Khơi nguồn Mỹ học dân tộc (P4)

18/10/2020

 

(Tiếp)

2. Kết cấu không trọn vẹn (kết lửng), hệ thống mở

Một đặc trưng truyền thống nữa của âm nhạc dân gian ta là kiểu mà nhiều người gọi là “kết lửng” 1 khác với kiểu “kết trọn” của cổ điển. Khi sưu tầm dân ca, một số nhạc sĩ tiến hành chỉnh lý ngay trong bản phổ sưu tầm, nhằm “khắc phục hạn chế ấy’ của nó! Một ít bạn thận trọng hơn, cứ để nguyên, với suy nghĩ rằng: dân ca thường là để đối đáp, do đó nó kết lửng, nhằm chờ người hát đáp. Nhưng tôi, sau khi học những nguyên lý cơ bản của Kinh Dịch do thầy Cao Xuân Huy giảng, dựa trên quan niệm vũ trụ vận động không ngừng 2, dựa trên ý của Nhạc ký – “âm nhạc không được vi phạm hài hòa vũ trụ”, tôi đoán rằng có lẽ do nhận thức sự vận động không ngừng ấy mà Dịch lý, biện chứng đều gặp nhau: “Vận động là tuyệt đối, đứng im là tương đối chăng” Đặc biệt, trong quan niệm bác học cổ theo Phật giáo, con người sau khi chết rồi, vật chất vẫn tiếp tục vận động. Và đó cũng là quy luật sinh học.

“Hồng rơi đâu phải vô tình

Hóa thành bùn lại nuối cành hoa xuân”.

Sau khi tìm hiểu sự khác biệt cơ bản giữa cấu trúc động và cấu trúc tĩnh, tôi thấy:

– Cấu trúc tĩnh là một cấu trúc tuyến thẳng, cấu trúc động lại là cấu trúc đường cong phi tuyến. Để dễ hiểu hơn, do trình độ khoa học tự nhiên quá kém của mình, tôi đã thử so sánh hai kiểu cấu trúc tĩnh và động do con người tạo ra đó là cấu trúc cơ học và cấu trúc điều khiển học (vì điều khiển học là khoa học làm cho cái máy bắt chước sự sống).

 Đối với một cấu trúc cơ học (tĩnh) khi đóng điện hoặc mở xăng thì máy chạy, mở điện hay tắc xăng thì máy đứng. Ở đây, dòng xăng, dòng điện là tuyến. Nhưng ở cấu trúc của điều khiển học (động) thì, muốn cho nó hoạt động phải tạo cho nó một mạch điện một đóng, một mở liên tục. Như thế là dòng điện ở đầy mất tuyến, cơ chế trở thành một cái máy vừa có tuyến vừa không tuyến, có nhịp một đóng một mở xuyên suốt. Đến khi tìm hiểu đồng hồ sinh học thì tôi hiểu ra hơn (Kinh Dịch cũng có nói “một đóng, một mở là biến) .

Chính do nguyên nhân ấy, mà truyền thống âm nhạc ta đã sáng tạo nên âm nhấn nhá luyến láy, nghĩa mà một dạng “âm có nhịp” khác với nhạc âm bình quân, định âm, rung giọng, là một nhạc âm tĩnh, không có nhịp xuyên. (âm luyến láy, nhấn nhá, thực chất là một nhạc âm vừa cao, vừa thấp quyện vào nhau).

Qua những suy nghĩ trên, tôi cho rằng kỹ thuật “kết lửng” căn bản là do mô phỏng vận động sinh học, nó có ý nghĩa làm cho cấu trúc không trở thành một chu kỳ khép kín thuộc hệ thống đóng 3 mà trở thành chu kỳ “hủy hoại cũ tạo sinh thành mới” (sinh học) hay “liên hệ ngược tạo ra quá trình mới” (điều khiển học) thuộc “hệ thống mở” 4. Phương thức ấy bắt nguồn từ Kinh Dịch dân gian (tục ngữ) đã được tư tưởng Phật giáo củng cố thêm từ thế kỷ II trước Công nguyên. Tôi vô cùng tâm đắc với những ý kiến sau đây của Tiến sĩ Jagovlép trong chương Tương đối luận Phật giáo: Tư tưởng về tính chất không phân chia được giữa chủ thể và khách thể, con người và tự nhiên, vật chất và tinh thần là tư tưởng nền tảng của nhận thức luận Phật giáo. Nguyên tắc này đương nhiên ảnh hưởng tới các nguyên tắc mỹ học của Phật giáo, đến quan niệm về cách cắt nghĩa bản chất mục đích chức năng của nghệ thuật. Đồng thời tương đối luận của Phật giáo đã ảnh hưởng đến nghệ thuật phương Đông giúp củng cố nguyên tắc không trọn vẹn (non – finito) trong nghệ thuật. Vấn đề non finito 5 thực tế đã nảy sinh trong nghệ thuật phương Đông. Chính Phật giáo với học thuyết về thế giới cảm giác vĩnh viễn biến đổi đã đem cho nghệ thuật phương Đông một nguyên tắc phương pháp luận quan trọng cho phép nghệ sĩ tạo nên một thế giới độc đáo của các hình tượng nghệ thuật phương Đông. Vì thế họa sĩ Su Shi đã có câu: “Khi vẽ cái cây, cần cảm thấy cái cây đang lớn”. Nếu ở phương Tây, nguyên tắc “non – finoto” nảy sinh và tồn tại trong sự tranh cãi, không phải như một nguyên tắc thực thụ mà chỉ như bút pháp của từng bậc thầy nhất định, thì ở phương Đông, kiểu “không trọn vẹn” (non – finito) là nguyên tắc phổ biến thấm nhuần cả trong nghệ thuật truyền thống lẫn nghệ thuật hiện đại” 6.

“Kết lửng” trong ca nhạc dân gian dân tộc ta, chắn là một cách thể hiện kiểu “non – fmito” ấy . Đó cũng là đặc trưng cơ bản của cấu trúc. Nếu ta nhìn nó bằng con mắt của cấu trúc tĩnh, ta sẽ dễ có cảm giác “không hoàn chỉnh không trọn vẹn”. Thực ra, đấy lại chính là sự hoàn chỉnh của cấu trúc động, thuộc hệ thống mở, một đặc thù quán triệt các cấu trúc sinh học – bắt nguồn từ vũ trụ quan sinh học.

Một bên là “hoàn chỉnh tĩnh cơ học”, một bên là “hoàn chỉnh động, sinh học”, hoàn chỉnh bất biến và hoàn chỉnh biến hóa.

Nhìn lại phương pháp vận động mô hình sinh học của làn điệu dân ca và ca nhạc cổ, kịch hát dân tộc, ta càng thấy rõ mối liên hệ không độc đoán hóa quyền của người sáng tác, mà dành quyền ứng tác bổ sung, không ngừng tiếp tục sáng tạo cho người biểu diễn, đó vừa là một kiểu dân chủ, vừa là một quy trình vận động không ngừng của tác phẩm âm nhạc do quan hệ chủ khách thể 7. Ta thấy dấu ấn của Dịch lý: “Bất dịch – Giao dịch – Biến dịch”.

3. Vận động liên tục, vận động sinh học, biện chứng

Trên kia, tôi đã giới thiệu hình thức gối đầu, xếp ngói quán triệt trong âm nhạc dân gian dân tộc ta, trong khi ở ca nhạc bình quân cái quán triệt lại là không gối đầu, gián đoạn Hiện tượng ấy cũng phản ánh quy luật cấu trúc. Trong cấu trúc tĩnh (cấu trúc cơ học) nói chung, các bộ phận của cấu trúc không có mối chuyển hóa lẫn nhau trong cơ cấu của mỗi cái, mà mối liên hệ tổng thể được tiến hành nhờ tuyến (dòng điện, dòng hơi đốt). Do đó, tuyến là nguyên tắc khoa học bất khả vi phạm của kiểu cấu trúc tĩnh.

Ngược lại, ở cấu trúc động, phi tuyến, thì các bộ phận đều có mối liên hệ hữu cơ với nhau từ trong cấu trúc bộ phận, cái này sinh ra mầm mống cho cái kia, không cần tuyến. Hình thức gối đầu ngụ ý: mầm mống quá trình sau được sinh thành từ trong giai đoạn cuối của quá trình trước. Đó là cái bất khả vi phạm của kiểu cấu trúc này, cấu trúc sinh học, biện chứng.

Vậy kiểu “xếp ngói”, “gối đầu” liên tục ấy có nguyên nhân khoa học triết học từ đâu? Cố tìm trong Kinh Dịch, tôi thấy có lẽ nó mô phỏng nguyên tắc “Âm Dương tiêu trưởng” (âm Dương thay nhau lớn lên và mất đi). Dương cực sinh âm, âm cực sinh dương (âm phát triển đến cùng tột sinh ra mầm mống của dương, dương phát triển đến cùng tột sinh ra từ trong lòng nó mầm mống của âm). Trong cấu trúc âm nhạc dân tộc, khái niệm âm dương được thay bằng khái niệm trống, mái (Câu trống câu mái, vế trống vế mái, âm trống âm mái). Một nguyên tắc hết sức quan trọng nữa của học thuyết âm dương là trong âm có dương trong dương có âm 8. Theo Dịch học, thì âm dương vừa nằm trong cái vĩ mô (chí đa) vừa nằm trong cái vi mô (chí nhất). Như thế, trước hết, âm dương mang ý nghĩa nhịp sinh học, nhịp tổng quát của vũ trụ và nhịp tinh tế trong từng tế bào. Đồng thời nó cũng mang ý nghĩa về phép biện chứng của tự nhiên. Phép biện chứng của tự nhiên còn đầy đủ hơn Phật giáo. Dịch học đã quy phạm vận động âm dương như sau: 

Âm dương tương phản (âm dương đối lập nhau);

Âm dương hỗ căn (âm dương làm gốc cho nhau); Âm dương bình hành (âm dương giữ thế cân bằng cho nhau);

Âm dương tiêu trưởng (âm dương thay nhau mất đi và lớn lên).

Liên hệ kỹ với vận động âm dương, trống mái, tôi thấy hình thức “xếp ngói”, “gối đầu” mang ý nghĩa “quá trình sau có mầm mống từ trong quá trình trước”, không chỉ ngụ ý âm dương tiêu trưởng, mà cả âm dương hỗ căn. Liên hệ sang phần sinh học, tôi thấy khá rõ: đêm, thực ra bắt đầu từ một giờ chiều và ngày bắt đầu từ một giờ sáng 9. Cho nên, tôi quyết đặt tên hình thức xếp ngói, gối đầu ấy đúng bản chất của nó là “vận động sinh học”. Về mặt triết học đó là vận động biện chứng.

Phương thức “vận động sinh học” liên tục ấy, trong âm nhạc dân tộc không chỉ được biểu hiện với hình thức gối đầu, mà còn được biểu hiện dưới một dạng nữa, đó là dạng: giai điệu không bao giờ đứng im, không có trạng thái trung hòa; về mặt kỹ thuật, cụ thể có thể nói là không có “nốt trắng”, “nốt tròn”.

Trong các bản nhạc cổ, nếu chỉ vào lời ca thì ta tưởng như nó có “nốt trắng’, “nốt tròn”. Nhưng mỗi khi tiếng ca của câu trước ngừng khá lâu mới tiếp câu sau thì lập tức có một “đoạn nhạc”, xen vào. Những “đoạn nhạc” ấy, chèo gọi là “lưu không”, cải lương, ca Huế gọi là “chầu”, “thòng”. Ví dụ câu thứ 3 lớp thứ 1 cửa bài “Xàng xê cải lương”:

Ca: Hễ đấng vị thần thì sánh ký từ quy.

Nhạc chầu: Cống xê xang xừ hò xự xang cống xê xang cống xề.

Nam Bình Huế ca: Nước non ngàn dặm.

Nhạc Chầu: Lìu xề phàn lìu lìu tồn.

Ca: Ra đi, cái tình chi…

Nam – Ai Huế- ca: Khi trăng đợi non Đông.

Nhạc Chầu: Công xê liu cống xê công xê xang…

Ở hát tuồng thì hình thức ngân dài của điệu hát Nam sau lời hát có thể được vẽ như một đường lượn sóng cứ lên cao và nhỏ dần.

Quan sát kỹ thì những câu “nhạc chầu” mà lúc đầu tôi quy là “gián tấu”, thực chất không phải là gián tấu như ở ca khúc mới, mà là sự “đổi ngôi”, sự “nhảy lên thay thế của nhạc đàn vào chỗ mà lời ca nhường cho” và nếu ghi nhạc ca ra ký âm, thì chỗ nó dứt, nhường cho nhạc đàn thay ngôi cũng không có “nốt trắng, nốt tròn”. Cũng chính do thế mà kỹ thuật “rung giọng” hay ngân thẳng đuột của hát mới, một kỹ thuật được tạo ra nhằm phục vụ các “nốt trắng”, “nốt tròn”, các giây phút đứng im, trung hòa của giai điệu trong phương thức vận động gián đoạn, rất hiếm có trong truyền thống thanh nhạc dân tộc ta.

Đặc biệt, âm nhạc dân gian truyền thống có kiểu biểu hiện quan hệ nhịp sinh học “hủy hoại/sinh thành” khá độc đáo: trong nhạc đám cưới có xen điệu buồn, biểu hiện tâm tình của nhà dâu “mất con gái”, trong nhạc đám ma có xen điệu vui, biểu hiện sự “thác sinh mới” (quy trình sinh học mới) sau khi chết.

Riêng ở người Kinh, ở tuồng, hình thức kết lửng được biểu hiện ở đặc điểm hầu hết các điệu hát đều kết thúc bằng “vế trống”, “láy trống”, tức là vế và láy có âm hưởng đi lên và dứt lơ lửng. Ở văn ca trù, tôi cũng thấy khá rõ nó luôn luôn được kết bằng “vế lục”, tức là vế mở đầu của câu lục bát (vế bát là vế cuối) và vế lục cũng chính là “vế trống” theo quan niệm tuồng. Chúng ta rất dễ thấy đó là quan niệm sinh học trong kỹ thuật

4. “Nhạc âm động” (nhấn nhá, tuyến láy) cao độ tương đối

Chúng ta thường quen gọi nhạc âm dân tộc là “nhấn nhá” Giáo sư Trần Văn Khê gọi một cách khoa học hơn: nhạc âm có cao độ tương đối, nhằm phân biệt với nhạc âm có cao độ tuyệt đối của âu Tây 10. Theo nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thì: “… cao độ của nó và từng âm của nó rất mềm. Mỗi âm lại được phủ bởi nhiều âm khác rất tinh tế xung quanh. Bằng những luyến láy người ta tạo nên những ấn tượng đặc biệt về sự mềm mại, uyển chuyển của giai điệu” 11.

Hiện nay, trong công tác cải tiến nhạc cụ dân tộc, ngành nhạc đang có khuynh hướng tiến tới cao độ tuyệt đối. Có nhạc sĩ cho rằng, nhấn nhá chỉ cần thiết đối với các bản Nam, còn bản Bắc thì không cần. Thực ra thì bản Nam, bản Bắc gì của ta đều phải nhấn cả. Bản Bắc nhấn nhanh, cứng hơn, bản Nam nhấn chậm, mềm hơn. Một số anh em chúng tôi ngày xưa, khi muốn đánh giá Lưu Thủy, Hành Vân, Kim Tiền, bằng măngđôlin “cho nó oai”, đã buộc phải dặm thêm thật nhiều âm vào bản nhạc đã dành cho đàn dân tộc, để làm mờ nhấn nhá đi, thì mới nghe được. Ví như:

Kim tiền đàn nguyệt:

Ú xán liu, xề cộng tồn liu

Ú xán liu cộng liu… xề…

Kim tiền đàn măngđôlin:

Ú liu ú xán liu, xán u liu xề xàng xề cộng liu

Tôn liu xán cống xế xán ú, xán ú liu cộng liu ú liu xề …

Âm nhấn nhá đã được sáng tạo không chỉ nhằm làm cho âm nhạc mô phỏng được tiếng nói rất uyển chuyển của dân tộc Việt ta, mà còn nhằm thực hiện một nguyên tắc sinh học khác: Nguyên tắc âm – dương, (trống – mái) trong vi mô, nguyên tắc chuyển hóa không có trung hòa (trong âm nhạc là yếu tố trung gian) và nguyên tắc nhịp xuyên suất của cấu trúc động, sinh học.

Âm nhạc dân tộc ta có đặc trưng là chuyển từ Bắc sang Xuân, từ Xuân sang Ai,… không cần trung gian. Đó là một tiêu chuẩn làm cho đoạn hát tuồng của nghệ sĩ Năm Đồ (thành phố Hồ Chí Minh) được trao giải nhì trong cuộc thi âm nhạc các dân tộc mới trỗi dậy do UNESCO tổ chức. Hiệu quả ấy chính là do ầm nhấn nhá. Do đó, tôi tưởng nên gọi tên khoa học của nó là: nhạc âm động, có lẽ đúng hơn cả. “Nhạc còn động” ấy trong ca hát dân gian đã được tiến hành bằng luyến láy 12 mà nền tảng nhất là láy âm dương ở tuồng, ca trù lấy hạt ở chèo, quan họ, ca trù.

Đó là một hình thức ngân dài theo kiểu làn sóng. Đồng hồ sinh học kết luận: “Hoạt động sống là một tiến trình làn sóng” 13 Kinh Dịch ghi: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo” (sự kết hợp âm dương được Kinh Dịch biểu hiện bằng một đường làn sóng). Tôi nghĩ rằng, “nhạc âm động” (nhấn nhá, luyến láy) ấy trong cấu trúc bài hát, bản nhạc dân tộc có vai trò cơ bản như mạch điện “có – không” trong cấu trúc điều khiển học: mất nó cơ chế tự điều chỉnh sẽ trở thành một cơ chế cứng nhắc; như nhịp sinh học, mà mất nó, sự sống sẽ không còn.

Cải tiến nhạc cụ dân tộc từ nhấn nhá Bang định âm, chỉnh lý bài hát cho có thể rung, bỏ luyến láy, không thể gọi được là cải tiến, mà là chuyển thể sang cấu trúc tĩnh. Đó là quy luật khách quan về mối liên hệ giữa tổng thể, bộ phận và đơn nguyên “Nhạc âm động”, âm nhấn nhá (ca độ tương đối), chính là tế bào của cấu trúc động; mất nó, cơ chế lập tức sẽ phải chuyển sang cấu trúc tĩnh. Hướng cải tiến nhạc cụ của Nhạc viện hiện nay về cơ bản là nhằm làm cho nhạc cụ dân tộc ta từ bỏ âm nhấn nhá, bỏ cao độ tương đối, chấp nhận cao độ tuyệt đối, để thích ứng với cấu trúc tĩnh, với phương pháp bác học cổ điển phương Tây. Ngay cả về thang âm điệu thức, khi mất cao độ tương đối đi vào cao độ tuyệt đối, thì thang âm điệu thức ấy cũng không còn đầy đủ bản sắc dân tộc nữa. Cho nên, hướng “dân tộc hiện đại” của ngành nhạc chính thống hiện nay,theo tôi, thực chất là hướng cơ giới hóa truyền thống âm nhạc, hướng “gieo vừng ra lúa mì”.

. Trên kia, tôi đã giới thiệu hiện tượng “đảo bát độ” (đảo quãng tám) trong nhiều bản nhạc cổ. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cũng thấy, nhưng bỏ qua, có lẽ cho là dân gian, không bác bỏ, không cần lưu ý. Tôi thì rất thú vị, nhưng ngẫm nghĩ mãi, cắt nghĩa không ra.

5. Âm gian 14 5 – 10 – khúc thức âm – dương

Tình cờ một hôm ngồi ngẫm về thăng âm: “Hò xư xang xê cống líu, tôi lấy làm lạ, tại sao ở nhạc mới âm đồ khi lên bát độ thì gọi là đố, mà ở ta âm hò, khi lên bát độ, không gọi là hó mà lại gọi là líu? Hó hay líu 15 nào có ý nghĩa gì đâu? Tôi đến một nhạc sĩ thân quen nêu thắc mắc ấy. Nhạc sĩ đáp: “Gọi líu cho nó khác âm, cho sinh động hơn, đó cũng là một sự tinh tế của ta vậy!” Tôi thấy cũng hay nhưng chưa thông với kiến giải ấy. Về nhà, ngẫm nghĩ thêm, tôi thấy âm có chỗ còn được gọi là lìu. Cầm đàn nguyệt lên đánh, khảo sát, tôi thấy lìu đúng là tên gọi âm ỗ dây buông, còn hò là âm ấy ở chỗ có phím bấm. Tôi thấy đó đúng là một tế nhị của cha ông ta, nhưng còn , líu? Tôi lật “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn. Ông viết “Hò là Thái cung, líu là Thiếu cung” (nghĩa là: cùng một cung nhưng chỉ âm già, líu chỉ âm trẻ). Như thế là Lê

Nhưng hãy còn tối nghĩa quá! Đọc sang chương bàn về âm giai, Lê Quý Đôn ghi âm giai của ta là: Hò xự xang xê cống cấu líu ú xán. Như thế là Lê Quý Đôn không dừng lại ở âm giai ngũ cung (nhạc sĩ ta hiện nay gọi là thang âm 5) mà tiến đến 9. Tôi lấy đàn nguyệt, vừa đánh bản Nam Bình Huế vừa ca theo. Chợt, đến chỗ, “đảo bát độ”: xê xang xang, xê líu cống xàng; Oạn oạn liu xừ xừ, liu liu xán xán liu. Với lời ca: “Dặn một lời Mân Quân…” tiếp sau “bóng như hoa quỳ”, âm điệu đang từ xàng bỗng chuyển sang oan, liu, xán…, nhờ giọng ca làm rõ thêm, tôi có cảm giác như giữa đêm tối bỗng 1óe ánh bình minh!… Nhớ lại Dịch lý Thái Thiếu (già trẻ) cũng là hai phương diện của âm dương, mà tối sáng cũng là hai phương diện khác của nó.Tôi làm một thử nghiệm:

Tôi thử ghi âm giai Lê Quý Đôn và “cải biên” nó ra: Hò xự xang xê công – líu ú xáng xế cống, cho dễ hiểu, và chia thử nó ra thành nửa tối nửa sáng: hò xự xang xê công, thuộc về tối đêm, líu ú xán xế cống, thuộc về sáng ngày, theo sơ đồ dưới đây:

Đêm/tối: Hò xự xang xê công

Ngày/sang: Liu ú xán xế cống.

Tôi chợt thấy rõ rằng, cảm giác đang đêm tối bỗng 1óe sáng ánh bình minh ấy của tôi ở bản Nam Bình Huế được gây nên do: cả đoạn đầu, bản nhạc sử dụng toàn những âm tối, bát độ dưới. Khi chuẩn bị chuyền đoạn sang kết thúc nó chuyển hẳn lên các âm sáng thuộc bát độ trên.
Khảo sát sang các bản Bình bán, Kim tiền, tôi cũng thấy gần như thế. Bản Bình bán, đoạn trước sử dụng toàn các âm sáng.

“Liu tồn liu xán u

Ú liu cộng liu u xán liu…

đến đoạn kết thì chuyển sang các âm tối:

 “Xự xang hò xự xang

“Xê xang hò tồn hò xự xang. . .

Bản Kim Tiền cũng thế. Hai bản này gây cảm giác Ngày hết chuyển sang đêm”. Như thế tôi nghĩ có thể ví là 7 giờ tối và liu là 7 giờ sáng.

Tôi cho rằng đấy là một cách vận động âm dương (dương cực sinh âm, âm cực sinh dương) trên bình diện vĩ mô của khúc thức. Tham khảo nhịp điệu ngày đêm (rythmes circadiens) một nhịp rất cơ bản trong vận động sinh học, tôi tạm đặt cho nó cái tên “khúc thức âm đương” (ngày đêm) 16. Tôi chưa có đủ điều kiện khảo sát về sự quán triệt đến mức nào của kiểu “khúc thức ngày đêm” trong ca nhạc cổ truyền, tuy nhiên, tôi vẫn thấy hứng thú về kiểu ấy.

Việc gợi thử một kiểu thang âm 5 – 10 và “khúc thức tối – sáng, âm – dương (ngày – đêm)” của tôi được một số bạn tâm đắc, cho tôi thấy thêm rằng có khả năng, về phương diện khúc thức, âm nhạc dân tộc ta về cơ bản hầu như rất hiếm dạng ABA kiểu phương Tây, mà chủ yếu là “Khúc thức âm dương”. Có thể gọi đó là một loại hình, trong loại hình đó khúc thức tối – sáng là một thể loại, vì tối – sáng chỉ là một phương diện của âm dương thôi chứ không phải là tất cả. Nếu loại hình khúc thức ABA vận động theo kiểu tam đoạn luận của lôgíc hình thức, thì ngược lại, loại hình khúc thức âm dương vận động theo lôgíc biện chứng, sinh học. Về sự biểu hiện của quy trình âm dương, nhịp sinh học tổng quát trong âm nhạc, tôi thấy có thể có sự mô phỏng các nhịp Bắc Nam (thủy – hỏa), cứng – mềm (cương – nhu)… trong khúc thức, bằng các thủ pháp “đảo” khác hơn “đảo bát độ”. Vấn đề này, tôi đang tiếp tục tìm hiểu.

 Tôi cũng giả định rằng, “khúc thức âm dương” ấy, (với quy ước là các âm hò xự xang xê công thuộc âm (tối), các âm líu ú xán xê cống thuộc dương) không chỉ biểu hiện với dạng ngày đêm như tôi thấy ở một số bài, mà còn có thể dưới dạng theo từng quái của bát quái. Ví dụ: điệu hát Nam của tuồng một trống, một mái, một trống tương tự quẻ Ly  (      ), quẻ Ly thuộc phương Nam.

Hình thức “đảo” này không chỉ có trong bản nhạc mà còn thấy có trong khổ trống chầu: khi chuyển từ trống mở đầu sang kết thúc, phải có hai tiếng “tùng túng (lại roi) đi liền, rồi mới chuyển nhanh dần đến kết hồi trống; cùng thấy cả trong kết cấu ca trù: chỗ đảo là chỗ đôi câu đối bằng chữ Hán. Ví dụ:

… Riêng một bầu sắc không không

Khắp mọi vẻ kỳ kỳ quái quái

“Động chủ hữu linh thần bút tại

Hóa nhi vô ý tự nhiên công 17

Khách trèo non ngoảnh lại mà trông

Lòng mến cảnh rời chân đi hóa đứng. . .

 

6. Hòa tấu và phối nhạc “cộng sinh”

Hiện nay, các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc ta vẫn chưa ngã ngũ với nhau về việc xác định thang âm dân tộc “một cách khoa học”. Không ít người ra sức giải thích nó là thang âm 7 chia đều, cho nó “khoa học”, nghĩa là gần gũi với thang âm bác học cổ điển Âu. Một số người vẫn cho nó là thang âm 5 biến hóa. Tôi đồng tình hơn với quan điểm thang âm 5 biến hóa; xin nhấn mạnh thêm: nó là thang âm 5 động, chứ không phải là thang âm 5 tĩnh. Một nhạc âm động rất biến hóa, ngược lại nhạc âm tĩnh thì không. Nhiều công trình nghiên cứu về điệu thức trong âm nhạc dân tộc rất công phu, rất sáng tạo, nhưng khi quy các điệu thức ấy vào nhạc âm tĩnh thì nó chỉ có khả năng góp phần dân tộc hóa hệ thống bác học cổ điển Âu, chứ khó góp phần kế thừa đúng gốc âm nhạc dân tộc.

 Tôi có nghe tâm sự của một số nhạc sĩ, họ cũng thừa nhận truyền thống thang âm 5, nhưng lại cho là nó thô sơ quá, vì tất cả các âm đều hòa với nhau được, và như thế thì không cần kỹ thuật gì nữa. Do đó; phải cố chuyển nó sang thang âm 7!

Kinh nghiệm của tôi sau khi học đàn nguyệt, đàn Huế, tôi thấy bản nhạc chỉ có năm âm hò xự xang xê công với các âm líu ú… Ở bát độ trên, còn các âm oan, phạn, phàn… thì thỉnh thoảng mới xuất hiện. Cách gắn phím của đàn nguyện cũng chỉ có 5 âm, nhưng khi tôi học sang nhạc tài tử Nam Bộ. thì phải tập nhấn thêm các âm y (giữa xự và xang) phạn (giữa công và liu) 18.

Nhưng trên đàn sến Ttrung Quốc thì các âm ấy có sẵn trên phím đàn. Tôi cho rằng, có lẽ ca nhạc tài tử Nam Bộ đã là sự hóa nhuyễn giữa chủ thể Việt với khách thể Hoa (người Minh) chăng? Mặc dù thế, trong các bản hoàn toàn Việt, các âm y, phan tuy có nhiều hơn nhạc Huế, nhưng vẫn có tính chất đột xuất, không thường xuyên. Đối với các bản Quảng thì y, phan có thường xuyên. Chỉ ở các bản Quảng với những quãng cống hò, cồng liu, y xự, y phan, đặc trưng, thì các âm cồng, y, phan mới thường xuyên. Do đó, tôi cho rằng, về căn bản thang âm ta vẫn là thang âm 5 động, biến hóa. Chính vì thế mà từ xưa, dàn nhạc dân tộc ta không tiếp thu cây tam thập lục của Trung Quốc với những âm không nhấn nhá được. Và, do thính giác thẩm âm được rèn luyện, các âm nhấn nhá, biến hóa của ta đều theo chu kỳ 5, cho nên không bao giờ có bán âm.

Trên cơ sở ý nghĩa “vận động hồi tác”, theo chu kỳ 5 ấy, tôi thấy rằng, “thang âm 5 động” của âm nhạc dân tộc ta, mà tất cả 5 âm đều hòa với nhau được, không phải thô sơ như một vài người nghĩ, mà lại là “giản dị và biến hóa”, như ý nghĩa của Dịch lý19 hay “giản dị lý tưởng” như Bêla Báctốc nói. Hơn nữa, để hiểu và kế thừa phương thức vận động khúc thức theo “nhịp tối – sáng”, tôi đề nghị nên kế thừa Lê Quý Đôn, quy thành thang âm “5 và l0” như tôi đã giả định. Đấy là một hiệu quả rất rõ rệt mà tư duy về bát độ đơn thuần sẽ không tiếp cận được, không kế thừa được. Tối – sáng là một hiệu quả khách quan mà nhạc lý châu Âu chưa lưu ý đến.

Ý nghĩa “nhạc âm động” chính ở chỗ ấy. Các nhà lý luận nhạc mới cho biết rằng, có hiện tượng đặc biệt là cứ “chồng mãi quãng 5 lên” thì số âm phát triển vô cùng. Đó cũng là điều đáng lưu ý. “Thang âm 5 động” dựa trên “nhạc âm động” tổng kết được thêm một thực tiễn là sự chuyển hóa điệu thức rất linh hoạt của âm nhạc dân tộc ta. Một kiểu phơi khí tự phát ngẫu hứng không cần bàn tay của nhạc sĩ phôi khí, mà thang âm 7 chia đều chắc chắn sẽ hạn chế. Rất mong các nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc thành thạo suy xét xem!.

Riêng ở nhạc tuồng thì cách hòa tấu có khác. Trong bộ phận nhạc cụ thì cách hòa tấu cũng tương tự, song hiệu quả đối điểm độc lập không bằng cải lương. Còn giữa hát và nhạc đệm thì không phải thế. Ở hai hệ làn điệu cơ bản Nam và Khách (Bắc), thì nhạc đệm đánh hai bản nhạc Nam và Khách độc lập, không dính dáng gì (về cả lòng bản) với điệu hát. Đó là hai bản nhạc rút từ nhạc lễ dân gian, khúc thức theo kiểu rôngđô, cứ đánh đi đánh lại mãi không thay đổi, trong khi điệu hát thì chỉ dựa theo hơi hướng của bản nhạc mà hát lời thơ. Nhiều nhạc sĩ đã gọi đồ là phức điệu. Nhưng, theo tôi hiểu, đã là phức điệu thì phải có “cột hòa thanh”, mà ở đây thì hoàn toàn không. Tôi đã tạm đặt cho nó cái tên cải biên là “phức điệu dàn trải”.

Khảo sát các kiểu hòa tấu truyền thống, tôi thấy hoàn toàn không thể vận dụng khái niệm “bè” vào được – Theo chỗ hiểu của tôi, bè không bao giờ tồn tại độc lập, nếu không có giai điệu chính. Song, trong âm nhạc truyền thống dù là hòa tấu thuần nhạc cụ, hay giữa nhạc cụ và ca hát, thì các “đơn vị” tham gia vào hòa tấu, đều là những đơn vị vốn đã có cấu trúc độc lập: ở Tuồng, thì các bản đệm vốn đã tồn tại riêng trong nhạc lễ, ở cải lương, ca nhạc Huế, thì mỗi nhạc cụ, nhạc công, lại có bản riêng của mình, đúng như nhận định của văn hào Abraham: “Nhạc cụ là của cá nhân” và hòa tấu là “xếp cạnh nhau vĩnh viễn của những đối điểm độc lập”. Tôi thấy chưa có chuyên ngữ phương Tây cho hiện tượng ấy. “Chithanh” (hétrophonie) cũng chưa thật đúng. Vậy, tôi xin vay thuật ngữ của sinh học, gọi đó là: “hòa tấu và phát nhạc cộng sinh”. Phương thức hòa tấu và phối nhạc cộng sinh ấy tồn tại dưới nhiều dạng: dân ca khác, Chèo khác, Tuồng khác, các nhạc Huế khác, Cải lương khác, kịch hát, hò bài khác… Nhưng dù khác đến đâu đi nữa, thì vẫn không phải là “phối bè”, mà là phối bài bản”. Tôi vay mượn thuật ngữ “cộng sinh” 20, do hiện thức khách quan ấy. Sẽ xin bàn kỹ hơn.

7. Dàn nhạc “cột chịu lực”; phỏng sinh học

 Trong cuộc tọa đàm về hòa thanh dân tộc, trong buổi tọa đàm ấy, ngoài ý kiến: hình như âm nhạc dân tộc ta thiên về đối tỉ hơn là hòa thanh, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có nói thêm đại ý: Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm luôn luôn phải có kiến trúc, có lẽ ta thử nhìn sang sự khác biệt giữa kiến trúc nhà Việt Nam với kiến trúc nhà Âu xem: tôi thấy ở kiến trúc nhà Việt Nam thì cột chịu lực, còn kiến trúc nhà Âu thì tường chịu lực. . .

Suy nghĩ ấy của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát trước tiên, theo tôi, là một suy nghĩ: rất đúng phương pháp luận, nghĩa là phải tìm hiểu âm nhạc dân tộc trên nền tảng tư duy dân tộc. Âm nhạc thuộc loại hình nghệ thuật biểu hiện, mà theo quy luật mỹ học, ở loại hình này, kiến trúc tác phẩm có giá trị tư tưởng. Vốn có hiểu biết về kiến trúc nhà Việt Nam, tôi xin bổ sung thêm vào ý của nhạc sĩ: không chỉ cột mà là cột, kèo, xuyên, trính, đòn tay chịu lực. Riêng ở kiến trúc nhà lá mái Bình Định 21, thì mái đất nữa, góp phần với cột, kèo, xuyên trình, đòn tay cùng chịu lực. Đặc biệt cần lưu ý là: kiến trúc tường chịu lực thì tường phải xây móng sâu, còn ở kiến trúc cột, kèo, xuyên, trính, đòn tay, chịu lực thì cột không phải chôn mà chỉ đặt lên một tấm đá tán. Ở kiến trúc cột thì tường chỉ cần che kín, không cần phải chắc như ở kiến trúc tường. Kiến trúc cột, khi nhà bị đổ rất ít khi đổ bẹp như kiến trúc tường, nên ít gây chết người, do hệ thống cột, kèo, xuyên, trính, đòn tay, mái đất, giăng giữ lấy nhau. Nhìn vào bên trong của hai kiểu kiến trúc ấy, ta thấy kiến trúc tường là cấu trúc vô cơ, còn kiến trúc cột là cấu trúc hữu cơ với cột, kèo, xuyên, trính, được lồng vào nhau. Thuở nhỏ, tôi đã tận mắt nhìn thấy đang giữa cơn bão, một ngôi nhà tranh bị gió thổi bay nguyên cả nhà bị tốc mái, và khi gió yếu và dứt, ngôi nhà nguyên ấy lại được đặt trên một gò đất, . hơi xiêu vẹo một tí (vì nhà tôi là nhà lá mái, không sợ đổ sợ bay, nên tôi đứng trong cửa sổ nhìn ra đồng trống). Phải chăng, làm cho hệ cột, kèo, xuyên, trính vốn là vật chất chết, lại có liên hệ hữu cơ với nhau, các nhà kiến trúc dân gian ta xưa muốn các nhà mô phỏng cơ thể con ngườ? Tôi bất giác nhớ đến câu đố xưa về “Cái nhà”:

“Xương sườn xương sống nuốt trộng người ta,

 Ăn vô nhà ra ta còn sống”.

Câu đố ấy rõ ràng là không thứ giải đáp bằng cái nhà tường chịu lực được. Liên hệ về kiến trúc âm nhạc, tôi chợt nảy thêm một suy nghĩ mà tôi cho là sáng lên về nguyên nhân có và không có bè trầm ở hai kiểu dàn nhạc. Phải chăng, bè trầm giống như cải móng sâu không thể thiếu được cho kiến trúc tường mà kiến trúc cột kèo hoàn toàn không cần đến. Một cây trụ chết, muốn đứng vững phải được chôn thật sâu, trong khi một sinh vật chân đứng trên mặt đất (như chân cột tán) vẫn đứng rất vững, không cần chôn chân. Ở dàn nhạc dân tộc ta, cái trống, bộ Gõ, chính là “viên đá tán cho những cây cột không chôn sâu, cây cột phỏng sinh học”.

Như thế, thanh nhạc luyến láy, khí nhạc nhấn nhá, dàn nhạc giàu về bộ gõ, phối khí đối tỷ chứ không hòa thanh 22 không có bè trầm, đều là hiệu quả của phỏng sinh học, bắt nguồn từ “hài hòa sinh học trong thẩm mỹ truyền thống bị chi phối bởi vũ trụ quan sinh học. Vũ trụ quan sinh học là đặc thù của tư duy triết học phương Đông, nhất là châu Á với truyền thống văn hóa dân gian (phôncờlo) và văn hóa Nho, Phật giáo, sản phẩm của vùng thiên nhiên nhiệt đới, ánh nắng mặt trời này.

Nhưng khốn thay cho nền âm nhạc dân tộc ta, với công chứng âm nhạc trẻ, “tiên tiến”. (nghĩa là đầy ắp vãn hóa, văn nghệ châu Âu thì bè trầm đã trở thành một thứ ma tuý! Những máy nghe nhạc Stêrêô hiện đại lại càng phát huy bè trầm. Mà, muốn tồn tại bè trầm, thì phải đi vào cấu trúc tĩnh. Thế, phương pháp âm nhạc (sáng tác, phối khí, dàn nhạc) theo cấu trúc động, phỏng sinh học, mà tôi đã cố gắng ngót 20 năm để dò cho ra mạch ngầm của nó, liệu có được “cấp cứu” không.

8. Bộ gõ trong dàn nhạc dân tộc

Sẽ là một thiếu Bồi lớn nếu bàn về âm nhạc dân tộc mà không bàn về bộ gõ. Bộ gõ tồn tại như chủ thể trong các dàn nhạc lễ, dàn bát âm, nhạc sân khấu tuồng, chèo. Trong nền âm nhạc dân tộc ta, những dàn nhạc lễ mà đồ sộ nhất là dàn nhạc cung đình, được xem là đại nhạc, trong khi các dàn nhạc thính phòng (nhạc Huế, nhạc tài tử Nam Bộ) không có bộ gõ, được xem là tiểu nhạc. Những nhạc cụ gõ trong các dàn nhạc dân tộc: nhạc cung đình, nhạc đình đám, nhạc nhà chùa, gồm có:

Trống cái: thường được gọi là “trống chầu’, với ý nghĩa trống hiệu lệnh trước sân khấu (triều đình), tên gốc gọi là “trống sấm” vì âm thanh của nó vang rền như tiếng sấm và cũng vì trong dân nhạc “bát âm”, mô phỏng “bát quái” trong Kinh Dịch (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, thì nó giữ vai trò của “Chấn” là “sâm sét” 23 Mặt da trống cái to nhất là 3 mét đường kính nhỏ nhất cũng phải 7, 8 tấc, đánh bằng một dùi đầu tròn.

Trông chiến: chỉ nhỏ bằng 1/4 trống cái. Gọi “trống chiến” vì nguồn gốc của nó là trống làm hiệu lệnh trong chiến trận. Đường kính khoảng 50cm, đánh bằng một cặp dùi đầu nhọn.

Trông cán: trống con, có cán cầm tay, dùng riêng cho chỉ huy hoặc quản trò. Đường kính 20cm.

Trống bản: nhỏ như trống cán nhưng chỉ bịt da một mặt trên, mặt dưới để rỗng. Dăm trống phía trên rỗng nhiều hơn phía dưới, tạo âm đục, ít vang đánh bằng đùi của trống chiến.

Trống cơm: trống nhỏ, dài, có bịt cơm nếp lên mặt da hai đầu, nguồn gốc Chăm, vỗ bằng bàn tay.

Trống bồng: trống nhỏ, bịt da một mặt, vỗ bằng tay.

Trống âm Dương: bộ hai trống, một âm cao, một âm trầm, mặt như trống chiến, nhưng bề dày chỉ bằng nửa trống chiến. Chuyên dùng cho lễ tang. Tất cả các “dăm” (vành gỗ) của trống đều được đục bằng một thân cây nguyên, không ghép.

Bộ mõ gồm: mõ sừng trâu, mõ tròn hình lục lạc bằng gỗ.

Bộ phách gồm: phách tre, sênh tiền, sênh sứa.

Bộ tang, đẩu: bằng đồng thau, hình như đĩa úp, một âm một dương của nhà Chùa, đánh bồng đũa.

Bộ cồng, chiêng thanh la: bằng đồng thau, đường kính khoảng 50, 60 em, đánh bóng dùi hoặc bằng tay, có nguồn gốc Tây Nguyên.

Đại hồng chung; chuông lớn của nhà chùa.

Chuông ngửa: Của nhà chùa

Bộ gõ trong dàn nhạc dân tộc ta không phải thuần tuý dùng để gõ nhịp trường canh (tempo), mà nó gồm hai bộ phận có hai chức năng khác nhau: bộ mõ, phách, tang, đẩu, cồng, chiêng, thanh la có chức năng gõ nhịp đơn, nhịp kép. Bộ trống, từ trống chầu, trống cán, là trống hiệu lệnh lớn. hiệu lệnh nhỏ, còn trống chiến, trống bản, trống cơm, tiếng bồng, trống âm dương, thì lại tiến hành một kiểu “giai điệu gõ” (giai điệu âm sắc chứ không phải âm giai) đan xen vào giai điệu nhạc cụ dây, thổi làm thành một bộ tiết tấu đa sắc song hành với bè giai điệu của bản nhạc, bè nhạc trống ấy không hề có bản, mà chỉ có những nét mô hình mà nhà nghề gọi là “khổ” (khuôn khổ). Hiệu quả của nó là làm cho bản nhạc rất động, sinh động hẳn lên, dù với một bản nhạc hết sức thô sơ. Nhạc công đánh trống chiến là một nhạc công đòi hỏi trình độ ứng tác ngẫu hứng linh hoạt, cho nên trong truyền thống nhạc tuồng, nhạc công phụ trách trống chiến được tôn là “phó sư”. Đặc biệt trống chiến của ta, đa căng, dăm dày (đục nguyên bằng một thân cây) lại là một cái trống có giai điệu tính, được trong nghề xướng âm là: chùn, tang, cắc, rụp, tịch tỏng. Nhạc sĩ Nguyên Xuân Khoát đã ví “giai điệu trống chiến” như giai điệu đậm nhạt của tranh mực tàu. Sau đây là một câu xướng âm một nét nhạc trống chiến: chùn chìn tang –  beng –  tang chùm tang xòe – tang tích tờ – rùng xoè”.

Chúng ta đều biết rằng, nhạc cụ gõ thiện nghệ về tiết tấu Mà tiết tấu vừa là mặt động của bản nhạc, lại vừa là yếu tố của âm nhạc ra đời trước tiên. Cho nên khổng tử nói: “nhạc giả, tiết giả” (nghĩa là âm nhạc ấy là tiết tấu vậy).

Tuy nhiên, điều cơ bản khiến cho dàn nhạc dân tộc ta giàu có về bộ gõ chính là vì nó muốn mô phỏng vũ trụ, trong khi bộ dây, thổi, biểu hiện tình cảm. Không phải ngẫu nhiên mà bộ gõ giàu nhất lại tồn tại trong dàn nhạc nhà Chùa, vì theo Thích Ca, sau mỗi “sácna”, Con người của ta đã không còn như cũ nữa, vì tư tưởng Phật giáo “pháp luân”, cái bánh xe tròn không ngừng luân chuyển của luật vũ trụ, “sắc sắc không không” (Páplốp nhận định”: Sự sống là một chuỗi xen kẽ không ngừng vận động của hai quá trình hủy hoại và sinh thành mà một trạng thái trung hòa là không thể hiểu được). Cho nên, dụng ý phát triển phong phú bộ gõ, bộ phận thiện nghệ về tiết tấu, trong dàn nhạc dân tộc ta không phải ngẫu nhiên, mà do yêu cầu biểu hiện vũ trụ quan động. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tiếng trống sấm (trống cái) luôn luôn mở đầu cho diễn tấu dàn nhạc bát âm mô phỏng bát quái mà có lễ đó là sự biểu hiện nguyên lý Kinh Dịch: “vạn vật sinh ra do tiếng vang đột nhiên của sấm sét..”.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, đặc điểm của âm nhạc Á Đông trước tiên là bộ gõ: Khi đưa bộ gõ vào trong hòa nhạc, là cũng có xuất phát ở một nguyên lý âm nhạc đặc biệt. Những tiếng gõ từ tiếng nhẹ đến tiếng nặng, tiếng âm đến tiếng vang là cái nền cho giai điệu phóng khoáng bay lên trên, nó là những cái kèo, cái cột chống cái mái giai điệu, nó không kín như phương thức hòa nhạc Tây phương, nó thông suốt và thoáng, không bưng kín như những bức tường hòa thanh Âu Tây. Đường nét nó chạy theo chiều dài hơn là chiều dọc, nó đóng câu, mở cũng là bằng tiết tấu và nhịp điệu, không bằng hòa thanh (…). Vì vậy, nói đến một dàn nhạc dân tộc, không thể không có bộ gõ, trong đó không những phải có phách, trống đế, cặp kè, sinh tiền, mà ăn phải làm nổi nó lên cùng với các thứ khác như: trống bộc, trống khẩu, cà rùng, trống cái, não bạc, chụm chọc, thanh la, long bong, chiêng, cồng, và đàn tơrưng mà tác dụng là gây không khí, dẫn nhịp điệu, làm nền bắc cầu, chấm câu, dẫn dắt kịch tính một cách đơn giản, tế nhị và độc đáo. Nguyên nhân hiện nay chúng ta chưa sử dụng triệt để bộ gõ, tôi cho là chúng ta học Tây quá máy móc. Chúng ta chê hòa sắc mà phục hòa thanh. Nói chung bất cứ nền nhạc nào cũng có đặc điểm riêng và có cái hay của nó, mặc dù âm nhạc là một ngôn ngữ khá quốc tế. Tôi cho việc tìm hiểu ngôn ngữ âm thanh của nước ngoài là cần thiết…, nhưng mang lăng kính nước ngoài để đánh giá so sánh hơn kém thì thật là sai lầm 24.

9. So sánh tạm hai kiểu cấu trúc

Bước đầu, tôi đã thử tổng kết tạm hai kiểu cấu trúc và thử nêu bản so sánh tạm, mặc dù vẫn biết là mọi sự so sánh đều khập khiễng. Ở đây, tôi thử nêu sự khác biệt giữa một yếu tố cơ bản (chứ không phải tất cả các yếu tố), và cứ mỗi yếu tố phải gắn chặt với các yếu tố khác trong quan hệ tổng thể chứ không nên nhìn tách rời. Xin tạm quy nạp hai kiểu cấu trúc để so sánh:

  1. a) Cấu trúc động – mở

– Kết cấu theo mô hình sinh học (có nhiều điểm biến).

– Sử dụng nhạc âm động: cao độ tương đối, nhiều quãng nhỏ.

– Luyến láy là thủ pháp cơ bản trong thanh nhạc.

– Nhấn nhá là thủ pháp cơ bản trong khí nhạc.

– Không có hòa thanh, hòa tấu và phối cộng sinh.

– Kết lửng, (không về âm chủ) phần nhiều.

– Vận động liên tục (gối đầu, xếp ngói quán triệt).

Giai điệu rất ít khi đứng im, có thể nói: rất ít “nốt trắng, nốt tròn”.

– Thang âm điệu thức động do quán triệt nhạc âm động.

– Phát huy ứng tác tập thể.

– Không độc đoán hóa cá tính sáng tác, chỉ huy.

b, Cấu trúc tĩnh khép kín

– Kết cấu theo mô thức cơ bản (không có điểm biến).

– Nhạc âm tĩnh, cao độ tuyệt đối, quãng nhỏ nhất là bán âm.

– Rung giọng (vibrato) là thủ pháp cơ bản trong thanh nhạc.

– Không nhấn nhá trong khí nhạc.

– Hòa tấu và phối hòa thanh.

– Kết trọn (về âm chủ).

– Vận động gián đoạn (rất ít gối đầu, xếp ngói) .

Giai điệu thường nhiều chỗ đứng im, nhiều mốt trắng, nốt tròn”.

Thanh âm điệu thức tĩnh do nhạc âm cao độ tuyệt đôi

– Hạn chế tối ta ứng tác tập thể.

– Độc đoán hóa cá tính sáng tác, chỉ huy.

Lưu ý: Một vài yếu tố của cấu trúc này có thể thấy đột xuất ở một số tác phẩm thuộc cấu trúc kia, nhưng không quán triệt.

Hai kiểu cấu trúc ấy đã tạo nên hai vẻ đẹp khác nhau. Đưa yếu tố vốn rất đẹp của cấu trúc này sang thay
thế yếu tố cùng chức năng ở cấu trúc kia, lập tức cấu trúc ấy sẽ xộc xệch, mất vẻ đẹp, muốn đạt được vẻ đẹp, phải thay thế bằng tất cả tổng thể. Đưa rung giọng vào quan họ ư? Phải chỉnh lý quan họ sang vận động gián đoạn, cấu trúc tĩnh. Đưa luyến láy sang thay cho rung giọng ở ca khúc mới ư? Bạn sẽ làm một trò hề! Những phát biểu sau đây của nhạc sĩ Tiệp Khắc Gisajanichen nhân cuộc liên hoan nhạc cụ dân tộc. Cục âm nhạc tổ chức tại Hà Nội năm 1988, có thể giúp chúng ta suy nghĩ: “Một sẽ tiết mục đã không cho ta âm hưởng của đàn nhạc dân tộc mà lại mang âm hưởng của dàn nhạc giao hưởng châu Âu. Có một điều, chẳng hạn như đàn nhị sẽ không còn là nhị nữa mà đã hoàn toàn bị chơi như viôlông. Đàn bầu cũng đánh mất bản chất của nó nếu ta quá điện tử hóa nó lên, cho nó âm sắc như đàn Synthetisewr… một điều nữa, đó là hòa âm cho các giai điệu dân gian Việt Nam. Nhiều lần tôi đã so sánh giữa các hòa âm có tính chất đặc liệt giữa các loại nhạc cụ, tôi thấy những giai điệu tự nhiên 25 không còn được bảo toàn, một số giai điệu cải biên đã làm mất đi phần nào vẻ đẹp của những dân ca nguyên mẫu. Tôi cho rằng những nhu cầu thẩm âm của người Việt Nam hiện tại chưa cân bằng với những gì đã có trong quá khứ truyền thống âm nhạc Việt Nam”26.

Tôi cho rằng ý kiến ấy của nhạc sĩ Gisajanichen là hết sức chính xác. Tuy nhiên, nó không phải là mới lạ gì trong sinh hoạt nghiên cứu lý luận âm nhạc dân tộc ta. Nhiều nhạc sĩ ta cũng đã có những ý kiến tương tự, nhưng những ý kiến ấy nhiều người bỏ ngoài tai, vì cho là “nệ cổ”.

Do tình hình tất cả sáng tác mới đều được soạn theo phương pháp cổ điển bình quân, cho nên nhạc cụ dân tộc ta muốn chơi tốt những sáng tác ấy phải được cải tạo cho thích ứng với cấu trúc tĩnh. Theo tôi, đó là tiền để của việc giao hưởng hóa; bình quân hóa, tĩnh hóa nhạc cụ dân tộc. Bởi nhận thức tình hình hầu như bế tắc ấy, muốn khai thông cho nó và do tin rằng nền âm nhạc dân tộc ta chắc chắn phải có phương pháp, tôi cố gắng suốt ngót 20 năm để tìm cho ra. Sau khi bước đầu đúc kết dạng cơ chế của cấu trúc động trong các tác phẩm ca nhạc cổ truyền, tôi có trao đổi và chứng minh cụ thể với một vài nhạc sĩ sáng tác thân quen, các bạn ấy rất tâm đắc. Nhưng khi tôi đề nghị các bạn ấy thử sáng tác vài ca khúc theo cấu trúc động xem sao, các bạn ấy hứa, nhưng rồi mãi mà không làm được. Tôi chợt hiểu ra rằng, quy trình sáng tác nghệ thuật không thể là một quy trình thực nghiệm thuần tuý, mà là một quy trình “tích luỹ tái sản xuất” mang tính chất sinh học. Sở dĩ các nhạc sĩ ấy không sáng tác nổi là vì họ tích luỹ tái sản xuất, hay nói một cách khác, vì đầu vào hộp đen của họ toàn là những ca khúc bình quân, họ thấm nhiễm ca khúc bình quân thành bản năng, chỉ trọng ca nhạc cổ truyền về mặt lý trí. Cũng ví như một nhà thơ, nếu vốn nằm lòng tua anh ta toàn thơ Êlua, Aragông, Maia, không có một tí ti nào về thơ lục bát, song thất lục bát, đường luật, ca trù, thì chắc chắn anh ta chỉ có thể cho ra những bài thơ leo thang, không vần không điệu, chứ không thể nào cho ra loại thơ mới kế thừa phát triển các thể thơ cổ truyền. Nghĩ về trường hợp nhạc sĩ quá cố Hoàng Lê, cha đẻ bản Vọng Kim Lang, tôi biết nhạc sĩ Hoàng Lê vốn xuất thân từ dân ca nhạc cổ. Anh biết đô rê mi chỉ đủ để ghi bản phổ chứ chưa thấm nhiễm ca khúc bình quân. Như tôi đã đặt vấn đề: một ca khúc mới sáng tác đúng phương pháp dân tộc, theo cấu trúc động, phải là một ca khúc mà khi hát lên, nghệ sĩ chỉ có thể luyến láy chứ không thể rung giọng được. Bản Vọng Kim Lang của cố nhạc sĩ Hoàng Lê đã đạt tiêu chuẩn ấy. Xin nói rõ thêm rằng sân khấu cải lương có hai bộ phận tân nhạc và cổ nhạc, bản Vọng Kim Lang được đặt trong phần nhạc cổ.

 “Đổi mới, cải tiến” âm nhạc dân tộc bằng cách phủ định hoàn toàn truyền thống cấu trúc động, chuyển hết sang cấu trúc tĩnh, chẳng khác gì cải tiến y học dân tộc bằng cách bỏ các vị thuốc tự nhiên, nguyên dạng, mà chỉ dùng những hoạt chất chiết xuất ra từ các vị thuốc ấy! Cũng may là Viện Y học dân tộc không làm như thế.

 Tôi tin rằng, cấu trúc tĩnh phỏng cơ học về mặt vũ trụ quan là không đúng. Nhưng, về mặt công cụ sản xuất, thì cấu trúc tĩnh, cấu trúc của tất cả công cụ giới là cần thiết cho con người. Và như thế, chúng ta vẫn có thể tiếp thu tốt phương pháp âm nhạc cổ điển theo cấu trúc ấy, và nó đang là một nhu cầu trong đời sống âm nhạc chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta lầm tưởng đấy là kiểu cấu trúc duy nhất khoa học hiện đại, buộc toàn bộ nền âm nhạc truyền thống của chúng ta phải cải tạo theo là vô tình chúng ta đã đánh mất bản sắc dân tộc trong âm nhạc. Có lẽ những ý kiến sau đây trong cuốn sách Mở đầu cho một nền âm nhạc hiện đại của nhạc sĩ Pháp Môrixô Lơru đáng cho chúng ta tham khảo:

Thường rất khó khăn làm cho một người châu âu chấp nhận, nhất là khi người ấy có chút ít hiểu biết về âm nhạc cổ điển, rằng các nền âm nhạc do các nền văn hóa khác sáng tạo cũng có giá trị và cũng hoàn thiện như của họ… Tất cả những gì không tuân theo khuôn khổ truyền thống của ngôn ngữ âm nhạc chúng ta đều trở nên khó hiểu. Đó là do sự dốt nát của chúng ta đối với nhạc cụ, cách diễn đạt và trang trí, truyền thống về giai điệu, tiết tấu và hòa thanh của các nền âm nhạc ấy, nhất là nền tảng điệu thức của các ngôn ngữ âm nhạc ấy, của hệ thống điệu thức được họ sử dụng…

…Mỗi dân tộc có những điệu thức của họ, như họ có tiếng mẹ đẻ và ngữ pháp của nó vậy.

Ở Pháp và Tây Âu (trừ Tây Ban Nha thừa kế nền văn hóa Ảrập) từ thế kỷ XVII, chúng ta chỉ sống với hai điệu thức “trưởng” và “thứ”. Điệu thức trưởng biểu hiện niềm vui, điệu thức “thứ” nỗi buồn. Ngược lại, người Ấn Độ có 72, người Trung Quốc 60, các dân tộc Ảrập 8, khoảng 20 ở Trung Âu và gần 100 ở lục địa da đen. Các điệu thức ấy thường sử dụng những quãng nhạc nhỏ hơn bán âm, khiến cho lỗ tai Âu Châu càng khó thưởng thức. Thực ra, từ thế kỷ XV, chúng ta đã đánh mất khả năng tiếp nhận dễ dàng dễ dàng các quãng 1/4 và 1/3 âm và chúng ta chỉ mong lấy lại sau sự suy thoái của nhạc cụ bình quân…

Hòa thanh trong dàn nhạc Jazz đã được vay mượn hoàn toàn của người da trắng, nó không hề có trong bất cứ nền âm nhạc dân gian nguyên sơ nào, không hề được biết đến trong âm nhạc châu Phi. Thực ra, hòa thanh, khoa học về sự nối tiếp các ácco, một kiểu xi măng giữa giai điệu và tiết tấu không hề cần thiết để xây dựng một nền âm nhạc. Kể cả ở châu Âu, nó cũng được ra đời rất muộn, khi tiếng đồng ca của dàn Thánh ca trong các lễ nhà thờ thay thế cho tiếng hát đơn ca . . .

… Nền âm nhạc châu Âu, từ năm thế kỷ nay, đã trả giá cho sự phát triển của nó bằng sự đánh mất ý nghĩa của ứng tác tập thể, (theo tác giả, ứng tác tập thể là linh hồn của nhạc Jazz) chỉ có thể tiếp thu ở nhạc Jazz những chất phù phiếm, hời hợt; kỹ xảo nhạc cụ, tình cảm chủ nghĩa… với mục đích thương mại, gọi oan cho nó là nhạc Jazz.

…Người ta có thể hỏi, liệu trên đà phát triển của nó, nền âm nhạc da đen có lợi gì khi mãi tiếp xúc với nền văn hóa da trắng. Nó chỉ có thể suy yếu dần, mất gốc và chuẩn bị cho một sự nô lệ mới, ngược lại, nếu trung thành với cội nguồn của nó, tiếp tục phát triển tài năng cá nhân, tương lai của nó sẽ lớn lao” 27.

Bài viết của nhạc sĩ M.Lơru đã quá lâu (1950) nên có một số tư liệu chưa đầy đủ. Ví dụ, hiện nay người ta đã biết âm nhạc Ấn Độ có trên ba trăm điệu thức. Mặt khác, nhạc sĩ cũng chưa nhấn mạnh đến cấu trúc, khúc thức, mặc dù thế, nó vẫn rất bổ ích cho tôi, một quần chúng tầm thường của âm nhạc Âu.

Điều thấm thía của tôi về những ý kiến trên là: người châu Âu, nhất là những người có chút ít hiểu biết về âm nhạc cổ điển, khó tiếp nhận những nền âm nhạc của các nền văn hóa khác đã đành, nhưng đáng buồn là biết bao nhiêu, những “ông Tây An Nam” của ta, những tín đồ trung thành của âm nhạc cổ điển, những người không phải Thiên Chúa giáo cũng đua đòi ăn lễ Noel, cũng đang khó hiểu, khó tiếp nhận nền âm nhạc truyền thống ta, một nền âm nhạc giàu có không kém gì nền nhạc các dân tộc Ấn Độ, Trung Quốc, châu Phi! Tôi chợt nhớ lại câu chuyện trao đổi với một nhạc sĩ thân quen. Cậy chỗ thân, một hôm, tôi thắc mắc với anh:

– Tại sao ở ta lại dạy Tỳ, đàn tranh, v.v. đánh côngxéctô, êtuýt?

– Anh nghĩ coi, anh bạn đáp, nhạc cổ của ta chỉ trên dưới mấy chục bản, nếu không cho nó tập côngxéctô, êtuýt thì anh bảo bắt chúng nó đi đánh lại các bản ấy hay sao? thế thì làm thế nào nâng lên đại học được?

Đúng là vấn đề đặt ra khó thật?

Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói:

Tôi xin báo để anh biết rằng, hiện nay (cách đầy 10 năm) cả thầy dạy cũng chưa đánh được âm “xang vỗ” của bản Nam – ai Huế, mà bản ấy, chưa đánh được âm “xang vỗ” là chưa thành nghề, thầy chưa cho học.
anh ấy hỏi tôi âm “xang vỗ” là sao. Tôi xướng âm “xang vỗ” ở cuối câu câu hai bản Nam – ai Huế và nói thêm:

– Thú thực với anh ta là khi tôi: học đàn Huế, âm “xang vỗ” ấy tôi chỉ xướng âm được theo thầy đánh, nhưng tôi không tự tay nhấn ra được. Tập mãi vẫn không được. Cuối cùng, thầy đành phải cho tôi đánh một dị bản. Đúng ra là …hò xang xang – vỗ thì bản tôi đánh là: … hò xang xế.

Sau khi nghe tôi xướng âm, anh bạn cất lời:

– Ối dào? Âm xang – vỗ ấy chỉ cao hơn âm xang có mấy côma, anh bảo làm thế nào dạy cho học sinh được?

Tôi nói:

– Thế hóa ra làm nghèo, làm kém tinh tế lỗ tai thẩm âm Việt Nam đi, lại là khoa học hóa, hiện đại hóa nó hay sao?

Do quan niệm “khoa học hóa, hiện đại hóa” kiểu ấy, mà chỉ cần non thế kỷ (so với châu Âu năm thế kỷ), chúng ta “đã đề mất khả năng tiếp nhận những quãng nhạc nhỏ hơn bán âm và để mất ý nghĩa của truyền thống ứng tác tập thể trong nền âm nhạc tự xưng là “dân tộc hiện đại”. Ta có nên tự hào rằng, nhờ “không nệ cổ (?) mà ta đã “tiến” nhanh gấp năm lần người châu Âu không?”.

Nhân nhắc đến ứng tác tập thể, cái mà Môrixô Lơru cho là linh hồn, là cái thần của nhạc Jazz, mà truyền thống dân tộc ta cũng rất phong phú, tôi tưởng nên thử rút ra ý nghĩa xã hội trong cơ chế của hai kiểu dàn nhạc: dàn nhạc cổ điển Tây và dàn nhạc dân tộc ta, bên cạnh ý
nghĩa “phỏng sinh học” về sự trao đổi chất thường xuyên giữa chủ thể (bản gốc) và khách thể (nhạc công, ca sĩ).

 Một sự khác biệt hết sức rõ nét giữa cơ chế dàn nhạc theo hệ cổ điển Tây và dàn nhạc dân tộc ta: dàn nhạc Tây luôn luôn có chỉ huy, còn dàn nhạc ta thì không. Khi nghiên cứu nhạc tuồng, tôi thấy truyền thống gọi người đánh trống chiến tuồng là “phó sư. Tìm hiểu kỹ, thì chính người đánh trống chiến trong dàn nhạc tuồng cũng như trong dàn bát âm là người chỉ huy. Bằng tiếng trống, người ấy chỉ huy qua tai của nhạc công, đúng theo “nghệ thuật thính giác” của bản chất âm nhạc, chứ không qua mắt như người chỉ huy nhạc Tây, mà ngồi lẫn trong quần chúng. Nhưng tại sao lại chỉ là “phó sư? Thế chính sư” ở đâu? “Chính sư” là diễn viên. Xin nhắc lại một điều hết sức quan trọng nữa đã thấy trên kia, là: bằng phương pháp mô hình, bằng cấu trúc động, tác giả bản nhạc dành nhiều điểm biến cho sự ứng tác của tập thể nhạc công, tái tạo tác phẩm ban đầu của mình. Đó là phương thức đường cong 28 khác với phương thức tuyến, đường thẳng, của nhạc cổ điển mà nhạc công chỉ là những người thực hiện, tuân thủ tuyệt đối bản phổ, không được dành cho một điểm biến nào cả. Riêng ở dàn nhạc tuồng, thì trống chiến không chỉ chỉ huy dàn nhạc mà còn chỉ huy cả diễn viên nữa. Song, đối với diễn viên, trống chiến vừa chỉ huy, vừa nhận sự chỉ huy ngược lại, nghĩa là luôn luôn theo sát biểu diễn của diễn viên. Ở kịch hát dân tộc, người chỉ huy vừa ngồi lẫn trong quần chúng, vừa nhận hai vòng liên hệ ngược: liên hệ ngược của nhạc công và liên hệ ngược của diễn viên. Trong khi cả người sáng tác lẫn người chỉ huy của dàn nhạc hệ giao hưởng, chẳng nhận vòng liên hệ ngược nào cả, vì họ theo quan hệ tuyến thẳng.

Như chúng ta biết, liên hệ giữa phương thức và xã hội, các nhà khoa học dã kết luận: phương thức tuyến thẳng phản ánh tư tưởng độc đoán, phương thức đường cong liên hệ ngược phản ánh tư tưởng dân chủ. Từ kết luận ấy khái quát lên, tôi thấy toát lên ý nghĩa xã hội của hai cơ chế dàn nhạc, cũng là cơ chế sáng tác:

 Một là: Ở cơ chế giao hưởng, cổ điển, người sáng tác là độc đoán, người chỉ huy cũng là độc đoán, của kiểu nhà nước vừa có vua (tác giả) vừa có chúa 29 (người chỉ huy ở dàn nhạc, người đạo diễn tách khỏi tác giả và diễn viên của sân khấu hiện nay).

Hai là: Ở cơ chế âm nhạc dân tộc ta, người sáng tác là dân chủ cùng tiếp nhận cả hai vòng liên hệ ngược, thừa nhận quyền bổ sung của nhạc công, diễn viên, vào tác phẩm bằng phương thức mô hình và người chỉ huy không tách khỏi quần chúng, không đứng cao hơn quần chúng và luôn luôn lắng nghe quần chúng để thay đổi hướng chỉ huy.

 Chúng ta, những người xã hội chủ nghĩa, một chế độ dân chủ hơn tất cả các chế độ dân chủ khác, chúng ta nên nâng niu, phát huy cơ chế dàn nhạc nào?

Tóm lại, với những nhận diện bước đầu về nguyên nhân nảy sinh ra “những đặc trưng” cố hữu của nền âm nhạc truyền thống ta nói chung, tôi thấy rằng nó có phương pháp của nó rõ ràng. Có bạn đã khuyên tôi không nên nhập vào một cục. Giữa hai dòng âm nhạc ấy, có sự thống nhất hoàn toàn về tư duy phỏng sinh học “cấu trúc động, mở” mà chỉ khác nhau một đằng (dân ca) là thể loại phổ thơ không có nhạc đệm, còn bác học là thể loại phổ nhạc có đệm. Và do quy trình thơ có trước, nhạc có trước, khác nhau, nên dạng “cấu trúc động, mở” của mỗi bên cũng khác nhau. Về vấn đề này, tôi hoàn toàn tâm đắc với Giáo sư Trần Văn Khê: “… Chúng tôi muốn nói ở đây về loại âm nhạc được gọi là bác học để phân biệt với âm nhạc dân gian. Nhưng thật là khó mà vạch một ranh giới giữa chúng, cái này và cái kia xâm nhập và ảnh hưởng lẫn nhau…”.

Tôi nghĩ rằng, phương pháp bác học cổ điển châu Âu với cấu trúc tĩnh, hoàn toàn không phải là phương pháp duy nhất để sáng tác mới. Và, muốn sáng tác nhạc phẩm mới, hoàn toàn không phải là “không thể nào khác”, không phải là định mệnh bắt buộc phải sử dụng cấu trúc tĩnh, cổ điển Âu. Tôi hoan nghênh việc tiếp thu hệ thống cổ điển Âu, hệ thống nhạc trẻ Âu… nhưng tôi rất mong Nhà nước ta ra sức đầu tư để cả nền âm nhạc truyền thống lẫn trình độ thẩm mỹ về nó của khán thính giả trẻ, nhằm một mặt, xây nền âm nhạc xã hội chủ nghĩa đúng bản sắc dân tộc; một mặt, khắc phục tình trạng “nhu cầu thẩm âm của người Việt Nam hiện tại chưa cân bằng với những gì đã có
trong quá khứ truyền thống âm nhạc Việt Nam” như nhạc sĩ Gisajanichen đã nhận xét.

Đọc xong phần này, không khỏi có bạn thắc mắc tại sao tôi không vận dụng lý luận “đô rê mi” cho nó khoa học. Xin thưa: “nhạc lý đô rê mi” là “cái ống nghe” của Tây y. Nó khoa học với Tây y nhưng lại “phản khoa học” nếu lấy nó làm “hệ quy chiếu để tìm hiểu y học dân tộc. Cũng tương tự như thế, nếu có bạn nào đề nghị vận dụng ngữ pháp tiếng Anh, một tiếng nói có tầm phổ cập thế giới, để tổng kết ngữ pháp tiếng Việt? Ngay ở phương Tây, nhạc sĩ Pháp F.Salây cũng đã nói: “Ký âm pháp giết chết âm nhạc”. Vì hệ “đô rê mi” chỉ có đến bán âm, không thể ghi nổi âm nhạc dân gian. Lâu nay giới nhạc ta có sử dụng thứ “chữ viết âm nhạc bình quân” ấy để ghi dân ca, thì cũng chỉ là ghi tạm. Chính vì thế mà cố Giáo sư, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, về cuối đời, đã chủ trương sử dụng trở lại hệ “hò xự xang”. Những năm gần đây, nhiều nhạc sĩ đã ra sức cải tiến hệ “đồ rê mi” nhằm ghi cho được âm nhạc dân tộc, nhưng chưa ai thành công cả. Nếu Bêla Bắctốc đã nói: Những người mà kiến thức âm nhạc chưa vượt qua nổi tôních và đôminăng thì không thể nào hiểu được âm nhạc nông dân. Tôi xin nói, muốn nghiên cứu âm nhạc dân tộc phỏng sinh học, mà chưa vượt nổi đôrêmi, công cụ của phỏng cơ học, thì không thể nào tìm hiểu đến nơi đến chốn được. Xin dẫn sau đây ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát: “Nhiều người lấy ký xướng âm thay tri thức âm nhạc. Thực ra, với dạng hiện nay của nó, ký xướng âm làm cho âm nhạc dân tộc mất mát đi rất nhiều. Tôi biết có
người nói rằng “ký xướng âm “giết chết” âm nhạc”. Có lẽ như thế có phần quá đáng chăng? Dù sao, những công cụ vốn đã phục vụ rất đắc lực cho sự phát triển của âm nhạc, như ký xướng âm, nhờ các quy định về nhịp phách… giờ đây đã bắt đầu bị xem là những cái khung quá cứng, khó lòng chứa đựng cho trọn vẹn tính phóng khoáng của âm nhạc thời nay. Âm nhạc dân tộc chúng ta cũng phóng khoáng lắm. Một ví dụ: bài Trấn thủ lưu đồn mà tôi đã ghi là điệu thứ. Thực ra, nó không thứ cũng không trưởng. Nó có mầu âm riêng biệt mà tôi rất tiếc là đã bỏ qua.

“Điều này nói ra thì dễ, nhưng sửa thì khó… khó sửa hơn hết là những quan niệm. Người xưa học nhạc bằng tai. Thế là rất đúng vì nhạc là âm thanh. Ngày nay, chúng ta lại học nhạc bằng mắt, chứ không phải bằng tai, mãi rồi quen đi. Nhưng trong lĩnh vực sưu tầm và nghiên cứa âm nhạc dân tộc, chúng ta phải có những cố gắng nhất định để vượt qua thói quen ấy”l.

Đó là về ký xướng âm đô rê mi. Còn vấn đề điệu thức mà khá nhiều người ngỡ rằng hoàn toàn có thể ứng dụng hệ thống đô rê mi, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát cũng đã phát biểu: Tôi không hề phủ nhận điệu thức hay sự cần thiết phải nghiên cứu điệu thức, kể cả trong âm nhạc dân tộc. Nhưng điệu thức không phải từ trên trời rơi xuống, thông phải là cái gì xa lạ đối với các yếu tố tạo thành sắc thái dân tộc của ngôn ngữ âm thanh, cung bậc, nhịp phách, cả các khúc thức, sự tiến triển của giai điệu, các âm hình chủ đạo… chính điệu thức được rút ra từ các yếu tố ấy. Cái tôi không tán thành là bập ngay vào nghiên cứu điệu thức trước khi phân tích kỹ từng yếu tố tạo thành điệu thức. Chọn con đường quá tắt như vậy thì điều không tránh được là vận dụng lý thuyết Tây phương về điệu thức vào âm nhạc dân tộc…

Thật ra, trong âm nhạc dân tộc, có nhiều dạng điệu lạ lắm, phong phú lắm. Chúng gần gũi nhau, có thể nói là cứ chồng lên nhau, dễ lẫn vào nhau nếu ta không tinh không phân biệt được, không lọc chúng ra được quả nghiên cứu thì rất đáng tiếc, vì đây là cốt cách của nhạc ta. Nhưng, muốn lọc chúng ra, thì phải nghiên cứu từ điểm xuất phát, nghĩa là phải từ ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam mà đúc rút ra điệu thức Việt Nam truyền thống, chứ không phải từ ngôn ngữ âm nhạc Tây phương. Nếu tự kiểm điểm nghiêm ngặt, thì mỗi chúng ta ít nhiều vẫn bị ám ảnh bởi bút pháp Âu Châu, chỉ chạy theo nào là hòa thanh, nào là đối vị… mà chưa thấy rõ một nhiệm vụ cấp bách, xuất phát từ bản thân âm nhạc Việt Nam mà đúc kết thành lý luận âm nhạc Việt Nam. Không có con đường nào khác 30.

Trong bài “Đề dẫn” tại Hội nghị Khoa học bàn về thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian do Viện Văn hóa nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Giao sư, nhạc sĩ Tô Vũ đã đề cập đến tình hình mà ông gọi là “thực tiễn vượt quá tầm lý thuyết” và “lý thuyết bất cập” 31 nhưng không cho biết nguyên nhân do đâu: Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình hình ấy? Theo tôi, rất đơn giản: chỉ vì chúng ta vận dụng lý thuyết âm nhạc phương Tây, lý thuyết cấu trúc tĩnh, để nghiên cứu thực tiễn âm nhạc dân gian dân tộc ta, thực tiễn cấu trúc động. .

Không hiểu có ai nghĩ rằng, tôi cho vấn đề cấu trúc là tất cả của lý thuyết âm nhạc không? Nếu có thì xin miễn cho tôi. Theo tôi, theo phương pháp luận phải luôn bắt đầu từ cái tổng thể, chứ không phải từ yếu tố, bộ phận. Cấu trúc là cái tổng thể chứ không phải tất cả. Nếu tôi không bàn nhiều về các yếu tố, không phải tôi xem thường, mà chỉ vì tôi dốt. Tuy nhiên, cũng xin nhắc lại rằng, ở các nền âm nhạc truyền thống theo cấu trúc động, mở, thì mỗi dân tộc lại có cách vận dụng cấu trúc động khác nhau, chẳng những do thang âm điệu thức khác nhau, mà còn do âm giai tự nhiên của từng nơi, vốn không bình quân, đã chịu sự chi phối của nhiều yếu tố mà ta không ngờ: khí hậu, thời tiết, môi trường tự nhiên, xã hội chứ không phải chỉ có ngữ âm. Cách sưu tầm ghi lại theo ký âm bình quân đã làm nhòe không ít dấu vết của những yếu tố ấy. Cho nên, xin nhắc lại lời của nhạc sĩ Pháp Salây “ký âm pháp giết âm nhạc” thì cái “bất cập” nhất hiện nay trong công tác nghiên cứu âm nhạc dân tộc là “ký âm pháp”.

Chúng ta đều biết rằng, mọi hoạt động của con người đều có quan hệ gắn bó hữu cơ, biện chứng sinh học với môi trường cho nên âm nhạc, một sáng tạo của con người, thể tất không thể vắng bóng dấu ấn của môi trường, cả thiên nhiên và xã hội.

 

(Còn tiếp)

 


Chú thích: 

 

1.       Kiểu kết thúc bài hát, bản nhạc, gây một cảm giác “chưa hết, chưa dứt” khác với kiểu kết trọn” gây cảm giác “xong rồi, đứt hẳn”. Các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp cho rằng hiệu quả ấy được gây bởi kỹ thuật “không kết về âm chủ” của rất nhiều bài dân ca.

2.       Trong Kinh Dịch, quẻ thứ 64, quẻ cuối cùng của hệ thống quẻ, ngoài tên cụ thể của nó, còn được gọi là quẻ “vị tế” nghĩa là “chưa hết, chưa kết thúc”. Quẻ thứ 63, sắp kết thúc lại đặc gọi là “ký tế”, nghĩa là xong rồi.

3.       Hệ thống đóng: Chu kỳ sau tập lại nguyên xi chu kỳ trước.

4.       Hệ thống mở: Chu kỳ sau không lập tại nguyên xi chu kỳ trước mà có sự điều chỉnh theo tác nhân khách quan.

5.       Tiếng Latinh nghĩa là: Không trọn vẹn, không kết thúc.

6.       Jagovlép: Nghệ thuật và các tôn giáo thế giới (chương Phật giáo và Nghệ thuật), Cao đẳng, Mátxcơva, 1997, tr. 101 – 130. Ờ đây tác giả nói chung về phương Đông. Riêng ở ta, kết cấu không trọn vẹn ấy chỉ phổ biến trong truyền thống không được thừa kế trong nghệ thuật hiện đại.

7.       Trong trường hợp này, chủ thể là người sáng tác, khách thể là người soạn lời mới, người biểu diễn. Nguyên lý “nhất nguyên lưỡng cực” cho rằng chủ thể, khách thể là hai mặt tương phản tương thành nằm trong một thể. “Nhị nguyên luận” quan niệm rằng, chủ thể và khách thể là hai cái vĩnh viễn đối lập nhau.

8.       Ở âm nhạc dân gian: trong trống có mái, trong mái có trống. Xin nhắc lại: âm dương không chỉ cái cụ thể nào, mà là một cặp phạm trù của phép biện chứng của tự nhiên và sinh học của Kinh Dịch ám chỉ hai mặt đối lập thống nhất cơ bản trong mọi hiện tượng luôn cặp kè nhau, không thể tách rời nhau, đồng thời cũng mang ý nghĩa nhịp sinh học. Tất cả những cặp sau đây đều được quy vào âm dương: trống – mái, nam – nữ, tối – sáng, ngày – đêm, nóng – lạnh, ấm – khô, mặt trăng – mặt trời, hưng phấn – ức chế, tiến – thoái, hủy hoại – sinh thành… Nó là một cặp phạm trù biểu trưng (nguyên nghĩa âm: bóng mát, dương: ảnh mặt trời).

9.       Theo âm lịch, giờ Tý (từ 23 giờ đến 1 giờ sáng) là giờ đầu, ngày dương lịch cũng thế.

10.     Theo Vật lý và âm nhạc Anfllov thì thực ra không hề có cao độ tuyệt đối.

11.     Xem Nguyễn Xuân Khoát: Trên con đường âm nhạc.

12.     Xem phần Thanh nhạc dân gian

13.     Xem: Đồng hồ sinh học

14.     Âm giai: gamme, Thanh âm: échelle.

15.     Thuở xa xưa, khi ta chưa tiếp thu Hò xự xang.. của Trung Quốc, thì hò được xướng âm là tang, tình, líu là tính…

Quý Đôn phân biệt mức độ khác nhau giữa hò và líu.

16.     Có thể âm tối hay sáng, miễn là hệ âm chủ thể của bản nhạc. Ví dụ: hệ chủ thể của Nam bình là âm tối (hò, sự, sang…), hệ âm chủ thể của Bình bán là âm sáng (lưu ú xản…).

17.     Phạm Quý Thích: Động Hương Tích.

18.     Tôi nêu giả thiết: về “Khúc thức âm – dương” có thể có tám dạng liên kết âm – dương theo tám dạng Tam tài trong Bát quái, chứ không chỉ đơn thuần theo dạng ngày – đêm.

19.     “dịch” trong Kinh Dịch có nghĩa là giản dị mà biến hóa. Kinh Dịch có nghĩa là “sách bàn về cái lẽ giản dị mà biến hóa của vũ trụ”.

20.     Symbiose

21.     Một kiểu nhà đặc biệt ở Bình Định,cũng có ở Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Phú Yên. Trên hệ cột, kèo… là một mái bằng đất dày và trên mái đất ấy lại có một hệ cột, kèo… thấp, để trên hệ cột, kèo ấy, lợp mùi tranh lên. Ở kiểu nhà “lá mái” này, mái đất đi sức nặng đè xuống cột, kèo… có tác đụng làm cho nhà đứng vững hơn nhà thường, nhà lá mái rất ít khi bị bão hoặc thổi bay hoặc làm đổ sụp.

22.     Dàn nhạc dân tộc không bao giờ hòa tấu theo tổ bộ, mà luôn luôn hòa tấu đôi tỷ âm sắc. Kiêu hòa tấu tổ bộ hiện nay của dàn nhạc “dân tộc hiện đại” là chịu ảnh hưởng nhạc cổ điển Âu.

23.     Bát quài là “tượng” biểu hiện tám hiện tượng tự nhiên. Trời, đất, sông, núi, mưa, gió, sấm, sét”‘ va chạm vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau tạo nên trời đất muôn vật. Dàn bát âm với tám nhạc cụ cấu tạo chất liệu khác nhau, tạo mầu âm khác nhau, mỗi mầu âm tương ứng biểu trưng cho mỗi “quái”.

24.     Nguyễn Xuân Khoát: Trên con đường âm nhạc.

25.     Khoa vật lý âm nhạc hiện đại xếp tất cả âm giai dân ca nói chung vào âm giai tự nhiên, phi bình quân luật.

26.     Bài Vài suy nghĩ qua một cuộc liên hoan Gisajanicher, Lê Anh dịch từ tiếng Tiệp in trong Tạp chí Âm nhạc số 1 (tháng 1 – 2) năm 1989.

27.     Trích dịch bài “Le jazz et les 1ements de sa strcture” (nhạc jazz với các bộ phận cấu thành của nó) của Môrixô Lơru) (Mauria Leroux) nhạc sĩ xuất thân từ trường phái cổ điển, in trong Tạp chí Science vie (Khoa học và đời sống) số 389, tháng 2 – 1950.

28.     Liên hệ ngược.

29.     Hoặc tể tướng.

30.     Nguyễn Xuân Khoát: Trên con đường âm nhạc.

31.     Xem Tô Vũ: Đề dẫn trong Hội thảo khung âm điệu thức dân ca,Viện Văn hóa nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh xuất bản.

 

>> Khơi nguồn Mỹ học dân tộc (P1)

>> Khơi nguồn Mỹ học dân tộc (P2)

>> Khơi nguồn Mỹ học dân tộc (P3)

>> Khơi nguồn Mỹ học dân tộc (P5)

>> Khơi nguồn Mỹ học dân tộc (P6)

>> Khơi nguồn Mỹ học dân tộc (P7)

>> Khơi nguồn Mỹ học dân tộc (P8)

>> Khơi nguồn Mỹ học dân tộc (P9)