Ở Ninh Hòa
01/10/2020
Nhận được tin báo giấy bổ nhiệm, tôi điện ngay về quê và sắp xếp ra Ninh Hòa. Đến nơi, tôi tới sở bưu điện Ninh Hòa trình diện. Sở có một chủ sự, bốn thư ký và hai lao công. Tất cả đều là người nơi khác đến, không có ai người Ninh Hòa cả. Một bạn thư ký giới thiệu tôi thuê nhà gần nhà anh ta, ở xóm Rượu. Tôi đến hỏi thuê được ngay, liền dọn đến ở và điện cho vợ con vào. Quang cảnh khu phố chợ Ninh Hòa rất giống với quang cảnh khu phố chợ làng tôi, cũng chợ nằm giữa bốn phía là cửa hàng, nhiều cửa hàng người Hoa Kiều, cũng con sông nhỏ chạy qua… nên tôi cảm thấy thân thiết ngay. Hơn nữa, ở Sài Gòn” thầy thông thầy ký” đông quá nên chẳng ai trọng vọng, làm cho tôi vốn tính nhút nhát rụt rè lại càng nhút nhát rụt rè hơn, “sớm vác ô đi tối vác về” đơn độc một mình, không dám quan hệ với ai cả. Ra Ninh Hòa, một thị trấn nhỏ, “thầy thông thầy ký” có được trọng vọng đôi chút giúp tôi bạo dạn lên. Mặc dù vậy, vốn đã tự xác định” thầy thông” chẳng qua là cái cần câu cơm bất đắc dĩ trong hoàn cảnh nô lệ, tôi vẫn giữ tư cách bình thường, không bao giờ ra bộ “thầy thông”. Có lẽ vì thế mà người Ninh Hòa tiếp xúc với tôi rất sớm, chỉ độ một tuần lễ đi, về đường Xóm Rượu. Người Ninh Hòa không phải công chức, tiếp xúc với tôi sớm nhất là anh Lê Dung có cửa hàng bán rượu đối diện ngang với đường Xóm Rượu. Mỗi khi từ nhà ra đường chỉnh tề đi làm, thế nào cửa hàng rượu của anh Lê Dung cũng đập vào mắt tôi và ngược lại, thế nào anh Lê Dung ngồi trong hiệu cũng thấy tôi. Từ đó, tôi thường ghé trò chuyện chơi với anh mỗi khi đi làm về vì thấy anh là người có tri thức có đầu óc ( hồi đó tôi không hề biết anh là tù chính trị bị quản thúc tại nhà ). Sau anh Lê Dung, tôi được làm quen với anh Võ Bá Quỳ, con trai ông chủ sự bưu điện, và các học sinh đi học tú tài ở Huế về nghỉ hè. Tôi còn chơi thân với hai thanh niên Hoa Kiều ở ngay phố chợ. Còn vợ tôi, người vừa xinh vừa hiền lành được con gái các công chức ở thị trấn luôn đến chơi nhà. Bé Dung, con gái đầu của tôi, lên sáu tuổi, hát rất hay, được các cô rất mến. Phần tôi, cả bầu không khí ấy làm cho tôi hết mặc cảm tự ti về khả năng nghệ thuật. Tôi hát cho các thanh niên Hoa kiều, các cô gái nghe và dạy họ. Tôi có ý thức qua ca hát gợi cho họ tinh thần yên nước. Lúc đầu tôi hát các bài lãng mạn như “Thiên Thai”, “Trương Chi” của Văn Cao, “Con thuyền không bến”, “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong để lấy đà tôi hát bài “Kinh cầu nguyện”, “Hồn sĩ tử” của Lưu Hữu Phước. Nói chung, nhờ có giọng rất tốt, tôi được các bạn mến biến thành những buổi sinh hoạt câu lạc bộ nhỏ. Tất cả đều gọi tôi bằng anh, gọi vợ tôi bằng chị, không xưng hô thầy cô nữa.
Một hôm, như thường ngày, đi làm chiều về, tôi thay quần áo, cơm nước chưa xong, tôi lấy cây ghita ra ngồi trước hiên sát đường cái đi, đánh chơi. Bỗng một thanh niên từ trong xóm Rượu đi ngang qua nhìn thấy, liền dừng lại, bước lên hiên hỏi chuyện. Thấy cây ghita ha-oai của tôi đẹp lại khoét phím lõm, anh ta hỏi tôi có chơi đàn cải lương được không. Tôi nói cải lương tôi chỉ biết ca một số bài, không biết đờn. Anh ta giới thiệu nhà anh là một gia đình tài tử cải lương, anh ta là Ba Bao, chơi nhị, ghi- ta, em ruột em là Tư Đựng chơi đờn kìm là học trò của Sáu Tưởng, nghệ nhân bậc thầy về đờn kìm ở Sài Gòn. Ba Bao đề nghị tôi cho tổ chức một đêm hòa nhạc tài tử tại nhà tôi. Tôi đồng ý tổ chức. Quả nhiên, tài nghệ của anh em Ba Bao, Tư Đựng vững vàng. Ba Bao đề nghị tôi đứng ra thành lập Đội cải lương tài tử Ninh Hòa. Tôi hẹn để nghiên cứu đã. Một hôm Huỳnh Văn Cát, bạn học cùng lớp với tôi ở Collège Quy Nhơn, đang làm việc tại nhà máy điện Nha Trang, ra chơi. Tôi đưa đề nghị của Ba Bao ra bàn với Huỳnh Văn Cát và cho biết lực lượng tài tử ở Ninh Hòa đủ tài. Huỳnh Văn Cát, “cây” cải lương trong trường Quy Nhơn năm xưa, đồng ý. Thế là tôi làm Đội trưởng, Huỳnh Văn Cát lo phần nghệ thuật. Chúng tôi bàn nhau về kịch bản dựng ra mắt. Lúc đầu tôi gợi ý viết về Hoàng Diệu tử tiết, nhưng Cát nói như thế thì lộ liễu quá. Nhân đấy, Cát bàn viết về Võ Tảnh tử tiết, lấy chữ “giặc Tây” để chỉ giặc Tây Sơn về phương diện công khai nhưng ẩn ngầm ám chỉ giặc Pháp. Cát nói thêm: “viết về Võ Tánh mình có thể vay mượn mấy bài văn tế viết nói lối rất hay”, và Cát đảm nhiệm viết kịch bản.
Đêm biểu diễn ra mắt của chúng tôi thành công mỹ mãn nhờ có những tài tử ca và diễn rất hay. Đội chúng tôi có bốn cây ca: Huỳnh Văn Cát, HVL, Tám Chánh, Hai Tuấn, và hai cây đờn có tài: Ba Bao, Tư Đựng. Phần tôi, có giọng tốt, ca hay nhưng vì chưa có nghề diễn nên không đóng vai nào, chỉ giữ trách nhiệm đội trưởng. Đêm ra mắt được dư luận tốt của cả thị trấn. Anh em trong đội rất phấn khởi. Tôi được làm quen thêm với hai anh lớn tuổi: anh Đỗ Long và anh Mười Đĩnh. Sau này tôi mới biết hai anh cũng là hai nhà hoạt động chính trị bí mật. Và, quan trọng nhất là: Võ Bá Quỳ đến gặp tôi rũ tôi tham gia phong trào Việt Minh bí mật, giao cho tôi trách nhiệm theo dõi thái độ chính trị của ông tri phủ, và kín đáo dùng ca hát bồi dưỡng lòng yêu nước cho thanh niên.
Trong thời gian đội cải lương tạm nghỉ, chỉ chơi đàn ca xa-lông chờ vở mới, tôi tranh thủ đến gặp tri phủ Nguyễn Trinh Xu, cử nhân Hán học, người Thanh Hoa, đã lớn tuổi, nhân ngày nghỉ. Trước khi đi, tôi đã nghĩ rất nhiều về cách thức thăm dò kín đáo, không lộ liễu. Tôi thấy cách đem chuyện bàn về thơ văn, đọc bài thơ “Vịnh Tháp đôi” của tri phủ Hồ Sĩ Thản và bài họa của cha tôi là hơn hết. Và tôi đã thực hiện đúng như thế. Quả nhiên, tri phủ Nguyễn Trinh Xu chê bài thơ của tri phủ Hồ Sĩ Thản ở hai câu cuối có nội dung nhận ách đô hộ, hết lời khen bài thơ của cha tôi (tôi nói với ông Diệu Liên cư sĩ là bút danh của cha tôi). Thế là thái độ chính trị của tri phủ Nguyễn Trinh Xu đã rõ. Con gái ông chơi thân với vợ tôi, hai con trai ông cũng thường sinh hoạt với nhóm thanh niên của tôi. Tôi phản ảnh lại tất cả những tình hình trên cho tổ trưởng Việt Minh bí mật Võ Bá Quỳ. Ít lâu sau, ông Nguyễn Trinh Xu về hưu. Người đến thay là ông Hồ Hưng, tú tài Hán học, Cao đẳng tiểu học Tây học, người Quảng Nam. Tôi lại tìm dịp đến tiếp xúc với ông. Hóa ra ông Hồ Hưng là người rất tiến bộ, có đầu óc cách mạng. Tôi chưa kịp “tuyên truyền” gì cho ông thì ông đã nói huỵch toẹt thái độ chính trị của ông.
Huỳnh Văn Cát đã viết xong vở cải lương thứ hai, vở “Đời văn”. Đội chúng tôi lại dựng, diễn. Từ khi tôi đến Ninh Hòa đến nay không thấy đội cải lương Sài Gòn nào ra diễn ở đây cả, có lẽ vì rạp nhỏ, doanh thu thấp. Vì thế mỗi lần chúng tôi diễn là sôi nổi cả thị trấn.
Bỗng, Nhật đảo chính Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim được Nhật thành lập. Bộ máy cai trị ở Ninh Hòa chỉ thay đổi có đồn trưởng Pháp. Anh H, thư ký đồn trưởng, một thành viên trong đội cải lương của chúng tôi được đưa lên thay. H. mặc quân phục Nhật, đeo kiếm Nhật, trông thấy, tôi rất lo. Vì tôi đã được bí mật phổ biến kịp thời thời âm mưu xâm lược của Nhật, nên lo H. hư hỏng. Bưu điện thì bình thường không thay đổi gì.
H. làm đồn trưởng, Huỳnh Văn Cát bận gì ở Nha Trang không ra. Đội cải lương chúng tôi thiếu hai trụ cột nhất là Huỳnh Văn Cát (vừa viết kịch bản vừa dàn dựng) chỉ chơi đàn ca xa lông, ít người, cảnh giác thái độ của Nhật. Bên ca hát mới cũng thế. Để thích ứng với không khí lúc bấy giờ, tôi phổ biến ca khúc “Tỉnh ngộ” của Lưu Hữu Phước:
Như cánh buồm phiêu linh lạc xa bờ
Sóng gió cuốn dạt lờ đờ
Bóng tối xóa đen mờ
Bao tuổi xanh trụy lạc
Không chí hướng
Đường mùa lòa không lý tưởng
Vùi bùn lầy vực sâu
Ôi trôi tan nghìn áng hương còn đâu
Ôi phôi pha nghìn sắc tươi mờ xóa
Mưa gió trong đêm trường than khóc
Khóc mối sầu ngàn xưa
Tiếng khóc tràn rừng sâu…
Nhưng kìa! Non sông
Bỗng vùng tươi sáng,
Ánh hồng gieo xuống ánh quang đãng
Tiếng còi từ xa rúc đưa vang
Tiếng gọi anh hùng còn văng vẳng
Ngoi bùn tung chông
Lướt càn gai góc
Quyết lòng ra khỏi chốn nhơ bẩn
Ngắm nơi sáng đi cùng
Vì núi sông liều thân
Quyết ra tay đua sức vẫy vùng
Bài hát có âm điệu trầm gợi suy tư trong nửa phần đầu và trong sáng, khỏe nửa sau, rất được lớp trẻ thích. Nhưng cùng lúc ấy, không biết từ nguồn nào, do ai đưa đến, lớp trẻ lại truyền nhau hai bài hát ngoại: Bài “Shina no yoru” (Đêm Trung Hoa) hát nguyên tiếng Nhật không có lời Việt, và bài “Hà nhật quân tái lai” (Ngày nào anh lại về), bái hát Trung Quốc lời Việt. Hai bài đều là ca khúc hay nên mau thành phong trào, át cả bài “Tỉnh ngộ” đến nỗi tôi cũng tự phát hát theo. Nhất là bài “Đêm Trung Hoa” dù không hiểu nội dung, nhưng nhạc sĩ Nhật nào đó đã nắm bắt được phong cách Nhật trong âm nhạc đã viết rất Nhật mà cũng rất Á Đông nên dễ được lan truyền mạnh. Cùng đi với “Đêm trung Hoa” còn có bài “Tô Châu dạ khúc” âm nhạc cũng rất đẹp.
Lúc đầu, tôi tưởng đấy chỉ là những hiện tượng nghệ thuật ngẫu nhiên. Nhưng về sau, khi biết Trung Quốc có quốc gia (Tàu Tưởng) và cộng sản, đối chiếu câu hát trong bài “Hà Nhật quân tái lai” thấy có câu: “Đem trái tim anh thờ quốc gia” tôi đoán bài ấy là của Tầu Tưởng. Còn hai bài Nhật làm mê lòng người có lẽ cũng không phải vô tình.
Đêm Trung Hoa, đêm Tô Châu nào? Đó là những “đêm Trung Hoa, Tô Châu” được các nhạc sĩ Nhật đi theo quân Nhật xâm lược, ca ngợi vẻ đẹp.
“Đoán mò” thế, đúng sai chưa biết, nhưng tôi thấy được lũ giặc cũng biết cho văn nghệ đi tuyên truyền khéo. Để làm nhẹ bớt sự say mê “Đêm Trung Hoa”, “Tô Châu dạ khúc”, tôi bèn phổ biến bài “Sérénata” và soạn thêm cho nó một lời Việt. Những hoạt động ấy chỉ diễn ra trong phạm vi “nhóm” (năm bảy anh em thường ca hát chơi với nhau). Tôi tuyệt nhiên không để lộ ý đồ chính trị.
Rồi Nhật đầu hàng đồng minh, Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Tri phủ Hồ Hưng chủ động mời cách mạng đến giao quyền. Các anh Lê Dung, Lê Anh, Đỗ Long, Mười Đĩnh xuất hiện trong lực lượng cách mạng. Thêm anh Trịnh Huy Quang ở nhà tù Buôn Ma Thuột mới được Nhật đảo chính Pháp thả về. Đảng và chính quyền Cách mạng Dân chủ cộng hòa thành lập, anh Trịnh Huy Quang làm Chủ tịch huyện. Anh Trịnh Huy Quang chỉ định tôi làm Chủ tịch Văn hóa cứu quốc huyện Ninh Hòa. Tôi rất sung sướng. Không ngờ trên con đường công chức tẻ nhạt, Ninh Hòa đã khai sinh trong tôi người nghệ sĩ nghiệp dư. Nhưng bưu điện chưa chịu buông tha tôi. Đùng một cái, kho bưu điện báo hết sạch “băng moóc-xờ” (bằng nhận tín hiệu điện báo bằng mắt). Cả bưu điện chỉ có mình tôi biết nhận tín hiệu bằng tai. ÔÂng chủ sự bưu điện bèn trưng dụng tôi đến ở luôn tại bưu điện trực 24/24 điện báo. Cũng vừa lúc ấy vợ tôi có mang. Tôi sắp xếp cho vợ tôi về quê cùng bé Ngọc Dung 9 tuổi, tôi báo cáo với anh Trịnh Huy Quang rồi đến ở hẳn tại bưu điện, chưa làm được gì cho Chi hội văn hóa cứu quốc.
Sau ngót hai tháng mới có băng moóc-xơ từ Hà Nội gửi vào. Tôi được nghỉ phép. Tôi đến báo cáo với anh Trịnh Huy Quang xin nhân nghỉ phép ra Huế lấy tài liệu về mở tuần lễ cứu quốc tại Ninh Hòa, và lấy vé tàu hỏa đi thẳng ra Huế. Ra Huế xin được tài liệu, tôi lấy vé tàu về Quy Nhơn, định ghé thăm nhà mấy hôm. Tàu về đến Bồng Sơn tôi nghe được tin mặt trận Buôn Ma Thuột bị vỡ, giặc Pháp tràn xuống chiếm lại Ninh Hòa. Ninh Hòa bị mất liên lạc. Tôi đang suy nghĩ miên man không biết làm thế nào, thì bỗng đâu một anh bộ đội gọi tên tôi. Tôi nhìn kỹ nhận ra anh Phan Hàm, bạn cùng trường tú tài ở Huế. Anh Phan Hàm hỏi tôi đi đâu. Tôi kể lại với anh ấy đủ cả đầu đuôi. Anh ấy cho biết hiện đang làm trung đoàn trưởng trung đoàn 94 đóng quân ở Bình Định, rồi nói: “Thôi cậu về thăm nhà mấy hôm rồi sắp xếp lên trung đoàn với mình. Cậu làm trưởng ban văn hóa trung đoàn giùm mình”. Tôi nhận lời ngay. Và từ hôm ấy, tôi chấm dứt quãng đời “thầy thông dây thép”.
Tôi về tới nhà, cha mẹ tôi vẫn khỏe. Vợ tôi vừa sinh thêm cháu gái thứ hai, ông nội đặt tên là Nguyễn Thị Ngọc Khuê.
Cha tôi làm Chủ tịch Liên Việt xã. Em ruột tôi, Nguyễn Thế Huân, học xong tú tài từ trước 1945, được cử làm Chủ tịch Việt Minh huyện. Có cái lạ là T.Đ.Đ, con lý trưởng địa chủ cường hào phá sản do quân cấp bắt thăm năm xưa, lại được làm Chủ tịch xã. Tôi kể cho cả nhà nghe tình hình của tôi, và báo cho cả nhà biết ý định của tôi lên trung đoàn. Cha tôi nói:
– Đã hứa với trung đoàn trưởng rồi thì phải lên, nhưng phải giữ gìn sức khỏe vì thể chất của con không thích hợp với đời sống quân sự.
Lên Trung Đoàn 94
Tôi lên Trung đoàn bộ gặp anh Phan Hàm. Anh giới thiệu tôi với anh Dương Thắng Cảnh, trưởng ban chính trị trung đoàn và nói với anh Cảnh ý đồ của anh bố trí tôi làm trưởng ban văn hóa, trực thuộc Ban Chính trị trung đoàn. Anh Dương Thắng Cảnh cho triệu tập mấy thành viên trong ban văn hóa, giới thiệu tôi là trưởng ban. Ban gồm hai bộ phận: bộ phận bình dân học vụ và bộ phận văn nghệ. Tôi phân công cho chiến sĩ đã chuyên trách bình dân học vụ lâu nay làm tổ trưởng tổ đó còn tôi trực tiếp kiêm tổ trưởng văn nghệ. Tôi tìm hiểu sở trường sở đoản của từng thành viên, rồi bàn với nhau sắp xếp mấy chương trình đồng ca đơn ca để biểu diễn phục vụ. Riêng phần tôi, tôi vẫn đóng góp những bài hát từng quen thời ở Ninh Hòa. Những đêm biểu diễn của chúng tôi được chiến sĩ và nhân dân hoan nghênh nhiệt liệt. Trong tổ, ai cũng cho giọng của tôi là giọng tốt nhất, họ gọi là “giọng trời cho”. Sau một thời gian tôi có sáng kiến dựng nhạc cảnh “Hội nghị Diên Hồng” của Lưu Hữu Phước. Tôi ghép vào bài “Hội nghị Diên Hồng” hai bài “Xếp bút nghiên” và “Lên đàng”. Sau khi các bô lão hát:
Thề liều thân cho sông núi
Muôn năm lừng uy
một tốp thư sinh áo the khăn xếp, ra vừa đi vòng sân khấu vừa hát bài “Xếp bút nghiên”, tốp thư sinh vào thì một tốp thanh niên nông dân ra, nhập vào tốp thư sinh, tất cả đồng ca bài “Lên đàng”. Tiết mục ấy được hoan nghênh nhiệt liệt.
Làm văn nghệ, hát cho chiến sĩ và nhân dân nghe, tôi rất thích thú. Nhưng, những lúc bộ đội hành quân tôi gắng hết sức đi cho kịp đồng đội mệt mấy cũng không kêu, tôi mới thấy nhận định của cha tôi đúng: thể chất của tôi không hợp với đời sống quân đội.
Suốt hơn một năm tôi làm việc hăng hái, phấn khởi, kết quả tốt. Một hôm sau một cuộc hành quân tôi bỗng ho ra máu. Trạm xá lấy đờm đưa xuống bệnh viện Quy Nhơn thử, kết quả dương tính, tôi bị lao phổi. Do tổ chức y tế của trung đoàn còn thô sơ, nên khi báo cáo lên trung đoàn bộ, trung đoàn trưởng cho tôi nghỉ phép dài hạn về quê chữa bệnh. Tôi suy nghĩ rất nhiều về nguyên nhân bệnh lao phổi. Đời sống bộ đội tuy có kham khổ, nhưng chiến sĩ công tác văn hóa nghệ thuật không đến nỗi khổ nhọc như các chiến sĩ tác chiến. Tôi chợt nhớ ra hai tháng trực điện báo 24/24. Sáu mươi đêm giấc ngủ chập chờn đã làm hao mòn phổi tôi. Đời sống bộ đội chỉ góp phần thêm chứ không phải là nguyên nhân chính…
Thế là tôi khoác ba lô về lại gia đình.
Về nhà, tôi xuống ngay Quy Nhơn gặp ông anh họ đang là bác sĩ tư ở đấy. Đưa phiếu xét nghiệm, anh ấy cho đi chiếu điện phổi, xác định là lao thời kỳ thứ nhất, có hy vọng chữa được. Tôi được ông anh họ, bác sĩ Nguyễn Hoàng, giúp chữa bệnh tại nhà, phối hợp thuốc Tây thuốc Bắc thuốc Nam và ăn uống tẩm bổ, sau hơn một năm thì khỏi bệnh. Tôi vào bệnh viện xin khám để tái ngũ thì bác sĩ khám của bệnh viện nhận xét “không đủ điều kiện sức khỏe để tái ngũ”. Tôi lên trung đoàn bộ trình giấy và được giải ngũ.