vua không châu phê… nhưng vua nào có quyền gì. Chưa cần chứ khi cần Khâm sứ Pháp có thể bỏ tù cả vua… ta chẳng hy vọng vào đó làm gì. Ta đây

Đã dấn thân vào cuộc

Đâu tính chuyện mất còn (Dẫu có sao đi nữa thì)

Ta thác rồi ý vấn tỏa muôn phương

(và) Nghiệp non nước sẽ bao người nối tiếp

Ngâm

Ngoảnh lại đời người một chữ không

Nước non cạn lệ khóc anh hùng

Máu dân dưới ách cường quyền chảy

Nào tiếc gì ta một tấm thân

(Ngồi xếp bằng, nhập thiền… Đèn sân khấu mờ đi một lúc…

Tiếng chuông sáng của nhà thờ vọng ra, đèn sân khấu sáng lên.

Hai lính cảnh binh có súng trường đi rầm rập ra)

CẢNH BINH A: Ông Phan Châu Trinh

PHAN CHÂU TRINH: Có tôi

CẢNH BINH B: (Đến xích tay Phan Châu Trinh lại) Đi theo chúng tôi

PHAN CHÂU TRINH: Có phải bịt mắt không?

CẢNH BINH A: Không

(2 cảnh binh và Phan Châu Trinh đi một vòng sân khấu…)

PHAN CHÂU TRINH: Sao không ra cửa Bắc?

CẢNH BINH B: Ông được hoãn án chém, đầy đi Côn Lôn.

PHAN CHÂU TRINH :Vậy à

Ngâm

Chân xiềng tay xích biệt thành môn

Khẳng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn

Đất nước đắm chìm nòi giống lụy

Thân trai nào sợ chốn Côn Lôn.

(Cả ba vào)

 

 

LỚP 5

Tại Côn Lôn

 

TIẾNG HÒ GIỰT CHÌ:

Anh em ơi!

Hừng đông đã ló dạng

Ta đánh mẻ cuối cùng

Rồi đi chợ bán luôn

Kẻo chợ trưa ế cá – nghe!

Hò hỡi! Giàn nậu vô! Hò hố hò lơ!

Dù cho sống cả – hồ lơ hò lơ

Không ngã tay chèo – hồ lơ hò lơ

Kéo thêm một mẻ – hồ lơ hò lơ

Đỡ nghèo một khi – hồ lơ hò lơ

hồ lơ hò lơ – rị hố rị rị hố rị…

PHAN CHÂU TRINH: (Cầm cần câu ra)

Ngâm

Bể dâu đời đổi mấy thu đông

Cụm núi Côn Lôn đứng vững trồng

Bốn mặt dày vò oai sóng gió

Một mình che chở tội non sông

Cỏ hoa đất nảy cây trăm thức

Tôm cá trời riêng biển một vùng

Nước biếc non xanh thiêng chẳng nhẽ

Gian nan xin hộ bước anh hùng.

Nói  Tôi ra đảo ngồi nhà giam được một tuần thì có lệnh ân xá cho ra ngoài, sinh sống dưới sự quản thúc của Lý trưởng. Ở nhà giam, mất tự do, nhưng có cơm mắm ăn, ra ngoài tự do, nhưng lại phải tự kiếm sống. Khổ cho cái tật của tôi chỉ thích tự lập không muốn nhờ vả, nên chi tôi hãy tạm làm nghề câu cá nuôi thân

Thời Bộ lễ đi câu tiêu khiển

Nay Côn Lôn câu cá sinh nhai

No đói bỡi mình, không phải lụy ai

Thân tù tội như người đi ngắm cảnh.

Nam Xuân Ngắm cảnh một vùng non nước

Đất trời dành luyện bước kiên trung

Tán  Gió thông reo trước bãi

Tiếng chim hát trong rừng

(và ngoài kia) Sóng vỗ vào gộp đá

Trắng xóa bọt nước tung

Tôi nghĩ câu tuồng của Đào Tấn thật hay

Lao xao sóng vỗ ngọn tùng

Gian nan là nợ anh hùng phải vay

À, đã tới gành rồi đây

Gắng trở xoay một tay kinh tế

Luyện chí chờ những thế cờ sau

(Vào rồi ra)

Gộp đá Lữ vọng hằng ngày của tôi đây rồi!

(Hay thật!) Gộp đá như tấm phảng

Giành cho khách đi câu

Thật không ngờ có ngày nay tôi lại làm  anh kép câu Thủy Định

Minh trong tuồng cổ. Mà cũng hay! thôi thì

Tạm quên thân tù

Đóng vai anh kép

Vịnh Hay a

Mồi thao lược chỉ kinh luân

Sớm hôm cá nướng với rau tần

(Tôi đây) Bôn ba khắp xứ bao năm tháng

(Có lẽ nào) Rốt cuộc nơi này trói bước chân?

Ủa mà sao mãi cá không ăn đề! Cá ơi!

(Ngược đời thật) Mồi phú quý miệng ta không cắn

(Ấy vậy mà) Mồi tôm cua (ta lại) mong cá cắn câu.

Oái ăm thay thế sự cơ cầu

Đau đớn nhẽ nước nhà còn mất

(Ngừng, nhìn ra biển xa)

Không hiểu Phan Bội Châu đã hay tin tôi bị bắt chưa? Tôi còn nhớ như in chuyến gặp ông ở Trung Quốc rồi cùng ông sang Nhật.

(Cảnh phục hiện diễn ra trong vòng sáng ảo đăng – sân khấu vắng – Phan Bội Châu – Phan Chu Trinh cùng ra – cởi bỏ áo ngoài)

PHAN BỘI CHÂU: Sao? Ông thấy sao?

PHAN CHÂU TRINH: Dân trí, dân sinh của Nhật họ tân tiến như vậy, họ giữ được độc lập tự chủ, họ thắng được quân Nga Hoàng là phải. Dân trí, dân sinh nước Nam ta bì họ sao được!

PHAN BỘI CHÂU: Nga Hoàng đâu đã mạnh bằng Thành Cát Tư Hãn. Vậy, dân trí dân sinh ta thời Trần như thế nào mà ta đã đánh thắng đế quốc Mông Nguyên, giúp cho cả Trung Quốc và Châu Á tự giải phóng?

PHAN CHÂU TRINH: Chắc ông hỏi để tôi chơi đấy thôi, chứ ông có lạ chi.

Phú  Thuở ấy thuở xa xưa

Nhà Trần lấy Phật giáo làm quốc giáo, rồi từ tư tưởng Phật mà lấy nhân dân làm quốc sách – người bề trên biết nêu gương tốt cho kẻ dưới, chắc ông không quên lời hịch của Hưng Đạo Vương: Đại phàm quân đội cần lao, tướng phải đem mình làm gương trước; khi nắng tướng không được giương dù, khi rét tướng không mặc áo kép; giếng quân đào xong tướng phải uống sau, cơm quân nấu xong, tướng phải ăn sau… cho nên

Hát tiếp  Cả nước dưới trên cùng một dạ

Còn như hiện nay đây

Triều ca đà ruỗng mục

Nguyễn Ánh rước Pháp vào giúp đánh thắng Tây Sơn, nhà Nguyễn vay mượn luật nhà Thanh đối sữa luật Hồng Đức, cấm dân bàn việc nước, giết ba họ công thần, tôn vua lên thánh nhân, coi dân như cỏ rác, quan lại thì ăn cỗ đi trước lội nước theo sau. Tự Đức thì việc thi phú mê say, chuyện Á Âu dốt nát, đã làm ngơ lời Minh Trị kêu gọi canh tân, hèn chi

Đất nước trong hủ lậu mê chìm

PHAN BỘI CHÂU: Lời ông phán chí phải!

Nhưng tôi xin hỏi ông, nếu lúc ấy Tự Đức hưởng ứng lời Minh Trị Thiên hoàng, nghe lời của Nguyễn Trường Tộ ra chủ trương canh tân đất nước thì liệu người Pháp có để yên cho làm không?

PHAN CHÂU TRINH: Sao lại không?… Mà có thể họ có làm khó dễ đôi chút…

PHAN BỘI CHÂU:Tôi cho là không

PHAN CHÂU TRINH: Tại sao?

PHAN BỘI CHÂU: Ông đã dư biết, còn giả bộ làm gì?

PHAN CHÂU TRINH: Có phải ông cho Vua chỉ là bù nhìn

Vì người Pháp đã xếp nước ta vào diện thuộc địa khai hóa.

PHAN BỘI CHÂU: Nói nôm na là bòn rút! Miệng họ nói khai hóa nhưng họ ra sức bòn rút, muốn bòn rút cho tốt họ phải thi hành chính sách ngu dân, họ không ngồi yên ngắm nhìn chúng ta canh tân…

PHAN CHÂU TRINH: Nhưng miệng họ vẫn phải nói khai hóa, cho nên tôi đã dựa vào đấy mà đòi họ cho mở trường học, đã có những thành công

PHAN BỘI CHÂU: Thế họ vui vẻ để ông hoạt động chớ?

PHAN CHÂU TRINH: Vui vẻ thế nào được! Họ cắn răng đồng ý đó thôi!

PHAN BỘI CHÂU: Vậy có chắc rằng công việc của ông sẽ đầu xuôi đuôi lọt chứ?

PHAN CHÂU TRINH: Chắc thế nào được! Còn ông, ông có chắc nước Nhật sẽ viện trợ không?

PHAN BỘI CHÂU: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên mà, cũng như ông vậy!

PHAN CHÂU TRINH: Vậy là tôi với ông

Cứu nước cùng chung chí nguyện

(chỉ có) Đường đi, phương tiện khác nhau.

PHAN BỘI CHÂU: Mỗi bên đều có nhược, có ưu. Ông về nước cứ hoạt động theo cách của ông

PHAN CHÂU TRINH: Ông ở đây cũng cứ hoạt động theo hướng của ông.

Cả nước đang ngủ mê, tiếng thở như sấm mà chỉ đứng ngoài muôn dặm kêu gào hò hét, có được công hiệu bao nhiêu, tất phải ở bên trong gõ trán xách tai người ta mà đánh thức dậy, thì họa chăng lòng người ta mới không đến nỗi chết hết. Nay tôi về trong nước đóng vai Mã-chi-ni, còn ông ở ngoài làm Gia-li-ba-đích, chia hai đường mà đều đi tới, chúng ta lấy cái chết thề cùng nhau có thủy có chung.

PHAN BỘI CHÂU: Ông Thắng cũng là tôi thắng.

PHAN CHÂU TRINH : Ông thắng cũng là tôi thắng

(Hết cảnh phục hiện. Trở lại cảnh Phan Châu Trinh trên gành đá)

PHAN CHÂU TRINH: Không hiểu Phan Bội Châu đã hay tin tôi bị kết án “Trảm giam hậu, lưu đày biệt xứ” chưa? Nếu biết, liệu ông ta có cười rằng tôi chủ quan không? Mà không biết các bạn Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng lâu nay hoạt động ra sao?

(Bỗng có tiếng hát từ trong vọng ra, rồi một trung niên chân nam đá chân xiêu ra, vừa ra vừa hát)

Bài Lu xu

Lố xố tốt tươi lạ thường

Nội trong tam quốc đó ai có tài bằng

Ông Khổng Minh – đồ chim, trộm rắn, cái nồi dùng binh

Dưới sông Vị thủy có cái con cà kình

Mặc dù vùng mặc dầu vẫy

Nào ông Lã Vọng đi đâu

Để cho ngư phủ ngồi câu thạch bàn

Tang tích tang lòng đang thương nhớ

Tang tích tang là nỗi nhớ thương

Cái này là cái áo trắng

Biết ngày nào họp với áo thâm

Nỗi âm dương như dao cắt

Tùng bơn cốc, rốc cốc xỏa…

(Người trung niên vừa hát vừa chỉ Phan và đi dần đến… ngã xuống bãi gần chỗ Phan Châu Trinh. Phan Châu Trinh từ khi nghe tiếng hát vọng ra đã chú ý theo dõi chàng trung niên, khi thấy anh ta ngã, ông vội chạy đến)

PHAN CHÂU TRINH:  Ồ! anh chàng này say quá rồi! (Ông ra lấy nước biến vào nấp mặt trung niên, chàng dần dần tỉnh và  đứng vụt dậy vẻ sợ sệt)

TRUNG NIÊN: Dạ, thưa quan nghè.

PHAN CHÂU TRINH: (Ngạc nhiên) Ai bảo chú gọi tôi bằng quan nghè?

TRUNG NIÊN: Dạ, thầy Lý ạ! Thưa con tên là Trung

PHAN CHÂU TRINH: (Nói riêng) Thầy Lý? Có phải Lý trưởng cho hắn theo dõi ta không? (Với Trung) Nghè nghiễu gì, tôi là tù, cứ gọi tôi là Phan

TRUNG: Mấy năm xưa cũng có 1 quan nghè ra ở tù và mất ở đây…

PHAN CHÂU TRINH: Ông ấy tên gì, chú biết không?

TRUNG: Dạ, quan nghè Huân

PHAN CHÂU TRINH: À! Thủ Khoa Huân! Thủ Khoa Huân!

(Bình tĩnh lại) Mộ ông ấy ở đâu?

TRUNG: Thưa chỗ rừng thông kia

PHAN CHÂU TRINH: Chú dẫn giùm tôi đến đấy

TRUNG: Dạ quan nghè, À dạ thầy Phan theo tôi

Đây, mộ quan nghè Huân đây

PHAN CHÂU TRINH : Gần đây có ai bán nhang không?

TRUNG: Để con vào nhà lấy

PHAN CHÂU TRINH: Ông Thủ Khoa Huân ơi! Ông có biết không?

Ông là tổ của tù Côn Đảo

Ông đã nêu khí phách anh hào

Tôi Phan Châu Trinh, người nối gót ông

Trước mộ ông xin nguyện cúi đầu

Khóc ông mấy vần thơ thô thiển (đây!)

Ngâm

Hăng hái thề bồi quyết bấy lâu

Liều mình vì nước trả thù sâu

Gan liền Trương tướng bia còn mãi

Chính khí Văn Sơn sách để sau

Thế nước ngàn cân treo sợi tóc

Tài trai một thác chẳng nghiêng đầu

Mỹ Tho mấy dặm dồn con sóng

Trăng dõi quanh thuyền nghĩ chạnh đau!

(Trung cầm nhang ra)

TRUNG: Thưa thầy nhang đây

PHAN CHÂU TRINH: Cảm ơn chú

(Phan thắp nhang, vái) Thôi, tôi phải ra lại gành kiếm vài con cá, từ sáng tới giờ chưa được con nào.

TRUNG: Bữa nay cá đâu mà thầy câu?

PHAN CHÂU TRINH: Sao vậy chú?

TRUNG: Hết con nước rồi!

PHAN CHÂU TRINH: (Ngơ ngác) Con nước gì?

TRUNG: Nước Thủy triều ấy mà! Thầy không phải dân biển nên không biết. Lệ thường trăng lên triều lên thì cá tụ, trăng xuống triều xuống thì cá tan, bữa nay mười bảy sảy giường chiếu rồi!

PHAN CHÂU TRINH: Vậy là từ nay đến cuối tháng hoàn toàn không có cá sao?

TRUNG: Dạ, cũng có, nhưng ít lắm, muốn câu được năm ba con thì phải làm mồi cho khéo, không phải chỉ mồi móc vô lưỡi câu mà mồi rãi xuống nước nữa, thầy à!

PHAN CHÂU TRINH: Hóa ra tôi đây

Kinh sử thơ văn lầu thuộc

(nhưng) Trí tri cách vật (lại) lu mờ

(với Trung) Té ra tôi đốt hơn các chú nhiều quá.

TRUNG: Úy trời ! thầy nói vậy tụi con mang tội chết

PHAN CHÂU TRINH: Tôi nói thật đấy mà, lâu nay tôi chỉ câu cá sông, chưa thạo câu cá biển. Hôm nào sẽ nhờ chú dạy tôi cách làm mồi

TRUNG: Nhưng nước xuống mà câu được cá thì ra chợ lại bán được giá thầy ạ!

PHAN CHÂU TRINH: Vậy à, hèn gì lâu nay tôi thường nghe người nhà đi chợ mua ăn kêu tối trời cá đắt… Vậy, bà con thợ câu ở đây khi con nước xuống thì họ làm gì?

TRUNG: Cũng có người cứ rán câu, nhưng phần nhiều thì đổi tạm nghề khác…

PHAN CHÂU TRINH: Nghề gì?

TRUNG: Làm thuê làm mướn cho người ta như đập đá, đập xơ dừa, mài đồi mồi… nhưng mà, không lẽ thầy lại đi làm thuê.

PHAN CHÂU TRINH: Cũng được chớ sao! Làm thuê thì có gì xấu đâu, miễn là nghề lương thiện.

À mà trời đứng bóng rồi, may mà nhà còn được mấy nắm gạo, bữa nay đành ăn cơm với muối rang thôi!

TRUNG: Nhà thầy ở đâu?

PHAN CHÂU TRINH: Tôi làm gì có nhà! Túp lều tôi tự che bằng lá dừa thô đằng kia kìa, thôi chào chú.

TRUNG: Con sẽ về đem đến thầy mấy con cá mắm  (Chạy đi)

PHAN CHÂU TRINH: (Nhìn theo Trung)

Đây là tình cờ hay là sự sắp xếp của Lý trưởng quản thúc ta? Mà thôi! rồi sẽ hay…

(Bước đến gành lấy cần câu)

Thật không ngờ! Ra đây tôi cứ tưởng

Chốn Côn Đảo chỉ là lò luyện chí

(nào hay đâu) Xứ Côn Sơn cũng có một trường đời

Xếp cần câu lửng thửng chân dời

về lều cỏ nấu cơm chấm muối.

Nam Xuân

Lều cỏ nấu cơm chấm muối

(Tôi đây) Gót chân trần đá sỏi dần quen

Nghe trong tiếng sóng vang rền

Tiếng lòng ta dặn ta bền sắt son

(Kia! Ngôi biệt thự lá dừa khô của ta kia rồi!)

Đã nguyền vào cuộc dấn thân

Chăng than chẳng trách trời gần trời xa

(Vào)

 

 

LỚP 6

Vẫn tại Côn Lôn

CÓ TIẾNG HÒ ĐẬP ĐÁ TỪ XA:

Hò hố dô – đùng

Hò hố dô – đùng

PHAN CHÂU TRINH: (ra)

Tối trời câu cá không đủ tiền mua gạo, các việc mài đồi mồi, đập xơ dừa tạm nghỉ vì thiếu nguyên liệu.

Tôi đành phải nhận nghề đập đá

Nhưng vì mình mới tập tò, tôi không dám tham gia vào nhóm, chỉ nhận riêng mình, may nhiều thì nhờ rủi ít thì chịu, lúc khoẻ thì đập, khi mệt thì nghỉ, không phiền lụy ai cả.

(chi nữa) Rán nâng tay búa

Thử sức một phen

Bài nhịp I

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn

Lừng lẫy làm cho lở núi non

Xách búa đánh tan năm bảy đống

Ra tay đập bể mấy trăm hòn

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi

Mưa nắng thêm bền dạ sắt son

Những kẻ vá trời khi lỡ bước

Gian nan nào kể sự con con.

(Bỗng có tiếng reo bên trong: Có tàu ra, có tàu ra! bà con ơi!)

PHAN CHÂU TRINH: (ngừng tay nhìn ra xa)

Có tàu ra thật kia! Tàu chở những tù mới nào ra vậy? Ta phải xem thử mới được

Mau đến núp rừng thông

Xem những ai ra đảo

Ôi nguy rồi! Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyễn Cẩn, lại có Nguyễn Thành, Trần Cao Vân nữa kìa…

Ờ, nhưng không có Trần Quý Cáp… Chao ôi!

Rõ ràng quân bảo hộ

Quyết dập tắt phong trào

Dẹp Đông Kinh Nghĩa thục ngày nào (nay chúng lại)

Lưu đày cả Đặng nguyên hoàng giáp

Còn anh Huỳnh Thúc Kháng lâu nay

Nói, viết, khéo khôn, rất mực

(thế mà) Vẫn không thoát khỏi lưới thù

Cũng may mà Trần Quý Cáp ở Khánh Hòa

Chưa việc chi… nhưng phong trào thì thế chắc phải ngừng lại – Chao ôi!

Nhìn trời đất âm u

Tưởng tay chân rời rã!

(Vừa lúc ấy Lý trưởng xuất hiện)

LÝ TRƯỞNG: Kìa quan nghè, quan nghè cũng phải đập đá sao?

PHAN CHÂU TRINH: Chào thầy Lý! Đói đầu gối phải bò thầy ạ! Thầy đi chơi hay gặp tôi có chuyện gì?

LÝ TRƯỞNG: Bẩm quan nghè, xin mời quan về cơm nước nghỉ ngơi cho khoẻ rồi chiều nay mời quan nghè đến đồn

Gặp mặt quan Tây

Có điều bàn luận

Thôi xin kiếu quan tôi về!

(Vào)

PHAN CHÂU TRINH: Gặp mặt quan Tây – có điều bàn luận…

Bàn luận gì?…

(Hay là) Muốn khủng bố phong trào

(hắn) Tuyên án tôi trảm quyết?

Vì dù sao bản án gốc của tôi vẫn là trảm giam hậu…?

Bao chí sĩ đã vì dân tử tiết

Tỉnh quốc hồn ta có tiếc chi thân

Ta cứ về ăn uống no nê, tắm rửa mát mẻ đến chiều nay ta

Cứ ung dung giữa chốn phong trần

Không để nhục cái danh kẻ sĩ

Nam Xuân

Kẻ sĩ hiến thân cho nước

Bao người lấy thác làm sinh

(Tôi còn nhớ như in câu thơ của Đào Tấn điếu Phan Đình Phùng).

Tán

Tay giằng sông núi hồn chưa chết

Xác gởi trời sao khí vẫn sinh.

Nam tiếp

Có gan dẹp nỗi bất bình

Mất còn đâu để trí mình bận tâm

Gió Côn Lôn gọi hồn đất nước

(Ta đây) Học anh hùng cười trước gươm đao.

(Vào)

 

 

LỚP 7

Vẫn Côn Lôn. nơi ở mới của Phan

(Phan Châu Trinh vừa mài đồi mồi, vừa bắt bài)

PHAN CHÂU TRINH: Bài nhịp ba

Làm trai trên đất Côn Lôn

Chút vui cố hưởng, cơn buồn tạm khuây

Chốn này không rượu mà say

Say nắng, say sóng, say mây, say trời

Say ta chí vững không dời

Say bao đồng chí chẳng ai cúi đầu

Mai đây thoát khỏi thân tù

(ta lại) Say lời dân chủ say câu dân quyền.

(Ngừng tay, đứng dậy)

Nói  À, phải sửa sang ngôi nhà mới đôi chút chứ!

Bữa trước, cứ tưởng quan Tây gọi đến kêu án chém, không ngờ hắn lại truyền lệnh tôi được miễn quản thúc và cấp cho gian nhà bên cạnh trại bò đây… nhưng hắn vẫn ra lệnh cấm tôi

Không được gặp người trong ngục

(nên) Khó lòng dò biết âm hao

Đúng Trung là người của Lý trưởng sai theo dõi tôi, nhưng bây giờ thì Trung đã được tôi tỉnh ngộ – Tôi đã giao cho Trung tìm cách liên lạc với anh Huỳnh Thúc Kháng, và tôi đã vào tổ mài đồi mồi với Trung để tiện bề liên lạc.

(Trung mang vỏ đồi mồi và chai rượu ra)

TRUNG: (Đặt mấy vỏ đồi mồi và rượu xuống chiếu)

Con đem cho thầy ít rượu và hai vỏ nữa

Thầy không nghỉ nấu cơm chiều sao? Trời đã chạng vạng rồi

PHAN CHÂU TRINH:Tôi ăn cơm chiều rồi

Ngồi rảnh mài chơi như tập thể dục

À, chú đã thuộc hai bài ca chưa?

TRUNG: Dạ mới thuộc bài Lưu Thủy

PHAN CHÂU TRINH: Chú ca ta nghe thử coi!

(Trung ca…)

TRUNG: Dạ có được không thầy?

PHAN CHÂU TRINH: Chú đã ca cho ai nghe chưa?

TRUNG: Dạ, mới năm bẩy người, ai cũng thích thầy ạ.

PHAN CHÂU TRINH: Được, gắng học thuộc luôn bài Bình Bán nghe!

TRUNG: Dạ! con chào thầy, thầy coi kỹ mấy cái vỏ ốc, con về nấu cơm tối

PHAN CHÂU TRINH: Anh cứ để đấy tôi

(Trung vào)

PHAN CHÂU TRINH: (Nhìn theo Trung) Trung nó vừa dặn mình coi kỹ mấy cái vỏ đồi mồi… hay là có tin gì chăng?

(Đến lấy vỏ đồi mồi lật ra, một tờ giấy rơi ra)

PHAN CHÂU TRINH: Có tin thật rồi!

(Nhặt tờ giấy lên)

Thì ra tin của Huỳnh Thúc Kháng!

(đọc) Trần Quý Cáp bị xử chém!

Trần Quý Cáp bị xử chém!

Vì tội chi? Mạc tu hữu

Không cần có tội! không cần có tội! á a!

Thán dựng

Nước loạn quan gian đà tột đỉnh

Chém người không tội dễ như chơi!

Thái Xuyên ơi!

Thơ ngâm lúc chết lời sang sảng

“Chết bởi vì dân hát bởi trời”

(Ngã xuống đất, im lặng, một phút sau đứng dậy, lấy hương đốt, quỳ, hướng lên phía trước xa… Trong ánh ảo đăng Trần Quý Cáp áo the khăn xếp hiện ra với hai tên đao phủ hai bên)

TRẦN QUÝ CÁP:

Ngâm

Ai mà sợ chết chết như chơi

Chết bởi vì dân hát bởi trời

Chết hiếu đã đành xương thịt nát

Chết trung bao quản cổ đầu rơi

Chết nhân tiếng để hờn muôn thuở

Chết nghĩa danh nêu biết mấy đời

Thà chết, chết trong, hơn sống đục

Ai mà sợ chết! chết như chơi.

PHAN CHÂU TRINH: Thái Xuyên ơi!

Anh không chết đâu, anh sống mãi

Tay giằng sông núi hồn không chết

Xác gởi trời sao khí vẫn sinh

(Đèn tắt)

 

 

 

LỚP 8

Cảnh ngoài Cồn cát

 

(Phan Châu Trinh vun đắp mộ giả cho Trần Quý Cáp)

PHAN CHÂU TRINH:

(Thôi thì) Giữa Côn Lôn tôi đắp vọng nấm mồ

(Đặng mà) Luôn hương khói ngày nào còn ở đảo

Thái Xuyên Dã Hàng anh ơi!

Ngâm oán

Anh biết cho chăng hỡi Dã Hàng

Thình lònh sống dậy cửa Nha Trang

Lời nguyền trời đất còn ghi tạc

Giọt máu non sông đã chảy tràn

Tinh Vệ nghìn năm hờn khó dứt

Đỗ Quyên muôn kiếp oán chưa tan

Côn Lôn đêm tối rầm rì sóng

Cùng sóng Nha Trang chung tiếng than!

Nói Nhưng mà Trần Công anh ơi! Tôi đây

Dứt lời than hờn giận lại tràn

(vì đó là)

Một bản án phạm vào pháp luật (mà)

Trần Công ơi! như anh là

Khách ai  Phẩm cách thanh tao,

Học vấn uyên thâm, thơ phú tài hoa  ai sánh kịp

Còn công việc của anh trong chức Giáo thọ ở Khánh Hòa lâu nay là

Chăm lo khuyến học, mở mang dân trí,

Việc anh vận động dân chúng mở nhiều trường học, cũng chính là quyết định của toàn quyền Bô kia mà! thế mà

Bỗng nhiên mắc tội, tội tình chi?

Nói Như tôi, chúng bắt, chúng quy cho tội xúi dân chống xâu thuế, cũng còn khả dĩ vì phong trào rất mạnh ở Quảng Nam, ở Huế, và ngay Hà Nội cũng có biển, chứ như Khánh Hòa hiện nay

Chưa một tiếng xin xâu

Chưa một lời chống thuế

(vậy mà án sát Khánh Hòa)

Bắt người không chứng cớ

Xử chém chẳng nguyên do

(Từ nãy giờ, Trung ra, nhìn thấy Phan Châu Trinh có dáng điệu và nói năng lạ, không xuất hiện, rình nghe, rồi vội im lặng chạy vào)

Như vậy là

Khách  Phạm luật triều đình

Một là: theo luật triều đình chỉ có kẻ giết người và kẻo bạo loạn là xử tử tại chỗ – Hai là: luật lại còn ghi các bậc khoa mục, trừ tội giết người, không khi nào bị tước bỏ học vị, đừng nói gì đến việc xử tử, cho nên

Xử tử Trần Công là phạm luật

(Trung và mấy dân làng già, trẻ, ra rình nghe Phan Châu Trinh)

Ước gì tôi không bị kìm hãm ở nơi này, tôi sẽ đi diễn thuyết, viết báo về nỗi oan, điều sai của bản án ấy, lôi tên án sát Khánh Hòa và quan thầy trò ra trước tòa án dư luận, để cho

Lũ gian lộ mặt

Khánh Hòa là tỉnh không có Tổng đốc

Tuần vũ không có binh quyền, không có quyền kết án từ hình! Thậm chí án sát lại kết án và thi hành ngay khi tuần vũ đi vắng. Đấy không phải là một bản án, mà là một âm mưu giết người khủng bố chạy tội lập công y như Tần Cối giết Nhạc Phi ngày xưa, anh Huỳnh Phúc Kháng gọi nó là “tam tự ngục” quả không sai – độc ác thay

Không cần có tội cũng rơi đầu!

(Phan Châu Trinh ngất ngã – Mọi người từ chỗ núp chạy ra)

TRUNG: Thầy bị trúng gió rồi!

Các bác giúp con một tay

(Tất cả cùng đỡ và dìu Phan vào. Chuyển cảnh)

 

 

LỚP 9

(Trung và dân làng trên đường từ nhà Phan về)

TRUNG: Ông ngủ say rồi!

DÂN A: Nè, tôi nghe ông nghè ổng nói gì như chém giết vậy, các người có nghe không?

DÂN B: Trung kể lại đầu đuôi nghe coi!

TRUNG: Dạ! Cháu định đến mài đồi mồi với ông, không ngờ đến không thấy ổng ở nhà, nhìn ra thì thấy ông đang đắp nấm mồ và thắp nhang…

DÂN A: Đắp mồ à, mồ ai?

DÂN B: Thì chầm chậm đã nào! Trung nói tiếp đi!

TRUNG: Nào cháu biết là mồ ai!

DÂN B:Thôi, rồi sao nữa?

TRUNG: Rồi ổng đọc thơ, rồi ông đứng dậy nộ nạt…

DÂN A: Nộ nạt ai?

TRUNG: Không nghe ổng nói ai cả, ổng nộ nạt, ông nói “chém người”, đúng, tôi nghe rõ mà!

DÂN B: Lâu nay có nghe thấy chém giết ai đâu!… A, đúng rồi! Hay ổng bị ma dựa!

TRUNG: Con ma cụt đầu!

(Tất cả hốt hoảng chạy vào – Lý trưởng ra gặp Trung)

TRUNG: – Dạ, chào thầy Lý  ạ.

LÝ TRƯỞNG: Này! Mấy hôm nay ông nghè Phan làm gì?

TRUNG: Dạ, nghe nói ông hết quản thúc rồi?

LÝ TRƯỞNG: Bề ngoài thì nói vậy nhưng vẫn phải bí mật theo dõi chứ!

TRUNG: Dạ, hồi đầu hôm ổng bị ma nhập

LÝ TRƯỞNG (Ngạc nhiên) Ma nhập à? Đầu đuôi làm sao?

TRUNG: Dạ, con thấy ổng ra ngoài bãi biển trước nhà, ngồi vun nấm mộ, thắp hương, đọc thơ, rồi nồ nạt… rồi ngã ngửa…

LÝ TRUỞNG: Vậy à? Đọc thơ làm sao, hả?

TRUNG: Dạ, con làm sao nhớ được

LÝ TRƯỞNG: Vậy, ổng nộ nạt gì?

TRUNG: Dạ, ông nói gì mà sai pháp luật, là chém đầu, là Nhạc Phi, Tần Cối…

LÝ TRƯỞNG: Bây giờ ổng ở đâu?

TRUNG: Dạ, ông đã ngủ say trong nhà

LÝ TRƯỞNG: Ổng có gặp được mấy người tù mới ra lần nào không?

TRUNG: Dạ, tuyệt không ạ.

LÝ TRUỞNG: Này, mày đi với tao ra chỗ nấm mộ coi

TRUNG: Dạ, con sợ lắm

LÝ TRƯỞNG: Chỗ nào đâu?

TRUNG: Dạ, độ mươi bước trước nhà ông, dạ xin chào thầy

(Vào nhanh)

LÝ TRƯỞNG: (Nói riêng) Phải coi cho biết mới được! không chừng lập công to!

Kia! nấm mộ kia rồi!

(Trời tối – hắn lần dò bước rất chậm, vừa bước vừa nhìn quanh và nghe ngóng. Đến ngôi mộ, hắn vừa ngồi xuống, thì bỗng nghe tiếng cú kêu, hắn đứng dậy nhìn quanh, lại ngồi xuống, lại tiếng cú kêu, rồi một bóng trắng xuất hiện, hắn hoảng hốt)

LÝ TRƯỞNG: Trời ơi! ma không đầu! ma không đầu!

(Chạy vào)

TRUNG: (Ra) Hả hả, té ra thầy xã cũng sợ ma chớ!

Không hiểu quan nghè chôn cái gì duới mộ, nhưng nhứt định không để lão xã bới lên (Cất bước đi vào, nhưng chợt đứng lại)

Nói Mà tôi không thể về được? Lỡ ông xã đêm khuya lại sai người khác mò ra… Thôi thì, tôi đây quyết

Suốt đêm nay mai phục nơi này

Không cho ai được động vào nấm mộ

Nam Xuân

Nấm mộ chôn gì chẳng biết

(Sáng mai tôi sẽ) Trình lại thầy khúc chiết đầu đuôi

 

 

 

LỚP 10

Nhà Phan Châu Trinh – Ban đêm

 

PHAN CHÂU TRINH: (Cầm bút chép, vừa chép vừa ngâm)

Tôi nhớ bài “mưa” của Trần Quý Cáp rồi đây

Ngâm oán

Mưa từng chặp gió từng hồi

Một cụm giang sơn nước ngập rồi

Lũ kiến bất tài bu ngọn cỏ

Bầy rêu vô dụng giữa dòng trôi

Chít chiu rừng rậm nghe chim hót

Chiễm chệ giường cao thấy chó ngồi

Nhìn khắm nhân gian như đắm đuối

Hỡi nào ông Vũ ở đâu ơi?

Nói Trần huynh ơi!

Suốt tuần này tôi chép lại thơ anh

Mỗi dòng chữ mỗi nghẹn ngào giọt lệ!

Không hiểu bên Nhật, Phan Bội Châu đã biết tin này chưa? Nếu biết, có lẽ Phan Bội Châu sẽ cười ta rằng

Ông muốn tránh dùng bạo lực

(Nhưng mà) Bạo lực nào có trừ ông

(Chao ôi) Đầu óc mông lung

Tâm thần u uất (hà!) gục ngủ.

(Trung từ trong ra nhìn vào nhà)

TRUNG: Ủa! thầy còn ngủ…

(Gọi lớn) Thầy ơi! Thưa thầy, mặt trời đã hơn sào rồi thầy à!

(Phan đang nằm bỗng bật dậy)

PHAN CHÂU TRINH: Ai đấy!

Chết! ta ngủ quên…

(Lý trưởng ra)

LÝ TRƯỞNG: Thưa quan nghè!

PHAN CHÂU TRINH: Chào thầy xã, có việc gì không thầy?

LÝ TRƯỞNG: Dạ, quan Thống đốc mới ra mời quan nghè gặp mặt

PHAN CHÂU TRINH: Vâng, tôi đến ngay đây!

(Lý trưởng vào. Với Trung) Ta có việc – cháu đi câu một mình đi.

(Trung dạ vào – Phan còn một mình, vừa mặc áo, vừa nói)

Nói lối  Gặp Sào Nam trong mộng

Ta tự vấn lòng ta

Đắng cay sao yêu nước yêu nhà

Là có tội với bầy xâm lược

Không hiểu bữa nay tên Thống đốc ra, sẽ định nói gì với ta đây?

Chẳng cần lo nghĩ trước

Hãy chờ đợi về sau

Dù có sao cũng chẳng làm sao

Bỡi thời thế thế thời phải thế.

Nam Xuân

Phải thế, làm dân mất nước

Chống cường quyền họa rước vào thân

Đã nguyền chẳng sợ Côn Lôn

Hãy nung khí phách, oán hờn tạm khuây

Nắng xuyên mây rầm rĩ sóng vỗ

(Tôi đây) Học anh hùng vay vợ gian nan.

(Vào)

 

 

LỚP 11

Tại trụ sở đảo chủ

(Hai lính gác bồng súng đứng sẵn hai bên)

THỐNG ĐỐC: Cho tất cả ra đây.

(Các tù nhân ra, có cả Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Thành, Phan Chu Trinh…)

THỐNG ĐỐC: Tôi xin chào các ông!

Ông Phan Châu Trinh!

PHAN CHÂU TRINH: Có tôi!

THỐNG ĐỐC: Ông có còn tư tưởng chống nước Pháp nữa không?

PHAN CHÂU TRINH: Tôi không chốn nước Pháp. Tôi học tư tưởng tự do bình đẳng, bác ái của cuộc Cách mạng Pháp, kêu gọi dân trí, hậu dân sinh.

THỐNG ĐỐC: Bản án ông ghi rằng, ông

Xúi dục dân chống thuế, chống xâu?

PHAN CHÂU TRINH:Tôi không xúi mà chính kẻ cường quyền xúi dục!

Tôi xin nói để ngài rõ rằng

Khách Bản án vu oan

Tôi đã nói rõ lúc ở Huế rồi – Dân chỉ xin giảm xâu, giảm thuế, thế mà kẻ cầm quyền vu là chống xâu, chống thuế – Dân bị bắt buộc phải xin là vì

Xâu thuế nặng đè dân nghẹt thở.

THỐNG ĐỐC: Thế là ông đã lộ cái giọng chống rồi đó!

PHAN CHÂU TRINH: Tôi có chống chứ!

THỐNG ĐỐC: Thế sao vừa rồi ông bảo không?

PHAN CHÂU TRINH: Tôi không chống nước Pháp, tôi chống những kẻ mà những người Pháp chân chính yêu dân quyền đều chống, đó là

Khách  Chống bầy tham bạo.

Tuy tôi chưa có hành động gì, nhưng trong thâm tâm, tôi không dấu ngài rằng tôi chống những kẻ biến chính quyền thành tay sát thủ, biến quan lại thành kẻ côn đồ, những hành động ấy của họ, ông có biết là đã

Làm nhơ cờ ba sắc tam tài

THỐNG ĐỐC: Ông có biết Phan Bội Châu không?

PHAN CHÂU TRINH: Tôi với ông ấy là bạn

THỐNG ĐỐC: Thế thì chắc là ông

Cùng với Phan Bội Châu

Lập bè đảng chống Pháp?

PHAN CHÂU TRINH:

Phú

Phan Bội Châu, biệt hiệu Sào Nam

Ông ấy là một tay hào kiệt ái quốc nổi tiếng, ở nước Nam, ai ai cũng biết. Anh em tôi thường gặp nhau thời còn ở Huế, nhưng khi

Luận việc nước, bàn việc dân

Các điểm hai bên đều khác biệt

THỐNG ĐỐC : Khác biệt như thế nào?

PHAN CHÂU TRINH: Phan Bội Châu chủ trương

Phú

Đánh người Tây, cầu viện Nhật

THỐNG ĐỐC: Còn ông thì sao?

PHAN CHÂU TRINH: Tôi thì chủ trương dân trí, hậu dân sinh, học hỏi nền văn minh Pháp. Hiện nay nước Pháp đang bảo hộ nước Nam, trong hàng ngũ quan lại cả Pháp lẫn Nam có kẻ tốt, có người xấu, cho nên tôi chủ trương

Chống kẻ gian tham, dựa người chân chính

Nhân chủ trương khai hóa của nước Pháp, tôi ra sức vận động

Mở mang dân trí chống ngu dân

THỐNG ĐỐC: Thế ông sang Nhật làm gì?

PHAN CHÂU TRINH: Vì Phan Sào Nam gởi thư mật về nước kêu gọi bạo động, khiến cho công việc mở trường dạy học, vận động cải cách phong tục tập quán cổ hủ của tôi bị gián đoạn, cho nên tôi phải sang gặp ông ấy, thuyết phục ông ấy nên

Giúp thanh niên du học thành tài

Từ bỏ hẳn quyết tâm bạo lực

THỐNG ĐỐC: Rồi về nước, ông làm gì?

PHAN CHÂU TRINH: Tôi định, chứ chưa làm được

THỐNG ĐỐC: Định làm gì?

PHAN CHÂU TRINH: Tôi định

Vận động mở hội buôn, hội học

Nhưng sĩ phu trong nước còn nghi ngại, nên chi tôi

Viết điều trần lên phủ toàn quyền

Việc ấy chắc ngài đã rõ rồi

THỐNG ĐỐC: Nếu được trả tự do, ông sẽ làm gì?

PHAN CHÂU TRINH: Tôi sẽ xin được sang Pháp để

Học hiểu thêm dân chủ dân quyền

(Đặng mà) Về nước mở dân sinh, dân trí (thôi!)

THỐNG ĐỐC: Ông có còn muốn đề nghị gì thêm lên phủ toàn quyền?

PHAN CHÂU TRINH: Ngài có muốn tôi nói thật không?

THỐNG ĐỐC: Ông cứ nói!

PHAN CHÂU TRINH: Tôi nghe đồn ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ vừa qua có những vụ

Khách Giá họa vu oan

Giết kẻ trung trinh gây oán hận

Xin phủ toàn quyền hãy gạt hết lũ côn đồ ấy ra khỏi hàng ngũ quan lại, vì kiểu cai trị ấy là thất sách, nó khiến cho dân

Không còn kế sống

(Nên chi phải) Xông lên liều chết một phen rồi!

THỐNG ĐỐC: Tôi sẽ đề đạt lên quan toàn quyền – Bây giờ tôi xin trao  cho ông lệnh đặc xá của Phủ toàn quyền

Ông hãy sửa soạn cùng tôi

Ngày mai về lại đất liền

Đến tại Mỹ Tho cư trú

Đấy! Ông có thấy chính phủ bảo hộ Pháp rất công bằng không? Việc tiến sĩ Trần Quý Cáp là do án sát Phạm Ngọc Quát lộng hành, quan toàn quyền xuống chỉ thị ân xá thì hắn đã tự ý xử chém ông ta rồi!

Còn các ông kia thì

Toàn quyền đang xét lại

Bản án của Nam Triều

(Vào – lính hộ vệ theo)

TẤT CẢ: (Với Phan Châu Trinh)

Chúc quan huynh thượng lộ bình an

PHAN CHÂU TRINH: Chúc các bạn về sau cứng cát

(Còn một mình)

Suýt nữa tôi không ghìm được sự phản ứng nông nổi, thôi thì

Đuợc một bước cứ hay một bước

Đây chắc không phải là lòng tốt của chính phủ bảo hộ

mà là do sức ép của Hội nhân quyền Pháp

Đường chông gai (phải) từng bước lần dò

Họ viện lẽ tránh cho tôi khỏi sự làm liều của quan lại Miền Trung còn dưới quyền bảo hộ, đưa tôi về Mỹ Tho đất thuộc địa, nơi chính phủ Pháp có đầy đủ quyền lực

(Cười ) Có phải họ nghĩ tôi muốn bãi bỏ quân chủ là đồng ý họ đặt ách thuộc địa lên cả Trung Kỳ, Bắc Kỳ?

Tôi đây đâu phải

Chống quân chủ để nhận nền thuộc địa

(Mà tôi) Đòi dân quyền, quyền trị nước về ta

(Nhưng thôi họ nghĩ sao mặc họ)

Đất Mỹ Tho cũng nước non nhà

Cứ về đấy rồi bỏ buồm liệu gió

Nam Xuân

Liệu gió bỏ buồm đúng hướng

(Tôi đây) Kiên định lòng, ứng biến tùy cơ

(Các bạn đồng tâm đồng chí còn ở trong tù cả, tôi ra một thân một mình đây

Một thân lướt bụi xông bờ

Thấp cao cánh nhạn bơ thờ cụm mây…

Chuyện dở, hay biết ai bàn với?

Ức trai tiên sinh từng nói rằng nước Nam tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có

Thế thì tôi đây

Đất mới tìm bạn mới lo chi!

(Định vào thì Trung chạy ra)

TRUNG: Dạ thưa thầy

PHAN CHÂU TRINH: Có gì vậy chứ?

TRUNG: Dạ, có thơ từ Phan Thiết nhờ ghe bầu chuyển ra

PHAN CHÂU TRINH:  Rất cảm ơn chú. Đây là lần thứ hai chú nhận thư ghe bầu cho tôi.

TRUNG: Con giúp được gì cho thầy, con thấy hả dạ lắm – Thưa thầy con về.

(Vào. Phan Châu Trinh bóc thư ra xem)

PHAN CHÂU TRINH:

Trên Phan Thiết báo ra cho biết

Tất Thành đang trú tại Ba Son

Tạm làm phu khuân vác kiếm cơm

Chờ dịp chuyển phu tàu đi Pháp!

Ôi! Tin vui sao quá hợp

Mình vừa mãn hạn tù

(Về đến Mỹ Tho, mình sẽ tìm cách bắt liên lạc ngay với Tất Thành, bàn với nhau chọn thời cơ thích hợp, bác cháu ta)

Từ hai nơi trên sóng nước mịt mù

Cùng đến Pháp lo cứu nhà cứu nước

Mình phải về sửa soạn ngay cho kịp

Vào rồi ra, vai mang hành lý.

LÍNH: Thưa quan nghè, quan Tây mời quan ra bến xuống tàu

PHAN CHÂU TRINH: Tôi đi đây

Tiếng máy tàu xình xịch

Như tiếng lòng ta reo

Hòa gió rừng dương thành khúc nhạc thiều

Trước cảnh tượng trời mây thông thoáng.

Nam Xuân

Cảnh tượng trời mây thông thoáng

Đường còn dài phải rón mà đi

Tán

Mũi tàu đang rẽ hướng

Bầy hải âu lượn bay

(Tất Thành ơi! Bác cháu ta)

Nguyện cùng chung chí hướng

Cho trời Nam tan mây

Mây trời ráng đỏ hây hây

Mây đen bóng giặc bủa vây xứ mình!

Phía trước là đất liền, là Mỹ Tho kia rồi

Lá dừa xanh rung rinh trước gió

Như vẫy chào, trước lại sau quen.

 

Tháng 2/2002