Hai bài học ở một cây đại bút

22/09/2020

GSVS HỒ SĨ VỊNH

 

Có bao nhiêu nhà nghiên cứu là có bấy nhiêu cách đi, phương thức tích lũy hành trang trên con đường khoa học đầy thử thách. Ở nhà nghiên cứu Mịch Quang đó là tư duy triết học biện chứng và phông văn hóa rộng, tạo nên văn cốt, chân tài của nhà khoa học nổi tiếng.

Nội dung triết học của Kinh dịch được ông vận dụng vào sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt trong sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, người đọc nhận ra rằng, sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình tư duy, sự vận dụng âm dương – ngũ hành vào phương pháp nghiên cứu của nhà khoa học lão thành đều bắt nguồn từ tư duy biện chứng trong nghệ thuật truyền thống dân tộc, cộng với việc nắm vững phương pháp luận mácxít, nhưng không kỳ thị với những thành tựu hiện đại ở phương Tây, không vồ vập mọi thông thái của phương Đông đã dẫn công trình Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống thành một hệ thống mở, hiện thực mở được đan kết bằng một loạt quan điểm nghệ thuật về phương pháp sáng tác: vừa tả vừa gợi; vừa miêu tả, vừa biểu hiện, vừa hiện thực vừa siêu thực, tồn tại và hư vô, cái tả thực và cái cách điệu, các phạm trù vật và tâm, tuyến tính và phi tuyến tính, lý tính và phi lý tính, cái bề nổi và bề chìm…

Nhà nghiên cứu Mịch Quang.

Cái trước thường là hiện thực trần trụi, suy lý còn cái sau là cái trực giác, tầm bay của sức tưởng tượng. Không có trực giác, một mình suy lý sẽ bất lực, không hiểu được sự thật trọn vẹn. Khi ứng dụng vào sáng tạo và thẩm định các giá trị nghệ thuật truyền thống Mịch Quang có cái nhìn “chủ toàn” (diện) và “chủ biệt” (điểm), nêu lên cấu trúc động – mở trong âm nhạc, và một trong nhiều ví dụ tôi lấy làm thú vị là coi hát ru thuộc về thể điệu, chứ không phải ca khúc, được vận động theo luyến láy, làn sóng, quảng âm nhỏ, vì chức năng của nó là gây ngủ. Trong sân khấu là tính đa chiều, tính tương phản, tính biến hóa uyển chuyển… mà phép biện chứng ở bộ múa tuồng là một ví dụ (nội ngoại tương quan, thượng hạ tương phù, tả hữu tương ứng, phì sấu tương chế…), cấu trúc động và đường cong trong kiến trúc và mỹ thuật dân tộc ở kiến trúc cộng sinh (đưa thiên nhiên vào bố cục, những đường cong của hoa văn, lưng rồng, mái đình…). Cấu trúc mở – động của Mịch Quang là một bước tiến trong tìm tòi cái đẹp, cái tân kỳ của mỹ học dân tộc. Khác hẳn với những tìm tòi chệch hướng của một số người. Lê Đạt trong bài Thơ và vật lý hiện đại phê phán những quy tắc cứng nhắc, nghiệt ngã của thơ truyền thống, coi thơ là “hành vi phát nghĩa”, coi cấu trúc gián đoạn là nền tảng của thơ hiện đại phá vỡ cấu trúc liên tục đã từng thống trị trên thi đàn. Nhưng khi ứng dụng vào sáng tạo của bài thơ “Hoa mười giờ”, thì không ai hiểu cả, thế thì làm gì còn cảm xúc thẩm mỹ? Hoa em đền hoa má/ Thơm má hoa mười giờ/ Mưa rửa đền hoa tuổi trắng lau quên.

Mịch Quang là nhà viết kịch thơ và nhà soạn tuồng có phông văn hóa rộng. Ông có vốn kiến thức nghệ thuật dân tộc chắc chắn trong các lĩnh vực thơ văn cổ điển dân tộc, sân khấu, âm nhạc và phần nào mỹ thuật. Ông biết nhiều chữ Hán, am hiểu kiến thức Bắc sử nhất là thơ và từ Trung Hoa, sử dụng tinh thông tiếng Pháp, quan tâm đến những vấn đề lý luận văn học, nghệ thuật đương đại và bám sát những luận điểm đúng dắn trong đường lối văn nghệ của Đảng, cập nhật được những triết thuyết mới lạ của phương Tây kể cả khi bức tường ý thức hệ giữa hai phe còn bị đóng kín. Bởi từ sớm ông đã hiểu được văn hóa phải là tài sản chung của loài người, nếu như anh biết: Từ Ta mà đến với các mới của Người thì mối quan hệ giữa hội nhập và giữ gìn bản sắc dân tộc là hai mặt biện chứng của một vấn đề hiện đang là thời sự.

Thành công của vở tuồng Thanh gươm hát bội với tính văn học cao, sự hiểu thấu đáo thơ văn Đào Tấn, biết cảnh giác với khuynh hướng minh họa dễ dãi hoặc ý muốn áp đặt chủ quan tình tiết ngôn ngữ, đối thoại của người hôm nay cho nhân vật lịch sử, Mịch Quang đã hài lòng với vở tuồng lịch sử viết về một đoạn đời đầy bi kịch của Đào Tấn, nhà soạn tuồng đã sống trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước.

Hiểu biết rộng, cảm thụ sâu sắc nhiều đối tượng nghiên cứu, vậy mà Mịch Quang luôn luôn tự nhủ mình phải hết sức khiêm tốn, phải có lòng thành và đức khiêm trước biển cả kiến thức mênh mông của dân tộc và loài người, mới tránh được những khinh suất khi cầm bút. Điều quý hiếm hơn cả, ít khi gặp ở những nhà khoa học cao niên khác là ở ông, một vị lão tướng vào tuổi cửu tuần là tình yêu nồng cháy, ngọn lửa đam mê sự nghiệp nghiên cứu văn hóa – nghệ thuật dân tộc. Nghĩ đến ông tôi nghĩ ngay đến hiện tượng nghịch lý giữa học hàm – học vị và thực tài. Ông xứng đáng được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và được phong đặc cách chức danh giáo sư nghệ thuật học.

Tháng 5/2011

 

GS.VS Hồ Sĩ Vịnh