Bà mẹ làng Sen – Kịch bản Tuồng

26/10/2020

 

Hồi I

Cảnh I

NGUYỄN SINH SẮC: Giáo tuồng

Sen gặp tiết hè thì nở

Sương vương nắng gắt thì tàn

Nước Nam mình từ dạo Tây sang

Dân Việt chịu muôn phần khổ sở

Chốn làng Sen quê ở

Nguyễn Sinh Sắc là tôi

Nghiệp nho gia truyền đến bốn đời

Cảnh hàn mặc ruộng non một mẫu

Vợ cấy hái giữ nghề canh cửi

Tôi sách đèn lo việc nước non

Giữ nếp nhà lành sạch rách thơm

Gìn đạo thánh hiếu cha trung nước

HOÀNG THỊ  LOAN: (ra)

Thầy nó ơi

Thầy nó trông giùm vườn tược

Tôi ra còn chút việc đồng

NGUYỄN SINH SẮC:

Nhà nó lại còn đồng áng gì nữa?

Bụng chửa đã gần ngày rồi!

HOÀNG THỊ LOAN:

Hôm qua trời tối nhanh cấy òn sót mấy hàng

Tôi phải ra ruộng làm cho xong kẻo trể

Ti đi một chút về ngay thôi

NGUYỄN SINH SẮC:

Cơ khổ! Nhà tôi xưa nay

Không hay thuê người ở

Không cậy sức tá điền

Đi cấy lấy công nhờ sức vợ hiền

Xách nước tưới rau có phần con trẻ.

(Quay vào trong gọi): Thanh con!

BÉ KHIÊM : (ra) Cha gọi chị con?

NGUYỄN SINH SẮC: Con làm gì sau ấy? Chị Thanh đâu rồi?

BÉ KHIÊM:  Dạ, con đang tưới trầu. Chị Thanh đã đi hái sen từ sớm.

NGUYỄN SINH SẮC: Để đó cho cha. Con chạy ngay ra gọi chị Thanh về cha bảo.

BÉ KHIÊM: Dạ  (vào)

NGUYỄN SINH SẮC:

Ngăn vợ ra đồng không được

Vợ đi tôi chẳng yên lòng

Mấy gốc trầu tưới nốt cho xong

Rồi gọi con trẻ về cùng giúp mẹ (vào)

 

 

CẢNH II

Cảnh đồng ruộng

(Tiếng hát ví thợ cấy vọng ra.

Hoàng Thị Loan đang cấy với chị em bạn thợ, bỗng om bụng quàn quại)

HOÀNG THỊ  LOAN: Ôi chao! Đau quá!

NỮ 1: Sao vậy chị?

HOÀNG THỊ  LOAN: Ôi! sao tự nhiên đau bụng vầy? Ôi chao!

NỮ 2: Thôi, chị lên bờ đi! Đưa em dìu chị lên !  (dìu chị Nho vào bờ).

HOÀNG THỊ LOAN:

Phút chốc khắp người run rẩy

Bụng nghe đau thắt từng cơn

Nói lối xuống Nam ai

Chắc là

Đã đến ngày, nhụy nở hoa khai

Nên khiến phải mắt mờ ruột thắt!

NỮ 2: Vậy à? Vậy thì em phải dìu chị về ngay! Về đi chị!

HOÀNG THỊ  LOAN: Nam ai

Ruột thắt mắt mờ khó bước

Cả đất trời trước mắt vần xoay

NỮ 1: Chị ơi! chị ráng lại chỗ gốc đa kia kẻo đường đồng gió máy lắm

HOÀNG THỊ  LOAN: Hát tiếp

Biết thân bụng chửa gần ngày

Vẫn liều đi cấy giành khi túng nghèo

NỮ 3: Kia! Gốc đa kia rồi! chị lại ngồi dựa tạm đã, cho anh nho mang võng ra

HOÀNG THỊ  LOAN Hát tiếp

Gió hắt hiu chín chiều ruột thắt

Con ơi! con chầm chậm kẻo mẹ đau lắm con ơi!

NỮ  1.2: hát tiếp

Xin vái trời vái Phật thương cho

(Trời nổi cơn dông sấm chớp…)

 

 

CẢNH III

Bên gốc đa

(Ông Xẩm cầm đàn bầu ra, lò dò ngồi xuống lên dây…mấy người làng ra xúm đến, có tiếng sấm vọng)

CỤ GIÀ: Ông trời sôi ruột hay là tiếng súng đánh Tây của quan nghè Phan Đình Tùng đấy hè?

ÔNG XẨM: (vừa lên dây đàn, vừa nói)          Tiếng sấm của cơn dông đấy ông ạ.Trời dạo này chỉ dông suông làm nhà nông hy vọng hão chứ có cơn mưa nào đâu? Còn cái mộng bình Tây của các quan nghè quan cử thì……(ngưng một lát)….. vận nước Nam mình hỏng mất rồi! Vua Hàm Nghi bị Tây bắt đầy đi biệt xứ! Còn chi nữa mà mong, hở ông?

CỤ GIÀ: Răng lại còn chi nữa mà mong, vận nước có lúc suy lúc thịnh, khi mạnh khi yếu… Ông không nhớ lời cáo Bình Ngô của Ức Trai tiên sinh sao “Dẫu mạnh yếu có lúc khác nhau –           Song hào kiệt chẳng bao giờ thiếu”. Người này ngã xuống, người kia đứng lên…Biết đâu đấy! Khi lá sen tàn lại là lúc nụ hoa sen nhô lên!

ÔNG XẨM: Dạo này sen nở nhiều, nghe thơm ngát cả xứ!

BÉ THANH: (ra, tay cầm gương sen) Ông ơi! cháu biếu ông mấy cái gương sen, ông ăn cho mát ruột, rồi đàn cho cháu nghe!

ÔNG XẨM:  Cháu là con cái nhà ai mà thảo ăn rứa?

CỤ GIÀ: Con nhà anh nho Sắc, cháu ngoại thầy Hoàng Xuân Đường.

ÔNG XẨM: Ra là cháu thầy Đường đấy à! Chứ cháu mang nước ra đồng cho ai đó?

BÉ THANH: Dạ, cho mẹ cháu đang đi cấy ngoài  đồng

ÔNG XẨM:  Thế, mẹ cháu chưa ở cữ, còn ráng đi cấy à? Cháu thích em trai hay em gái để ông  hát chúc nào?

BÉ THANH: Dạ, cháu thích em trai

ÔNG XẨM:  Ừ, phải có em trai để lớn lên lo việc nước chứ

Hát

Làm trai cho đáng nên trai

Xuống Đông Đông tĩnh lên Đoài Đoài yên.

Con trai của xứ làng Sen

Lớn lên trung hiếu vẹn tuyền cả hai

Phất cờ ngũ hổ bình tây

Lấy trung làm hiếu khổ nguy xá nào

Hỡi ai nghĩa sĩ anh hào

Đứng lên phất ngọn cờ đào cứu dân

(Bỗng có tiếng gọi: Thanh ơi! Mẹ cháu bị ngất xỉu giữa đồng rồi kìa. Thanh chạy vội vào, rồi cùng ra với mấy thợ cấy dìu bà Loan ra)

NỮ 2: Thanh ơi! mẹ cháu sắp sinh. Cháu mau về thưa với cha cháu mang võng ra đưa mẹ cháu về ngay

(Thanh vào rồi cùng ông Sắc, Khiêm mang võng cáng ra)

NGUYỄN SINH SẮC:  Cơ khổ. Đã bảo đừng đi cấy nữa mà cứ không chịu!

(Mọi người cán bà Loan cùng vào. Trời bõng chớp sáng)

CỤ GIÀ: Ơ kìa, trời chớp sáng lòa, lại hiện cầu vồng, sắp mưa, hay quá.

ÔNG XẨM: Cầu vồng à? Vậy là chị nho Sắc sinh gặp điềm tốt rồi

 

CẢNH IV

Cảnh nhà. Bàn thờ bày sâu phía trong

(Ông Hoàng Xuân Đường, bố vợ  Sắc đang ngồi chắp tay, lâm dâm niệm Phật…Bỗng tiếng oa, oa vọng ra, Thanh từ trong nhà chạy ra, vừa ra vừa reo to)

THANH: A, Thanh có em trai rồi! Thanh có em trai rồi!

Ông ngoại ơi! Mẹ sinh em trai rồi! Em trai ngoan lắm, ông vào coi đi

Bài nhịp 1

Bà con cô bác ơi!

Cô bác bà con

Lắng nghe tôi hát

Làng sen gió mát

Sen nở khắp nơi

Em trai chào đời

Giữa mùa sen nở

Má em ửng đỏ

Tựa cánh hoa sen

Mắt em sáng trưng

Tựa như tia nắng

Tình tang non tính

Tình tang non tính

Tình tang non tính

Tình tang non tính

(Thanh nhảy lò cò vào……Cụ Hoàng Xuân Đường và Nguyễn Sinh Sắc ra)

HOÀNG XUÂN ĐƯỜNG:         Anh lên đèn thắp nhang bàn thờ tổ đi. Mừng cho nhà ta, mừng cho cả họ Nguyễn….. Anh đã nghĩ đặt tên cháu chưa?

NGUYỄN SINH SẮC:Thưa thầy, con xin nhờ thầy

HOÀNG XUÂN ĐƯỜNG: Vởy thì (ngừng một lúc, rồi nói từ tốn)

Thằng bé sinh vào tháng năm, tháng sinh của những nhân tài, lại gặp mùa sen nở rộ ta đặt tên nó là Sinh Côn.

NGUYỄN SINH SẮC: Côn….. có phải là điển cá chép hóa chim bằng không, thưa thầy?

HOÀNG XUÂN ĐƯỜNG:         Đúng. Ta đặt tên nó là Nguyễn Sinh Côn, tự là Tất Thành, anh nghe được không?

NGUYỄN SINH SẮC: Thưa thầy vâng ạ!

HOÀNG XUÂN ĐƯỜNG: Ta đoán thằng bé này lớn lên sẽ truân chuyên, nhưng tất thành đạt. Anh nó, thằng Khiêm, ta đặt tự là Tất Đạt. Tất Đạt chỉ là ăn cổ sẵn còn Tất Thành là phải trải qua gian khổ mới nên

LÝ TRƯỞNG: (ra) Chào cụ, chào anh nho. Chúc mừng chị nho sinh đặng cháu trai. Cháu Khiêm vừa chạy sang mời tôi đến làm tờ khai cho em nó. Đây tờ khai sinh đây ạ.

(Nguyễn Sinh Sắc cầm ghi rồi đưa cho Lý trưởng)

LÝ TRƯỞNG: (cầm xem) Còn thiếu một chỗ. Nước ta bây giờ thuộc quyền bảo hộ của Pháp, nên luật lệ bắt phải ghi thêm ngày Tây vào. Anh nho ghi thêm cho: ngày 19 tháng 5 năm 1890. Lý trưởng: Vậy là được rồi! quý hóa quá!

HOÀNG XUÂN ĐƯỜNG: (rót rượu)  Mời thầy uống chén rượu mừng cháu

LÝ TRƯỞNG: Dạ, xin phép thầy uống. Thôi, xin các thầy, xin chào anh Nho (vào)

NGUYỄN SINH SẮC: Thưa thầy, bà mụ bảo nhà con yếu lắm, con phải lên tỉnh lấy cho nhà con mấy chén thuốc bắc.

HOÀNG XUÂN ĐƯỜNG: Được, anh cứ đi. Ở nhà đã có bà và cháu Thanh lo.

(Nguyễn Sinh Sắc vào. Cụ Đường còn lại một mình)

HOÀNG XUÂN ĐƯỜNG: Ta thử tính sơ số tử vi của bé Côn xem! (lấy sách dở ra, lật, xem) “Thông minh đĩnh ngộ khác thường”, điều này đúng. Nhìn đôi mắt sáng trưng của nó cũng đoán được. “Thuở ấu niên đã phải gặp truân chuyên”, điều này cũng có thể đúng. Vận nước như kia, cảnh nhà như vậy. “Phiêu linh bốn biển giang hồ”, điều này thì lạ đấy! Có tin được không? Nhà ta có dòng dõi nho gia, chỉ biết nghề đọc sách, dạy học, cấy hái, làm thế nào mà bốn biển phiêu linh? …Ôi hay là nó sẽ bị sung lính mộ đi Tây? Nam mô a di đà Phật, Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Xin đức Phật, đức Bồ Tát phù hộ cho cháu tôi

Xướng

Khỏi cảnh đày thân bên xứ giặc

Thà cam đói rách chốn quê nhà

À mà tôi phải tra luôn hậu vận của nó nữa (Đọc sách, bấm tay)

Đây rồi, danh vang ba hạ………Ủa nó làm gì mà danh vang ba hạ………Ôi! mà lý số chẳng qua là đoán việc hoặc nhiên, đâu phải là tất nhiên! Thánh nhân đã dạy trọng họa có ẩn phúc, trong phúc có chứa họa. Thấy phúc chớ vội quá mừng thấy họa chớ nên quá lo.

Vịnh

Hãy chúc giữa mùa sen nở rộ

Hương sen ngào ngạt chiếc nôi thơ

BÉ KHIÊM: (ra) Thưa ông, có khách ạ!

HOÀNG XUÂN Đ­ƯỜNG: Mời vào, con!

NHO SAN: (ra) Xin chào bác ạ!

HOÀNG XUÂN Đ­ƯỜNG: Anh Nho San đấy à? Ở tỉnh về đây bao giờ?

NHO SAN: Dạ, cháu vừa đến nơi ạ. Chứ anh Sắc cháu đâu rồi, thưa bác

HOÀNG XUÂN Đ­ƯỜNG: À, vợ nó mới sinh bị thiếu sữa nó vừa đi lên tỉnh cắt thuốc

NHO SAN: Thế, chị nho Sắc sinh trai hay gái?

HOÀNG XUÂN Đ­ƯỜNG: Nó sinh trai, vừa khai sinh xong. Cháu là Nguyễn Sinh Côn tự Tất Thành…….. Năm nay khai sinh lại phải ghi thêm ngày Tây 19 tháng 5 năm 1890…….

NHO SAN: (nhẩm lại) 19 tháng 5 năm 1890 (bấm số tử vi)… Thưa bác, bác đã tính tử vi cho Sinh Cung chưa, cháu thấy lạ lắm ạ.

HOÀNG XUÂN Đ­ƯỜNG: Chú thấy lạ chỗ nào?

NHO SAN: Ở chỗ hậu vận, tương lai, có thể là cứu tinh cho cả một thời cuộc

HOÀNG XUÂN Đ­ƯỜNG: Thế là tôi với chú trùng nhau rồi – nhưng chú nói thời cuộc nào vậy?

NHO SAN: Chắc chắn là thời cuộc ma sĩ phu Nghệ An ta đang nhen nhúm. Không dấu gì bác, tổng đốc Nghệ An hiện nay là người có tâm huyết, cháu đã được cụ cấp giấy thông hành ra Hà Nội mượn cớ xem khánh thành cầu Đu me đặng mà bí mật lên Yên Thế thăm dò

HOÀNG XUÂN Đ­ƯỜNG: Thế thì hay quá! Lũ già ở quê chúng tôi hằng mong vận nước được có cơ mở mặt

NHO SAN: Thưa bác, con đường còn dài lắm. Cuộc trở xoay phải chí vững gan bền

HOÀNG XUÂN Đ­ƯỜNG: Dù sao cũng đừng nản chí khi lỡ gặp khó khăn nghe chú

NHO SAN: Thưa vâng ạ, cháu phải đi ngay nghe bác

HOÀNG XUÂN Đ­ƯỜNG: Chúc chú may mắn

 

 

CHUYỂN CẢNH ĐƯỜNG

NHO SAN

Nói lối xuống nam

Cuộc trở xoay phải chí vững gan bền

Không nản chí lỡ khi gặp khó

Nam xuân

Gặp khó quyết không nản chí

Mới gọi là kẻ sĩ Hồng Lam.

Giận vì một lũ tham quan

Làm nhơ đánh tiếng Nghệ An bao đời

Khắp nơi nơi lòng người ca thán

(Tôi đây) Dẫu tài hèn cũng ráng vì dân (Vào – đèn tắt)

 

 

CẢNH V

Làng Sen

(Hoàng Thị Loan đang quay tơ)

HOÀNG THỊ LOAN:

Bài nhịp bủa

Ngào ngạt hương sen gió thoảng đưa

Bâng khuâng chim khách gọi cành trưa

Nỗi chồng nỗi mẹ bao nhiêu mối

Quấn quýt guồng tơ sợi nhặt thưa

Nói Thấm thoát mà Sinh Cung đã lên sáu rồi! không biết chúng nó chạy đi đâu

(Bỗng có tiếng loa từ trong vọng ra)

TIẾNG LOA:

Loa! Loa! Loa…..

Rao cùng cô bác

Rao với bà con

Tất cả làng Sen

Ai ai cũng biết

Sáng mai đón rước

Quan tỉnh về làng

Bắt giặc bắt gian

Nghiêm minh luật pháp

(Bà Loan đứng im nghe tiếng loa…Bỗng Khiêm, Côn cùng chạy ra)

BÉ CÔN: Mẹ ơi, anh Khiêm mắng con nì!

BÉ KHIÊM: Tại hắn dám bảo quan tỉnh dại

HOÀNG THỊ LOAN: Sao con dám bảo thế?

BÉ CÔN:

Con chỉ nói thầm với anh Khiêm thôi chứ có dám nói to đâu!

Chứ mẹ nghĩ bắt kẻ gian cũng như bọn con chơi ú tìm cút bắt chứ gì! phải im lặng rón rén, rình mò, chứ rao loa inh ỏi rứa, giặc hắn nghe biết, trốn mất còn gì.

HOÀNG THỊ LOAN: Kia, cha về kia, cha xử cho.

(Nguyễn Sinh Sắc và bé Thanh ra)

HOÀNG THỊ LOANLvới Thanh) Con đưa rau đây mẹ đi rửa mẹ nấu cơm luôn cho. Con ở đây nghe cha xử kiện với hai em.

BÉ CÔN: (nhanh nhẩu) Cha ơi! sao quan tỉnh về bắt giặc mà lại rao loa trước hở cha?

BÉ KHIÊM: Côn nó nói quan tỉnh dại đấy cha à!

BÉ THANH: Khôn chứ dại! Rao trước để làng biết trước mà chuẩn bị đón rước, tiệc tùng, phải không cha?

NGUYỄN SINH SẮC: Cũng có thể dại, cũng có thể khôn..Nhưng mà Côn, con còn nhỏ không được nói như vậy nhé!

BÉ CÔN: Con chỉ nói thầm với anh Khiêm thôi chứ có nói to đâu! Mà quan tỉnh là ai vậy cha? Có phải cụ Đào Tấn không?

NGUYỄN SINH SẮC: Chết! Sao con lại là cụ Đào Tấn! Gọi là cụ Thượng Đào, nghe chưa?

BÉ CÔN: Dạ, nhưng mà cha mẹ cho anh Khiêm với con ra xem thử quan  bắt giặc ở đâu, cha nhé.

NGUYỄN SINH SẮC: Được,  nhưng chỉ được đứng xa mà nhìn.

BÉ CÔN: Dạ, đi anh Khiêm

(cùng vào một lúc rồi cùng ra)

BÉ CÔN: Quan tỉnh khám nhà chú Phan Bội Châu mẹ à. A! con hiểu rồi! cụ Thượng Đào tài quá! Cụ cho rao loa để đánh động chú Phan Bội Châu.

(Bỗng lại có tiếng loa)

TIẾNG LOA:

Loa! Loa! Loa

Tối nay tại đình làng

Có diễn tuồng hát bộ.

Lớp Kim Lân biệt mẹ

Mời bà con đến xem

Loa loa loa

KHIÊM – CÔN: Mẹ ơi! tối nay cho chúng con đi xem hát bộ nghe?

HOÀNG THỊ LOAN: Được

KHIÊM, CÔN: A ha! Tối nay được xem hát bộ rồi!

(Đèn tắt)

 

 

CẢNH VI

Không gian động: làng Sen, thành Vinh

HOÀNG THỊ LOAN: (vừa chải tóc vừa nói)

Nghĩ chán cho tôi thật!

Chí đã quyết nhưng lòng còn bận bịu

Một sợi dây gì như cứ níu đôi chân

Phần ngại xa làng xóm quê hương

Phần lo cảnh quê người đất khách

Á mà thôi đi!

Muốn chồng con mở mày mở mặt

Phải phận mình chịu khó chịu thương

Ông Sắc nhà tôi đỗ cử nhân nhưng không chịu ra làm quan, quyết chí vào Kinh học thêm để thi tiến sĩ phó bảng

Nay đây tôi phải gánh gồng vào tận chốn thần kinh

(Đặng mà) Lo tần tảo giúp chồng con ăn học

(Gọi vào trong) Thanh ơi!

THANH: (ra) Mẹ gọi con?

HOÀNG THỊ LOAN: Con lại đây!

(Thanh bước lại, bà Loan đưa tay ôm Thanh, Thanh gục vào lòng mẹ)

Mẹ phải vào Kinh lo cho cha và hai em ăn học

Con phải ở nhà với bà với dì

BÉ THANH: (rưng rưng) Vâng ạ

HOÀNG THỊ LOAN: Con cố gắng thay mẹ chăm sóc bà khi trái gió trở trời, nghe con!

BÉ THANH: Dạ…

HOÀNG THỊ LOAN: Con phải kính dì như kính mẹ vậy, mọi việc phải vâng lời bà, lời dì nghe con.

BÉ THANH: Cha mẹ vào trong ấy có lâu không?

HOÀNG THỊ LOAN: Cũng không lâu lắm đâu con à?

(Mẹ Loan ra)

MẸ LOAN: Anh chị đã chuẩn bị xong xuôi cả chưa?

HOÀNG THỊ LOAN: Thưa mẹ, xong cả rồi ạ!

BÉ KHIÊM (ra): Bà ơi!

MẸ LOAN: Các cháu cũng xong cả chưa?

BÉ KHIÊM: Xong rồi ạ! Bà ơi! bà ở nhà với dì, với chị Thanh nghe. Kìa! bà lại khóc rồi!

(Côn lấy chéo áo lau nước mắt bà……)

NGUYỄN SINH SẮC: (ra) Thưa mẹ xin phép mẹ con đi

HOÀNG THỊ LOAN: Xin phép mẹ con đi! (cất quang gánh lên vai…..)

MẸ LOAN: Ừ, các con, các cháu đi cho chân cứng đá mềm.

(Thanh vẫn theo sát mẹ ôm lưng mẹ. Côn nắm chặt tay bà…….tất cả cùng bước ra)

HÒANG THỊ LOAN: (với Thanh) Thôi, con vào với bà đi!

BÉ THANH: (vừa nói vừa khóc): Cha mẹ, hai em đi…..

(Chạy vụt vào)

NGUYỄN SINH SẮC:

Nói lối nam

Tạm biệt nhé, làng Sen

Lên đường lo sự nghiệp

Nam xuân

Sự nghiệp nhẹ nhà nặng nước

Nhắm kinh kỳ một bước một lo

Tán

Hoa cúc vàng vườn sớm

Dậu tre xanh lá thu

Đường kinh kỳ vạn dặm

Giấc hương quan hằng mơ

HOÀNG THỊ LOAN: Mẹ ơi! Thanh con ơi

Hát tiếp

Bước ra cảnh cũ bơ thờ

Ao sen cũng nhớ, guồng tơ cũng buồn.

Cứ vương vấn đôi đường đi ở

Luống nghẹn ngào nỗi nhớ niềm thương

ÔNG XẨM: (ra) Thưa thầy cử Sắc, kẻ mù lòa này ở cạnh nhà thường được cụ Đồ ban lộc, anh nho, chị nho, cháu Thanh san sẻ cho miếng ngọt miếng bùi. Nay nghe tin thầy cử đưa cả nhà vô kinh, tui xin hát một bài tiễn đưa thầy để tỏ cái nghĩa nước tình làng.

NGUYỄN SINH SẮC: Xin cảm ơn bác Xẩm.

ÔNG XẨM: Hát

Làm trai cho đáng nên trai

Xuống Đông Đông tĩnh lên Đoài Đoài yên.

Con trai của xứ làng Sen

Lớn lên trung hiếu vẹn tuyền cả hai

Phất cờ ngũ hổ bình tây

Lấy trung làm hiếu khổ nguy xá nào

Nói Tui xin chúc thầy Cử thím Cử thượng lộ bình an

NGUYỄN SINH SẮC: Xin cám ơn bác. Xin chào bác và chúc bác sống lâu

(Hai tên do thám, quần áo cộc trắng, đội khăn đen ra)

TÊN A: (với ông Xẩm) Bộ cái ông nầy muốn chết à? Hát cái gì mà Bình Tây, hả?

ÔNG XẨM: Tôi hát Ngũ hổ bình Tây, nghĩa là tuồng hát bội Bình Tây Địch Thanh nguyên soái ấy mà!

TÊN B: (với Sinh Sắc) Thưa, thầy có phải là quan cử Sắc không ạ? (Nhìn kỹ vào mặt ông Sắc)

NGUYỄN SINH SẮc: Phải, chú ở đâu đến, muốn hỏi gì?

TÊN B: Dạ, bẩm, quan cử có thấy quan Giải San tức là Phan Bội Châu, qua đây không ạ?

NGUYỄN SINH SẮC: Tôi không thấy (chỉ tay ra xa) Nhà ông ấy đằng kia, các chú đến đấy mà hỏi!

TÊN A: Dạ, có đến nhưng nhà vắng cả, tưởng quan Giải San qua bên nầy. Dạ thôi, xin chào quan Cử ạ.

(Cả hai lấm lét vào)

BÉ CÔN: Thưa cha

(Nguyễn Sinh Sắc đưa tay ra hiệu im lặng)

HOÀNG THỊ LOAN: Thôi, ta đi thôi

BÉ CÔN: Cha ơi! cái làng gì mà to quá thế hở cha?

NGUYỄN SINH SẮC: Đây là thành phố Vinh cha thường nói với con đấy!

BÉ CÔN: (chỉ về phía một tên Pháp ngồi xe kéo) Cha ơi! cha coi kìa! cái ông râu ria kia, to béo phụng phệ kia bị bệnh hay sao mà ổng ngồi trên xe cho cái bác gầy gò kéo đi hở cha?

NGUYỄN SINH SẮC: Đó là người Tây Dương, người Pháp đó con à!

BÉ CÔN: À, còn kia, cái nhà ai mà to rứa chứ, có tường cao, có hào sâu xung quanh kia kìa?

NGUYỄN SINH SẮC: Không phải nhà đâu, mà là thành Nghệ An đó con à.

BÉ CÔN: Đã vào thành phố Vinh lại thành Nghệ An,… sao là thành sao là thành phố hở cha?

NGUYỄN SINH SẮC: Thành phố là nơi có phố xá buôn bán đông đúc tấp nập, còn thành là thành lũy, nơi có tường cao hào sâu  bao bọc như con thấy đấy!

BÉ CÔN: Ai ở trong thành hở cha?

NGUYỄN SINH SẮC: Quan Tổng đốc

BÉ CÔN: À, có phải cụ Tổng đốc Đào năm trước đến nhà ta dự đám tang ông ngoại?

NGUYỄN SINH SẮC: Ừ phải, nhưng quan Tổng đốc Đào Tấn không còn trong ấy nữa đâu?

BÉ CÔN: Sao vậy cha?

Nguyễn Sinh Sắc: Người Pháp nghi quan Tổng đốc Đào kết thân với những người có ý chống Pháp, nên bắt vua triệu quan Đào về Kinh rồi. Hiện nay chưa có quan Tổng đốc mới…..mà con hãy xem cảnh xem phố cho thích đi, cứ hỏi chi chuyện người lớn vậy!

BÉ CÔN: Con hỏi chuyện cho quên mỏi chân mà!

NGUYỄN SINH SẮC: Thôi, con chạy tới trước mẹ với anh Khiêm đi!

BÉ CÔN: Ứ  ừ! Con chả đi với anh Khiêm mô! Đi với cha được cha kể chuyện, cha giảng giải, đi với anh Khiêm cứ im ỉm chán chết!

BÉ KHIÊM: Nhớ nhé! Từ nay đừng hòng nhờ anh dán diều, bày ném lia thia nữa nhé!

BÉ CÔN: Anh không cho em chơi diều, ném lia thia, thì em cũng chả nhắc anh bài học thuộc lòng nữa!

BÉ KHIÊM: Ngó bộ giỏi thuộc lòng lắm đó hả? Thuộc vanh vách “Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt,  khói cam tuyền mờ mịt thức mây…”, vậy mà thấy cái thành không biết, đi hỏi cha là cái nhà chi to rứa! Lêu lêu mắc cỡ lêu lêu!

BÉ CÔN: (chạy lại phía mẹ) Mẹ ơi, mẹ nì! anh Khiêm lêu lêu con! Mẹ la ảnh đi!

NGUYỄN SINH SẮC: Thôi, sắp tới rồi, ta về nhà trọ, rồi mai sáng lên đường! (cùng vào)

 

 

 

CẢNH VII

Nhà trọ, đêm khuya, ngoài Đèo Ngang

Tiếng hò sông Lam vọng ra……..

 

HOÀNG THỊ LOAN:

Thán

Thâu đêm gối lạ giấc không thành

Thao thức nằm nghe tiếng điểm canh

(Mẹ ơi!) Nhớ mẹ tuổi già hay ốm yếu

(Thanh ơi!) Thương con thơ dại phải xa mình

Nói Thương hại cho tôi, đi đã một phần đường rồi mà

Việc ở đi đi ở vẫn dùng dằng

Tình nhớ mẹ thương con không dứt được!

Không hiểu sao ông Sắc nhà tôi

Đỗ cử nhân vẫn chưa tròn mộng ước

(Còn muốn) Lên ông Nghè nên phải lặn lội vào Kinh

(Tôi đây) Thương chồng phải cố gắng mà theo đó thôi

(Chứ) Ngồi suy nghĩ gia cảnh gia tình

Càng ray dứt buồn phiền tấc dạ

Nam pha

Tấc dạ buồn phiền ai thấu

Bởi thương chồng đành dấu lòng ta

Bâng khuâng bóng mẹ già

Lưng còng tóc bạc mắt lòa tay run

Thanh ơi! Đáng lẽ con cũng phải được học như hai em, nhưng con là con gái đầu, con phải tạm thay mẹ chăm sóc bà. Con ơi! Con có thầm trách mẹ không?

Nỡ bắt con thay tròn phận mẹ

Suốt canh trường dòng lệ khó ngăn (vào)

(Nguyễn Sinh Sắc từ trong cửa lững thững ra)

NGUYỄN SINH SẮC:

Ngâm

Trời khuya lắng tiếng đỗ quyên kêu

Nợ nước quằng vai kẻ sĩ nghèo

Ăn trốc ngồi trên ai đó hỡi!

Hàm này chức nọ giá bao nhiêu?

Tội nghiệm cho các con tôi

Ngủ say sưa trong cảnh khổ nghèo

(Còn tôi thì) Thao thức mãi nhấm nỗi buồn nỗi nhục

Không hiểu bà Loan và các con có ngủ được không

Ủa! Nhà tôi đâu rồi nhỉ

Quang gánh còn dưới đất

Trên giường chẳng thấy người

Cả ngoài sân cũng vắng tăm hơi

(Hay là) Bởi nhớ mẹ nên lén về quê cũ chăng

Nam chạy

Tội nghiệp vợ nhà kham khổ

Gắng nuôi chồng thi cử bao phen

Phạm Công mình khó trạng nguyên

Cúc Hoa nàng đã xứng tên bảng vàng

Đã quyết tâm chọn đường tiến tới

Phải gánh gồng lặn lội vào Kinh

(Hoàng Thị Loan ra)

NGUYỄN SINH SẮC: Kìa mình! Đi đâu vậy? Làm tôi hết hồn!

HOÀNG THỊ LOAN: Tôi có đi đâu đâu! không ngủ được ra sau nhà cho mát!

NGUYỄN SINH SẮC: Mình nhớ mẹ, nhớ con lắm phải không? Tôi cũng có ngủ được đâu!

HOÀNG THỊ LOAN: Mình này!

NGUYỄN SINH SẮC: Mình định nói gì?

HOÀNG THỊ LOAN: Tôi nghĩ không thiết làm quan thì đỗ cử nhân cũng được rồi, việc gì phải đeo đuổi cái tiến sĩ?

NGUYỄN SINH SẮC: À, điều này tôi chưa có dịp nói thật kỹ với mình. Phần tôi thì cái bằng cử nhân cũng đã đủ lắm rồi. Nhưng còn tương lai các con. Nhất là của Sinh Côn. Tôi quên chưa nói với mình lời của cụ Thượng Đào.

Khách phú

Khắp nơi nơi, rộn rịp bước quân gian, bầy bảo hộ, lũ tham quan, vơ vét dân ta sưu thuế nặng!

Ông nội, ông ngoại các con khi còn cũng luôn luôn lao tâm khổ tứ  về điều đó, luôn luôn mong mỏi sao cho nước ta được tự cường tự chủ con cái ta, dân tộc ta mai sau thoát được cái ách nô lệ ngoại bang, đã căn dặn tôi

Phải học hỏi, phải trau dồi kiến thức, biết Đông Tây, hiểu Nam Bắc, chung tay góp sức giúp dân lành.

HOÀNG THỊ LOAN: Vậy thì mình cứ ở nhà với cái tiếng cử nhân, kế tục thầy nắm giứ giềng mối cho làng xóm, chứ từ khi thày mất đến nay, dân mình thiếu kẻ có học thức đứng đầu, bọn hào lý nó ép dân mình ghê lắm

NGUYỄN SINH SẮC: Lúc đầu tôi cũng tính như vậy. Nhưng lên tỉnh được các bác Đặng Nguyễn Cẩn, Đặng Thái Thân, anh Nho San cùng bàn bạc là trị bệnh phải trị tận gốc chứ không nên trị chứng thì mới được lâu dài. Muốn ngôn thuận thì phải danh chính, điều đó xưa cha vẫn nhắc mãi, mình còn lạ gì. Với lại, lần trước vào Kinh học thi, tôi thấy chỉ có nơi kinh kỳ mới giúp mình hiểu xa học rộng chẳng những học sách vở mà còn học cả những việc hằng ngày, nhất là cho các con, nên chi.

Khách

Quyết chí lai Kinh, ngõ đặng thấy xa và hiểu rộng

Với lại vận mệnh nước ta hiện nay đang, như giữa đêm trường tăm tối, có lẽ phải đến thời bé Khiêm, bé Côn, nước dân ta mới thấy được bình minh, cho nên.

Phải bồi trí trẻ, mai sau đủ sức gánh cơ đồ

(Có tiếng gà gáy sáng)

NGUYỄN SINH SẮC: Chết! Gà gáy sáng rồi! Thôi ta vào thu xếp mau lên đường qua Đèo Ngang (cùng vào)

 

CẢNH VIII

Trên Đèo Ngang

(Ông Sắc, bà Loan, Khiêm, Côn từ trong ra)

NGUYỄN SINH SẮC: Thôi, ta ngồi nghỉ chân một lát đã, rồi còn phải leo lên đèo!

BÉ CÔN: Nghỉ chân, nghỉ chân đã mẹ ơi!

BÉ KHIÊM: Em có đi đâu mà reo to được nghỉ!

BÉ CÔN: Em không đi mà đến được đây à?

BÉ KHIÊM: Đi gì mà đi! khi thì ngồi trên lưng cha cõng, khi thì ngồi trong thúng cho mẹ gánh…

BÉ CÔN: Cha có cõng em suốt ngày đâu, cũng có lúc em đi chứ! Còn mẹ gánh em đấy à?

Nói vè

Em ngồi trong thúng

Mẹ gánh cân vai

Mẹ đi đường dài

Nghe em hỏi chuyện!

Phải không mẹ nhỉ?

HOÀNG THỊ LOAN: Khéo bịa chuyện lắm! em nó còn nhỏ, mẹ phải gánh, cha phải cõng nó từng đoạn. Khiêm đừng diễu em nữa!

BÉ KHIÊM: Mẹ ơi, bàn chân con sưng vù đây nì!

HOÀNG THỊ LOAN: Mẹ đã dặn con khi nào bị sưng thì đái nước đái xoa lên nó đỡ ngay thôi mà! Nước đái của mình mới ra còn nóng là vị thuốc quý đấy con à! Hồi mẹ sinh em Côn, mẹ vẫn dùng nước đái của con đấy! Xoa ngay đi con!

BÉ KHIÊM: vâng ạ! (chạy vào)

BÉ CÔN: Cha ơi! coi kìa, cái sợi dây gì đo đỏ vàng vàng, nó vắt ngang trên lưng núi vậy cha?

NGUYỄN SINH SẮC: Con đường đi lên đỉnh đèo đấy con à! Lát nữa mình đi theo con đường ấy đấy!

BÉ CÔN: Thế là lưng núi nó cũng cõng con đường như cha cõng con vậy! (vỗ tay reo) A ha!

Nhảy lò cò, nói vè

Nói cõng con đường

Như cha cõng con

Núi ì một chỗ

Con nhảy lon ton

Cha siêng hơn núi

Đường lười hơn con!

NGUYỄN SINH SẮC: (Cười vui sướng): Em Côn làm được vè, anh Khiêm thua em rồi đó!

BÉ KHIÊM: Nó ngồi trên lưng cha, trong thúng mẹ, không sưng chân, nên mới làm được vè!

BÉ CÔN: Em lớn bằng anh, em cũng tự đi thôi!

HOÀNG THỊ LOAN: Kiêm, Côn ăn cơm nắm đi! Ăn qua loa thôi, kẻo trèo đèo nặng bụng!

NGUYỄN SINH SẮC : Thôi, ta tiếp tục lên đường!

BÉ CÔN: Reo to: Ôi! Cha ơi! Cái ao gì to quá!

NGUYỄN SINH SẮC: Không phải ao đâu! Biển đấy con ạ!

BÉ CÔN: A ha ha! Con biết rồi. Biển rộng quá…

NGUYỄN SINH SẮC: Mình thấy chưa? Quãng đường vào mới mấy ngày đã đưa đến cho hai con ta nhất là cho bé Côn biết bao trang sách!

HOÀNG THỊ LOAN: Đi quãng đàng học sàn khôn mà!

NGUYỄN SINH SẮC: Đúng thế! Thôi ta xuống đèo đi! Bây giờ thì Côn mặc sức tự đi nhé! Đêm nay ta sẽ ngủ trọ dưới chân đèo.

HOÀNG THỊ LOAN:

Nói lối xuống Nam Xuân

Nhìn hai con hớn hở

Lòng mẹ cũng hây hây

Những băn khoăn ray rứt bao ngày

Nhờ mấy dặm qua đèo tan biến

Nam xuân

Tan biến bao điều lo nghĩ

Hướng kinh kỳ dạ thấy lâng lâng

NGUYỄN SINH SẮC:

Tán Nam

Lên đèo con sáng dạ

Xuống đèo mẹ thỏa lòng

Thuyền ta đã rẽ hướng

Dù biển trời mênh mông

HOÀNG THỊ LOAN:

Nam xuân

Vai mang quanh gánh thẳng xông

Nhớ lời mẹ dạy thương chồng phải theo

NGUYỄN SINH SẮC: Hát tiếp

Gió hiu hiu nắng chiều nghiêng bóng

Bên đèo còn vẳng giọng đa đa

HOÀNG THỊ LOAN: Ủa? Hai đứa nhỏ đâu rồi?

Hay là chúng nghịch chui vào rừng?

(Bổng Khiêm, Côn từ trong rón rén ôm lưng mẹ)

Các con làm mẹ hết hồn!

BÉ KHIÊM: Côn nó bày đấy mẹ ạ!

NGUYỄN SINH SẮC: Thôi ta đi mau đến mau quá trọ đi rồi sáng mai vào Kinh thành

(Cùng vào)

Hết hồi I

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HỒI II

 

CẢNH IX

 

Cảnh nhà tranh vách đất

Nhà Nguyễn Sinh sắc ở Huế

 

HOÀNG THỊ LOAN:

Thán lảng

Bảng lảng sông Hương giọng mái nhì

Mơ màng tôi ngỡ giọng đò quê

(Mẹ ơi!) Nhớ nhà nhớ mẹ lòng canh cánh

(Thanh ơi!) Thương xóm thương con dạ nhớ về

(Sinh Cung từ trong lén ra, ngước nhìn trộm mẹ, rồi lặng lẽ vào. Hoàng Thị Loan không hay biết gì)

HOÀNG THỊ LOAN:

Bởi nước khốn nên khiến nhà phải khổ

Vì quan hư nên dân chịu long đong

Cái thời buổi

Vua chẳng nên vua quan chẳng ra quan

Nên công lý công bằng chỉ còn trong cổ tích!

Lũ dốt nát thì nghênh ngang hách dịch

Người học giỏi dân tin thì ngồi ẩn lều tranh

Khiến cho ông Sắc nhà tôi

Lận đận về hai chữ chính danh

Phải đeo đuổi vào kinh thi Đình khổ cực

Nam bình

Khổ cực cũng vì vận nước

Cái thời thế làm sao mà nhà nho uyên bác nhưng không đỗ đạt như cha tôi ngày xưa, ông cử nhân giỏi như ông Sắc nhà tôi bây giờ nói người ta không nghe bằng các ông phó bảng, tiến sĩ mua bằng cấp ngồi ghế cao

Đang giữa thời trọng chức trọng danh.

(Ủa mà mặt trời đã sáng rõ rồi mà bé Côn chưa dậy kìa? Gọi vào trong)

Côn ơi! Sáng rõ rồi, dậy đi con! Dậy rửa mặt súc miệng đi, nhà để mẹ quét cho!

(Lấy chổi, vừa quét nhà vừa hát tiếp)

Tôi rất hiểu ông Sắc nhà tôi

Bước đường khoa bảng đua tranh

Đạo nhà vẫn giữ khinh danh trọng tài

Còn phần tôi thì

Muốn cho con lớn nên người

Hai vai gồng gánh quản gì gian nan

(Gọi) Côn ơi! Côn! Côn bữa nay ngủ ngướng nghe!

Ủa!  Côn đâu rồi?

Côn nó dậy lúc nào? đi đâu cà?

Giếng sau chẳng có

Trước ngõ cũng không?

À hay  là… nó lẻn ra câu cá ngoài sông

Hay nghịch ngợm bắt ve trên cội?

(Hoàng Thị Loan vừa định bước đi, thì Côn từ trong ra, vai vác mớ củi khô)

HOÀNG THỊ LOAN: Chết! Lại đỡ củi xuống. Ai bảo con vậy, hả ?

SINH CUNG: Con phải ra lượm sớm kẻo họ lượm hết mẹ ạ

HOÀNG THỊ LOAN: Mà ai bảo con chứ? Mẹ có sai con đâu.

SINH CUNG: Dạ, con thấy cái bụng mẹ có mang đã to rồi, con sợ mẹ đi lượm phải cúi, mệt, rủi rồi mẹ đẻ rơi.

HOÀNG THỊ LOAN: Con chỉ lượm cành khô dưới đất, hay có trèo bẻ cành khô trên cây không?

SINH CUNG: Dạ… có ạ.

HOÀNG THỊ LOAN: Mẹ đã cấm con không được trèo cây mà.

SINH CUNG: Dạ tại con muốn lấy nhiều củi cho mẹ. Từ nay con không dám nữa ạ.

HOÀNG THỊ LOAN: Thôi, rửa tay rửa chân, lấy cơm nguội mắm sả ăn rồi học bài.

SINH CUNG: À mẹ nì…

HOÀNG THỊ LOAN: Con nói gì?

SINH  CUNG: Tối nay mẹ cho con đi theo  chị Huệ Minh vào cung xem lễ Vạn Thọ, lễ sinh nhật vua, mẹ nhé!

BÀ LOAN: Con làm thế nào vào cung được?

SINH CUNG: Chị Hụê Minh mượn quần áo cho con, dẫn con vào. Chị Tôn Nữ Hụê Minh là quận chúa đấy mẹ à!

BÀ LOAN: Thôi được – nhưng mà phận mình hãy cứ ăn cơm mắm sả cho no đã nghe!

SINH CUNG: Dạ.

(Cùng vào. Sân khấu vắng một lúc

Bà Loan mang guồng tơ ra ngồi quay

Tiếng trống điểm canh một. Sinh Cung ra)

SINH CUNG: Thưa mẹ con đã về

BÀ LOAN: Thế nào? Có thích không?

SINH CUNG: Mẹ ơi! Con được xem hát bộ hay lắm.

BÀ LOAN: Thấy ở đâu?

SINH CUNG: Trong cung làm lễ xong, đội hát bộ diễn tuồng Tiết Giao đoạt ngọc, Tiết Quỳ chỉ hơn con vài tuổi mà làm nguyên soái cầm quân cùng Tiết Giao đánh đuổi Võ Tam Tư Khôi phục nhà Đường.

BÀ LOAN: Thế à! Thế con có thích Tiết Quỳ không?

SINH CUNG: Tiết Quỳ giỏi võ lắm mẹ à

Con cũng đã học võ, mẹ xem nì (đánh thảo ngọc trản, vừa làm bộ vừa đọc câu thảo)

Ngọc trản ngân đài

Tả hữu tấn khai thập tự

Tiến đã tam chiến

Thối thủ nhị linh

Hồi phát địa hổ…

Mẹ thấy con đánh võ Tây Sơn có được không?

BÀ LOAN: Được, được. Con đánh giỏi lắm! mà ai dạy con vậy?

SINH CUNG: Dạ, anh Đào Nhữ Tuyên. Anh ấy học của chú Đội Hiệp, kép hát của cụ Đào, dạy lại cho con – À mẹ nì.

BÀ LOAN: Sao cơ?

SINH CUNG: Sao lễ vạn thọ mà trông vua ngồi trên ngai buồn thiu… con hỏi chị Huệ Minh, chị đưa con bài thơ của vua, đây mẹ xem.

BÀ LOAN: (cầm đọc)

Kỷ độ tang thương Kỷ độ Kinh

Nhất phiên hồi thủ nhất phiên tình

Ngưu hồ dĩ biến tam triều cuộc

Hổ động không dư bách chiến thành

Nùng lĩnh phù vân kim cổ sắc

Nhị hà lưu thủy khốc ca thanh

Cầm hồ đoạt sáo nhân hà tại

Thùy vị giang sơn tẩy bất bình

Con có hiểu không?

SINH CUNG: Có ạ

BÀ LOAN: Vậy, ý bài thơ nói gì?

SINH CUNG: Thưa, ý bài thơ nói về nỗi buồn mất nước ạ.

BÀ LOAN: Vậy thì con đã hiểu vì sao lễ Vạn Thọ mà vua Thành Thái buồn thiu rồi chưa?

SINH CUNG: Dạ, con hiểu rồi.

BÀ LOAN: À, con có nhớ chuyện vua trao thượng phương kiếm cho cụ Đào tuyên án xử chém bồi Ba không?

SINH CUNG: A ha! Con nhớ rồi!

BÀ LOAN: Thôi, khuya lắm rồi, đi ngủ rồi sáng dậy sớm học bài

SINH CUNG: Dạ

(Bà Loan vào. Sinh Cung còn một mình vừa đi chậm vừa lẩm nhẩm)

Âm dương tương phản

Âm dương hổ căn

Âm Dương bình hành

Âm Dương tiêu trưởng

(Vào. Đèn sân khấu tắt)

 

Lớp 2

Vẫn nhà Nguyễn Sinh Sắc ở Huế

 

(Sinh Cung đang ngồi dưới đất dùng que tre vẽ Lạc thư. Bà Loan đi chợ về, đặt quang gánh)

BÀ LOAN: Con làm gì đấy? Nghịch vẽ gì vậy?

(Bước lại nhìn, ngạc nhiên) Ơ! Con vẽ hình Lạc Thư Kinh dịch đấy à?

Ai dạy con?

SINH CUNG: Dạ, cha dạy. Cha bảo về bên này phải ôn lại kẻo quên.

HOÀNG THỊ LOAN: Thế, con có hiểu gì không?

SINH CUNG: Có chứ mẹ. Đây là ma phương, nhưng không phải ma quỷ đâu. Ma là kỳ diệu, phương là hình vuông, tức là hình vuông kỳ diệu.

HOÀNG THỊ LOAN: Kỳ diệu như thế nào?

SINH CUNG:- Nì mẹ xem nì

Cộng tất cả theo các chiều

Nhịp 1

Chiều ngang chiều dọc

Chiều xuống chiều lên

Chiều đông chiều tây

Chiều nam chiều bắc

Đều ra một số

Là số mười lăm

Mẹ thấy đúng không

Hình vuông kỳ diệu

Mà cha còn dạy con cả Âm dương nữa, mẹ nghe nì

Âm Dương  tương phản

Âm Dương hổ căn

Âm Dương bình hành

Âm dương tiêu chưởng

HOÀNG THỊ LOAN: Thế, Âm Dương là cái gì nào?

SINH CUNG:

Nhịp 1

Là bóng tối và ánh sáng

Là ban đêm và ban ngày

Nhưng trong Âm có Dương

Trong Dương lại có Âm

Và Âm Dương là một

(Nói, có vẻ quan trọng) Chỉ là một thôi, mẹ nhé!

HOÀNG THỊ LOAN:Sao lại trong Âm có Dương trong tối có sáng được?

SINH CUNG: – Ứ ừ! Mẹ cứ hỏi đố con

Hát khách phá cách

Mẹ nghe đây

Trong đêm tối có ánh đèn

Trong Âm có Dương là vậy đó

Giữa nắng gắt có bóng cây râm mát

Trong Dương có Âm thật rõ ràng

HOÀNG THỊ LOAN: Con giỏi lắm! mẹ thưởng cho con đây

SINH CUNG: A ha! Bắp luộc!

HOÀNG THỊ LOAN: À mà nầy! Con đã đọc quyển sách mẹ mua cho con chưa?

SINH CUNG: Con chỉ đọc nửa chừng.

HOÀNG THỊ LOAN: Sao thế?

SINH CUNG: Mẹ đã đọc sách ấy chưa?

HOÀNG THỊ LOAN: Chưa – Thấy đầu đề có vẻ hay nên mẹ mua cho con

SINH CUNG: Sách ấy chán lắm.

HOÀNG THỊ LOAN: ồ! Sao vậy!

SINHCUNG: Ông ấy chỉ thuyết về Đạo trung quân

HOÀNG THỊ LOAN: Thì trung quân ái quốc là đúng chứ sao?

SINH CUNG: Không phải như mẹ nói đâu.Vua có tốt thì mới trung được, chứ vua như vua Trụ trong tuồng cụ Đào đam mê tửu sắc, rước yêu quái vào cung đình thì trung sao được hở mẹ? Vua  phải như vua Trần Nhân Tông, vua Hàm Nghi…

HOÀNG THỊ LOAN: (ôm Sinh Cung) Ôi! Con đã lớn rồi đó.

Hát

Con tôi đã lớn khôn rồi.

Mẹ như thấy ánh mặt trời bừng lên

(Bỗng bà ôm bụng) Ôi! Sao bụng tôi quằn quại thế này!

Con dìu mẹ vào giường nằm một lát

(Sinh Cung dìu mẹ vào trong rồi chạy ra lấy mớ củi ra, mở, định phơi…)

HÀNG XÓM: (ra) Côn ơi!

Mẹ cháu đâu rồi?

SINH CUNG:

Mẹ cháu đau bụng, chúa vừa đưa mẹ vào trong nhà

HÀNG XÓM: Để bác vào xem sao (vào rồi ra) Mẹ cháu động thai trở dạ đẻ! Cháu phải chạy sang Dương Nổ thưa cha cháu về gấp

SINH CUNG: Dạ. Để cháu đi mời bà mụ đã!

HÀNG XÓM: Để bác gọi cho, cháu phải đi báo cha gấp!

SINH CUNG: Vâng ạ. Cháu đi ngay đây!

Phải chạy thật mau

Gọi cha về thật gấp

Tẩu

Chạy sang Dương Nổ gọi cha mau

Kẻo sắp sinh em mẹ đẻ đau

Cha bảo thích mẹ sinh em gái

Vì lũ con trai hay cứng đầu!

(Vào)

 

 

LỚP 3

Vẫn nhà Nguyễn Sinh Sắc

NGUYỄN SINH SẮC:

Vợ hậu sản sức đang rất yếu

Con măng tơ thiếu sữa khó thay

Cảnh túng nghèo vật gấu vá vai

(Tôi phải) Gác mọi việc lo bề thang thuốc

Xướng lảng

Trời lặng bỗng nhiên giông gió

Nhà tranh trống trải tư bề

Lớp học bên Dương Nổ đã đành phải tạm nghỉ, nhưng Sinh Khiêm, Sinh Cung cũng chẳng học hành gì được, đứa lo lấy củi nấu cháo, nấu cơm, đứa đi xin sữa cho con, tôi thì lo cắt thuốc sắc thuốc. Tôi rất lo cho bệnh tình của nhà tôi.

Tần tảo quanh năm, khí huyết hao mòn đã lắm (lại thêm) sản sinh một trận, âm dương càng mất cân bằng!

LÍNH (ra): Thưa quan

NGUYỄN SINH SẮC: (ngạc nhiên) Chú ở đâu? Đến có việc chi?

LÍNH: Thưa, có phải nhà quan Cử sắc đây không ạ?

NGUYỄN SINH SẮC: Đúng, tôi là Cử Sắc đây

LÍNH: Bẩm, có công văn Bộ học gửi quan Cử

(Trao công văn, Nguyễn Sinh Sắc cầm)

Dạ, xin bái biệt quan ngài

Tôi lui về phục mệnh

(Vào. Nguyễn Sinh  Sắc mở công văn xem…)

Chao ôi!

Bởi Cụ Đào đề xuất

Bộ học gửi công văn

Cử tôi vào giám khảo thi hương

Đi Thanh Hóa… thật là khó xử!

(Hoàng Thị Loan ra)-

NGUYỄN SINH SẮC: Kìa mình ! mình thấy trong người ra sao?

HOÀNG THỊ LOAN: Uống chén thuốc, ngủ được một giấc nên người thấy rất khỏe. Mình nầy, mình biết không?

Sinh Cung thật thông minh

Đã thuộc lòng Kinh dịch

Tôi hồi nhỏ đến 16 tuổi cha mới dạy cho, mà học cũng chật vật lắm, thế mà nó mới 10 tuổi đã đọc vanh vách. Nó lại còn biết

Phân biệt trung quân ái quốc

Nặng lời chê trách Trụ Vương

Tôi thấy như nó khôn lớn trước tuổi rồi!

NGUYỄN SINH SẮC: Đúng vậy!Tội nghiệp mấy hôm nay chuyên đi xin sữa cho em, chưa học thêm được gì

HOÀNG THỊ LOAN: Thật là tôi để khổ cho con, cho mình-

NGUYỄN SINH SẮC: Sao mình lại nói vậy?

À mình đưa tay tôi xem mạch đi, đi đổi thang thuốc

(Xem mạch) Thôi, mình ở nhà tôi đi cất thuốc (Vào)

HOÀNG THỊ LOAN: (vào trong nhà ẵm con ra) Ờ! Con mẹ đã dậy rồi!

Con mẹ khát sữa đây mà! Tội nghiệp chưa!

Anh Cung đi xin sữa sắp về đấy mà!

Hát ru

Tội nghiệp quá con tôi đói sữa

Mẹ đớn đau vú lép bao ngày

Nam ai

Vì đâu nên nỗi nước này

Hỏi trời, trời thẹn mượn mây lấp đầy

Hát ru

Trời vẫn kéo mây dày ải bắc

Đất vẫn rền gót giặc phương nam

Nam ai

Trông mây luống nhớ quê làng

Nhớ con nhớ mẹ xốn xang tắc lòng

SINH CUNG: Mẹ ơi! con đã về

HOÀNG THỊ LOAN: Con xin được sữa cho em chưa?

SINH CUNG: Chị Huệ Minh giành đi giúp rồi!

Mẹ ơi! Cha sắp đi chấm thi Thanh Hóa phải không mẹ?

HOÀNG THỊ LOAN: Ai nói với con? Mẹ có nghe gì đâu!

HUỆ MINH (mang bình sữa ra): Thưa mẹ sữa đây!

SINH CUNG: À, chị Huệ Minh nói với con đấy, mẹ à!

HUỆ MINH: Nói chuyện cha em sắp đi chấm thi phải không

HOÀNG THỊ LOAN:  Huệ Minh, con nghe ai nói vậy!

HUỆ MINH: Dạ, con nghe bác ở Bộ Học

(Nguyễn Sinh Sắc, cầm mấy thang thuốc về)

NGUYỄN SINH SẮC: Cung đã về rồi đấy à!

SINH CUNG : Chị Huệ Minh đi xin sữ giùm con đấy cha à!

Cha ơi! Cha có đi Thanh Hóa chấm thi không?

NGUYỄN SINH SẮC: (giật mình): Ai nói cho con vậy?

HUỆ MINH : Thưa con ạ!

HOÀNG THỊ LOAN: Có đúng vậy không hả mình?

NGUYỄN SINH SẮC: Có. Giấy Bộ tư về mấy hôm nay, nhưng tôi còn suy tính nên chưa nói với mình.

HOÀNG THỊ LOAN: Sao mình không phải quan của Bộ mà Bộ cũng cử chấm thi?

NGUYỄN SINH SẮC: Phép chọn giám khảo xưa nay vẫn thế

Nhưng lần này, Bộ học cử tôi là cũng do lời đề cử của cụ Thượng Đào. À! Con uống sữa no chưa?

HOÀNG THỊ LOAN: Nó uống no ngủ say rồi! Mà tại sao cụ Thượng Đào lại đề cử mình chấm thi?

NGUYỄN SINH SẮC: Chắc mình cũng đã thường nghe cha nói rồi. Triều đình mở các khoa thi là để kén chọn nhân tài chứ không phải để mua quan bán tước. Vậy mà người ta hiện nay do cái tệ quan tham lại nhũng cho nên

Khách Nhiều giám khảo thiếu vô tư.

Một số cấu kết ăn tiền với bề trên, một số thì xu nịnh kẻ lớn, lại có cả những giám khảo không hiểu nổi bài văn của thí sinh, quen thói nịnh hót, thích những bài văn dở thù phụng bề trên hơn là những bài văn bàn sâu về nhân tình thế thái đạo lý làm người, cho nên họ

Chọn kẻ dở bỏ người hay, học vị trao cho phường thiển cận

Cũng do vậy mà những vị cương trực trong bộ học đề cử tôi ra chấm thi, đặng mà

Góp sức ngăn trò hối lộ

Quyết loại cho được lũ con ông cháu cha vô tài bạc đức, cố chọn cho được những kẻ tài cao đức rộng, có nhiệt huyết, biết thương dân

Nâng người tài, bài lũ dốt, khoa danh dành chọn bậc anh tài

HOÀNG THỊ LOAN: À, thì ra vậy à! Vậy thì bao giờ mình mới đi!

NGUYỄN SINH SẮC: Đáng lẽ phải đi từ hôm qua, nhưng tôi thấy cảnh nhà khó khăn quá, nên định xin cáo

HOÀNG THỊ LOAN: Sao lại xin cáo?

NGUYỄN SINH SẮC: Chứ mình còn yếu, con không sữa thế kia…

HOÀNG THỊ LOAN: Không! Tôi thấy trong mình đỡ nhiều rồi, mình phải sửa soạn đi ngay cho tròn phận sự, và cho Khiêm nó đi pha trà nấu nước cho mình

NGUYỄN SINH SẮC: Mình ở nhà với mỗi Cung sao? Không được đâu!

HUỆ MINH: Thưa thầy, có con bên cạnh mẹ, có các bạn con cụ Đào nữa mà

HOÀNG THỊ LOAN: Còn láng giềng hàng xóm nữa! Mình không phải lo lắm đâu!

HUỆ MINH: Thưa thầy, thuốc sắc làm sao ạ?

NGUYỄN SINH SẮC: À! Huệ Minh giỏi lắm! Sắc ba chén còn một! Con ở nhà giúp cô, nhắc nhở em Cung giùm thầy nhé! Thấy rất biết ơn con.

HUỆ MINH: Dạ, con không dám! Con coi cô như mẹ con!

HOÀNG THỊ LOAN: Mình cứ yên tâm mà đi cho tròn phận sự

SINH CUNG: Cha phải đi đi, cha yên tâm! Con đã lớn rồi!

NGUYỄN SINH SẮC: Thôi thì tôi tin ở mình, ở cô bác hàng xóm, ở các cháu, tôi đi đây!

KHIÊM: (lại cạnh mẹ) Mẹ ơi! Mẹ phải mau mạnh đi nghe mẹ

Con đi với cha…

(Nguyễn Sinh Sắc và Khiêm vào, em bé khóc…..)

SINH CUNG: Mẹ đưa em con ru cho. Mẹ vào ngủ đi

HUỆ MINH: Cung ru em, chị đi sắc thuốc, nấu cháo cho mẹ luôn nghe!

(Huệ Minh vào)

SINH CUNG: Em ơi! Bà ngoại ru anh câu gì, anh ru em câu ấy đây

Hát ru em

À ơi! Dân vạn đại quan nhất thời

Ghế quan ai ngồi xin chớ thờ ơ

Giúp dân dân lập đền thờ

Hại dân dân đái ngập mồ thối xương

À ơi! Hời hời………

À may quá, bé Xin ngủ rồi!

(Ẵm em vào. Đèn tắt)

 

LỚP 4

Vẫn nhà Nguyễn Sinh Sắc ở Huế

HOÀNG THỊ LOAN: Nghĩ tức thật!

(Sao mà) Bệnh tình cứ trở đi trở lại

Đã vắng chồng thêm khổ cho con

Không hiểu ông Sắc nhà tôi có gặp việc gì rắc rối không mà đã hơn tháng chưa thấy về? Hay là

Tay thanh liêm còn có chỗ vụng về

(Nên chi) Bọn tham nhũng đã gây điều bất lợi?

Còn Sinh Cung ở nhà với tôi thì

Suốt ngày lo cho em cho mẹ

Việc học hành cam chịu dở dang

Tội nghiệp cho Sinh Cung quá!

(Ho sù sụ – Bé Xin khóc)

Ờ, ờ. Để mẹ vào! vào ẵm con ra

Ờ, con mẹ đã thức dậy rồi! Ờ con nín đi!

Con tôi khát sữa đây mà! Anh Côn con đi xin sữa sắp về đấy mà!

SINH CUNG: (ra) Mẹ ơi! Sữa của em đây rồi!

HOÀNG THỊ LOAN: À, con về đấy! Con tôi giỏi quá!

SINH CUNG: Con đi nấu cháo nghe mẹ.

HOÀNG THỊ LOAN: Thôi, con hãy nghỉ đã! À! Hay là con ra chợ mua cháo, đỡ phải nấu, con à!

SINH CUNG: Sao cha đi chấm thi lâu quá vậy mẹ? Hơn tháng rồi!

HOÀNG THỊ LOAN: Chắc cha cũng sắp về rồi! (Ho sặc sụa)

SINH CUNG: Mẹ, mẹ, mẹ có sao không mẹ?

HOÀNG THỊ LOAN: Không sao, mẹ chỉ ho chút ít thôi! Con đi mua cháo về ăn kẻo đói, em nó hết khóc rồi!

SINH CUNG: Dạ! Con đi đây

(Sinh Cung vào)

HOÀNG THỊ LOAN:

Tôi đây gượng làm khỏe cho con yên dạ

Chứ trong người nghe như cá sắp ươn

Mắt chơi vơi chân bước chập chờn

Tay rời rã hồn như điên đảo

(Lảo đảo, quay, ngã. Trong khi bất tỉnh, giữa cơ mê sảng, bà Loan thấy quỷ sứ hiện về )

QUỶ SỨ: Hỡi linh hồn Hoàng Thị Loan!

Hỡi linh hồn Hoàng Thị Loan!

HOÀNG THỊ LOAN: Ai gọi tôi?

QUỶ SỨ: Ta đây!

HOÀNG THỊ LOAN: (sợ hãi) Ôi chao! Ông là ai mà

Đầu trâu mặt ngựa

Tay phất cờ đen

QUỶ SỨ:

Ta chính là quỷ sứ Diêm Vương

Hồn người hãy theo về âm phủ.

HOÀNG THỊ LOAN: Ngươi là quỷ sứ à? Không! Không! Ta không thể chết!

Ngươi hãy xéo đi!

QUỶ SỨ:

Giá ban Tuân lệnh ta ngay!

Hồn phải về nơi âm cảnh

HOÀNG THỊ LOAN: Không được! Không được!

Con ta còn thơ dại

Phải nuôi cho nó trưởng thành

Phải nuôi cho nó trưởng thành

(Quỷ sứ phất cờ đen đuổi bà Loan).

QUỶ SỨ: Quyết thi hành lệnh Diêm Vương

HOÀNG THỊ LOAN: Giận quá bọn ngươi ác độc!

Ta phải sống, ta phải sống!

Sống cho con trẻ trưởng thành

Sống cho con trẻ trưởng thành

Hãy cút đi!

(Quỷ sứ biến mất. Huệ Minh ra, nghe tiếng thét của bà Loan, đến lay gọi)

HUỆ MINH: (gọi to)  Mẹ ơi!

(Bà Loan tỉnh dậy thở hổn hển)

Mẹ đã tỉnh rồi Côn ơi

SINH CUNG: – Mẹ có đỡ nhiều không mẹ?

HOÀNG THỊ LOAN: Côn à! Con vào lấy bản vẽ Lạc thư ra đây cho mẹ xem

(Sinh Cung vào cầm bản vẽ Lạc thư ra)

HOÀNG THỊ LOAN : Năm xưa mẹ đến mưới sáu tuổi ông ngoại mới dạy,  mà mẹ học còn chật vật, thế mà con mới lên mười con đã học thuộc, mẹ vui lắm con ơi!

Hát khách Hãy gắng con ơi!

SINH CUNG: Mẹ làm sao thế mẹ?

HOÀNG THỊ LOAN – Mẹ chẳng sao đâu, mẹ tỉnh táo lắm

Hát tiếp

Trí óc mở mang, mau chóng trưởng thành lo sự nghiệp

SINH CUNG: Thưa mẹ, con sẽ gắng học, nhưng mà mẹ phải chóng khỏe cơ!

Hát khách Vâng lời mẹ dạy, gắng công học tập

(Cha về cha sẽ dạy thêm cho con đặng mà)

Lớn lên giúp nước giúp dân mình

HOÀNG THỊ LOAN: Con của mẹ giỏi lắm! Nhưng có điều nầy quan trọng hơn – Sinh Cung ơi!

Khách

Chớ khóc chớ than tình cảnh mẹ

(Mà hãy) Noi gương noi chí những anh hùng

Hãy gắng lên con hỡi Sinh Cung

Mẹ luôn ở bên con mãi mãi

(Tắt thở. Sinh Cung chạy tới gục vào người mẹ)

SINH CUNG:

Nói lối đạp ai

Mẹ ơi! Mẹ bỏ đi quá gấp

Để các con côi cút trên đời

Cha và chị anh vẫn còn ngoài Bắc xa xôi

Con khóc mẹ tàn hơi nghẹn tiếng

Bài Kỳ ba

Thương mẹ mắc vào cơn bệnh trọng

Con giận mình chẳng biết xở xoay sao

Những tưởng mẹ đang hồi tỉnh lại

Ngờ đâu sự thực quá thương đau

Ngờ đâu sự thực quá thương đau

Nam ai

Đau đớn đất trời có biết

Nỡ nào bày tang tóc ngày xuân

(Thét lên) Mẹ ơi!

(Huệ Minh chạy đến đỡ Sinh Cung. Đèn tắt)

 

LỚP VĨ THANH

Ca khúc

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như  nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Thờ mẹ kính cha

Ai ơi! Bà mẹ Làng sen

Chín tháng cưu mang

Ba năm bú mớm

Vai gánh vai gồng

Mười năm nuôi dạy

Sinh cho đất nước

Lãnh tụ thiên tài

Sinh cho thế giới

Một bậc danh nhân

Nhớ công ơn Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhớ công ơn Người, Bà mẹ Làng sen