Cha tôi

01/10/2020

Lần lượt kể xong chuyện họ nội, họ ngoại xong, cha tôi kể đến chuyện của ông.


Nhà nghiên cứu Mịch Quang.

Thuở nhỏ, cha tôi theo ông nội tôi, bà nội tôi ở quê nhà. Đến khi ông nội tôi đang làm hậu bổ ở Quảng Nam, được hịch Cần vương của nguyên soái Mai Xuân Thưởng ở Bình định kêu gọi, vội vàng lên đường, gửi cha tôi cho một bạn quen ở tỉnh nhờ đưa giúp về nhà bà nội tôi ở thị trấn Bình Định. Nhưng viên quan ấy đã phản bội. Thay vì đưa giúp cha tôi về quê thì, nhân người nhà của y ở Quảng Bình vào, y giao cha tôi cho người nhà đưa ra Quảng Bình làm đứa ở sai vặt. Sai vặt việc nhà được vài năm, họ bắt cha tôi vào rừng nhặt củi khô. Không đi thì bị đánh nên phải đi. Lúc này ông đã gần 15 tuổi. Vào rừng rất sợ cọp, beo, trăn, nhưng phải cắn răng mà chịu. Một hôm vào rừng, ông nghĩ ra kế bỏ trốn về quê. Ông cứ nhắm phía mặt trời mọc, theo đường mòn đi dần ra được đường cái  quan. Gặp người đi đường ông kể thật sự tình và nhờ họ cho đi theo và hướng dẫn cho về quê tại chùa Ông, thị trấn Bình Định. Ông bước vào nhà, lúc đầu mọi người không nhận ra. Đến khi ông nói tên, mọi người ngỡ ngàng và mừng đến phát khóc. Bà nội tôi rước thầy dạy ông học. Sau mấy năm chuyên cần học tập, ông thi đỗ tú tài tại Trường thi Bình Định. Học chữ Hán xong, ông tự học thêm chữ Quốc ngữ, học cho biết chứ chẳng thi cử gì. Ít lâu sau, ông được người giới thiệu làm gia sư cho bên ngoại tôi ở thôn Luật Chánh, cách thị trấn Bình Định độ 5 km. Làm gia sư mấy năm, ông được ông ngoại tôi gả mẹ tôi cho, ở rể luôn tại đó một thời gian, rồi ông xin về quê. Bên ngoại tôi giúp tiền mua 5 sào ruộng và tiền xây nhà riêng. Ruộng nhà tôi trực canh, không phát canh thu tô. Mẹ tôi đi cấy nhổ cỏ, nhà nuôi trâu, thuê trai cày. Noi theo đạo “Tuỳ thế tức kinh luân” của ông cố tôi và lời dặn trong di chúc của ông Lê Đại Cang không ra làm quan, cha tôi ở nhà dạy học một thời gian và lo giúp việc làng cả đời. Ngoài việc lang, ông là cộng tác viên thờ cho báo “Tiếng dân” của cụ Huỳnh Thúc Kháng lấy bút danh  là Diệu Liên cư sĩ. Về việc làng, vì làng tôi không có ai cử nhân, chỉ mỗi cha tôi là tú tài cho nên ông được giữ trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng hương ước. Cha tôi cho biết: họ tôi tuy là họ khai phá ra làng Phụng Sơn, nhưng người trong họ không tham gia lý trưởng hào mục mà chỉ tham gia Hội đồng hương ước. Dân làng tôi thuộc loại dân “khó trị”. Trong thời kỳ tôi đã lớn, chứng kiến, thì không có lý trưởng tham nhũng hay cường hào nào tồn tại lâu được. Mỗi khi hành động tham nhũng, cường hào đã rõ thì dân làng đứng đơn đến ba, bốn trăm người vừa ký tên vừa điểm chỉ kiện lên phủ. Đơn của dân khi được một người trong Hội đồng hương ước tham gia ký là tri phủ cách chức lý trưởng ngay, không thể hối lộ gì được. Thuở lên 18 tuổi, tôi đã tận mắt chứng kiến một lý trưởng cường hào bị dân kiện lên phủ có cha tôi tham gia ký tên, gặp lúc tri phủ lại là một tên tham nhũng, lý trưởng bèn mời tri phủ về nhà đãi tiệc, gọi gái cho, nhưng cuối cùng tri phủ vẫn cách chức lý trưởng. Đến khi đi làm công chức bưu điện tôi có kể chuyện ấy với các bạn bên Nam triều và hỏi xem đó có phải là cá biệt ở làng tôi không. Các bạn cho biết: đã có đơn dân ký mấy trăm tên và có hội đồng hương ước ký vào, thì không tri phủ tri huyện nào dám bao che lý trưởng. Lúc ấy tôi mới hiểu ý nghĩa tích cực của câu tục ngữ “Phép vua thua lệ làng” và trong thời kỳ làm nghiên cứu mới thấm thía câu của Bác Hồ (ký tên Nguyễn Ái Quốc): “Quyền lực của quan lại được cân bằng bởi tính tự trị của xã thôn”.

Trong những việc làm của cha tôi, tôi nhớ nhất ba việc:

– Việc thứ nhất là đã ký tên xin cách chức lý trưởng cường hào như đã biết.

– Việc thứ hai:

Cũng như các làng khác, làng tôi có chế độ quân cấp công điền, cứ ba năm chia lại một lần cho phù hợp tình hình thay đổi dân số. Cứ mỗi người thành niên (18 tuổi) được hưởng một xuất công điền. Từ xưa, quân cấp được tiến hành theo lối “trải bộ”, nghĩa là cứ theo thứ bậc trong làng mà định quyền chọn ruộng. Khoa cử, chức sắc, được ưu tiên nhất, tức là được quyền chọn trước tiên, hào mục được ưu tiên thứ hai, sau cùng mới đến dân thường. Theo cách chia ấy, những chỗ ruộng béo bở lọt hết vào tay chức sắc hào mục.

Năm ấy, tôi không nhớ năm nào, chỉ nhớ lúc ấy tôi đang học College Quy Nhơn, lớp đệ nhứt đệ nhị gì đấy, dân rủ nhau làm đơn kêu lên phủ về tính bất công của quân cấp trải bộ, đề nghị xin được quân cấp theo lối bắt thăm. Dân cử một số người mang đơn đến đề nghị cha tôi ký tán thành. Biết ký vào là thiệt hại lớn cho quyền lợi riêng của nhà, cha tôi vẫn ký. Khi đoàn dân ra về, mẹ tôi phàn nàn với cha tôi:

– Ông ký như vậy thì thiệt thòi to. Mấy năm nhờ trải bộ, nhà mình đầu tiên cứ chọn mãi đám Bà Rế như ruộng tư có thể thâm canh được. Nay lỡ bắt thăm trúng ruộng xấu thì làm sao nổi!

Cha tôi nói:

– Biết vậy, nhưng là lẽ phải thì mình phải ký, biết sao! Vả lại, thiệt hại của mình thấm gì so với phó tổng, lý trưởng, hào mục lâu nay mua khẩu phần của dân, bao chiếm ruộng công?

Đơn được trình lên phủ, phủ phê duyệt cho làng Phụng Sơn thay quân cấp trải bộ bằng quân cấp bắt thăm. Bọn lý trưởng hào mục hoảng hốt, chạy đi tìm mua chuộc, doạ dẫm một số dân không kiên định, ký tên xin hưu bắt thăm. Sáng hôm tổ chức quân cấp, (vì cha tôi là người bắt đầu tiên) lý trưởng trải bộ ra mời cha tôi:

– Thưa thầy, dân đã xin hưu bắt thăm rồi, trở lại trải bộ như cũ, mời thầy bắt trước.

Cha tôi hỏi:

– Đơn xin hưu đâu?

Lý trưởng đưa ra đơn bộ vài chục người ký. Cha tôi xem xong, hỏi:

– Sao không có chữ ký phê duyệt của phủ?

Lý trưởng nói:

– Thưa thầy gấp quá chưa kịp lên phủ. Cứ quân cấp xong sẽ trình sau.

Cha tôi nói:

– Chưa có phê duyệt của phủ cho trải bộ trở lại, tôi không dám bắt. Nếu bắt thăm thì tôi bắt, nếu trải bộ thì tôi xin về, ai dám bắt thì bắt.

Cuối cùng lý trưởng phải tổ chức bắt thăm. Dân thích chí reo hò. Mấy hôm sau, âm mưu phá quân cấp bắt thăm của lý trưởng, phó tổng… đến tai tri phủ. Tri phủ sức trát về đòi lý trưởng, phó tổng lên hỏi tội, họ phải đến nhà nhờ cha tôi nói giúp với tri phủ mới yên cho.

– Việc thứ ba:

Ngày xưa, thông thường các tri phủ, tri huyện, khi được bổ nhiệm đến nơi nào, luôn tìm cách liên hệ với các tri thức khoa cử trong địa phương để làm chỗ dựa trong việc cai trị. Sở dĩ như thế là vì các trí thức khoa cử nho học thường nắm Hội đồng hương ước, có uy tín trong dân. Những tri phủ là cử nhân, tú tài Hán học lại còn có thú làm thơ xướng hoạ với các nho sĩ trong địa phương. Dạo ấy, một cử nhân người Quảng Bình, ông Hồ Sĩ Thản, được bổ nhiệm làm tri phủ quê tôi. Sau vài năm thăm dò, thử thách, ông được các nhân sĩ và dân trong địa phương đều khâm phục ông ở đức thanh liêm. Cha tôi có đọc cho tôi nghe một bài thơ của một nhân sĩ tặng ông ấy, chỉ còn nhớ mấy câu:

Quan phủ Hồ Sĩ Thản

Chánh tích hay vô hạng

….

Từ để lạy đến nay

Dân lợi có của vạn.

Cha tôi kể, một hôm, ông cho mời cha tôi và thầy Tú Thọ (cha nhà thơ Xuân Diệu) lên có việc gì đấy (tôi quên mất). Bàn bạc công việc xong, ông ấy đọc bài thơ “Vịnh tháp Đôi”:

Sông Ba núi Một đã từng rồi

Nay lại lần xem cảnh tháp Đôi

Hai trụ in nhau ai vẽ kiểu

Trăm người hồ dễ đặng trèo côi

Gạch vôi lớp lớp chồng trên đất

Mưa gió trơ trơ đứng giữa trời

Nay dẫu tháp này về thị xã

Dưới quyền bảo hộ cũng dân tôi

(Tháp Đôi là hai tháp đứng cạnh nhau thuộc làng Hưng Thạnh. Trưứoc kia làng Hưng Thạnh thuộc phủ Tuy Phước, nhưng khi mở rộng thành phố, chính quyền cũ đã cho sát nhập vào Quy Nhơn cho nên tháp Đôi cũng thuộc về Quy Nhơn).

Cha tôi đọc bài thơ và giảng cho tôi (lúc ấy tôi đang học đệ nhứt niên): Bài thơ giỏi ở câu phá câu thừa, lấy sông Ba núi Một dẫn đến tháp Đôi. Các câu trạng luận (3,4,5,6) thì tầm thường, đến câu kết thì đuối vì thừa nhận sự làm tôi cho bảo hộ Pháp. Lâu nay rất khâm phục đức thanh liêm của ông ta, không ngờ ông ta lại tự mãn về việc làm “dưới quyền bảo hộ”. Rồi cha tôi đọc cho tôi nghe bài học của cha tôi, mượn chuyện tháp Đôi để gửi gắm tâm sự ưu quốc, kín đáo phê phán thái độ nô lệ của tri phủ Hồ Sĩ Thản:

Vịnh Tháp đôi

(họa thơ tri phủ Hồ Sĩ Thản)

Thành quách nhân dân đã khác rồi

Đứng chi đó tháp cả và đôi

Chờ vờ đôi nóc sau in trước

Vuông vức tư bề dưới tận côi

Nước cũ đã không còn mảnh đất

Thù xưa sao nỡ đội chung trời

Sự cơ nếu biết ngày nay thế

Phục dịch chi mà chúa lại tôi

Không hiểu tri phủ Hồ Sĩ Thản có phản ứng gì trong nội tâm không chứ ngoài mặt theo cha tôi kể lại thì ông ấy cũng chịu bài họa hay. Câu chuyện xướng họa thơ được lan truyền trong cả phủ, và bài thơ họa của cha tôi đã được giới nho sĩ tán thưởng; họ gọi “thơ đại gia” (thơ của nhà thơ lớn). Anh họ tôi, bác sĩ Nguyễn Hoàng, thỉnh thoảng cũng có làm thơ chơi, kể lại: khi anh ấy đọc bài thơ của cha tôi cho nhà thơ bác sĩ Thái Can nghe, nhà thơ Thái Can cũng nói là “thơ đại gia”.

Cha tôi làm thơ nhiều, thường gửi cho báo “Tiếng dân”. Tập thơ chép tay của ông bị mất trong tản cư chống Pháp.

Cha tôi hát bộ rất hay và là một nhà cầm chầu rất mực thước. Do thời kỳ phải làm đầy tớ ở Quảng Bình, cho nên ông cũng thuộc nhiều bài dân ca Quảng Bình. Ông có viết thử một vở tuồng hát bộ “Trinh hiệp lưỡng mỹ” dựa theo một tiểu thuyết cùng tên, nhưng không dựng được. Ông Giáo Kiện, biện tuồng của làng tôi sau khi đọc xong đã nói: “Tuồng thầy viết văn chương rất hay, nhưng không diễn được vì thiếu những miếng nghề”. Đào Kép của ngành hát bộ của làng tôi thường đến nhờ cha tôi giải nghĩa những câu tuồng chữ Hán. Kép của cụ Đào thì có ông Cửu Khi thường đến với cha tôi. Thỉnh thoảng ông cũng giảng cho tôi cái hay, cái sâu sắc của văn chương và biểu diễn hát bộ.

 

MẸ TÔI

 

Nhà tôi có vườn rộng, chuyên chồng trầu cau. Công việc hằng ngày của mẹ tôi là đem trầu cau ra chợ bán lấy tiền mua thức ăn. Vì tiền bán trầu cau không được bao nhiêu cho nên mẹ tôi thường mua cá vụn (cá nhỏ con), ít khi mua cá lớn, khiến tôi ăn thành thói quen, đến bây giờ vẫn thích ăn cá nhỏ.

Về công việc đồng áng thì mẹ tôi chỉ đi cấy và nhổ cỏ. Nhà có nuôi trâu, nhưng người cày thì phải thuê. Trai cày ở luôn nhà tôi, tự túc ăn uống. Thuở tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi bảo anh trai cày cứ gọi tôi bằng “thằng” không được gọi “cậu”.

Ngoài công việc nội trợ và đồng áng, mẹ tôi làm bánh mứt thuê cho các đám cưới, may thuê quần áo. Bà nổi tiếng về làm bánh mứt và may tay (thời ấy máy may rất ít ở nông thôn). Về may, bà có kỹ thuật “cắt đậu bông” khi cắt may những áo dài vải hoa, cả nam lẫn nữ. “Đậu bông” nghĩa là ghép hai nửa hoa trên lề các tấm vải thành một hoa đầy đủ trên sống áo cả vạt trước lẫn vạt sau. Phải cắt vải như thế nào để khi may “hoa đậu” trên chỗ nối hai lề vải ở sống áo.

Về bánh, mẹ tôi sản xuất các thứ thông dụng như bánh in, bánh nếp, bánh lá gai, bánh bông lang, bánh thuẫn, và có những thứ độc đáo như: bánh tai yến, bánh công chúa, bánh bò rễ tre, bánh chu chu, bánh thuẫn hai da; tôi thích nhất là bánh bò rễ tre và bánh thuẫn hai da. Nhờ dàn bánh phong phú nên các đám cưới thường đặt hàng cho mẹ tôi.

Nem chua, chả lụa (giò) của mẹ tôi cũng đặc biệt, các thứ ấy ngoài chợ không sao bì kịp.

Về mứt, mẹ tôi cũng làm các thứ thông thường như mứt gừng, mứt bí. Đặt biệt mẹ tôi có mứt bưởi, mứt cam, chanh, hoa quả. Mứt hoa không phải là hoa thật, mà là cắt tỉa hoa giả từ trái đu đủ. Ở nông thôn ngày xưa, các bà nội trợ biết làm mứt hoa không nhiều. Cả làng tôi chỉ có mẹ tôi làm được. Mẹ tôi còn có đặc sản mứt me nguyên cả trái trắng như đường kính. Dịp Tết nào bà cũng làm mứt đem ra chợ bán. Bán ở chợ trong làng, và đem bán cả chợ phiên Gò Chàm, chợ lớn nhất của cả tỉnh. Ngày giáp Tết, chợ phiên Gò Chàm gần như là chợ triển lãm bánh mứt, chợ khoe tài của các bà nội trợ, các cô gái đang tuổi lấy chồng. Các bà có con gái thường cùng con gái đi chợ. Mẹ tôi không có con gái, chỉ đi một mình. Các chàng trai kén vợ giả vờ đi chợ mua bánh mứt, nhưng thực ra là xem mặt và xem tài khéo tay của các cô gái. Mẹ tôi kể: hàng mứt của mẹ tôi là một trong hai ba hàng bán chạy nhất cả chợ, vì mỗi cân mứt được thêm một trái mứt me trắng muốt và một bông mứt hoa.

Mẹ tôi còn giỏi về các thứ mắm: mắm tôm măng, mắm tôm mật ong, mắm cá thu, mắm thịt, mắm cua… chỉ làm để ăn chứ không bán.

Mẹ tôi còn có tài “gạt hoa mè” khi bán lúa. Nông thôn vùng tôi, nhà nào cũng có một “vuông” để đong lúa bán. Sau khi đổ lúa vun trên bề mặt vuông, người bán cầm một cái ống tre dài bằng chiều dài của vuông, gọi là “ống gạt”, gạt mặt lúa cho bằng phẳng, như thế là trúng khối lượng. Thông thường cả nhà bán lúa gạt sát trên vành vuông, gọi là “gạt cạo sột”. Mẹ tôi không “gạt cạo sột” mà “gạt hoa mè”, nghĩa là gạt nhẹ tay làm cho mặt lúa trên vuông cao hơn “gạt cạo sột” một hạt lúa. Như thế là vuông lúa “gạt hoa mè” nhiều hơn vuông lúa “gạt cạo sột”, nên người mua rất thích. Nhưng “gạt hoa mè” rất khó vì không lấy thành vuông làm điểm tựa như “gạt cạo sột”. Mẹ tôi bảo đã được bà ngoại tôi dạy tập từ hồi con gái. Bà ngoại tôi bảo: “gạt hoa mè” cho người mua có thêm được ít lúa mà vẫn trả tiền như “gạt cột sột” là để ân đức cho con cháu.

Mẹ tôi có giọng rất tốt, bà hát ru con rất hay